Người Việt hải ngoại: xoay xở vì thiếu nước sau động đất; Hương vị Việt lan tỏa giữa lòng Nagasaki

Nhiều người Việt ở Nhật Bản xoay xở vì thiếu nước sau động đất

(Ảnh minh họa).

Dù trận động đất đã qua gần 10 ngày nhưng cuộc sống của nhiều người Việt ở Nhật Bản vẫn bị ảnh hưởng vì nhiều nơi điện, nước vẫn chưa được cấp trở lại.

Tích góp từng chai nước nhỏ

Chị Thanh Hậu (23 tuổi, ở TP.Nanao, tỉnh Ishikawa) cho biết đến chiều 9.1, chỗ chị sống vẫn chưa có nước để dùng. Gần 10 ngày qua, mọi người phải sống trong cảnh "nhịn tắm" vì thiếu nước. Ngoài ra, chị phải ra siêu thị mua hoặc tích góp từng chai nước nhỏ do các nhóm cứu hộ phân phát để uống. Vệ sinh cá nhân cũng phải đơn giản, có người không tắm vì bị mất nước nhiều ngày liền.

Hiện giờ việc mua hàng ở siêu thị đã trở nên dễ dàng hơn những ngày đầu, hàng hóa đã nhiều hơn. Chị Hậu làm việc trong ngành khách sạn. Do ảnh hưởng của trận động đất nên hiện chị vẫn chưa đi làm trở lại, ở nhà chờ thông báo mới từ công ty. Dư chấn của trận động đất vẫn liên tiếp xảy ra, chưa ngày nào chị được sống trong cảnh yên tĩnh.

"Gần 10 ngày rồi tôi không được tắm, cảm giác rất khó chịu", chị chia sẻ. Mong muốn lớn nhất hiện tại của chị là được trở lại sinh hoạt bình thường. Chị có hỏi ban quản lý tòa nhà nơi chị sống nhưng họ cũng không biết bao giờ sẽ có nước trở lại. Những ngày này, chị chỉ mua thức ăn nhanh vì nếu nấu nướng sẽ không có nước để rửa.

"Tôi vẫn luôn sống trong cảm giác lo sợ, nghe tiếng chuông phải cầm điện thoại, giấy tờ ra ngoài như một phản xạ quen thuộc", chị bày tỏ.

Xách nước từ công ty về nhà

Anh Nguyễn Văn Dũng (26 tuổi, ở TP.NaNao, tỉnh Ishikawa) cho hay anh đã đến công ty làm việc nhưng tàu vẫn chưa hoạt động trở lại. Nhiều nhân viên có công ty gần nơi tâm chấn vẫn chưa đi làm bình thường.

Dù được đi làm nhưng anh Dũng cùng đồng nghiệp phải đối mặt với tình trạng cả công ty đều mất điện, nước do ảnh hưởng của trận động đất.

"Giờ công ty chuyển qua dùng máy khoan, tự cấp nước nên nhiều người mang can theo để lấy nước sau khi làm việc để phục vụ ăn uống, vệ sinh cho gia đình", anh Dũng cho biết.

Anh Dũng là kỹ sư vận hành máy sản xuất linh kiện ô tô vừa sang Nhật Bản cách đây 6 tháng. Vừa qua, lần đầu tiên anh có trải nghiệm kinh hoàng về động đất. Những ngày nay trời trở lạnh, tuyết dày hơn và vẫn còn xảy ra những cơn dư chấn nhẹ.

"Cảm giác lo lắng vẫn luôn xuất hiện trong suy nghĩ của tôi, mỗi đêm đều ngủ trong lo sợ. Mỗi lần dư chấn xảy ra, nhà rung lắc, không thể ngủ yên được. Do không có nước nên tôi hạn chế tắm rửa, chỉ lau sơ người dành nước nấu ăn hằng ngày", anh nói.

Sau khi động đất xảy ra 4 ngày, anh Nguyễn Đăng Khương cùng mọi người vào các siêu thị mua nước, di chuyển đến vùng gặp thiệt hại nặng nề để hỗ trợ đồng hương người Việt. Chỗ anh sống cách tâm chấn khoảng 100 km, hiện giờ anh đã đi làm trở lại. Vì vùng tâm chấn bị ảnh hưởng nặng nề đã có quân đội hỗ trợ nên những đoàn giúp đỡ không được tự ý vào bên trong.

"Đường vào các khu như TP.Nanao, TP.Wajima, TP.Suzu… rất khó khăn, đường toàn ô voi, ổ gà sau trận động đất. Mọi người ở đó vẫn đang sống trong cảnh không có nước, có nơi còn không có gas", anh nói.

Hương vị Việt lan tỏa giữa lòng Nagasaki

Tọa lạc trên trên tầng hai của một tòa nhà trong khu phố Hamamachi sầm uất, KiKi-MaiMai là một nhà hàng ẩm thực Việt được tạo nên từ tâm huyết của một người Việt Nam xa quê.

Hơn 17 năm sinh sống tại Nagasaki, chị Morita Hương có cho mình một tổ ấm bốn người hạnh phúc cùng chồng là một người Nhật và hai cô con gái. An cư lạc nghiệp tại Nhật và điều hành một doanh nghiệp riêng, nhưng tình yêu dành cho ẩm thực quê hương đã khiến chị quyết tâm mở cửa KiKi-MaiMai - nhà hàng Việt đầu tiên tại Nagasaki. Khởi đầu từ đây, hương vị của những món ăn Việt bắt đầu len lỏi, quyện hòa vào bầu không khí nhộn nhịp, đầy màu sắc của thành phố cảng xứ Phù Tang.

Tâm nguyện từ những ngày đầu đến Nhật

Vào năm 2003, khi 21 tuổi, chị Hương đặt chân đến đất nước mặt trời mọc để theo học hai năm ở trường tiếng, rồi trở thành cô sinh viên của Đại học Khoa học Tổng hợp Nagasaki. Ngay từ khi mới chập chững với cuộc sống tự lập ở xứ Phù Tang, có một ước mơ mà chị luôn luôn ấp ủ.

Theo lời kể của chị, bấy giờ ở Nhật hầu như chưa có mấy nhà hàng Việt, đặc biệt tại Nagasaki lại càng hiếm ai biết đến các món ăn của Việt Nam. “Ẩm thực Việt – Nhật có rất nhiều điểm tương đồng”, chị nói, “như người Nhật cũng ít ăn cay, không sử dụng nhiều dầu mỡ trong nấu nướng và cách chế biến cũng rất kỳ công”. Từ sự gần gũi đó cùng mong muốn lan tỏa nét đẹp ẩm thực Việt, chị đã nhen nhóm ý tưởng về một nhà hàng bán những món ăn quê hương.

Vậy nhưng việc mở và điều hành một nhà hàng không bao giờ là dễ dàng, lại càng thử thách hơn với một cô gái trẻ nơi đất khách. Ấp ủ là thế, nhưng phải đến sau khi lập gia đình và có đủ sự chuẩn bị về tài chính, chị Hương mới có thể chính thức bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình.

Chị kể lại, “Đó là vào năm 2017, sau khi chị sinh bé thứ 2 khoảng nửa năm… Lúc ấy chị quyết định rút toàn bộ số tiền tiết kiệm ra để đầu tư vào quán. Vì chị nghĩ, kể cả nếu quán mở ra mà không thuận lợi thì cũng không thâm hụt vào kinh tế gia đình. Tiết kiệm được số tiền khoảng hai tỷ rưỡi là chị đầu tư hết, không phải vay ngân hàng”.

“Vào thời điểm đó, du học sinh Việt sang Nagasaki cũng khá đông nên chị muốn có một chỗ để giao lưu cho các bạn, đặc biệt là vào dịp Tết, mọi người có một nơi để quây quần. Vả lại có nhiều người Nhật cũng hỏi chị về món ăn Việt, nên đó cũng như là nơi để giao lưu văn hóa Việt – Nhật vậy”, chị nói thêm.

Nhà hàng được đặt tên là “KiKi-MaiMai”, chữ “KiKi” lấy từ tên cô bé Saki năm nay 7 tuổi, và “MaiMai” từ tên của cô chị gái Mai, 11 tuổi. Hai bé là kết quả của cuộc hôn nhân đẹp giữa chị và anh Morita; anh chị chính thức nên duyên vào năm 2010, sau cuộc gặp gỡ đầu tiên từ khi chị Hương còn là sinh viên.

Gìn giữ chất Việt trong từng món ăn

Chị Hương tự nhận rằng trước khi đặt chân đến Nhật, chị hoàn toàn không biết gì về nấu nướng. Tình thế tự lập xa quê đã giúp chị “khai phá” một khả năng đặc biệt của bản thân: tái tạo hương vị các món ăn chỉ sau một lần thử. Và điều đó cũng một phần giúp chị “chạm ngõ” với hành trình ẩm thực.

Thành lập KiKi-MaiMai, chị Hương chủ trương tập trung vào những món ăn truyền thống và quen thuộc, có mặt trên bàn ăn của các gia đình trên khắp đất Việt. Nhà hàng khởi đầu với menu khoảng trên dưới 10 món, gồm phở, bún bò Huế, bánh cuốn, bún cá, bún đậu mắm tôm, nem rán, bò kho…, tất cả đều do chị tự mày mò, học hỏi để tìm ra công thức. Dần dà khi đã có đầu bếp chính, chị cùng đầu bếp tiếp tục nghiên cứu để mở rộng thực đơn. Giờ đây thậm chí thực khách còn có thể thưởng thức cả các món ốc Việt tại KiKi-MaiMai.

Việc biến đổi món ăn để phù hợp với khẩu vị người dân bản địa là điều thường thấy ở những nhà hàng ẩm thực nước ngoài. Nhưng tại KiKi-MaiMai, chị Hương chọn tái tạo trung thực nhất hương vị quê nhà, nên từ việc nêm nếm gia vị cho đến nguyên liệu sử dụng đều theo cách của người Việt. Chỉ riêng phần rau thơm, chị rút ra kinh nghiệm rằng sử dụng tiết chế sẽ giúp thực khách nước ngoài dễ đón nhận và yêu thích món ăn hơn.

Vào những ngày đầu mở quán, nhiều nguyên liệu và gia vị như mắm tôm không sẵn có, buộc chị phải xách tay từ Việt Nam sang. Một điều may mắn là hiện nay, khi cộng đồng người Việt sinh sống tại Nhật ngày càng đông đúc thì nguồn cung cũng dồi dào, mọi thứ đã dễ tiếp cận hơn rất nhiều. “Thậm chí còn có cả lá dong để gói bánh chưng nữa cơ”, chị vui vẻ cho hay.

Cầu nối lan tỏa ẩm thực Việt đến bạn bè quốc tế

Chị Hương cho biết, có tới 70% thực khách đến với KiKi-MaiMai là người Nhật. Khách từ Mỹ, châu Âu, Nepal, Thái hay Philippines... cũng rất đông. “Nagasaki thường xuyên có những tàu khách du lịch về, và nhiều người sẽ ghé thăm nhà hàng chị. Cả những anh chị Việt Kiều ở Canada, Úc, Pháp... sang Nhật du lịch cũng tìm đến đây khi tàu neo ở cảng một ngày”.

Và dĩ nhiên cũng không thể thiếu cộng đồng Việt đang sinh sống tại Nagasaki. Vốn không phải là thành phố tập trung đông đúc người Việt như Tokyo hay một số vùng khác ở Nhật, do đó phải đến khi mở KiKi-MaiMai, chị Hương mới có cơ hội gặp gỡ và kết nối với nhiều đồng hương. Điều khiến chị bất ngờ là “Có cả những anh chị đã sống ở Nagasaki mười, hai mươi năm mà trước đó chị chẳng hề biết”.

Khi hỏi chị về món ăn được thực khách nước ngoài yêu thích nhất, tôi nhận được một câu trả lời khá bất ngờ. Bởi không phải huyền thoại phở vang danh khắp năm châu, món bún bò từ xứ Huế mới là ngôi sao của nhà hàng. Theo chị, phở và nem rán là hai cái tên đại diện cho ẩm thực Việt với quốc tế, nên đây cũng là những món mà mọi người lần đầu đến KiKi-MaiMai thường gọi. Nhưng khách đến lần một rồi sẽ quay lại thêm lần hai, lần ba… và rốt cuộc thì hương vị đậm đà của bún bò lại nắm giữ nhiều trái tim yêu ẩm thực nhất.

Nhiều vị khách vì hợp khẩu vị mà bắt đầu tò mò, quan tâm về nơi khai sinh ra những món ăn này, họ đặt cho chị Hương những câu hỏi về ẩm thực, du lịch và chia sẻ ý định một lúc nào đó sẽ đến thăm Việt Nam. Những năm đồng hành cùng KiKi-MaiMai đã giúp chị cảm nhận rõ nét rằng, “Ẩm thực quả có khả năng kết nối bốn phương”. “Điều hạnh phúc nhất là chị có cơ hội giao lưu với mọi người và lan tỏa ẩm thực, văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế”, chị nói.

Căn bếp Việt ấm cúng của chị Hương từng vinh dự xuất hiện trong phim tài liệu Nagasaki Tôi Yêu. Và trong chương trình Hương Vị Việt Nam – Nagasaki vừa lên sóng VTV gần đây, nhà bếp KiKi-MaiMai cũng chính là nơi đầu bếp Nguyễn Bá Phước đã chế biến nên món ăn hữu nghị Việt – Nhật để dành tặng cho người dân khu phố Motoshikkui trong lễ hội Nagasaki Kunchi, diễn ra từ ngày 07-09/10/2023.

Trên thực tế, giữa Việt Nam và Nagasaki đã hình thành nên mối dây hữu nghị từ tận hơn 400 năm trước, được kết tinh ở cuộc hôn nhân giữa Công nữ Ngọc Hoa và chàng thương nhân Araki Sotaro. Đến tận ngày nay, đám rước nàng dâu Ngọc Hoa về Nagasaki trên chiếc thuyền Châu Ấn vẫn được người dân khu phố Motoshikkui tái hiện bảy năm một lần tại lễ hội mùa thu Nagasaki Kunchi.

Như mọi năm, gia đình chị Hương cũng đến tham dự lễ hội nổi tiếng này. Nhưng Nagasaki Kunchi 2023 lại càng đặc biệt hơn vì rơi vào năm lễ rước nàng Ngọc Hoa được tổ chức, vả lại còn có một tiết mục đặc biệt khác do các du học sinh cùng thực tập sinh Việt biểu diễn trong tà áo dài - điều khiến chị vừa tự hào lẫn xúc động.

Là chủ một nhà hàng Việt tại nơi có mối liên kết đặc biệt sâu sắc với Việt Nam, chị Hương càng tìm thấy nhiều ý nghĩa trong công việc mình đang làm. Cùng với vô số tình cảm yêu mến từ thực khách, đây là những động lực to lớn để KiKi-MaiMai tiếp tục phát triển như một không gian giao lưu, kết nối con người bất kể quốc tịch, dựa trên điểm chung đầu tiên chính là tình yêu dành cho ẩm thực Việt.

Nguồn: Thanh Niên; Kilala

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang