1.200 núi rác gây ô nhiễm; Nhật thoát suy thoái; 'Buồn' của HQ; Sudan trước con dốc khủng hoảng; Chính phủ Haiti mất kiểm soát

1.200 Núi Rác Gây Ô Nhiễm Toàn Cầu

Những núi rác - theo cách gọi của báo chí - phân bố khắp thế giới, nhiều nhất là ở các quốc gia đang phát triển, các nước nghèo, chậm phát triển, chưa có đủ công nghệ để xử lý rác một cách triệt để.

Những núi rác ở New Delhi

Chúng cao sừng sững giống như những ngọn núi khổng lồ, bị chim, ruồi, sâu bọ và bò tấn công và tỏa ra mùi hôi thối không thể tránh khỏi. Những “ngọn núi rác” này rộng vài dặm và cao hơn 200ft (60 mét), có thể nhìn thấy chúng từ khắp mọi góc của thành phố.

Các bãi rác nằm ở các khu phố Ghazipur, Bhalswa và Okhla là nơi chứa hơn 10.000 tấn rác thải của Delhi mỗi ngày: mọi thứ từ vỏ rau đến chai thủy tinh, bao bì nhựa, pin, đồ chơi hỏng và quần áo bỏ đi.

Người dân Delhi thường xuyên phải hít thở không khí hôi thối từ các bãi rác này, xem chúng là “nơi tận thế”, tượng đài đen tối cho những thất bại của thành phố trong việc giải quyết vấn đề rác thải và ô nhiễm ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự từ những bãi rác cao chót vót ở Delhi là mối đe dọa hầu như vô hình. Theo tờ báo Guardian của Anh, các bãi chôn lấp rác ở thủ đô Ấn Độ đã trở thành điểm nóng toàn cầu về phát thải khí mê-tan. Theo tổ chức giám sát môi trường Kayrros, Ghazipur, Bhalswa và Okhla là nơi xảy ra ít nhất 124 vụ rò rỉ “siêu phát thải” khí mêtan kể từ năm 2020.

Do không có hệ thống phân loại rác được thực hiện nghiêm ngặt ở New Delhi - thành phố 32 triệu dân - rác thải ướt (hữu cơ) hầu hết không được phân loại và để thối rữa. Khi phân hủy, nó tạo ra một lượng lớn khí mê-tan. Tại các địa điểm Ghazipur, Bhalswa và Okhla, không có hệ thống thu giữ khí, một phương pháp thường được sử dụng ở các nước phát triển, nghĩa là khí mê-tan có thể tự do bay vào khí quyển.

Bharati Chaturvedi, người sáng lập và giám đốc nhóm hành động và nghiên cứu môi trường Chintan, chuyên nghiên cứu về các vấn đề quản lý chất thải bền vững ở Ấn Độ, cho biết: “Ngay cả những biện pháp đơn giản nhất để giảm lượng khí mê-tan cũng không được áp dụng ở New Delhi. Ở đây có một vấn đề lớn là không có đất để làm phân hữu cơ. Cũng không có thị trường cho phân hữu cơ nên không có động lực tài chính để làm bất cứ điều gì khác ngoài việc đổ rác hữu cơ”.

Khí mê-tan từ các bãi rác thải, các khu nhiên liệu hóa thạch và chăn nuôi là nguyên nhân gây ra 25% hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các chuyên gia nói rằng nếu các quốc gia như Ấn Độ, với dân số lớn nhất thế giới, hơn 1,4 tỷ người, không thể kiểm soát lượng khí thải mê-tan khi dân số tiếp tục tăng, thì đó có thể là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với việc duy trì nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Lượng khí thải mê-tan từ hàng nghìn bãi rác của Ấn Độ, trong đó lớn nhất là ở khu vực thành thị, đã tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt khi dân số ở các thành phố như New Delhi tiếp tục tăng. Các bãi chôn lấp và bãi rác thải chiếm hơn 14% tổng lượng khí thải mê-tan của Ấn Độ, nguồn phát thải cao thứ hai sau nông nghiệp.

Hậu quả môi trường do rò rỉ khí mê-tan từ các bãi rác Ghazipur, Bhalswa và Okhla đã trở nên tàn khốc gấp đôi trong những tháng hè nóng nực ở Delhi, khi loại khí rất dễ cháy thường xuyên bốc cháy, biến những núi rác thành địa ngục độc hại. Các đám cháy đôi khi phải mất hàng tuần mới được dập tắt, khói bụi ngạt thở bay vào bầu không khí vốn đã bị ô nhiễm nặng nề.

1.256 núi rác thải khí ô nhiễm toàn cầu

Các bãi chôn lấp phát ra khí mê-tan khi chất thải hữu cơ như phế liệu thực phẩm, gỗ, giấy và chất thải hữu cơ phân hủy trong điều kiện không có oxy. Khí mê-tan giữ nhiệt trong khí quyển gấp 86 lần so với carbon dioxide trong 20 năm, khiến nó trở thành mục tiêu quan trọng cho hành động vì khí hậu. Các nhà khoa học cho biết lượng khí thải từ các bãi chôn lấp không được quản lý có thể tăng gấp đôi vào năm 2050 khi dân số đô thị tăng lên, làm mất đi cơ hội tránh được thảm họa khí hậu.

Theo dữ liệu mới, toàn thế giới hiện có tổng cộng 1.256 sự kiện siêu phát khí mê-tan xảy ra từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2023. Pakistan, Ấn Độ và Bangladesh dẫn đầu danh sách các quốc gia có lượng rò rỉ lớn nhất; tiếp theo là Argentina, Uzbekistan và Tây Ban Nha.

Có thể giảm lượng khí thải từ bãi chôn lấp bằng cách tạo ra ít chất thải hữu cơ hơn ngay từ đầu, chuyển nó ra khỏi bãi chôn lấp hoặc ít nhất là thu giữ một phần khí mê-tan thải ra từ bãi chôn lấp. Hành động ngăn chặn rò rỉ khí mê-tan làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu được xem là hiệu quả hơn hầu hết các biện pháp khác và thường có chi phí thấp.

Lượng khí thải mê-tan đã tăng nhanh kể từ năm 2007 và gây ra 1/3 lượng khí thải nóng lên toàn cầu, gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu ngày nay. Sự tăng tốc này đã khiến các nhà khoa học lo ngại đây là mối đe dọa lớn nhất đối với mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C và có thể gây ra những điểm tới hạn thảm khốc về khí hậu. Sự gia tăng nhanh chóng dường như là do hiện tượng nóng lên toàn cầu thúc đẩy sản xuất nhiều khí mê-tan hơn ở các vùng đất ngập nước - một vòng luẩn quẩn tiềm tàng khiến cho việc cắt giảm lượng khí thải mê-tan do con người gây ra càng trở nên cấp bách hơn.

Việc phân hủy chất thải là nguyên nhân gây ra khoảng 20% lượng khí thải mê-tan do con người gây ra. Hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra 40% lượng khí thải (theo The Guardian, chỉ riêng năm 2022 đã có hơn 1.000 sự kiện siêu phát thải từ các mỏ dầu, khí đốt và than đá). Các cánh đồng chăn nuôi gia súc và lúa gây ra 40% lượng khí thải còn lại.

Giáo sư Euan Nisbet, chuyên gia về khí mê-tan tại Đại học Royal Holloway ở Luân Đôn, cho biết: “Các bãi chôn lấp lớn tạo ra rất nhiều khí mê-tan nhưng sẽ không tốn nhiều chi phí để san phẳng đất trên bãi rác bốc mùi hôi hám”.

Carlos Silva Filho, Chủ tịch Hiệp hội chất thải rắn quốc tế, cho biết cam kết toàn cầu về khí mê-tan của 150 quốc gia nhằm cắt giảm 30% lượng khí thải mê-tan vào năm 2030 sẽ không thể đạt được nếu không giải quyết lượng khí thải từ ngành công nghiệp xử lý chất thải. Ông nói: “Cắt giảm khí mê-tan là giải pháp duy nhất để đáp ứng mục tiêu nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C”. Khoảng 40% rác thải trên thế giới vẫn được chuyển đến các bãi rác không được quản lý.

Thất bại mang tính biểu tượng

Ở hầu hết các quốc gia phát triển, quy định về bãi chôn lấp có nghĩa là tránh được các hiện tượng siêu phát thải. Tuy nhiên, Argentina là một ngoại lệ, với 100 sự kiện siêu phát thải từ các bãi rác ở thủ đô Buenos Aires kể từ năm 2019. Khủng khiếp nhất là vào tháng 8/2020, rác thải ra tại Buenos Aires lên đến 230 tấn một giờ, tương đương với việc chạy 36 triệu chiếc ô tô.

Theo Nadia Mazzeo, chuyên gia quản lý chất thải tại Đại học Buenos Aires, một số khu vực của địa điểm này dường như được quản lý tốt. “Buenos Aires có bãi chôn lấp tiên tiến nhất ở Argentina và là một trong những bãi rác tốt nhất ở Mỹ Latinh”. Tuy nhiên, một lượng rác khổng lồ - khoảng 15.000 tấn mỗi ngày - được đổ tại địa điểm này và dữ liệu vệ tinh trong một nghiên cứu năm 2022 cho thấy những đống rác thải mới chưa được phát hiện có thể là nguồn phát thải.

Các sự kiện siêu phát cũng được các vệ tinh ở Madrid, Tây Ban Nha phát hiện, với 17 vụ rò rỉ kể từ năm 2021 và 4 vụ rò rỉ lớn trong nửa đầu năm 2023. Vụ rò rỉ lớn nhất là 25 tấn một giờ, được ghi nhận vào ngày 23/1/2024 và tương đương với 3,9 triệu vụ rò rỉ.

Các sự kiện được phát hiện gần các bãi chôn lấp ở phía nam trung tâm thành phố, nơi các nhà máy khai thác khí sinh học cũng hoạt động để thu giữ khí mê-tan. Phân tích dữ liệu vệ tinh vào năm 2021 và một cuộc khảo sát trên mặt đất vào năm 2018 đều phát hiện rò rỉ khí mê-tan đáng kể trong khu vực.

Hội đồng thành phố Madrid, nơi vận hành các cơ sở xử lý rác thải lớn trong khu vực, cho biết các bãi chôn lấp khác mà họ không kiểm soát ở khu vực Madrid rộng lớn hơn có thể phải chịu trách nhiệm. Họ cho biết những rò rỉ lớn tại nhà máy khí sinh học sẽ được phát hiện và tất cả các nhà máy đều đáp ứng mọi quy định về môi trường.

Giải pháp nào cho tương lai?

Hầu hết các quốc gia giàu có đã giải quyết vấn đề rò rỉ khí mê-tan lớn từ các bãi thải, mặc dù vẫn còn một số lo ngại về các lò phân hủy sinh học, chẳng hạn ở Anh đã phát hiện rò rỉ 4% lượng khí đốt của họ.

Chuyên gia Silva Filho cho biết, việc thiếu hành động ở những nơi khác có liên quan nhiều đến tình trạng yếu kém của lĩnh vực chất thải cũng như chi phí. “Rác thải vẫn là một chủ đề bị bỏ qua và nó không phải là ưu tiên hàng đầu ở nhiều quốc gia, chủ yếu là ở phía Nam bán cầu. Nó giống như một dịch vụ kỳ diệu - rác thải đơn giản biến mất khỏi lề đường, vì vậy mọi người không quan tâm liệu nó sẽ được đưa đến cơ sở tái chế hay bãi rác, chỉ là nó được đưa ra khỏi tầm mắt của họ”.

Chuyên gia Singh cho biết, việc che phủ các bãi chôn lấp bằng đất nhanh chóng và rẻ tiền nhưng chỉ là giải pháp một phần cho tất cả các vấn đề ô nhiễm. “Hầu hết các bãi chôn lấp ở Ấn Độ và hầu hết các nền kinh tế đang phát triển đều không được xây dựng một cách khoa học, không có cơ chế thu gom khí thải bãi rác hoặc chất thải nguy hại.

Nhưng chuyên gia Singh cũng cho biết chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu hành động: “Nhờ sự can thiệp của Ủy ban Làm sạch Ấn Độ của chính phủ Ấn Độ, đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong cách chúng ta nhìn nhận về rác thải. Chúng tôi muốn làm cho đất nước của chúng tôi không còn rác thải”. Vị chuyên gia này cho biết, Ban kiểm soát ô nhiễm trung ương ở Ấn Độ đã xác định được hơn 3.000 bãi rác và cho đến nay khoảng 1/3 số rác thải cũ đã được xử lý. Điều này bao gồm việc đào các bãi rác, sục khí vào chất thải hữu cơ để phân hủy thành CO2, sử dụng chất thải có thể đốt được làm nhiên liệu và lấy vật liệu không độc hại còn lại làm cốt liệu trong xây dựng. Chuyên gia Singh cho biết: “Tác động khí hậu của khí mê-tan có thể hơi phức tạp đối với người bình thường nhưng mọi người đều muốn thấy thành phố của mình sạch sẽ. Những núi rác đã xuất hiện trên bản tin thời sự và ảnh hưởng đến kết quả bầu cử”.

Thành phố Indore, ở bang Madhya Pradesh, được đánh giá là thành phố sạch nhất Ấn Độ và hiện đang phân loại phần lớn chất thải hữu cơ tại nguồn - bước quan trọng để tránh các bãi chôn lấp mới tạo ra khí mê-tan. Thay vào đó, một nhà máy khí mê-tan sinh học mới có thể sản xuất 17 tấn nhiên liệu khí mê-tan mỗi ngày. Ông Silva Filho cho biết: “Phương án tốt nhất là phương án chúng tôi có đủ khả năng chi trả - và bằng cách đi từng bước với các giải pháp đơn giản, giải quyết các vấn đề ở cấp địa phương, chúng tôi có thể nâng cấp hệ thống dần dần”.

Ông cho biết, cũng như Ấn Độ, tiến bộ đang được thực hiện ở các nước như Colombia, Chile và Malaysia. “Tuy nhiên, mức tăng dân số sẽ chủ yếu được ghi nhận ở phía Nam bán cầu, nơi chúng ta thiếu cơ sở hạ tầng về rác thải, vì vậy chúng ta sẽ gặp vấn đề lớn nếu tiếp tục các hoạt động như hiện tại”.

KINH TẾ NHẬT BẢN THOÁT SUY THOÁI

Nhật Bản tránh được suy thoái khi số liệu điều chỉnh cho thấy nền kinh tế này tăng trưởng trong quý IV/2023, thay vì giảm như ước tính sơ bộ.

Nhật Bản hôm 11/3 công bố số liệu điều chỉnh chính thức. Theo đó, GDP quý IV/2023 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,1% so với quý trước đó. Tháng trước, ước tính sơ bộ cho thấy cả hai số liệu này đều giảm, đẩy Nhật Bản vào suy thoái khi có hai quý liên tiếp tăng trưởng âm.

Dù vậy, tiêu dùng vẫn giảm, với 0,3% trong quý cuối 2023, nhiều hơn ước tính tháng trước. Số liệu này đã đi xuống 3 quý liên tiếp.

Lạm phát cao đang ghìm nhu cầu nội địa và tiêu dùng cá nhân tại đây, khiến tăng trưởng luôn bị đe dọa. Chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản hạ 6,3% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất 2 năm.

Tuy nhiên, tăng trưởng được bù đắp khi đầu tư của doanh nghiệp trong quý IV/2023 được điều chỉnh từ giảm 0,1% thành tăng 2%, Marcel Thieliant - Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương tại Capital Economics giải thích.

Số liệu hôm nay cũng củng cố quan điểm của Bank of Japan (Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, BOJ) rằng nền kinh tế đang phục hồi, nhờ doanh nghiệp sẵn sàng tăng đầu tư. Cộng với các tín hiệu tích cực về tăng trưởng lương năm nay, phần lớn nhà kinh tế học hiện kỳ vọng BOJ bỏ lãi suất âm trong cuộc họp tháng 3 hoặc 4. Đây sẽ là lần đầu tiên cơ quan này nâng lãi kể từ năm 2007. Ngân hàng này sẽ họp chính sách vào ngày 18-19/3.

Yen Nhật sáng nay cũng mạnh lên so với USD sau khi số liệu điều chỉnh được công bố. Hiện, mỗi USD đổi được 146,7 JPY. Đồng tiền này mất giá hơn một năm qua, chủ yếu do Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất âm, trái ngược với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới.

‘BUỒN’ CỦA HÀN QUỐC: LÀ NỀN KINH TẾ HÀNG ĐẦU CHÂU Á NHƯNG NGƯỜI DÂN MUA TRÁI CÂY CŨNG PHẢI 'NÂNG LÊN HẠ XUỐNG', MUỐN ĂN 1 QUẢ TÁO PHẢI TRẢ TỚI 94.000 ĐỒNG

Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc Song Mi-ryung nói rằng Chính phủ sẽ đầu tư 20,4 tỷ won trong tháng 3, tháng 4 để hạ giá 13 mặt hàng cũng như cho phép mở rộng nhập khẩu trái cây.

Số liệu của Chính phủ Hàn Quốc công bố gần đây cho thấy mức tiêu thụ trái cây của người dân nước này đã giảm gần 20% trong 15 năm qua trong bối cảnh thiếu nguồn cung và giá cả tăng vọt.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, mức tiêu thụ trái cây bình quân đầu người của Hàn Quốc đã giảm 19% xuống còn 55 kg vào năm 2022 sau khi đạt đỉnh 67,9 kg vào năm 2007.

Quýt và táo đứng đầu mức tiêu thụ bình quân đầu người với lần lượt là 11,8 kg và 11 kg, tiếp theo là lê (4,4 kg), nho (4,4 kg), đào (3,7 kg) và hồng (1,9 kg).

Cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc cho biết, việc tiêu thụ trái cây có mối liên hệ chặt chẽ với giá cả vì chúng thường được coi là mặt hàng thực phẩm ít thiết yếu và mức tiêu thụ giảm khi giá tăng.

Trong bối cảnh lạm phát ngày càng tăng cao những tháng gần đây, có rất ít dấu hiệu cho thấy sự thay đổi ngay lập tức về giá cả trái cây ở Hàn Quốc.

Tháng 1 và tháng 2 năm nay, giá trái cây đã tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong 32 năm. Quýt và táo - hai loại trái cây phổ biến nhất ở Hàn Quốc, có giá tăng lần lượt 71% và 78% trong cùng thời kỳ.

Theo đó, tại một siêu thị tại Hàn Quốc, một quả táo có thể có giá lên tới 4.990 won, hơn 94.000 đồng/quả.

Sản lượng trái cây giảm được coi là yếu tố chính đẩy giá của chúng tăng cao. Tổng diện tích trồng trái cây trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc đã giảm từ 172.900 ha năm 2000 xuống còn 158.830 ha vào năm 2022. Điều này là do tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, tổng số nông dân ở Hàn Quốc cũng giảm đều đặn từ 2,85 triệu xuống 2,17 triệu trong thập kỷ qua.

Điều kiện thời tiết bất thường, ví dụ mưa bão lớn cũng đã đặt ra thêm thách thức cho ngành sản xuất trái cây. Năm ngoái, sản lượng táo và lê đã giảm đáng kể, khoảng 30% mỗi loại, phần lớn là bị thiệt hại do nhiệt độ thấp trong thời gian hoa nở mùa xuân và những trận mưa lớn vào mùa hè.

Để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung trái cây và các mặt hàng nông sản khác thường xuyên, Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc Song Mi-ryung đã tổ chức một cuộc họp khẩn và cam kết thành lập một cơ quan tư vấn về sản xuất trái cây đồng thời mở rộng hỗ trợ tài chính cho nông dân.

Bộ trưởng Song Mi-ryung cho biết, chính phủ sẽ đầu tư 20,4 tỷ won (tương đương 15,49 triệu USD) trong tháng 3, tháng 4 để hạ giá 13 mặt hàng, bao gồm táo và hành lá. Chính phủ Hàn Quốc cũng cho phép mở rộng nhập khẩu trái cây để giảm bớt các vấn đề về nguồn cung, đặc biệt là táo và lê.

SUDAN ĐỨNG TRƯỚC CON DỐC KHỦNG HOẢNG

Các bên tham chiến ở Sudan vừa lên tiếng hoan nghênh nghị quyết mới nhất đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua, kêu gọi các bên xung đột chấm dứt ngay lập tức những hành động thù địch trong tháng lễ Ramadan.

Nghị quyết được kỳ vọng sẽ giúp mở ra lộ trình khắc phục khủng hoảng, hướng tới sự ổn định lâu dài cho đất nước Sudan vốn đang đứng bên bờ vực của nạn đói nguy hiểm nhất trong lịch sử. Cơ hội hòa bình cho quốc gia Bắc Phi này, tuy nhiên theo giới phân tích nhận định, vẫn còn khá mờ mịt khi các bên tham chiến chưa thể đưa lập trường “xích lại gần nhau hơn” trong các cuộc đàm phán.

Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) bán quân sự ở Sudan đã ra tuyên bố hoan nghênh lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc ngừng ngay các hành động thù địch trong tháng lễ ăn chay của người Hồi giáo. Tuyên bố của Lực lượng Hỗ trợ Nhanh bày tỏ hy vọng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ giúp “xoa dịu đáng kể nỗi đau khổ của nhân dân Sudan bằng cách đảm bảo chuyển giao suôn sẻ hàng viện trợ nhân đạo” và mở đường cho tiến trình chính trị dẫn đến lệnh ngừng bắn lâu dài.

Về phía chính phủ Sudan, Bộ Ngoại giao nước này cũng đưa ra một tuyên bố đánh giá cao về nghị quyết kể trên song nêu ra bốn điều kiện để triển khai thực hiện nghị quyết, trong đó bao gồm việc rút Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) khỏi các khu vực dân sự và các cơ sở hạ tầng công cộng.

Tướng Yasser al-Atta, đại diện quân đội Sudan hôm qua tái khẳng định lập trường kiên quyết: sẽ không có lệnh ngừng bắn nào trong tháng chay Ramadan sắp tới trừ khi một số điều kiện nhất định được đáp ứng. Trọng tâm của vấn đề nằm ở yêu cầu quan trọng của quân đội Sudan, đó là Lực lượng Hỗ trợ Nhanh phải rút khỏi các khu vực dân sự và công cộng- điều kiện tiên quyết dựa trên cam kết được đưa ra trong các cuộc đàm phán thông qua trung gian hòa giải tại Jeddah (Saudi Arabia) vào tháng 5/2023.

Điều kiện này được đại diện quân đội Sudan cho là cần thiết, thể hiện quyết tâm trong việc duy trì các thỏa thuận đã được thiết lập trước đó cũng như lập lại trật tự tại quốc gia đang bị xung đột tàn phá.

Tuy nhiên, phản ứng của Lực lượng Hỗ trợ Nhanh trước các yêu cầu của quân đội Sudan vẫn chưa chắc chắn, và những nỗ lực trước đây nhằm tạo điều kiện cho một lệnh ngừng bắn trên thực tế vẫn chưa mang lại nhiều kết quả.

Cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc và Mỹ đang lên án mạnh mẽ tình trạng bạo lực leo thang ở Sudan, kêu gọi tất cả các bên ưu tiên cho nỗ lực tái thiết hòa bình và hỗ trợ nhân đạo.

Cảnh báo nạn đói đang rình rập Sudan, viện dẫn con số 18 triệu người đang bị mất an ninh lương thực trầm trọng Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mới đây kêu gọi: “Những tháng tới sẽ đánh dấu một năm kể từ khi bùng nổ giao tranh tàn khốc giữa Lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh. Cuộc xung đột đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân Sudan, làm mất đi sự đoàn kết của đất nước. Hiện có nguy cơ nghiêm trọng hơn là xung đột có thể châm ngòi cho sự bất ổn ở quy mô lớn trong khu vực, từ Sahel đến Sừng châu Phi và Biển Đỏ.”

Đặc phái viên Mỹ tại Sudan Tom Perriello, hôm nay cũng sẽ bắt đầu chuyến thăm đến một số quốc gia ở châu Phi và Trung Đông, mang theo sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo cho người dân Sudan: "Thay mặt Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng, tôi tới khu vực này vì chúng tôi cảm thấy nhu cầu cấp thiết là phải chấm dứt xung đột và mang lại quyền tiếp cận nhân đạo cho tất cả người dân Sudan. Trong nhiều tuần qua, chúng tôi đã lắng nghe người dân Sudan ở khắp các trại tị nạn và những khu vực khác, gặp gỡ các đối tác châu Phi và các bên có thể giúp chúng tôi sớm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài này, mang lại công lý và nền dân chủ thực sự cho người dân Sudan.”

Các cuộc giao tranh ở Sudan vẫn đang trở thành nỗi ám ảnh với người dân nơi đây, giữa lúc những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột vẫn chưa thể mang lại kết quả như mong đợi.

Đánh giá tình hình ở Sudan đang rất “mong manh và cực kỳ nguy hiểm”, Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đang ra sức kêu gọi sớm triển khai một lệnh ngừng bắn. Giới quan sát lo ngại, căng thẳng giữa hai bên nếu không sớm “hạ nhiệt”, rất có thể khiến Sudan ngày càng lún sâu vào con dốc khủng hoảng.

CHÍNH PHỦ MẤT KIỂM SOÁT, THỦ TƯỚNG HAITI TỪ CHỨC

Thủ tướng Haiti Ariel Henry vừa từ chức, sau nhiều tuần quốc gia Caribe rơi vào tình trạng hỗn loạn vì các băng đảng tấn công chính phủ và trật tự xã hội bên bờ vực sụp đổ.

Tối 11/3, các quan chức của tổ chức khu vực CARICOM thông báo ông Henry đã nộp đơn từ chức.

“Chúng tôi thừa nhận việc Thủ tướng Ariel Henry từ chức sau khi thành lập hội đồng tổng thống chuyển tiếp và bổ nhiệm thủ tướng lâm thời”, lãnh đạo Guyana và đương kim Chủ tịch CARICOM Irfaan Ali cho biết.

CARICOM (Cộng đồng và thị trường chung Caribe) là tổ chức của 25 quốc gia, có nhiệm vụ thúc đẩy hội nhập kinh tế, an ninh và phát triển xã hội. Ngày 11/3, CARICOM tổ chức họp về Haiti tại thủ đô Kingston của Jamaica, Liên Hợp quốc cho biết.

Khi đợt bạo lực tồi tệ nhất bùng phát tuần trước, ông Henry đang ở Kenya để ký thỏa thuận về việc đưa 1.000 cảnh sát Kenya đến Haiti để khôi phục an ninh, trong bối cảnh chính phủ của ông mất kiểm soát đất nước.

Ông Henry đang chịu sức ép lớn từ Mỹ phải đạt được một giải pháp chính trị, nhưng vẫn chưa biết ai sẽ thay thế ông.

Một cái tên được nhắc đến là Guy Philippe, một thủ lĩnh phiến quân gần đây bị Mỹ trục xuất về Haiti sau thời gian thụ án vì tội rửa tiền.

Năm 2021, ông Henry lên lãnh đạo không qua bầu cử, sau vụ ám sát tổng thống. Ông hoãn kế hoạch tổ chức bầu cử, cho rằng phải đợi đến lúc tình hình an toàn. Nhưng quyết định của ông càng khiến những người biểu tình nổi giận, sau nhiều tháng họ xuống đường đòi ông từ chức. Tình hình kinh tế Haiti càng thêm khó khăn và bạo lực băng đảng tràn lan.

Từ khi ông Henry đến Kenya, thủ đô Port-au-Prince của Haiti chìm trong các đợt tấn công của tội phạm có tổ chức vào lực lượng thực thi pháp luật và cơ quan nhà nước, khiến hàng chục ngàn người phải rời khỏi nhà cửa.

Ngày 10/3, chính phủ Haiti tuyên bố tình trạng khẩn cấp, sau khi các nhóm vũ trang tấn công vào nhà tù lớn nhất đất nước ở thủ đô, tấn công cảnh sát và quản ngục để giúp khoảng 3.500 tù nhân trốn thoát.

Nguồn: Môi trường & Đô thị; Vnexpress; CafeF; VOV; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang