Covid-19 thế giới: Cập nhật; TQ 'hạ nhiệt'; HQ nới lỏng quy định đeo khẩu trang; Nhật hạ cấp phân loại dịch

THẾ GIỚI GHI NHẬN HƠN 672 TRIỆU CA NHIỄM COVID-19

(Ảnh minh hoạ).

Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info, tính đến sáng ngày 20/1, thế giới ghi nhận tổng số 672.392.899 ca nhiễm và 6.737.823 trường hợp tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 184.854 ca nhiễm mới, trong đó Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất với 96.392 ca.

Theo worldometers.info, hiện toàn thế giới có 643.878.428 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 21.776.648 ca bệnh đang điều trị thì có 21.731.680 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,8%) và 44.968 ca (chiếm 0,2%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 244.118.346 trường hợp, trong đó có 1.996.851 ca tử vong và 239.439.551 ca được điều trị khỏi.

Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận 15.529 ca mắc COVID-19 mới, trong đó Nga ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất châu lục với 5.914 ca, tiếp đến là Pháp với 4.992 ca; Áo ghi nhận thêm 1.970 ca; Serbia với 820 ca…

Tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 20/1 là 122.772.251 trường hợp, trong đó Mỹ có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 nhiều nhất khu vực, với 103.734.451 ca nhiễm và 1.127.488 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 14.834 ca nhiễm mới COVID-19.

Tính đến sáng 20/1, Nam Mỹ có tổng cộng 67.502.394 ca nhiễm COVID-19, với 1.344.970 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 2.984 ca nhiễm COVID-19 mới. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 36.697.084 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Argentina với 10.024.095 ca; Colombia ghi nhận 6.349.971 ca…

Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 211.422.447 trường hợp, với 1.523.225 ca tử vong và 195.860.436 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận 150.902 ca nhiễm mới, trong đó Nhật Bản đứng đầu với 96.392 ca, tiếp đến là Hàn Quốc với 29.816 ca, Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận 18.414 ca, …

Tính đến sáng 20/1, tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại châu Phi lần lượt là 12.761.768 ca và 258.417 trường hợp. Nam Phi hiện dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khi ghi nhận 4.053.527 ca nhiễm và 102.568 ca tử vong vì dịch bệnh. Morocco là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 lớn thứ 2 trong khu vực khi ghi nhận 1.272.131 ca lây nhiễm và 16.296 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, Nam Phi ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 nhiều nhất với 539 ca, Ethiopia ghi nhận thêm 27 ca, Morocco ghi nhận 15 ca, Kenya ghi nhận thêm 13 ca…

Hiện khu vực châu Đại Dương có tổng số 13.814.972 trường hợp mắc COVID-19, với 24.223 ca tử vong. Trong đó, Australia hiện đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng khi ghi nhận 11.247.412 ca; tiếp đến là New Zealand với 2.157.933 ca; New Caledonia ghi nhận 79.785 ca…

(Nguồn: Đảng Cộng Sản)

TRUNG QUỐC NÓI COVID-19 'HẠ NHIỆT' TRƯỚC TẾT

Trung Quốc cho biết điều tồi tệ nhất đã qua trong cuộc chiến chống Covid-19, khi hàng triệu người chuẩn bị về quê ăn Tết.

"Gần đây, đợt bùng phát dịch bệnh trong nước ở mức tương đối thấp. Số lượng bệnh nhân nguy kịch trong các bệnh viện đang giảm dần, dù nhiệm vụ cứu chữa vẫn còn nặng nề", Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan, người giám sát phản ứng của đất nước với dịch bệnh Covid-19, hôm 19/1 cho hay.

Bình luận của bà Tôn Xuân Lan được đưa ra vào đêm trước ngày diễn ra đợt di cư hàng năm lớn nhất thế giới ở Trung Quốc, khi hàng triệu người ở thành phố về quê đón Tết Nguyên đán.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tuần này cho biết ông lo ngại làn sóng người dân đổ về các vùng nông thôn vốn có hệ thống y tế yếu kém. Ông nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là bảo vệ người già, nhiều người trong số họ chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Trung Quốc báo cáo số ca nhập viện do Covid-19 tăng vọt trong tuần tính đến 15/1, lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, theo báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hôm 19/1. Số ca nhập viện tăng 70% so với tuần trước, lên 63.307, theo dữ liệu Trung Quốc gửi cho WHO

Nhưng trong cuộc họp báo ngày 19/1, quan chức y tế Trung Quốc cho biết số bệnh nhân nhập viện đã qua đỉnh điểm, với chưa đến 40% số người được điều trị trong tình trạng nguy kịch vào ngày 17/1, so với mức đỉnh được ghi nhận ngày 5/1.

Trung Quốc cuối tuần trước thông báo gần 60.000 người mắc Covid-19 đã chết trong bệnh viện từ 8/12 đến 12/1, cao hơn khoảng 10 lần so với công bố trước đó. Tuy nhiên, con số này không bao gồm những người chết tại nhà và một số bác sĩ ở Trung Quốc cho biết họ không khuyến khích ghi Covid-19 vào giấy chứng tử.

(Nguồn: Vnexpress)

HÀN QUỐC SẼ NỚI LỎNG QUY ĐỊNH ĐEO KHẨU TRANG PHÒNG COVID-19

(Ảnh minh hoạ).

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo hôm nay (20/1) cho biết, nước này có kế hoạch dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang với hầu hết các không gian trong nhà kể từ 30/1.

Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn áp dụng tại bệnh viện, nhà thuốc và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Theo hãng tin Yonhap, Chính phủ Hàn Quốc trước đó cho biết có thể dỡ bỏ việc bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà theo từng giai đoạn, nếu ít nhất 2 trong số 4 tiêu chí được đáp ứng. Các tiêu chí gồm xu hướng các ca nhiễm mới giảm, số ca bệnh nặng và tử vong giảm, khả năng đáp ứng y tế mạnh mẽ, tỷ lệ tiêm chủng cao ở những nhóm có nguy cơ cao.

Phát biểu tại một cuộc họp của chính phủ về ứng phó với virus corona, Thủ tướng Han Duck-soo nói: "Chính phủ sẽ thảo luận và xác nhận kế hoạch nới lỏng quy định đeo khẩu trang trong nhà từ 30/1, ngoại trừ một số cơ sở".

Nhà lãnh đạo này giải thích, 3 trong số 4 tiêu chí, gồm cả tỷ lệ tiêm phòng ở nhóm có nguy cơ cao đã được đáp ứng và các yếu tố rủi ro bên ngoài có thể kiểm soát được. Ông Han Duck-soo nói thêm, chính phủ ấn định ngày thay đổi chính sách vào cuối tháng vì trong dịp Tết Nguyên đán các cuộc gặp trực tiếp sẽ tăng lên.

Thủ tướng Han Duck-soo kêu gọi nhà chức trách địa phương cảnh giác trước sự gia tăng tạm thời các ca mắc Covid-19 sau kỳ nghỉ lễ và sự thay đổi trong quy định đeo khẩu trang trong nhà. Ông kêu gọi người cao tuổi đi tiêm phòng.

(Nguồn: Vietnamnet)

NHẬT BẢN XEM XÉT PHÂN LOẠI COVID-19 VÀO CÙNG NHÓM VỚI CÚM MÙA

Chính phủ Nhật Bản ngày 20/1 cho biết nước này đang có kế hoạch hạ cấp phân loại Covid-19 xuống cùng nhóm với cúm mùa bắt đầu từ mùa xuân năm nay.

Theo đó, Thủ tướng Kishida Fumio đã chỉ thị cho Bộ trưởng y tế, lao động và phúc lợi cùng các quan chức thảo luận với các chuyên gia liên quan đến việc phân loại lại Covid-19 từ “nhóm 2” xuống “nhóm 5”, tức là cùng nhóm với cúm mùa theo Luật kiểm soát các Bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, quyết định xem có nên bỏ hay không khuyến nghị nên đeo khẩu trang trong nhà hiện vẫn đang được lưu hành.

Covid-19 đang được xếp ở mức gần như tương đương với “nhóm 2”. Cấp độ cho phép cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bao gồm khuyến cáo người dân hạn chế đi lại và làm việc. Đồng thời, chỉ có các cơ sở y tế được chỉ định điều trị bệnh truyền nhiễm mới được tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nội trú.

Nếu Covid-19 được xếp vào “nhóm 5” thì các bệnh viện thông thường cũng sẽ có thể tiếp nhận bệnh nhân nội trú. Khi đó, số giường bệnh dành cho bệnh nhân Covid-19 sẽ tăng lên và giảm được gánh nặng cho hệ thống y tế của đất nước nếu lây nhiễm lan rộng. Chính quyền địa phương không thể yêu cầu những người bị nhiễm bệnh nhập viện cũng như hạn chế làm việc. Người bệnh phải trả một phần chi phí y tế thay vì được quỹ công chi trả khi Covid-19 ở nhóm 2

Hiện làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ 8 tại Nhật Bản vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiện hạ nhiệt khi trong nhiều ngày qua số ca nhiễm mới Covid-19 cũng như số ca tử vong mới của nước này luôn duy trì ở mức cao nhất thế giới./.

(Nguồn: VOV)

(Xem thêm:

=> Covid-19 thế giới: Cập nhật; Ông Tập lo dịch lây lan dịp Tết; Dân TQ phẫn nộ; Hong Kong bỏ cách ly người mắc ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang