Cuộc đua xe điện TQ; Canada-TQ 'ăn miếng trả miếng'; Thượng đỉnh G7; Thủ đô Sudan rung chuyển; Israel không kích Gaza

Ồ ạt giảm giá, các hãng xe điện lôi nhau vào cuộc đua giành thị phần khốc liệt ở Trung Quốc, một lượng xe lớn tràn ra toàn cầu

(Ảnh minh họa).

Cuộc chiến xe điện tại thị trường Trung Quốc đang nóng hơn bao giờ hết.

Trung Quốc đang là điểm khởi đầu - nơi “bùng nổ” cuộc chiến giá cả của làng xe điện. Tâm điểm hiện nay là các dòng SUV điện - hiện do Tesla của Elon Musk và hãng nội địa Trung BYD chiếm ưu thế.

Một số nhà phân tích và giám đốc điều hành trong ngành cho biết, thị trường xe điện tại Trung Quốc đang trở nên “đông đúc” hơn với hơn 90 dòng xe, thậm chí là có ít nhất 20 mẫu xe mới đến từ Trung Quốc và các thương hiệu nước ngoài được tung ra vào tháng 4 vừa qua. Điều này đã khiến giá xe giảm kéo theo lợi nhuận tụt dốc dù có phần thúc đẩy xuất khẩu.

Một số nhà phân tích cho rằng các nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc đã “đi theo” kế hoạch giảm giá “táo bạo” của Tesla khi hạ giá những chiếc SUV chạy điện của họ. Điều này cũng đã khiến doanh số bán xe động cơ đốt trong (ICE) giảm.

Xu hướng này dự kiến sẽ lan rộng sang nước ngoài và việc xuất khẩu SUV điện do Trung Quốc sản xuất sẽ ngày càng tăng.

Tu Le, nhà sáng lập Sino Auto Insights, một công ty tư vấn giải pháp di chuyển cho biết: “Chúng ta sẽ thấy xe điện của Trung Quốc được xuất khẩu mạnh mẽ”.

Thị trường SUV đã bùng nổ ở Trung Quốc trong thập kỷ qua - chiếm 40% tổng số xe bán ra với 400 mẫu SUV vận hành bằng mọi loại nhiên liệu.

Số lượng xe SUV “made in China” được bán vào năm 2022 gần bằng với tổng số ô tô bán ra của châu Âu, tương đương hơn 11 triệu chiếc.

Ngoài ra, sự phổ biến của những chiếc SUV điện đã “bùng nổ” hơn kể từ khi dòng Model Y của Tesla được sản xuất tại Trung Quốc 2 năm trước. Điều này khiến nó trở thành một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất tại quốc gia này - thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Tờ Reuters đưa tin rằng các thương hiệu ô tô nội địa Trung và nước ngoài đều đã tung ra những mẫu xe mới tại Triển lãm ô tô Thượng Hải vào tháng 4/2023.

Volkswagen, BMW và Toyota đều đang dựa vào những chiếc SUV điện mới để thúc đẩy doanh số bán hàng tại Trung Quốc. Các startup xe điện nội địa Trung như Xpeng, Nio đang có 6 mẫu SUV, hay một số thương hiệu thuộc các công ty ô tô nhà nước như GAC Aion cũng đã đẩy mạnh thêm những chiếc SUV chạy điện.

Họ sẽ phải cạnh tranh lẫn nhau với 93 mẫu SUV điện hiện có tại thị trường của đất nước tỷ dân. Tại đây từng có khoảng 76 dòng SUV điện vào năm 2020 trước khi Tesla bắt đầu sản xuất Model Y tại Trung Quốc.

Mặc dù giá tăng nhẹ gần đây nhưng Model Y của Tesla tại Trung Quốc vẫn rẻ hơn khoảng 20% so với đầu tháng 10/2022.

Cuộc chiến giá cả

Khi xe của Tesla giảm giá, các mẫu xe của Xpeng, Leapmotor và những hãng khác cũng đã “đáp trả” bằng các đợt giảm giá của riêng mình. Ví dụ BYD đưa ra mức giảm giá 1.000 USD cho mỗi chiếc SUV Song Plus, tương đương khoảng 4%.

Mặt khác, một số hãng cũng từ chối việc giảm giá các dòng xe hiện tại để bảo vệ giá trị thương hiệu của mình. Thay vào đó, họ sẽ đưa ra mức giá khởi điểm thấp hơn dự kiến cho các mẫu xe mới, cùng với các tính năng lái tự động tốt hơn.

Ví dụ: thương hiệu xe điện cao cấp Zeekr của Geely Automobile Holdings đã định giá chiếc Zeekr X mới của mình với giá từ 27.500 USD, rẻ hơn 28% so với Model Y và gần bằng giá với CR-V của Honda.

Tu Le của Sino Auto Insights cho biết thực tế thị trường tại Trung Quốc đang có cuộc chiến vô cùng “khốc liệt”, đặc biệt là đối với các thương hiệu nước ngoài đang tiến vào với những chiếc SUV cỡ nhỏ có giá khoảng dưới 40.000 USD, như Ford.

Tờ Reuters nhận định, General Motors (GM), công ty có lợi nhuận từ thị trường Trung Quốc giảm gần 1/4 trong quý gần đây nhất cần những chiếc xe điện mới “thu hút” để xây dựng lại thị phần tại nơi này, nhưng áp lực là rất lớn.

Giám đốc điều hành GM Mary Barra cho biết: “Trung Quốc có khoảng 100 thương hiệu xe đang cạnh tranh doanh số”.

Tesla và Renault đã xuất khẩu những chiếc SUV điện do Trung Quốc sản xuất sang châu Âu với quy mô lớn. Tesla cũng sẽ bắt đầu vận chuyển những chiếc Model Y từ nhà máy ở Thượng Hải đến Canada - đây là lần xuất khẩu đầu tiên sang Bắc Mỹ, Reuters đưa tin.

Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc có kế hoạch riêng để tăng doanh số bán SUV điện sang châu Âu. Zeekr cho biết họ sẽ đưa Zeekr X đến Tây Âu. Được biết số SUV Atto 3 của BYD được xuất khẩu sang thị trường này đã tăng hơn gấp đôi trong quý I/2023.

(Nguồn: Soha)

Trung Quốc "ăn miếng trả miếng" với Canada

Trung Quốc đã yêu cầu một đặc phái viên Canada ở TP Thượng Hải rời khỏi nước này, hạn chót là vào ngày 13-5.

Báo South China Morning Post (SCMP) cho biết động thái trên nhằm trả đũa việc Canada trục xuất nhà ngoại giao Trung Quốc Triệu Nguy (Zhao Wei).

"Để đáp trả hành động bất hợp lý của Canada, Trung Quốc đã quyết định thực hiện biện pháp tương tự" - Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ngày 9-5.

Theo nguồn tin của SCMP, đặc phái viên Canada bị trục xuất tên là Jennifer Lalonde, hiện làm việc tại Tổng lãnh sự quán Canada ở TP Thượng Hải. Chưa dừng lại ở đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh có quyền thực hiện các biện pháp đáp trả kế tiếp.

Trước đó, một báo cáo tình báo của Canada cáo buộc ông Triệu Nguy cố gắng nhắm vào một nghị sĩ Canada, người đã chỉ trích hành động của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ thiểu số.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly khẳng định nước này sẽ không tha thứ cho bất kỳ hình thức can thiệp nước ngoài nào đối với "các vấn đề nội bộ của chúng tôi".

Tuy nhiên, Bắc Kinh lên án những lời buộc tội của Ottawa là vô căn cứ. Đại sứ quán Trung Quốc ở Canada cảnh báo Canada sẽ lãnh hậu quả, đồng thời tố Ottawa "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, các chuẩn mực cơ bản điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế, các thỏa thuận song phương liên quan và phá hoại quan hệ Trung Quốc - Canada".

Hồi tháng 3 năm nay, The Globe and Mail đưa tin "Trung Quốc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Canada vào năm 2019 và 2021". Song vào thời điểm đó, Canada không trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao Trung Quốc nào vì "không có bằng chứng thuyết phục về sự can thiệp của nước ngoài".

(Nguồn: Người Lao Động)

Thượng đỉnh G7 sẽ bàn 8 chủ đề chính

(Ảnh minh họa).

Tại Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Nhật Bản từ 19-21/5, nhóm G7 và một số nước, tổ chức quốc tế được mời tham dự sẽ tập trung thảo luận sâu rộng về hiện trạng, dự đoán xu hướng phát triển và đề xuất giải pháp cho 8 vấn đề khu vực và toàn cầu.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 8/5, một cán bộ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nói rằng, đã phản ứng một cách thống nhất trước việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, G7 sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt Nga cũng như ủng hộ Ukraine. Tại Thượng đỉnh G7, Nhật Bản nói riêng, G7 nói chung cũng sẽ tái khẳng định và tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Chủ đề thứ 3 mà G7 tập trung bàn thảo là giải trừ, không phổ biến vũ khí hạt nhân. G7 cũng sẽ thảo luận về khả năng phục hồi kinh tế và an ninh kinh tế, cụ thể là về chuỗi cung ứng linh hoạt, các chính sách và thông lệ phi thị trường… Về khí hậu và năng lượng, G7 sẽ đưa ra kế hoạch chi tiết về các lộ trình khác nhau hướng tới quá trình chuyển đổi linh hoạt, lưu ý đến các hoàn cảnh quốc gia và khu vực khác nhau, đồng thời kêu gọi các nhà phát thải lớn nỗ lực hơn nữa.

Về chủ đề Trung Quốc, G7 nhắc nhở Bắc Kinh tránh ép buộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. G7 vẫn quan tâm nghiêm túc về tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông, mạnh mẽ phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng chế. G7 phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực.

Với chủ đề lương thực, G7 sẽ xác định các lỗ hổng cấu trúc trong hệ thống lương thực toàn cầu và đặt ra các lộ trình để khắc phục chúng, đồng thời giải quyết các vấn đề cấp bách về lương thực trong ngắn hạn, trong đó có ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine. Với chủ đề y tế, sức khỏe, G7 sẽ dựa trên những bài học rút ra từ đại dịch COVID-19 để củng cố cấu trúc y tế toàn cầu, đặc biệt là công tác phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó các đại dịch trong tương lai. Ngoài ra, G7 đặt mục tiêu góp phần đạt được độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn cầu linh hoạt, công bằng và bền vững hơn cũng như thúc đẩy đổi mới y tế để giải quyết các thách thức y tế khác nhau.

Về chủ đề phát triển, để đạt được tất cả các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, G7 sẽ tổ chức các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề phát triển hiện tại với quan điểm hỗ trợ những người dễ bị tổn thương bị bỏ lại phía sau trong khủng hoảng, có tính đến khái niệm “an ninh con người” và phương pháp “lấy con người làm trung tâm”. Các biện pháp ứng phó vấn đề tài chính phát triển không minh bạch và không công bằng cũng sẽ được thảo luận.

Ngoài ra, Thượng đỉnh G7 sẽ thảo luận về một số chủ đề khác như khoa học công nghệ, số hóa, nhân quyền, bình đẳng giới…

(Nguồn: CafeF)

Thủ đô Sudan rung chuyển vì không kích giữa lệnh ngừng bắn

Hàng loạt cuộc không kích diễn ra ở thủ đô Khartoum trong thời gian ngừng bắn 7 ngày, giữa lúc các bên xung đột chưa đạt bước tiến đàm phán.

Các cư dân thủ đô Khartoum của Sudan hôm nay cho biết giao tranh dữ dội vẫn tiếp diễn trong thành phố, khiến nhiều người phải ẩn náu trong nhà giữa các đợt mất điện và nắng nóng gay gắt. "Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng những vụ không kích nhằm vào khu chợ gần trung tâm thành phố", một người sống ở phía nam Khartoum nói.

Thông tin được công bố trong bối cảnh đại diện các phe xung đột đang đàm phán tại Arab Saudi nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn nhân đạo với sự bảo trợ của Mỹ, nhưng chưa đạt được bước tiến đáng kể. "Không bên nào đề cập tới lệnh ngừng bắn lâu dài. Phe nào cũng tin rằng họ đủ khả năng giành chiến thắng", một nhà ngoại giao Arab Saudi giấu tên tiết lộ.

Giao tranh nổ ra giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) từ ngày 15/4 sau những tuần căng thẳng về việc sáp nhập RSF vào quân đội chính quy. Tướng Abdel Fattah al-Burhan, chỉ huy quân đội Sudan và tướng Mohamed Hamdan Daglo, lãnh đạo RSF đạt thỏa thuận ngừng bắn ngày 4-11/5.

Hàng trăm người đã chết và hàng nghìn người bị thương vì giao tranh khi các cuộc không kích và pháo kích qua lại ở nhiều khu vực của Sudan, đặc biệt là thủ đô Khartoum. Hàng chục nghìn người Sudan cũng phải sơ tán.

Quan chức nhân đạo hàng đầu Liên Hợp Quốc Martin Griffiths ngày 30/4 cho biết tình hình nhân đạo của Sudan đã đến "điểm giới hạn" khi hàng triệu người không thể tiếp cận nhu yếu phẩm. Cựu thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok trước đó nói xung đột ở nước này có thể trở thành một trong những cuộc nội chiến khốc liệt nhất thế giới nếu không sớm kết thúc.

Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Biển Đỏ, có dân số gần 48 triệu người. Đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên nằm giữa khu vực Hạ Sahara và Trung Đông, nhưng các cuộc xung đột liên miên khiến Sudan không thể phát triển về kinh tế.

(Nguồn: Vnexpress)

Israel không kích dải Gaza, 3 chỉ huy Thánh chiến Hồi giáo thiệt mạng

(Ảnh minh họa).

Israel đã giết chết 3 chỉ huy cấp cao của lực lượng Thánh chiến Hồi giáo và ít nhất 6 dân thường trong các cuộc không kích ở Gaza ngày 9.5.

Reuters dẫn lời các quan chức Palestine cho biết Israel đã giết chết 3 chỉ huy cấp cao của Phong trào Thánh chiến Hồi giáo và ít nhất 6 dân thường trong các cuộc không kích ở dải Gaza ngày 9.5.

Theo tuyên bố của quân đội Israel, họ đã nhắm vào 3 chỉ huy của Phong trào Thánh chiến Hồi giáo, nhóm vũ trang mạnh thứ hai ở dải Gaza. "Bất kỳ kẻ khủng bố nào làm hại công dân Israel sẽ phải hối hận", Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Israel cho biết.

Ông Gallant nói thêm rằng quân đội Israel với sự hợp tác của cơ quan tình báo Shin Bet đã nhắm vào lãnh đạo của Phong trào Thánh chiến Hồi giáo ở Gaza trong một chiến dịch "chính xác".

Tuy nhiên, một quan chức y tế dải Gaza cho biết ít nhất 12 người đã thiệt mạng và 20 người khác bị thương trong các cuộc không kích nhằm vào các khu dân cư.

Phong trào Thánh chiến Hồi giáo cũng xác nhận các chỉ huy bị giết là Jihad Ghannam, Khalil Al-Bahtini và Tareq Izzeldeen. "Chúng tôi sẽ không từ bỏ vị trí của mình và cuộc kháng chiến sẽ tiếp tục, nếu Chúa muốn", nhóm này tuyên bố.

Các vụ nổ mạnh đã làm rung chuyển khu vực trong nhiều giờ ngày 9.5. Theo các nhân chứng, máy bay của Israel đã tấn công nơi trú ẩn của Phong trào Thánh chiến Hồi giáo tại các khu dân cư và nhiều địa điểm trên khắp dải Gaza.

"Oanh tạc sẽ được đáp trả bằng oanh tạc, tấn công sẽ nhận lại tấn công. Tội ác này là không thể tha thứ", phát ngôn viên của Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Tareq Selmi tuyên bố.

Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công của Israel và leo thang bạo lực ở Bờ Tây trong năm nay. Người Palestine cũng không ít lần tấn công người Israel trên đường phố.

Hơn 100 người Palestine, ít nhất 19 người Israel và người nước ngoài đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kể từ tháng 1 đến nay.

Điều phối viên Hoạt động của Chính phủ Israel tại các vùng lãnh thổ (COGAT), một đơn vị của Bộ Quốc phòng Israel chịu trách nhiệm điều phối các vấn đề dân sự với người Palestine, cho biết hai cửa khẩu Gaza đã bị đóng lại cho đến khi có thông báo mới.

Quân đội Israel cũng kêu gọi người dân ở các thị trấn trong phạm vi 40 km tính từ dải Gaza nên di chuyển đến gần các hầm tránh bom từ sáng 9.5 cho đến chiều 11.5 để đề phòng các vụ bắn tên lửa trả đũa.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang