Làn sóng sa thải; Dầu Nga ngày càng đắt; Nỗi lo của siêu giàu TQ; Mỏ 'vàng trắng' khủng; Ukraine nhận 'mưa bom'

Làn sóng sa thải của các ông lớn công nghệ: Hiện trạng và nguyên nhân?

(Ảnh minh họa).

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, các ông trùm công nghệ trên toàn cầu đã tiến hành một cuộc "đại sa thải” nhân sự, vậy nguyên nhân đằng sau điều này là gì?

Khởi đầu từ năm đầu 2022, làn sóng sa thải nhân sự vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong năm 2023 và thậm chí có xu hướng gia tăng hơn nữa khi chỉ mới hai tháng đầu năm nay, hàng trăm các công ty công nghệ đã và đang có kế hoạch thanh lọc nhân sự, tác động đến hàng trăm nghìn người.

Làn sóng sa thải nhân sự gia tăng

Tờ Bloomberg hôm 7/3 dẫn một nguồn tin thân cận cho biết, Tập đoàn Meta Platforms - công ty mẹ của Facebook và Instagram - đang có kế hoạch cho một đợt sa thải mới với hàng nghìn nhân viên, sớm nhất là trong tuần này nhằm tăng hiệu suất cho công ty.

Trước đó, công ty mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã tiến hành đợt cắt giảm đầu tiên với 13% nhân sự, tương đương khoảng 11,000 người, vào tháng 11 năm ngoái.

Kế hoạch lần sa thải thứ hai của Tập đoàn Meta Platforms diễn ra trong bối cảnh hàng loạt các ông lớn công nghệ, ngân hàng và nhà sản xuất chẳng hạn General Motors, Twitter, Citigroup và Yahoo đã thực hiện các đợt sa thải quy mô trong năm nay.

Bên cạnh đó, Meta cũng đang tiến hành quá trình "làm phẳng” công ty qua việc giảm số lượng người quản lý và thanh lọc những đội ngũ không cần thiết. Điều này đang diễn ra và ảnh hưởng tới hàng nghìn nhân sự của công ty.

Thông tin trên là một mảnh ghép trong bức tranh tổng thể hiện nay của làn sóng sa thải nhân sự ồ ạt trên toàn cầu, vốn đang gia tăng ở mức độ lớn chưa từng thấy kể từ đại dịch COVID-19.

Theo thống kê của Layoffs.fyi, trang web chuyên theo dõi tình hình sa thải nhân sự trên toàn cầu, tính từ đầu năm 2023 cho đến ngày 7/3, có tổng cộng 463 công ty công nghệ đã tiến hành sa thải hơn 125,000 nhân viên.

Theo đó, tỉ lệ mất việc làm trong 66 ngày đầu tiên của năm 2023 đã lên tới 78% so với số lượng nhân viên bị sa thải vào 2022. Tổng cộng có 1,048 công ty công nghệ đã cho 161,411 nhân sự nghỉ việc vào năm ngoái.

Đáng chú ý, dữ liệu do 365 Data Science thu thập cho thấy phần lớn nhân viên bị buộc thôi việc là nữ giới (chiếm 56%). Điều này dấy lên lo ngại lo ngại, vì ngành công nghệ đã dành phần lớn thời gian trong thập niên qua để thu hẹp tình trạng mất cân bằng giới tính trong lĩnh vực này.

Lý do đằng sau là gì?

Có nhiều nguyên nhân khiến các gã khổng lồ công nghệ tiến hành sa thải số lượng lớn nhân viên của mình trong những tháng gần đây. Các công ty này thường viện dẫn tình trạng kinh tế toàn cầu bất ổn do lạm phát tăng vọt và lãi suất cao cũng như lo ngại về một cuộc suy thoái trong năm nay trong các quyết định cắt giảm việc làm và chi phí của họ.

“Rất nhiều công ty công nghệ đang phải giải quyết hệ quả của việc gia tăng lãi suất. Lãi suất cao hơn cũng có nghĩa chi phí rủi ro cao hơn. Trong khi công nghệ là ngành kinh doanh nhiều rủi ro. Họ đặt cược vào tương lai, vào các sáng kiến, hy vọng rằng ý tưởng đó sẽ mang lại lợi nhuận vào thời điểm nào đó và họ phải đánh giá lại các khoản đầu tư và chi phí lao động", ông Aaron Terrazas, nhà kinh tế trưởng thuộc Công ty Glassdoor, cho hay.

Hơn nữa, nhờ vào doanh thu tăng kỷ lục, các công ty công nghệ đã mạnh tay tuyển dụng ồ ạt trong thời gian đại dịch COVID-19, bắt đầu từ đầu năm 2021.

Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi thấy rằng thời gian trung bình mà một nhân viên bị sa thải gần đây là hai năm kể từ khi họ được tuyển dụng. Điều này gợi ý rằng các công ty công nghệ đang quay trở lại chính sách tuyển dụng được áp dụng kể từ sau đại dịch.

Bên cạnh đó, tạp chí Forbes cho biết, số năm kinh nghiệm trung bình của những nhân viên bị mất việc là 11 năm rưỡi. Điều này tiết lộ rằng không phải lúc nào các nhân sự cấp thấp với ít thâm niên trong nghề đều đứng đầu danh sách cắt giảm và nhanh chóng bị thay thế.

Lý do khả dĩ để giải thích hiện tượng này là vì những nhân viên làm việc lâu hơn trong công ty thường có xu hướng nhận được mức lương cao hơn, chính vì thế sa thải họ sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu tài chính.

Theo nguồn tin của Bloomberg, nguyên nhân đằng sau đợt cắt giảm lần thứ hai của Meta là để đạt các mục tiêu tài chính, không liên quan tới kế hoạch "làm phẳng” nêu ở trên. Gần đây, Meta chứng kiện sự sụt giảm doanh thu quảng cáo và đang chuyển trọng tâm sang nền tảng thực tế ảo có tên là metaverse.

Tạp chí Forbes cũng cho hay, bộ phận chịu ảnh hưởng lớn nhất của làn sóng cắt giảm hiện này là nhân sự (HR), chiếm khoảng 28% tổng số vụ sa thải. Có hai lý do giải thích cho điều này, đó là nếu các công ty sa thải nhân viên, họ cũng sẽ cắt giảm các đợt tuyển dụng và điều đó có nghĩa họ cần ít nhân viên phòng nhân sự hơn.

Thứ hai, yếu tố có lẽ cũng góp phần cho làn sóng sa thải gia tăng là sự bùng nổ của AI và tự động hóa mặc dù các ông lớn công nghệ chưa từng lên tiếng thừa nhận điều này.

Đơn cử, một số công việc của HR có thể được thay thế bằng hệ thống tự động liên quan tới phỏng vấn và tuyển dụng nhân viên mới như kiểm tra hồ sơ xin việc, xác minh danh tính và thực hiện đánh giá sức khỏe. Trong những năm gần đây, có nhiều báo cáo cho rằng các công ty như Amazon đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đánh giá hiệu suất của nhân viên.

Microsoft và Meta là 2 tập đoàn công nghệ có bộ phận HR và nguồn nhân tài bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi đó ở Google và Twitter, các kỹ sư phần mềm gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của việc cắt giảm.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Dầu Nga ngày càng đắt đỏ

Giá dầu thô và nhiên liệu của Nga đang tăng lên với khách mua châu Á, do nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ lên cao.

Bloomberg trích nguồn tin từ các nhà buôn cho biết mức chào bán giá dầu Urals, ESPO và dầu mazut của Nga đã tăng vọt vài tuần qua. Ngày càng nhiều hãng lọc dầu nhà nước và tư nhân của Trung Quốc, như Sinopec, PetroChina, Hengli Petrochemical quan tâm đến sản phẩm này. Nhu cầu từ Ấn Độ cũng tăng vọt, kéo giá lên cao.

Việc này đang gây sức ép lên các hãng lọc dầu nhỏ ở Trung Quốc, vốn là khách hàng quen thuộc của dầu Nga giá rẻ. Trong đó, dầu ESPO đặc biệt được ưa chuộng do tuyến vận chuyển ngắn.

Giá chào bán dầu ESPO tại cảng Kozmino chỉ kém dầu Brent bán sang Trung Quốc 6,5-7 USD một thùng. Trong khi đó, mức chiết khấu của dầu Urals là khoảng 10 USD.

Giá dầu mazut Nga M-100 có thời điểm lên cao hơn giá tham chiếu của hãng dữ liệu Platts 160-180 USD một tấn. Tháng trước, mức chênh chỉ là 130 USD một tấn.

Trung Quốc và Ấn Độ đang trở thành khách mua chính với dầu thô Nga sau khi mặt hàng này bị xa lánh vì chiến sự tại Ukraine. Số khách mua đang tăng lên do ngày càng nhiều bên bỏ qua lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các hãng nhập khẩu dầu thô chọn giảm rủi ro bằng cách đề nghị bên bán lo việc vận chuyển và bảo hiểm. Họ cũng sẽ thanh toán bằng nhân dân tệ, rupee, dirham hoặc ruble. Các cách này giúp người mua tự tin mua hàng. Thậm chí, họ cũng không mấy lo lắng về việc phải tuân thủ trần giá 60 USD một thùng theo lệnh trừng phạt của phương Tây.

Hiện chưa rõ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ có tuân thủ trần giá hay không, do phần lớn việc vận chuyển hàng hóa là do người mua sắp xếp. Chi phí vận chuyển và bảo hiểm không được công bố. Dù vậy, giới chức Mỹ cho biết Ấn Độ vẫn tuân thủ trần giá.

Tính trung bình 4 tuần đến hết 3/3, lượng dầu vận chuyển cho các khách châu Á đã lên 3,1 triệu thùng một ngày. Đây là mức cao nhất Bloomberg ghi nhận được kể từ khi theo dõi đầu năm ngoái.

Hôm 8/3, Phó chủ tịch S&P Global Dan Yergin cho rằng Nga sẽ duy trì sản lượng dầu thô lâu hơn dự báo. "Họ có thể giảm nhẹ sản lượng, nhưng sẽ không giảm mạnh như nhiều người dự báo cách đây một năm", ông nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Nỗi lo của giới nhà giàu Trung Quốc khi gửi tiền ở Thụy Sĩ

(Ảnh minh họa).

Giám đốc điều hành tại các ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ cho biết những khách hàng Trung Quốc giàu có của họ ngày càng lo lắng về việc gửi tiền ở nước này.

Một số khách hàng Trung Quốc giàu có lo lắng vì cách tiếp cận cứng rắn của nước này trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.

“Chúng tôi không chỉ ngạc nhiên mà còn bị sốc khi Thụy Sĩ từ bỏ vị thế trung lập của mình”, Financial Times dẫn lời một lãnh đạo điều hành, giám sát các hoạt động châu Á tại ngân hàng.

“Tôi có bằng chứng thống kê rằng hàng trăm khách hàng từng tìm cách mở tài khoản nhưng giờ thì không", người này chia sẻ.

Lo ngại về các biện pháp trừng phạt

Các công ty Trung Quốc được cho là đang đổ xô đến Thụy Sĩ để phát hành công khai lần đầu sau khi không được niêm yết ở Mỹ do căng thẳng địa chính trị và ở Anh do tiêu chuẩn kiểm toán khắt khe hơn.

Tuy nhiên, Financial Times đã nói chuyện với những người làm việc lâu năm của 6 trong số 10 ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ về trải nghiệm của họ với khách hàng cá nhân. Tất cả đều kể một câu chuyện tương tự.

Nhiều người cho biết họ lo lắng về tác động tiêu cực đối với ngành kinh doanh béo bở và là nguồn tăng trưởng quan trọng trong tương lai của Thụy Sĩ.

“Khách hàng đặt câu hỏi về các biện pháp trừng phạt”, một nhân viên ngân hàng nói. “Đó chắc chắn là chủ đề được khách hàng quan tâm vào cuối năm 2022. Họ đang hỏi liệu tiền có an toàn khi gửi chỗ chúng tôi không”.

Anke Reingren, nhà phân tích tại RBC, nhấn mạnh những gì đang bị đe dọa ngân hàng Thụy Sĩ, ngành chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước.

“Châu Á đóng góp nhiều vào lợi nhuận cho các ngân hàng Thụy Sĩ”, bà nói. “Nếu bạn nhìn vào giá cổ phiếu của các ngân hàng, thì chúng có mối tương quan rất chặt chẽ với các chỉ số châu Á vì phần lớn thu nhập đến từ khu vực này và trong suốt lịch sử, cộng với phần lớn sự tăng trưởng thu nhập nằm ở quản lý tài sản”.

Một số ngân hàng Thụy Sĩ cho biết đã được “diễn tập", huấn luyện trước về cách xử lý hậu quả nếu quan hệ quốc tế với Trung Quốc xấu đi đáng kể, cũng như cách bảo vệ và trấn an các khách hàng Trung Quốc lớn nhất của họ.

Andreas Venditti, nhà phân tích của Vontobel, cho biết tất cả nhà quản lý tài sản của Thụy Sĩ đang phải cân nhắc tác động của cách tiếp cận biện pháp trừng phạt.

“Đó là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự ở cấp hội đồng quản trị và điều hành”, ông nói. “Tất cả họ đang cố gắng chuẩn bị cho những gì sắp tới”.

Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm 2022, chính phủ Thụy Sĩ đã bắt tay với Liên minh châu Âu (EU) trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và những người Nga giàu có thân cận với điện Kremlin.

Tình hình càng trở nên khó đoán hơn khi trong những tuần gần đây, một số sự cố đã khiến khả năng trừng phạt Trung Quốc đến gần hơn, bao gồm vụ bắn khinh khí cầu và việc Bắc Kinh có thể cung cấp vũ khí cho Moscow.

Đòn giáng mạnh

Một nhà ngoại giao Mỹ tại Bern cho biết các quan chức trong văn phòng của ông đang “theo dõi chặt chẽ” những khách hàng Trung Quốc giàu có ở Thụy Sĩ.

Một giám đốc điều hành ngân hàng nói Thụy Sĩ quay lưng lại với các khách hàng Nga quá nhanh.

“Tại một số nơi, chúng ta phải vạch ra ranh giới về những gì (Thụy Sĩ) sẽ tham gia và không tham gia”.

Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis châm ngòi cuộc tranh luận trong nước về ý nghĩa của tính trung lập và công khai ủng hộ cách tiếp cận “hợp tác” hơn với các đối tác có cùng chí hướng.

Thụy Sĩ vẫn là trung tâm tài chính nước ngoài số một thế giới. Trên thực tế, theo ghi nhận của tờ Le Monde, nhìn chung Thụy Sĩ không ngay lập tức làm đảo lộn cuộc sống của các tỷ phú Nga.

Erwin Bollinger, Giám đốc Vụ Thương mại Quốc tế của Ban Thư ký Nhà nước về các vấn đề Kinh tế Thụy Sĩ (SECO), cho biết họ có 20 người làm việc về các vấn đề trừng phạt. Tất cả đều nỗ lực tìm và đóng băng những gì cần thiết.

"Nhưng hãy nhớ nhiều người Nga không liên quan gì đến các biện pháp trừng phạt này và chúng tôi không có quyền thực hiện bất cứ hành động nào", ông lưu ý.

Theo Cục Kinh tế Nhà nước Thụy Sĩ, khoảng 8 tỷ USD của Nga đang bị đóng băng do các lệnh trừng phạt của nước này - một tỷ lệ nhỏ trong số hơn 48,9 tỷ USD tài sản ở Thụy Sĩ của khoảng 7.500 người Nga giàu có.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, châu Á đã trở thành một nguồn doanh thu quan trọng hơn nhiều.

Chính phủ Thụy Sĩ không tiết lộ quy mô tài sản của Trung Quốc ở nước này. Nhưng một số hồ sơ được phát hành vào năm 2014 của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế tiết lộ các ngân hàng Thụy Sĩ đã thiết lập tài khoản cho nhiều người trong giới cầm quyền Trung Quốc và con cái của họ.

Dù vậy, các chủ ngân hàng Thụy Sĩ cho biết phần lớn khách hàng Trung Quốc của họ không nằm trong hồ sơ này.

Một người cho hay theo kinh nghiệm của mình, hầu hết khách hàng đều là những doanh nhân thành đạt, quy mô nhỏ, với tài sản trong khoảng 10,6 triệu USD đến 53 triệu USD.

Ông nói việc loại bỏ những khách hàng như vậy khỏi các ngân hàng của Thụy Sĩ sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành.

Nhưng một nhân vật cấp cao khác trong ngành quản lý tài sản dường như lạc quan hơn.

“Tôi đã nói chuyện với các khách hàng Trung Quốc, những người cảnh giác về việc Thụy Sĩ áp dụng biện pháp trừng phạt vào năm ngoái, nhưng họ vẫn chưa xa lánh”, người này nói. “Có tới 700 tỷ USD thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vào năm 2022. Điều đó sẽ không thể sớm thay đổi”.

(Nguồn: Zing News)

Nước châu Á phát hiện mỏ "vàng trắng" khủng, đủ "vô hiệu hóa" cấm vận phương Tây: Lợi ích lớn về tay... Trung Quốc?

Mohammad Hadi Ahmadi, quan chức của Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran cho biết lần đầu tiên quốc gia này phát hiện được một trữ lượng lithium khổng lồ tại tỉnh Hamedan - một tỉnh miền núi ở phía tây.

Mỏ "vàng trắng" khổng lồ ở Iran

Chính phủ Iran tuần trước tuyên bố đã phát hiện được một mỏ lithium khổng lồ. Trữ lượng của mỏ đã khiến Iran có vị trí trong cuộc đua toàn cầu về loại kim loại quý này. Lithium có giá trị do được sử dụng nhiều trong điện thoại di động, máy tính và xe điện.

Mohammad Hadi Ahmadi, một quan chức của Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại của Iran đã thông báo phát hiện này trên truyền hình nhà nước, CNBC đưa tin.

Ông Ahmadi cho biết: "Đây là lần đầu tiên Iran phát hiện được một trữ lượng lithium lớn như vậy. Mỏ này được tìm thấy ở tỉnh Hamedan - phía Tây của đất nước." Ông cũng cho biết thêm rằng, trữ lượng của mỏ lithium mới rơi vào khoảng 8,5 tấn.

Nếu con số này chính xác, Iran hiện sẽ là quốc gia nắm giữ lượng lithium lớn nhất bên ngoài Nam Mỹ.

Khảo sát Địa chất Mỹ năm ngoái ước tính, tổng trữ lượng lithium trên thế giới vào khoảng 89 triệu tấn. Điều này có nghĩa là mỏ lithium mà Iran mới phát hiện có thể chiếm gần 1/10 trữ lượng lithium của thế giới.

Giá lithium đã tăng trong những năm gần đây khi các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ đặt những mục tiêu về khí thải, tạo ra nhu cầu ngày càng lớn đối với xe điện sử dụng pin lithium. Một nghiên cứu của công ty tư vấn McKinsey từ năm ngoái cho thấy, giá kim loại này tăng 550% hàng năm.

Thomas Chandler, nhà phân tích lithium tại công ty tư vấn SFA Oxford cho biết: "Câu hỏi ở đây là việc khai thác mỏ này sẽ tốn kém thế nào. Còn nhiều vấn đề xoay quanh mỏ lithium ở Iran, nhưng kích thước của mỏ này đúng là một điều đáng chú ý."

Nâng vị trí của Iran

Trang Quartz chỉ ra, ngay sau khi Iran công bố phát hiện của mình, hãng truyền thông Nga Sputnik đã đăng bài bình luận rằng trữ lượng lithium đã "khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây trở nên vô giá trị".

Khi ngày càng nhận được nhiều lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây, Nga đã tăng cường mối quan hệ với Iran.

Truyền thông phương Tây cho rằng Iran đã cung cấp cho quân đội Nga máy bay không người lái (UAV) và một số vũ khí quân sự. Mỹ và châu Âu đã lên án hành động này của Iran. Tehran thừa nhận từng cung cấp UAV cho Nga nhưng đơn hàng đã được giao từ trước sự kiện ở Ukraine.

Tuy nhiên, có lẽ các nước phương Tây sẽ khó có thể áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới lên Tehran. Với nhu cầu đối với kim loại lithium ngày càng tăng, cùng với sự phổ biển của xe điện, đặc biệt là ở các nước châu Âu với những mục tiêu về khí thải; việc phát hiện ra nguồn dự trữ này chắc chắn có thể mang lại cho Iran một tiềm lực thúc đẩy kinh tế và là một "quân bài" của nước này trên bàn thương lượng.

Trung Quốc hưởng lợi?

Một trong số ít đồng minh kinh tế của Iran - Trung Quốc - đã tích cực tìm kiếm các nguồn lithium mới cho ngành công nghiệp pin đang phát triển nhanh chóng của nước này.

Sở hữu thị trường xe điện lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào việc tăng cường sản xuất lithium tại các thị trường mới, bao gồm khoản đầu tư gần đây trị giá hàng tỷ USD vào một nhà máy lọc lithium ở Bolivia.

Đồng thời, Trung Quốc có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Iran, trở thành khách hàng mua dầu chính của nước này khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Iran vào năm 2020.

Là đối tác thương mại duy nhất còn lại có khả năng tinh chế lithium quy mô lớn, Trung Quốc có thể sẽ được hưởng lợi từ bất cứ nguồn dự trữ mới nào ở Iran.

Ngoài ra, Iran có thể sẽ cần phải dựa vào đầu tư của Trung Quốc để khai thác và tinh chế bất kỳ loại lithium nào. Theo ông Chandler, Iran không có đủ nguồn lực để xử lý một mỏ lithium có quy mô như vậy.

Ông Chandler cho hay: “Chắc chắn mỏ lithium này sẽ rất phù hợp với nhiều hoạt động đầu tư và thăm dò của Trung Quốc. Có thể Iran sẽ muốn các công ty Trung Quốc tham gia và làm việc cùng với mình."

(Nguồn: Soha)

Tên lửa 'dội như mưa', nổ lớn ở nhiều thành phố của Ukraine

(Ảnh minh họa).

Sáng sớm nay (9/3), Nga đã mở một đợt tấn công tên lửa lớn vào các thành phố ở khắp Ukraine, từ Kharkiv ở phía bắc tới Odesa ở phía nam và Zhytomyr ở phía tây.

Theo hãng tin AP, BBC và tờ Bưu điện Washington, tên lửa dội xuống như mưa và nổ lớn đã xảy ra khắp đất nước Ukraine. Nhiều tòa nhà, cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trở thành mục tiêu trong đợt tấn công quy mô lớn đầu tiên của Nga trong vòng 3 tuần qua. Các quan chức Ukraine cho biết, nhiều tòa nhà dân cư bị trúng đạn song không cho biết liệu có thương vong không.

Còi báo động không kích hú suốt nhiều giờ trên khắp Ukraine, gồm cả thủ đô Kiev. Hiện chưa rõ có bao nhiêu tên lửa được bắn vào các mục tiêu ở thủ đô của Ukraine hay liệu đó là âm thanh phát ra từ các tên lửa đánh chặn được kích hoạt ở khắp các vùng tại quốc gia này.

Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko cho biết, các vụ nổ xảy ra ở quận Holosiivskyi, Svyatoshynskiy và dịch vụ khẩn cấp đang tới đó. Theo quan chức này, có ít nhất 2 người thiệt mạng, 15% các khu vực ở thủ đô không có điện do ngành năng lượng phải cắt điện khẩn cấp sau cuộc tấn công tên lửa của Nga.

Tại phía đông Ukraine, 15 tên lửa đã bắn vào Kharkiv và vùng đông bắc, trúng các tòa nhà dân cư, Thống đốc Kharkiv Oleh Syniehubov cho biết. Quan chức này hứa sẽ tiết lộ thêm các chi tiết về quy mô thiệt hại hoặc thương vong tại thành phố lớn thứ hai Ukraine. Trong khi đó, thị trưởng Kharkiv Ihor Terekhov đăng tin trên Telegram với nội dung: "Tại một số khu vực trong thành phố, sự cố về điện đã xảy ra".

Thống đốc Odesa Maksym Marchenko cũng cho biết, nhiều cơ sở năng lượng và tòa nhà dân cư ở khu vực này bị tấn công. "Đợt tấn công thứ hai sẽ xảy ra ngay bây giờ, vì vậy tôi yêu cầu người dân trong vùng hãy ở trong nơi trú ẩn", thông tin được ông Marchenko đăng cách đây 2h.

Cơ quan đường sắt Ukraine cũng thông báo về việc mất điện ở một số khu vực. Năm đoàn tàu bị chậm hơn một giờ, 10 đoàn tàu bị chậm hơn 30 phút. Việc cắt điện khẩn cấp được thực hiện ở Kiev, Dnipropetrovsk, Donetsk và Odesa.

Theo truyền thông Ukraine, nhiều vụ nổ khác đã xảy ra ở Chernihiv tại phía bắc và Lviv ở phía tây Ukraine cũng như ở các thành phố như Dnipro, Lutsk và Rivne, Ivano Frankivks và Ternopil.

Đợt tấn công tên lửa mới của Nga diễn ra trong bối cảnh giao tranh khốc liệt đang tiếp diễn ở thành phố Bakhmut, phía đông Ukraine. Quân đội Ukraine cho biết, đã đẩy lùi được các cuộc tấn công dữ dội của Nga vào Bakhmut bất chấp các lực lượng Nga tuyên bố đã giành quyền kiểm soát nửa phía đông của nó. Moscow đã cố gắng giành quyền kiểm soát Bakhmut suốt nhiều tháng, khiến cả nước này lẫn Ukraine đều chịu tổn thất nặng nề.

Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ - bà Avril Haines ngày 8/3 nhận định, xung đột ở Ukraine có thể kéo dài nhiều năm, song Nga không đủ mạnh để mở các cuộc tấn công lớn, mới trong năm nay. Bà Haines cho biết, cuộc xung đột ở Ukraine đã trở thành một cuộc xung đột tiêu hao nặng nề mà không bên nào có lợi thế quân sự rõ ràng.

(Nguồn: Vietnamnet)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang