- Thời sự
Những năm gần đây, gói và tự luộc bánh chưng trong dịp tết cổ truyền dân tộc đã trở thành một tập quán rất quen thuộc của nhiều gia đình, các nhóm bạn trong cộng đồng Việt Nam tại Hungary.
Không chỉ là một món ẩm thực truyền thống, bánh chưng trong lòng người Việt xa xứ đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng của thời khắc cuối năm, đồng thời nhắc nhớ nhiều kỷ niệm chỉ còn trong ký ức.
"Thử thách" cho thế hệ người Việt thứ hai tại Hungary
Ngày ông Công, ông Táo (23 tháng chạp - PV), chúng tôi có mặt tại tư gia của anh Ngô Sơn Hà, một cựu du học sinh Việt Nam tại Hungary từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước. Gần 40 năm sinh sống và làm việc tại thủ đô Budapest (Hungary), gia đình anh đã có một cơ ngơi khang trang tại một khu vực đắc địa, nơi có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh quan rất đẹp của thủ đô.
Năm nay, một số gia đình đã có mặt sớm để tham gia "dự án" gói bánh chưng mà mọi người hồi hộp chờ đợi từ lâu. Như thường lệ, mọi việc bắt đầu từ trước đó, khi các anh chị đã phân công nhau chuẩn bị, mua các nguyên liệu cần thiết như đỗ đậu, lá dong, thịt lợn...
Ngâm gạo, rửa lá dong, thái và ướp thịt... cũng là những khâu đòi hỏi sự chuyên tâm và thời gian, còn nồi nấu thì được trang bị bằng cách đi mượn các nơi. Chủ nhà, anh Hà, cũng cấp tốc mua một nồi để góp phần, với giá chừng 45 euro, đủ để luộc 7 chiếc bánh. Năm nay, các anh chị quyết định nấu bằng điện trong nhà cho tiện.
Nhiều nước ở châu Âu đang trong cơn khủng hoảng và bão giá tài chính. Giá cả tại Hungary cũng tăng nhiều nên trong quá trình gói ghém, câu chuyện về mua sắm rất rôm rả. Tuy nhiên, chị Phương Thảo, người từ nhiều năm nay chịu trách nhiệm khâu mua bán, cho chúng tôi hay, tại các khu chợ Việt, thực phẩm ngày tết cũng tăng không quá nhiều (5 - 10%) so với năm ngoái; trong khi mức giá thực phẩm của nước sở tại Hungary thì tăng không phanh từ nhiều tháng nay.
Như một thú vui giải trí, chúng tôi đã thống kê giá các mặt hàng căn bản cần thiết cho việc gói bánh chưng: lá dong 12 euro/40 lá, gạo nếp cái hoa vàng 2 euro/kg, đỗ xanh (đã cà vỏ) 2 euro/0,5 kg, lạt 13 euro/kg, thịt ba chỉ 5 euro/kg. Thành phẩm sẽ là những chiếc bánh chưng cỡ 13 x 13 cm với thành phần 540 gram gạo nếp, 200 gram đỗ, 200 gram thịt. Tính ra, tự gói cũng không rẻ được như mua sẵn (10 - 11 euro/chiếc), nhưng niềm vui khi cùng nhau nấu nướng mới là điều quan trọng.
Hơn thế nữa, gói bánh chưng cũng là "thử thách" cho các cháu thuộc thế hệ thứ hai - chào đời tại Hungary, nhiều cháu hiện đã trưởng thành và du học, làm việc tại các nước châu Âu, để họ làm quen, tìm hiểu và yêu mến một giá trị đẹp, tinh tế của nền văn hóa và ẩm thực Việt.
Gia đình anh Đào Thế Quang (một gương mặt rất quen biết trong giới du học sinh và cộng đồng Việt tại Hungary với nhiều tài đàn, hát, bóng đá...) mặc dù đến muộn do công việc, nhưng vẫn "xí phần" trước 3 chiếc để cháu Niki, hiện là dược sĩ hành nghề ở Vương quốc Anh đang về thăm bố mẹ, cũng có thể "dự phần".
Do đã có một bộ khuôn với nhiều kích cỡ nên việc gói ghém không còn quá khó, có chăng là khâu thắt lạt sao cho chặt đòi hỏi chút kinh nghiệm. Trả lời câu hỏi gói lần đầu đã khá đẹp như thế này thì có khó không, Niki cho hay không có gì khó. Và giờ đến lượt anh Đào Thế Quang có dịp thi tài với con gái trong lần gói thứ hai (lần một thời dịch bệnh, giờ anh đã quên hết cách thức).
Tái hiện không khí tết Việt ở nơi xa quê hương hơn 10.000 km
Bầu không khí Việt ngày tết như thế đã được tái hiện ở khoảng cách rất xa, hơn 10.000 km xa quê hương, trong tiết trời đã gần chớm vào xuân khá ấm áp. Trời đẹp nên bếp gas do anh Tạ Mạnh Dũng mang tới đã được triển khai tại ban công, và sau chừng 3 giờ, khoảng 40 chiếc bánh chưng vuông vức đã xếp trong 3 nồi. Dự tính sẽ cần 10 - 12 giờ để đảm bảo ngon, rền, chất lượng tốt và an toàn, cho dù ai cũng háo hức muốn nếm ngay sản phẩm của mình.
Khoảng thời gian chờ đợi luộc bánh chưng là lúc các gia đình hàn huyên rôm rả về đủ thứ chuyện trên trời, dưới biển bên bữa tối liên hoan với một số món ăn Việt. Được một hồi, nỗi nhớ quê hương đã được thể hiện qua những ca khúc quen biết với phần đệm guitar bập bùng với phương châm "nhạc gì cũng nhảy".
Mẻ bánh đầu tiên được "ra lò" sau gần 10 giờ luộc sình sịch, vào lúc 1 giờ 30, rất rền, ngon và ngậy, và chúng tôi sẽ còn phải chờ thêm vài giờ, thâu đêm, cho những mẻ sau.
Đang ở Budapest thăm người thân, bác sĩ Diễm Thủy đến từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khi nếm mẻ bánh đầu đã khen là không thua kém bất cứ loại bánh chưng "chuẩn" nào ở thủ đô Hà Nội.
Tất nhiên, cảm giác ngon khả năng một phần cũng do chúng ta có dịp thưởng thức hương vị quê hương ở khoảng cách hơn 10.000 km, do chính bàn tay mỗi người chuẩn bị, do đó có thể có chút thiên vị. Dẫu sao đi nữa, một nét đáng kể của văn hóa dân tộc đã đến như thế với người dân xa quê...
Từ khoảng 2 thập niên gần đây, thực phẩm và ẩm thực Việt không còn là của hiếm, mà ngược lại đã rất phổ biến tại vùng Đông - Trung Âu, mức độ phong phú không kém quá nhiều so với ở Việt Nam.
Bánh chưng đã có thể mua được khá thường xuyên từ nhiều nguồn, nhưng trong dịp tết, tận tay gói và luộc bánh vẫn là hoạt động mang chút hồn Việt nơi xa xứ; là cái tình, là sự kết nối của những người con xa xứ nhưng luôn mang trong lòng một mảnh quê hương, tinh khôi và đầy ký ức...
Nhân dịp Tết âm lịch, tôi đi mua đồ để chuẩn bị cho năm mới tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Trong những ngày giáp Tết, không khí mua sắm chuẩn bị cho năm mới Giáp Thìn trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đây là lần đầu tiên tôi có dịp được đi chợ tại Thượng Hải, Trung Quốc vào thời điểm đặc biệt này trong năm. Tôi rời phòng từ sáng, tranh thủ ngắm đường phố những ngày cuối năm.
Nơi tôi sống không quá đông đúc, đường phố được trang trí với màu đỏ của đèn lồng, nút thắt kiểu Trung Quốc (hay còn gọi là nút cát tường, nút thắt ngọc bội, tượng trưng cho may mắn), các cửa hàng dán những tấm hình chúc mừng năm mới hình rồng. Một tuần qua, Thượng Hải vừa mưa, vừa tuyết, lại có những ngày nắng, nhiệt độ chủ yếu dưới 10 độ, trời nhiều gió.
Các hàng cây khô trụi lá, người qua đường lác đác, phần lớn các cửa hàng đều đóng cửa. Trên đường, tôi bắt gặp một hàng dài người xếp hàng chờ mua một món đặc sản trong vùng.
Chủ nhà nơi tôi ở nói đùa rằng nên tích trữ trước Tết, vào ngày lễ khó mua lắm. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với các mặt hàng mua online - bởi đội ngũ shipper nghỉ khá sớm – còn các chợ và siêu thị vẫn mở xuyên Tết.
Trong một khu chợ bán đồ tươi sống, hoạt động buôn bán ngày 29 Tết rất tấp nập. Các mặt hàng vẫn được bày đầy đủ, từ cá, cua, ếch, gà, vịt cho tới rau củ quả. Đa số khách hàng tại đây là người lớn tuổi, thường là khách quen tại những quầy này.
Ít phút sau, tôi đã có mặt tại siêu thị gần nhà. Vào dịp Tết, rất nhiều mặt hàng có khuyến mãi và nhiều sản phẩm đã “cháy hàng”. Tôi bất ngờ khi món được vét sạch đầu tiên tại siêu thị này là các mặt hàng đậu, bao gồm đậu phụ, đậu non, đậu rán sẵn… với giá bán dao động từ 3-6 tệ (khoảng 10 – 20 nghìn đồng).
Ngoài ra, thịt lợn và thịt bò cũng được người dân mua nhiều. Thịt lợn ba chỉ có giá ưu đãi tương đương 140 nghìn đồng/hộp 1,5kg; các bộ phận khác từ 70 – 230 nghìn đồng/hộp 1,5kg. Thịt bò có nhiều loại, rẻ nhất bán ở mức 240 nghìn đồng/hộp 1kg.
Mức giá vào ngày Tết không chênh nhiều so với ngày thường, các mặt hàng liên tục được bổ sung sau các ca làm việc. Siêu thị đông người từ lúc mở cửa cho tới khi đóng, dù vậy các quầy bánh kẹo và đồ khô lại khá vắng khách.
Một trong những điều tôi thích nhất khi đi mua đồ tại đây là những chiếc máy thanh toán tự động mà không cần phải cần tới nhân viên. Để tính tiền, tôi chỉ cần tự mang giỏ hàng tới máy quét, đưa mã vạch của từng gói đồ lên cổng quét. Cuối cùng, tôi mở ứng dụng điện thoại và quét mã thanh toán để tự động trừ tiền. Như vậy, mọi người không cần phải xếp hàng lâu, tự kiểm tra hóa đơn dễ dàng và trực quan hơn. Siêu thị không cấp túi đựng, nếu cần thì tôi phải mua thêm túi có giá 1 tệ (khoảng 3.400 nghìn đồng), trong khi đó nhiều người mua ít sẽ tự cầm đồ về nhà.
Kết thúc buổi mua sắm, tôi trở về nhà với một giỏ đồ đầy ắp, sẵn sàng đón năm mới với những trải nghiệm khác biệt so với mọi năm.
Ngoài bánh chưng, quán của chị Phương còn phục vụ các món như xôi gấc, giò xào, giò lụa,... góp phần mang lại không khí Tết cổ truyền cho cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Người Hàn Quốc yêu thích bánh chưng, xôi gấc
Chị Vũ Thị Phương (quê ở Hải Phòng, hiện đang sống ở Siheung, tỉnh Gyeonggi-do, Hàn Quốc) đã định cư tại xứ sở kim chi được 11 năm. Chị Phương kết hôn với ông xã là người Hàn Quốc, sinh được 2 người con. Hiện tại, chị có cuộc sống ổn định ở quê chồng, là chủ của một cửa hàng bán các món ăn Việt Nam: Bún, phở, xôi khúc, bánh cuốn, bún ngan, bún cá, chè,...
Kể từ ngày mở quán cách đây 3 năm, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, chị Phương bán thêm các món ăn quen thuộc của người Việt Nam trong dịp Tết như: Bánh chưng, xôi gấc, giò xào, giò lụa, chả quế, nộm sứa,... Với mong muốn góp phần mang lại không khí Tết cổ truyền đến cộng đồng người Việt Nam đang học tập, lao động tại Hàn Quốc.
Năm nay, quán của chị Phương bắt đầu bán các món phục vụ Tết từ trước dịp Tết dương lịch để mọi người chuẩn bị mua sắm đón năm mới.
Bánh chưng là món đắt khách nhất trong dịp này, chủ yếu được bán cho khách hàng là người Việt Nam Tuy nhiên, khách hàng là người Hàn Quốc cũng mua bánh chưng rất nhiều, đặc biệt là người Hàn Quốc có vợ là người Việt Nam. Mọi người mua bánh chưng thưởng thức trong dịp Tết hoặc làm quà biếu. Ngoài ra, quán của chị Phương cũng đón tiếp cả những vị khách người Trung Quốc và một số quốc gia khác.
“Người Hàn Quốc rất thích món bánh chưng, xôi gấc vì họ thích ăn đồ nếp, dẻo giống như bánh gạo của Hàn Quốc vậy. Giò xào thì đa số là bán cho người Việt Nam thôi.
Nguyên liệu để làm những món Việt Nam thường sẽ được nhập từ Việt Nam qua, nhằm đảm bảo giữ được hương vị của món ăn.
Chẳng hạn để làm được món bánh chưng ngon, đặc biệt phải có lá dong, gạo nếp ngon, đậu xanh bở, thơm, thịt ba chỉ tươi cùng gia vị như hạt tiêu bắc, quả thơm,... của Việt Nam. Tùy từng món ăn khi chế biến, mình cũng cần có chút biến tấu, gia giảm khác nhau để phù hợp với khẩu vị của người Hàn Quốc, cũng như khách hàng là người Việt đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam đang sống ở Hàn Quốc”, chị Phương chia sẻ.
Năm nay, chị Phương dự định sẽ bán hàng đến ngày 30 Tết âm lịch để khách ở gần quán có thể mua bánh vào ngày 29,30, có bánh chưng nóng hổi đón tất niên.
Nhận đặt hàng giới hạn để đảm bảo chất lượng
Trung bình mỗi năm vào dịp Tết, chị Phương bán được khoảng 800 - 1000 chiếc bánh chưng. Để đảm bảo chất lượng bánh chưng luôn xanh, ngon, dền dẻo, chị Phương chỉ nhận đơn đặt hàng với số lượng vừa phải, thay vì nhận làm tràn lan, bánh có nguy cơ không được ngon, gạo sống hoặc làm không kịp, dễ mất khách vào những năm sau. Ngoài bánh chưng truyền thống, chị Phương còn nhận làm bánh theo yêu cầu như: Bánh chưng chay, bánh chưng đường,...
Xôi gấc cũng là món rất đắt hàng trong dịp này vì người Việt Nam có quan niệm đầu năm thưởng thức một miếng xôi gấc màu đỏ, lấy may cho cả năm.
Thời điểm bán hàng Tết, quán chị Phương bận rộn hơn rất nhiều so với bình thường. Bố mẹ ruột của chị đều ra quán để phụ giúp con gái một chân, một tay.
Mỗi chiếc bánh chưng nặng từ 1,4 - 1,6kg được chị Phương bán với giá là 15.000 won (khoảng 270 nghìn đồng); Xôi gấc 15.000 won/ đĩa to; Giò xào 1 đòn nặng hơn 1kg có giá 25.000 won (460 nghìn đồng).
Đã 3 năm kể từ ngày mở quán, chị Phương và bố mẹ không về Việt Nam ăn Tết. Giống như bao người con xa quê khác, chị và bố mẹ rất nhớ không khí Tết cổ truyền ở Việt Nam.
Ở Hàn Quốc, vào dịp Tết Nguyên đán, người dân cũng được nghỉ từ 3-5 ngày. Những ngày trước Tết, mọi người cùng nhau chuẩn bị các món ăn truyền thống Hàn Quốc và tổ chức gặp mặt nhau trong ngày đầu năm mới.
Vì đặc thù công việc là phục vụ khách hàng dịp Tết nên trong vài năm tới, chị Phương cùng gia đình sẽ cố gắng sắp xếp để về thăm quê vào thời điểm sau Tết, hy vọng vẫn cảm nhận được không khí ngày Tết, của mùa Xuân đặc trưng ở quê nhà.
Nhiều khán giả không khỏi tiếc nuối khi nhắc tới nữ nghệ sĩ tài danh, từng nổi tiếng với seri "Mưa bụi" nhưng lại giã từ làng giải trí Việt khi ở đỉnh vinh quang.
Chuỗi băng đĩa Mưa bụi từng đem tên tuổi nhiều nghệ sĩ lên đỉnh vinh quang, trong số đó không thể không kể tới nữ nghệ sĩ Tài Linh .
Tài Linh tên thật là Huỳnh Thị Phú Nhuận, sinh năm 1956 tại TP.HCM. Nữ nghệ sĩ sinh ra trong gia đình có nhiều thành viên theo nghiệp cải lương. Nhờ sự giới thiệu của chị gái Tài Lương, Tài Linh được tiền bối là Lan Chi, Thuý Lan và Duy Khanh dìu dắt, trở thành cô đào cải lương có tiếng một thời.
Nữ nghệ sĩ đặc biệt ăn ý và đẹp đôi khi diễn cùng cố nghệ sĩ Vũ Linh, cặp đôi đã tạo nên hình ảnh “uyên ương sân khấu” làm nức lòng khán giả thập niên 80.
Đến thập niên 90 khi seri băng đĩa Mưa bụi ra mắt công chúng và “làm mưa làm gió” trên thị trường âm nhạc, Tài Linh được nhạc sĩ Hữu Minh mời thu âm một số ca khúc.
Ban đầu, Tài Linh có chút băn khoăn vì khi ấy bà đã là nghệ sĩ cải lương có tiếng qua hàng loạt vở diễn: Thần nữ dâng ngũ linh kì, Tình nước duyên trăng, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Tam đả Châu Ngọc Long, Chiêu Quân cống hồ… Song, chất giọng ngọt ngào của Tài Linh nhanh chóng khiến những bản thu trên Mưa bụi trở thành “cơn sốt”.
Nhờ thành công của seri Mưa bụi , Tài Linh được khán giả biết tới rộng rãi hơn. Thập niên 90 chính là thời hoàng kim của Tài Linh, bà được công chúng gọi bằng danh xưng: "Nữ hoàng video", "Nữ hoàng băng đĩa Mưa bụi"...
Nổi tiếng là thế nhưng nữ nghệ sĩ không vướng phải bất cứ ồn ào không đáng có nào. Điều này càng khiến công chúng yêu mến, nể phục Tài Linh hơn nữa.
Nữ nghệ sĩ từng chia sẻ trên Thể thao Văn hóa: “Tôi rất rạch ròi giữa sân khấu và cuộc đời. Trên sân khấu mình có thể là ông hoàng bà chúa nhưng khi trở về nhà cũng chỉ là người bình thường.
Tôi là người đơn giản, không đòi hỏi gì cao, với tôi có nổi tiếng hay không cũng vậy thôi, chỉ cần sự bình yên cho gia đình là đủ”.
Với Tài Linh, gia đình vẫn là trên hết: “Khi không đi hát thì tôi vẫn là một người vợ, người mẹ, vẫn làm những công việc nội trợ chăm lo cho chồng con như bao phụ nữ khác. Tôi hài lòng với những gì mình có".
Đang ở đỉnh cao của danh vọng, đến năm 2003, Tài Linh quyết định từ bỏ làng giải trí, xa rời hào quang sân khấu đã gây dựng 2 thập kỷ để sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình.
Vốn là người kín tiếng, tránh xa thị phi, sau khi sang Mỹ Tài Linh càng ít cập nhật thông tin về bản thân. Người ta chỉ biết rằng ngôi sao Mưa bụi đình đám một thời từng có 3 năm mưu sinh bằng nghề làm móng tại Mỹ, sau đó bà tự mở tiệm riêng để kinh doanh.
Tài Linh cũng hiếm khi xuất hiện trong những buổi biểu diễn hay gặp gỡ anh chị em nghệ sĩ Việt Nam đang sinh sống ở Mỹ. Tuy nhiên, ngôi sao Mưa bụi này vẫn giữ liên lạc và quan tâm đặc biệt tới những anh chị em đồng nghiệp của mình. Bà đích thân tới viếng Anh Vũ, dự lễ cúng tuần của cố nghệ sĩ Ngọc Đáng và cũng gửi hoa chia buồn khi nghệ sĩ Vũ Linh qua đời.
Theo chia sẻ của các đồng nghiệp, cuộc sống của Tài Linh ở Mỹ khá hạnh phúc, viên mãn. Bà sống khỏe mạnh, viên mãn bên con cháu, tuy nhiên không tham gia biểu diễn.
Nguồn: Thanh Niên; CafeF; CafeBiz; Soha
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá