Covid-19 thế giới: Dịch đã đến chặng cuối; TQ tử vong tăng mạnh, đảm bảo xuân vận bùng phát; Nhật tử vong kỷ lục

ĐẠI DỊCH COVID-19 ĐÃ ĐẾN CHẶNG CUỐI?

(Ảnh minh hoạ).

Giới chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc trong năm 2023, cho dù có thể vẫn còn những biến thể mới sau Omicron. Đặc biệt là biến thể XBB.

Số liệu của WHO cho biết, kể từ cuối tháng 12/2019 đến nay, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 6,7 triệu người. Thế giới đã chịu đựng nhiều tổn thất và đã phải học cách chung sống bình thường với dịch bệnh.

3 năm đã trôi qua kể từ khi Covid-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra). WHO điểm lại những cột mốc đáng nhớ của đại dịch, Đó là vào ngày 31/12/2019, thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) thông báo xuất hiện những ca bệnh viêm phổi lạ đầu tiên.

Ngày 8/1/2020, WHO xác định virus mới cùng họ với virus corona gây bệnh SARS, chỉ 3 ngày sau, Trung Quốc ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tử vong vì căn bệnh này.

Ngày 11/2/2020, WHO chính thức đặt tên bệnh là Covid-19, virus gây bệnh được gọi tên là SARS-CoV-2 để thay cho tên cũ nCoV.

Ngày 13/1/2020, dịch lây lan ra ngoài Trung Quốc, ca bệnh đầu tiên được xác định ở Thái Lan.

Ngày 24/1/2020, dịch tới châu Âu với ca bệnh đầu tiên ở Pháp.

Ngày 2/2/2020, ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong ngoài Trung Quốc, ở Philippines.

Ngày 12/3/2020, WHO chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Trở lại với năm 2020, khi Covid-19 biến vùng Bergamo (Italy) trở thành tâm dịch nóng nhất ở châu Âu. Bác sĩ Sergio Angeretti nói: "Đã 3 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in tiếng của các loại máy móc chúng tôi dùng khi đó để giành giật mạng sống cho các bệnh nhân. Ngay cả mùi của không gian lúc đó, không thể quên được".

Giới chức Bergamo đã lập đài tưởng niệm những nạn nhân qua đời vì Covid-19, họ chết do hệ thống y tế quá tải, thiếu oxy và chưa có vaccine.

Đó là quá khứ đau buồn. Bước vào năm 2023, GS Bodo Plachter - chuyên gia virus học (Đại học Johannes Gutenberg, Đức) nói rằng, nhân loại không thể quên những gì đã qua nhưng cần vững tin rằng đại dịch Covid-19 đã kết thúc. “Lựa chọn sống chung với Covid-19, con người buộc phải sử dụng công nghệ để nhanh hơn và mạnh hơn các loại virus” – GS Plachter nói.

Ông Plachter cũng cho rằng, vào ngày 26/11/2021, WHO tuyên bố biến thể mới Omicron với khả năng siêu lây nhiễm sẽ làm thay đổi quỹ đạo của đại dịch Covid-19. Nhưng điều đó đã không xảy ra khi biến chủng này có khả năng lây lan nhanh hơn nhưng độc lực yếu hơn, không khiến bệnh tiến triển nặng và cũng không cướp đi mạng sống của nhiều người.

“Như vậy, nếu coi Omicron là biến thể cuối cùng của virus SARS-CoV-2 thì cũng đồng nghĩa với đại dịch Covid-19 đã chấm dứt. Chúng ta đã quá lo sợ trước sự xuất hiện của Omicron nên đã báo động giả. Tôi tin rằng đại dịch Covid-19 đã chấm dứt cho dù trong năm 2023 đây đó vẫn còn có người thiệt mạng vì nó, cũng giống như thiệt mạng do các loại cúm khác”- GS Plachter nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng, yếu tố đặc biệt quan trọng giúp nhân loại chiến thắng đại dịch là đã tiêm 13 tỷ liều vaccine cho tổng số khoảng 6 tỷ người cần tiêm chủng toàn cầu.

Tại thời điểm này, các chuyên gia y tế thế giới đã đưa ra những bài học kinh nghiệm không thể bỏ qua để đối mặt với những dịch bệnh mới có thể xảy ra. Trước tiên, đó là việc tập trung mọi nguồn lực vào việc nghiên cứu, điều chế, sản xuất vaccine trong thời gian sớm nhất. Thực tế thì thời gian điều chế vaccine đã rút ngắn từ 5 đến 10 năm xuống còn 10 tháng. Có được kết quả siêu tưởng đó là nhờ vào khai thác tối đa thế mạnh của công nghệ.

Thứ hai là việc tuyên chiến với đại dịch ở cấp độ toàn cầu, có nghĩa là không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào đứng ngoài cuộc. Đó được coi là chiến dịch rộng rãi nhất từ trước tới nay khi tiến hành liên tục những cuộc truy quét virus gây bệnh, cho dù ở bất cứ đâu.

Bài học thứ ba là các chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống y tế, trong đó đặc biệt chú ý đến y tế dự phòng. Ngay cả khi chưa có dịch bệnh thì hệ thống y tế cũng phải luôn trong tư thế có thể kích hoạt bất cứ lúc nào. Hệ thống y tế ấy gồm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm và nhất là đội ngũ y bác sĩ.

(Nguồn: Đại Đoàn Kết)

TRUNG QUỐC BÁO CÁO SỐ CA TỬ VONG LIÊN QUAN ĐẾN COVID TĂNG MẠNH

Trung Quốc ngày thứ Bảy cho biết gần 60.000 người mắc COVID-19 đã chết trong bệnh viện kể từ khi nước này từ bỏ chính sách zero-COVID vào tháng trước, một sự gia tăng lớn so với các số liệu được báo cáo trước đó sau những chỉ trích toàn cầu về dữ liệu virus corona của nước này.

Vào đầu tháng 12, Bắc Kinh đột ngột dỡ bỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt trong ba năm qua gồm xét nghiệm thường xuyên, hạn chế đi lại và phong tỏa hàng loạt sau các cuộc biểu tình lan rộng vào cuối tháng 11, và các ca bệnh đã tăng vọt kể từ đó trên khắp quốc gia 1,4 tỉ dân này.

Một quan chức y tế ngày thứ Bảy nói rằng số ca sốt COVID và số ca nhập viện cấp cứu đã lên đến đỉnh điểm và số bệnh nhân nhập viện đang tiếp tục giảm.

Trong khoảng thời gian từ ngày 8 tháng 12 đến ngày 12 tháng 1, tổng số ca tử vong liên quan đến COVID tại các bệnh viện Trung Quốc là 59.938, Tiêu Nhã Huy, Cục trưởng Cục Quản lý Y tế thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC), cho biết trong một cuộc họp báo.

Trong số những trường hợp tử vong đó có 5.503 trường hợp là do suy hô hấp vì COVID và số còn lại là do kết hợp giữa COVID và các bệnh khác, bà nói.

Trong khi các chuyên gia y tế quốc tế dự đoán ít nhất 1 triệu ca tử vong liên quan đến COVID trong năm nay, Trung Quốc trước đó chỉ báo cáo hơn 5.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu, một trong những tỉ lệ tử vong thấp nhất trên thế giới.

Nhà chức trách đã báo cáo năm trường hợp tử vong hoặc ít hơn mỗi ngày trong tháng qua, nhưng con số này không nhất quán với hàng dài người xếp hàng tại các nhà tang lễ và những túi đựng thi thể được nhìn thấy rời khỏi các bệnh viện đông đúc.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết trong tuần này rằng Trung Quốc đã báo cáo quá thấp các ca tử vong do COVID, dù hiện tại họ đang cung cấp thêm thông tin về đợt dịch của mình.

Cơ quan của Liên Hợp Quốc không bình luận ngay lập tức vào ngày thứ Bảy.

Lần gần đây nhất mà Trung Quốc báo cáo số liệu tử vong do COVID hàng ngày là vào ngày thứ Hai. Nước này đã nhiều lần biện hộ về tính xác thực của dữ liệu.

(Nguồn: VOA)

TRUNG QUỐC NỖ LỰC ĐẢM BẢO KỲ XUÂN VẬN SUÔN SẺ KHI COVID-19 BÙNG PHÁT

(Ảnh minh hoạ).

Khi nhu cầu đi lại vào dịp Tết Nguyên đán tăng cao chưa từng thấy trong ba năm qua, ngành giao thông vận tải Trung Quốc đang nỗ lực hết mình để đảm bảo kỳ xuân vận suôn sẻ và an toàn trong bối cảnh ứng phó với COVID-19.

Theo Xinhua, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết tổng số chuyến đi của hành khách trong đợt cao điểm du lịch năm nay (hay còn gọi là xuân vận) dự kiến đạt 2,1 tỷ, gần gấp đôi so với năm ngoái.

Dữ liệu mới nhất cho thấy từ ngày 7 đến ngày 12/1, tức tuần đầu tiên của đợt cao điểm đi lại, có khoảng 221 triệu lượt chuyến đi trên toàn quốc.

Nhu cầu đi lại ngày càng tăng sau khi Trung Quốc gần đây đã hạ cấp quản lý COVID-19 từ Loại A xuống Loại B.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Xu Chengguang cho biết: “Đợt cao điểm đi lại dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ là thách thức lớn nhất trong những năm gần đây khi cả lượng hành khách và ca nhiễm COVID-19 đều tăng”.

Hành trình về nhà giờ đây cũng đơn giản hơn đối với những người trở về từ nước ngoài. Trung Quốc đã bỏ các hạn chế đối với các chuyến bay chở khách quốc tế, tăng số lượng chuyến bay theo từng giai đoạn và tối ưu hóa phân bổ các tuyến bay kể từ ngày 8/1.

Khi lưu lượng hành khách ngày càng tăng, các nhà khai thác đường sắt và hàng không của Trung Quốc đã lên kế hoạch trước để tăng hiệu quả vận chuyển.

Công ty Đường sắt Nhà nước Trung Quốc cho biết ngày cao điểm trước kỳ nghỉ năm nay sẽ có tới 6.077 tuyến tàu hoạt động và sức chứa tối đa cho đợt cao điểm đi lại năm nay sẽ tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019.

Trung Quốc đã có khoảng 4.100 km đường ray mới được xây dựng vào năm 2022, hơn một nửa trong số đó dành cho đường cao tốc.

Ông Huang Xin, Giám đốc bộ phận vận tải hành khách của Công ty Đường sắt Nhà nước Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi sẽ phát huy hết khả năng của mạng lưới đường sắt cao tốc trong bối cảnh nhu cầu đi lại đạt đỉnh điểm và tăng cường năng lực vận chuyển ở các khu vực trọng điểm, vào giờ cao điểm”.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng, Trung Quốc sẽ tăng số chuyến bay trung bình hàng ngày lên 11.000 trong thời gian cao điểm đi lại, tương đương 73% so với cùng kỳ năm 2019.

Các hãng hàng không nội địa cũng được khuyến khích bổ sung thêm nhiều chuyến bay trên các tuyến phổ biến.

Hiện tại, tất cả diễn ra tốt đẹp, các trục giao thông huyết mạch và trung tâm chính đang hoạt động trơn tru.

Trung Quốc triển khai các biện pháp nhiều hướng để đối phó với nguy cơ lây nhiễm COVID-19, thời tiết bất lợi, sự cố giao thông để đảm bảo đón Tết an toàn, lành mạnh.

Trong khi thúc đẩy các dịch vụ không cần giấy tờ, không tiếp xúc như bán vé trực tuyến, các nhà khai thác vận tải trên toàn quốc đang tăng cường thông gió và khử trùng tại các nhà ga, trạm thu phí đường cao tốc và các địa điểm giao thông công cộng khác để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm bệnh.

Tỉnh Chiết Giang đã mời một chuyên gia chăm sóc sức khỏe nổi tiếng để đưa ra các hướng dẫn về phòng ngừa và tự chăm sóc COVID-19 trên một chuyến tàu xuất cảnh, để hành khách kiểm soát sức khỏe tốt hơn trong lễ hội sắp tới.

Việc đảm bảo an toàn giao thông cũng trở thành một vấn đề đáng quan tâm, vì một số dịch vụ vận tải đã bị đình chỉ hoặc hoạt động với công suất thấp do liên tục bị gián đoạn do COVID-19 kể từ năm 2020.

Để đối phó với tình hình, các nhà khai thác trên toàn quốc đã nỗ lực gấp đôi trong bảo trì cơ sở, đại tu thiết bị và đào tạo nhân viên.

Các công nhân đường sắt đã làm việc cật lực tại ga xe lửa Hồng Kiều Thượng Hải, một trong những trung tâm giao thông ở đông dân cư phía Đông Trung Quốc, để đảm bảo tất cả các đường ray hoạt động trong điều kiện tốt.

Theo sở đường sắt thành phố, công việc bảo trì đang được đẩy mạnh nhờ một mẫu robot dò tìm mới, có thể tiếp cận mọi ngóc ngách của đường ray, nhờ đó tăng hiệu quả và tiết kiệm nhân lực.

Công nghệ thông minh cũng đã được áp dụng ở Nam Xương, thủ phủ của Giang Tây, nơi tất cả các bộ phận của tàu được theo dõi và hiển thị trên màn hình tại một ga ra bảo dưỡng.

Các nỗ lực trên diễn ra trong bối cảnh COVID-19 đang bùng phát ở Trung Quốc. Theo bà Jiao Yahui, Cục trưởng Cục quản lý Y tế thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 59.938 ca tử vong liên quan COVID-19 trong giai đoạn 8/12/2022 - 12/1/2023. Trong đó, tổng cộng 5.503 người tử vong vì suy hô hấp do mắc COVID-19, 54.435 người tử vong vì các bệnh lý nền diễn biến nặng do mắc COVID-19.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

NHẬT BÁO CÁO SỐ TỬ VONG VÌ COVID-19 HÀNG NGÀY CAO KỶ LỤC

Nhật Bản vừa ghi nhận kỷ lục đau buồn mới về COVID-19: Lần đầu tiên vượt mốc 500 ca tử vong chỉ trong một ngày.

Theo NHK, Nhật Bản - quốc gia có số ca COVID-19 nhiều nhất thế giới vài tháng qua theo thống kê của WHO - đang xem xét hạ cấp dịch bệnh COVID-19 xuống ngang với cúm giống như động thái Trung Quốc vừa làm vào tuần trước. Tuyên bố được chính phủ đưa ra hôm 14-1 nhưng ngay trong ngày Bộ Y tế Nhật Bản lại công bố số liệu đáng lo ngại về dịch bệnh này.

Theo đó, lần đầu tiên số người tử vong do COVID-19 trong 1 ngày vượt mốc 500 với 503 ca được báo cáo trong vòng 24 giờ. Song song đó là 132.071 ca mắc mới. Số bệnh nhân nặng phải thở máy và dùng ECMO lên tới 693 ca.

Trong tuần Nhật Bản đã liên tục lập các "kỷ lục đau thương" mới với số ca tử vong vì COVID-19 tăng dần, ngày càng gần với con số 500 và vượt xa so với một tuần trước đó. Trong báo cáo trước của Tổ chức Y tế thế giới thì trong tuần kết thúc bằng ngày 8-1 nước này có hơn 1 triệu ca mới và 2.146 ca mới, tức trung bình hơn 300 ca/ngày.

Hôm 13-1 NHK đã có bài so sánh và chỉ ra số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày gần nhất ở Nhật đã tăng tới 46% so với 1 tuần trước, một số tỉnh tăng trên 80% ví dụ Hyogo tăng 87% và Shizuoka tăng 85%.

Xét về con số, số trường hợp trung bình hàng ngày của tuần lễ hiện tại tăng thêm khoảng 55.000 ca/ngày so với tuần trước và tăng ở tất cả các tỉnh của Nhật Bản.

Giáo sư Tateda Kazhuhiro từ ĐH Toho, thành viên ban cố vấn về COVID-19 của chính phủ, cho biết số trường hợp thực tế có thể cao gấp đôi so với báo cáo. Ông cũng cảnh báo hiện tượng nhiễm bệnh ở người già, nhiễm theo chùm ở các cơ sở chăm sóc - bao gồm ở những nơi có dịch vụ y tế còn hạn chế - đang gia tăng. Những ca tử vong gần đây cũng chủ yếu liên quan đến những người có bệnh nền.

Vì vậy, giáo sư Tateda nhấn mạnh sự cần thiết phải phân tích lý do tại sao số người chết đang gia tăng trong đợt bùng phát hiện tại, là đợt bùng phát thứ 8 của Nhật Bản.

(Nguồn: Người Lao Động)

(Xem thêm:

=> Covid-19 thế giới: Cập nhật; Châu Á thận trọng; TQ không ngại làn sóng dịp Tết, 60.000 người chết/tháng ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang