Chính phủ HQ xuống nước; 'Ngoại giao SVĐ' của TQ; Dầu Nga 'ế' nhất kể từ 2017; Nga phớt lờ tin tình báo; 'Chân rết' IS trỗi dậy

HÀN QUỐC 'XUỐNG NƯỚC' VỚI BÁC SĨ ĐÌNH CÔNG?

Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong hôm nay 25.3 cho biết các bộ liên quan đã nhanh chóng tiến hành đàm phán với cộng đồng nhân viên y tế.

Động thái này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol kêu gọi một biện pháp "linh hoạt" đối với hoạt động đình chỉ giấy phép của các bác sĩ thực tập không quay lại làm việc, theo Yonhap ngày 25.3.

Triển vọng đàm phán giữa chính phủ và cộng đồng y tế về việc các bác sĩ đình công đã được đề xuất khi Tổng thống Yoon chỉ đạo giới chức Hàn Quốc tìm cách đối thoại với các bác sĩ. Làn sóng nghỉ làm hàng loạt của các nhân viên y tế đã gây gián đoạn các dịch vụ y tế tại các bệnh viện lớn trong gần 5 tuần qua.

"Các bộ liên quan đã ngay lập tức triển khai công tác chuẩn bị tổ chức các cuộc đàm phán với cộng đồng y tế. Chúng tôi sẽ sắp xếp một cuộc họp giữa chính phủ và cộng đồng y tế càng sớm càng tốt", Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong nói trong một cuộc họp phản ứng của chính phủ.

Trong thông báo ngày 22.3, Bộ Y tế Hàn Quốc cảnh báo sẽ bắt đầu đình chỉ giấy phép của các bác sĩ thực tập vào tuần này nếu họ không quay lại làm việc. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đưa ra chỉ thị tìm cách đối thoại với nhân viên y tế ngay sau khi lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền Han Dong-hoon gặp đại diện Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc vào ngày 24.3.

Hiện chưa rõ các cuộc đàm phán giữa chính phủ Hàn Quốc và các nhân viên y tế có mang lại kết quả rõ ràng hay không. Theo thông tin mới nhất hôm nay 25.3, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong hoan nghênh việc Hiệp hội sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán "mang tính xây dựng" với chính phủ, song ông cũng tái nhấn mạnh việc hoàn thành cải cách y tế dựa trên việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y.

Trong khi đó, Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc kêu gọi chính phủ hủy bỏ kế hoạch tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y từ năm 2025. Nếu chính phủ không hủy bỏ kế hoạch tăng số lượng sinh viên năm nhất vào trường y và rút lại việc phân bổ chỉ tiêu, thì cuộc khủng hoảng y tế hiện nay sẽ không thể giải quyết được, Hiệp hội này cho hay.

Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong cho biết họ sẽ thảo luận các biện pháp linh hoạt với đảng về các biện pháp hành chính đối với các bác sĩ thực tập đình công nhằm giảm thiểu tác động của khoảng trống y tế.

Để ủng hộ cuộc đình công của các bác sĩ trẻ, các giáo sư y khoa đã bắt đầu nộp đơn từ chức vào ngày 25.3, mặc dù họ cam kết sẽ tiếp tục làm việc. Ngoài ra, các giáo sư y khoa cũng cho biết họ sẽ giảm số giờ làm việc mỗi tuần xuống còn 52 giờ bằng cách điều chỉnh các ca phẫu thuật và các phương pháp điều trị y tế khác.

Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú của Hàn Quốc đã đình công tại nhiều bệnh viện đa khoa trên cả nước trong hơn một tháng qua để phản đối việc tăng chỉ tiêu nói trên. Họ cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế, đồng thời dẫn đến tình trạng dư thừa bác sĩ.

Ngược lại, chính phủ Hàn Quốc cho rằng nỗ lực tăng số lượng bác sĩ như một cách để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ ở khu vực nông thôn, các lĩnh vực y tế thiết yếu và giải quyết tình trạng dân số siêu già.

“NGOẠI GIAO SÂN VẬN ĐỘNG” CỦA TRUNG QUỐC

Các công ty Trung Quốc vừa được trao hợp đồng xây dựng 2 sân vận động lớn mới ở Tanzania và Kenya. Giới quan sát cho rằng sự kiện này là một phần của chính sách “ngoại giao sân vận động” có truyền thống từ nhiều thập niên qua của Bắc Kinh.

Tanzania hôm 19-3 đã trao cho Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCEG) hợp đồng trị giá 112 triệu USD để xây dựng sân vận động Samia Suluhu Hassan theo tên của vị tổng thống đương nhiệm. Sân vận động với 30.000 chỗ ngồi này được đặt ở thành phố Arusha, phía Bắc Tanzania.

Theo Bộ trưởng Văn hóa, Nghệ thuật và Thể thao Tanzania Damas Ndumbaro, sân vận động này sẽ được hoàn thành trước thời điểm diễn ra Cúp bóng đá châu Phi 2027 (Afcon), giải thi đấu thể thao lớn nhất lục địa đen mà Tanzania sẽ đồng đăng cai tổ chức với các nước láng giềng Đông Phi Kenya và Uganda. Theo kế hoạch, sân vận động cũng sẽ tổ chức các hoạt động thể thao khác như điền kinh, cùng các sự kiện thương mại nhằm giúp thúc đẩy ngành du lịch trong nước.

Trong khi đó, tại Kenya, Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) được trao hợp đồng xây dựng sân vận động Talanta có sức chứa 60.000 chỗ ngồi theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA). Mặc dù kinh phí xây dựng vẫn chưa được tiết lộ nhưng sân vận động dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 12-2025 và sẽ là địa điểm chính tổ chức lễ khai mạc và bế mạc Afcon 2027. Song, theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, sân vận động Talanta sẽ được xây dựng theo thỏa thuận hợp tác công - tư, tương tự như mô hình mà CRBC đã sử dụng để tài trợ và xây dựng đường cao tốc Nairobi dài 27km, nối sân bay chính của Kenya đến thủ đô của nước này.

Tại lễ khởi công sân vận động Talanta hồi đầu tháng này, Tổng thống Kenya William Ruto cho biết: “Tôi đã nhất trí với Bộ Thể thao và Bộ Quốc phòng rằng sân vận động sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới với kỷ luật quân đội. Do đó, tôi mong rằng tất cả các mốc thời gian mà chúng ta đã thỏa thuận đều được nhà thầu đáp ứng. Tôi sẽ có mặt ở đây cứ 3 tháng một lần cho đến khi sân vận động được hoàn thành”.

Theo SCMP, 2 sân vận động nói trên là những sân vận động mới nhất trong danh sách dài các sân vận động mà các công ty Trung Quốc đã xây ở châu Phi và đây cũng là một phần của chính sách “ngoại giao sân vận động” của Bắc Kinh nhằm tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi. Tại Afcon lần thứ 34 được tổ chức ở Bờ Biển Ngà hồi đầu năm 2024, Trung Quốc cũng đã tài trợ và xây dựng ít nhất 3 sân vận động, gồm sân vận động Alassane Ouattara có sức chứa 60.000 chỗ ngồi ở phía Bắc thành phố Abidjan và sân vận động Laurent Pokou trị giá 107,5 triệu USD ở thành phố San Pedro.

Tổng cộng, Trung Quốc đã xây dựng hơn 100 sân vận động trên khắp châu Phi. Giới quan sát cho rằng số sân vận động này là một phần trong kế hoạch dài hạn của Bắc Kinh nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước châu Phi bằng cách tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, trong đó gồm các trụ sở ngoại giao, cơ sở giáo dục quân sự, dinh tổng thống, tòa nhà quốc hội hay bệnh viện.

Viết trên tờ The Conversation, Simon Chadwick, giáo sư thể thao và kinh tế địa chính trị tại Trường Kinh doanh SKEMA (Pháp) và Chris Toronyi, giảng viên Đại học Loughborough (Anh), cho rằng việc xây dựng sân vận động gắn liền với sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc. “Được liên kết với BRI, các sân vận động thường được tặng cho các quốc gia châu Phi hoặc được họ trả bằng cách sử dụng các khoản vay với lãi suất tương đối rẻ của Trung Quốc”, 2 chuyên gia cho biết. Trong khi đó, Paul Nantulya, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược châu Phi (Mỹ), cho rằng việc xây dựng sân vận động và các dự án viện trợ khác là “một giải pháp hiệu quả về mặt chi phí” nhằm tạo ra ảnh hưởng chính trị với giới tinh hoa tại khu vực.

Tuy nhiên, nhiều sân vận động do Trung Quốc xây dựng ở châu Phi rơi vào tình trạng hư hỏng hoặc lãng phí. Như sân vận động tại thủ đô Libreville của Gabon gần như không được sử dụng kể từ trận chung kết Afcon năm 2017. Sân vận động quốc gia của CH Trung Phi thậm chí chưa thể tổ chức trận đấu nào của đội tuyển bóng đá quốc gia. Sân vận động San Pedro với sức chứa 20.000 ngỗ ngồi ở Bờ Biển Ngà được cho là quá lớn so với nhu cầu người xem.

LỆNH TRỪNG PHẠT KHÔNG CÓ TÁC DỤNG? NHIÊN LIỆU CỦA NGA ĐANG CHẤT ĐẦY CÁC KHO NỔI, ‘Ế’ NHẤT KỂ TỪ 2017

Mức lưu trữ hiện cao hơn cả khi các lệnh trừng phạt bắt đầu diễn ra, thậm chí cả khi dịch Covid-19.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích Kpler do Oilprice tổng hợp, khối lượng dầu diesel của Nga trong kho nổi trên biển trong tháng này đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ ít nhất là năm 2017.

Cụ thể trong 10 ngày tính đến ngày 17 tháng 3, có tới 6,2 triệu thùng dầu diesel của Nga đã được lưu trữ trên các tàu chở dầu trên biển. Đây là mức dầu diesel cao nhất trong kho nổi trong nhiều năm và vượt mức kể từ đầu năm 2023, khi EU cấm nhập khẩu dầu diesel và nhiên liệu khác bằng đường biển từ Nga. Thậm chí mức dư thừa trong tháng này cũng cao hơn nhiều so với mùa xuân và mùa hè năm 2020, thời điểm đại dịch ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.

Khối lượng dầu diesel trong kho nổi cao theo tiêu chuẩn lịch sử và hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra sự gia tăng lượng dầu diesel dự trữ trên tàu chở dầu. Kpler cho rằng một lý do chính đáng có thể là việc thực thi chặt chẽ hơn các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga.

Tháng trước, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga sau khi tròn 2 năm quốc gia này xảy ra xung đột với Ukraine. Trong số 500 mục tiêu của các lệnh trừng phạt mới, Bộ Tài chính và Nhà nước Mỹ đang nhắm vào công ty điều hành tàu chở dầu Sovcomflot của Nga và hơn chục tàu chở dầu thô có liên kết với công ty nhà nước Nga, cùng với những người trung gian và các công ty hoạt động như vậy.

Các biện pháp trừng phạt được thắt chặt có thể đã khiến những người mua dầu diesel tiềm năng của Nga lo ngại, bao gồm Ấn Độ. Theo Oilprice, tất cả các nhà máy lọc dầu Ấn Độ hiện đang kiểm tra cẩn thận chuỗi quyền sở hữu của mọi tàu chở dầu thô thuộc Nga để đảm bảo đội tàu này không liên kết với Sovcomflot hoặc các thực thể khác trong danh sách trừng phạt của Mỹ.

Đầu tuần này, hai nguồn tin giấu tên quen thuộc với tình hình nói với Reuters rằng nhà máy lọc dầu lớn nhất Ấn Độ, Reliance, đã ngừng mua dầu thô có nguồn gốc từ Nga và vận chuyển trên các tàu chở dầu thuộc sở hữu của Sovcomflot khi Mỹ thắt chặt thực thi lệnh trừng phạt.

Do đó, Reliance đã yêu cầu các đối tác thương mại dầu mỏ của Nga không xếp các chuyến hàng lên tàu của Sovcomflot, các nguồn tin của Reuters cho biết. Ngay cả trước các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ, lợi nhuận lọc dầu của các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất của Ấn Độ đã giảm trong bối cảnh việc tiếp cận dầu thô của Nga ngày càng khó khăn hơn và giá cước vận chuyển tăng cao do sự gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ.

Các thương nhân cho biết Tập đoàn Dầu khí Bharat, Tập đoàn Dầu Ấn Độ và nhà máy lọc dầu Reliance Industries, đã mua khoảng 7 triệu thùng dầu thô Mỹ giao vào tháng 4. Hầu hết dầu thô Mỹ mua trong tháng này là dầu thô West Texas Middle Midland có chi phí vận chuyển đắt hơn so với các thùng dầu từ Trung Đông.

NGA ĐÃ PHỚT LỜ THÔNG TIN TÌNH BÁO VỀ KHỦNG BỐ DO MỸ CHIA SẺ?

Luôn có những câu hỏi xuất hiện sau bất kỳ vụ tấn công nào, chẳng hạn tại sao không thể ngăn chặn hay phát hiện. Vụ tấn công tại Moscow đã đặt ra những vấn đề khó khăn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thời điểm căng thẳng và mất niềm tin với quốc tế. Và mấu chốt là từ lời cảnh báo do Washington đưa ra.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tất cả bốn tay súng thực hiện vụ tấn công đã bị bắt giữ.

Ít nhất 133 người chết và hơn 40 người bị thương khi những kẻ tấn công xông vào nhà hát Crocus City Hall, nổ súng trong một buổi biểu diễn nhạc rock.

Chính quyền Nga cho biết tổng cộng 11 người đã bị bắt giữ và bốn tay súng bị bắt khi trốn chạy về hướng Ukraine. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Phát biểu trên truyền hình, ông Putin lên án vụ tấn công, được xem chết chóc nhất tại Nga trong gần 20 năm qua, gọi đây là một "hành động khủng bố man rợ" và lặp lại lời tuyên bố trước đó của cơ quan an ninh Nga là những tên tấn công đã tìm cách tháo chạy sang Ukraine.

Kyiv bác bỏ cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công này, gọi cáo buộc của ông Putin là chuyện "ngu xuẩn".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Putin "đổ tội" Ukraine cho vụ tấn công.

"Một Putin vô dụng, thay vì giải quyết vấn đề cho công dân Nga, đối diện với họ, thì lại im lặng trong một ngày để nghĩ cách đổ tội cho Urkaine," ông Zelensky nói.

Cảnh báo ngày 7/3 từ Mỹ được phát đi dành cho công dân của họ là một thông tin cụ thể một cách bất thường. Cảnh báo này đưa ra khả năng "những kẻ cực đoan" đã "có những kế hoạch sát sườn nhằm vào các địa điểm tập trung đông người ở Moscow" và đặc biệt đề cập đến các buổi hòa nhạc.

Cảnh báo này có nội dung khuyến cáo công dân Mỹ ở Moscow tránh xa các sự kiện tập trung đông người trong vòng 48 giờ tới.

Thời điểm có thể không như trong cảnh báo, nhưng các chi tiết khác thì rất trùng khớp với các sự kiện hôm 22/3. Dường như Washington rõ ràng đã có thông tin tình báo và cho thấy sự liên quan của Nhà nước Hồi giáo (IS) - nhóm đã phát đi tuyên bố cho biết mình đứng đằng sau vụ tấn công tại Moscow.

Ngoài việc phát đi cảnh báo công khai cho công dân nước mình, phía Mỹ cũng cho biết đã liên lạc trực tiếp với chính phủ Nga.

"Chính phủ Mỹ cũng đã chia sẻ thông tin này với giới chức Nga theo chính sách 'nghĩa vụ cảnh báo' đã có từ lâu của chúng tôi," một quan chức Mỹ nói trong một thông cáo được đưa ra sau vụ tấn công.

Hiện có những kênh chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước - thậm chí giữa các quốc gia vốn không phải là đồng minh - đặc biệt khi có liên quan đến các vụ tấn công có thể nhằm vào dân thường.

Nhưng vấn đề là Moscow đã bỏ qua những lời cảnh báo đó.

Ba ngày sau vụ tấn công, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu trước ban lãnh đạo của Tổng Cục An ninh Liên bang Nga (FSB), cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ quốc gia.

Ông nói với các lãnh đạo của cơ quan an ninh này rằng ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt - cụm từ chính thức mà ông dùng để chỉ cuộc xâm lược toàn diện nhằm vào Ukraine.

Tổng thống Nga cáo buộc Ukraine đã chuyển sang cái mà ông ta gọi là "những chiến thuật khủng bố". Putin cũng đề cập trực tiếp điều mà ông ta gọi là "những tuyên bố mang tính khiêu khích" từ phương Tây về các vụ tấn công có thể xảy ra bên trong lòng nước Nga.

Putin nói các cảnh báo ấy "giống như lời hăm dọa thẳng thừng và nhằm mục đích làm xã hội của chúng ta lo sợ và bất ổn".

Điều này cho thấy chuyện Mỹ và Nga mất niềm tin đồng nghĩa Moscow có thể đã không muốn lắng nghe và thay vào đó nhận thấy những lời cảnh báo là một phần nỗ lực nhằm đe dọa Nga, liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine.

Chúng ta vẫn chưa biết được chính xác bản chất thông tin mà phía Mỹ có được hoặc đã chuyển đi (cho Nga) hay mức độ rõ ràng của thông tin ấy. Thông tin tình báo có thể không rõ ràng và vì thế khó giúp đưa ra biện pháp đối phó.

Nhưng phía Mỹ cũng có cơ chế thu thập thông tin tình báo rộng lớn và theo dõi IS chặt chẽ.

ISIS-K, một nhánh của IS bị tình nghi thực hiện vụ tấn công tại Moscow, cũng liên quan đến một vụ tấn công khác nhằm vào quân Mỹ và dân thường tại sân bay Kabul ở Afghanistan hồi tháng 8/2021, cũng như các đợt đánh bom chết người gần đây tại Iraq.

Nếu như thông tin tình báo được chia sẻ với phía Nga là đáng tin cậy và cụ thể về IS, thì FSB và Putin khó bề biện minh cho việc đã không xem xét cảnh báo của Mỹ một cách nghiêm túc hơn.

Và nếu câu chuyện là thế thì có lẽ sẽ dễ dàng hơn đối với Moscow khi cho rằng cuộc tấn công có liên quan đến Ukraine theo một cách nào đó, nhằm điều hướng chỉ trích và giúp gia tăng sự ủng hộ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, thay vì thừa nhận việc họ có thể đã phớt lờ thông tin tình báo từ phía Mỹ.

"CHÂN RẾT" IS TRỖI DẬY: MỐI ĐE DỌA KHỦNG BỐ BÁO ĐỘNG TRÊN TOÀN CẦU

Chuyên gia và giới chức các nước cảnh báo về mối đe dọa ngày càng gia tăng từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Newsweek đưa tin, IS trong thời gian qua đã liên tục tăng cường hoạt động trên khắp các châu lục và sự trỗi dậy này có nguy cơ gây ra mối đe dọa tới nhiều quốc gia.

Ngày 23/3, IS đã nhận trách nhiệm vụ tấn công khủng bố tàn bạo nhằm vào nhà hát Crocus City, Moscow, Nga. Số liệu chính thức từ chính quyền Nga cho biết 133 người đã thiệt mạng, trong khi truyền thông nước này đưa tin số người chết là 143.

Đây được xem là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở Nga từ năm 2002. Các chuyên gia cảnh báo IS có thể tiếp tục thực hiện các vụ tấn công khác trên thế giới.

Chỉ một ngày trước khi vụ việc ở Moscow xảy ra, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ Michael Kurilla nói với nghị sĩ rằng "ISIS-Khorasan (ISIS-K, một nhóm chân rết của IS) vẫn có khả năng và ý chí tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây ở nước ngoài trong 6 tháng tới và các cuộc tấn công có thể có rất ít cảnh báo trước".

Nhiều tuần trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow đã kêu gọi công dân nước này tránh các sự kiện đông người, "bao gồm cả các buổi hòa nhạc".

Vụ tấn công ở Moscow đã thu hút sự chú ý của dự luận quốc tế đối với nhóm khủng bố từng kiểm soát một khu vực rộng lớn ở Trung Đông 10 năm trước. Sau đó, các liên quân do Mỹ dẫn đầu và quân đội Nga đã tấn công tiêu diệt IS. Tuy nhiên, mầm mống của những kẻ khủng bố vẫn còn sót lại và chúng có nguy cơ trỗi dậy.

Nhánh ISIS-K đã bắt đầu có dấu hiệu hoạt động tích cực trở lại ở Afghanistan và không chỉ tấn công các mục tiêu trong nước này, mà chúng còn nhằm vào các nước láng giềng Iran và Pakistan.

ISIS-K cũng bắt đầu mở rộng hoạt động ra ngoài khu vực, với Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Tajikistan gần đây đã trấn áp các âm mưu được cho là do các phần tử khủng bố này đứng sau.

Amira Jadoon, giáo sư tại Đại học Clemson (Mỹ), nhận định rằng sự trỗi dậy gần đây của ISIS-K đã được lên kế hoạch thông qua cách tiếp cận đa hướng từ vài năm nay.

Trong một bài viết trên kênh truyền thông của ISIS-K, nhóm khủng bố tuyên bố rằng "lãnh thổ của Hồi giáo không bao giờ giới hạn ở Afghanistan mà còn rộng hơn nhiều", cho thấy tham vọng tấn công vượt ra bên ngoài biên giới của IS.

Bài viết cho biết: "Vùng đất của Hồi giáo là vùng đất mà người Hồi giáo giành được bằng sự hy sinh của họ, bao trùm khắp châu Phi, bắt đầu từ Đông Turkestan, đến Tajikistan, Uzbekistan, Azerbaijan. Nó kéo dài đến Chechnya và Dagestan (2 nước cộng hòa thuộc Nga), và từ Thổ Nhĩ Kỳ đến tận Andalus và các nước Trung Đông, Pakistan, Afghanistan, Ấn Độ và nhiều hơn nữa".

ISIS-K từng thu hút sự chú ý khi chính là những kẻ đứng sau vụ đánh bom liều chết vào sân bay Hamid Karzai ở Afghanistan khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia này hồi năm 2021. Hàng trăm người đã thiệt mạng, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ.

Theo giáo sư Jadoon, sau khi Taliban lên nắm quyền kiểm soát Afghanistan, ISIS-K đã kích hoạt chiến lược vươn chân rết ra nước ngoài, đặt nhiều quốc gia vào mối đe dọa khủng bố.

Colin Clarke, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Soufan (Mỹ), cảnh báo ISIS-K đặt ra một "mối đe dọa đáng kể" và cả các cuộc tấn công cũng như âm mưu của chúng từ Trung Đông đến châu Âu đều chứng tỏ rằng nhóm này "vẫn có ý định tiến hành các cuộc tấn công".

Nguồn: Thanh Niên; Báo Cần Thơ; Soha; BBC; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang