3.000 tấn rau giữa sa mạc; 'Nhận hộ đồ ăn' ở TQ; Nga đe dọa hạt nhân; Armenia 'xoay trục' khỏi Nga; Ukraine tình thế cam go

3.000 tấn rau xanh mọc giữa sa mạc: Tiểu vương quốc Ả rập khiến thế giới kinh ngạc với “trang trại thẳng đứng” lớn nhất thế giới

Đi vào hoạt động năm 2022, trang trại có tên GigaFarm của Tiểu vương quốc Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đang mang lại hàng triệu kg rau mỗi năm.

Năm 2022, Dubai đưa vào vận hành một trang trại với diện tích 31.000m2 nằm trong khuôn viên Sân bay Quốc tế Al Maktoum của Dubai. Tại đây, người ta xếp chồng các khay trồng rau lên thành các tháp, tạo thành trang trại thẳng đứng để sản xuất rau xanh với lượng nước và đất tối thiểu. Đến thời điểm hiện tại, trang trại này cho thu hoạch hơn một triệu kg rau xanh chất lượng cao mỗi năm.

Thế nhưng, danh hiệu này còn sắp bị xô đổ. Ở bên kia thành phố, tại nơi có tên Thung lũng công nghệ thực phẩm, người ta chuẩn bị đưa vào khai thác một cơ sở mới có tên GigaFarm với diện tích tới 83.612 m2, gấp gần 3 lần trang trại rau đầu tiên. Những dãy trồng rau sẽ cao tới 12 m.

GigaFarm được giám sát bởi công ty có tên ReFarm do UAE thành lập. Không chỉ lớn hơn rất nhiều so với các trang trại thẳng đứng khác, GigaFarm còn có cách vận hành khác biệt.

Liên Hợp Quốc cho biết canh tác lương thực gây ra 1/3 lượng phát thải nhà kinh toàn cầu. Để làm cho nông nghiệp xanh hơn, Oliver Christof, Giám đốc điều hành của Christof Global Impact, công ty đứng sau ReFarm cho biết GigaFarm sử dụng công nghệ có thể biến chất thải như nước thải và thực phẩm dư thừa thành các sản phẩm nông nghiệp như phân trộn, thức ăn chăn nuôi, nước sạch và năng lượng.

Bằng cách đưa các trang trại đến gần hơn với người tiêu dùng và sử dụng các phương pháp sản xuất hiệu quả hơn để giảm sử dụng phân bón, hệ thống này hứa hẹn cắt giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất lương thực. Năng suất ở đây có thể lên tới 3 triệu kg rau xanh mỗi năm, tương đương 1% lượng lương thực nhập khẩu của UAE.

Giải pháp canh tác thẳng đứng của GigaFarm được cung cấp bởi IGS – một công ty có trụ sở tại Scotland. Hệ thống này trông giống những bãi đậu xe nhiều tầng nhưng được trồng cây thay vì để xe. Môi trường sinh trưởng được kiểm soát đặc biệt trong khi nước và phân bón được tính toán chi tiết nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Sử dụng hệ thống thủy canh, mỗi khay trồng được lót bằng phân hữu cơ hoặc xơ dừa thay vì đất như thông thường. Hệ thống đèn chiếu sáng đặc biệt giúp cung cấp ánh sáng cho cây phát triển như ánh sáng mặt trời. Các cảm biến và cả camera được sử dụng để theo dõi sự phát triển của thực vật. Các hệ thống trồng thẳng đứng có thể tự động quản lý ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, nước và chất dinh dưỡng.

Phương pháp canh tác theo chiều dọc này giúp cây tăng trưởng nhanh, giảm 98% lượng nước sử dụng và chiếm ít không gian hơn. Ngoài ra, trang trại có thể được xây dựng ở những nơi đất thoái hóa không thể sử dụng cho nông nghiệp truyền thống hoặc các nhà kinh vốn bị hạn chế bởi mùa vụ và khí hậu.

Tuy nhiên, các trang trại thẳng đứng này cũng có những điểm yếu mà có lẽ nó chỉ phù hợp với những… nhà giàu. Theo đó, chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, chi phí vận hành cao và lượng điện năng tiêu thụ không ít. Nhiều doanh nghiệp đi theo mô hình này đã phá sản vì không thể cân đối được chi phí.

Để giải bài toán này, Dubai muốn tận dụng năng lượng tái tạo và xây dựng một mô hình kinh tế tuần hoàn để biến rác thải của chu trình khác trở thành nguyên liệu trồng cây. Năng lượng cho trang trại được cung cấp từ việc đốt chất thải rắn trong khi nước được lấy từ một công nghệ xử lý rác thải dựa trên côn trùng.

Cụ thể, ruồi lính đen sẽ được nuôi để ăn chất thải thực phẩm. Vào cuối chu kỳ tăng trưởng, chúng sẽ được biến thành thức ăn chăn nuôi hàm lượng dinh dưỡng cao. GigaFarm dự kiến tái chế 50.000 tấn thức ăn thừa hàng năm và lượng nước được tạo ra từ quá trình này đủ để vận hành các trang trại thẳng đứng.

Trung Quốc bùng nổ dịch vụ ''nhận hộ đồ ăn''

Dịch vụ nhận hộ đồ ăn mang lại thu nhập tương đối cho một bộ phận người lao động nhưng cũng nảy sinh một số vấn đề vì thiếu hình thức quản lý.

Trung Quốc đang bùng nổ loại hình dịch vụ mới được tạm gọi là "nhận hộ đồ ăn" hay "giao hộ chặng cuối". Dịch vụ này do những phụ nữ trung niên đảm nhận, họ thường tập trung dưới những tòa nhà cao tầng hoặc bên ngoài khu chung cư, nhận những đơn đồ ăn và giao chúng đến tận tay người đặt.

Dịch vụ này đang bùng nổ, mang lại thu nhập tương đối cho một bộ phận người lao động nhưng cũng nảy sinh một số vấn đề vì thiếu hình thức quản lý.

Ngành nghề mới chớm nở

Đến giờ ăn trưa, hàng chục "dì" nhận hộ đồ ăn sẽ tập trung bên ngoài khu trung tâm thương mại SEG Plaza ở thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc) để thay shipper (người giao hàng) giao đồ ăn đến tận nơi cho người đặt với một khoản phí.

Những người "dì" giao hộ sẽ nhận được 2 nhân dân tệ (khoảng 7.000 đồng) cho mỗi đơn hàng. Sau khi tích lũy kha khá lượng đơn, họ bắt đầu tay xách nách mang vào tòa nhà và giao đồ ăn tận tay cho người đặt.

Các "dì" nhận hộ đồ ăn là một hiện tượng mới ở thành phố Thâm Quyến. Hầu hết họ là những người làm việc bán thời gian. Huang Xiumei là một bảo mẫu, trong thời gian rảnh rỗi khi những đứa trẻ đi học, Huang đến SEG Plaza để kiếm thêm thu nhập.

Cô cho biết loại hình dịch vụ này giúp người đặt tiết kiệm thời gian phải chờ đợi lâu trong thang máy, cũng như giải quyết những khó khăn trong việc tìm điểm đến mà người giao hàng gặp phải.

SEG Plaza là một tòa nhà chọc trời 71 tầng, có hơn 3.000 gian phòng và bố cục phức tạp. Thời gian chờ thang máy ít nhất là 5 phút vào giờ cao điểm buổi trưa và phải mất ít nhất 15 phút để đi từ tầng cao nhất xuống tầng trệt của tòa nhà, bao gồm cả việc dừng lại ở mỗi tầng để mọi người ra vào.

Với việc Huang đã nắm rõ cách bố trí tòa nhà như lòng bàn tay, cô có thể thực hiện 20 đơn hàng trong vòng 30 phút.

"Chúng tôi lên kế hoạch lộ trình giao hàng ngay khi nhận được đơn. Chúng tôi cũng sẽ tự trao đổi các đơn hàng với các chị em nhận hộ đồ ăn khác sao cho thuận đường nhất có thể", Huang chia sẻ.

Trên mạng xã hội có không ít bình luận cho rằng "lao động chân tay bây giờ còn sướng hơn là ngồi văn phòng" , đồn đoán thu nhập của các người "dì" này có thể lên tới 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 35 triệu đồng) dù cho họ "mù công nghệ" hay "không bằng cấp".

Huang không hề bận tâm trước những tin đồn trên mạng và khẳng định cô chỉ muốn kiếm sống. Cô chia sẻ bản thân chỉ có thể nhận tối đa 30 đơn hàng vào mỗi giờ ăn trưa, tương đương khoảng 1.000 - 2.000 nhân dân tệ (3,5 - 7 triệu đồng) mỗi tháng theo tính toán của cô. “Làm sao tôi có thể kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng?”, cô nói.

Huang than thở rằng ngay cả lĩnh vực giao hộ đồ ăn cũng đang nhanh chóng "bão hòa" do cạnh tranh ngày càng gay gắt, số lượng đơn hàng không đủ để đáp ứng, ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của cô.

"Do tình hình chung, nhiều người mất việc hoặc bị giảm lương. Công việc này không yêu cầu bằng cấp gì và bất kỳ ai cũng có thể đến đây kiếm thêm tiền. Năm ngoái, có tới 50 hoặc 60 người ở đây cùng một lúc, thậm chí cả những người trẻ tuổi cũng cạnh tranh với chúng tôi", cô cho hay.

Dịch vụ giao hộ đồ ăn này ngày càng phổ biến ở Thâm Quyến. Về việc chia sẻ tiền công với những người giao hộ đơn này, hầu hết shipper được phỏng vấn đều cho rằng đây là một "sự thỏa hiệp", vì thực tế nếu không có những người giao hộ hàng, thu nhập của họ sẽ bị giảm do trễ đơn.

Shipper Zhao Lei cho biết việc chờ thang máy tại các tòa nhà cao tầng như SEG Plaza quá tốn thời gian và việc giao hàng tận nơi sẽ mất ít nhất 20 phút để hoàn thành.

Anh cho biết: "Nếu tôi đích thân giao hàng thì các đơn hàng khác sẽ bị chậm. Thời gian là tiền bạc, những người như chúng tôi chỉ muốn hoàn thành thật nhiều đơn hàng để có thể nhận được lương thưởng cao hơn. Việc bỏ ít phí thuê người giao hộ đồ ăn thực tế lại giúp chúng tôi kiếm được nhiều tiền hơn".

Để cải thiện sự thuận tiện cho việc giao và nhận hàng trong giờ cao điểm, nhiều nền tảng giao hàng đã thỏa thuận với các tòa nhà để lắp đặt tủ nhận đồ ở tầng trệt. Tại SEG Plaza, có cả một dãy tủ nhận đồ với hơn một trăm ngăn, nhưng lại rất ít được sử dụng.

“Sẽ thật lý tưởng nếu chúng tôi có thể để đồ ở tủ nhận. Nhưng vấn đề là phải được khách hàng cho phép. Hầu hết khách hàng đặt đồ ăn giao tận nơi vì họ không muốn ra ngoài. Nếu họ phải xuống tầng trệt để lấy đồ ăn thì họ thà ăn luôn ở hàng”, Zhao nói.

Vấn đề trách nhiệm

Người nhận hộ đồ ăn giúp cải thiện hiệu quả của việc giao đơn, nhưng cũng có trường hợp giao hàng sai hoặc chậm trễ. Zhao Lei cho biết khi điều này xảy ra, trách nhiệm thuộc về những shipper và họ phải tự bồi thường cho khách hàng.

Luật sư Li Xianliang từ hãng luật Hà Bắc Thời Đại cho biết những người nhận hộ đồ ăn này về bản chất không khác gì các tủ nhận đồ, "khác biệt là họ di động và không có giấy phép hoạt động".

Ông ấy nói thêm: "Nếu không nhận được sự chấp thuận từ khách hàng, những shipper đang vi phạm quy định khi tự ý giao đơn của khách đặt cho người khác. Nếu đơn hàng bị mất, thương nhân, nền tảng và đặc biệt là shipper sẽ phải chịu trách nhiệm".

Luật sự Li cho biết về lý thuyết, các shipper có thể yêu cầu người giao hộ đồ bồi thường, nhưng thực tế lại rất khó giải quyết vì chỉ là "thỏa thuận mồm" nên người nhận giao hộ đồ hoàn toàn có thể chối bỏ trách nhiệm. Ngoài ra, nhiều shipper sẵn sàng bỏ qua và tự chịu trách nhiệm cho đỡ mất thời gian hoặc tâm lý "chẳng đáng là bao" do giá trị món hàng không lớn. Tuy nhiên, nhiều lần "chẳng đáng là bao" như vậy cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của họ.

Putin: Nga sẵn sàng cho chiến tranh hạt nhân

Thứ Tư (13/3), Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo phương Tây rằng Nga, về mặt kĩ thuật, đã sẵn sàng cho chiến tranh hạt nhân và nếu Mỹ điều quân tới Ukraine, đó sẽ được coi là hành động leo thang xung đột đáng kể.

Vài ngày trước cuộc bầu cử Nga diễn ra vào ngày 15-17/3 mà dường như chắc chắn sẽ cho Putin thêm sáu năm quyền lực, ông cho biết hiện đang “không tiến tới” viễn cảnh chiến tranh hạt nhân và việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là không cần thiết.

"Từ góc độ kỹ thuật quân sự, tất nhiên chúng tôi đã sẵn sàng," ông Putin, 71 tuổi, nói với đài truyền hình Rossiya-1 và hãng thông tấn RIA khi trả lời câu hỏi liệu Nga có thực sự sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh hạt nhân hay không.

Ông Putin nói Mỹ hiểu rằng nếu họ triển khai quân đội tới lãnh thổ Nga hoặc Ukraine, Nga sẽ coi đó là hành động can thiệp.

“[Ở Mỹ] có đủ chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ Nga-Mỹ và trong lĩnh vực kiềm chế chiến lược,” ông Putin, người có quyền ra quyết định cuối cùng ở cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, nói .

“Do đó, tôi không nghĩ rằng mọi thứ đang dẫn tới [viễn cảnh đối đầu hạt nhân], nhưng chúng tôi đã sẵn sàng.”

Lời cảnh báo hạt nhân của ông Putin đi kèm với một đề nghị đàm phán khác về Ukraine – một phần của việc tái phân chia an ninh châu Âu thời kì hậu Chiến tranh Lạnh.

Phía Hoa Kỳ nói rằng ông Putin chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nghiêm túc về Ukraine.

Cuộc chiến ở Ukraine đã châm ngòi cho căng thẳng nghiêm trọng nhất trong mối quan hệ Nga – phương Tây kể từ sự kiện Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Ông Putin đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về nguy cơ kích động chiến tranh hạt nhân nếu các quốc gia này điều quân tới tham gia chiến đấu tại Ukraine.

Tổng thống Putin đã điều hàng chục ngàn quân tới Ukraine vào tháng 2/2022, châm ngòi cho cuộc chiến tranh toàn diện sau tám năm xung đột ở miền đông Ukraine giữa quân Ukraine với phe ly khai thân Nga và lực lượng ủy nhiệm của Nga.

Chiến tranh hạt nhân?

Trong năm bầu cử của Hoa Kỳ, phương Tây đang vật lộn tìm cách hỗ trợ Kyiv chống lại Nga trong bối cảnh quốc gia này đã kiểm soát gần một phần năm lãnh thổ Ukraine và có tốc độ tái vũ trang vượt trội so với cả phương Tây lẫn Ukraine.

Kyiv cho biết đang phải tự vệ chống lại một cuộc xâm lược kiểu đế quốc nhằm xóa bỏ bản sắc dân tộc của mình.

Nga tuyên bố các khu vực do họ kiểm soát ở Ukraine giờ là của Nga.

Ông Putin đã nhiều lần công khai cảnh báo Hoa Kỳ về khả năng sử dụng hạt nhân nhằm ngăn chặn sự tham gia sâu hơn của Washington vào tình hình tại Ukraine - động thái mà Điện Kremlin cho rằng sẽ dẫn tới chiến tranh thế giới.

Washington nói rằng họ không thấy có thay đổi đáng kể trong năng lực hạt nhân của Nga.

Tuy nhiên, những cảnh báo công khai của ông Putin về hạt nhân, vốn đi ngược lại sự cẩn trọng tột độ của giới lãnh đạo Liên Xô về những tuyên bố tương tự, lại đang gieo rắc những lo ngại ở Washington.

Ông Putin nhắc lại rằng điều kiện để sử dụng vũ khí hạt nhân đã được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân của Điện Kremlin, bao gồm: cơ bản là để đáp lại một cuộc tấn công hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc khi có sự tấn công bằng vũ khí thông thường nhằm vào Nga “đe dọa sự tồn tại của nhà nước này”.

"Vũ khí được làm ra để sử dụng," ông Putin nói. "Chúng tôi có nguyên tắc riêng của mình [cho việc đó].”

Năm 2022, chính quyền Joe Biden từng đặc biệt lo ngại việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường ở Ukraine, theo tin từ CNN ngày 9/3/2024.

Putin từng nói rằng ông chưa bao giờ cảm thấy cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Đàm phán?

"Nga đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán về Ukraine, nhưng chúng phải dựa trên hiện thực - chứ không phải trên những ham muốn sau khi sử dụng chất kích thích thần kinh," ông Putin nói.

Tháng trước, Reuters từng đưa tin rằng đề nghị ngừng bắn ở Ukraine của ông Putin nhằm tạm ngưng chiến tranh đã bị Hoa Kỳ bác bỏ sau những tiếp xúc giữa các bên trung gian.

Đầu tuần này, ông William Burn, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã cảnh báo nếu phương Tây không cung cấp sự hỗ trợ phù hợp cho Ukraine, Kyiv sẽ mất thêm lãnh thổ vào tay Nga.

Ông cho rằng điều đó sẽ khích lệ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Burns, là một cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nga, nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng việc hỗ trợ Ukraine để quốc gia này ở vào tình thế thuận lợi hơn trước các cuộc đàm phán sẽ có lợi cho Hoa Kỳ.

Ông Putin nói rằng ông không tin bất kỳ ai và Nga sẽ cần văn bản đảm bảo an ninh trong trường hợp ký kết thỏa thuận.

"Tôi không tin tưởng ai cả, nhưng chúng tôi cần được đảm bảo. Sự đảm bảo phải được nêu cụ thể và ở mức độ khiến chúng tôi hài lòng," ông nói.

Động lực khiến Armenia 'xoay trục' khỏi Nga

Chính quyền Armenia đang đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề trong nước bằng cách tiếp cận chính sách đối ngoại đa chiều thay vì chọn bên giữa phương Tây hoặc Nga.

Theo nhận định của Burak Caliskan, chuyên gia nghiên cứu về chính trị Trung Á, chính sách đối ngoại của Nga và địa chính trị Á-Âu, hiện đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học York (Canada) với hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/3, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, người lên nắm quyền vào năm 2018 với các cuộc biểu tình được gọi là "Cách mạng Nhung", tuyên bố rằng ông sẽ cứu nước này khỏi nạn tham nhũng và nền chính trị kiểu cũ. Tuy nhiên, thất bại nặng nề của Armenia trong Chiến tranh Nagorny-Karabakh lần thứ 2 (bắt đầu vào tháng 9/2020 và kéo dài 44 ngày) đã khiến Thủ tướng Pashinyan trở thành tâm điểm chỉ trích.

Những người phản đối ông Pashinyan cho rằng Chính phủ Armenia không thực hiện được những cải cách đã cam kết và vì đã thua trong cuộc chiến với Azerbaijan. "Gia tộc Karabakh", cai trị Armenia từ khi độc lập cho đến năm 2018, đang dẫn đầu phe đối lập dân tộc chủ nghĩa bằng cách kêu gọi Thủ tướng Pashinyan từ chức. Ông Pashinyan, người phải từ chức vào tháng 4/2021, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với hơn 50% số phiếu trong cuộc bầu cử sớm được tổ chức vào tháng 6 cùng năm.

Chuyên gia Caliskan cho rằng công chúng Armenia, những người đã bị thao túng trong nhiều năm bởi các chế độ cai trị, truyền thông và cộng đồng người hải ngoại ở phương Tây, đã trải qua sự thất vọng lớn. Khi gần 30 năm chiếm đóng Nagorny-Karabakh của họ kết thúc, những gì còn lại là một nền kinh tế có nhiều vấn đề và một đất nước đã trở nên phụ thuộc vào các nguồn lực nước ngoài. Trong khi viện trợ kinh tế của cộng đồng người Armenia ở nước ngoài và Nga đã định hướng chính sách đối ngoại của Yerevan trong nhiều năm, thì nền kinh tế chiến tranh ra khiến điều kiện sống của người dân Armenia trở nên khó khăn.

Những lý do này, cùng với việc không bầu được cựu Tổng thống Armenia Robert Kocharyan, một trong những nhân vật quan trọng nhất của nền chính trị cũ với các vụ án tham nhũng đang được điều tra, đã đặt ra nhu cầu của người dân Armenia về một nền chính trị mới và trong sạch hơn.

Thủ tướng Pashinyan, người nhận thức được các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội của Armenia, phản đối chính trị dân tộc chủ nghĩa, đang tìm cách phá vỡ ảnh hưởng của "Gia tộc Karabakh" theo chủ nghĩa dân tộc và cộng đồng người Armenia hải ngoại, vốn ủng hộ chiến tranh và xa rời thực tế khu vực, trong nền chính trị quốc gia. Chỉ trích các chính sách được áp dụng trong những năm trước đây, Thủ tướng Pashinyan đang nỗ lực thu hút công chúng bằng cách tuyên bố rằng hiện trạng mới ở Nagorny-Karabakh sẽ tích cực hơn cho tương lai của Armenia.

Trong bối cảnh đó, những cải cách pháp lý và kinh tế, điều mà người dân Armenia cũng mong muốn, có thể thực hiện được bằng cách tiến hành các bước đi đúng đắn trong chính sách đối ngoại. Quá trình này bắt đầu với việc Yerevan tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Nga với Armenia và thực hiện chính sách thân phương Tây.

Thủ tướng Pashinyan, người nổi tiếng với những bình luận chống Moskva khi còn ở phe đối lập, bắt đầu thực hiện những toan tính trên một cách rõ ràng hơn sau cuộc chiến Nagorny-Karabakh năm 2020. Đặc biệt vào tháng 2 vừa qua, thông báo của Thủ tướng Pashinyan rằng Armenia đã đình chỉ tư cách thành viên của mình trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu đã làm gia tăng các cuộc thảo luận về sự "xoay trục" trong chính sách đối ngoại của Yerevan.

Trên thực tế, sự thay đổi cục diện của cuộc chiến Nagorny-Karabakh lần thứ 2 đã khuyến khích Armenia tạo ra một chính sách đối ngoại đa chiều, trong đó nước này vừa cải thiện quan hệ với các nước láng giềng vừa cải thiện quan hệ với phương Tây. Về điểm này, Thủ tướng Pashinyan, người tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào tháng 6/2023, cho rằng việc bình thường hóa quan hệ với Ankara là yếu tố quan trọng nhất đối với Armenia.

Trong khi đó, quốc gia tỏ ra quan tâm nhất đến xu hướng chính sách đối ngoại thân phương Tây của Armenia là Pháp. Các cuộc đàm phán đã diễn ra giữa hai nước về các thỏa thuận an ninh và viện trợ quân sự khác nhau. Trên thực tế, việc xích lại gần nhau này đã khiến Pháp công khai theo đuổi chính sách chống Azerbaijan và quan hệ Baku-Paris xấu đi trong một thời gian ngắn. Có thể nói, Pháp, lo ngại trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Phi, đang nỗ lực giành được một vai trò mới ở Nam Caucasus như một phản ứng địa chính trị.

Chuyên gia Caliskan kết luận, tại thời điểm này, các sáng kiến chính sách đối ngoại của Armenia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Pashinyan là "thực dụng". Yerevan đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề trong nước bằng cách tiếp cận chính sách đối ngoại đa chiều thay vì chọn phe giữa phương Tây hoặc Nga. Những bước đi tích cực mà Armenia thực hiện đối với các nước láng giềng chắc chắn sẽ nhận được phản hồi và tạo cơ hội quan trọng cho những cải cách kinh tế xã hội ở nước này. Tuy nhiên, cả áp lực của phe đối lập trong nước và tính toán địa chính trị của các đồng minh, đối tác mới của Armenia đều có thể ảnh hưởng đến hòa bình khu vực ở Nam Caucasus.

Tình thế cam go của Ukraine khi Nga tiến sâu vào các vị trí phòng thủ

Các lực lượng của Nga có thể tiến sâu vào các vị trí phòng thủ của Ukraine, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho hay giữa bối cảnh câu hỏi về tương lai hỗ trợ quân sự và đạn dược cần thiết cho Kiev để duy trì phòng tuyến trước Moscow vẫn chưa được trả lời.

"Nhìn chung, tình hình chiến dịch ở mặt trận miền Đông vẫn rất khó khăn", Thượng tướng Oleksandr Syrskyi nói trong một thông báo trên Telegram ngày 13/3.

Dường như muốn nhắc đến các điểm nóng giao tranh ở phía Tây Avdiivka thuộc khu vực Donetsk, ông Syrskyi cho biết "tình hình dần trở nên khó khăn hơn và có một mối đe dọa về việc các đơn vị của đối phương sẽ tiến sâu vào các đội hình chiến đấu của chúng tôi".

Nga đã gây sức ép lên các phòng tuyến của Ukraine tại một số điểm dọc tiền tuyến trong những tháng gần đây. Trong khi đó, Kiev đối mặt với tình trạng khan hiếm đạn dược và gói hỗ trợ dài hạn từ đối tác lớn nhất là Mỹ vẫn bế tắc.

Giao tranh dữ dội trong nhiều tuần đã diễn ra quanh trung tâm đường sắt quan trọng Kupiansk ở khu vực Kharkiv của Ukraine, đi xuống tiền tuyến phía Tây của các thành phố do Nga kiểm soát gồm Kreminna và Lysychansk. Giao tranh cũng tiếp diễn dọc các chiến tuyến ở phía Nam.

Moscow đang dồn lực vào một số khu vực ở phía Đông, trong đó có Donetsk, ông Syrskyi cho hay ngày 13/3. Nga đã sáp nhập Donetsk, cùng với Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia nhưng chưa hoàn toàn kiểm soát các vùng lãnh thổ này.

Nga cũng đang tập trung vào khu vực Tonenke và Berdychi ở Donetsk, nằm ở ngay phía Tây và Tây Bắc Avdiivka. Các lực lượng của Ukraine đã rút khỏi Avdiivka sau các cuộc giao tranh kéo dài vào giữa tháng 2. Tổng tư lệnh Ukraine trước đó cho biết nước này đã đẩy lùi 26 cuộc tấn công của Nga quanh Berdychi, Tonenke, Orlivka và Pervomaiske.

Moscow ưu tiên tấn công vào Terny ở phía Tây Kreminna và Ivanivske gần Bakhmut - thành phố Nga kiểm soát được vào tháng 5/2023. Quân đội Ukraine cho biết trong một thông báo riêng ngày 13/3 rằng các lực lượng của nước này đã đẩy lùi 7 cuộc tấn công quanh Ivanivske và các làng xung quanh.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/3 thông báo đã đẩy lùi cuộc tấn công của Ukraine quanh Terny ngày qua. Điện Kremlin đang dồn lực quanh các khu vực Verbove và Robotyne thuộc Zaporizhzhia, ông Syrsky nói. Ukraine tuyên bố vào mùa hè năm 2023 rằng nước này đã giành được Robotyne từ Nga. Tổng thư lệnh Syrsky cũng cho biết Ukraine đã đưa ra "tất cả quyết định cần thiết" về các nơi bố trí lực lượng tăng cường dọc tiền tuyến, trong đó có quân đội, đạn dược và thiết bị tác chiến điện tử.

"Có lẽ do mức độ tổn thất cao, hoạt động của đối phương tại những khu vực khác trên tiền tuyến đã giảm đáng kể", ông Syrskyi nói.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 12/3 cho biết sẽ cung cấp gói hỗ trợ quân sự bổ sung trị giá 300 triệu USD cho Ukraine, trong đó có đạn pháo sử dụng cho hệ thống HIMARS và pháo cỡ nòng 155mm.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc nhận định, gói hỗ trợ mới này chỉ là giải pháp tạm thời về ngắn hạn. Một gói hỗ trợ quân sự toàn diện hơn cho Ukraine vẫn bế tắc tại Quốc hội nhiều tháng qua, gia tăng sức ép lên các nước NATO ở Đông Âu trong nỗ lực cung cấp các sự hỗ trợ mới cho Kiev.

Nguồn: CafeF; Kenh14; BBC; Báo Tin Tức; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang