Covid-19 thế giới: Cập nhật; Châu Á thận trọng; TQ không ngại làn sóng dịp Tết, 60.000 người chết/tháng

HƠN 280 NGHÌN NGƯỜI NHIỄM COVID-19 TRONG NGÀY QUA

(Ảnh minh hoạ).

Theo trang web thống kê worldometers.info, đến sáng 14/1, thế giới có tổng số 670.699.585 ca nhiễm và 6.726.241 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua, thế giới có thêm 280.392 ca nhiễm và 1.267 ca tử vong mới vì COVID-19.

Với 144.077 ca nhiễm mới và 480 ca mới tử vong, Nhật Bản tiếp tục là quốc gia ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và số ca tử vong do COVID-19 nhiều nhất trên thế giới trong ngày qua.

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 14/1, đã có 641.835.771 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 22.137.573 ca bệnh đang điều trị, có 22.091.635 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,8%) và 45.938 ca (chiếm 0,2%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 231 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong ngày qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 26.061 ca nhiễm và 272 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 243.922.715 ca nhiễm mới và 1.993.167 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Trong đó, Pháp có số ca nhiễm và tử vong mới trong ngày qua nhiều nhất châu Âu khi có thêm 6.238 ca nhiễm mới và 101 ca mới tử vong vì COVID-19 được ghi nhận.

Với 210.424.773 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 14/1, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong một ngày qua, châu lục ghi nhận thêm 220.358 ca nhiễm mới và 708 ca đã tử vong do COVID-19. Nhật Bản có số ca nhiễm và tử vong mới nhiều nhất châu lục với 144.077 ca nhiễm mới và 480 ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày qua.

Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 122.445.725 ca, trong đó có 1.586.657 ca tử vong và 117.048.778 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 17.443 ca nhiễm và 150 ca tử vong mới, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm tử vong mới nhiều nhất khu vực.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 4.511 ca nhiễm và 29 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 67.358.026 ca và 1.344.193 ca tử vong. Trong ngày qua, Chile là nước có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 nhiều nhất khu vực khi có thêm 3.289 ca nhiễm mới và 29 ca mới tử vong.

Tính đến sáng 14/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 12.752.036 ca, trong đó có 258.394 ca tử vong và 12.046.422 ca bình phục. 24 giờ qua, Nam Phi có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất khu vực với 183 ca nhiễm mới.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 13.795.681 ca nhiễm và 24.167 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 5.985 ca nhiễm COVID-19 và 58 ca tử vong do dịch bệnh này trong 24 giờ qua.

(Nguồn: Báo Dân Tộc)

CHÂU Á THẬN TRỌNG VỚI COVID-19

Hãng tin Reuters dẫn lời tiến sĩ Zeng Guang, nguyên Giám đốc dịch tễ tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC), cảnh báo rằng đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất ở nước này vẫn chưa kết thúc và có thể kéo dài tới 2-3 tháng.

Đã đến lúc ngành y tế Trung Quốc cần tập trung cho vùng nông thôn, nơi kỳ "xuân vận" Tết Nguyên đán sẽ khiến dịch bệnh lan đến nhưng năng lực y tế còn hạn chế. Nhà chức trách Trung Quốc cho biết họ đang nỗ lực cải thiện nguồn cung cấp thuốc kháng virus, bao gồm Molnupiravir của hãng dược Meck (Mỹ), dự kiến sẽ được cung cấp kể từ hôm 13-1.

Theo CNA, nỗi lo dịch bệnh bùng lên do lây lan từ phía Trung Quốc cũng là thử thách lớn đối với ngành du lịch toàn cầu, nhất là khu vực Đông Nam Á, nơi đang có các kế hoạch mở cửa chào đón khách Trung Quốc.

Mở cửa kèm điều kiện là lựa chọn phổ biến nhất, ví dụ như Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ke Kung cho biết nước này sẽ giữ nguyên điều kiện xuất trình bằng chứng tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành đối với tất cả du khách; trong khi Malaysia mở làn đường riêng cho khách Trung Quốc nhưng cũng khuyến cáo công chúng không phản ứng thái quá với họ bởi tình hình COVID-19 vẫn đang được kiểm soát.

Nhật Bản cũng đón nhiều khách du lịch Trung Quốc trong thời gian qua và cho biết 8% những du khách này dương tính với COVID-19 theo thống kê trong tuần đầu tiên. Tình hình COVID-19 tại Nhật Bản cũng đang phức tạp với ngày 12-1 đánh dấu "kỷ lục đau thương mới" là 489 người tử vong vì dịch bệnh, bên cạnh 185.472 ca mắc mới.

(Nguồn: Người Lao Động)

CHUYÊN GIA TRUNG QUỐC NÓI KHÔNG NGẠI LÀN SÓNG CA NHIỄM COVID-19 TRONG DỊP TẾT

(Ảnh minh hoạ).

Theo chuyên gia của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), người dân nước này không cần lo về những dự đoán liên quan tới số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt trong dịp Tết.

Tờ China Daily dẫn lời chuyên gia Lưu Giác làm việc ở NHC phát biểu trong cuộc họp báo được tổ chức hôm 12/1 nói rằng, số ca nhiễm Covid-19 mới trong ‘làn sóng dịch thứ hai’ sẽ không vượt các trường hợp được ghi nhận trong ‘làn sóng thứ nhất’, ngay cả khi do cùng một biến chủng của Covid-19 gây ra.

“Trong dịp Xuân vận tức mùa di chuyển dịp Tết Nguyên đán, lưu lượng người di chuyển về quê rất đông và có khả năng là nhiều người trong số đó đã nhiễm bệnh. Do vậy, những người chưa mắc bệnh trong ‘làn sóng thứ nhất’ sẽ có khả năng mắc cao. Còn đối với người từng mắc bệnh, dù nguy cơ tái nhiễm vẫn tồn tại nhưng lại ở mức thấp”, cô Lưu nói.

Theo cô Lưu, nhiều khu vực ở Trung Quốc như thành phố Chương Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến, tỉnh Tế Nam, tỉnh Sơn Đông và thành phố Thiệu Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang được dự đoán sẽ xuất hiện làn sóng ca nhiễm mới trong dịp Tết sắp tới.

“Những nghiên cứu trước đây được thực hiện ở Trung Quốc và nước ngoài cho thấy, cơ thể con người vẫn tồn tại một lượng lớn kháng thể trung hòa, tức kháng thể bảo vệ tế bào khỏi mầm bệnh hoặc vi khuẩn lây nhiễm, trong một thời gian ngắn sau khi khỏi bệnh. Vậy nên, người dân không cần quá lo lắng”, chuyên gia Lưu nói thêm.

“Tuy nhiên đối với những hộ gia đình có người cao tuổi chưa từng mắc bệnh hay người có bệnh nền, thì chúng ta cần chú ý bảo đảm sức khỏe cho nhóm người này. Đồng thời, người dân cũng cần tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đến những nơi đông người…”, cô Lưu nhấn mạnh.

(Nguồn: Vietnamnet)

TRUNG QUỐC GHI NHẬN GẦN 60.000 NGƯỜI CHẾT LIÊN QUAN COVID-19 TRONG MỘT THÁNG

Trung Quốc cho biết gần 60.000 người chết liên quan đến Covid-19 trong lần đầu công bố ca tử vong kể từ khi dỡ bỏ các biện pháp chống dịch.

Giới chức Trung Quốc hôm nay thông báo nước này đã ghi nhận 59.938 ca tử vong liên quan đến Covid-19 từ ngày 8/12/2022 đến ngày 12/1. Đây là lần đầu nước này công bố thống kê về số ca tử vong liên quan Covid-19 kể từ khi dỡ bỏ các biện pháp chống dịch vào tháng trước.

Ông Tiêu Nhã Huy, lãnh đạo cơ quan phụ trách các vấn đề y học của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nói rằng những cơ sở chăm sóc y tế trên cả nước đã ghi nhận 5.503 ca tử vong vì suy hô hấp do mắc Covid-19 trong hơn một tháng qua.

Trong cùng giai đoạn, Trung Quốc cũng ghi nhận 54.435 bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong nhưng vì có bệnh nền nguy hiểm, trong đó có ung thư và các vấn đề về tim mạch.

Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân tử vong khoảng 80. Khoảng 90% số ca tử vong là bệnh nhân trên 65 tuổi.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tháng trước thông báo cơ quan này chỉ thống kê trường hợp tử vong vì suy hô hấp vào tổng số ca bệnh nhân Covid-19 tử vong. Quyết định được đưa ra sau khi Trung Quốc nới hàng loạt biện pháp hạn chế dịch bệnh lây lan, chuyển dịch khỏi chiến lược "Không Covid".

Một số quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã bày tỏ lo ngại Trung Quốc thiếu chia sẻ thông tin chi tiết về tình hình dịch bệnh ở nước này. Truyền thông quốc tế cũng tiết lộ nhiều trường hợp bệnh viện, nhà tang lễ ở Trung Quốc rơi vào tình cảnh quá tải vì số ca bệnh, ca tử vong tăng vọt.

Một số nước, trong đó có Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, còn áp dụng biện pháp kiểm soát nhập cảnh đối với người đến từ Trung Quốc như yêu cầu hành khách phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi khởi hành. Trong khi đó, một số nước thông báo theo dõi thêm tình hình như Philippines hay khẳng định không áp biện pháp hạn chế như New Zealand.

Washington cáo buộc Bắc Kinh thiếu chia sẻ thông tin nên chính phủ Mỹ buộc phải siết chặt kiểm soát đi lại giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13/1 phản pháo tuyên bố từ phía Mỹ. Người phát ngôn Uông Văn Bân cho rằng Mỹ nên nhanh chóng chia sẻ dữ liệu cụ thể về mức độ lan rộng của biến chủng mới mang tên XBB 1.5 được phát hiện ở nước này, thay vì chỉ trích quốc gia khác.

(Nguồn: Vnexpress)

(Xem thêm:

=> Covid-19 thế giới: Cập nhật; Lo cho người cao tuổi TQ, Nhật; Đổ xô sang Hong Kong tiêm vaccine; Nga không áp hạn chế ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang