Người Việt hải ngoại: Vượt 100km giúp đồng bào; 'Khát' nước sạch ở Nhật; Phụ nữ thành đạt ở Hungary; Chàng trai Mỹ tìm bố

Người Việt vượt 100 km giúp đồng bào giữa tâm chấn động đất Nhật

(Ảnh minh họa).

Bất chấp hiểm nguy, nhóm của Thành Được mang theo đồ tiếp tế vượt 100 km tới hỗ trợ 7 cô gái Việt giữa vùng tâm chấn động đất ở Nhật.

6 ngày sau trận động đất 7,6 độ tàn phá tỉnh Ishikawa, miền tây Nhật Bản, Nguyễn Chí Thành Được dẫn đầu nhóm 5 người vượt hành trình 100 km tới Wajima, thị trấn có 7 nữ thực tập sinh Việt Nam mất liên lạc.

Tỉnh Ishikawa có hơn 5.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc, trong đó có khoảng 600 người ở bán đảo Noto, nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thảm họa.

Người thân của các cô gái ở Việt Nam đã đăng tin tìm kiếm liên tục trên mạng xã hội, nhưng chưa thể biết điều gì đang xảy ra với con em mình. 7 người đều là những thực tập sinh ngành may mới sang Nhật và chưa kịp đăng ký sim điện thoại để liên lạc.

Nhận định các cô gái vẫn kẹt trong thị trấn Wajima, nhóm của Được xuất phát từ Komatsu lúc 5h sáng. Wajima được xác định vẫn là khu vực nguy hiểm và khó tiếp cận, bởi hàng loạt rung chấn vẫn xuất hiện sau trận động đất.

"Trên đường đi không có sóng điện thoại, càng tới gần tâm chấn càng nguy hiểm, bởi đường sá hỏng hóc, sụt lún. Rất nhiều xe bị tai nạn rải rác bên đường, không thể gọi cứu hộ", Minh Hải, 23 tuổi, thành viên nhóm, nói với VnExpress.

Mỗi khi có sóng điện thoại, nhóm lại gọi tới từng trung tâm tập kết lánh nạn tại Wajima để hỏi về tung tích của 7 cô gái Việt Nam. Đến khi được quản lý một nhà cộng đồng xác nhận có 7 lao động Việt tạm lánh ở đây, nhóm mới thở phào và tiếp tục hành trình tới Wajima.

Nhóm có những lúc lạc vào đường cấm, phải quay đầu, hoặc qua những đoạn sạt lở phải tuân theo chỉ dẫn của quân đội Nhật. Họ cuối cùng tới được thị trấn Wajima vào lúc chập tối, sau hành trình 12 tiếng liên tục.

Khi nhóm đến khu nhà cộng đồng ở Wajima, các cô gái vỡ òa, bởi đó là lần đầu họ được nghe tiếng Việt thân thương sau trải nghiệm kinh hoàng. Đây cũng là nhóm đồng bào đầu tiên mang được nước và lương thực tới hỗ trợ họ.

"Các cô gái òa khóc, chúng tôi cũng nghẹn ngào, không giấu được nỗi xúc động", Hải kể. Các cô gái sau đó xin nhóm phát Internet, báo tin bình an về quê nhà. Khi động đất xảy ra, họ chỉ kịp nhắn vội với gia đình: "Con phải đi trốn".

Các cô kể rằng sau khi động đất xảy ra, họ chạy đến nhà cộng đồng của thị trấn và lánh nạn ở đó trong hai ngày đầu tiên mà không có thức ăn, nước uống. Một số phải về căn nhà đã sập để tìm đồ ăn, cũng như lấy chăn gối để chống lại giá rét. Chính quyền địa phương bắt đầu hỗ trợ bánh mì và thức uống cho người lánh nạn từ ngày thứ ba.

Kể từ khi động đất xảy ra, hàng chục hội nhóm người Việt cùng các công ty, nghiệp đoàn trên khắp nước Nhật đã quyên góp nước sạch, thực phẩm, nhu yếu phẩm để đưa tới tay kiều bào ở vùng tâm chấn.

Nhưng hành trình tới nơi bị động đất tàn phá rất nguy hiểm, các vùng thiệt hại nặng gần như bị cô lập và mất liên lạc, các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao. Các nhà hảo tâm người Việt đã tập kết nhu yếu phẩm tại vùng Nanao, sau đó chia ra hàng chục mũi tìm đường tới vùng tâm chấn.

Nhóm của Được, Hải là một trong những nhóm tiên phong thực hiện hành trình đầu tiên tới những khu vực nơi có đồng bào gặp khó khăn nhất. Chuyến đi hỗ trợ 7 cô gái ở Wajima là hành trình thứ hai và anh Được đang chuẩn bị thực hiện chuyến thứ ba.

Sư thầy Thích Đức Trí, trụ trì chùa Hòa Lạc ở Kobe, đã dẫn đầu đoàn hảo tâm đến Nanao ngày 6/1 để chuyển giao nhu yếu phẩm cho các tình nguyện viên. Ông cho biết nước sạch là vấn đề cấp bách nhất hiện nay, do các đường ống cấp nước ở vùng động đất đều đã bị hư hại.

"Điện bắt đầu được khôi phục, song gần như toàn bộ các thành phố ở bán đảo Noto đã bị mất nước. Nhiều người không dám tắm rửa, vệ sinh để tiết kiệm", sư thầy Đức Trí nói. "Chúng tôi gửi nước đóng chai, miếng dán giữ nhiệt cùng bánh chưng, giò cho các bạn tình nguyện viên đầu mối để chuyển tới nơi khó khăn nhất".

Phạm Luân, tu nghiệp sinh 24 tuổi, những ngày qua cùng 16 Việt kiều sử dụng 5 ôtô gầm cao tiến vào vùng tâm chấn, tạo thành một mũi hỗ trợ đồng bào. Luân cho hay các mũi đã đón được gần hết kiều bào về vùng đệm an toàn.

Một ngày trước, nhóm của Luân đã phải đi vòng qua đường đèo để tiếp tế cho nhóm 11 Việt kiều gặp khó khăn tại vùng tâm chấn ở Noto, do tuyến đường chính sạt lở quá nhiều. Một số mũi khác trước đó cố gắng tiếp cận Noto, song phải quay đầu vì không tìm được đường vào.

"Chúng tôi đọc được những lời cầu cứu trên mạng xã hội, báo cho nhau và dần dần hình thành nhóm tập kết nhu yếu phẩm rồi chia nhau hướng về nơi đồng bào gặp nạn", Luân nói.

Giới chức Nhật Bản hôm nay cho biết 161 người thiệt mạng, 323 người mất tích trong trận động đất, sóng thần tại Ishikawa chiều 1/1, đánh dấu thảm họa động đất chết chóc nhất nước này trong 8 năm qua.

Hơn một tuần sau thảm họa, cuộc sống ở Ishikawa đang dần khôi phục, các siêu thị, cửa hàng bắt đầu hoạt động lại, dù nhiều nơi vẫn còn đổ nát.

"Người Việt cũng rất linh hoạt, sau 1-2 ngày đầu tiên, họ tỏa ra về nhà người quen trong công ty, nghiệp đoàn, hoặc bạn bè ở nhờ", sư thầy Đức Trí nói, cho hay đang sắp xếp để đón 60 người Việt ở Nanao tá túc tại chùa, bởi một số công ty sử dụng lao động đã bị hư hại và không biết sẽ dừng sản xuất đến bao giờ.

Người Việt nhịn tắm, thèm cốc nước sạch và giấc ngủ trọn vẹn sau động đất

Ngọc Tài nói "chỉ thèm một cốc nước sạch", Kpa H Muội ước có cơn mưa để hứng nước dùng sinh hoạt, còn Mai Linh mong một giấc ngủ không thấp thỏm và ám ảnh tiếng chuông cảnh báo động đất.

Thèm một cốc nước sạch

Một tuần sau trận động đất mạnh 7,6 độ làm rung chuyển miền Trung Nhật Bản, Nguyễn Ngọc Tài (23 tuổi) chưa dám trở về nhà ở tâm chấn thành phố Wajima (tỉnh Ishikawa). Hai đường cao tốc dẫn vào thành phố đều bị hư hỏng nghiêm trọng đã biến Wajima trở thành "ốc đảo cô lập".

"Tôi vẫn không tin mình còn sống qua thảm họa này", chàng trai Việt nói.

Khoảng 16h ngày 1/1, dư chấn nhỏ đầu tiên báo hiệu động đất. Cảnh báo vang lên từ điện thoại, Tài chỉ nghĩ như bao trận động đất bình thường khác ở Nhật Bản. Vừa bước ra ngoài, anh cảm nhận rung lắc mạnh, nhà cửa và đường sá xung quanh bắt đầu đổ sập, nứt toác trước mắt.

Tài được giám đốc công ty đón lên chỗ di tản quân sự phía sau nhà, chỉ kịp mang theo điện thoại và bộ quần áo. Anh được phát một chiếc chăn để giữ ấm, những người đến sau phải chịu lạnh do số người di tản đã quá tải.

Khi dư chấn mạnh tạm dứt, Tài liều mạng chạy về nhà lấy bánh mì và giấy tờ. Căn nhà trơ khung, tường thạch cao đổ nát, mái bị tốc hết. Cách đó 200-300m vừa xảy ra một trận hỏa hoạn thiêu rụi mấy căn nhà, sóng thần tràn qua cảng biển Wajima.

Ngày đầu tiên tại chỗ lánh nạn, anh ăn bánh mì và uống nước cầm cự. Hết nước sạch, anh hứng nước mưa, nước rừng.

Hôm sau, Tài đến nhà 5 anh em người Việt bị mắc kẹt tại tâm chấn, nhưng cũng không có nước sạch. Họ đốt củi sưởi ấm, ngủ trên ô tô.

Sang ngày thứ 3, anh lang thang khắp thành phố Wajima tìm đồ ăn. Tại một vài siêu thị, nhân viên phát bánh mì, anh xếp hàng đợi 4 tiếng trong tiết trời 2 độ C.

"Mấy ngày nhịn tắm, nhịn đi vệ sinh, tôi chỉ thèm một cốc nước sạch", Tài nhớ lại.

Chàng trai liên lạc với các nhóm cứu trợ của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, nhưng được thông báo không thể tiếp cận khu vực sâu trong thành phố Wajima do quân đội chặn đường triển khai cứu hộ.

Wajima và thành phố lân cận Suzu chịu ảnh hưởng nặng nề của trận động đất. Nỗ lực cứu trợ gặp khó khăn do đường sá hư hại và liên lạc gián đoạn.

Theo Reuters, 3.000 suất ăn và 5.000 chai nước được chuyển đến Wajima ngày 3/1 chưa đủ cho 11.000 người dân đang cần hỗ trợ ở thành phố.

"Đường sá hư hại không chỉ cản trở hàng cứu trợ, mà còn ảnh hưởng nỗ lực khôi phục điện, nước, dịch vụ viễn thông và các hạ tầng thiết yếu khác", Thị trưởng Shigeru Sakaguchi nói.

Đến ngày thứ 4, Tài sơ tán sang thành phố Kanazawa cùng những người khác trong công ty. Đoạn đường từ Wajima đến Kanazawa bình thường chỉ mất 45 phút hoặc 1 tiếng, hôm đó kéo dài gấp 10 lần.

Tại chỗ lánh nạn mới, anh được tắm và uống nước sạch, dần ổn định tinh thần, song nói "mờ mịt về tương lai", không biết khi nào mới có thể quay về nhà.

"Tôi chỉ mong không còn động đất nữa, sớm quay lại cuộc sống hàng ngày", anh nói.

Tỉnh Ishikawa có hơn 5.000 người Việt sinh sống, trong đó khoảng 600 người (chủ yếu là thực tập sinh) đang làm việc tại các công ty/nhà máy khu vực bán đảo Noto. Báo cáo của chính quyền tỉnh Ishikawa cho biết hiện chưa có thiệt hại về người trong cộng đồng người Việt Nam tại đây.

Cũng sống tại tỉnh Ishikawa, Kpa H Muội chỉ ước có cơn mưa để hứng nước dùng sinh hoạt. Sau động đất, cô gái người Ê Đê được công ty đưa đi lánh nạn trên vùng cao phòng trường hợp sóng thần. Đến chiều 5/1, cô trở về nhà sắp xếp lại đồ đạc.

Cuộc sống sau thảm họa trở nên khó khăn khi thiếu nước sinh hoạt và gas. Cô cùng những người bạn phải nhịn tắm, mấy hôm trước hứng nước mưa lau người, dự trữ nước trong xô, chậu nhựa; sử dụng nước sạch còn sót lại tiết kiệm nhất có thể.

Cạn kiệt nguồn nước, cả nhóm ra ruộng đong nước về dọn vệ sinh. Mương nước sâu, thỉnh thoảng rung lắc, họ không dám tiến gần. Khi mót sạch nước tại các đồng ruộng quanh nhà, mỗi ngày họ lại bàn nhau kiếm nước ở đâu để dùng.

Nhận được đồ cứu trợ từ cộng đồng người Việt hôm 4/1, Muội phân chia, tính toán dùng nước tiết kiệm trong 2-3 ngày, chờ siêu thị mở cửa trở lại.

"Siêu thị cho phép mua đồ ăn thoải mái, nhưng hạn chế mua nước, xếp hàng chờ đến lượt. Chúng tôi phải chịu khó đi sớm vì sợ không còn nước", cô kể.

Mong một giấc ngủ không thấp thỏm tiếng chuông động đất

Bạch Thị Mai Linh, 25 tuổi, sống cùng 5 thực tập sinh người Việt tại một trang trại chăn nuôi gà trong vùng núi sâu ở Wajima, cách biệt hẳn với khu dân cư.

Kết thúc ca làm chiều 1/1, họ chuẩn bị dọn mâm cơm tất niên. Linh gội đầu trong nhà tắm, không nghe thấy tiếng điện thoại phát cảnh báo khẩn cấp.

Các cô gái chưa kịp ăn uống thì phát hiện nhà và tủ lạnh rung lắc mạnh, vội hô hào nhau tháo chạy. Linh chưa kịp gội sạch, giữ nguyên đầu còn đầy bọt xà phòng chạy ra ngoài, "vẫn không nghĩ mọi chuyện sau đó vô cùng khủng khiếp".

6 nữ thực tập sinh mỗi người chạy một hướng, không kịp nhìn nhau. Linh cảm giác "trời đất quay cuồng, cột điện nghiêng ngả". Cô chạy trên mặt đất nhưng người nảy lên như "nhảy trên đệm", đứng không vững.

"Người thì ngã ra đất, không đứng dậy được, chúng tôi chạy mà đất ở dưới chân nứt toác ra. Lúc đấy tôi nghĩ là không sống được rồi", cô nhớ lại.

Linh kéo theo người chị bò ra bãi đất trống, tránh cột điện, rồi ôm nhau khóc. Lúc sau, dư chấn tạm dứt, họ quay lại nhà tìm giấy tờ quan trọng và điện thoại, rồi chui xuống gầm giường trú ẩn trong sợ hãi.

Đêm đó, cứ một - hai phút lại có một đợt rung chấn, nhà cửa nứt toác chỉ sợ đổ sập đè lên người.

"Chỗ tôi ở sâu trong rừng nên không có sóng. Nếu mất điện là không có cách nào để liên lạc với bên ngoài", cô gái kể.

Rạng sáng, các cô gái tìm cách thoát khỏi vùng nguy hiểm. Lở núi, đá lấp đường, cây cối đổ chắn, họ phải trèo lên đống đổ nát để chạy ra ngoài. Nghe tiếng trực thăng trên đầu, họ kêu cứu trong bất lực vì khoảng cách xa.

Đến 10h ngày 2/1, một người quản lý đã phá đường, tìm cách tiếp cận nhóm thực tập sinh. Bước ra khỏi đống hoang tàn và đổ nát, Linh chỉ biết hét lên: "Mẹ ơi con sống rồi".

Cảm giác vỡ òa biết mình vẫn còn sống, còn được liên lạc với người thân, Linh nói giờ phút đứng giữa sự sống và cái chết, "ngoài gia đình thì với tôi mọi thứ đều không còn quan trọng nữa".

Nhóm 6 người được đưa đến chỗ sơ tán để tắm rửa và nghỉ ngơi. Những ngày đầu, họ ăn mì tôm do công ty hỗ trợ, sau tìm đến các siêu thị mua nhu yếu phẩm.

"Dù đã thoát nạn, tôi vẫn cảm thấy lo lắng vì trận động đất được dự báo trong tuần tới, chỗ sơ tán gần biển gây lo ngại về sóng thần", Linh cho hay.

Qua Nhật hơn một năm, dự định gắn bó lâu dài, dẫu biết đất nước này thường xảy ra động đất và sóng thần, Linh chưa bao giờ nghĩ thảm họa ập đến với bản thân theo cách kinh khủng như thế.

Trang trại gà đã bị phá hủy hoàn toàn khiến tương lai của cô trở nên mù mịt. Hoàn cảnh sống và làm việc cách biệt trong rừng, không sóng điện thoại cũng khiến cô gái trăn trở.

"Những ngày đầu chúng tôi cần nước uống, cần cơm trắng thay cho những cốc mì. Còn hiện tại, chúng tôi chỉ mong một giấc ngủ không thấp thỏm, ám ảnh tiếng chuông cảnh báo, được đi làm trở lại để sớm ổn định cuộc sống", cô gái Việt nói.

Chuyến du lịch đầu năm đến thành phố Nanao (tỉnh Ishikawa) của Trần Thị Thúy Loan (23 tuổi) bỗng biến thành thảm họa, "từ mùng một sang mùng hai chỉ còn là một đống hoang tàn".

Sống tại thành phố Nonoichi (tỉnh Ishikawa), Loan hẹn đến nhà bạn chơi ngày đầu năm mới. Trận động đất khiến cô gái không kịp trở tay, bám trụ nhà bạn ở vùng núi tách biệt của Nanao.

Thiếu nước sinh hoạt, cả nhóm chỉ còn cách đẩy xe đi hứng nước tại con sông cách nhà 2km. Để nấu cơm, họ đun tuyết, rồi chắt nước sạch sử dụng.

Loan nói ai cũng có những khó khăn và thử thách phải trải qua trong cuộc sống, nên vui vẻ đối diện dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. "Vì sau này, đó chính là một phần kỷ niệm khó quên", cô khích lệ bản thân.

Mấy ngày trước, các đoàn cứu trợ của người Việt tiếp cận thành phố Nanao. Loan và những người bạn vỡ òa khi nhận được nước sạch và nhu yếu phẩm.

Khi dư chấn mạnh dứt hẳn, cô xin đi nhờ xe về lại Nonoichi để tiếp tục công việc, cuộc sống dần bình thường trở lại.

"Tôi lo lắng cho các bạn vùng thiên tai ở bán đảo Noto, động đất cường độ 5 vẫn xảy ra vào sáng sớm", Loan nói.

Không cứu hộ bất chấp, đặt sự an toàn lên hàng đầu

Sáng 4/1, nhóm của anh Bùi Văn Phong (32 tuổi) đi trên 4-5 ô tô bắt đầu di chuyển từ TP Kaga nơi anh sinh sống đến vùng Noto để trao đồ ăn, nước uống, nhu yếu phẩm cho bà con người Việt gặp khó khăn.

Trước đó, anh đọc được bài đăng trên mạng xã hội kêu gọi tham gia cứu trợ, nên bàn với các thành viên phân chia đến các siêu thị mua đồ ăn, nước uống. Do quy định mỗi người chỉ được mua một thùng mì và một chai nước, công tác chuẩn bị kéo dài từ tối 3/1 đến sáng hôm sau.

Cả nhóm gom được 5 xe, mỗi xe có khoảng 15-18 thùng nước, nhu yếu phẩm như: mì tôm, bánh mì, ngũ cốc… Họ xuất phát từ 8h, lần lượt đến các vùng bị ảnh hưởng như: Nanao, Wakura Onsen và thị trấn Oghi. Trong hai ngày, nhóm đã hỗ trợ 45-50 người Việt.

"Khó khăn lớn nhất là nhiều đoạn đường bị sạt lở, chỉ di chuyển được một hướng nên kéo dài thời gian. Chúng tôi mắc kẹt 5 tiếng trên cung đường 8km", anh nhớ lại.

Tối 4/1, nhóm nghỉ chân tại điểm lánh nạn, trước khi đến điểm cuối vào sáng hôm sau rồi kịp quay về Kaga. Hơn 5h ngày 5/1, hành trình lại bắt đầu, anh phát hiện đường cũ đã bị sập nên phải chuyển hướng.

"Tôi không nghĩ nhiều, thấy bản thân có xe và khả năng nên đã lên kế hoạch cứu trợ. Đến nơi, bà con nhận đồ rồi cảm ơn, chúng tôi vừa thương cảm vừa vui mừng vì đã giúp đỡ được đồng hương", anh nói.

Theo anh Phong, hiện rất nhiều cá nhân và nhóm cộng đồng người Việt tổ chức cứu trợ vùng tâm chấn động đất. Anh khuyên không nên cứu hộ bất chấp, phải đặt sự an toàn lên hàng đầu, "bởi đi cứu trợ mà để người khác vào cứu trợ ngược thì không hay".

Chàng trai khuyến cáo các đoàn cứu trợ nên tìm hiểu trước địa điểm, lịch trình di chuyển, mức độ thiệt hại, tuyến đường bị chặn… Họ cần chuẩn bị áo mưa, ủng và đèn pin, bởi thời tiết ở vùng tâm chấn được dự báo có mưa, thậm chí tuyết.

Nếu trời mưa hoặc gặp những đoạn đường sạt lở, các đoàn bắt buộc để xe lại và đi bộ; không nên đi một mình mà đi theo hội nhóm để giúp đỡ lẫn nhau; cân nhắc các loại xe gầm thấp, xe nhỏ không thể đi vào các tuyến đường sạt lở.

"Sự giúp đỡ nhỏ bé của chúng tôi hy vọng đồng hành cùng bà con vượt qua thiên tai. Hãy xem đó là thử thách chính mình như một kỹ năng vượt qua khó khăn", anh nói.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu đánh giá một số tình nguyện viên người Việt đang rất tích cực hỗ trợ vùng chịu thiệt hại nặng nề bởi động đất ở tỉnh Ishikawa. Nhiều người đã đến tận nơi để hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho người Việt bị ảnh hưởng.

Ông nhận định nỗ lực hỗ trợ cần được thực hiện có tổ chức và trên diện rộng, đồng thời nhấn mạnh các kế hoạch phải phối hợp với chính quyền địa phương, không cản trở công tác cứu hộ, cứu trợ của chính quyền sở tại.

Đại sứ Phạm Quang Hiệu kêu gọi cộng đồng người Việt sẵn sàng hỗ trợ mọi trường hợp khó khăn, bất kể quốc tịch, trong quá trình cứu trợ ở vùng động đất.

Ông đề xuất thành lập ba nhóm trong nỗ lực cứu trợ. Nhóm thứ nhất gồm tình nguyện viên người Việt hoạt động trong vùng xảy ra động đất, xác định khu vực có người Việt bị ảnh hưởng và thu thập thông tin nhu cầu địa phương.

Qua hỗ trợ kết nối giữa Đại sứ quán Việt Nam và chính quyền địa phương, nhóm có thể tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ hiệu quả hơn, cũng như hỗ trợ các đoàn tình nguyện từ nơi khác đến.

Nhóm thứ hai có sự tham gia của liên hiệp hội, các hội đoàn, đại sứ quán và tổng lãnh sự quán có nhiệm vụ điều phối, đảm bảo thông suốt thông tin và cứu trợ hiệu quả.

Nhóm thứ ba gồm lãnh đạo các hội đoàn người Việt và hội đoàn địa phương, tập trung vận động nguồn lực cho cứu trợ.

Nhóm các thực tập sinh của Kpa H Muội và Thúy Loan bày tỏ xúc động, cảm ơn các đoàn người Việt đã không quản ngại khó khăn, lao vào tâm chấn hỗ trợ bất kể ngày đêm.

Họ như được tiếp thêm sức mạnh nhờ tình người trong hoạn nạn dẫu biết sẽ mất nhiều thời gian vực dậy sau thảm họa.

"Ở nơi xa xứ nhận được tấm lòng hảo tâm của đồng hương, chúng tôi thực sự cảm động", Muội nói.

Một phụ nữ Việt vào top 50 phụ nữ thành đạt Hungary

(Ảnh minh họa).

Tiến sỹ Phan Bích Thiện - Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, vừa vinh dự có mặt trong top 50 - 2024 do Tạp chí Phụ nữ thành đạt của Hungary bình chọn.

Bên cạnh việc vinh danh các gương mặt phụ nữ có những thành tựu và đóng góp tích cực trong số ra hằng tháng, mỗi năm tạp chí này còn phát hành kỷ yếu, giới thiệu 50 gương mặt tiêu biểu của năm , bao gồm cả phụ nữ và nam giới trên cơ sở bình chọn của bạn đọc.

Trang giới thiệu về Tiến sỹ Phan Bích Thiện có tựa đề "Cầu nối Đông và Tây" để ca ngợi những phụ nữ đóng vai trò như cây cầu nối châu Á và châu Âu.

Chia sẻ với Tiền Phong , Tiến sỹ Phan Bích Thiện nói: “Đây là niềm vui không nhỏ vì đối với những người lập nghiệp nơi xa xứ. Tôi cũng là người duy nhất không phải người Hungary trong top 50 này. Còn vui hơn khi sự ghi nhận này là kết quả những nỗ lực của tôi quảng bá cho quê cha đất tổ. Cám ơn quê hương Việt Nam luôn là nguồn động lực cho tôi phấn đấu và cám ơn quê hương thứ hai đã đón nhận và tạo điều kiện để tôi có thể vươn lên và cống hiến cho cả hai quê hương".

Phụ nữ Việt thành đạt tại Hungary

Chị Phan Bích Thiện hoàn thành Tiến sỹ kinh tế tại Nga. Chị kết hôn với anh Thuróczy Laszlo, người Hungary và sinh sống ở Hungary từ năm 1998. Khi cùng chồng trở về Hungary lập nghiệp, chị bắt đầu học tiếng Hungary để hòa nhập với cuộc sống mới.

Năm 2002, chị và gia đình chồng mua lại tòa lâu đài cổ Fried ở thành phố Simontornya, tỉnh Tona, cách thủ đô Budapest 120km để kinh doanh du lịch. Giai đoạn đó, chị đang nuôi hai con nhỏ, nhưng vẫn nỗ lực điều hành, xây sửa khách sạn. Với những nỗ lực không ngừng, năm 2005, khách sạn lâu đài Fried đã được khánh thành và đi vào hoạt động.

Trong hai năm trở lại đây, khách sạn lâu đài Fried luôn được lọt vào top những khách sạn tốt nhất Hungary. Mới đây, chị Phan Bích Thiện vui mừng cho biết, công ty của chị được tập đoàn Dream Trip của Mỹ chọn là đối tác. Không chỉ nổi tiếng tại Hungary, giờ đây khách sạn lâu đài Fried được du khách nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng.

Ngoài những thành công trong kinh doanh, chị Phan Bích Thiện còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Với tư cách Chủ tịch Quỹ Vì quan hệ Việt Nam - Hungary, chị đã nỗ lực vận động và xây dựng tượng đài hữu nghị Việt Nam - Hungary tại khu đất thuộc nhà máy điện hạt nhân của thành phố Paks, tỉnh Tona, nơi từng có công viên Việt Nam từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Tượng đài được khánh thành vào năm 2010, đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây được coi là món quà của cộng đồng người Việt tại Hungary trong dịp đại lễ.

Chưa chào đời đã bị bỏ rơi, chàng trai Mỹ quyết tâm đến Việt Nam tìm bố

Sau chuyến du lịch Việt Nam, Robert bỗng nhận ra một sự thân thuộc đến kỳ lạ với mảnh đất hình chữ S. Khi trở về Mỹ, anh kể lại với mẹ và biết đến sự ra đời đặc biệt của mình.

"Tôi không chỉ tìm cha mà còn giúp những người con thất lạc trở về với gia đình", câu nói trong một video của chàng trai Mỹ - Robert (33 tuổi) đăng tải lên mạng xã hội nhanh chóng gây thích thú.

Trong đó, suốt thời gian ở Việt Nam, chàng trai này đã không ngừng tìm kiếm người bố bỏ rơi mình 30 năm về trước, đồng thời tham gia hỗ trợ các gia đình có nhu cầu tìm lại thân nhân. Chính nghĩa cử cao đẹp này đã thu hút về hàng triệu lượt xem trên tài khoản TikTok.

Mối tình ngang trái

Năm 1993, trong một lần sang Việt Nam học về đạo Phật, bà Allison Stewart Beverly (mẹ của Robert) đã gặp gỡ ông Nguyễn. Sau một thời gian tìm hiểu, cả hai quyết định dọn về sống chung trong một căn nhà tại TP.HCM.

Nửa năm sau, bà Allison vui mừng khi biết bản thân mang thai đứa con đầu lòng. Thế nhưng, ông Nguyễn lại tỏ ra sợ hãi và xin lỗi bà vì bản thân chưa thực sự sẵn sàng cho việc trở thành bố. Vết thương lòng quá lớn khiến bà Allison rời Việt Nam, một mình sinh cậu con trai tại bang Virginia (Mỹ).

Hơn một năm sau, tình yêu lại lần nữa gõ cửa bà Allison, khi một người đàn ông Mỹ chấp nhận quá khứ và yêu thương đứa con trai Robert của bà như con ruột. Cả hai nhanh chóng kết hôn, đồng thời quyết định giấu nhẹm câu chuyện "nguồn cội" để giúp đứa trẻ được lớn lên tự nhiên nhất.

Sống trong một gia đình Mỹ, thế nhưng suốt thời thơ ấu có một điều gì đó luôn khiến Robert muốn kết nối với châu Á. Vào thời điểm học tiểu học, khi thầy cô trình chiếu cho học sinh xem các bộ phim lịch sử, văn hóa, Robert chỉ chăm chăm nghĩ về Việt Nam, nơi có những con người cần mẫn trên ruộng lúa.

Mùa hè năm 2019, Robert quyết định đến Việt Nam lần đầu tiên để du lịch. Anh dành thời gian dài tìm hiểu Hà Nội và thưởng thức các món ăn đậm chất Bắc. "Con sẽ có chuyến đi lớn đến Ấn Độ và Việt Nam vào năm 2022", sau khi trở về nhà, Robert đã nói với bà Allison.

Nghe xong, bà Allison vô cùng bất ngờ. Cuối cùng, bà và chồng quyết định nói cho con trai biết về nguồn cội của cậu, đồng thời gửi cho Robert một tấm hình trắng đen chụp ông Nguyễn vào năm 1980.

Sự thật đến đột ngột khiến Robert không còn tin vào mắt mình. Ngay lập tức anh đã lái xe đến Trung tâm Phân tích ADN bang Virginia để thực hiện kiểm tra, và kết quả cho thấy anh có 40% gen châu Á.

Tháng 7/2022, Robert lên đường đến Việt Nam để tìm lại người cha chưa bao giờ gặp. Anh lựa chọn sinh sống tại TP.HCM, nơi lần đầu bố mẹ anh gặp gỡ, với mong mỏi một ngày nào đó vô tình thấy ông Nguyễn.

"Dù mẹ tôi không có thông tin gì ngoài một bức ảnh cũ, nhưng tôi tin rằng số phận sẽ giúp chúng tôi đoàn tụ nếu tôi về Việt Nam", Robert nói.

Lời tha thứ đặc biệt của chàng trai Mỹ

Thời gian đầu, Robert đi khắp Việt Nam và dò hỏi tin tức người dân thông qua bức ảnh. Đã có lúc sự gian nan khiến anh muốn từ bỏ việc tìm bố. Thế nhưng, suy nghĩ cuộc đời thật ngắn ngủi để bỏ lỡ cơ hội hiểu về nguồn cội khiến anh lại tiếp tục.

Nhận thấy nhiều người Việt Nam sử dụng mạng xã hội, tháng 10/2023, anh đã nhờ một cô gái trẻ đăng video bằng tiếng Việt với mong muốn tìm kiếm lại người cha 60 tuổi. Nhanh chóng câu chuyện này nhận về hơn 1 triệu lượt xem trên nền tảng TikTok.

Cuối tháng 10, một tài khoản tự xưng là con trai của người đàn ông trong bức ảnh trắng đen, đã chủ động nhắn tin cho Robert. Hôm sau, gia đình ấy hẹn Robert đến quán cà phê tại TP Thủ Đức. Họ còn mang theo 1 bó hoa hồng như lời xin lỗi gửi tặng chàng trai Mỹ chưa quen biết.

Sau bao nhiêu năm, ông Nguyễn đã có gia đình mới, ông làm nghề giao hàng và sống bình lặng ở TP.HCM. Nhận lại cậu con trai từng bị bỏ rơi, ông không ngừng gửi lời xin lỗi. Điều đó khiến Robert bật khóc.

Sau đó, bà Allison và Robert có đề nghị ông Nguyễn thực hiện xét nghiệm ADN, nhưng người đàn ông lại chần chừ với lý do không tin vào những số liệu đó.

Qua nhiều lần gặng hỏi, cuối cùng người đàn ông đã chia sẻ vì muốn an ủi Robert, cho cậu thấy sự ấm áp của một gia đình Việt Nam là như thế nào nên đã lừa dối cậu. Mặc dù không phải là cha ruột, Robert vẫn chọn cách tha thứ và thường xuyên lui tới vui chơi với gia đình người đàn ông này.

"Hôm đó vẫn là ngày hạnh phúc vì tôi đã có cảm giác được gặp lại bố của mình. Còn bây giờ tôi vẫn tiếp tục hành trình này vì biết rằng bố mình vẫn còn ở đâu đó ngoài kia", Robert chia sẻ.

Mong ước muốn gắn bó cả đời với Việt Nam

Giờ đây, Robert đã có 18 tháng sinh sống tại Việt Nam. Chính văn hóa và con người của đất nước này khiến anh thêm yêu và được chữa lành những tổn thương của quá khứ.

"Việt Nam là đất nước hạnh phúc và tuyệt vời nhất thế giới! Tôi cảm thấy may mắn khi được là người con của đất nước này, được tôn trọng và quan tâm. Lần đầu tiên tôi đến Đà Nẵng, một cô bạn đã đưa tôi đi thiền, tặng tôi cây đàn piano. Tôi cũng rất biết ơn khi đến đâu cũng được mời ăn những bữa cơm gia đình như chính tôi là người thân của họ", Robert kể.

Robert vẫn thường xuyên gặp gỡ gia đình ông Nguyễn. Anh còn đổi tên thành Vĩnh Hưng vì rất thích người dân gọi mình với cái tên thuần Việt này. Ngoài ra, Robert còn sử dụng kênh TikTok để truyền cảm hứng về cuộc sống tốt đẹp ở Việt Nam, giúp đỡ những hoàn cảnh lưu lạc gia đình như anh có thể kết nối với nhau.

"Trong tương lai gần, tôi vẫn sẽ ở Việt Nam vì nơi đây giống quê hương của tôi hơn Mỹ. Mẹ tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định ấy. Tôi hy vọng có thể viết nhạc, chơi piano và lập nên một ban nhạc ở Việt Nam. Đặc biệt, một ngày nào đó tôi cũng tìm thấy một nửa tình yêu tại đất nước xinh đẹp này", Robert cười.

Nguồn: Vnexpress; Dân Trí; CafeBiz; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang