Covid-19 thế giới: Cập nhật; Ông Tập lo dịch lây lan dịp Tết; Dân TQ phẫn nộ; Hong Kong bỏ cách ly người mắc

CHÂU Á TIẾP TỤC DẪN ĐẦU THẾ GIỚI VỀ SỐ CA NHIỄM COVID-19 MỚI

(Ảnh minh hoạ).

Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info, tính đến sáng ngày 19/1, thế giới ghi nhận tổng số 672.082.027 ca nhiễm và 6.734.665 trường hợp tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 222.817ca nhiễm mới, trong đó châu Á đứng đầu với 190.588 ca.

Theo worldometers.info, hiện toàn thế giới có 643.511.434 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 21.835.928 ca bệnh đang điều trị thì có 21.790.875 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,8%) và 45.053 ca (chiếm 0,2%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 244.083.502 trường hợp, trong đó có 1.995.841 ca tử vong và 239.358.240 ca được điều trị khỏi.

Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận 17.745 ca mắc COVID-19 mới, trong đó Pháp ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất châu lục với 5.894 ca, tiếp đến là Nga với 5.478 ca; Áo ghi nhận thêm 2.77 ca; Serbia với 963 ca…

Tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 19/1 là 122.666.372 trường hợp, trong đó Mỹ có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 nhiều nhất khu vực, với 103.629.486 ca nhiễm và 1.126.098 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 9.536 ca nhiễm mới COVID-19.

Tính đến sáng 19/1, Nam Mỹ có tổng cộng 67.484.145 ca nhiễm COVID-19, với 1.344.863 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 3.994 ca nhiễm COVID-19 mới. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 36.682.799 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Argentina với 10.024.095 ca; Colombia ghi nhận 6.349.971 ca…

Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 211.271.472 trường hợp, với 1.522.587 ca tử vong và 195.751.871 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận 190.588 ca nhiễm mới, trong đó Nhật Bản đứng đầu với 125.108 ca, tiếp đến là Hàn Quốc với 36.908 ca, Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận 21.301 ca, …

Tính đến sáng 19/1, tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại châu Phi lần lượt là 12.760.843 ca và 258.414 trường hợp. Nam Phi hiện dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khi ghi nhận 4.052.988 ca nhiễm và 102.568 ca tử vong vì dịch bệnh. Morocco là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 lớn thứ 2 trong khu vực khi ghi nhận 1.272.116 ca lây nhiễm và 16.296 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, Nam Phi ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 nhiều nhất với 874 ca, Ethiopia ghi nhận thêm 28 ca, Morocco ghi nhận 26 ca, Kenya ghi nhận thêm 20 ca…

Hiện khu vực châu Đại Dương có tổng số 13.814.972 trường hợp mắc COVID-19, với 24.223 ca tử vong. Trong đó, Australia hiện đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng khi ghi nhận 11.247.412 ca; tiếp đến là New Zealand với 2.157.933 ca; New Caledonia ghi nhận 79.785 ca…/

(Nguồn: Đảng Cộng Sản)

ÔNG TẬP LO COVID-19 LÂY LAN MẠNH TRONG TẾT

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ lo ngại về sự lây lan của COVID-19 tại khu vực nông thôn trước Tết Nguyên đán, khi hàng tỉ người dân đổ về quê trên khắp đất nước.

Theo tờ Financial Times, đây có thể xem là sự thừa nhận trực tiếp nhất của ông Tập về cuộc khủng hoảng COVID-19 đang diễn ra tại Trung Quốc.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng kỳ nghỉ Tết của Trung Quốc, chính thức bắt đầu vào tuần tới, có thể trở thành sự kiện siêu lây lan COVID-19 lớn nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020.

Hiện tại, Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm sau khi đột ngột bỏ gần như toàn bộ các biện pháp hạn chế dịch bệnh.

Theo Financial Times, kỳ nghỉ Tết ở Trung Quốc là đợt di cư hằng năm lớn nhất của thế giới. Các quan chức Trung Quốc đã dự báo quốc gia 1,4 tỉ người của họ sẽ có khoảng 2 tỉ chuyến đi để gặp gia đình trong những tuần tới, bằng khoảng 2/3 mức trước đại dịch.

Phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Tập cho biết bản thân hiện "quan tâm chủ yếu đến các vùng nông thôn và người dân nông thôn", khi Trung Quốc bước vào "giai đoạn mới" trong ứng phó với đại dịch.

Chủ tịch Trung Quốc yêu cầu nỗ lực tăng cường nguồn lực y tế và chuẩn bị việc điều trị tốt hơn cho những trường hợp nặng.

Ông Tập cũng ra lệnh áp dụng lại các biện pháp y tế "nghiêm ngặt hơn" tại "các viện dưỡng lão và cơ sở phúc lợi" do người già thuộc nhóm dễ tổn thương trước COVID-19.

Cộng đồng quốc tế cũng lo ngại Bắc Kinh đã báo cáo chưa chính xác số ca nhiễm và số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia này. Đáp lại, Chính phủ Trung Quốc khẳng định họ đưa ra số liệu dựa trên căn cứ khoa học.

(Nguồn: Soha)

MẤT THÂN NHÂN VÌ COVID, DÂN PHẪN NỘ VỚI CÁCH CHỐNG DỊCH CỦA TRUNG QUỐC

(Ảnh minh hoạ).

Cựu giáo viên trung học Ailia tuyệt vọng khi bố cô 85 tuổi tử vong với những triệu chứng COVID trong lúc dịch quét qua Giang Tây. Dù bố cô không bao giờ được xét nghiệm COVID, nhưng cô và mẹ đều dương tính COVID cùng thời điểm và cô tin rằng COVID là nguyên nhân khiến bố mình thiệt mạng.

Trong lúc hàng trăm triệu người Trung Quốc đang đổ xô về quê để đoàn tụ ăn Tết, nhiều người sẽ về quê sau khi đưa tang thân nhân chết vì COVID trong đợt dịch đang hoành hành khắp dân số lớn nhất thế giới này.

Nhiều người phẫn nộ vì họ nói chính phủ không có sự chuẩn bị để bảo vệ người già trước khi Trung Quốc đột ngột bỏ chính sách zero-COVID hồi tháng 12 năm ngoái sau ba năm xét nghiệm, hạn chế đi lại, và phong tỏa gắt gao.

Ailia, 56 tuổi, nói như nhiều người Trung Quốc khác, cô cũng ủng hộ việc mở cửa lại nền kinh tế. Cha của cô chết cuối tháng 12, vài tuần sau khi Trung Quốc bỏ quy định nghiêm ngặt chống COVID.

“Chúng tôi muốn mở cửa trở lại nhưng không phải như cách này, không phải trả giá bằng sinh mạng của nhiều người già vốn ảnh hưởng rất lớn với từng hộ gia đình.”

Hôm thứ Bảy, Trung Quốc loan báo có gần 60 ngàn ca tử vong trong bệnh viện liên quan tới COVID kể từ khi kết thúc chính sách zero-COVID, tăng cao gấp mười lần các con số trước đó. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế nói đây là báo cáo dưới mức, một phần vì không tính tới những người chết tại nhà, như bố của cô Ailia.

Trong số tử vong vừa kể, 90% là người trên 65 tuổi và độ tuổi trung bình là trên dưới 80, một quan chức cho hay.

Những nhược điểm được nhắc tới có việc chưa tiêm chủng thích hợp cho người già và thiếu nguồn cung thuốc trị liệu.

Một số nhà phân tích cho rằng cách Trung Quốc xử lý COVID làm xói mòn lòng tin của dân chúng vào chính phủ, nhưng họ không cho rằng đó là mối đe dọa cho sự cai trị của đảng cộng sản hay của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Hấp tấp và hỗn loạn

Lila Hong, 33 tuổi, làm việc trong một hãng sản xuất ô tô, có mặt tại Vũ Hán khi đại dịch khởi phát cách đây ba năm. Dù gia đình cô thoát chết trong giai đoạn thập tử nhất sinh ban đầu khi mà người ta chưa biết gì về COVID, nhưng tháng rồi cô đã mất ông bà và một ông cậu vì COVID.

Cô nhớ lại cảnh cùng cha tới một nhà thiêu đông kín người ở Vũ Hán để lấy cốt ông bà về.

“Tôi không nói mở cửa lại là không tốt, nhưng tôi nghĩ họ lẽ ra đã nên dành nhiều thời gian để sắp xếp chuẩn bị,” cô nói.

Một cư dân Bắc Kinh họ Zhang, 66 tuổi, cho biết ông mất bốn người trong gia đình vì COVID kể từ đầu tháng 12 tới nay. Ông cho hay cũng giống như bao người, quá trình lo hậu sự cho thân nhân ông diễn ra hấp tấp, hỗn loạn, bỏ qua các tập tục truyền thống.

“Người ta không có cơ hội nói lời tiễn biệt với thân nhân. Nếu ta không thể có cuộc sống tử tế, thì ít nhất phải có được một cái chết tử tế chứ,” ông nói. “Thật là buồn.”

Thâm hụt lòng tin

Trong số bảy gia đình Reuters phỏng vấn trong bài phóng sự này, sáu gia đình cho biết COVID không được ghi trên giấy chứng tử của thân nhân họ mặc dù họ tin đó là nguyên nhân chính gây tử vong.

Thân nhân những người thiệt mạng cũng hoài nghi về số tử vong mà chính phủ báo cáo, nhiều người nói đã mất lòng tin vào chính phủ trong ba năm zero-COVID.

Philip, sinh viên từ Hà Bắc 22 tuổi, ủng hộ các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa hồi tháng 11 nhưng nói rằng anh cảm thấy thất vọng trước cách mở cửa trở lại kiểu này.

“Xem như họ có toàn bộ quyền lực trên thế giới này nhưng họ lại không làm tốt. Nếu là một tổng giám đốc của một công ty thì tôi nghĩ nên từ chức đi,” anh Philip nói và cho biết anh mất người ông 78 tuổi vào cuối năm.

“Bệnh viện không có thuốc hiệu quả, rất đông, không đủ giường nằm.”

Sau khi ông của Philip qua đời, thi thể ông ấy nhanh chóng được đưa đi để nhường chỗ cho bệnh nhân khác.

“Các y tá và bác sĩ rất bận. Họ dường như liên tục viết giấy chứng tử và phát cho thân nhân. Có rất nhiều người chết…quả là một thảm kịch rất lớn,” Philip nói.

(Nguồn: VOA)

HONG KONG (TRUNG QUỐC) BỎ QUY ĐỊNH CÁCH LY ĐỐI VỚI NGƯỜI MẮC COVID-19

Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 19/1 cho biết từ ngày 30/1 sẽ dỡ bỏ quy định cách ly đối với những người mắc COVID-19.

Quy định này là một trong những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt cuối cùng mà Hong Kong vẫn áp dụng để phòng, chống đại dịch COVID-19.

Việc dỡ bỏ yêu cầu cách ly là một phần trong quyết định của chính quyền Hong Kong hạ cấp độ COVID-19 từ một bệnh hô hấp nghiêm trọng xuống thành bệnh đặc hữu, sau động thái tương tự của Chính phủ Trung Quốc hôm 8/1 vừa qua. Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, ông Lý Gia Siêu (John Lee) nêu rõ đây là một trong những bước quan trọng hướng tới trạng thái bình thường. Tuy nhiên, người dân ở Hong Kong vẫn phải đeo khẩu trang, ngoại trừ khi tập thể dục.

Tuần trước, dịch vụ đường sắt cao tốc giữa Hong Kong và Trung Quốc đã nối lại hoạt động lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.

Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại các đường biên giới từ ngày 8/1 sau khi đã từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 từ tháng 12/2022. Bộ Giao thông Trung Quốc dự báo trong đợt Xuân vận 2023, lưu lượng hành khách tham gia giao thông sẽ tăng 99,5% so với cùng kỳ năm ngoái và phục hồi 70,3% mức ghi nhận năm 2019.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

(Xem thêm:

=> Covid-19 thế giới: Cập nhật; TQ 'trở lại bình thường', bác sĩ được lệnh tránh ghi tử vong; Nhật bỏ đeo khẩu trang trong nhà ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang