Xứ người thắm màu Tết Việt; Đi chùa lễ Phật ở Lào; Mở tiệc tất niên ở Đài Loan

Xứ người thắm màu Tết Việt

Gần đến Tết, dẫu sống ở xứ lạnh cách quê hương hàng chục ngàn cây số thì tôi vẫn nghe lòng nao nức, bâng khuâng và cũng vẫn ấm áp với lịch diễn Tết, với tin những hội chợ Tết ở tiểu bang này, thành phố kia đang rạo rực chuẩn bị.

Tết… Tết… Tết… xứ Mỹ

Một dịp theo ông xã đi công tác ở Nam California - nơi nhiều người Việt sinh sống nhất, tôi đã được đón giao thừa ở khách sạn và đến hội chợ Tết.

Không gian chợ Tết tái tạo những hình ảnh thật quen thuộc như cổng làng quê, chợ Tết quê, cây nêu, câu đối, múa lân ông địa và đốt pháo, các trò chơi dân gian cho trẻ em lẫn người lớn, bánh chưng, bánh tét, các loại ngũ quả, mứt chè, ông đồ cho chữ, hoa lộc đầu năm...

Khu trò chơi, ẩm thực rộn ràng vậy, hương vị Tết Việt còn thấm đẫm ở những góc tâm linh với trống đồng, câu đối được chưng trong đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, đền thờ Hai Bà Trưng, hình ảnh đại diện ba miền với tháp rùa Hà Nội, chùa Thiên Mụ, chợ Bến Thành, lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, tượng đài Trần Hưng Đạo…

Hội chợ Tết thường kéo dài ba ngày và các chương trình biểu diễn cũng được thay đổi hằng đêm với các cuộc thi thời trang áo dài, vũ điệu dân tộc, bài ca xuân và quê hương…

Trước dịch COVID-19, tôi từng được tham gia biểu diễn kịch vui ngắn ở đó, lúc mà chị Ngọc Đan Thanh chưa xuống tóc, chị Ngọc Đáng còn khỏe mạnh. Cũng gặp ở đó Thanh Thanh Tâm từ tiểu bang khác về diễn cải lương cùng ca sĩ Quang Thành.

Tết Giáp Thìn sắp tới, Thành nhận được khá nhiều show mời diễn Tết không chỉ ở các hội chợ mà còn từ các hội đoàn tôn giáo, hội đồng hương tại các thành phố có đông người Việt ở như Orange County (California), Houston (Texas), Seattle (Washington)…

Gần đây được ăn Tết cả trong ngoài nước, Quang Thành chia sẻ điều thú vị mà anh nhận thấy: trong khi các nghệ sĩ, ca sĩ ở Việt Nam thường nghỉ ngơi trước Tết để từ mùng 1 có thể diễn một ngày mấy show, thì ở Mỹ các ngày cuối tuần của ba tuần trước và sau Tết đã có lịch biểu diễn từ các tổ chức tôn giáo, cộng đồng, các hội đồng hương.

Theo Thành, hội chợ Tết ở đất Mỹ có nhiều sinh hoạt gần với Tết truyền thống ngày xưa hơn qua chiếc áo dài từ người biểu diễn đến khách du xuân, áo dài truyền thống chứ không cách tân xa chiếc áo gốc như trong nước.

Quang Thành còn nhận ra nếu ở Việt Nam, Tết còn là mùa du lịch, nhiều hàng quán đóng cửa, nhiều người đổ tới các nơi mà trong năm không có dịp đi thì ở Mỹ chính đây là mùa sum họp. Ở những nơi đông người Việt sống, không khí Tết đậm đặc, tạo cảm giác Tết ở đất Mỹ được khơi dậy sớm hơn, lâu hơn và dài hơn.

Các cháu của Thành rất hào hứng vì đến mùa này, cùng với người lớn, các cậu bé được mặc áo dài và thưởng thức món ăn Việt, nào chả giò, nào bánh tét bánh chưng, được cả lì xì…

Hiện có vài nơi ở Mỹ như thành phố Seattle đã xin cấp phép cho nhóm Liên Á như Hàn, Hoa, Lào, Thái, Nhật, Việt tổ chức ngày hội Tết chung. Với nhiều nghệ sĩ cải lương ở hải ngoại, hội Tết đó còn là cơ hội tuyệt vời nhất để giới thiệu nghệ thuật cải lương với các cộng đồng châu Á khác.

Tùy theo số lượng người Việt ở nơi mình ở nhiều hay ít mà cách chuẩn bị hội chợ Tết lớn hay nhỏ. Nhà văn Nguyễn Thị Huế Xưa - vốn là một y tá trưởng của Bệnh viện Seton tại Austin (Mỹ), một trong những người đầu tiên gầy dựng nên lớp học tiếng Việt ở chùa Linh Sơn - cho biết:

"Ngày Tết ở đây còn là Ngày văn hóa Việt Nam. Nhóm điều hành cộng đồng thường phải chuẩn bị trước 6 tháng để tìm nhà bảo trợ, góp tay cho những chương trình đầy đủ chất lễ nghĩa nghiêm trang cùng chất hội hè sao cho thu hút được nhiều người trẻ tới, ngoài các thành phần lão niên và trung niên".

Từ các nhà bảo trợ sẽ có những gian hàng, không chỉ bán thức ăn, hoa, áo dài, còn có cả bảo hiểm sức khỏe, tin tức khoa học. Bên cạnh các cành mai, đào, nhánh trúc, chậu cúc, lồng đèn, câu đối… còn có những chiếc xích lô để khách chụp hình.

Tôi cũng từng ngồi lên xích lô chụp ảnh với cảnh phía sau là ảnh nhà thờ Đức Bà. Khách mời có khi có cả thượng nghị sĩ Mỹ cùng các trưởng lão người Việt trong áo dài gấm truyền thống, từ giới thiệu quan khách, nghi thức lễ, cúng bái đến những bài sớ Táo quân tóm chuyện trong năm với ý nghĩa ngày Tết, lòng tri ân tổ tiên ông bà, chuyện con vật tiêu biểu của năm… đều được chuẩn bị bằng hai thứ tiếng. Phần văn nghệ không thể thiếu màn múa lân và mừng tuổi lì xì.

Có Tết, khách dự được lì xì bằng bánh tét do các quân nhân Mỹ gốc Việt trẻ tuổi nấu tặng. Xen kẽ chương trình văn nghệ thường là các cuộc thi có thưởng tìm hiểu sử Việt, thi hoa hậu áo dài cả thiếu nhi và người lớn mà các kiểu thức áo dài cùng khăn đóng truyền thống luôn được tôn trọng.

Đôi khi có cả một hoạt cảnh lễ cưới xưa, chú rể có thể là người nước ngoài nhưng cũng mặc áo dài và cũng bái lễ tơ hồng.

Một cư dân mới của Austin, hàng xóm của tôi là chị Hạnh Dương. Để đỡ nhớ quê và làm từ thiện, Hạnh bán thức ăn Việt Nam tại một công viên trên chiếc xe kéo ghi tên: Mekong Delta Cuisine at Hanh's Homemade.

Giao thừa Tây, Hạnh cùng chồng, nhà khoa học Thomas David Hayes, cùng hai con trên bốn chiếc kayak chèo khoảng bốn dặm ra cây cầu ở trung tâm thành phố để xem pháo hoa bắn ngay sát bờ sông.

Giao thừa ta, họ không cần rời nhà vì đã có một bàn thờ được chuẩn bị đầy đủ màu sắc Việt để Hạnh cùng hai con của chị có cảm giác đã mang cả Tết quê hương theo mình.

Dẫu một mình vẫn đậm đà Tết Việt

Năm nay, tôi và Quang Thành tham gia làm giám khảo cuộc thi trực tuyến tuyển lựa giọng ca cải lương Út Trong Award.

Nghệ sĩ Linh Huyền đã sáng lập giải này vào năm 2021 nhằm tri ân và tôn vinh nhạc sĩ Út Trong - người có nhiều cống hiến trong sáng tạo và đào tạo nghệ thuật cải lương. Là người Việt độc nhất ở thành phố Spolato ở Ý, Huyền vẫn cố giữ phong tục cúng muối, gạo, trà, nước, đơm mâm ngũ quả để giữa sân vào đêm giao thừa, thắp nhang, đốt trầm để lạy trời đất.

Huyền kể cô cố gắng tìm kiếm trái cây Việt Nam. Bưởi, thơm, táo là những thứ dễ tìm, có năm hên còn được trái thanh long tươi, có năm chỉ kiếm được trái dừa. Mùng 1 Tết, Huyền cùng ông xã là họa sĩ Richard di San Marzano ngồi cho con cháu chúc Tết trong một dinh thự cổ của dòng tộc Assinari di San Marzano - nơi còn gìn giữ chiếc giếng cách đây hai ngàn năm.

Hơn tám năm sống ở xứ người, Huyền bảo mình nhận ra sự đồng dạng nhiều mặt giữa hai nền văn hóa Ý và Việt Nam, đặc biệt về truyền thống ẩm thực và ăn uống, ứng xử văn hóa và nghệ thuật.

Chủ trương sống tam đại đồng đường của các gia đình Việt Nam xưa cũng là kiểu sống mà người Ý hướng về. Gần đây, Linh Huyền tham gia hát trong chương trình Tết quê hương do sứ quán Việt Nam tổ chức ở Rome với số lượng tham dự gần 100 người trên tổng số khoảng 3.000 người Việt sống trên toàn nước Ý.

Để văn hóa Việt được gìn giữ và lưu truyền cho người trẻ ở bên nước ngoài, có nhiều người khá bi quan, lo sợ khát vọng hội nhập với bản xứ cùng việc coi nhẹ căn tính dân tộc khiến cộng đồng người Việt hải ngoại mất bản sắc Việt nhanh hơn các cộng đồng hải ngoại khác.

Thực tế cho thấy, đành rằng quá khứ vẫn còn để lại những vết sẹo khiến tính đoàn kết và hòa hợp giữa người Việt bị yếu đi, nhưng khi khởi đầu bằng việc đi học tiếng Việt để chiều lòng mẹ cha, làm quen với những tập tục như thờ cúng ông bà, giỗ, Tết, cách cư xử tử tế của các thế hệ đi trước, thì dù thành công trong việc hội nhập đến đâu, đến độ tuổi nào đó, cội nguồn chính là một ẩn số thú vị mà nhiều thanh niên trưởng thành rất muốn tìm về, để chính mình tự trả lời câu hỏi mình là ai và mình từ đâu đến.

Những gì tôi được quan sát qua những trải nghiệm của mình chứng minh điều đó. Ở Anh, hơn 60.000 người Việt sinh sống trong đó có khoảng 8.000 du học sinh nhưng vẫn chưa có một trung tâm dạy tiếng Việt bài bản nào cho trẻ em gốc Việt.

Tết 2020, các du học sinh ở London đã tổ chức chương trình "Tết về nhà", quy mô nhỏ về không gian lẫn thời gian nhưng vẫn đầy đủ các món ăn đặc trưng ngày Tết cùng với các sinh hoạt văn nghệ, múa lân, mừng tuổi và trình diễn áo dài.

Năm 1989, gia đình Diễm Cơ từ Việt Nam chuyển sang sống ở thành phố Allen (Texas), nơi mà cộng đồng Việt lúc đó nhỏ tới độ khi Tết đến, họ đã sắp xếp để chùa, nhà thờ Công giáo và Tin Lành tổ chức hội Tết vào ba ngày khác nhau để 200 người Việt ở đó có thể luân phiên cùng dự.

Nay cộng đồng Việt đã nảy nở thêm nhiều, dàn nhạc giao hưởng của thành phố Allen đã mời Diễm Cơ vào thành viên ban quản trị để tổ chức những sự kiện như Tết của người châu Á.

Diễm Cơ bày tỏ với tôi sự sốt ruột về việc văn hóa Việt chưa được phát triển và phổ biến một cách bài bản. Tôi thì tin rằng một khi đã nhận ra vấn đề, cô sẽ tìm ra cách khắc phục.

Đa số thế hệ thứ nhất và cả thứ nhì ở hải ngoại đều nhận biết để có thể bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam ngay tại xứ người còn tùy vào ý thức của từng gia đình. Đó là một công việc lâu dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Nhắc lại những lớp dạy tiếng Việt ở chùa Linh Sơn tại Austin (Mỹ) do mình góp tay gầy dựng, nhà văn Huế Xưa cho biết phải cảm ơn sự tiếp nối hoạt động như nhóm dạy song ngữ dạy cả tiếng Việt cho người Mỹ, các trang web văn chương, các cuộc thi viết về nước Mỹ bằng tiếng Việt, thi hát dân ca, đờn ca tài tử… là những môi trường mở ra thêm cho tiếng Việt cũng như văn hóa Việt được trường tồn ở xứ người.

Nhớ về những điều này trong lúc ngồi chấm thi hát cải lương giải Út Trong trên đất Mỹ càng làm tôi nao lòng mỗi khi thí sinh cất giọng.

Buổi thi đầu tiên của vòng chung kết, thí sinh Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm ở Minnesota đã khiến các giám khảo cảm động vì giọng ca chân phương, lối diễn biết kiềm chế cảm xúc khi cố gắng hóa thân vào vai một bà vú gấp đôi tuổi cô trong vở Tấm lòng của biển của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng.

Khiếm thị bẩm sinh, kết hôn và đến Mỹ trong mùa Covid-19, Trâm hiện đang ổn định tâm lý, bớt nhớ nhà, chuyên tâm học tập và không quên luyện những giai điệu ca cổ đã được cô ngân nga từ thuở nhỏ.

Hình ảnh lạc quan của cô sinh viên Quỳnh Trâm cũng như hai người con của Hạnh Dương - con gái vừa học đại học âm nhạc năm ba vừa đi dạy kèm piano của một trung tâm âm nhạc, con trai vừa học năm cuối trung học vừa làm, cố gắng thi vào y khoa, và nhiều bạn trẻ nữa đang nô nức tham gia những hội chợ Tết khắp nơi, tôi tin vào tương lai tươi sáng của một thế hệ trẻ gốc Việt cầu tiến, hội nhập kịp và giữ được bản sắc Việt.

Đi chùa lễ Phật - nét đẹp đầu năm của những người con Việt Nam tại Lào

Tâm thức của người Việt Nam luôn tin rằng đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện mà còn là khoảnh khắc để con người hòa mình chốn tâm linh, cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Ngay sau thời khắc chuyển giao năm cũ và chào đón Năm mới với những người Việt đang sống ở xa quê, việc đi chùa lễ Phật đầu năm là một trong những hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết Cổ truyền.

Trong tiết trời se lạnh của ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, Chùa Phật Tích ở Thủ đô Vientiane (Lào) đã trở nên đông đúc và rực sáng trong ánh đèn, nến, cùng những làn khói tỏa ra từ nhang, đã khiến nơi đây trở nên ấm áp hơn bao giờ hết.

Tâm thức của người Việt Nam luôn tin rằng đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà còn là khoảnh khắc để con người hòa mình chốn tâm linh, bỏ lại đằng sau bao vất vả mưu sinh cũng như cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau. Người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, người thì đi lễ chỉ để tìm lấy những giây phút yên bình, nhằm xua tan những lo toan bộn bề cuộc sống và có người cùng để tìm lại nét đẹp ngày Tết do phải sống ở nơi xa Tổ quốc.

Sinh sống và làm việc tại Lào đã lâu nhưng năm nào cũng vậy, anh Phan Tiến Anh lại cùng với vợ và hai con cũng đến chùa vào mỗi dịp đầu Xuân Năm mới.

Anh cho biết mình duy trì truyền thống này trước hết là để các con anh hiểu được giá trị văn hóa truyền thống, những nét đẹp của Việt Nam trong mỗi dịp Tết đến Xuân về, tiếp đó là để cầu chúc cho anh và gia đình mình một năm mới nhiều sức khỏe, niềm vui và bình an.

Bà Nguyễn Thị Bích Liên, sinh ra và lớn lên tại Lào, cho biết cứ vào chiều 30 Tết, là bà lại cùng với gia đình và các con cháu lên chùa thắp hương lễ phật sau là để chờ xem múa lân để có không khí Tết vì bà sống ờ Lào đã lâu và vào mỗi dịp như này bà lại cảm thấy thiếu không khí Tết như ở Việt Nam và bà muốn cho các con cháu của bà biết được không khí ấy thiêng liêng như thế nào.

Cuộc sống ngày càng hiện đại và đối với mỗi người dân Việt Nam dù ở bất kỳ đâu trên trái đất này thì nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm không chỉ là truyền thống mà còn là dịp để bà con truyền lại những giá trị tốt đẹp Tết Cổ truyền của dân tộc cho thế hệ mai sau, thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ, cũng như thêm yêu và trân quý những giá trị cội nguồn.

Bà chủ Việt ở Đài Loan 7 năm mở tiệc tất niên "đãi" đồng hương xa xứ

Gần chục năm cứ tới đêm giao thừa, những người con xa xứ là lao động Việt Nam và du học sinh lại có mặt ở quán của chị Thu ở Đài Trung (Trung Quốc), cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên.

Vào ngày cuối cùng của năm, nhà hàng "Hello Vietnam" của chị Bùi Thu sớm nhộn nhịp. Hôm nay, cửa tiệm tạm đóng cửa nhưng không khí lại rộn ràng náo nhiệt hơn ngày thường.

Đã thành thông lệ suốt nhiều năm qua, cứ tới đêm giao thừa, hàng chục người con xa xứ là lao động Việt và du học sinh lại đến quán của chị để quây quần cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên.

"Tôi sống xa nhà và gần 20 năm qua chưa được đón Tết ở quê. Đài Loan là nơi giúp tôi khởi nghiệp thành công nhưng bên này lại không có người thân Việt Nam nên cứ dịp này tôi lại mời mọi người tới quán chung vui.

Dù là du học sinh hay dân lao động nhưng tất cả đều có điểm chung là người con xa xứ mang trong mình nỗi nhớ quê hương", chị Thu bộc bạch.

Được biết, truyền thống này được chị Thu duy trì suốt 7 năm qua. Toàn bộ chi phí tổ chức tiệc đều được bà chủ người Việt bỏ ra. Năm nay, vì bận nhiều việc riêng nên chị chủ động gửi tiền để anh chị em đi chợ mua sắm, tùy ý lựa chọn những món muốn ăn. Bữa tiệc năm nay tiếp đón hơn 30 khách.

Chị Thu tiết lộ, những vị khách tham gia tiệc vốn đều là khách quen của quán. Họ thường xuyên tới quán ăn uống cho đỡ nhớ món ăn quê nhà. Rồi dần dần từ những người xa lạ, họ xích lại gần nhau rồi trở nên thân thuộc, gắn kết như người thân.

Để chủ động kịp tiệc đón giao thừa cùng anh em đồng hương xa quê, chị Thu sắp xếp trước bữa ăn tất niên với gia đình chồng ở thành phố Đài Trung từ trước đó. Bữa tiệc năm nay, chồng chị Thu, anh Sáng là người Đài Loan và con trai cũng tham dự.

Anh Thắng, 22 tuổi, đến từ Nghệ An, hiện là du học sinh một trường Đại học tại thành phố Đài Trung, cho biết giá vé Tết đắt đỏ hơn nhiều so với các dịp khác trong năm nên anh chấp nhận ở lại.

"Vì vấn đề kinh phí, tôi đành đón cái Tết xa quê. Nhưng nhờ có bữa tiệc của chị Thu đã giúp những người như chúng tôi thêm ấm áp", nam sinh viên cho biết.

Trong khi đó, anh Thành, 30 tuổi, là lao động sang Đài Loan làm việc. 6 năm qua, anh Thành chưa từng về quê đón Tết vì muốn tiết kiệm chút tiền gửi về gia đình. Chính bởi vậy, anh Thành cũng rất hạnh phúc khi có dịp hội ngộ cùng những người đồng hương trong bữa tiệc đoàn viên này.

Bàn tiệc hôm nay chủ yếu những món ăn thuần Việt được chính tay anh chị em cùng nhau đi chợ, nấu nướng. Ngoài các món quen thuộc như bánh chưng, giò lụa, canh măng nấu móng giò, nem rán còn có một số món nấu theo kiểu miền Trung như ngỗng xào gừng sả, ba ba om chuối đậu, ốc xào...

Trong bữa tiệc, chị Thu còn gửi tặng mỗi vị khách một phong bao lì xì màu đỏ để lấy may. Tiếp đó để góp vui, chồng chị cũng phát tặng mỗi người một thẻ cào. Một số vị khách ồ lên vui vẻ khi cào trúng thẻ 800 đài tệ (630.000 đồng).

Gần chục năm tổ chức tiệc tất niên cho những đồng hương xa xứ, bà chủ người Việt nhận thấy khách mời bữa tiệc mỗi năm lại đông hơn trước đó do người nọ mời thêm người kia, còn không khí mỗi lúc thêm đầm ấm.

"Ở Việt Nam, chúng tôi hầu như không chung quê hương và đều đến từ nhiều tỉnh thành nhưng có thể cùng nhau ăn bữa cơm ấm cúng đón giao thừa thế này không còn gì hạnh phúc hơn.

Tôi muốn gửi lời chúc tới toàn thể anh chị em người Việt làm ăn xa xứ trong năm mới có thêm sức khỏe, chăm chỉ làm việc để mức thu nhập tốt hơn, qua đó giúp cải thiện cuộc sống khi trở lại quê nhà", chị Thu bộc bạch.

Được biết, bản thân chị Thu cũng là một lao động người Việt sang Đài Loan lập nghiệp. Quê hương ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), vì thấy cuộc sống nhiều vất vả, năm 2001 chị xin sang Đài Loan xuất khẩu lao động để giúp việc gia đình và chăm sóc người già.

Xuất phát điểm từ số 0 khi lần đầu nơi đất khách quê người chưa hề biết một câu giao tiếp tiếng Trung, bằng sự nỗ lực hết mình, chị đã gây dựng nhà hàng nấu món Việt ở thành phố Đài Trung, Đài Loan (Trung Quốc). Đây cũng là nhà hàng Việt duy nhất ở Đài Loan liên tiếp 2 lần đạt sao Michelin danh giá.

Thực đơn chính hiện vẫn xoay quanh các món đậm chất Việt như bún đậu mắm tôm, bún chả nướng kiểu Hà Nội, bún nem rán, phở bò tái, bún lòng, bún móng giò, cùng một số món ăn vặt như nộm đu đủ, gỏi cuốn tôm, gỏi cuốn thịt heo, gỏi cuốn chay, nem rán. Mức giá các món từ 100 đến 300 Đài tệ (75.000 đồng - 230.000 đồng).

Nguồn: Tuổi Trẻ; VTV4; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang