Người Việt hải ngoại: Giải cầu lông sinh viên tại ĐH Monash; Lan tỏa văn hóa ở Mỹ; Cảnh báo công dân tại Israel; Kết hôn giả ở nước ngoài

GIẢI CẦU LÔNG THƯỜNG NIÊN 2024 HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM TẠI ĐẠI HỌC MONASH

Hội Sinh viên quốc tế Việt Nam tại Đại học Monash (MVISC) tổ chức thành công giải cầu lông thường niên 2024, ghi lại nhiều kỷ niệm đẹp của cộng đồng du học sinh và cựu sinh viên.

Với sự tham gia của 32 sinh viên và cựu sinh viên đang học tập và làm việc tại tiểu bang Victoria, Australia, giải đấu thu hút sự chú ý và ủng hộ đặc biệt từ phía cộng đồng Đại học Monash. Từ các trận đấu sôi động đến những phút giây hồi hộp, mỗi trận đấu đều mang đến cảm xúc khó quên và kỷ niệm đáng trân trọng.

"Giải cầu lông năm nay là cơ hội tuyệt vời để kết nối cộng đồng người Việt thông qua niềm đam mê chung của chúng ta đối với cầu lông. Đây không chỉ là về việc thi đấu, mà còn là về việc tạo ra những kỷ niệm và kỷ niệm của sự hòa quyện chúng ta", chị Ngô Thị Yến Nhi, Chủ tịch Hội Sinh viên quốc tế Việt Nam tại Đại học Monash, chia sẻ.

Ngày 23/3 vừa qua, các trận đấu đối kháng đã diễn ra trong bầu không khí rộn ràng và tràn đầy nhiệt huyết. Các vận động viên trình diễn kỹ thuật và chiến thuật tinh tế, khiến mỗi trận đấu đều trở nên hấp dẫn và khó lường.

Với sự hỗ trợ đến từ nhà tài trợ Infiniti, giải đấu kết thúc thành công, tạo điều kiện tốt nhất cho các vận động viên thể hiện tài năng và tạo ra trải nghiệm khó quên.

Trong lễ trao giải, các đội thắng nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt từ khán giả, họ không chỉ là những người vượt qua thách thức về kỹ thuật và tinh thần, mà còn là những người mang lại niềm vui và cảm hứng cho tất cả.

Kết thúc giải đấu, tinh thần thể thao và lòng đam mê vẫn tiếp tục được duy trì trong cộng đồng người Việt tại tiểu bang Victoria nói riêng và Australia nói chung. Giải cầu lông thường niên 2024 đánh dấu bước tiến mới trong tạo ra cơ hội giao lưu, hợp tác giữa sinh viên và tôn vinh truyền thống thể thao.

Hội Sinh viên quốc tế Việt Nam tại Đại học Monash đón chờ sự tham gia tích cực trong các sự kiện thể thao sắp tới và cam kết tạo ra môi trường thể thao tích cực, môi trường học tập thú vị và luôn đồng hành cùng các du học sinh chuẩn bị hành trang học tập và làm việc tại Australia.

TRIỂN LÃM GIỚI THIỆU VĂN HÓA VIỆT NAM TẠI MỸ

Những vật phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam như mô hình trống đồng, Khuê văn các, trang phục áo dài trên chất liệu lụa truyền thống, gốm Chu đậu, đồ sơn mài, mây tre... đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ lựa chọn kỹ càng mang tới trưng bày tại triển lãm mang tên “Không gian Văn hoá Việt Nam”.

Triển lãm được tổ chức tại Thư viện Đại học George Mason (GMU), bang Virginia, và kéo dài từ cuối tháng 3 đến ngày 15/8.

“Không gian Văn hoá Việt Nam” được đặt tại Trung tâm nghiên cứu các bộ sưu tập đặc biệt của Thư viện GMU. Đây là sự hợp tác hết sức hiệu quả giữa Hội Phu nhân, Phu quân của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và Trường Kinh doanh Costello thuộc Đại học George Mason nhằm đưa giá trị văn hoá, đất nước và con người Việt Nam đến gần với sinh viên, thầy cô giáo, bạn bè Mỹ và quốc tế.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Mỹ, Chủ tịch Hội phu nhân, Phu quân - Phu nhân Đại sứ Trần Thị Bích Vân - cho biết đây là một trong chuỗi những hoạt động quảng bá Văn hóa Việt Nam mà Hội đã lên kế hoạch từ đầu năm. Trong thời gian tới, Hội Phu nhân, Phu quân sẽ cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ thực hiện nhiều chương trình mang “không gian Văn hóa Việt” đến các trường đại học tại Mỹ và những không gian cộng đồng có sức lan tỏa đến đông đảo bạn bè Mỹ và bạn bè quốc tế tại Mỹ.

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng kể từ khi Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ bày tỏ mong muốn thiết lập “Góc Việt Nam” ở Thư viện GMU trong buổi Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng tiếp Hiệu trưởng Trường Costello - ông Ajay Vinzé, ý tưởng ban đầu đã nhanh chóng được hiện thực hóa thành “Không gian Văn hoá Việt Nam”.

Ông Vinzé đánh giá rất cao ý nghĩa của Triển lãm. Trường Kinh doanh Costello chia sẻ: “Đây là bước khởi đầu cho sự hợp tác tuyệt vời giữa Việt Nam và Đại học George Mason. GMU đang tìm cách mở rộng các hình thức hợp tác với Việt Nam. Chắc chắn sẽ là trao đổi về học thuật và tương tác giữa các trường đại học. Chúng tôi cũng mong đợi những hoạt động trao đổi về hợp tác đào tạo và kết nối văn hóa với Việt Nam vì trường chúng tôi cũng có khá nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học nhiều ngành khác nhau. Triển lãm này chính là cách để thiết lập những mối quan hệ đó. Vì khi sinh viên Việt Nam đến đây, các em có cảm giác như mình có một ngôi nhà ở đây. Và đây cũng là một cách giáo dục sinh viên về các khía cạnh văn hóa, xã hội và lịch sử của Việt Nam”.

Lễ khai mạc Triển lãm Không gian Văn hoá Việt Nam đã được mở màn một cách sinh động với tiết mục múa Sen và trình diễn trang phục dân tộc Việt Nam do chính các phu nhân trong Hội Phu nhân, Phu quân của Đại sứ quán tự biên tự diễn. Hình ảnh tà áo dài thướt tha, áo bà ba đằm thắm, chiếc nón quai thao, áo tứ thân mớ ba, mớ bảy và bộ váy áo mũ của dân tộc H’Mông… đã thu hút các thầy cô và các bạn sinh viên của GMU bởi vẻ đẹp duyên dáng và sự rực rỡ của những sắc màu.

Tham quan khu trưng bày Không gian Văn hoá Việt Nam, các bạn bè quốc tế đều trầm trồ khen ngợi khi được trải nghiệm lịch sử văn hoá Việt Nam qua những bộ trang phục áo dài, qua hình ảnh những con rối bằng sứ, những lọ hoa gốm Chu Đậu, đồ sơn mài, mây tre, tranh dân gian Đông Hồ theo phong cách hiện đại của hoạ sĩ trẻ Xuân Lam, lụa De Silk với giá trị văn hoá Đông Tây kết hợp. Đặc biệt nhất là 3 mẫu vật làm bằng tăm tre của Công ty Boarc, gồm: Trống đồng, Khuê văn các và Bản đồ Việt Nam.

Ông Vinzé vui mừng thông báo trong tháng 6 tới, GMU sẽ cử phái đoàn sang tìm kiếm cơ hội hợp tác với một số trường đại học của Việt Nam. Quan hệ đối tác với các cơ sở giáo dục này sẽ được thành lập dưới nhiều hình thức khác nhau. GMU đang xem xét quan hệ đối tác thông qua các hoạt động trao đổi sinh viên, tìm cách thay đổi hình thức hợp tác giáo dục, có thể là thực hiện một phần hoạt động giáo dục ở Việt Nam và một phần ở Mỹ. Nhiều trường cũng đề nghị tham gia Quỹ Nghiên cứu của GMU. Ông hy vọng các giảng viên của GMU sẽ đến Việt Nam và các giảng viên của Việt Nam sẽ tới thăm mô hình của GMU. Trường Kinh doanh Costello mong muốn mọi khía cạnh của GMU đều đóng góp cho quan hệ hợp tác với Việt Nam, bởi đây thực sự không phải là mối quan hệ một chiều mà là mối quan hệ nhiều chiều.

Trong khi đó, bà Cindy Shao - Chủ tịch Phòng Thương mại Người Mỹ gốc Á, người rất tích cực thúc đẩy triển khai dự án Triển lãm Không gian Văn hóa Việt Nam tại GMU - cảm ơn Đại sứ quán Việt Nam đã tạo điều kiện để cá nhân bà hiểu biết nhiều hơn về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Bà rất ấn tượng về trang phục áo dài, về chất liệu lụa truyền thống Việt Nam và cuốn sách về trang phục cổ của các triều đại Lê, Lý được trưng bày tại Triển lãm. Bà cũng đang lên kế hoạch đến thăm Việt Nam trong năm nay để trực tiếp khám phá và trải nghiệm những điều hấp dẫn của văn hóa và con người Việt Nam - những gì mà vị Chủ tịch Phòng Thương mại Người Mỹ gốc Á mới chỉ được nhìn thấy tại Washington, D.C.

KHUYẾN CÁO CÔNG DÂN TẠI ISRAEL CẢNH GIÁC TRƯỚC XUNG ĐỘT LEO THANG

ĐSQ Việt Nam tại Israel khuyến cáo cộng đồng người Việt tại đây chủ động thực hiện các biện pháp an toàn trong bối cảnh nhiều nước bày tỏ lo ngại về nguy cơ tấn công lẫn nhau giữa Iran và Israel.

Trong bối cảnh tình hình an ninh thêm căng thẳng sau khi xuất hiện nhân tố leo thang mới giữa Israel và Iran, ngày 12/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã ra thông báo khuyến cáo cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây chủ động thực hiện các biện pháp an ninh, an toàn.

Thông báo nêu rõ sau khi khu phức hợp tòa nhà Đại sứ quán Iran tại Syria bị tấn công ngày 1/4, các phương tiện truyền thông quốc tế và chính phủ nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ tấn công trực tiếp lẫn nhau giữa Iran và Israel.

Cổng thông tin khẩn cấp quốc gia Israel cũng đã có hướng dẫn đảm bảo an toàn gửi tới người dân trong thời gian từ 18h ngày 11/4 đến 18h ngày 14/4.

Trước tình hình trên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel khuyến cáo cộng đồng thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình trên các phương tiện truyền thông uy tín của sở tại và các ứng dụng đảm bảo an toàn, an ninh có liên quan; chủ động tiến hành các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết, tuân thủ nghiêm các quy định, hướng dẫn của chính quyền sở tại, hạn chế đến các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên giữ liên hệ với Đại sứ quán.

Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã cung cấp các đầu mối trực tiếp và các đường dây nóng bảo hộ công dân tại địa bàn để cộng đồng liên hệ trong trường hợp khẩn cấp, cần sự hỗ trợ hay cần biết thông tin về các phương án bảo hộ công dân.

Đồng thời, Đại sứ quán cũng cung cấp các trang web của chính quyền sở tại như Cổng Thông tin Khẩn cấp Quốc gia và Mặt trận Nội địa để người dân có thêm các hướng dẫn khi cần.

Trước đó, nhiều quốc gia đã khuyến cáo công dân tránh đi lại tới Israel và Iran trong bối cảnh có nhiều thông tin cảnh báo về nguy cơ xung đột lan rộng nếu Iran trả đũa vụ tấn công vào tòa nhà thuộc Đại sứ quán nước này ở Syria.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng của Israel tăng cường các hoạt động phòng thủ, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống bị tấn công từ bên ngoài./.

NGƯỜI VIỆT BỊ “BÊU TÊN” Ở NHIỀU NƯỚC VÌ KẾT HÔN GIẢ

Từ giữa cuối năm 2023 đến nay, nhiều nước liên tục triệt phá các đường dây làm kết hôn giả để giúp người nhập cư sớm có được chiếc thẻ định cư.

Những năm gần đây, hiện tượng kết hôn giả hoặc tìm kiếm cha mẹ giả để kiếm chiếc thẻ định cư tại nước ngoài bỗng nở rộ. Không ít người, trong đó có người Việt, đã lao vào con đường bất hợp pháp này với mong ước được đi nước ngoài đổi đời.

Người Việt bị nêu tên ở Hàn Quốc, Mỹ

Cuối tháng 3 vừa qua, Cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố dữ liệu của Trang thống kê quốc gia Hàn Quốc (KOSIS) cho thấy nam giới mang quốc tịch Việt Nam là đối tượng được phụ nữ có quốc tịch Hàn Quốc tái hôn nhiều nhất.

Theo phân tích của KOSIS, tổng cộng có 586 người đàn ông Việt Nam tái hôn với phụ nữ mang quốc tịch Hàn Quốc trong năm 2022. Xếp ở các vị trí sau Việt Nam lần lượt là Trung Quốc với 446 người, Mỹ với 141 người, Philippines với 46 người và Nhật Bản với 33 người.

Song dở khóc dở cười là 480 người trong số 586 người phụ nữ Hàn Quốc tái hôn với đàn ông Việt Nam là người Việt nhập tịch.

Các nhà điều tra Hàn Quốc tiết lộ những người phụ nữ mang quốc tịch Hàn Quốc này thực chất chính là những cô dâu Việt. Họ chấp nhận kết hôn với đàn ông Hàn Quốc để có thể tìm đường đến xứ sở Kim Chi.

Sau khi đã đến được Hàn Quốc và có quốc tịch, họ lập tức ly hôn và tái hôn với người yêu hoặc đàn ông Việt Nam khác. Rồi sau khi những người đàn ông này lấy phụ nữ quốc tịch Hàn, họ được nhập tịch Hàn Quốc.

Hiện tượng kết hôn để đổi lấy quốc tịch cũng nở rộ ở các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ hay Úc. Cuối năm 2022, Ashley Yen Nguyen (58 tuổi) thừa nhận mọi tội trạng trước các cáo buộc về hành vi tổ chức kết hôn giả, lừa đảo qua thư, hỗ trợ nhập cư trái phép, rửa tiền và khai gian trong tờ khai thuế.

Theo phán quyết của tòa án địa phương, bà Ashley lãnh bản án từ 10 năm cùng với 3 năm chịu quản thúc và trả 334.605 USD tiền phạt. Đài CBS News nhận định đây là một trong những đường dây tổ chức kết hôn giả lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ngoài lộng hành ở khu vực tây nam thành phố Houston, thuộc tiểu bang Texas, người phụ nữ này còn có cộng sự ở khắp Texas và Việt Nam.

Đường dây "kinh doanh hôn nhân" của bà Ashley thực hiện hơn 500 cuộc hôn nhân giả và thu về số tiền hơn 15 triệu USD từ hoạt động bất chính này.

Được biết mỗi cô gái, chàng trai người Việt Nam sẽ phải chi trả từ 50.000 đến 70.000 USD để kiếm vợ hoặc chồng là người Mỹ. Bản thân bà Ashley cũng là một người phụ nữ nhập cư vào nước Mỹ bằng con đường kết hôn giả.

Các nước mạnh tay chống hôn nhân giả

Để giải quyết tình trạng kết hôn giả nhằm lấy quốc tịch, chính phủ nhiều nước đã đưa ra nhiều hình phạt nghiêm khắc từ phạt tiền, quản thúc cho đến phạt tù.

Báo New York Times đưa tin cuối năm 2023 Bộ Tư pháp Mỹ ghi nhận vụ án ông Marcialito Biol Benitez (49 tuổi), quốc tịch Philippines hiện cư trú tại thành phố Los Angeles (Mỹ), đã làm giả hồ sơ kết hôn cho ít nhất 600 khách hàng từ tháng 10-2016 đến tháng 3-2022.

Theo luật pháp Mỹ, nếu một người đã là công dân Mỹ bị kết án tham gia kết hôn giả có thể lãnh án tù 5 năm và nộp phạt. Trong khi đó, trường hợp người này là người nhập cư thì sẽ bị chính quyền địa phương thu hồi thị thực và trục xuất.

Cũng vào cuối năm 2023, báo South China Morning Post đưa tin giới chức Hong Kong đã bắt giữ một người đàn ông 29 tuổi về hành vi cầm đầu đường dây tổ chức kết hôn giả. Người này đã thực hiện hơn 40 cuộc hôn nhân giả và thu về 5 triệu đô la Hong Kong (hơn 638.000 USD).

Theo quy định của Hong Kong, hành vi cung cấp thông tin sai lệch cho nhân viên tại cơ quan quản lý người nhập cư có thể lãnh án phạt tù tối đa 14 năm hoặc nộp phạt 150.000 đô la Hong Kong (hơn 19.000 USD). Dữ liệu của chính quyền Hong Kong cho biết khu vực này ghi nhận 420 vụ kết hôn giả từ năm 2022 đến 2023.

Tương tự, những người hành nghề "buôn hôn nhân" tại Úc sẽ phải lãnh án phạt tù tối đa 10 năm.

Trong khi đó, ở Singapore, những người tham gia kết hôn giả để đổi lấy tấm thẻ quốc tịch tại đảo quốc sư tử sẽ phải đối mặt với án phạt từ 6 tháng đến 1 năm tù giam hoặc nộp phạt 10.000 đô la Singapore (hơn 7.300 USD), thậm chí là chịu cả hai hình phạt nếu nghiêm trọng.

Thế nhưng dù chính phủ các nước và vùng lãnh thổ đã có những hình phạt thích đáng nhưng họ vẫn chưa thể dẹp được vấn nạn kết hôn giả.

Nguồn: Báo Quốc Tế; ATV; VTV4; Tuổi Trẻ

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang