TikTok lừa thế giới; 'Chiến trường' xe hơi ở TQ; Dự trữ ngoại hối TQ giảm; Lưới điện Ukraine bị đe dọa; Hoảng loạn bao trùm Rafah

THẾ GIỚI ĐANG BỊ TIKTOK LỪA: TRỤ SỞ Ở NƯỚC NGOÀI CHỈ LÀ VỎ BỌC, HẦU HẾT NHÂN VIÊN LÀ NGƯỜI TRUNG QUỐC

TikTok một mực chối cãi nhưng sự thật có phải như vậy?

Gia nhập văn phòng San Jose của TikTok vào năm 2023, vị kỹ sư phần mềm người Trung Quốc tên Ben cảm thấy như thể mình đang làm việc tại quê nhà vì hầu hết đồng nghiệp đều là người Trung Quốc. Họ nói chuyện bằng tiếng Quan Thoại và gọi nhau là tong xue - thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong các công ty công nghệ Trung Quốc có nghĩa là “bạn cùng lớp”.

Vào ngày đầu tiên, quản lý dẫn Ben đi tham quan Lark, ứng dụng giao tiếp công việc độc quyền của ByteDance, công ty mẹ Trung Quốc của TikTok. Anh chàng rất ngạc nhiên khi thấy tập tin giới thiệu và tin nhắn công việc hầu hết bằng tiếng Trung. “Đó là một cú sốc văn hóa ngược. TikTok mang đậm chất Trung Quốc hơn những gì tôi từng biết”, Ben, người trước đây từng làm việc tại một công ty Mỹ, nói.

Khuôn viên San Jose rộng 658.000 foot vuông nơi Ben đang làm việc hiện là văn phòng lớn nhất của TikTok tại Mỹ với hơn 4.000 nhân viên. Đội ngũ đông đảo được xây dựng chỉ trong vòng 2 năm ngắn ngủi, khi TikTok ngày càng trở nên phổ biến với thanh thiếu niên Mỹ. Năm ngoái, doanh thu ByteDance gần bằng Meta và điều này chắc chắn sẽ đưa đây trở thành một trong những công ty công nghệ internet sinh lợi nhất thế giới.

Tuy nhiên tại Mỹ, TikTok cũng đang vướng phải một số cáo buộc liên quan đến vi phạm kiểm duyệt và bảo mật dữ liệu. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã buộc ByteDance phải bán lại ứng dụng này trong vòng 270 ngày hoặc rời khỏi đất nước.

Được biết trong nhiều năm, các chính trị gia Mỹ đã đưa ra lệnh cấm hoặc thoái vốn tại TikTok với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Để chống lại áp lực chính trị, công ty này nới lỏng dần các mối quan hệ với Trung Quốc, thậm chí bổ nhiệm các giám đốc điều hành không phải người Trung Quốc. CEO hiện tại là Shou Zi Chew - một người quốc tịch Singapore. Bản thân công ty cũng đặt trụ sở chính tại Singapore và Los Angeles.

Theo lời hơn chục nhân viên TikTok (hầu hết đều yêu cầu giấu tên), mối quan hệ của TikTok với ByteDance đi xa hơn nhiều so với những gì công ty trình bày. Chính các giám đốc điều hành của ByteDance, chứ không phải Chew, mới là người quản lý các bộ phận chủ chốt gồm hàng nghìn nhân viên TikTok có trụ sở tại Mỹ. Trong những năm gần đây, các nhà quản lý từ Douyin, ứng dụng chị em Trung Quốc của TikTok, còn được yêu cầu đến Mỹ để xây dựng ứng dụng.

Mối quan hệ sâu sắc giữa ByteDance và TikTok nhấn mạnh cái khó trong việc tách biệt hai thực thể. Quyết định thoái vốn có thể khiến TikTok mất nhân sự quản lý và công nghệ chủ chốt từ đại lục.

Theo chia sẻ của Ben, thông tin về Lark sẽ được báo cáo cho Zhang Lidong, người đứng đầu bộ phận thương mại hóa của ByteDance chứ không phải CEO Chew. Các quyết định thường chỉ được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến người quản lý cấp cao tại Trung Quốc.

Trong một tuyên bố hồi năm 2023, TikTok tuyên bố CEO Chew giám sát “tất cả các quyết định quan trọng hàng ngày. Lá thư hồi năm 2022 mà TikTok gửi các nhà lập pháp Mỹ cũng nêu rõ ByteDance thực sự có vai trò quan trọng trong việc tuyển dụng nhân sự, song ‘trùm cuối’ vẫn là Chew. Trong khi đó, nhân sự trả lời phỏng vấn của phóng viên Rest of World đều khẳng định nhiều quyết định quan trọng về chiến lược và nhân sự tại TikTok đều xuất phát từ các giám đốc điều hành ByteDance.

Trong nội bộ, nhân viên có lúc công ty là “ByteDance”, có lúc gọi là “TikTok”. Hầu hết các nhóm công nghệ đều hợp tác chặt chẽ với nhân viên Douyin tại Trung Quốc. Một kỹ sư cấp cao của TikTok nói với Rest of World rằng trong các nhóm công nghệ, bao gồm kỹ sư phần mềm, giám đốc sản phẩm và nhà thiết kế trải nghiệm người dùng, có tới 40% đến 60% thành viên đang làm tại trụ sở Trung Quốc.

Theo các nhân viên cấp cao, sự phụ thuộc vào các giám đốc điều hành ByteDance tại TikTok gắn liền với mong muốn tái tạo khả năng sinh lời đáng kinh ngạc của Douyin. TikTok đã đạt được thành công thương mại toàn cầu song Douyin vẫn vượt xa ứng dụng này về doanh thu, đồng thời là công cụ kiếm tiền lớn nhất của tập đoàn. Douyin hiện chỉ có ở Trung Quốc, cung cấp mọi thứ từ mua sắm đến giao đồ ăn, trò chơi di động.

Báo cáo trước đây đã chỉ ra mối liên kết giữa Douyin và TikTok. Theo Rui Ma, một nhà phân tích công nghệ Trung Quốc, công ty tập hợp các nhân sự chủ chốt từ các phòng ban khác nhau, chẳng hạn như kỹ sư phần mềm, nhà thiết kế và nhà khoa học dữ liệu, để hình thành nền tảng dịch vụ chia sẻ.

“Đó là một thực tế phổ biến ở các công ty internet Trung Quốc, nhưng không ai có thể làm được như ByteDance”, Ma nói với Rest of World . “Điều này cho phép ByteDance giữ các tài sản cốt lõi của mình thay vì cố gắng xây dựng nhân sự từ đầu ở Mỹ”.

Mối quan hệ chặt chẽ của TikTok với ByteDance mang lại lợi ích đáng kể. Chẳng hạn, các giám đốc điều hành của ByteDance có thể chuyển tiếp các bài học từ Douyin một cách liền mạch.

“Trở thành một công ty Trung Quốc là tài sản lớn nhất nhưng cũng rủi ro nhất của TikTok”, Ivy Yang, nhà phân tích công nghệ Trung Quốc, nói.

Trước đó, trong phiên điều trần quốc hội năm ngoái, CEO Chew không trả lời trực tiếp bất kỳ câu hỏi nào về việc liệu ByteDance có phải của Trung Quốc hay không. Ông chỉ thừa nhận rằng ByteDance là một công ty tư nhân do Trung Quốc thành lập, điều hành nhiều hoạt động kinh doanh trong nước nhưng mang tính chất “toàn cầu”.

Ngoài ra, CEO Chew nói thêm rằng 60% ByteDance thuộc sở hữu của các tổ chức toàn cầu như Carlyle Group, General Atlantic và Susquehanna International Group. 20% công ty thuộc sở hữu của Zhang và 20% còn lại thuộc sở hữu của nhân viên trên toàn thế giới. 3 trong số 5 thành viên hội đồng quản trị cũng là người Mỹ.

TRUNG QUỐC TRỞ THÀNH CHIẾN ĐỊA CỦA XE HƠI

Thị trường ô tô Trung Quốc lớn nhất thế giới (gấp đôi quy mô của Mỹ) và các “đấu sĩ” từ khắp nơi trên thế giới đã đến đây để bước vào một “trận chiến” hoành tráng.

Vào những năm 1950, hơn 100 công ty ở Nhật Bản bắt đầu sản xuất xe máy. Cuộc chiến xe máy Nhật Bản đầy sáng tạo và cũng rất khốc liệt. Tất cả các sản phẩm xe máy của Anh đều bị xóa sổ. Harley Davidson là thương hiệu Mỹ duy nhất còn đứng vững, còn các thương hiệu Ý thì bị chia cắt.

Các hãng xe Nhật cũng “tàn sát” lẫn nhau trong cuộc chiến, và chỉ còn lại 4 “samurai” gồm – Honda, Kawasaki, Suzuki và Yamaha. Đó là những ngày huy hoàng của nền công nghiệp Nhật Bản.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng có mức tăng trưởng ấn tượng nhưng nhẹ nhàng hơn nhiều. Câu chuyện của họ là câu chuyện về sự kiên trì, gia tăng cải tiến, sản xuất tinh gọn với sự tập trung cao độ vào chất lượng, không có sự từ bỏ liều lĩnh theo kiểu đặt cược hoặc bị tiêu diệt như trong cuộc chiến xe máy. Xe của Toyota, Nissan và Honda được thiết kế tinh xảo nhưng chúng không cách mạng hóa ô tô.

Triển lãm Ô tô quốc tế Auto China 2024 vừa diễn ra ở Bắc Kinh là một sự kiện cho thấy "cuộc chiến" ngành công nghiệp ô tô đã quay trở lại - lần này ở một đấu trường lớn hơn nhiều và có nhiều mối đe dọa hơn. Trung Quốc đang lặp lại cuộc chiến xe máy Nhật Bản năm xưa. Nơi này được dự báo sẽ khốc liệt không kém, và sẽ cách mạng hóa những gì một chiếc ô tô có thể trở thành.

Theo tờ Asia Times, cuộc chơi vẫn còn ở giai đoạn đầu nhưng mọi khía cạnh của ngành công nghiệp ô tô hiện đang bị gián đoạn. Thị trường ô tô Trung Quốc lớn nhất thế giới (gấp đôi quy mô của Mỹ) và các “đấu sĩ” từ khắp nơi trên thế giới đã đến đây để bước vào một “trận chiến” hoành tráng. Các liên minh đang được hình thành và cũng đang bị cắt đứt. Các "chiến binh" đang bán “vũ khí” cho nhau và phát minh ra “vũ khí” mới. Mọi người đều biết rằng đây là một chiến trường khốc liệt và chỉ một số ít chiến binh có thể tồn tại.

"Chiến trường" với nhiều "đấu thủ"

Hãng BYD (Trung Quốc) đặt cược vào việc mở rộng không giới hạn. Lực lượng lao động của họ đã tăng hơn gấp ba lần trong ba năm, lên hơn 700.000 người (với hơn 100.000 người làm việc cho bộ phận R&D – nghiên cứu và phát triển), gấp khoảng 5 lần so với Tesla. Dòng sản phẩm mô hình của công ty gồm hơn chục dòng xe điện được bán dưới bốn thương hiệu có tầm giá từ 9.600 USD cho người đi làm đến xe sedan hạng sang 140.000 USD hay siêu xe 240.000 USD, và nhiều loại ở tầm giữa.

BYD có cả nhánh sản xuất xe buýt EV và xe chạy năng lượng mặt trời. Bên cạnh các nhà máy mới quy mô lớn ở Trung Quốc, BYD cũng đang xây dựng năng lực ở châu Âu, ASEAN, Trung Á và châu Mỹ Latinh.

Trong khi đó, NIO đặt cược vào cải tiến pin để giải quyết vấn đề về thời gian sạc. Công ty đã vượt qua giai đoạn đầu nhờ khoản đầu tư chiến lược từ chính quyền thành phố Hợp Phì. Mô hình dịch vụ pin của NIO giúp công ty trở nên khác biệt trong một lĩnh vực đông đúc nhưng khả năng sinh lời rất khó nắm bắt và sự cạnh tranh từ công nghệ sạc nhanh rất gay gắt. Cuối năm ngoái, công ty đã nhận được khoản vốn 2,2 tỷ USD từ CYCN, một quỹ đầu tư ở Abu Dhabi. Vì thế sẽ là một sai lầm nếu không tính đến sức mạnh của NIO. Sẽ là một sai lầm nếu loại bỏ bất kỳ ai trong cuộc chiến xe hơi của Trung Quốc khi chỉ sống sót để tiếp tục chiến đấu đã là một chiến thắng.

Xiaomi đặt cược rằng một nhà sản xuất điện thoại cũng có thể tạo ra một chiếc ô tô hoàn chỉnh rồi định giá để bán. Trên giấy tờ, chiếc SU7 của Xiaomi có hiệu suất, kiểu dáng và các tính năng kỹ thuật số vượt trội so với Tesla và Porsche vốn có giá cao gấp 3-6 lần.

Công ty đang đặt cược rằng chuyên môn sản xuất điện thoại di động có thể được chuyển sang xe điện, cho phép họ cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô lâu đời như Tesla và Porsche. Đơn đặt hàng cho sản phẩm đầu tay SU7 của hãng đã vượt quá 70.000 chiếc.

Trong khi đó, Huawei đặt cược rằng giá trị của xe điện gắn liền với kiến trúc kỹ thuật số. Gã khổng lồ công nghệ đã hợp tác với Seres, Chery, Changan và JAC để sản xuất xe điện được chế tạo dựa trên công nghệ Huawei – với thông tin giải trí, bộ cảm biến, hệ thống truyền động, hệ thống tự lái, v.v.

Geely thì trông cậy vào một chiến lược mua lại các nhà sản xuất ô tô đang gặp khó khăn và các thương hiệu không còn tồn tại trên khắp thế giới. Các thương hiệu ổn định của Geely – Volvo, Polestar, Lotus, Smart, London Taxi, Proton, Aston Martin (17%) – mang lại cho công ty sự hiện diện quốc tế và sức hấp dẫn ở địa phương. Thời gian sẽ trả lời Geely đã tận dụng thành công sự mở rộng quốc tế của mình như thế nào.

“Người khổng lồ” Tesla tin rằng họ cần sản xuất ở Trung Quốc để xuất khẩu ra phần còn lại của thế giới. Tesla bắt đầu hoạt động ở Trung Quốc vào năm 2019 khi Nhà máy Shanghai Giga bắt đầu sản xuất, giúp họ lần đầu tiên có lãi liên tục. Đối mặt với sự bùng nổ của các đợt ra mắt xe điện mới trong “kỷ Cambri của Trung Quốc”, chu kỳ sản phẩm vô cùng dài của Tesla đã khiến doanh số bán hàng bị giảm sút. Nhưng Elon Musk vừa đến Bắc Kinh, đạt được thỏa thuận với Baidu để giúp đưa xe tự lái hoàn toàn đến Trung Quốc, đảm bảo vị trí của Tesla trong cuộc chơi.

Cuộc tuần hành "tàn nhẫn" của công nghệ.​​​​​​

Đó chỉ là một số tình tiết trong cuộc chiến xe hơi ở Trung Quốc. Các công ty đều đang bị cuốn theo cuộc tuần hành tàn nhẫn của công nghệ. Pin ngày càng rẻ hơn, an toàn hơn, nhẹ hơn và nhiều năng lượng hơn. Tự động hóa hỗ trợ AI và 5G đang giảm chi phí sản xuất trên toàn chuỗi cung ứng. Khả năng tự lái không ngừng được cải thiện. Các công ty đang thử nghiệm các mô hình kinh doanh từ dịch vụ pin đến quan hệ đối tác giữa các nhà sản xuất ô tô, nhà sản xuất pin và nhà cung cấp kiến trúc kỹ thuật số. Một mô hình sản xuất theo hợp đồng kiểu Foxconn có thể đang hình thành.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang chuyển đổi sang năng lượng mặt trời với tốc độ chóng mặt - điều này có khả năng làm giảm giá điện, đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi sang xe điện.

Các nhà sản xuất ô tô truyền thống cũng đang nỗ lực. Volkswagen đã mua 5% cổ phần chiến lược của Xpeng với giá 700 triệu USD và đã thành lập quan hệ đối tác để phát triển các mẫu xe trong tương lai. BMW tuyên bố sẽ đầu tư 2,8 tỷ USD vào nhà máy Thẩm Dương để sản xuất xe điện. Mercedes đã hợp tác với BYD trong thương hiệu Denza cao cấp và đưa ra những lời hứa về việc tiếp tục quá trình chuyển đổi xe điện.

Nissan và Honda đang tìm kiếm mối quan hệ hợp tác để cùng phát triển xe điện. Giám đốc điều hành của Toyota nhấn mạnh rằng xe điện thuần túy sẽ chiếm 30% doanh số bán ô tô toàn cầu (nó đã đạt 50% ở Trung Quốc), phần còn lại thuộc về xe hybrid, xe động cơ đốt trong và xe chạy pin nhiên liệu hydro.

Cuộc chiến xe hơi của Trung Quốc đang ở những ngày đầu nhưng đã đe dọa sẽ tung ra thị trường toàn cầu một cơn sóng thần về xe điện được mài giũa bởi sự cạnh tranh khốc liệt. Các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô coi đây là một mối đe dọa hiện hữu. Các quốc gia không có ngành công nghiệp ô tô thì đang cạnh tranh nhau để giành được một nhà máy lắp ráp từ tay một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

DỰ TRỮ NGOẠI HỐI CỦA KINH TẾ TRUNG QUỐC SỤT GIẢM

Tính đến cuối tháng 4, quy mô dự trữ ngoại hối của nền kinh tế Trung Quốc đạt 3.200,8 tỷ USD, giảm 1,38% so với cuối tháng 3.

Theo số liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc vừa công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2024, quy mô dự trữ ngoại hối của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này là 3.200,8 tỷ USD, giảm 44,8 tỷ USD so với cuối tháng 3/2024 với mức giảm 1,38%.

Lãnh đạo Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước cho biết, trong tháng 4/2024, do ảnh hưởng bởi yếu tố như dữ liệu kinh tế vĩ mô và kỳ vọng chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn, chỉ số của đồng USD tăng lên, trong khi đó tổng thể giá cả tài sản tài chính toàn cầu giảm.

Đồng thời, do tác động tổng hợp của các yếu tố như chuyển đổi tỷ giá và thay đổi giá tài sản, dẫn đến quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm trong tháng 4.

Theo Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, nền tảng kinh tế của nước này ổn định, có nhiều lợi thế, khả năng chống chịu cao và có tiềm năng lớn, thuận lợi cho việc duy trì quy mô dự trữ ngoại hối cơ bản ổn định.

Theo dữ liệu dự trữ vàng được công bố cùng ngày cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2024, dự trữ vàng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ở mức 72,8 triệu ounce, tăng 60.000 ounce so với tháng trước. Điều đáng chú ý là PBoC đã bắt đầu đợt tăng dự trữ vàng này từ tháng 11/2022. Tính đến tháng 4/2024, đã tăng 18 tháng liên tiếp.

ĐỢT KHÔNG KÍCH LỚN NHẤT CỦA NGA ĐANG GÂY ÁP LỰC LÊN LƯỚI ĐIỆN UKRAINE

Các quan chức Kyiv cho biết tên lửa và máy bay không người lái của Nga đã tấn công gần chục cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine trong một cuộc không kích lớn vào sáng sớm thứ Tư (8/5), gây thiệt hại nghiêm trọng tại ba nhà máy nhiệt điện thời Liên Xô.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 39 trong số 55 tên lửa và 20 trong số 21 máy bay không người lái được sử dụng trong cuộc tấn công. Vụ tấn công đã gây thêm áp lực lên hệ thống năng lượng đang bị bao vây của Ukraine hơn hai năm qua kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện.

“Thêm một cuộc tấn công lớn khác vào ngành năng lượng của chúng ta!”, Bộ trưởng Năng lượng German Galushchenko viết trên ứng dụng Telegram.

Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko cho biết hai người bị thương ở vùng Kyiv và một người bị thương ở vùng Kirovohrad.

Ông cho biết khoảng 350 nhân viên cứu hộ đang chạy đua để giảm thiểu thiệt hại gây ra cho nhiều cơ sở năng lượng, 30 ngôi nhà, phương tiện giao thông công cộng, ô tô và một trạm cứu hỏa.

Các cơ sở sản xuất và truyền tải điện ở các khu vực Poltava, Kirovohrad, Zaporizhzhia, Lviv, Ivano-Frankivsk và Vinnytsia đều bị tấn công, ông Galushchenko cho biết thêm.

Đây là cuộc tấn công mới nhất trong làn sóng tấn công của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng ở Ukraine, bắt đầu từ tháng 3.

Các cuộc tấn công đã buộc chính quyền phải áp đặt việc cắt điện luân phiên ở một số khu vực, nhưng tác động đầy đủ của chúng có thể sẽ được cảm nhận vào cuối năm nay khi mức tiêu thụ năng lượng đạt đỉnh điểm vào mùa hè và mùa đông.

Ngoại trừ vùng đông nam Zaporizhzhia, tất cả các khu vực này đều nằm cách xa tiền tuyến ở phía đông, nơi đang diễn ra giao tranh ác liệt và Nga đang giành được ưu thế.

Ông Galushchenko không nêu tên các cơ sở bị tấn công, một phần trong chính sách bí mật thời chiến mà Kyiv cho là cần thiết để ngăn chặn Nga sử dụng thông tin cho các cuộc không kích tiếp theo.

Thống đốc Lviv, Maksym Kozytskyi, cho biết Nga cũng đã tấn công một cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên ở khu vực của ông ở phía tây đất nước, Radio Free Europe/Radio Liberty đưa tin.

Không có bình luận ngay lập tức từ Moscow. Nga phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường nhưng họ coi hệ thống năng lượng của Ukraine là mục tiêu quân sự hợp pháp.

Ngày kỷ niệm

Các cuộc không kích diễn ra vào ngày Ukraine kỷ niệm chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến thứ hai, điều mà Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã nhấn mạnh trong một bài phát biểu trên Telegram cùng với cuộc xâm lược tháng 2/2022.

Ông nói: “Thế giới đã ngủ quên trong sự hồi sinh của Chủ nghĩa Quốc xã – lúc 5 giờ sáng ngày 24/2/2022. Và hôm nay, tất cả những ai còn nhớ về Chiến tranh thế giới thứ hai và sống cho đến ngày nay đều cảm nhận cảm giác quen thuộc này”.

Nhà điều hành lưới điện Ukrenergo cho biết trên Telegram rằng thiết bị tại một trong những cơ sở của họ ở miền trung Ukraine đã bị hư hỏng mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Thống đốc vùng Poltava Filip Pronin viết trên Telegram rằng tại khu vực miền trung Poltava, một cơ sở hạ tầng năng lượng đã bị máy bay không người lái tấn công, gây ra hỏa hoạn.

Theo thông tin ban đầu, không có thương vong.

Thống đốc vùng Vinnytsia và Zaporizhzhia cho biết riêng rằng các cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng đã bị hư hại mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Serhiy Popko, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự thành phố, cho biết trên Telegram rằng tất cả các tên lửa nhắm vào Kyiv đã bị phá hủy. Ông cho biết thêm rằng không có thiệt hại hay thương tích lớn nào sau vụ tấn công.

Các quan chức khu vực cho biết các hệ thống phòng không cũng tham gia đẩy lùi cuộc tấn công của Nga trên khu vực Lviv, giáp biên giới với Ba Lan, thành viên NATO, nơi đã xảy ra một số vụ nổ.

HOẢNG LOẠN BAO TRÙM RAFAH SAU KHI ISRAEL CÔNG KHAI KẾ HOẠCH TẤN CÔNG

Chưa kịp vui mừng khi Hamas thông báo chấp nhận đề xuất ngừng bắn, người dân Rafah chuyển sang hoảng loạn vì Israel tiếp tục không kích vào thành phố.

Hàng nghìn người Palestine đã đổ ra đường phố Rafah tối 6/5, khóc vì vui sướng khi cho rằng việc Hamas chấp nhận đề xuất về thỏa thuận ngừng bắn do Qatar và Ai Cập làm trung gian. Nếu thành công, thỏa thuận này sẽ giúp người dân Rafah tránh được chiến dịch tấn công trên bộ của Israel và tận hưởng bầu không khí yên bình trong 6 tuần.

Nhưng đến sáng 7/5, nhiều người lại bắt đầu di chuyển, chất đồ đạc, chăn đệm lên ôtô, xe lừa, rời khỏi thành phố sau khi Israel tiếp tục không kích và tuyên bố không chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn mà Hamas đã thông qua. Chính phủ Israel cho hay họ tiến hành không kích vì dự thảo thỏa thuận của Hamas khác với văn bản họ đã chấp nhận.

Tâm trạng vui vẻ và tràn đầy hy vọng chuyển sang kinh hoàng, với hơn một triệu người mỏi mệt vì chiến sự kéo dài đang chen chúc nhau ở thành phố phía nam Dải Gaza. Sau cuộc không kích, Israel đã điều một lữ đoàn xe tăng kiểm soát cửa khẩu Rafah giữa biên giới Gaza với Ai Cập, dấu hiệu cho thấy chiến dịch tấn công trên bộ sắp bắt đầu. Đây là cửa khẩu quan trọng để chuyển lương thực, hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza.

"Chúng tôi vừa ăn mừng khi hay tin Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn thì lại nghe tin xe tăng Israel tiến vào", Mohamed Karraz, 28 tuổi, từ Gaza City sơ tán đến Rafah, nói. "Đêm qua Israel không kích rất dữ dội, bắn phá không ngừng, chỉ nghe thấy tiếng nổ và tiếng còi xe cứu thương".

Sáng 7/5, máy bay Israel rải truyền đơn yêu cầu người dân ở 5 quận phía đông di chuyển tới khu vực ven biển phía tây Rafah, vì quân đội Israel sẽ tiến hành chiến dịch tấn công mạnh mẽ vào lực lượng Hamas còn bám trụ tại thành trì cuối cùng này.

Om Udai Tabash, 44 tuổi, cho hay gia đình sẽ quay về nhà ở Khan Younis trong khu chung cư đã mất nóc vì bom đạn Israel.

"Chí ít là chúng tôi có thể được chết ở nhà", cô nói. "Cơ sở hạ tầng bị hủy hoại, thứ cơ bản phục vụ đời sống ở Khan Younis đã không còn, mà quân đội Israel sẽ làm điều tương tự ở Rafah. Nếu phải chết, chúng tôi sẽ chết ở nhà mình".

Nhiều người từ phía bắc Dải Gaza đến Rafah đã trải qua nhiều lần sơ tán. Khoảng 1,4 triệu người, tương đương hơn một nửa dân số Gaza, bị dồn vào khu vực bình thường chỉ có 280.000 cư dân sinh sống. Họ chen chúc trong trường học, nhà dân, lều bạt, trong điều kiện thiếu vệ sinh và nước sạch.

Đa phần đã phải dựng lều ở tạm suốt nhiều tháng, trải qua mưa gió mùa đông và gần đây là nắng nóng mùa hè. Công tác thu gom rác bị hạn chế đã tạo điều kiện cho dịch bệnh và côn trùng phát tán, theo các cơ quan viện trợ.

Nour Ali, 35 tuổi, mẹ của 4 đứa con, từ Gaza City sơ tán đến Rafah, cho biết cả nhà đã ngủ ngoài đường tối 6/5 sau khi rời khỏi ngôi nhà mà họ trú ẩn ở quận Geneina, phía đông Rafah, nơi bị Israel pháo kích rạng sáng hôm đó.

"Chúng tôi muốn về nhà sau khi hay tin về thỏa thuận ngừng bắn, nhưng bom đạn không ngừng trút xuống ngay vào tối hôm đó, khiến không ai ngủ được", cô nói.

Jens Laerke, phát ngôn viên cơ quan nhân đạo Liên Hợp Quốc Ocha, nhận định việc quân đội Israel chiếm cửa khẩu Rafah và đóng cửa khẩu Kerem Shalom sẽ đe dọa toàn bộ hoạt động nhân đạo ở khu vực.

Kerem Shalom bị đóng cửa sau vụ Hamas phóng rocket khiến 4 binh sĩ Israel thiệt mạng. Các tuyến viện trợ khác đến miền trung và bắc Gaza vẫn mở, nhưng lượng xe chở hàng viện trợ bị hạn chế. Bến tàu nổi ngoài khơi Gaza do Mỹ xây dựng để đưa hàng viện trợ vào dải đất vẫn chưa thể vận hành.

"Hai tuyến đường chính đưa hàng viện trợ vào Gaza đang tắc cứng", Laerke nói, cho hay hàng hóa được chuyển tới các cơ quan cứu trợ của Liên Hợp Quốc ở Gaza nhỏ giọt. Ông cảnh báo nếu nhiên liệu tiếp tục bị cắt trong thời gian dài, hoạt động nhân đạo "sẽ chết hẳn".

Ông chỉ trích quân đội Israel "đang phớt lờ mọi cảnh báo về ý nghĩa của viện trợ đối với dân thường". Các nhân viên cứu trợ làm việc ở Gaza báo cáo "bầu không khí hoảng loạn và tuyệt vọng đang bao trùm" và ai cũng thấp thỏm lo âu.

Ai Cập cũng lên án việc quân đội Israel chiếm cửa khẩu Rafah, cho rằng hành động này "đe dọa huyết mạch nhân đạo của hơn một triệu người Palestine" cũng như tuyến đường dùng để đưa bệnh nhân và người bị thương đi điều trị.

Israel từ lâu đã đe dọa mở cuộc tấn công toàn diện vào Rafah bởi cho rằng đây là nơi các thủ lĩnh còn lại của Hamas như Yahya Sinwar đang ẩn náu.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh của Israel, cũng như nhiều cơ quan viện trợ quốc tế, cảnh báo chiến dịch tấn công Rafah sẽ gây tổn thất nhân đạo lớn. Cơ quan y tế Hamas cho hay hơn 34.000 người Palestine đã thiệt mạng từ khi Israel tiến hành chiến dịch tấn công đáp trả Hamas.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc tuần này cho biết miền bắc Gaza đang trải qua "nạn đói toàn diện", dù cơ quan này chưa đưa ra tuyên bố chính thức.

Nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 7/5 bày tỏ lo ngại chiến dịch tấn công Rafah sẽ gây thương vong lớn cho dân thường. "Dù họ có biện minh thế nào, vẫn còn 600.000 trẻ em ở Gaza. Các cháu sẽ bị đẩy tới khu vực gọi là 'vùng an toàn', nhưng ở Gaza chẳng có nơi nào được coi là an toàn", ông nói.

Mazen al-Sheikh Youssef, 27 tuổi, người dân Rafah, cho hay thông tin quân đội Israel đã kiểm soát cửa khẩu đang khiến mọi người hoảng sợ.

"Chúng tôi chẳng khác gì cá nằm trên thớt, thậm chí hàng viện trợ giờ đây cũng không thể đưa vào", anh nói. "Họ sẽ bỏ đói và tàn sát chúng tôi như những gì đã làm ở miền bắc Gaza".

Nguồn: Soha; Báo Tin Tức; CafeF; VOA; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang