Covid-19 thế giới: Cập nhật; Quan tài cháy hàng ở TQ; Triều Tiên phong tỏa thủ đô; Thái Lan tiêm chủng cho du khách

TÌNH HÌNH COVID-19 NGÀY 25.1: CHUYÊN GIA CẢNH BÁO ĐẠI DỊCH CÒN LÂU MỚI KẾT THÚC

(Ảnh minh hoạ).

Các chuyên gia hàng đầu thế giới cho rằng đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc và cảnh báo nguy cơ của hội chứng Covid kéo dài đối với xã hội.

Tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Thụy Sĩ mới đây, các quan chức và chuyên gia y tế công cộng cảnh báo về một số thách thức lớn trong việc chống đại dịch Covid-19. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các phiên bản của biến thể Omicron đang tiếp tục lây lan trên toàn cầu.

Tại hội nghị, chủ đề được nhấn mạnh là tác động của Covid kéo dài, thiếu bình đẳng về vắc xin và thông tin định hướng liên quan đến đại dịch.

Tờ Khmer Times ngày 24.1 dẫn lời chuyên gia Michelle Williams, hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ), cảnh báo tình hình đại dịch nay đã tốt hơn giai đoạn đầu nhưng còn lâu mới kết thúc.

Theo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến cuối ngày 24.1, có 664,6 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, hơn 6,7 triệu ca tử vong và 13,1 tỉ liều vắc xin đã được tiêm.

Bà Williams cho hay tại Mỹ hiện có 526 ca tử vong vì Covid-19 mỗi ngày, trong khi tháng 10.2022 chỉ có 400 ca mỗi ngày. “Điều thật sự đáng thất vọng là 9 trên 10 ca tử vong đó có thể được ngăn chặn nếu chịu tiêm vắc xin và thực hiện các hành động khác như tạo thông gió, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội thích hợp”, vị chuyên gia nói.

Bà Williams còn chỉ ra những tác động kinh tế - xã hội của hội chứng Covid kéo dài. “Riêng tại Mỹ, hơn 174.000 trẻ nhỏ mắc Covid sẽ bị đại dịch ảnh hưởng trong phần đời còn lại. Không chỉ tác động đến cá nhân và gia đình, Covid kéo dài còn gây tác động kinh tế có thể lên đến 3.700 tỉ USD”, bà Williams cảnh báo.

Mặt khác, các chuyên gia cũng bàn luận về thách thức của tình trạng bất bình đẳng về vắc xin tại hội nghị. Ông Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), cho biết tại một nửa số nước thu nhập thấp, chỉ có 53% dân số được tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên. Trên toàn cầu, tỷ lệ này là 64%.

Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp Michael Ryan của WHO nhấn mạnh không thể thoát khỏi đại dịch nếu không đặt vắc xin vào trung tâm chiến lược.

Ông Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của Liên minh những đổi mới chuẩn bị cho dịch bệnh (CEPI), nêu ý kiến rằng để đảm bảo vắc xin được phân phối công bằng, các nước và nhà sản xuất nên ưu tiên cung cấp cho cơ chế COVAX do WHO dẫn đầu và hỗ trợ việc sản xuất công cụ xét nghiệm, vắc xin và thuốc điều trị tại địa phương. Ông kêu gọi các hãng dược ủng hộ các nước đang phát triển bằng cách chia sẻ kiến thức, công nghệ và giấy phép sản xuất.

Ngay cả khi có đủ vắc xin và sự chuẩn bị, các đại dịch trong tương lai vẫn có thể gây ảnh hưởng nếu thiếu lòng tin giữa chính quyền, người dân và giới hàn lâm, các chuyên gia tại WEF nhận định. Sự lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội cũng sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn.

WHO đã gọi tên tình trạng thông tin sai lệch liên quan đến đại dịch Covid-19 là “dịch thông tin” (infodemic). Theo mô tả, đây là tình trạng có quá nhiều thông tin sai sự thật hoặc mang tính định hướng trong môi trường số và ngoài đời thật trong thời gian một bệnh dịch bùng phát. WHO kêu gọi quản lý infodemic bằng cách lắng nghe lo ngại của cộng đồng, thúc đẩy thông tin về nguy cơ của bệnh và lời khuyên của các chuyên gia y tế, xây dựng khả năng chống chịu với thông tin sai lệch và hỗ trợ cộng đồng làm điều tích cực.

(Nguồn: Thanh Niên)

COVID Ở TRUNG QUỐC: QUAN TÀI CHÁY HÀNG VÌ NGƯỜI CHẾT GIA TĂNG

Những thợ đóng quan tài ở phía bắc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc dạo này rất bận rộn. Chúng tôi quan sát những người thợ lành nghề này chạm khắc những đường trang trí tinh xảo lên mặt gỗ mới chặt. Họ nói rằng trong những tháng gần đây, họ không có thời gian để nghỉ ngơi.

Một người dân địa phương, cũng là một khách hàng, nói với chúng tôi rằng có lúc quan tài đã cháy hàng. Cười khổ, ông nói thêm rằng những người làm trong ngành tang lễ đã "kiếm được một món hời nhỏ".

Có nhiều tranh cãi về số ca tử vong thực sự do mắc Covid ở Trung Quốc, sau khi virus tấn công các siêu đô thị của nước này.

Khoảng 80% dân số - hơn một tỷ người - đã bị nhiễm bệnh kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế vào tháng 12/2023, theo chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Wu Zunyo.

Cuối tuần trước, Trung Quốc đã báo cáo 13.000 ca tử vong liên quan đến Covid trong vòng chưa đầy một tuần, bổ sung vào con số 60.000 ca tử vong mà nước này đã thống kê kể từ tháng 12.

Nhưng những cái chết này được ghi nhận trong bệnh viện. Ở các vùng nông thôn, cơ sở y tế thưa thớt và những người chết tại nhà hầu hết không được thống kê.

Thậm chí không có ước tính chính thức về số người chết ở những ngôi làng. Nhưng BBC đã tìm thấy bằng chứng về số người chết đáng kể và ngày càng tăng.

Chúng tôi đã đến thăm một lò hỏa táng và mọi người ở đó cũng đang bận rộn, những người đưa tang mặc đồ trắng đi về phía trước ôm theo một chiếc hũ mà cuối cùng sẽ chứa hài cốt của người thân yêu của họ.

Ở một ngôi làng khác, chúng tôi thấy một người đàn ông và một phụ nữ chất những con chim bằng giấy lụa khổng lồ lên thùng sau của một chiếc xe tải. "Đây là những con sếu. Người chết cưỡi con sếu sang thế giới bên kia", người phụ nữ nói.

Khi đóng gói những bức ảnh Phật giáo mới được làm từ giấy lụa, họ nói rằng nhu cầu trang trí cho tang lễ đã bùng nổ, gấp hai hoặc ba lần so với bình thường.

Tất cả những người chúng tôi gặp ở khu vực này của tỉnh Sơn Tây, những người làm trong ngành tang lễ đều kể cho chúng tôi một câu chuyện tương tự về số ca tử vong gia tăng và tất cả họ đều cho rằng nguyên nhân là do virus corona.

“Một số người ốm đã yếu lắm rồi,” một người đàn ông nói khi đang chất hàng lên xe tải. “Rồi họ nhiễm Covid, cơ thể già yếu chịu không nổi”.

Chúng tôi đi theo chiếc xe tải đến nơi các món đồ trang trí được chuyển đến và gặp Wang Peiwei, người có chị dâu vừa qua đời.

Chị dâu của ông là một bà mẹ hai con ở độ tuổi 50, đã mắc bệnh tiểu đường nặng trong nhiều năm và sau đó bị nhiễm virus corona.

"Sau khi nhiễm Covid, bà ấy bị sốt cao và các cơ quan bắt đầu suy yếu. Hệ thống miễn dịch của bà ấy không đủ mạnh để vượt qua", ông Wang nói.

Khoảng sân của ngôi nhà được lấp đầy những đồ trang trí cho đám tang. Ông Wang nói với chúng tôi rằng vẫn còn nhiều bức ảnh, hoa và những thứ tương tự sẽ được chuyển đến.

Đứng trước căn lều trong sân nơi đặt thi thể của chị dâu, ông giải thích rằng vào đám ma, sẽ có 16 người khiêng quan tài và bà sẽ được chôn cất theo nghi thức truyền thống.

Ông Wang nói rằng, mặc dù chi phí tổ chức tang lễ đã tăng vọt vì số người chết vì Covid, nhưng gia đình họ sẽ trả thêm số tiền đó để tiễn đưa người thân.

"Bà ấy là một người tuyệt vời. Chúng tôi phải tổ chức tang lễ hoành tráng để tiễn đưa bà ấy, loại tốt nhất nằm trong khả năng chi trả của chúng tôi", ông nói.

Mỗi năm, hàng trăm triệu người trẻ lại về quê đón Tết Nguyên đán vào thời điểm này. Đó là lễ hội quan trọng nhất của Trung Quốc.

Những ngôi làng mà họ trở về hiện là nơi sinh sống của hầu hết người lớn tuổi - những người dễ bị tổn hại vì Covid hơn.

Đã có nhiều lo ngại lớn cuộc xuân vận ồ ạt vào dịp Tết năm nay có thể khiến virus corona lây lan nhanh chóng đến những vùng xa xôi hơn, dẫn đến hậu quả chết người.

Chính phủ cảnh báo những người ở các thành phố không nên về thăm nhà trong năm nay nếu những người thân lớn tuổi của họ chưa bị nhiễm bệnh.

Bác sĩ Dong Yongming, người có một phòng khám rất nhỏ tại một ngôi làng, cho rằng ít nhất 80% cư dân ở đó đã nhiễm Covid.

"Tất cả dân làng đến với chúng tôi khi họ bị bệnh," ông nói. "Chúng tôi là phòng khám duy nhất ở đây."

Ông nói, hầu hết những người đã chết ở làng đều có bệnh nền.

Về việc quản lý thuốc tại phòng khám khi Covid tràn vào làng, bác sĩ Dong cho biết họ sẽ không bán thuốc cho những người mua vượt quá nhu cầu cần thiết của họ.

“Ví dụ, tôi sẽ chỉ đưa bốn viên Ibuprofen cho mỗi người,” ông nói. "Họ không cần tới hai hộp đâu. Chỉ lãng phí thôi."

Tuy nhiên, bác sĩ Dong nói ông tin rằng đỉnh điểm của làn sóng Covid này đã nằm ở phía sau: "Chúng tôi không có bệnh nhân nào trong những ngày gần đây."

Những người chết trong khu vực này được chôn cất trên các cánh đồng. Sau đó, những người nông dân tiếp tục trồng trọt và chăn nuôi xung quanh các gò đất của tổ tiên họ.

Lái xe dọc đường, chúng tôi thấy có những gò đất mới với những lá cờ đỏ được cắm bên trên. Có rất nhiều gò đất mới. Một nông dân chăn dê xác nhận đó là những ngôi mộ mới.

"Các gia đình đã chôn những người già ở đây sau khi họ qua đời. Có quá nhiều người chết," ông nói.

Người nông dân cho biết có hơn 40 người đã chết trong đợt Covid mới đây ở ngôi làng có vài ngàn dân sinh sống của mình.

"Có người chết ngày trước, rồi ngày hôm sau sẽ có người khác. Chuyện này đã diễn ra không ngừng nghỉ trong hơn một tháng qua," ông nói.

Nhưng ở vùng nông thôn này, họ khá triết lý về sự sống và cái chết. Người nông dân này cho biết người dân nơi đây vẫn đón năm mới như bình thường.

“Con trai và con dâu tôi sẽ về đây sớm,” ông nói.

Tôi hỏi liệu người dân trong làng có lo lắng rằng các thành viên trong gia đình khi trở về có thể đồng nghĩa với việc lây nhiễm Covid nhiều hơn không.

"Mọi người không nên lo lắng. Không sợ!" anh ấy nói. "Bạn vẫn sẽ bị nhiễm bệnh ngay cả khi bạn tránh. Hầu hết chúng tôi đều đã nhiễm bệnh và chúng tôi vẫn ổn."

Ông và nhiều người khác đang hy vọng rằng giai đoạn cho những công việc chết chóc vì Covid đã xong và ít nhất là trong thời điểm hiện tại, họ có thể dành sức lực cho việc ở bên người sống thay vì chôn cất người chết.

(Nguồn: BBC)

NK NEWS: TRIỀU TIÊN PHONG TOẢ THỦ ĐÔ VÌ BỆNH HÔ HẤP

(Ảnh minh hoạ).

Thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vừa yêu cầu triển khai một đợt phong toả trong 5 ngày vì số ca mắc bệnh hô hấp gia tăng, trang NK News tại Seoul đưa tin.

Theo tin của NK News , thông báo không đề cập đến COVID-19, nhưng yêu cầu người dân trong thành phố phải ở nhà cho đến hết ngày 29/1 và phải đo nhiệt độ nhiều lần mỗi ngày.

Ngày 24/1, trang chuyên về Triều Tiên này đưa tin người dân Bình Nhưỡng có vẻ đang tích trữ hàng hoá để đề phòng chính quyền áp dụng biện pháp nghiêm ngặt hơn.

Triều Tiên chưa bao giờ xác nhận số lượng người mắc COVID-19, giới quan sát bên ngoài cho rằng nguyên nhân là do thiếu thiết bị để xét nghiệm hàng loạt.

Thay vào đó, Triều Tiên báo cáo số ca sốt hằng ngày, với khoảng 4,77 triệu trường hợp trong tổng dân số 25 triệu. Tuy nhiên, nước này không báo cáo số ca mới nào kể từ ngày 29/7/2022.

Báo chí nhà nước Triều Tiên vẫn tiếp tục đưa tin về nhiều biện pháp được triển khai để đối phó với các bệnh hô hấp, trong đó có cúm, nhưng chưa từng đưa tin về lệnh phong toả.

Ngày 24/1, KCNA đăng bản tin cho biết thành phố Kaesong gần biên giới Hàn Quốc đã tăng cường chiến dịch thông tin cộng đồng “để tất cả người dân lao động tự giác tuân thủ các quy định chống dịch bệnh trong cuộc sống và công việc của họ”.

(Nguồn: Soha)

THÁI LAN TIÊM VACCINE NGỪA COVID-19 CHO DU KHÁCH NƯỚC NGOÀI TRÊN TOÀN QUỐC

Bộ Y tế Công cộng Thái Lan yêu cầu các tỉnh, thành trên toàn quốc mở các trung tâm tiêm chủng giúp du khách nước ngoài có thể tiêm vaccine ngừa Covid-19 với mức giá phải chăng.

Thư ký thường trực Bộ Y tế Công cộng Opas Karnkawinpong cho biết, chiến dịch này nằm trong nỗ lực ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19 trong bối cảnh Thái Lan đang là điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế.

Theo ông Opas, chiến dịch này cũng dự kiến sẽ giúp du khách Trung Quốc tiếp cận với vaccine ngừa Covid-19 công nghệ mRNA vốn không có sẵn ở Trung Quốc.

Ông Opas cũng xác nhận rằng người nước ngoài sinh sống ở Thái Lan như doanh nhân, công nhân và các nhà ngoại giao vẫn có thể được tiêm miễn phí vaccine ngừa Covid-19. Các cơ quan y tế cũng đã được yêu cầu đảm bảo đủ lượng vaccine dự trữ cho người dân Thái Lan.

Trước đó, Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan, Tiến sĩ Tares Krassanairawiwong cho biết, một dự án thí điểm tiêm chủng cho du khách nước ngoài đã khởi động vào hôm 18/1 vừa qua.

Theo đó, du khách nước ngoài có thể được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Trung tâm Y tế Bang Rak và Viện Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Đô thị ở Bangkok. Theo ông Tares, vaccine ngừa Covid-19 cũng đã được phân phối sẵn sàng tới các điểm đến du lịch nổi tiếng như Chiang Mai, Pattaya và Phuket.

Vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca và Pfizer sẽ có giá lần lượt là 800 baht (24 USD) và 1.000 baht (30 USD)/liều. Du khách nước ngoài sẽ phải trả thêm 380 baht (11,6 USD) phí dịch vụ y tế ngoài chi phí tiêm chủng.

Ông Tares cũng khẳng định Thái Lan có đủ vaccine dự trữ để đáp ứng nhu cầu của người dân Thái Lan và du khách nước ngoài.

(Nguồn: VOV)

(Xem thêm:

=> Covid-19 thế giới: Cập nhật; Mỹ tiêm phòng hàng năm; Y tế TQ miệt mài làm Tết; Tình hình Thái Lan ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang