Covid-19 thế giới: Cập nhật; TQ 'trở lại bình thường', bác sĩ được lệnh tránh ghi tử vong; Nhật bỏ đeo khẩu trang trong nhà

TÌNH HÌNH COVID-19 NGÀY 18.1: CDC MỸ ĐẤU TRANH CHO QUYỀN ĐƯỢC BẮT BUỘC ĐEO KHẨU TRANG

(Ảnh minh hoạ).

Bộ Tư pháp Mỹ hôm 17.1 đề nghị tòa phúc thẩm đảo ngược phán quyết vào tháng 4.2021 với nội dung mọi sắc lệnh của chính phủ yêu cầu đeo khẩu trang trên máy bay hoặc bất kỳ phương tiện công cộng lẫn dịch vụ chở thuê nào là bất hợp pháp.

Hội đồng 3 thẩm phán của Tòa Phúc thẩm số 11 đã nghe các tranh luận về kháng cáo của chính phủ đối với phán quyết của tòa quận ở Florida. Trong phán quyết trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) được cho thiếu thẩm quyền pháp lý để bắt buộc đeo khẩu trang trong quá trình dùng phương tiện giao thông trên toàn quốc để phòng chống Covid-19.

Tháng 1.2021, CDC áp đặt lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn nước Mỹ, vài ngày sau khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống ở Nhà Trắng.

Luật sư của Bộ Tư pháp Brian Springer lập luận rằng CDC có thể yêu cầu đeo khẩu trang mà không cần phải thông qua ý kiến của người dân để nhanh chóng ứng phó tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh.

Liên minh châu Âu hồi đầu tháng khuyến cáo nên đeo khẩu trang trên các chuyến bay từ Trung Quốc, nơi diễn ra đợt bùng dịch lớn sau khi dỡ bỏ chính sách zero Covid.

Hàn Quốc chuẩn bị bỏ yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà

Hôm 17.1, số ca Covid-19 mới ở Hàn Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong 13 tuần, cho thấy dấu hiệu dịch đang giảm trong lúc chính quyền Seoul đang cân nhắc không còn yêu cầu đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trong nhà.

Hàn Quốc ngày 17.1 ghi nhận 40.199 ca mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca Covid-19 tại nước này lên 29.861.234, theo Yonhap News dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA).

Con số này giảm khoảng 20.000 trường hợp so với tuần trước đó, và chỉ bằng phân nửa số ca cách đó 2 tuần.

Cùng ngày, Hàn Quốc có thêm 30 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người chết vì căn bệnh này lên 33.014.

(Nguồn: Thanh Niên)

TRUNG QUỐC TUYÊN BỐ 'TRỞ LẠI BÌNH THƯỜNG' SAU COVID-19

Phó thủ tướng Lưu Hạc nói Trung Quốc đã trở lại bình thường sau khi nới lỏng hạn chế Covid-19 và mời bạn bè quốc tế đến thăm nước này.

"Mọi thứ đã trở về bình thường một cách toàn diện", Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, hôm nay. "Hiện tại, khó khăn chính vẫn là nhóm người cao tuổi, có bệnh nền. Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề này".

Ông Lưu đưa ra bình luận trong bối cảnh Trung Quốc tháng 12 bắt đầu nới lỏng các biện pháp ứng phó Covid-19 trong nước và dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với người từ nước ngoài nhập cảnh từ ngày 8/1, chấm dứt gần ba năm đóng cửa để đối phó đại dịch.

Động thái trên dẫn đến một làn sóng Covid-19 tại Trung Quốc, với số ca nhiễm tăng mạnh tại nhiều địa phương. Giới chức Trung Quốc ngày 14/1 cho biết nước này ghi nhận gần 60.000 trường hợp tử vong liên quan Covid-19 trong vòng chỉ hơn một tháng.

Tuy nhiên, ông Lưu nói quá trình chuyển tiếp "nhìn chung diễn ra ổn định và suôn sẻ". "Thời gian để số ca nhiễm đạt đỉnh và bình thường trở lại khá nhanh. Ở khía cạnh nào đó, tình hình đã vượt kỳ vọng của chúng tôi", phó thủ tướng Trung Quốc cho biết.

Theo ông Lưu, ngành đồ uống và thực phẩm, du lịch của Trung Quốc bắt đầu bình thường trở lại, và dự báo khoảng 5 tỷ chuyến đi sẽ diễn ra trong kỳ nghỉ tết Âm lịch bắt đầu cuối tuần này. Ông Lưu cũng khuyến khích du khách nước ngoài đến Trung Quốc, sau khi các quy định về cách ly đã được dỡ bỏ.

"Chúng tôi rất hoan nghênh bạn bè quốc tế đến Trung Quốc. Chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ tốt nhất. Tất nhiên, chúng tôi lúc này vẫn còn một số vấn đề cần thời gian để giải quyết nhưng nhìn chung không có rắc rối nào", ông nói.

(Nguồn: Vnexpress)

TRUNG QUỐC: BÁC SĨ ĐƯỢC LỆNH TRÁNH GHI TỬ VONG VÌ COVID VÀO GIẤY CHỨNG TỬ

(Ảnh minh hoạ).

Trong một ca trực bận rộn giữa đợt cao điểm COVID tại Bắc Kinh, một bác sĩ tại một bệnh viện tư nhìn thấy một thông báo trong khu cấp cứu ghi rằng các bác sĩ nên tìm cách tránh ghi vào giấy chứng tử của bệnh nhân là suy hô hấp do COVID.

Thay vào đó, nếu người chết có bệnh nền thì nên ghi đó là nguyên nhân chính gây tử vong, theo một thông báo mà Reuters nhìn thấy.

Nếu bác sĩ tin rằng bệnh nhân chết do viêm phổi COVID mà thôi thì phải báo cáo với cấp trên để cấp trên sắp xếp hai cấp độ ‘tham vấn chuyên gia’ trước khi một ca tử vong COVID được xác định, thông báo nói.

Sáu bác sĩ làm việc cho bệnh viện công trên khắp Trung Quốc cho Reuters biết hoặc là họ có được chỉ thị bằng miệng tương tự như thế hoặc có biết rằng bệnh viện của họ có chính sách khuyến khích chớ ghi nguyên nhân tử vong COVID.

Một số người có thân nhân chết vì COVID cho hay bệnh COVID không được ghi trên giấy chứng tử, một số bệnh nhân cho biết không được xét nghiệm COVID dù nhập viện với triệu chứng hô hấp.

“Chúng tôi ngưng xác định tử vong COVID kể từ khi mở cửa trở lại vào tháng 12,” một bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Thượng Hải cho biết. “Làm vậy thật vô nghĩa vì hầu hết mọi người đều dương tính.”

Những chỉ thị kiểu này khiến các chuyên gia y tế toàn cầu và Tổ chức Y tế Thế giới chỉ trích rằng Trung Quốc báo cáo dưới mức về số ca tử vong COVID một cách đáng kể trong lúc virus đang lan tràn tại đây.

Hôm thứ Bảy, các giới chức nói có 60 ngàn người nhiễm COVID tử vong tại bệnh viện kể từ khi Trung Quốc đảo chiều chính sách zero COVID, tăng gần chục lần từ các số liệu báo cáo trước đó nhưng giới chuyên gia quốc tế vẫn cho là chưa đúng thực tế. Các chuyên gia dự báo trong năm nay Trung Quốc sẽ có hơn một triệu người chết vì COVID.

Một bác sĩ cao cấp ở Ninh Ba cho hay các bác sĩ tại đây được lệnh ‘cẩn trọng’ khi ghi rằng một bệnh nhân chết vì COVID, và nếu muốn làm vậy phải được sự chấp thuận của cấp trên.

Vẫn theo nguồn tin này, không một bệnh nào khác mà bác sĩ được yêu cầu ‘cẩn trọng’ như thế khi ghi vào giấy chứng tử.

Vị bác sĩ tại bệnh viện công lớn ở Thượng Hải cho hay tỷ lệ tử vong hàng tuần kể từ đợt COVID gần đây cao gấp ba, bốn lần mức bình thường vào thời điểm này trong năm. Đa số không phải chỉ có một bệnh nhưng COVID làm tình hình nguy kịch hơn, bác sĩ này cho biết.

“Trên giấy chứng tử, chúng tôi điền một nguyên nhân chính gây tử vong, và hai tới ba nguyên nhân phụ, và chúng tôi cơ bản là không ghi COVID,” bà nói.

“Không có cách nào khác, phải làm theo chỉ thị của bệnh viện từ chính phủ đưa xuống,” bác sĩ này cho biết thêm.

(Nguồn: VOA)

NHẬT BẢN XEM XÉT BỎ KHUYẾN NGHỊ ĐEO KHẨU TRANG Ở TRONG NHÀ

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét đề xuất bỏ khuyến nghị đeo khẩu trang trong khuôn viên khép kín tại các địa điểm như văn phòng, hội trường hay nhà hàng, thay vào đó chỉ khuyến nghị thực hiện biện pháp này đối với những người có triệu chứng.

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang thảo luận về việc đưa dịch COVID-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm, tức là ngang với cúm mùa, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện và trung tâm y tế công cộng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm vẫn tỏ ra thận trọng trước đề xuất nới lỏng hơn nữa quy định về đeo khẩu trang do lo ngại điều này có thể sẽ khiến tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở Nhật Bản, vốn đang tăng nhanh trong những tuần gần đây, có thể sẽ tăng cao hơn nữa, nhất là khi người cao tuổi chiếm tới gần 30% dân số nước này.

Trước đó, khi sửa đổi hướng dẫn về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 vào tháng 5 năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản đã bỏ khuyến nghị người dân đeo khẩu trang khi ở ngoài trời. Theo Chính phủ Nhật Bản, người dân không cần đeo khẩu trang khi ở ngoài trời, nếu họ không nói chuyện. Tuy nhiên, bất chấp sự thay đổi này, nhiều người ở Nhật Bản vẫn đeo khẩu trang khi ở ngoài trời. Văn bản hướng dẫn này cũng khuyên người dân tiếp tục đeo khẩu trang khi ở trong nhà, ngoại trừ trường hợp đảm bảo giãn cách xã hội ít nhất 2m và ở những nơi hạn chế nói chuyện.

Tại Nhật Bản, các bệnh truyền nhiễm được phân thành 5 nhóm, trong đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất như dịch hạch và Ebola được xếp vào nhóm 1. Các nhóm sau đó có mức độ nguy hiểm giảm dần, chẳng hạn nhóm 2 có bệnh lao, nhóm 3 có dịch tả, nhóm 4 có sốt vàng da và nhóm 5 có bệnh cúm mùa. Riêng dịch COVID-19 thuộc danh mục “cúm mới và các bệnh khác” nằm ngoài 5 nhóm trên. Đây là danh mục các dịch bệnh có mức độ nguy hiểm tương đương với các bệnh truyền nhiễm ở nhóm 2, nhưng lại áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tương đương với các bệnh truyền nhiễm trong nhóm 1. Nếu dịch COVID-19 được đưa vào nhóm 5, tương đương với cúm mùa, chính phủ sẽ không phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho các bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số thành viên của nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) về ứng phó với dịch COVID-19 cho rằng còn quá sớm để đưa dịch COVID-19 vào nhóm 5. Bên cạnh đó, đa số người dân Nhật Bản vẫn tỏ ra lo ngại về dịch COVID-19.

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của đài truyền hình NHK cho thấy có 84% người tham gia khảo sát bày tỏ quan ngại về dịch COVID-19, trong khi chỉ có 16% cho rằng không cần phải lo lắng về dịch bệnh này. Cuộc thăm dò này do NHK thực hiện từ ngày 1/11 tới 6/12/2022, với sự tham gia của 2.266 người ở độ tuổi từ 18 trở lên. Trong số những người tham gia khảo sát, có 98% số người được hỏi cho biết họ vẫn đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19; 67% tránh các địa điểm đông người hoặc không gian kín và 61% vẫn duy trì giãn cách xã hội.

Đánh giá về sự ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, 55% số người được hỏi có đánh giá tích cực, trong khi 44% đánh giá tiêu cực. Để phòng chống đại dịch, 49% muốn chính phủ phát triển thuốc và vaccine, 20% muốn chính phủ hỗ trợ tài chính, 15% kêu gọi mở rộng dịch vụ y tế cho những người nhiễm bệnh.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

(Xem thêm:

=> Covid-19 thế giới: 900 triệu dân TQ đã nhiễm, chi tiền khủng chống dịch; Botswana bùng phát; Ca mắc HQ giảm ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang