Băng đảng Mexico xin lỗi; 'Vũ khí' năng lượng TQ nắm giữ; Ông Tập tái đắc cử; Nga thay đổi chiến lược; Israel tổng đình công

Vì sao băng đảng Mexico xin lỗi

(Ảnh minh họa).

Băng đảng ma túy Mexico, bị cáo buộc bắt cóc 4 người Mỹ và giết 2 người trong số đó, bất ngờ lên án bạo lực và cho biết đã giao nộp chính quyền thành viên phải chịu trách nhiệm.

Trong lá thư được tuyên bố là của băng đảng Mexico mà AP có được thông qua một quan chức thực thi pháp luật bang Tamaulipas, phe Scorpions đã xin lỗi cư dân Matamoros - nơi những người Mỹ bị bắt cóc.

Băng đảng cũng gửi lời xin lỗi tới người phụ nữ Mexico đã chết trong vụ đấu súng và 4 người Mỹ cùng gia đình họ.

“Chúng tôi đã quyết định giao những người liên quan trực tiếp và chịu trách nhiệm vụ việc, những người luôn hành động theo ý họ và thiếu kỷ luật”, bức thư viết.

Đồng thời, băng đảng này nhấn mạnh những cá nhân đó đã đi ngược lại các quy tắc của băng đảng, trong đó bao gồm “tôn trọng cuộc sống và hạnh phúc của những người vô tội”.

Các băng đảng ma túy thường đưa ra thông cáo để đe dọa các đối thủ và chính quyền, nhưng cũng có thời điểm họ hành động như trên nhằm cố gắng giải quyết tình huống có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Và vụ bạo lực ngày 3/3 ở Matamoros là một trong số đó.

Động thái bất ngờ

David Saucedo, nhà phân tích an ninh người Mexico, cho biết vụ giết người Mỹ đã làm nóng tình hình, dẫn tới việc tăng cường tuần tra của lực lượng Vệ binh Quốc gia và một lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ.

“Hiện tại rất khó để băng đảng tiếp tục hoạt động mua bán ma túy trên đường phố và chuyển ma túy sang Mỹ. Vì vậy, họ là những người đầu tiên quan tâm và muốn việc này kết thúc càng sớm càng tốt”, ông Saucedo nói.

Ngoài bức thư, quan chức giấu tên của Tamaulipas cũng tiết lộ với AP bức ảnh chụp 5 người đàn ông bị trói úp mặt xuống vỉa hè. Giới chức hiện chưa xác nhận công khai có nghi phạm mới bị giam giữ hay không.

Một quan chức an ninh khác nói rằng 5 người đàn ông được tìm thấy bị trói bên trong chiếc xe mà nhà chức trách đang tìm kiếm, cùng với bức thư.

Jerry Wallace, anh họ của Eric Williams, một trong những nạn nhân người Mỹ bị bắt cóc và bị bắn vào chân trái, cho biết gia đình rất vui khi biết Eric còn sống nhưng không chấp nhận bất cứ lời xin lỗi nào từ băng đảng.

“Điều đó sẽ không thay đổi được những đau khổ mà chúng tôi đã trải qua”, ông nói hôm 9/3. Wallace (62 tuổi), kêu gọi chính phủ Mỹ và Mexico giải quyết tốt hơn tình trạng bạo lực giữa các băng đảng.

Thành phố Matamoros là tâm điểm cuộc chiến tranh giành địa bàn giữa các nhóm thuộc băng đảng vùng vịnh Mexico nhằm kiểm soát tuyến đường vận chuyển ma túy vào Mỹ, theo Reuters.

Hôm 3/3, 4 người Mỹ đã đi từ Texas đến Matamoros để một trong số họ phẫu thuật thẩm mỹ. Khoảng giữa trưa, họ bị bắn ở trung tâm thành phố Matamoros và sau đó bị nhóm đàn ông có vũ trang lôi lên chiếc xe bán tải.

Một phụ nữ Mexico, Areli Pablo Servando (33 tuổi), cũng thiệt mạng, dường như là do trúng đạn lạc.

Một người bạn khác của nhóm người này, vẫn ở Brownsville, Texas đã gọi cảnh sát sau khi không thể liên lạc được với nhóm bạn.

Người phát ngôn của Sở Cảnh sát Brownsville, Martin Sandoval, hôm 9/3 cho biết các sĩ quan đã tuân theo quy trình và kiểm tra bệnh viện cùng nhà tù địa phương sau khi nhận được báo cáo về vụ mất tích.

Một thám tử được chỉ định phụ trách vụ án trong vòng một giờ và sau đó báo cho FBI khi nhận ra những người này đã đi qua biên giới sang Mexico. Ngay sau đó, FBI tiếp nhận vụ việc khi video trên mạng xã hội chiếu cảnh vụ xả súng với các nạn nhân khớp với mô tả về người mất tích.

Toàn bộ quá trình từ khi những người này bị bắt cóc cho đến khi được tìm thấy kéo dài trong 4 ngày.

Nhà chức trách đã tìm thấy họ vào sáng 7/3 ở ngoại ô thành phố, được canh gác bởi một người đàn ông đã bị bắt. Zindell Brown và Shaeed Woodard chết trong vụ tấn công, Williams và Latavia McGee sống sót.

Giới chức Mexico cho rằng các thành viên băng đảng ma túy nhầm họ với đối thủ cạnh tranh nên đã nổ súng, sau đó tìm cách đưa những người này đến cơ sở y tế.

Lịch sử đổ lỗi

Hôm 9/3, hai xe tang chở thi thể của Woodard và Brown đã đi qua cây cầu quốc tế về tới Brownsville, nơi thi thể được bàn giao cho chính quyền Mỹ.

Cha của nạn nhân Shaeed Woodard, ông James Woodard, kể lại ông đã lặng đi, không nói nên lời khi nghe được tin băng đảng Mexico giết chết con trai ông, được quay lại trong đoạn phim nhanh chóng lan truyền trên mạng.

“Tôi bất lực, không thể làm bất cứ điều gì, không thể đến đó và giải cứu chúng nó. Điều đó thực sự đau đớn”, ông chia sẻ.

Bức thư xin lỗi hôm 9/3 không phải là hành động chưa từng thấy của băng đảng ma túy Mexico.

Những nỗ lực quan hệ cộng đồng của các băng đảng ma túy nổi tiếng ở Mexico. Trong địa bàn tranh chấp, một băng đảng có thể treo biểu ngữ quanh thành phố, đổ lỗi cho đối thủ về hành vi bạo lực và tự nhận mình là băng nhóm không gây rối với dân thường.

Vào tháng 11/2022, những biểu ngữ như vậy đã xuất hiện khắp bang Guanajuato, được cho là do băng đảng Thế hệ mới Jalisco viết, đổ lỗi cho đối thủ về hàng loạt vụ giết người trong quán bar và các cơ sở kinh doanh khác.

Trong những tình huống khác, thông điệp thậm chí thẳng thừng hơn: Các thi thể bị bỏ lại bên trong một chiếc xe kèm ghi chú hoặc treo trên cầu vượt đường cao tốc tại con đường có nhiều xe qua lại. Mục đích nhằm khủng bố.

Tinh vi hơn, các băng đảng sử dụng quyền lực của mình để gieo rắc những câu chuyện trên báo chí địa phương hoặc ngăn không cho câu chuyện đó xuất hiện. Các thành viên của họ cũng hoạt động trên phương tiện truyền thông xã hội.

Mối quan tâm hàng đầu của họ là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, cho dù đó là buôn lậu ma túy và người di cư hay tống tiền.

Đôi khi, một băng đảng sẽ tấn công lãnh thổ của đối thủ với hy vọng hấp dẫn sự chú ý, dẫn đến phản ứng của cơ quan thực thi pháp luật nhằm gây khó khăn cho công việc kinh doanh của đối thủ.

Đó là điều dường như đã xảy ra hai năm trước ở Reynosa, ngay sát biên giới Matamoros. Các tay súng lái xe vào thị trấn xả súng và giết chết 14 người ngoài cuộc vô tội.

Việc bàn giao các nghi phạm trong băng đảng cho cảnh sát cũng không phải là không có tiền lệ. Ông Saucedo lưu ý rằng một thủ lĩnh băng đảng có thể đã ra lệnh cho vụ tấn công nhưng sau đó hối hận và quyết định giao những “con cừu hiến tế” cho cảnh sát.

Năm 2008, những kẻ buôn bán ma túy ở Michoacan đã ném lựu đạn vào đám đông đang ăn mừng độc lập của Mexico, khiến 8 người thiệt mạng.

Vài ngày sau, nhà chức trách đã bắt giữ 3 nghi phạm, nhưng hóa ra họ bị một băng đảng bắt cóc, đánh đập để nhận tội và khai có liên quan đến nhóm đối thủ.

(Nguồn: Zing News)

Đây là “vũ khí” năng lượng quan trọng mà Trung Quốc đang nắm giữ - Mỹ, châu Âu đều đang mạnh tay nhập khẩu để thoát khỏi cái bóng của Nga

Theo số liệu thống kê từ Bloomberg, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm của năm 2022, châu Âu đã nhập khẩu 17,5 tỷ euro, tương đương khoảng 18,75 tỷ USD, các linh kiện và thiết bị năng lượng mặt trời từ Trung Quốc, chiếm 95% tổng lượng nhập khẩu liên quan đến năng lượng mặt trời.

Theo 2 công ty năng lượng mặt trời lớn của Trung Quốc là Trina Solar và Jinko Solar, việc nhập khẩu các tấm pin mặt trời của Mỹ từ Trung Quốc cuối cùng đã tăng lên sau nhiều tháng bị gián đoạn bắt nguồn từ việc thực thi luật mới về việc sử dụng lao động.

Trina Solar nói với Reuters rằng hơn 900 megawatt tấm pin mặt trời của họ đã thông quan Mỹ trong bốn tháng qua, với chưa đến 1% trong số các sản phẩm đó bị tạm giữ để kiểm tra. Đó là khoảng công suất đủ để cung cấp điện cho hơn 150.000 ngôi nhà.

"Hệ thống dữ liệu và quản lý chuỗi cung ứng của Trina cho phép chúng tôi cung cấp tài liệu truy xuất nguồn gốc chi tiết, theo yêu cầu của Hải quan Mỹ," phát ngôn viên của Trina, bà Melissa Cavanagh, cho biết trong một email.

Sự nỗ lực thoát khỏi các loại nhiên liệu hóa thạch - đặc biệt là nguồn cung từ Nga sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt đã thúc đẩy các quốc gia chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, tránh gây khủng hoảng về nguồn cung. Năng lượng mặt trời là một lựa chọn hoàn hảo để thay thế, tuy nhiên sự thống trị của Trung Quốc trong loại năng lượng này là vô cùng lớn.

Theo Bloomberg, các công ty Trung Quốc hiện kiểm soát hơn 80% chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời trên toàn thế giới, thống trị việc sản xuất các tấm pin và linh kiện của chúng. Tua-bin gió và các tấm pin mặt trời hiện đang tạo ra gần như đủ điện để cung cấp cho mọi gia đình ở Trung Quốc.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc gia (NEA), sản lượng điện gió và mặt trời đã tăng 21% trong năm ngoái lên 1.190 terawatt giờ. Con số này dường như không chênh lệch quá lớn so với tổng mức tiêu thụ điện của khu dân cư là 1.340 terawatt giờ, tăng 14% so với năm trước do người dân ở nhà nhiều hơn trước các biện pháp giãn cách phòng chống dịch.

Sự tăng trưởng nhanh chóng này của Trung Quốc là kết quả của sự đầu tư hàng trăm tỷ USD để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ.

Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, chỉ 17% lượng điện sử dụng ở đó được phân loại là khu dân cư vào năm 2020. Trong cùng năm đó, các hộ gia đình chiếm 29% mức tiêu thụ điện ở Nhật Bản và 39% ở Mỹ. Ở Trung Quốc, các nhà máy vẫn chiếm vị trí ngôi vương, với ngành công nghiệp chiếm 60% tổng nhu cầu điện.

Vì vậy, ngay cả khi năng lượng sạch có thể phủ gần như mọi nhà, các máy phát điện của Trung Quốc vẫn cần đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn và thải ra nhiều khí nhà kính hơn để theo kịp những gì đã được chứng minh là một năm tăng trưởng kinh tế tương đối ảm đạm.

Nền kinh tế dự kiến ​​sẽ mở rộng nhanh hơn nhiều trong năm nay sau khi chính sách zero Covid được dỡ bỏ. Điều đó có nghĩa là lượng khí thải sẽ tăng trở lại ngay cả khi có đủ gió và mặt trời để giữ cho bếp và tủ lạnh luôn hoạt động ở mọi nhà.

(Nguồn: Soha)

Ông Tập Cận Bình bắt đầu làm chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba

(Ảnh minh họa).

Ông Tập Cận Bình được quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu tán thành giữ chức chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba.

Sau khi củng cố quyền lực, ông Tập, 69 tuổi, đã trở thành vị lãnh đạo nổi trội nhất của Trung Quốc trong nhiều thế hệ.

Trong hệ thống chính trị của Trung Quốc, vai trò chủ tịch nước chủ yếu mang tính thủ tục.

Quyền lực của ông Tập đến từ vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Ông được trao cả hai vị trí này tại đại hội đảng tháng Mười năm ngoái.

Việc ông đắc cử chức chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba được dự đoán rộng rãi. Việc bổ nhiệm chức thủ tướng và các bộ trưởng trong vài ngày tới được cho là quan trọng hơn.

Những người được bổ nhiệm được dự đoán sẽ là những người trung thành với ông Tập. Trong đó có ông Lý Cường, được cho sẽ nhận chức thủ tướng.

Hôm thứ Sáu, ông Tập cũng được bầu giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ thứ ba. Ở Trung Quốc có hai Quân ủy Trung ương – một của đảng CS và một của nhà nước – nhưng thành phần của hai ủy ban này thường giống nhau.

Ông Tập đã củng cố vai trò lãnh đạo của mình trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa lại sau chính sách zero-Covid gây nhiều đau thương của ông Tập, điều làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh giảm sút, đe dọa phát triển kinh tế lâu dài.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington vẫn tiếp tục căng thẳng, gần đây lại thêm căng vì Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã dùng khinh khí cầu do thám.

“Liệu một ông Tập được củng cố quyền lực và sự tập trung hóa quyền lực có đủ để vượt qua những thách thức này hay không – hay làm chúng tồi tệ hơn – là điều chúng ta không biết hoặc chưa thể biết được lúc này,” Ian Chong, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore nói với BBC.

"Ông Tập đang đặt cược vào việc tập trung hóa quyền lực trong đảng, với ông ta là người đứng đầu, là giải pháp cho những vấn đề riêng rẽ này,” ông Chong nói.

Cái gọi là Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc tuần này được theo dõi sát sao vì chúng cho thế giới cái nhìn vào đường hướng của Trung Quốc trong những năm tới.

Kể từ thời ông Mao Trạch Đông, các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc có giới hạn nắm quyền chỉ hai nhiệm kỳ. Nhưng khi ông Tập bỏ hạn chế này năm 2018, ông trở thành một nhân vật với quyền lực chưa từng có từ thời Chủ tịch Mao.

Cũng hôm thứ Sáu, ông Hàn Chính, 68 tuổi, từng là ủy viên thường trực Bộ chính trị, được bầu làm phó chủ tịch nước.

Tầm quan trọng của vị trí này khác nhau ở các giai đoạn vì chức năng phó chủ tịch nước không được quy định rõ.

Nhưng vị cựu phó chủ tịch nước, ông Vương Kỳ Sơn, là người dẫn dắt chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, GS Chong nói.

Nhiều khả năng ông Hàn Chính sẽ làm theo chỉ đạo của ông Tập sát sao và củng cố các chính sách của ông Tập, ông Chong nói thêm.

(Nguồn: BBC)

Dùng tên lửa “không thể đánh chặn”: Nga dịch chuyển chiến lược ở Ukraine?

Giới quan sát cho rằng việc Nga sử dụng hàng loạt vũ khí khó đoán trong cuộc tấn công chưa từng có mới đây nhằm vào các thành phố lớn của Ukraine dường như cho thấy sự dịch chuyển trong chiến lược của điện Kremlin.

Cuộc tấn công tên lửa “chưa từng có”

Nga đã tiến hành cuộc tấn công vào Kiev, Lviv và các thành phố lớn khác trên khắp Ukraine trong cuộc không kích tên lửa mà theo đánh giá của giới quan sát là "chưa từng có tiền lệ" sáng 9/3. Tổng cộng 81 tên lửa đã được sử dụng trong cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine, trong đó có 6 tên lửa đạn đạo Kinzhal, có khả năng chọc thủng hệ thống phòng không của Kiev.

“Cuộc tấn công này thực sự diễn ra trên quy mô lớn và lần đầu tiên sử dụng các loại tên lửa khác nhau như vậy. Chúng tôi chứng kiến lần này có 6 tên lửa Kinzhal được sử dụng. Đây là cuộc tấn công tôi chưa từng chứng kiến trước đó", Yurii Ihnat, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine nhận định trên truyền hình ngày 9/3.

"Cho đến nay, chúng tôi chưa có khả năng đối phó với những vũ khí này", ông Yurii Ihnat nói khi nhắc đến các tên lửa Kinzhal cùng 6 tên lửa hành trình phóng từ trên không X-22 được sử dụng trong cuộc tấn công của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho rằng: "Đó là một đêm khó khăn. Đối phương đã phóng 81 tên lửa nhằm hăm dọa Ukraine một lần nữa". Ông cũng liệt kê ra 10 khu vực khắp Ukraine đối mặt với các cuộc không kích, trong đó có Dnipro, Odessa, Kharkiv và Zaporizhzhia.

Nga đã sử dụng tên lửa Kinzhal có khả năng hạt nhân được miêu tả như một vũ khí siêu thanh và từng được sử dụng một vài lần trong những tuần đầu xung đột nổ ra vào năm ngoái. Tuy nhiên, vũ khí đầy uy lực mà Kiev thừa nhận là không có khả năng bắn hạ này, trước đó hiếm khi xuất hiện trên bầu trời Ukraine.

Ngày 9/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tấn công tên lửa được tiến hành nhằm phản ứng trước điều mà Bộ này cho là "các hành động khủng bố" do Kiev tổ chức, nhằm vào khu vực Bryansk của Nga tuần trước.

"Để phản ứng trước các hành động khủng bố ở khu vực Bryansk do chính quyền Kiev tiến hành vào ngày 2/3, Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga đã tiến hành tấn công đáp trả trên quy mô lớn", thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

"Các vũ khí tầm xa có độ chính xác cao phóng từ đất liền, trên biển và trên không, trong đó có tên lửa siêu thanh Kinzhal đã tấn công vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng của Ukraine cũng như các doanh nghiệp quân sự - công nghiệp và các cơ sở năng lượng phục vụ chúng".

Các quan chức an ninh Nga cho biết tuần trước, một nhóm vũ trang nhỏ của Ukraine đã vượt qua biên giới Nga để vào khu vực Bryansk. Theo Tổng cục An ninh Liên bang Nga, cơ quan này đã hành động sau khi "các binh lính Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc vi phạm biên giới quốc gia". Tổng thống Putin gọi vụ việc trên là một cuộc "tấn công khủng bố". Một quan chức địa phương cho biết 2 dân thường đã thiệt mạng trong vụ việc này.

Nga dịch chuyển chiến lược?

Giới quan sát cho rằng việc Nga sử dụng hàng loạt vũ khí khó đoán dường như cho thấy sự dịch chuyển trong chiến lược của điện Kremlin.

Kinzhal, phiên bản phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander (SRBM), đã được Tổng thống Putin tiết lộ vào năm 2018 như một nền tảng quan trọng của kho vũ khí hiện đại của Nga.

Giống như hầu hết các tên lửa đạn đạo có tốc độ siêu thanh, tức là di chuyển với tốc độ gấp ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh, Kinzhal khó bị phát hiện bởi được phóng từ các tiêm kích MiG-31, giúp cho nó có tầm hoạt động xa hơn và khả năng tấn công từ nhiều hướng.

Kinzhal có tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh và tấn công các mục tiêu ở khoảng cách trên 2.000km. Tên lửa này có thể chọc thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và phòng không nào. Nó có thể được trang bị đầu đạn theo quy ước và đầu đạn hạt nhân nặng 500kg.

"Nga có thể phát triển loại tên lửa độc đáo này để nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu dễ dàng hơn. Tốc độ, kết hợp với đường bay và khả năng linh động cao khiến tên lửa này rất khó để đánh chặn", Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đánh giá.

Theo CSIS, việc Nga sử dụng tên lửa này nhắm vào các mục tiêu của Ukraine vào tháng 3 năm ngoái đánh dấu lần đầu tiên nó được đưa vào chiến đấu và sau đó tên lửa trên một lần nữa được sử dụng vào tháng 5.

Theo chuyên gia quốc phòng Jeff Fischer - cựu Đại tá Không quân Mỹ, "việc sử dụng tên lửa siêu thanh là một bước leo thang mới của Nga". Ông cho rằng tên lửa Kinzhal đang thay đổi cơ bản cuộc xung đột ở Ukraine khi các lực lượng của Kiev không thể đối phó với chúng. Ngoài ra, tên lửa này cũng là một thách thức với Mỹ. Hồi tháng 5/2022, Tổng thống Biden đã khẳng định, Kinzhal là tên lửa "không thể đánh chặn".

Việc Nga sử dụng tên lửa Kinzhal diễn ra giữa bối cảnh Ukraine kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm vũ khí để đối phó với các mối đe dọa mà một số người lo ngại sẽ leo thang xung đột và có thể mở rộng xung đột ra ngoài biên giới Ukraine.

Trong những tuần gần đây, các quan chức Ukraine bắt đầu hối thúc Mỹ cung cấp cho không quân nước này các máy bay chiến đấu tiên tiến như F-16, điều mà Tổng thống Biden cho đến nay vẫn từ chối. Vào cuối tháng trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định với CNN trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng chính quyền Tổng thống Biden đang "xem xét cẩn thận những gì Ukraine cần trong giai đoạn hiện nay" và quyết định rằng tiêm kích F-16 không đáp ứng nhu cầu đó.

Dù vậy, theo New York Times, việc Nga sử dụng tên lửa Kinzhal sẽ không thay đổi cục diện xung đột, thậm chí cả khi Moscow có thể sản xuất nhiều tên lửa này hơn bởi chỉ một cuộc không chiến sẽ chưa thể quyết định điều gì.

Theo các nhà chức trách Ukraine, 8 UAV Shahed do Iran sản xuất cũng đã được sử dụng trong cuộc tấn công ngày 9/3. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, Ukraine đang trở thành nơi thử nghiệm vũ khí Iran ngoài Trung Đông. Nhận định trên được đưa ra trước thềm chuyến thăm Israel của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và chủ đề hợp tác quân sự Nga - Iran có thể sẽ nằm trong nội dung thảo luận giữa hai bên.

Cuộc tấn công quy mô lớn của Nga diễn ra trong thời điểm hầu hết sự chú ý đều dồn vào Bakhmut - thành phố ở phía Đông Ukraine mà quân đội Nga tăng cường tấn công nhằm giành quyền kiểm soát nhiều tuần qua.

Quân đội Ukraine đã khẳng định quyết tâm phòng thủ ở thành phố này thậm chí cả khi một số chuyên gia quân sự khuyến khích việc rút quân chiến thuật.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN ngày 7/3, Tổng thống Zelensky nhận định sự kháng cự của Ukraine trong thành phố này "mang tính chiến thuật", đồng thời cảnh báo Nga có thể tiến công sang các thành phố quan trọng khác ở phía Tây nếu họ kiểm soát được Bakhmut.

"Chúng tôi hiểu sau Bakhmut, họ có thể tiến xa hơn. Họ có thể tiến tới Kramatorsk và Sloviansk. Sau Bakhmut, Nga sẽ có một con đường rộng mở để tiến vào các thị trấn khác của Ukraine theo hướng Donetsk. Đó là lý do tại sao các binh lính của chúng tôi cố thủ ở đây", ông Zelensky cho hay.

(Nguồn: VOV)

Tổng đình công tại Israel phản đối cải cách tư pháp

(Ảnh minh họa).

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, từ sáng 9/3, hàng chục nghìn người dân Israel đã tham gia cuộc biểu tình và đình công trên quy mô cả nước với các hình thức đình công tại nơi làm việc, tụ tập, diễu hành và gây cản trở giao thông, nhằm tiếp tục bày tỏ phản đối trước kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ.

Những người biểu tình cản trở các tuyến giao thông huyết mạch ở các thành phố lớn, ngăn cản tàu điện hoạt động và tụ tập trước nơi ở của các chính trị gia đề xuất cải cách. Một phần của kế hoạch biểu tình là ngăn cản đường ra vào sân bay Ben Gurion nhằm cản trở chuyến công du nước ngoài của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, theo kế hoạch sẽ đến Italy trong ngày 9/3. Trên thực tế, do tình trạng biểu tình và đình công, một số sự kiện chính trị, xã hội dự kiến diễn ra tại các thành phố Tel Aviv và Jerusalem đã bị hoãn.

Cảnh sát Israel khuyến cáo tình trạng ách tắc có thể xảy ra trên một số trục đường chính, đặc biệt tại Tel Aviv và các thành phố ở miền Trung Israel. Một số nhà cung cấp dịch vụ như chuyển phát nhanh, cũng thông báo lo ngại hoạt động sẽ bị gián đoạn.

Khoảng 3.000 nhân viên cảnh sát được tăng cường để đảm bảo trật tự và xử phạt các trường hợp lái xe cố tình gây ách tắc giao thông, với mức phạt lên tới 500 NIS (140 USD) và có thể bị cẩu xe. Tư lệnh cảnh sát Israel, Kobi Shabtai khẳng định mặc dù người dân có quyền biểu tình nhưng cảnh sát sẽ “không khoan nhượng trước bạo lực, phá hoại tài sản, xúc phạm biểu tượng quốc gia và làm xáo trộn cuộc sống thường nhật”.

Các cuộc biểu tình lớn thường xuyên diễn ra vào các đêm Thứ 7 tại Israel trong 2 tháng qua, sau khi chính phủ mới công bố một loạt kế hoạch cải cách tư pháp. Bên cạnh biểu tình ban đêm, các nhà tổ chức còn kêu gọi đình công ban ngày nhằm gây xáo trộn hoạt động xã hội, đặc biệt vào các ngày Quốc hội Israel thảo luận, xem xét thông qua đề xuất cải cách của chính phủ.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang