Bước ngoặt cuộc chơi xe điện; Giá lạnh càn quét Đông Á; Nga thiếu thuốc; Ukraine rút quân khỏi Soledar, đòi thêm máy bay

BƯỚC NGOẶT ĐỊNH HÌNH LẠI CUỘC CHƠI XE ĐIỆN: FORD SẮP BÁN 1 NHÀ MÁY TẠI ĐỨC CHO BYD, Ô TÔ ĐIỆN TRUNG QUỐC BẮT ĐẦU 'ĐÁNH CHIẾM' THẾ GIỚI

(Ảnh minh hoạ).

Thỏa thuận hoàn tất sẽ là một bước tiến quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc.

Tờ WSJ đưa tin, Ford Motor đang đàm phán việc bán 1 nhà máy sản xuất xe ô tô tại Đức của mình cho hãng xe điện Trung Quốc BYD.

Nguồn tin cho biết, những lãnh đạo của Ford ở Đức đang lên kế hoạch đến Trung Quốc vào tuần tới để thảo luận về khả năng bán một nhà máy ở Saarlouis, Đức. Đây là nơi việc sản xuất xe dự kiến ​​sẽ kết thúc vào năm 2025. Trước đây, Ford sản xuất mẫu xe Focus nhỏ gọn của mình ở đó. Hiện chưa thể biết được các điều khoản của thỏa thuận cũng như vấn đề giá.

Các cuộc đàm phán vẫn đang trong giai đoạn sơ bộ và một thỏa thuận cuối cùng có thể thất bại. Ngoài BYD, Ford cũng đang đàm phán với các nhà sản xuất khác, bao gồm Magna International - nhà sản xuất ô tô theo hợp đồng của Canada. Ngoài ra, các nhà đầu tư tài chính cũng là những người có khả năng tham gia thỏa thuận với Ford.

“Chúng tôi đang nghiên cứu các lựa chọn khác nhau cho việc sử dụng lâu dài và bền vững nhà máy tại Saarlouis. Là một phần của quá trình này, chúng tôi đang thảo luận với một số người mua tiềm năng và hiện chưa có gì để nói thêm vào thời điểm này”, một phát ngôn viên của Ford cho biết.

Phía BYD và Magna cũng từ chối bình luận.

Việc bán nhà máy tại Saarlouis sẽ đánh dấu một bước nữa trong nỗ lực của Ford nhằm đại tu các hoạt động ở châu Âu và chuyển hoàn toàn sang xe điện. Đây cũng sẽ là một bước tiến quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc, vốn đã bắt đầu mở rộng sang các thị trường châu Âu.

BYD là nhà sản xuất xe điện lớn nhất tính theo doanh số bán hàng tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Công ty đã bán một số xe điện, bao gồm cả xe buýt, ở châu Âu. Việc mua nhà máy này sẽ mang lại cho BYD một chỗ dựa vững chắc để mở rộng hơn nữa trên châu lục này, nơi đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường xe điện và xe hybrid.

Ford đã thông báo kết thúc sản xuất tại Saarlouis vào tháng sáu. Nhà máy này sử dụng khoảng 4.600 người lao động. Tuy nhiên, vào năm ngoái Ford cho biết rằng những mẫu EV tương lai dành cho thị trường châu Âu sẽ được chế tạo tại nhà máy của họ ở Valencia, Tây Ban Nha và nhà máy chính ở Cologne, Đức.

Nếu BYD và Ford đạt được thỏa thuận, việc này sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với công ty Trung Quốc. Năm ngoái, BYD đã bán được 1,86 triệu xe điện và xe hybrid, gấp ba lần so với năm trước.

Khoản đầu tư tiềm năng diễn ra sau khi Tesla mở rộng sang châu Âu, năm ngoái họ đã bắt đầu sản xuất xe điện tại một nhà máy mới gần Berlin.

“VƯỢT MẶT” TESLA

Doanh số bán xe điện của BYD đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 12 và tiếp tục củng cố vị thế hãng sản xuất ô tô chạy bằng nhiên liệu phi hoá thạch lớn nhất thế giới. Ngoài ra, kết quả kinh doanh khả quan này cũng cho thấy khoản đặt cược của Berkshire Hathaway - tập đoàn của tỷ phú Warren Buffett, vào công ty này là đúng đắn.

Hãng xe có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết trong báo cáo gửi lên sàn giao dịch Hong Kong, doanh số bán xe chạy hoàn toàn bằng điện của BYD đã tăng 4% so với tháng 11, lên 235.197 vào tháng 12. Ngoài ra, doanh số bán xe của hãng tăng gấp 3 trong năm 2022 lên 1,86 triệu chiếc, hầu hết được bán ở Trung Quốc.

Yếu tố thúc đẩy doanh số của BYD đối với các đội xe taxi cũng như xe hộ gia đình đó là giá thành “vừa túi tiền”. Điều này cũng cho thấy tình trạng sa thải nhân sự trong ngành công nghệ của Trung Quốc và nền kinh tế ảnh hưởng bởi đại dịch đã khiến người mua phải cân nhắc về những mẫu xe rẻ hơn, được sản xuất trong nước, thay vì các mẫu nhập khẩu hay thương hiệu ngoại như Tesla.

Eric Han - giám đốc cấp cao của Suolei, một công ty tư vấn ở Thượng Hải, cho biết: “BYD được hưởng lợi từ việc ‘người tiêu dùng giảm tiêu thụ’ khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Các phương tiện dành cho thị trường đại chúng của nước này được người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu đón nhận nồng nhiệt, vì chúng được coi là các sản phẩm ‘đáng đồng tiền bát gạo’”.

Hầu hết các mẫu xe của BYD đều có giá từ 100.000 NDT đến 200.000 NDT (29.000 USD). Mức giá này là rất phải chăng so với xe Tesla hay các hãng nội địa khác như Nio và Xpeng, với những xe được trong bị công nghệ hiện đại hơn có giá hơn 300.000 NDT.

Tian Maowei - giám đốc bộ phận sale tại Yiyou Auto Service Thượng Hải, nhận định: “Xe điện có giá dưới 200.000 NDT phổ biến với dân văn phòng vì họ muốn tiết kiệm tiền. Ở thị trường nội địa, xe điện và xe plug-in hybrid của BYD bán rất chạy vì có pin hiệu năng cao, được đánh giá là ngang ngửa với pin của các hãng xe cao cấp hơn”.

BYD ban đầu chỉ là một nhà sản xuất pin nhưng nay đã ghi nhận doanh số bán xe điện hàng tháng tăng 10 tháng liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Hãng cũng giành “ngôi vương” từ Tesla của Elon Musk trong quý II vừa qua.

Trong khi đó, doanh số của Tesla thấp hơn 6% so với ước tính của Phố Wall, khi giao 405.278 xe điện trên toàn thế giới trong 3 tháng cuối năm 2022. Giá cổ phiếu của hãng đã lao dốc mạnh chưa từng thấy. Doanh số bán hàng trên toàn cầu vào năm ngoái của Tesla tăng 40%, lên 1,31 triệu xe nhưng vẫn thấp hơn 29% so với BYD.

Được thành lập bởi tỷ phú Trung Quốc Wang Chuanfu vào năm 1995, BYD bắt đầu sản xuất xe từ năm 2003. Công ty chủ yếu bán xe ở Trung Quốc đại lục nhưng đang tìm cách phát triển ra ngoài “biên giới” với kế hoạch mở rộng ra một số thị trường nước ngoài. Berkshire Hathaway hiện sở hữu 14,9% cổ phiếu BYD đang niêm yết trên sàn Hong Kong tính đến ngày 8/12.

(Nguồn: Soha)

GIÁ LẠNH CÀN QUÉT ĐÔNG Á: THỜI TIẾT KHẮC NGHIỆT SẼ TRỞ THÀNH “ĐIỀU BÌNH THƯỜNG MỚI”

Hàng chục triệu người trên khắp Đông Á đang phải trải qua một đợt lạnh giá nghiêm trọng khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C và tuyết rơi dày.

Thời tiết khắc nghiệp đã gây khó khăn cho việc di chuyển trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các chuyên gia khí hậu cảnh báo, những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như vậy đã trở thành “bình thường mới”.

Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo tuyết dày trong tuần này khi nhiệt độ ở thủ đô Seoul xuống thấp bất thường tới âm 15 độ C và giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục ở các thành phố khác. Tại hòn đảo du lịch nổi tiếng Jeju, thời tiết khắc nghiệt đã khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy, trong khi các tàu chở khách buộc phải ở lại cảng do sóng lớn. Đợt lạnh ở Hàn Quốc năm nay được giải thích một phần là do sự tan chảy của các chỏm băng ở Bắc Cực do khí hậu ấm lên.

Theo chuyên gia Kevin Trenberth tại Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ (NCAR), trong khi các nhà khoa học có cái nhìn dài hạn về biến đổi khí hậu thì “chúng ta có thể coi thời tiết khắc nghiệt này - cực nóng vào mùa hè và cực lạnh vào mùa đông - là một trong những tín hiệu của biến đổi khí hậu”.

“Các hiện tượng thời tiết cực đoan là bình thường mới. Chúng ta chắc chắn có thể dự đoán rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tồi tệ hơn trước đây”.

Bên kia biên giới, ở Bình Nhưỡng, giới chức Triều Tiên cảnh báo về điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi đợt lạnh tràn qua Bán đảo Triều Tiên. Truyền thông nhà nước đưa tin nhiệt độ ở các vùng của Triều Tiên dự kiến ​​sẽ giảm xuống dưới âm 30 độ C.

Tại nước láng giềng Nhật Bản, hàng trăm chuyến bay nội địa đã bị hủy trong 2 ngày qua do tuyết rơi dày và gió mạnh cản trở tầm nhìn. Các hãng hàng không lớn Japan Airlines và All Nippon Airways đã hủy tổng cộng 229 chuyến bay. Trong khi đó, Tập đoàn Đường sắt Nhật Bản cho biết, các chuyến tàu cao tốc giữa các ga phía bắc Fukushima và Shinjo đã bị đình chỉ.

Cơ quan khí tượng của Trung Quốc cũng đã dự báo nhiệt độ giảm mạnh ở các vùng của đất nước và hồi đầu tuần đã đưa ra cảnh báo xanh về một đợt lạnh mới. Cảnh báo xanh là mức thấp nhất trong hệ thống cảnh báo bốn cấp. Thành phố Mạc Hà, tỉnh Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc cuối tuần trước còn ghi nhận mức nhiệt thấp kỷ lục âm 53 độ C. Chính quyền địa phương cho biết sương mù băng, một hiện tượng thời tiết chỉ xảy ra khi cực lạnh, cũng có thể xuất hiện ở thành phố trong tuần này.

Bà Chu Lý Linh, trưởng trạm khí tượng thành phố Mạc Hà cho biết: “Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, thành phố đã ghi nhận nhiệt độ xuống thấp dưới âm 50 độ C trong 3 ngày liên tiếp. Tại thị trấn Amur, có thời điểm nhiệt độ rơi xuống âm 53 độ C, phá vỡ kỷ lục 52,3 độ C của năm 1969 và cũng là mức thấp nhất được ghi nhận tại Trung Quốc”.

Theo Giáo sư Kevin Trenberth tại Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ (NCAR), hiện tượng chu kỳ khí hậu La Nina ở Thái Bình Dương, hiện tượng thường có tác dụng làm mát nhiệt độ toàn cầu, cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đợt lạnh giá hiện nay. Tuy nhiên, tác động của biến đổi đang ngày càng trở nên rõ rệt và các nhà khoa học toàn cầu có chung dự đoán rằng loại hiện tượng lạnh giá đang diễn ra tại các nước Đông Á sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.

(Nguồn: CafeF)

NGA THIẾU HỤT THUỐC DO CHIẾN TRANH

(Ảnh minh hoạ).

Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận nước này đang bị thiếu hụt một số thuốc men và giá cả đã tăng lên. Ông chỉ đạo phải dự trữ thuốc như dự trữ khí đốt trong mùa đông.

"Một số loại thuốc bị thiếu hụt, mặc dù thực tế là việc sản xuất các sản phẩm dược trong ba quý (đầu tiên) của năm ngoái đã tăng khoảng 22%", ông Putin nói trong một cuộc họp với các quan chức chính phủ phát trên truyền hình ngày 24-1 (giờ địa phương).

Theo tổng thống Nga, dù 60% thuốc trên thị trường là thuốc trong nước, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng thiếu hụt và giá cả đã tăng lên.

Các loại thuốc kê toa được miễn trừ trong các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga do cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, việc vận chuyển thuốc tới Nga lại bị ảnh hưởng bởi các rào cản về vận chuyển, bảo hiểm và hải quan do chiến tranh gây ra, Hãng tin Reuters dẫn các số liệu trong ngành dược của Nga cho biết.

Ông Putin đã yêu cầu chính quyền củng cố ngành dược trong nước và tăng cường dự trữ thuốc để đối phó với các bệnh theo mùa như cúm.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Matxcơva không hạn chế nhập khẩu thuốc và tiếp tục hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài.

"Chúng tôi cần đảm bảo có nguồn cung cấp các loại thuốc phổ biến nhất trong một khoảng thời gian nhất định" - ông nói, cho rằng cần dự trữ thuốc cho mùa cúm giống như tích trữ khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, người Nga đã đổ xô đi tích trữ thuốc. Chỉ trong 2 tuần, người dân đã vét sạch số thuốc dùng cho 1 tháng.

Nga cũng nhập khẩu phần lớn thiết bị y tế, chẳng hạn như máy điều hòa nhịp tim và thiết bị xạ trị, ... từ Liên minh Châu Âu và Mỹ.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

UKRAINE THỪA NHẬN RÚT QUÂN KHỎI SOLEDAR

Quân đội Ukraine xác nhận rút hết lực lượng khỏi Soledar, đô thị gần thành phố chiến lược Bakhmut, khẳng định các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ.

"Sau nhiều tháng chiến sự ác liệt, quân đội Ukraine đã rời Soledar và rút lui đến những vị trí chuẩn bị trước ở ngoại ô thành phố", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Sergiy Cherevaty cho biết hôm nay, đồng thời phủ nhận thông tin lượng lớn binh sĩ nước này bị bao vây và bắt làm tù binh ở Soledar.

Quan chức Ukraine không tiết lộ thời điểm các đơn vị rút khỏi thành phố, nhưng nhấn mạnh động thái này được lên kế hoạch cẩn thận. "Lực lượng Ukraine đã hoàn thành nhiệm vụ chính là ngăn đối phương chọc thủng phòng tuyến ở hướng Donetsk", phát ngôn viên Cherevaty nói.

Đây là lần đầu giới chức Ukraine xác nhận từ bỏ Soledar kể từ khi lực lượng Nga tuyên bố đã kiểm soát thành phố hôm 12/1.

Soledar cách thành phố Bakhmut khoảng 10 km về phía đông bắc. Cả hai đô thị là những thành trì quan trọng của Ukraine tại tỉnh Donetsk. Soledar có diện tích hơn 12,3 km2 và dân số trước chiến sự gần 10.500 người, sở hữu các mỏ muối và thạch cao lớn.

Denis Pushilin, người đứng đầu chính quyền Donetsk do Moskva bổ nhiệm, hôm 25/1 nói rằng Nga kiểm soát Soledar khiến lực lượng Ukraine chỉ còn một tuyến đường an toàn để tiếp cận Bakhmut, nhấn mạnh các đơn vị Nga đang tìm cách cắt đứt tuyến tiếp vận của đối phương và lập thế gọng kìm bao vây Bakhmut.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 13/1 cho biết nhóm quân hiệp đồng mở đợt tiến công vào Soledar và đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi thành phố "theo khái niệm và kế hoạch duy nhất gồm nhiều nhiệm vụ tác chiến". Các nhiệm vụ gồm phong tỏa Soledar từ phía bắc và phía nam, cô lập khu vực tác chiến, ngăn lực lượng Ukraine đưa quân dự bị từ khu vực lân cận vào thành phố hoặc rút khỏi Soledar, sử dụng pháo và máy bay hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị trên bộ.

Bộ Quốc phòng Nga cũng như ca ngợi các nhà thầu quân sự Wagner, sau khi truyền thông phương Tây cho rằng cơ quan này và tập đoàn an ninh tư nhân tranh cãi về thành phần tham gia đợt tiến công vào Soledar.

(Nguồn: Vnexpress)

SAU XE TĂNG, UKRAINE SẼ YÊU CẦU PHƯƠNG TÂY CẤP MÁY BAY CHIẾN ĐẤU

(Ảnh minh hoạ).

Ukraine giờ đây sẽ thúc đẩy để có được các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của phương Tây như F-16 của Mỹ sau khi đảm bảo nguồn cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực, một cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết ngày 25/1.

Ukraine đã giành được một sự hỗ trợ lớn cho quân đội của mình khi Đức công bố kế hoạch cung cấp xe tăng hạng nặng cho Kyiv hôm 25/1, chấm dứt nhiều tuần bế tắc ngoại giao về vấn đề này. Hoa Kỳ ngay sau đó cũng tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine 31 xe tăng chiến đấu tiên tiến nhất.

Ông Yuriy Sak, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, nói với Reuters qua điện thoại: “Rào cản lớn tiếp theo bây giờ sẽ là các máy bay chiến đấu.”

Lực lượng Không quân Ukraine có một phi đội máy bay chiến đấu cũ kỹ từ thời Liên Xô, được đưa ra khỏi dây chuyền lắp ráp trước khi Kyiv tuyên bố độc lập hơn 31 năm trước. Các máy bay chiến đấu được sử dụng cho các nhiệm vụ đánh chặn và tấn công các vị trí của Nga.

“Nếu chúng tôi có được chúng (máy bay chiến đấu phương Tây), lợi thế trên chiến trường sẽ vô cùng lớn... Không chỉ F-16 (máy bay chiến đấu đa năng của Mỹ): máy bay thế hệ thứ tư, đây là thứ chúng tôi muốn.”

Hỗ trợ quân sự của phương Tây rất quan trọng đối với Kyiv và đã phát triển nhanh chóng trong chiến tranh. Trước cuộc xâm lược, ngay cả ý tưởng cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraine cũng gây nhiều tranh cãi nhưng các nguồn cung cấp của phương Tây kể từ đó đã phá vỡ hết điều cấm kỵ này đến điều cấm kỵ khác.

“Họ không muốn cung cấp cho chúng tôi pháo hạng nặng, sau đó họ đã làm. Họ không muốn cung cấp cho chúng tôi hệ thống Himars, sau đó họ đã làm. Họ không muốn cung cấp cho chúng tôi xe tăng, giờ họ đang cung cấp cho chúng tôi xe tăng. Trừ vũ khí hạt nhân, không có gì còn lại mà chúng tôi sẽ không nhận được,” ông Sak nói.

Ukraine, quốc gia bị Nga xâm chiếm vào tháng 2 năm ngoái, cũng cho biết họ muốn nhận phi đạn tầm xa từ phương Tây.

Moscow đã phản ứng dữ dội vào ngày 25/1 khi Đức chấp thuận chuyển giao cho Ukraine xe tăng Leopard 2, chủ lực của các quân đội trên khắp châu Âu, trong một quyết định chắc chắn sẽ củng cố sức mạnh tấn công của Ukraine.

Ông Justin Bronk, một nhà nghiên cứu tại cơ quan nghiên cứu RUSI ở London, cho biết Lực lượng Không quân Ukraine sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ các máy bay chiến đấu phương Tây về khả năng không đối không và khả năng sát thương không đối đất.

Tuy nhiên, ông viết trên Twitter rằng họ vẫn có nguy cơ cao trước các phi đạn đất đối không của Nga, buộc chúng phải bay rất thấp gần tiền tuyến, điều này “sẽ làm giảm đáng kể tầm bắn hiệu quả của phi đạn và hạn chế các lựa chọn tấn công”.

Mặc dù thiếu bất kỳ chuyển động rõ rệt nào về vấn đề này, Lực lượng Không quân Ukraine đã khao khát có được những chiếc máy bay tốt hơn trong suốt cuộc chiến.

Tháng trước, một phi công người Ukraine có mật danh Juice nói với Reuters rằng nhiều đồng nghiệp của ông trong Lực lượng Không quân đang học tiếng Anh trong thời gian rảnh rỗi với dự đoán rằng một ngày nào đó Kyiv sẽ nhận được máy bay nước ngoài như máy bay chiến đấu F-16.

(Nguồn: VOA)

(Xem thêm:

=> Câu hỏi lớn ở Ấn Độ; Tương lai màu xám ở TQ; Dầu Nga gặp biến cố; Ukraine 'đại cải tổ'; Nga tiến vào Bakhmut ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang