Cơn 'địa chấn' phim Hàn; Haidilao TQ 'vỡ trận'; Quyền lực mềm TQ ở Trung Đông; Ukraine phản công; Israel tấn công Syria

Cơn 'địa chấn' toàn cầu mang tên phim truyền hình Hàn Quốc

(Ảnh minh họa).

Sự bùng nổ của hàng loạt phim Hàn Quốc đã thúc đẩy lượng đăng ký dịch vụ của Netflix trên toàn cầu, khiến nhiều ông lớn truyền thông khác cũng tìm cách thâm nhập thị trường này.

Mỗi khi Chanette Thompson bị vấp ngón chân, khả năng cao cô sẽ hét lên: “Aish” (tiếng Hàn có nghĩa là “ôi không” hoặc “chết tiệt”). Nhưng người nghệ sĩ trang điểm này sống ở Los Angeles và chưa bao giờ tới Hàn Quốc, thậm chí còn không biết tiếng Hàn.

Bloomberg cho rằng việc cô có xu hướng chửi thề bằng ngôn ngữ không thông thạo là minh chứng cho niềm vui xem phim Hàn Quốc của Thompson.

Lần đầu tiên Thompson biết đến phim Hàn Quốc là hơn một thập kỷ trước. Cô dễ dàng say mê Pink Lipstick (tạm dịch: Nụ hồng hờ hững) có nhân vật chính đẹp trai và cốt truyện gợi nhắc cô tới vở kịch nhiều tập The Young and the Restless thường xem với bà ngoại. Kể từ đó, niềm đam mê với phim Hàn Quốc của cô lớn dần.

Netflix của Thompson tràn ngập các bộ phim truyền hình Hàn Quốc. Cô đăng ký cả dịch vụ phát trực tuyến khác, Viki, để tiếp cận thêm nhiều chương trình Hàn Quốc. Cô cũng đến các nhà hàng Hàn Quốc thử những món ăn nhìn thấy trong phim, và lên kế hoạch tới nước này du lịch vào năm 2025.

“Tôi cũng xem truyền hình Mỹ, nhưng tôi xem truyền hình Hàn Quốc nhiều hơn”, cô nói.

Phim Hàn Quốc đã phát triển thành một trong những loại chương trình phổ biến nhất trên thế giới. Thành công của Squid Game ("Trò chơi con mực") tới Ký sinh trùng đã biến Hàn Quốc trở thành một trong những trung tâm giải trí toàn cầu.

Theo Media Partners Asia, Hàn Quốc là nhà sản xuất chương trình thành công lớn nhất châu Á. Đây cũng là nhà sản xuất loạt phim ăn khách lớn nhất trên toàn cầu cho Netflix, bên ngoài Mỹ. Công ty cho biết hơn 60% khách hàng đã xem chương trình Hàn Quốc vào năm ngoái.

Thành công không đến trong một đêm

Trong hai tuần liên tiếp của tháng 3, The Glory ("Vinh quang trong thù hận") - bộ phim dài 16 tập kể về một phụ nữ tìm cách trả thù nhóm bắt nạt từ hồi cấp 3 - là bộ phim được xem nhiều nhất trên Netflix. Đây là một trong 10 loạt phim nổi tiếng nhất của Netflix tại hơn 90 quốc gia, bao gồm Argentina, Pháp, Ấn Độ và Nam Phi.

Netflix đầu tư 500 triệu USD ở Hàn Quốc vào năm 2021. Sau thành công của Trò chơi con mực và nhiều loạt phim khác, công ty này đã tăng sản xuất lên ít nhất 34 chương trình trong năm nay.

Theo Media Partners Asia, Netflix hiện chi gần 1 tỷ USD/năm. Một số công ty truyền thông lớn nhất thế giới cũng đang tìm cách nối gót Netflix.

Disney+ và Apple TV+ nằm trong số các dịch vụ phát trực tuyến toàn cầu tìm kiếm các thỏa thuận đẩy mạnh đầu tư vào Hàn Quốc. Amazon.com - không vận hành dịch vụ phát trực tuyến ở Hàn Quốc - cũng đang mua các chương trình Hàn Quốc.

Thành công của truyền hình Hàn Quốc không đến chỉ sau một đêm.

Vào những năm 1950, Lee Byung Chul - người sáng lập Tập đoàn Samsung - đã thành lập CJ CheilJedang, tập đoàn thực phẩm và sức khỏe. Sản xuất truyền hình không nằm trong kế hoạch ban đầu.

Tuy nhiên, hậu Chiến Tranh Lạnh, giới chính trị Hàn Quốc bắt đầu khuyến khích các công ty lớn nhất đầu tư vào lĩnh vực giải trí. Họ tin quyền lực mềm có thể thúc đẩy lợi thế quốc gia.

Vào những năm 1990, hai người cháu của ông Lee - Lee Jay Hyun và Miky Lee - biến CJ thành tập đoàn giải trí lớn mạnh. Họ tạo và mua lại một số mạng truyền hình trong nước, doanh nghiệp tổ chức sự kiện và hãng thu âm. Năm 1994, họ đầu tư 300 triệu USD vào DreamWorks SKG - xưởng phim mới do Steven Spielberg, Jeffrey Katzenberg và David Geffen thành lập.

Năm 1998, tập đoàn CJ mở cụm rạp chiếu phim đầu tiên, tạo ra chuỗi rạp khắp châu Á.

Sau đó, gia đình Lee thành lập bộ phận mới để sản xuất phim truyền hình. Theo thời gian, công ty đạt được thỏa thuận với nhiều biên kịch và đạo diễn giỏi nhất cả nước.

Năm 2016, gia đình Lee tách Studio Dragon khỏi công ty giải trí CJ E&M. Cùng năm đó, Studio Dragon sản xuất Guardian: The Lonely and Great God ("Yêu tinh") - bộ phim truyền hình cáp đầu tiên trong lịch sử đạt rating 20% mỗi tập.

Bước ngoặt của Netflix

Vài năm trước, khi Netflix bắt đầu mở rộng sang châu Á, công ty tập trung thâm nhập Nhật Bản, khi họ thường coi đây là thủ phủ văn hóa của khu vực nhờ sức hấp dẫn toàn cầu của anime.

Tuy nhiên khi dấn sâu hơn vào châu Á, các CEO của Netflix nhận ra Hàn Quốc mới chính là chìa khóa thu hút người đăng ký mới. Trước đó, nhiều người thường tải xuống bất hợp pháp các tập phim từ những trang web lậu.

Vào năm 2019, Netflix ký thỏa thuận, cấp phép quyền phát trực tuyến cho nhiều chương trình của Studio Dragon và nắm giữ cổ phần nhỏ trong công ty.

Theo đó, một loạt phim sẽ chiếu trên truyền hình Hàn Quốc trước, sau đó vài giờ sẽ xuất hiện luôn trên Netflix. Từ đó, hàng triệu khách hàng ở Hàn Quốc đã đăng ký Netflix, giúp biến châu Á thành thị trường phát triển nhanh nhất của công ty này.

Bằng cách thêm phụ đề và lồng tiếng cho loạt phim Hàn Quốc, Netflix đã giới thiệu các chương trình tới vô số người xem mới ở Mỹ Latin, châu Âu và Mỹ.

Đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy lượng khán giả. Vào mùa thu 2021, các chương trình Hàn Quốc thường xuyên xuất hiện trong danh sách xem nhiều nhất của Netflix. Trên toàn cầu, người dùng Netflix bắt đầu dành nhiều thời gian xem các chương trình từ Hàn Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào ngoài Mỹ, bao gồm cả Vương quốc Anh.

Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang hy vọng xu hướng này sẽ kéo dài. Các hãng phim tăng sản lượng phim truyền hình dài tập lên hơn 50% trong ba năm qua, phát hành hơn 125 chương trình vào năm 2022.

Họ mong muốn chứng minh truyền hình Hàn Quốc có thể tránh được số phận của điện ảnh Hong Kong hay nhạc pop Nhật Bản. Đây đều là những loại hình giải trí từng vang dội trên khắp toàn cầu, nhưng sức hút dần giảm.

CJ E&M còn chặng đường dài phía trước để bắt kịp các ông lớn truyền thông phương Tây. Công ty đã thành lập hai bộ phận sản xuất mới - CJ ENM Studios và Fifth Season. Gần đây, công ty thành lập bộ phận Studio Dragon tại Nhật Bản và cũng đang mở rộng sang Thái Lan.

Tại thị trấn Paju, CJ E&M xây dựng một studio truyền hình hoàn toàn mới lớn nhất cả nước. Giai đoạn hai là xây dựng xưởng sản xuất ảo mô phỏng công nghệ sử dụng trong The Mandalorian của Walt Disney.

“Nếu ai đó nói về ngành truyền thông, tôi muốn có 3 công ty. Netflix là công ty phát trực tuyến hàng đầu, Disney là công ty mang thương hiệu gia đình và CJ là công ty truyền thông không nói tiếng Anh hiệu quả nhất trên thế giới”, Steve Chung - đồng CEO của CJ tại Mỹ và là giám đốc toàn cầu của công ty - chia sẻ.

(Nguồn: Zing News)

Haidilao Trung Quốc 'vỡ trận' dịp nghỉ lễ: Nhiều khách hàng coi quán là phòng ngủ, khách mới hết chỗ ăn

"Tuần báo Tân dân" (Trung Quốc) ngày 30/4 đưa tin, kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5 tại Trung Quốc đã bước sang ngày thứ hai (tính đến ngày 30/4) và tin tức "Một nhà hàng lẩu Haidilao đầy thực khách nằm ngủ, khách mới không có chỗ ăn" vẫn là tin nóng nhất.

Người ngủ chiếm hết chỗ của người ăn

Sự việc bắt đầu vào ngày 29/4, khi một cư dân mạng xã hội Trung Quốc đăng bài phàn nàn rằng, vào 4h30 sáng hôm đó, anh đến một nhà hàng Haidilao ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, để ăn lẩu, kết quả là đã phải xếp hàng chờ đợi hàng giờ. Bởi vì có quá nhiều sinh viên đại học ngủ lại qua đêm, và anh ấy đã tranh cãi với nhân viên cửa hàng rất lâu, nhưng cuối cùng vẫn không được ăn.

Sự việc này đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi giữa các cư dân mạng Trung Quốc. Một số người nhận định rằng, hành vi của những sinh viên đại học này đã lạm dụng dịch vụ của nhà hàng Haidilao, họ cần sắp xếp chỗ ở khi đi du lịch. Nhưng có cư dân mạng cho rằng, đây là một sự cường điệu, và ở một mức độ nhất định nào đó đã khẳng định chương trình tiếp thị của Haidilao đã thành công.

Theo "Tuần báo Tân dân", về vấn đề này, nhà hàng Haidilao trả lời rằng, quả thực vào thời điểm đó nhà hàng phục vụ không xuể do có quá nhiều người ngủ lại qua đêm.

Người quản lý nhà hàng cho biết, có hai lý do chính, một là do sự việc xảy ra đúng vào dịp nghỉ lễ 1/5; hai là vì có buổi biểu diễn của Joker Xue (một ca sĩ nổi tiểng của Trung Quốc) vào tối ngày 28/4, nên có nhiều sinh viên xem ca nhạc xong đã đến nhà hàng.

"Ngoài ra, nhà hàng rất gần núi Tử Kim, nên có một số khách hàng sẽ chọn nghỉ đêm trong nhà hàng cho đến 4 -5 giờ sáng hôm sau, rồi lên núi Tử Kim ngắm mặt trời mọc", quản lý nhà hàng Haidilao nói.

Quản lý nhà hàng cũng cho biết thêm, vì đều là khách hàng, không phân biệt có sử dụng dịch vụ của nhà hàng hay không, chỉ cần khách hàng có nhu cầu hoặc có khó khăn liên quan, Haidilao rõ ràng không thể từ chối khách hàng.

Chứng kiến phản hồi như vậy của nhà hàng, một số cư dân mạng Trung Quốc cho rằng, sinh viên đại học kéo đến ở những quán lẩu như thế này để ngủ là quá đáng, họ tiết kiệm được tiền ở nhưng lại để những thực khách không có chỗ ăn, Haidilao là khách sạn hay nhà hàng?

"Haidilao ngay từ đầu không nên cho khách hàng ở lại qua đêm. Việc này sẽ chỉ khiến nhiều người làm theo hơn", một người bình luận.

"Có tiền đi xem ca nhạc? Nhưng không có tiền ở?", một cư dân mạng đặt câu hỏi.

"Ngủ qua đêm ở Haidilao cũng được, nhưng điều kiện tiên quyết là không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người khác!", một người khác nhận xét.

Không ăn tại nhà hàng vẫn được ngủ lại

Theo "Tuần báo Tân dân", trên thực tế, nhiều người không biết rằng Haidilao còn có thể cung cấp chỗ ở.

Mọi việc phải bắt đầu từ tháng 3 năm nay. Vào thời điểm đó, một nữ sinh viên đại học ở Thâm Quyến do bị lỡ xe khách đã ở lại trong phòng riêng tại nhà hàng Haidilao suốt một đêm mà không sử dụng dịch vụ ăn uống trong nhà hàng.

Sau khi vụ việc này trở thành một chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc, rất nhiều người đã ca ngợi "dịch vụ thần tiên" của Haidilao; nhưng nó cũng khiến nhiều người đổ xô đến nhà hàng Haidilao để ở lại, đã có rất nhiều bài đăng chia sẻ chỗ ở Haidilao trên các mạng xã hội Trung Quốc.

"Tuần báo Tân dân" nhận định, doanh nghiệp sẵn sàng giúp đỡ người gặp khó khăn là điều rất đáng trân trọng, nhưng tinh thần "phục vụ tận tâm" không nên để người được phục vụ đòi hỏi quá mức, nhà hàng vẫn cần có dũng khí nói "không", vì nếu không sẽ phản tác dụng.

Như một người ttrong ngành nhà hàng đã chỉ ra, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu người ngủ lại qua đêm bị thiệt hại về người hoặc tài sản trong thời gian này? Liệu có tội phạm sử dụng không gian mở của nhà hàng để thực hiện các hành động phi pháp? Những câu hỏi chưa được giải đáp này không chỉ để lại mối nguy hiểm về an toàn mà còn có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của nhà hàng.

(Nguồn: CafeF)

Sự suy yếu của Mỹ và quyền lực mềm mới của Trung Quốc ở Trung Đông

(Ảnh minh họa).

Sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Trung Đông có thể được cảm nhận thông qua quan hệ đối tác kinh tế của Bắc Kinh với tất cả các nước trong khu vực.

Theo nhận định của Tiến sĩ Mohammed Al-Sulami, Chủ tịch của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Iran (Rasanah) với mạng Tin tức Arập (Arab News) mới đây, sau chuyến thăm của Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns tới Saudi Arabia trong tháng 4, người ta phải tự hỏi liệu Mỹ có nhận thấy sự biến động của tình hình Trung Đông hay không.

Trong chuyến thăm của mình, người đứng đầu CIA được cho là đã nói với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman rằng Mỹ cảm thấy “bị che mắt” trước việc Riyadh nối lại quan hệ với Iran và Syria - những đối thủ trong khu vực của Washington.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Mohammed Al-Sulami cho rằng các chính quyền kế tiếp của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã làm giảm uy tín của Mỹ ở Trung Đông vì họ thường xuyên cắt giảm nguồn lực và thay đổi chính sách đối với khu vực, đặc biệt là với Iran. Việc đang phải dành nguồn lực kinh tế cho cuộc xung đột ở Ukraine, thất bại trong giải quyết vấn đề Palestine, từng ủng hộ cái gọi là Mùa xuân Arập và sự phân cực chính trị trong nước tiếp tục làm giảm thêm uy tín của Mỹ đối với các nước trong khu vực.

Ngược lại, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào những quốc gia ở Trung Đông đã mở đường cho Bắc Kinh chuyển từ quyền lực mềm sang địa kinh tế và địa chính trị trong khu vực.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Trung Đông phải được hiểu thông qua lăng kính quan hệ đối tác kinh tế của Bắc Kinh với tất cả các nước trong khu vực. Cách tiếp cận kinh tế này rất khác với chính sách của Mỹ trong việc triển khai sức mạnh quân sự chống lại các đối thủ yếu trong khu vực, chẳng hạn như Taliban năm 2001 và chế độ Saddam Hussein năm 2003.

Như Robert F. Kennedy Jr., người đang chạy đua trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, giải thích trên Twitter: “Trung Quốc đã khéo léo thay thế Mỹ bằng sức mạnh kinh tế. Trong thập kỷ qua, Mỹ đã chi hàng nghìn tỷ USD để ném bom đường sá, bến cảng, cầu cống và sân bay. Trung Quốc đã dành số tiền tương đương để xây dựng lại chúng”.

Ví dụ tại Saudi Arabia, bất chấp việc các công ty Mỹ hoạt động tích cực ở vương quốc này, khả năng huy động vốn quy mô lớn của các công ty Trung Quốc đang mang lại cho Bắc Kinh một lợi thế tiềm năng, đồng thời giúp phát triển hoạt động kinh doanh mới cho các công ty của họ vốn đang phải đối mặt với thị trường bão hòa ở trong nước.

Việc Trung Quốc dẫn đầu về phát triển công nghiệp carbon thấp và lĩnh vực công nghệ mới nổi cũng giúp nước này trở thành một đối tác quan trọng trong việc giúp Saudi Arabia đạt được các mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng.

“Trung Quốc có thể giúp Saudi Arabia xây dựng năng lực phát triển công nghệ, sản xuất thiết bị chính ở trong nước", tổ chức tư vấn toàn cầu Kapsarc của Saudi Arabia cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.

Mô hình đó trái ngược với cách thức của phương Tây, vốn có xu hướng xoay quanh việc sử dụng đồng USD thu được dầu mỏ cho các hợp đồng dịch vụ và mua bán vũ khí hơn là xây dựng ngành công nghiệp địa phương. Hơn nữa, sáng kiến của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm mà trọng tâm công nghiệp của Washington đã chuyển hướng về trong nước, khi họ tìm cách xây dựng ngành công nghiệp ít carbon của riêng Mỹ thông qua các ưu đãi mới của chính phủ.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ chính thức hơn 70 năm trước. Quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ do Saudi Arabia dẫn đầu trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ được chính quyền Biden giải thích là một động thái chính trị nhằm làm suy yếu cơ hội của Đảng Dân chủ so với Đảng Cộng hòa. Saudi Arabia đã kịch liệt bác bỏ những cáo buộc này và chỉ ra giá dầu ổn định ngay sau quyết định giảm sản lượng khai thác dầu.

Washington cũng cáo buộc Saudi Arabia đứng về phía Nga thông qua động thái của nước này vào thời điểm Mỹ và châu Âu đang cố gắng siết chặt nguồn thu của Moskva liên quan đến xung đột ở Ukraine. Nhà Trắng và các quan chức khác của Mỹ đe dọa sẽ xem xét lại mối quan hệ với Saudi Arabia, đi xa hơn là cảnh báo trừng phạt kinh tế và tài chính.

Ngoài ra, kể từ thời chính quyền Obama (2009-2017), những chính sách của Mỹ ở Trung Đông đã gây ra sự nhầm lẫn giữa các đối tác khu vực của Washington. Việc thiếu sự hỗ trợ của Mỹ cho các đồng minh trong khu vực trong cái gọi là Mùa xuân Arập và ý tưởng nối lại quan hệ với Tehran vào thời điểm bất ổn xã hội trong khu vực đã thúc đẩy phần lớn các đồng minh vùng Vịnh tìm kiếm một chính sách đối ngoại mới dựa trên quyền tự chủ và đa dạng hóa.

Thất bại của phe tân bảo thủ trong việc thay đổi khu vực thông qua chiến tranh và cách tiếp cận của Đảng Dân chủ trong việc thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ trong khi không ưu tiên các đồng minh và đối tác trong khu vực cũng là những yếu tố đẩy nhanh sự suy giảm uy tín của Washington trong khu vực. Trước đó, chính sách khu vực của chính quyền Obama dựa trên quan điểm chỉ trích các quốc gia vùng Vịnh, cũng như các cuộc chiến khu vực dưới thời chính quyền George W. Bush đã dẫn đến suy giảm uy tín của Mỹ ở Trung Đông.

Kể từ khi chính quyền Obama xem xét điều chỉnh chính sách về Iran, đã không có bất kỳ sự đồng thuận nào giữa Washington và các đồng minh khu vực về các vấn đề Iran. Vì vậy, trong khu vực hiện nay có lo ngại rằng chính sách khu vực của Đảng Dân chủ sẽ có xu hướng muốn làm ngược lại những gì cựu Tổng thống Donald Trump đã làm. Do đó, bầu không khí tích cực trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ dưới thời chính quyền Trump trở nên lạnh nhạt và căng thẳng hơn vào thời kỳ đầu của chính quyền Biden.

Tiến sĩ Mohammed Al-Sulami kết luận, điều này củng cố nhận thức khu vực rằng chính sách Trung Đông của Mỹ đang bị chi phối bởi sự phân cực trong nước và vì vậy sẽ không có ưu tiên thực sự nào để giải quyết các vấn đề và mối quan tâm ở Trung Đông. Kết quả là, cách tiếp cận lấy Mỹ làm trung tâm này không còn được chú ý đối với các quốc gia trong khu vực.

(Nguồn: Soha)

Ukraine phản công, giành lại một số khu vực ở Bakhmut

Thế trận Bakhmut diễn ra trong tình trạng giằng co liên tục, khi cả Nga và Ukraine đều tuyên bố giành được từ đối phương một số khu vực.

Reuters đưa tin, Tướng Oleksandr Syrskyi, Tư lệnh Cụm phía Đông Lực lượng Vũ trang Ukraine, ngày 1/5 thông báo, các cuộc phản công của Ukraine đã đánh bật lực lượng Nga khỏi một số vị trí ở thành phố Bakhmut ở mặt trận phía Đông nhưng tình hình tại đây vẫn còn khó khăn.

Ngoài ra, tướng Ukraine nói, phía Kiev đã chặn các cuộc tập kích của Nga ở mặt trận Lyman và bắt 10 binh sĩ Nga.

"Để tiến lên, đối phương đã nỗ lực tối đa và không quan tâm đến bất cứ điều gì. Mặc dù bị tổn thất đáng kể, các nhóm tấn công mới của Wagner và lính dù liên tục lao vào trận chiến. Tuy nhiên, đối phương vẫn không thể kiểm soát được Bakhmut", ông cho biết.

Theo ông, các hoạt động chiến đấu dữ dội vẫn tiếp tục ở mặt trận Bakhmut, nhưng Nga đã không thành công trong việc chọc thủng các phòng tuyến của Ukraine.

Trong vài tháng qua, trận chiến giành Bakhmut đã trở thành tâm điểm của một cuộc xung đột vốn ít có sự thay đổi trên chiến tuyến kể từ cuối năm ngoái khiến cả hai bên đều phải tìm kiếm một bước đột phá.

Các lực lượng Nga đã liên tục giành được nhiều khu vực ở Bakhmut trong những ngày qua, nhưng một phát ngôn viên quân đội Ukraine cho biết hôm 30/4 rằng Kiev vẫn có thể cung cấp lương thực, đạn dược và thuốc men cho quân nhân nước này.

Ukraine ngày 1/5 tuyên bố đã chặn được 36 vụ tấn công của Nga ở tiền tuyến mặt trận phía đông từ Bakhmut tới Marinka.

Ukraine đang lên dây cót cho một cuộc phản công quy mô lớn nhằm phá vỡ thế bế tắc. Ukraine chịu áp lực phải chứng minh cho phương Tây thấy rằng họ có khả năng đạt được đột phá trong chiến sự với Nga để đảm bảo NATO tiếp tục viện trợ vũ khí. Trong khi đó, Nga đang củng cố phòng tuyến hàng trăm km dọc theo các khu vực, trong nỗ lực bảo toàn các khu vực mà họ giành được trong cuộc chiến gần 15 tháng qua.

Ukraine tin rằng, Nga đang đưa lực lượng hàng đầu tới Bakhmut để giành khu vực này. Việc Kiev bám trụ ở chảo lửa này có tác dụng làm tiêu hao lực lượng của Nga, trong khi "câu giờ" để Ukraine tiếp tục huấn luyện binh sĩ và chờ phương Tây chuyển thêm vũ khí để phản công trong thời gian tới. Trong khi đó, Nga muốn kiểm soát Bakhmut để tiếp tục tiến sâu hơn nữa vào Donbass.

Hôm qua, bà Hanna Maliar, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết: "Trong tuần qua, đối thủ tiếp tục tấn công trên ba mặt trận: Bakhmut, Avdiivka và Marinka. Các lực lượng Nga đã đạt được những thành tựu không đáng kể ở một số khu vực trong suốt tuần qua, nhưng lực lượng phòng thủ của chúng tôi đã giành lại được những vị trí đã bị rơi vào tay Nga trước đó".

Bà cho rằng, Nga đã dồn mọi nguồn lực vào cuộc chiến ở Bakhmut. "Các binh sĩ của chúng tôi đang đẩy lùi vô số cuộc tấn công và thậm chí phản công ở một số khu vực. Những người bảo vệ Bakhmut đang đạt được mục tiêu mà họ đã đặt ra", Thứ trưởng Ukraine kết luận.

(Nguồn: Dân Trí)

Israel tấn công Syria, binh sĩ chết, sân bay quốc tế bị tê liệt?

(Ảnh minh họa).

Báo chí nhà nước Syria vừa đưa tin cuộc tấn công của Israel đã nhắm vào tỉnh Aleppo ở phía bắc Syria lúc khuya 1.5.

Cuộc tấn công trên đã làm một binh sĩ thiệt mạng và 7 người bị thương, trong đó có hai dân thường, và khiến sân bay quốc tế trong khu vực ngừng hoạt động, theo AFP hôm nay 2.5 dẫn lại thông tin từ truyền thông nhà nước Syria.

"Vào khoảng 11 giờ 35 tối (giờ địa phương)... kẻ thù Israel đã tiến hành một cuộc không kích bằng nhiều tên lửa... nhằm vào sân bay quốc tế Aleppo và một số địa điểm ở vùng lân cận của Aleppo", Hãng thông tấn nhà nước SANA dẫn một nguồn tin quân sự.

"Một binh sĩ thiệt mạng và 7 người bị thương, trong đó có 2 dân thường", SANA đưa tin. Cuộc tấn công còn gây "thiệt hại về vật chất" và "sân bay Aleppo đã ngừng hoạt động", theo SANA.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, có trụ sở tại Anh, cho hay đã ghi nhận "một số vụ nổ ở khu vực sân bay quốc tế Aleppo và sân bay quân sự Nayrab ở tỉnh Aleppo... dẫn đến hỏa hoạn tại một kho vũ khí", và có "thiệt hại vật chất nặng nề ở cả hai sân bay".

Cũng theo tổ chức trên, "tên lửa của Israel rơi xuống các nhà máy quốc phòng ở khu vực Safireh" thuộc tỉnh Aleppo, "gây thiệt hại về vật chất".

Trong hơn một thập niên chiến tranh ở Syria, Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích vào lãnh thổ Syria, chủ yếu nhắm vào các lực lượng do Iran hậu thuẫn và các chiến binh thuộc tổ chức Hezbollah (có trụ sở ở Li Băng) cũng như các vị trí của quân đội Syria, theo AFP.

Dù hiếm khi lên tiếng về các cuộc tấn công của mình nhắm vào Syria, Israel đã nhiều lần tuyên bố sẽ không cho phép kẻ thù không đội trời chung là Iran tăng cường hiện diện ở Syria, theo AFP.

Lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn hiện diện đông đảo ở khu vực Aleppo sau khi cung cấp hỗ trợ trên bộ quan trọng cho quân đội Syria trong việc tái chiếm các quận do phe đối lập kiểm soát trong năm 2016.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang