Cuộc chiến phản đối 'thuế đường'; Dầu Nga rộng cửa vào EU; Tây Tạng đang chết dần; NATO đông tiến; Donbass 'nóng rực'

Cuộc chiến hàng triệu USD trên thế giới để phản đối 'thuế đường'

(Ảnh minh họa).

Ngành công nghiệp nước giải khát ở nhiều quốc gia trên thế giới đã chi hàng triệu USD vận động hành lang để phản đối khoản thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại đồ uống có đường.

Cuộc chiến xoay quanh loại thuế đối với nước giải khát có đường (còn được gọi là thuế đường) đã diễn ra gay gắt và kéo dài, Guardian nhận định.

Những người ủng hộ lập luận rằng việc tăng giá đồ uống có đường sẽ làm giảm mức tiêu thụ và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Nhưng với người phản đối, điều đó chỉ đơn giản là tạo thêm gánh nặng.

Sau nhiều năm, các nghiên cứu vẫn chưa cho kết luận ngã ngũ về hiệu quả của loại thuế này. Trong khi đó, ngành công nghiệp soda đã đổ hàng triệu USD vào nỗ lực ngăn chặn thuế đường.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chúng có lợi.

Chi đậm

Các nhà nghiên cứu ở California và Illinois phát hiện thuế soda khiến mọi người tiêu thụ ít đường hơn. Một phân tích tổng hợp, được công bố vào năm 2021, cho thấy rằng ở 5 địa điểm có đánh thuế nước ngọt có ga, nhu cầu về đồ uống có đường giảm trung bình 20%.

Nhiều chuyên gia y tế công cộng ủng hộ việc mở rộng áp dụng thuế soda hiện tại ở Mỹ.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp soda vẫn tiếp tục chiến dịch chống lại khoản thuế đó. Họ dường như đã chiến thắng vì kể từ năm 2018, Mỹ chưa ban hành thêm sắc thuế nào với đồ uống có đường.

Cựu Thống đốc New York David Paterson từng đề xuất đánh thuế soda vào năm 2008. Tuy ông không thành công, ý tưởng này bắt đầu thu hút sự chú ý của các thành phố và tiểu bang trên khắp nước Mỹ. Năm 2015, Berkeley, California trở thành nơi đầu tiên ở Mỹ đánh thuế đồ uống có đường.

Ngành công nghiệp soda đã chi ít nhất 2,4 triệu USD để phản đối khoản thuế này, theo hồ sơ tài chính chiến dịch của bang California. Mặc dù nỗ lực ấy thất bại, cuộc đấu vẫn chưa chấm dứt.

Dưới sự dẫn dắt của Hiệp Hội Đồ uống Mỹ, ngành này thay đổi chiến thuật, tập trung vận động hành lang và rót hàng triệu USD vào một sáng kiến lập pháp. Nếu được thông qua, sáng kiến này sẽ khiến các thành phố tại California gần như không thể ban hành thêm bất kỳ khoản thuế nào ở cấp địa phương.

Động thái ấy đã phát huy hiệu quả. Vào năm 2018, các nhà lập pháp bang California đồng ý cấm đánh thuế nước ngọt có ga cho đến năm 2031. Đổi lại, các công ty nước ngọt có ga từ bỏ sáng kiến lập pháp trên. Các thành phố vốn đang chuẩn bị đánh "thuế đường" đã buộc phải dừng lại.

Sau sắc thuế ở Berkeley, những người ủng hộ sức khỏe cộng đồng từng dự đoán về sự xuất hiện của một làn sóng thuế soda mới trên khắp nước Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ một số ít thành phố - bao gồm thành phố Philadelphia, thành phố Oakland của California và thành phố Boulder của Colorado - đã ban hành thuế soda trong những năm sau đó.

Sau khi thành phố Seattle bắt đầu đánh thuế đồ uống có đường vào tháng 1/2018, ngành công nghiệp soda đã chi 22 triệu USD vận động hành lang để đề xuất lệnh cấm thông qua đề xuất này trên toàn tiểu bang Washington.

Tới nay, hầu hết ngành công nghiệp soda vẫn luôn kiên quyết phản đối việc đưa thuế soda vào chính sách của tiểu bang hoặc liên bang ở Mỹ.

“Thuế sẽ không làm cho mọi người khỏe mạnh hơn, mà chỉ khiến họ nghèo hơn”, Hiệp hội Đồ uống Mỹ cho biết trên website.

Kiên quyết phản đối

Bên ngoài nước Mỹ, hồi năm 2016, ngành công nghiệp nước giải khát đã tăng cường vận động hành lang chính phủ Anh để loại bỏ hoặc giảm thuế đường của bộ trưởng Tài chính, khi đó là George Osborne.

Họ tài trợ một bữa tiệc đồ uống cho các nghị sĩ đảng Bảo thủ, cũng như đặt những bài quảng cáo ngập tràn các website chính trị.

Tại một bữa tiệc đồ uống tại hội nghị đảng Bảo thủ do ngành này tài trợ, người phát ngôn của Hiệp hội Nước giải khát Anh đã xin bộ trưởng Kinh doanh, khi đó là ông Greg Clark, cùng các nghị sĩ trong Nhóm Cải cách Bảo thủ từ bỏ ủng hộ khoản thuế này.

Ông khẳng định nó sẽ gây hại cho các doanh nghiệp nhỏ và gây mất việc làm vào thời điểm khó khăn cho nền kinh tế. “Bất kỳ ai tin rằng điều này sẽ có tác động rõ rệt đến bệnh béo phì cần phải đặt câu hỏi với quan điểm đó”, vị này nói.

Khoản thuế này, bắt đầu được áp dụng vào năm 2018, được cho sẽ làm tăng giá các loại đồ uống như Red Bull, Capri Sun, Sprite và một số phiên bản cola.

Coca-Cola và các công ty nước giải khát khác bị ảnh hưởng bởi thuế đường đã cảnh báo rằng loại thuế này sẽ không làm giảm béo phì.

“Chúng tôi không tin rằng đánh thuế đường là điều nên làm. Chúng tôi không tranh luận về vấn đề, chúng tôi đang tranh luận về giải pháp. Thực tế không cho thấy thuế đường có tác dụng thay đổi hành vi”, Leendert den Hollander, lãnh đạo của Coca-Cola tại Anh, cho biết năm 2016.

Sau đó, nhiều chủ sở hữu thương hiệu nước giải khát đã cải tiến sản phẩm để tránh phải trả thuế.

Mhairi Brown, Giám đốc chính sách và quan hệ công chúng tại nhóm chiến dịch Action on Sugar của Anh, tuyên bố loại thuế này đã khiến 48 triệu kg đường được "loại bỏ khỏi chế độ ăn uống của quốc gia mỗi năm", viện dẫn giai đoạn 2015-2019.

“Các biện pháp như vậy hiện phải được chính phủ ủng hộ và bảo vệ để giúp ngăn chặn những cái chết và nỗi đau không cần thiết của hàng nghìn người do chế độ ăn uống không lành mạnh gây ra, đồng thời tiết kiệm cho Dịch vụ Y tế Anh (NHS) hàng tỷ bảng mỗi năm”, ông Brown nhận định.

Theo nghiên cứu do các chuyên gia Đại học Cambridge dẫn dắt, thuế đường đánh vào nhiều loại đồ uống có thể đã ngăn chặn hơn 5.000 trường hợp béo phì mỗi năm trong nhóm bé gái đang học năm cuối tiểu học.

“Đây là lý do Anh đưa ra thuế với ngành nước giải khát và bằng chứng cho đến nay rất hứa hẹn”, tiến sĩ Nina Rogers, thuộc đơn vị dịch tễ học của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa tại Đại học Cambridge, nhận định.

Trong khi đó, tại Nam Phi, chính phủ đã trì hoãn kế hoạch tăng thuế đường gây tranh cãi đến tháng 4. Hiệp hội những người trồng mía Nam Phi (SA Canegrowers) vẫn tiếp tục tranh luận về việc bỏ toàn bộ thuế để hỗ trợ ngành đang suy thoái.

Áp lực của hạn hán, đường nhập khẩu giá rẻ từ Brazil và Swaziland, giá phân bón tăng và tác động kéo dài của các cuộc bạo loạn vào tháng 7/2021 - đã gây thiệt hại lớn cho ngành mía thô ở Nam Phi. Điều này tiếp tục cản trở sự tăng trưởng của ngành đường của Nam Phi.

Thomas Funke, Giám đốc điều hành của SA Canegrowers, cho biết các loại thuế bổ sung trong lĩnh vực này sẽ khiến những người trồng mía phải “đấu tranh để sinh tồn”.

(Nguồn: Zing News)

Lách cấm vận thành công, dầu Nga rộng cửa vào châu Âu: Cố vấn Ukraine thừa nhận "hoàn toàn hợp pháp"

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen từng tuyên bố, sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu mỏ và khí đốt của Nga đã là "lịch sử".

Nhưng các quan chức cấp cao của Ukraine và những người trong ngành nói rằng “lịch sử vẫn đang được viết tiếp”. Họ cho rằng, một lượng đáng kể hydrocarbon của Nga, đặc biệt là dầu mỏ, vẫn đang né tránh các lệnh trừng phạt và chảy vào thị trường châu Âu.

Theo tờ Politico (Mỹ), dầu thô nổi tiếng là khó theo dõi trên thị trường toàn cầu. Nó có thể dễ dàng được trộn lẫn với các lô hàng khác ở các quốc gia quá cảnh, tạo ra một lô dầu lớn hơn mà nguồn gốc của chúng không thể xác định được. Quá trình tinh chế - cần thiết cho bất kỳ nhu cầu sử dụng thực tế nào - cũng loại bỏ mọi dấu vết về nguồn gốc của nguyên liệu.

Một mạng lưới phức tạp gồm các công ty vận chuyển, mang cờ của các khu vực pháp lý khó hiểu ở nước ngoài, làm tăng thêm một lớp bí ẩn.

Mikhail Khodorkovsky - cựu Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Yukos (Nga) - cho biết: “Không giống như khí đốt đường ống, thị trường dầu mỏ mang tính toàn cầu; và việc trao đổi, trộn lẫn các loại dầu là chuyện bình thường.”

Dầu Nga đi "cửa sau" vào châu Âu?

Theo tờ Politico, EU đã cấm phần lớn nhiên liệu hóa thạch của Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, ngoại trừ số lượng hạn chế dầu thô đường ống, khí đốt đường ống, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm dầu mỏ.

Nhưng khối lượng lớn dầu thô của Nga - nguồn doanh thu lớn hơn khí đốt - vẫn đang được vận chuyển ra thị trường toàn cầu, khiến một số chuyên gia nghi ngờ rằng họ đang tìm đường đến thị trường châu Âu qua “cửa hậu”.

Saad Rahim - nhà kinh tế trưởng tại công ty thương mại hàng hóa toàn cầu Trafigura - cho biết: “Kể từ khi áp dụng các biện pháp trừng phạt, lượng dầu thô mà Nga xuất khẩu vẫn ổn định. Có thể dầu của Nga vẫn đang được bán cho EU và các quốc gia phương Tây thông qua bên trung gian.”

Một tuyến đường tiềm năng để dầu Nga vào châu Âu là đi qua Azerbaijan - giáp với Nga và là điểm khởi đầu của đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan do tập đoàn dầu khí BP vận hành. Cảng Ceyhan ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trung tâm cung cấp chính mà từ đó dầu thô được vận chuyển đến châu Âu; nó cũng nhận được số lượng lớn dầu từ Iraq thông qua đường ống Kirkuk-Ceyhan.

François Bellamy - thành viên Ủy ban Công nghiệp, Nghiên cứu và Năng lượng của Nghị viện Châu Âu - đã đưa ra những nghi ngờ về tuyến đường này trong một câu hỏi gần đây với Ủy ban.

Ông Bellamy cho biết, dữ liệu cho thấy Azerbaijan đã xuất khẩu nhiều hơn 242.000 thùng dầu/ngày so với sản lượng trong nước từ tháng 4 đến tháng 7 năm ngoái.

“Làm thế nào một quốc gia có thể giảm sản xuất và tăng xuất khẩu cùng một lúc? Có điều gì đó hoàn toàn không nhất quán trong các số liệu và sự không nhất quán này tạo ra những nghi ngờ rằng các biện pháp trừng phạt đang mất hiệu lực”, ông Bellamy nói.

Ủy ban Công nghiệp, Nghiên cứu và Năng lượng cho biết, họ đang nỗ lực khắc phục những kẽ hở trong các biện pháp trừng phạt và đã bổ nhiệm cựu đại sứ EU tại Hoa Kỳ David O’Sullivan làm đặc phái viên có nhiệm vụ giải quyết hành vi lách luật.

Aykhan Hajizada - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Azerbaijan - cho biết: “Azerbaijan không xuất khẩu dầu của Nga sang EU thông qua đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan”, đồng thời cho biết thêm rằng trong khi “Azerbaijan tiếp tục sử dụng tất cả dầu không bị trừng phạt bất kể từ nguồn nào, cũng như tiến hành các hoạt động cung cấp và giao dịch của mình với sự thận trọng và cần mẫn tối đa, phù hợp với các luật và quy định liên quan.”

Tập đoàn dầu khí BP trước đó cũng đã phủ nhận cáo buộc rằng đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan vận chuyển dầu của Nga.

Dữ liệu mà phóng viên Politico tiếp cận được cho thấy, các chuyến hàng dầu thô từ Ceyhan sang EU gần đây đã có sự sụt giảm về khối lượng, từ khoảng 3 triệu tấn/tháng (khoảng 700.000 thùng/ngày) vào đầu năm 2022 xuống còn khoảng 2 triệu tấn/tháng trong năm nay.

Cố vấn Ukraine thừa nhận dầu Nga vào châu Âu "hợp pháp"

Tuy nhiên, cùng lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp đôi lượng dầu nhập khẩu trực tiếp từ Nga vào năm ngoái, và cũng đã từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô của Nga, mặc dù vẫn cung cấp hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine.

Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) của Phần Lan đã cảnh báo vào cuối năm ngoái rằng, "một tuyến đường mới cho dầu mỏ của Nga tới EU đang xuất hiện thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, một điểm đến ngày càng tăng đối với dầu thô của Nga", nơi nó được tinh chế thành các sản phẩm dầu mỏ không bị trừng phạt và bán đi.

Oleg Usenko - cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - nói với Politico: “Chúng tôi có đủ bằng chứng cho thấy một số công ty quốc tế đang mua các sản phẩm dầu đã được lọc từ dầu thô của Nga và bán chúng sang châu Âu. Điều đó hoàn toàn hợp pháp , nhưng không có nghĩa là chúng ta không cần phải làm gì.”

Hôm 20/3, tổ chức phi chính phủ Global Witness của Anh đã công bố một báo cáo cho thấy, dầu của Nga đã liên tục được bán với giá vượt xa mức trần 60 USD do các nước G7 áp đặt vào tháng 12 năm ngoái.

Mai Rosner - một trong những tác giả của bản báo cáo - cho biết: “Thực tế là dầu của Nga tiếp tục chảy vòng quanh thế giới là một đặc điểm, không phải lỗi của các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Các chính phủ đã cung cấp cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch một cánh cửa rộng mở, và các thương nhân hàng hóa cũng như các công ty dầu mỏ lớn đang khai thác những kẽ hở này để tiếp tục kinh doanh như bình thường."

(Nguồn: CafeF)

Tây Tạng đang ‘chết dần chết mòn’ dưới tay Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Tây Tạng đang “chết dần chết mòn” dưới sự cai trị của Trung Quốc, người đứng đầu tổ chức có trụ sở tại Ấn Độ được gọi là chính phủ Tây Tạng lưu vong ngày 28/3 tuyên bố trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Hoa Kỳ.

Một số nhà hoạt động Tây Tạng than thở về những gì mà họ gọi là sự lơ là đối với các vi phạm nhân quyền bị cáo giác của Trung Quốc ở Tây Tạng trong bối cảnh Mỹ và phương Tây ngày càng chú tâm tới việc Bắc Kinh mở rộng quân sự, áp lực đối với Đài Loan dân chủ và đàn áp ở Hong Kong cũng như ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

“Nếu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không đảo ngược hoặc thay đổi các chính sách hiện tại của mình, thì Tây Tạng và người dân Tây Tạng chắc chắn sẽ chết dần chết mòn,” ông Penpa Tsering, được biết đến với cái tên Sikyong của Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA), nói với một Ủy ban Điều hành Quốc hội lưỡng đảng trong cuộc điều trần về Trung Quốc qua liên kết video.

Vai trò ông Sikyong được thành lập vào năm 2012 sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần 87 tuổi của người Tây Tạng, từ bỏ quyền lực chính trị để ủng hộ một tổ chức có thể tồn tại lâu hơn ông. Một nguồn tin quốc hội cho biết đây là bài phát biểu đầu tiên như vậy của ông Sikyong trước một cơ quan của quốc hội Mỹ, và điều này có khả năng chọc giận Bắc Kinh.

Bắc Kinh đã cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma kích động chủ nghĩa ly khai ở Tây Tạng và Trung Quốc không công nhận CTA, tổ chức đại diện cho khoảng 100.000 người Tây Tạng lưu vong sống ở khoảng 30 quốc gia bao gồm Ấn Độ, Nepal, Canada và Hoa Kỳ.

Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không hồi đáp yêu cầu bình luận về phiên điều trần.

Trung Quốc đã cai trị khu vực Tây Tạng ở phía tây từ năm 1951, sau khi quân đội của họ tiến vào và giành quyền kiểm soát trong cái mà họ gọi là “giải phóng hòa bình”. Trung Quốc phủ nhận hành vi sai trái ở đó và nói rằng sự can thiệp của họ đã chấm dứt “chế độ nông nô phong kiến lạc hậu.”

Bà Uzra Zeya, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về dân chủ và nhân quyền, phát biểu tại phiên điều trần rằng Trung Quốc tiếp tục “tiến hành một chiến dịch đàn áp nhằm tìm cách Hán hóa” 6 triệu người Tây Tạng trong nước và loại bỏ di sản tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ của Tây Tạng.

Các phúc trình gần đây về các trường nội trú do chính phủ điều hành và việc thu thập DNA hàng loạt không tự nguyện ở các khu vực Tây Tạng đã “gây sốc lương tâm”, bà Zeya, người với tư cách là điều phối viên đặc biệt về các vấn đề của Tây Tạng lãnh đạo sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho người Tây Tạng, cho biết. Bắc Kinh đã từ chối giao tiếp với bà.

Dân biểu đảng Cộng hòa Chris Smith, chủ tịch Ủy ban, nói có sự tập trung toàn cầu vào Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương, nhưng “chúng tôi không thể rời mắt khỏi nạn diệt chủng đang diễn ra đối với người dân Tây Tạng.”

Diễn viên và nhà hoạt động Tây Tạng lâu năm Richard Gere nói với phiên điều trần rằng các chính sách của Trung Quốc ở Tây Tạng ngày càng “phù hợp với định nghĩa về tội ác chống nhân loại.”

(Nguồn: VOA)

NATO đông tiến, tên lửa hạt nhân Nga tới châu Âu tính bằng giây

Đáp trả Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga tuyên bố triển khai tên lửa hạt nhân sang Belarus, thời gian bay tới châu Âu chỉ tính bằng giây.

NATO thêm thành viên, cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine

Vừa qua, Vương quốc Anh đã tuyên bố sẽ cấp cùng với các lô xe tăng Challenger 2 cho Ukraine các loại đạn pháo xe tăng xuyên giáp có đầu đạn chứa uranium nghèo. Loại đạn pháo cho xe tăng này cũng có thể dùng trên các xe tăng khác của khối NATO.

Theo giới chuyên gia quân sự của Nga lẫn NATO, việc phương Tây cho phép Kiev sử dụng đạn uranium nghèo trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ đe dọa sức khỏe của dân thường, bởi nó sẽ làm nhiễm xạ ở khu vực này và bùng phát bệnh ung thư.

Đạn chứa uranium nghèo có nguy cơ biến khu vực xung đột thành vùng chết chóc con người không thể ở được do những hậu quả tàn khốc đối với cư dân và lãnh thổ. Đạn uranium sẽ ngăn cản cư dân trở lại vùng đất này, gián tiếp biến nó thành lãnh thổ trung lập, thành một “vùng đất chết”.

Trong bối cảnh đó, NATO đã bật đèn xanh chấp thuận việc kết nạp Phần Lan làm thành viên của khối, khi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary cuối cùng đã sẵn sàng phê chuẩn đơn của Helsinki.

Mặc dù đơn của Thụy Điển vẫn chưa được phê duyệt, nhưng có lẽ việc quốc gia Bắc Âu này được chấp thuận gia nhập NATO cũng chỉ là chuyện một sớm một chiều.

Phần Lan tuyên bố rằng, khi gia nhập NATO ở cấp độ chính trị thì Helsinki phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình, thế nhưng tình hình có thể thay đổi rất nhanh, một khi đã vào khối, Phần Lan sẽ không thể cưỡng lại ý chí chính trị của Mỹ.

NATO đẩy mạnh “Đông tiến”, áp sát tứ bề biên giới nước Nga

Theo giới chuyên gia quân sự Nga, chiến lược “Đông tiến” của NATO đã uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Nga. NATO mở rộng lãnh thổ quốc phòng của mình từ nam chí bắc, từ tây sang đông, dần dần siết chặt vòng vây quanh biên giới nước Nga.

Đến thời điểm hiện tại chỉ còn khu vực bắc, đông bắc và phía đông của Nga là còn yên ổn, còn khu vực tây bắc, tây và nam Nga đều tiềm ẩn những nguy cơ nghiêm trọng.

Trước đây, đã có những cuộc bàn luận về việc Hoa Kỳ có thể triển khai vũ khí hạt nhân ở Romania, còn Ba Lan cũng không phản đối việc bố trí các loại vũ khí này trên lãnh thổ nước mình. Thế nên, việc Phần Lan và Thụy Điển sắp gia nhập NATO tiếp tục làm thay đổi nghiêm trọng bối cảnh chiến lược quân sự và tác chiến quân sự.

Mà bất kể việc vũ khí hạt nhân của Mỹ có được triển khai trên lãnh thổ các tân thành viên phương bắc của NATO hay không, cả Thụy Điển và Phần Lan vẫn sẽ tham dự hệ thống lập kế hoạch quân sự của khối này, bao gồm cả việc tham gia công việc của Ủy ban Kế hoạch Hạt nhân NATO.

Giới chuyên gia Nga nhận định rằng, nếu trước đây bản đồ lãnh thổ của NATO chỉ có sườn đông-nam thì nay còn thêm cả sườn phía bắc-đông bắc. Điều này làm tương quan cục diện thay đổi hoàn toàn. Tương ứng, Nga cũng phải thay đổi kế hoạch quân sự của mình, để phản ứng với điều kiện mới này.

Nga triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus để đáp trả

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 26/3 tuyên bố ông và người đồng cấp Belarus Alexandr Lukashenko đã nhất trí về việc Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân ở trên lãnh thổ quốc gia láng giềng thân thiết.

Điều này cũng tương tự việc Mỹ cất trữ và triển khai vũ khí hạt nhân ở các quốc gia đồng minh châu Âu như Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ…

Giới chuyên gia cho rằng, động thái gây sốc của Nga sẽ thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực theo hướng cân bằng hơn và là một kiểu phản ứng bắt buộc đối với việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Theo kế hoạch này, Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vào ngày 01/7 năm nay.

Moscow và Minsk đã đồng ý rằng, điều này không vi phạm nghĩa vụ quốc tế và ban hành quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Ngoài việc đối phó với sự bành trướng của NATO, việc Nga đưa tên lửa hạt nhân sang quốc gia đồng minh cũng là nhằm đáp trả việc Anh cung cấp đạn có chứa uranium nghèo cho Ukraine. Tổng thống Nga Putin trước đó cho biết, nếu phương Tây tập thể bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân thì Moscow sẽ buộc phải có phản ứng thích hợp.

Đồng thời, ông Putin lưu ý rằng, chính quyền Minsk từ lâu đã yêu cầu Nga đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình và Moscow đang làm đúng những gì Mỹ đã làm trong nhiều thập kỷ là cất trữ vũ khí hạt nhân của mình ở các căn cứ châu Âu và lắp đặt chúng trên máy bay của Mỹ và đồng minh.

Iskander Nga đặt ở Belarus thay đổi kế hoạch của NATO

Theo giới chuyên gia, giờ đây các nước NATO sẽ phải tính đến trường hợp xảy ra đụng độ hạt nhân với Moscow, các vũ khí Nga ở Belarus cũng sẽ tham chiến. Sự hiện diện của vũ khí hạt nhân Nga ở Belarus sẽ thay đổi các kế hoạch tác chiến và phương án đánh chặn của các nước NATO. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Toàn bộ sự bố trí binh lực và phương án tác chiến đang thay đổi. Giờ đây, NATO cần xem xét không chỉ khả năng quân sự của Nga, mà còn phải tính đến cả tiềm lực quân sự kết hợp, hậu cần phối hợp của Nga và Belarus.

Thứ hai: Khi vũ khí hạt nhân được cất giữ trên lãnh thổ khác nhau, thì phạm vi tấn công và thời gian bay sẽ khác nhau. Trong trường hợp tên lửa được phóng từ lãnh thổ Belarus thì bán kính tấn công sẽ xa hơn, thời gian bay tới mục tiêu cũng sẽ nhanh hơn rất nhiều.

Được biết, phiên bản tên lửa đạn đạo tầm ngắn (hoặc tầm trung) Iskander-M (phiên bản dành riêng cho Quân đội Nga) có vận tốc lên tới 7500km/h, tầm bắn 500 -750km, với đầu đạn nặng tối đa 700 kg.

Ở phiên bản Iskander-K, tổ hợp được trang bị hai tên lửa hành trình tầm xa 3M-14, cho phép tiêu diệt không chỉ những cơ sở hạ tầng trên mặt đất của đối phương mà còn cả những mục tiêu trên biển ở cự ly tới 2.500 km.

Ví dụ như với vận tốc siêu thanh của mình, một tên lửa phóng từ tổ hợp Iskander đặt ở Nizhnie Zhary, vùng Gomel ở phía nam Belarus phóng tới thủ đô Kiev của Ukraine (cách biên giới Belarus hơn 90km) mất khoảng hơn 50 giây; một tên lửa phóng từ Brest ở phía tây nam sẽ mất chưa đầy một phút rưỡi để bay tới thủ đô Warszawa của Ba Lan (cách biên giới Belarus khoảng 185km), một tên lửa phóng từ phía tây tấn công vào thủ đô Vilnius của Litva (cách biên giới Belarus khoảng 30km) khoảng 15 giây, một tên lửa phóng từ phía bắc mất khoảng 1 phút 40 giây để đánh vào thủ đô Riga của Latvia (cách biên giới Belarus hơn 210km).

Như vậy, các tổ hợp Iskander đặt ở Belarus đã mở rộng rất nhiều phạm vi tấn công của tên lửa, rút ngắn cực đại quãng đường và thời gian bay tới mục tiêu. Với thời gian bay của tên lửa chưa đầy 2 phút, các hệ thống phòng thủ tên lửa chưa chắc đã đủ thời gian phát hiện mục tiêu chứ đừng nói là phóng tên lửa đánh chặn.

Rõ ràng là việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới lãnh thổ quốc gia đồng minh đã tạo ra sự uy hiếp rất lớn đối với các quốc gia NATO ở châu Âu, nhất là các quốc gia ở gần như Ba Lan, Đức, đặc biệt là các nước không có hoặc có hệ thống phòng thủ tên lửa yếu như các quốc gia Baltic.

(Nguồn: Soha)

Nga tiến công cùng lúc hai mặt trận, thành trì Donbass "nóng rực"

(Ảnh minh họa).

Quân đội Ukraine cho biết các lực lượng Nga vẫn không ngừng cố gắng kiểm soát hai thành phố Bakhmut và Avdiivka ở miền Đông nhưng không đạt được tiến triển nào.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine tối 28/3 cho biết, hai thành phố Bakhmut và Avdiivka cùng các khu vực lân cận ở khu vực công nghiệp Donetsk, miền Đông Ukraine tiếp tục hứng chịu các cuộc tấn công dữ dội của Nga.

"Họ cố gắng khiến quân đội của chúng tôi kiệt sức bằng cách tiến hành hết cuộc tấn công này đến cuộc tấn công khác", Serhiy Cherevatyi, người phát ngôn lực lượng miền Đông của quân đội Ukraine, cho biết trên truyền hình quốc gia.

Theo ông Cherevatyi, chỉ riêng ở Bakhmut đã ghi nhận 70 vụ pháo kích trong một ngày. Các cuộc giao tranh ở Bakhmut và Avdiivka bao gồm các trận địa pháo, chiến hào và đôi khi binh sĩ Nga tiến công mà không có sự bảo vệ của xe bọc thép.

Tuy nhiên, quân đội Ukraine tuyên bố các binh sĩ nước này tiếp tục đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga và lực lượng Nga đang chịu thương vong lớn trong các cuộc giao tranh. Bộ Quốc phòng Anh cũng xác nhận, các lực lượng Nga chỉ đạt được "tiến triển nhỏ" trong nỗ lực bao vây thành phố Avdiivka và đã mất nhiều xe bọc thép cũng như xe tăng.

Các nhà phân tích nhận định, tốc độ tiến công của Nga gặp thách thức một phần vì ở các khu vực phía đông như Avdiivka lực lượng Ukraine đã xây dựng các chiến hào và vị trí phòng thủ kể từ năm 2014, khi lực lượng ly khai chiếm giữ một số khu vực xung quanh Donbass. Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine hôm 28/3 cho biết các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi 62 cuộc tấn công trong 24 giờ ở Bakhmut, Avdiivka và Marinka.

Denis Pushilin, lãnh đạo khu vực Donetsk do Nga bổ nhiệm, thông báo hầu hết lực lượng Ukraine đã rút lui khỏi nhà máy luyện kim ở phía tây Bakhmut và các lực lượng Nga vẫn tiếp tục tiến công để kiểm soát hoàn toàn khu vực này.

Bakhmut và Avdiivka hiện là những mặt trận giao tranh khốc liệt nhất ở miền Đông Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 28/3 đã đến thăm hai thành phố và chiến hào phía bắc gần biên giới Nga. Trong bài phát biểu vào tối cùng ngày, ông Zelensky nói rằng cuộc xung đột của Nga "có thể chấm dứt nhanh hơn nhiều so với những gì được dự đoán".

Tại Bakhmut, giao tranh giữa quân đội Ukraine và Nga chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo Tư lệnh Lục quân Ukraine Oleksandr Syrskyi, nhiệm vụ chính của các đơn vị Ukraine tại Bakhmut là "tiêu hao lực lượng và gây ra tổn thất lớn nhất về mặt khí tài với đối phương". Ông cho biết thêm, nhờ tận dụng tốt khả năng cơ động và năng lực tác chiến của các loại khí tài, quân đội Ukraine vẫn có thể bám trụ tại Bakhmut.

Thành phố Avdiivka cách Bakhmut khoảng 90km, cách thành phố Donetsk khoảng 25km về phía bắc và nằm trong tầm tấn công liên tục của lực lượng Nga. Giới chức Ukraine lo ngại Avdiivka có nguy cơ trở thành "Bakhmut thứ hai" khi Nga tăng cường pháo kích, tìm cách bao vây.

Một binh sĩ Ukraine nói rằng tình hình ở Avdiivka tiếp tục gặp khó khăn khi các lực lượng Nga gia tăng số lượng các cuộc không kích và có thể cắt đứt một số tuyến đường tiếp tế. Theo Bộ Quốc phòng Anh, chiến dịch của Nga xung quanh Avdiivka sử dụng chiến thuật tương tự những gì đang xảy ra ở Bakhmut. Quân đội Ukraine cũng nhận định, Nga đang chịu tổn thất khá nghiêm trọng tại Avdiivka và họ đang phải sử dụng kho dự trữ vũ khí cuối cùng.

Vitalii Barabash, người đứng đầu chính quyền quân sự Avdiivka, hôm 28/3 thừa nhận thành phố này đang bị "xóa sổ khỏi trái đất và ngày càng trở nên giống địa điểm trong các bộ phim hậu tận thế". Quan chức này cho biết thêm, các tiện ích của thành phố sẽ bắt đầu ngừng hoạt động do ngày càng nhiều khu vực trong thành phố bị pháo kích và phá hủy mỗi ngày.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang