Sóng nhiệt châu Á; Nạn đói toàn cầu; Mỏ vàng chết chóc ở Peru; Nga tấn công Ukraine; Khởi đầu mới cho Syria

Châu Á đối mặt nguy cơ sóng nhiệt khắc nghiệt trong năm nay

(Ảnh minh họa).

Chuyên gia cảnh báo hiện tượng El Nino có thể khiến châu Á trong năm nay đối mặt với nắng nóng khắc nghiệt, kéo theo hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan khác.

Theo SCMP, tháng 4 năm nay đã trở thành tháng 4 nóng nhất trong lịch sử châu Á với hàng loạt kỷ lục về nhiệt độ bị xô đổ ở các quốc gia trên khắp châu lục.

Tại Thái Lan, chỉ số nhiệt ở một số vùng lên tới mốc 50 độ C. Tại Ấn Độ, ít nhất 13 người chết vì say nắng và hàng chục người phải nhập viện khi nắng nóng lên mức 45 độ C tại một sự kiện vào giữa tháng 4. Và tại Trung Quốc, gần một năm kể từ đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng năm 2022, hơn 100 trạm thời tiết vào tháng trước đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất. Luang Prabang ở Lào đạt mức cao kỷ lục 42,7 độ C và nhiệt độ đạt mốc 45 độ C ở Myanmar.

Ở Bangladesh, đã có báo cáo về việc mặt đường tan chảy dưới đợt nắng nóng chói chang ở thủ đô Dhaka. Tại Ấn Độ, chính quyền các bang đóng cửa trường học và các quan chức kêu gọi trẻ em ở nhà để tránh bị tổn hại sức khỏe vì nắng nóng cực đoan.

Liên hợp quốc cho biết 8 năm qua là thời kỳ nóng nhất thế giới từng ghi nhận, mặc dù Trái đất đã trải qua La Nina trong gần một nửa khoảng thời gian trên. Nếu không có La Nina, tình trạng Trái đất nóng lên có thể còn tồi tệ hơn.

Năm nay, El Nino - hiện tượng trái ngược với La Lina - dự kiến sẽ quay trở lại và các chuyên gia cảnh báo, các kỷ lục nhiệt độ có nguy cơ bị xô đổ, bao gồm cả ở châu Á. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và cực đoan đang trở nên phổ biến hơn, với các chuyên gia cảnh báo rằng tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng sẽ gia tăng khi biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

Theo chuyên gia Benjamin Horton tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nắng nóng không chỉ do El Nino gây ra và cho thấy Trái đất đang nóng lên.

Các hoạt động của con người, bao gồm đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng đã gây ra khủng hoảng khí hậu khi giải phóng lượng khí nhà kính ngày càng tăng vào bầu khí quyển, làm hành tinh ấm lên.

Chuyên gia cảnh báo, sóng nhiệt cực đoan có thể khiến châu Á đối diện với nguy cơ hạn hán, mất mùa, gây nguy hại tới sức khỏe con người, cháy rừng, thiếu nước sinh hoạt, cùng hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng khác.

(Nguồn: Dân Trí)

Nạn đói trên toàn cầu gia tăng năm thứ 4 liên tiếp: Lượng người tương đương 2,5 lần dân số Việt Nam bị đe doạ tính mạng vì đói

Xung đột Ukraine làm ảnh hưởng an ninh lương thực, thời tiết khắc nghiệt là những nguyên nhân chính khiến nạn đói trên toàn cầu gia tăng

Số người phải đối mặt với nạn đói đe doạ đến tính mạng trên khắp thế giới đã tăng 1/3 vào năm ngoái khi các cú sốc kinh tế trở nên tồi tệ hơn và giá lương thực tăng vọt.

Theo Mạng lưới Toàn cầu Chống khủng hoảng lương thực, nạn đói trên thế giới đã tăng trong năm thứ 4 liên tiếp, lên gấp đôi số người trong khoảng thời gian đó. Báo cáo từ Liên minh Các tổ chức Viện trợ quốc tế nêu chi tiết xung đột Nga – Ukraine đã có “tác động quá lớn” đối với hệ thống lương thực tế giới.

Báo cáo cho thấy khoảng 258 triệu người trên 58 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ bị mất an ninh lương thực đủ nghiêm trọng để đe doạ tính mạng hoặc sinh kế của họ vào năm 2022. Con số này tăng từ 193 triệu người ở 53 quốc gia vào năm 2021. Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và sự gia tăng dân số góp phần gây ra bước nhảy vọt đáng lo ngại về lượng người gặp nạn đói. Đây là tình trạng đáng lo ngại khi các quốc gia nghèo nhất chính là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Hơn 1/4 tỷ người hiện đang phải đối mặt với nạn đói ở mức độ nghiêm trọng và một số người đang trên bờ vực chết đói”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết.

Những cú sốc kinh tế là chất xúc tác chính ở gần một nửa khu vực, bao gồm giá lương thực tăng cao và gián đoạn thương mại bắt nguồn từ xung đột Ukraine – nhà cung cấp ngũ cốc và dầu thực vật lớn của thế giới. Mặc dù chi phí hàng hoá – thực phẩm đã giảm kể từ đó nhưng vẫn ở mức cao trong lịch sử và lạm phát lương thực đã tăng hơn 10% tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thời tiết khắc nghiệt bao gồm hạn hán gần đây ở châu Phi, lũ lụt năm ngoái ở Pakistan càng làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Congo, Afghanistan, Nigeria và Yemen nằm trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

(Nguồn: CafeF)

Tiếng hét xé lòng bên ngoài thảm họa mỏ vàng chết chóc ở Peru

(Ảnh minh họa).

Ít nhất 27 công nhân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại một mỏ vàng ở miền Nam Peru, khiến đây trở thành một trong những thảm họa khai thác tồi tệ nhất lịch sử gần đây của đất nước.

"Sở cảnh sát Yanaquihua đã xác nhận có 27 người chết", Reuters dẫn lời công tố viên Giovanni Matos nói với truyền hình địa phương hôm 7/5.

Trong một tuyên bố, chính quyền địa phương cho biết chập điện là nguyên nhân gây ra vụ nổ và cháy bên trong một đường hầm thuộc mỏ La Esperanza 1 ở Yanaquihua, tỉnh Condesuyos, vùng Arequipa, vào sáng sớm ngày 5/5.

Hình ảnh trên phương tiện truyền thông địa phương và mạng xã hội cho thấy những cột khói đen bốc ra từ hiện trường.

Người nhà nạn nhân đau buồn tập trung gần mỏ để tìm kiếm tin tức của người thân.

"Anh yêu, anh ở đâu?", Marcelina Aguirre hét lên. Chồng cô, Federico Idme Mamani, 51 tuổi, nằm trong số các nạn nhân.

"Chúng tôi biết có sự cố chập điện và từ đó gây ra vụ cháy. Chúng tôi rất sốc", Francisco, anh trai của nạn nhân, nói với AFP.

Vụ nổ đã gây ra ngọn lửa đốt cháy các thanh đỡ bằng gỗ bên trong mỏ. Các nạn nhân ở độ sâu 100 m dưới mặt đất, truyền thông địa phương cho biết.

Tin tức về vụ hỏa hoạn chỉ được công bố vào ngày 7/5 sau khi cảnh sát thu thập được thông tin về những người thiệt mạng.

Các đội cứu hộ đang cố gắng bảo vệ khu mỏ trước khi đưa các thi thể nạn nhân ra ngoài.

Không có báo cáo về người sống sót, cũng không có xác nhận cụ thể số người ở trong hầm mỏ vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn.

Thị trưởng Yanaquihua James Casquino nói với hãng thông tấn Andina rằng hầu hết thợ mỏ có thể đã chết vì ngạt thở và bỏng.

(Nguồn: Zing News)

Nga tấn công dữ dội Ukraine trước ngày Chiến thắng 9/5

Nga đã phát động một làn sóng tấn công quy mô lớn nhằm vào Kyiv và trên khắp lãnh thổ Ukraine, trước ngày Chiến thắng 9/5, đánh dấu Đức Quốc xã bại trận, theo Reuters.

Hôm thứ Hai 8/5, các quan chức cho biết các cuộc tấn công vào Kyiv đã gieo rắc sự tàn phá và khiến ít nhất năm người bị thương. Các tên lửa của Nga khiến một nhà kho thực phẩm ở thành phố Odesa ở Biển Đen bốc cháy và các vụ nổ đã được ghi nhận ở một số khu vực khác của Ukraine.

Các cuộc tấn công mới xảy ra khi Moscow chuẩn bị cho cuộc duyệt binh nhân ngày Chiến thắng vào thứ Ba 9/5, một lễ kỷ niệm quan trọng đối với Tổng thống Vladimir Putin, người đã khơi dậy tinh thần của quân đội Liên Xô khi đánh bại Đức Quốc xã, nhằm tuyên bố Nga sẽ đánh bại một Ukraine được cho là hiện thân mới của chủ nghĩa phát xít.

Nga đã tăng cường pháo kích vào Bakhmut với hy vọng chiếm được thành phố này vào thứ Ba 9/5, vị tướng hàng đầu của Ukraine phụ trách bảo vệ thành phố đang bị Nga bao vây này cho biết, sau khi nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga dường như đã bỏ kế hoạch rút quân.

Ba người bị thương trong vụ nổ ở quận Solomyanskyi của Kyiv và hai người khác bị thương khi mảnh vỡ của chiếc drone rơi xuống quận Sviatoshyn, cả hai đều nằm ở phía tây trung tâm thủ đô, Thị trưởng Vitali Klitschko cho biết trên kênh Telegram của mình.

Cơ quan quản lý quân sự của Kyiv cho biết mảnh vỡ của chiếc drone rơi xuống đường băng của sân bay Zhuliany, một trong hai sân bay hành khách của thủ đô Ukraine, không gây ra hỏa hoạn, nhưng các cơ quan dịch vụ khẩn cấp đang làm việc ở địa điểm này.

Tại quận Shevchenkivskyi ở trung tâm của Kyiv, các mảnh vỡ của chiếc drone dường như đã rơi trúng một tòa nhà hai tầng, gây thiệt hại. Không có thông tin ngay lập tức nào về thương vong.

Các nhân chứng của Reuters cho biết họ đã nghe thấy nhiều tiếng nổ ở Kyiv, các quan chức địa phương nói rằng các hệ thống phòng không đang đẩy lùi các cuộc tấn công. Hiện chưa rõ có bao nhiêu chiếc drone đã được phóng nhằm vào Kyiv.

Serhiy Bratchuk, phát ngôn viên của chính quyền quân sự Odessa, đã đăng trên kênh Telegram của mình những bức ảnh về một công trình xây dựng lớn chìm trong biển lửa - điều mà ông nói là một cuộc tấn công của Nga nhằm vào kho lương thực, trong số những nơi khác.

Sau khi các cảnh báo không kích vang lên trong nhiều giờ trên khoảng 2/3 lãnh thổ Ukraine, các phương tiện truyền thông cũng đưa tin về các vụ nổ ở khu vực phía nam Kherson và khu vực Zaporizhzhia ở phía đông nam.

Vladimir Rogov, một quan chức địa phương do Nga bổ nhiệm ở Zaporizhzhia, nói rằng các lực lượng Nga đã tấn công một nhà kho và vị trí của quân đội Ukraine ở Orikhiv, một thành phố nhỏ trong khu vực.

Reuters đã không thể xác minh độc lập tuyên bố này.

Trong một diễn biến khác, các lực lượng Nga đã nã pháo vào tám địa điểm ở vùng Sumy, đông bắc Ukraine vào Chủ nhật 7/5, chính quyền quân sự khu vực viết trong một bài đăng trên Facebook.

Trong hai tuần qua, các cuộc không kích đã được tăng cường ráo riết nhằm vào các mục tiêu do Nga nắm giữ, đặc biệt là ở Crimea. Ukraine, không xác nhận vai trò bất kỳ nào trong các cuộc tấn công, nói rằng việc phá hủy cơ sở hạ tầng của kẻ thù là để chuẩn bị cho đợt tấn công trên bộ vốn được mong chờ từ rất lâu.

Cuộc xâm lược Ukraine của Putin là xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ II đến nay, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và buộc hàng triệu người phải rời bỏ quê hương.

(Nguồn: BBC)

Khởi đầu mới cho Syria sau 12 năm xung đột

(Ảnh minh họa).

Các nước Ả Rập kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng do nội chiến ở Syria, bao gồm cả việc người tị nạn chạy sang các nước láng giềng và buôn lậu ma túy trong khu vực.

Ngoại trưởng của các quốc gia thuộc Liên đoàn Ả Rập (AL) hôm 7/5 đã thông qua quyết định nhận lại Syria sau hơn một thập kỷ đình chỉ, người phát ngôn của AL Gamal Roshdy cho biết. Động thái trên giúp củng cố nỗ lực thúc đẩy bình thường hóa quan hệ trong khu vực với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Quyết định được đưa ra tại một cuộc họp kín của các Bộ trưởng Ngoại giao tại trụ sở của Liên đoàn Ả Rập ở Cairo, ông Roshdy cho biết.

“Chúng tôi có trách nhiệm lịch sử là sát cánh bên người dân Syria để giúp họ lật trang lịch sử đau buồn của họ”, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry, người đã khai mạc phiên họp hôm 7/5 tại Cairo, cho biết. “Chính phủ Syria có trách nhiệm đạt được một giải pháp chính trị”, ông nói thêm.

Quyết định cho biết, Syria có thể ngay lập tức tiếp tục tham gia các cuộc họp của Liên đoàn Ả Rập, đồng thời kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng do nội chiến ở Syria, bao gồm cả việc người tị nạn chạy sang các nước láng giềng và buôn lậu ma túy trong khu vực.

Trong khi các quốc gia Ả Rập bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã thúc đẩy khôi phục tư cách thành viên của Syria và bình thường hóa quan hệ với chế độ của ông al-Assad, thì những quốc gia khác, bao gồm Qatar, vẫn phản đối việc bình thường hóa hoàn toàn mà không có giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria.

Một số quốc gia muốn đặt điều kiện cho sự trở lại của Syria, với việc Ngoại trưởng Jordan tuần trước nói rằng việc Liên đoàn Ả Rập nhận lại Syria sẽ chỉ là khởi đầu của “một quá trình rất dài, khó khăn và đầy thách thức”.

Quyết định hôm 7/5 cho biết, các nước Jordan, Ả Rập Xê-út, Iraq, Lebanon, Ai Cập và Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập sẽ thành lập một nhóm liên lạc cấp Bộ trưởng để liên lạc với Chính phủ Syria và tìm kiếm các giải pháp “từng bước” cho cuộc khủng hoảng.

Các bước thực tế bao gồm các nỗ lực liên tục để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ ở Syria, theo một bản sao của quyết định mà Reuters được tiếp cận.

Tư cách thành viên Liên đoàn Ả Rập của Syria đã bị đình chỉ vào năm 2011 sau khi làn sóng biểu tình biến thành bạo lực trên đường phố dẫn đến một cuộc nội chiến tàn khốc, và nhiều quốc gia Ả Rập đã rút các phái viên của họ ra khỏi Damascus.

Gần đây, các quốc gia Ả Rập đang cố gắng đạt được sự đồng thuận về việc có nên mời ông al-Assad tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập vào ngày 19/5 tới tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê-út để thảo luận về tốc độ bình thường hóa quan hệ và những điều khoản mà Syria có thể được phép quay trở lại.

Ả Rập Xê-út từ lâu đã phản đối việc khôi phục quan hệ với ông al-Assad, nhưng sau khi Riyadh nối lại quan hệ gần đây với Iran – đồng minh khu vực quan trọng của Syria, nước này cho biết cần có một cách tiếp cận mới với Damascus

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang