Người Việt hải ngoại: Vườn hồng tại Mỹ; Giải bóng đá tại Lào; Trải nghiệm trên máy bay bị bung cửa; 23 ngư dân bị Malaysia bắt

VƯỜN HỒNG TẶNG MẸ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT TẠI MỸ

Biết mẹ mơ ước cải tạo mảnh vườn "toàn cây to như rừng" để trồng hoa nhưng đến năm 2020 được nghỉ vì dịch Covid chị Giao mới có thể chiều lòng mẹ.

Ngôi nhà của chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao, 51 tuổi, ở thành phố San Ramon, phía bắc bang California có khu vườn rộng 1.000 m2. Ban đầu vườn toàn cây to với thiết kế giống như một khu rừng. Năm 2017 khi gia đình dọn về đây, mẹ chị Giao khuyên nên cải tạo thành nơi trồng hoa hồng bởi phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng.

Thời điểm đó, chị vẫn đi làm nên chưa có thời gian thực hiện dù bản thân cũng rất yêu thích loại hoa này. Năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát phải cách ly xã hội, chị cùng chồng và hai con trai bắt đầu chung sức để biến khu vườn thành "thiên đường hoa hồng" như bà ngoại mong ước.

Việc đầu tiên của họ là đốn hạ hơn 20 cây to để lấy nắng nhưng vì công thợ đắt nên cả nhà quyết định tự làm. Dù thân cành sau đó được dọn sạch nhưng vì cây lớn, rễ xiên ngang dọc nên chị Giao phải mượn máy nghiền nát gốc mới đào được đất trồng hoa.

"Tưởng thế là xong ai ngờ lúc đào hố mới phát hiện bên dưới toàn đất sét khô cứng, tưới nước làm mềm mà ba ngày sau vẫn không thể ngấm xuống dưới", chị Giao kể.

Để biến mảnh đất này thành nơi có thể trồng hoa, chị làm một lớp đất tơi xốp dày 15 cm, sử dụng thêm giá thể hữu cơ phối trộn cùng. Ngoài ra chị Giao còn phải liên tục bón phân hữu cơ như phân gà, phân bò để bổ sung thêm dinh dưỡng cho đất.

Cả tháng cải tạo vườn, hầu hết thời gian đều ở ngoài nắng, da chị đen nhẻm và sụt vài kg, tay chân xước xát vì cành cây hay gai hồng đâm chọc vào.

Dù vậy, niềm vui của người phụ nữ này là cả nhà được làm việc cùng nhau. Bố mẹ con cái cùng cắt cành, đào đất rồi đẽo gỗ để làm giàn cho hồng leo. Cậu con trai út 9 tuổi còn tự nguyện đập heo đất để lấy tiền mua tặng bà ngoại bộ bàn ghế nhỏ đặt tại vườn làm nơi thư giãn.

Việc thiết kế vườn do chị Giao tự phác thảo. Công việc này theo chị không đơn giản là phủ kín vườn bằng đủ loại hoa mà cần sắp xếp sao cho hợp lý như cách phối màu sắc để tạo sự tương đồng hoặc có thể xen lẫn nhằm tạo sự tương phản. Ngoài hồng, trong vườn còn có thêm thược dược, cúc, oải hương nên người trồng phải nắm rõ mùa ra hoa các loại để tránh lúc muôn hoa đua nở, lúc lại tiêu điều.

Lúc đầu người phụ nữ gốc Việt chỉ định trồng vài cây hoa hồng bên một góc của khu vườn, còn lại trồng những loại hoa khác. Nhưng càng trồng càng mê, chưa trồng xong cây này đã tìm mua cây khác. Trước đây chị mua nhiều loại trồng thử nghiệm nhưng sau này chỉ tuyển chọn một số loài xuất sắc.

Như thời gian đầu, chị Giao rất thích hoa hồng David Austin vì dáng vừa đẹp vừa thơm, tuy nhiên loại này chịu nắng kém nên chuyển sang trồng thêm giống của Nhật và Trung Quốc như Senlitsu, Miyabi, Mikoto, Princess Miyuki, Princess Sakura, Hitomi hay Chirp, Chi Yan, Han Xian, Cinnabar Bowl, Bel Canto, Peach Dyed. Ngoài ra, trong vườn còn nhiều giống hoa hồng của Đức và Pháp.

Dù phải chi khá nhiều tiền cho khu vườn nhưng theo chị Giao, khi Covid-19 xảy đến với quá nhiều mất mát, chị muốn sống chậm lại và làm những gì mình và người thân yêu thích. Trong bốn năm làm vườn, chị vừa mua giống cây, vừa tự ươm trồng nên số hoa hồng đã lên tới hơn 300 gốc với 200 loại khác nhau.

SÔI NỔI GIẢI BÓNG ĐÁ MỪNG NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN CỦA SINH VIÊN VIỆT NAM TẠI LÀO

Giải bóng đá là hoạt động thường niên nhằm thúc đẩy phong trào rèn luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe trong sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đại học Quốc gia Lào.

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024), chiều tối 20/3 tại thủ đô Vientiane, Ban cán sự Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Lào đã tổ chức Lễ khai mạc giải bóng đá Liên Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Đại học Quốc gia Lào.

Tham dự lễ khai mạc có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào; đại diện Tổng Hội người Việt Nam tại Lào; đại diện Thành hội người Việt Nam tại thủ đô Vientiane; đại diện Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cùng đông đảo các cầu thủ và các cổ động viên của các đội bóng.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đình Hà, Phó Bí thư Đảng ủy tại Lào, cho biết đây là hoạt động thường niên nhằm thúc đẩy phong trào rèn luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe trong sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đại học Quốc gia Lào, tạo điều kiện để sinh viên các khóa gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học tập và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, qua đó góp phần giáo dục chính trị tư tưởng, tinh thần đoàn kết cho đoàn viên, sinh viên, tuyên truyền về cuộc vận động thanh niên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ngay sau lễ khai mạc, các đội đã vào sân thi đấu. Từ những phút đầu tiên, cầu thủ của các đội đã thể hiện tinh thần thể thao cao thượng, trung thực và đoàn kết, nhiều pha bóng hay, bàn thắng đẹp mắt từ nhiều cú sút xa, đánh đầu, các tình huống kịch tính, hấp dẫn, mang lại cho người xem có nhiều niềm vui và những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Ban tổ chức cho biết đây là hoạt động thường niên, giải năm nay gồm có 5 đội được tổ chức theo hình thức thi đấu vòng tròn tính điểm. Hai đội có số điểm cao nhất sẽ tranh giải Nhất, Nhì.

Dự kiến trận chung kết và lễ bế mạc, trao giải sẽ được tổ chức vào đúng ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3.

KHÁCH GỐC VIỆT KỂ PHÚT KINH HÃI SUÝT RƠI KHỎI MÁY BAY BỊ BUNG CỬA TRÊN KHÔNG

Khi cửa máy bay bị văng đi, anh Cường Trần - nam hành khách người Mỹ gốc Việt - kể lại rằng điện thoại bị hư hỏng nặng vì giảm áp suất, giày bị hút khỏi máy bay dù đã buộc chặt trong chân, cơ thể may mắn được giữ lại nhờ thắt dây an toàn.

Ngày 5/1, một sự cố nghiêm trọng đã xảy ra trên chuyến bay của Alaska Airlines khi máy bay Boeing 737 Max-9 rơi cửa ở độ cao gần 5.000 m tại Mỹ. Anh Cường Trần - người Mỹ gốc Việt sống tại California - chia sẻ rằng bản thân là một trong số những hành khách trên chuyến bay gặp nạn.

Dù đã hơn 2 tháng sau khi xảy ra sự cố, anh Cường vẫn không thể quên từng giây phút đối mặt với nguy hiểm. Vị hành khách này kể lại rằng khi chiếc Boeing bị bung cửa, điện thoại của anh nứt vỡ do áp suất giảm, giày bị hút khỏi máy bay dù đã thắt rất chặt trước đó. Anh may mắn được an toàn bởi thắt dây an toàn đúng cách.

"Tôi nhớ như in lúc cơ thể bị nâng lên rồi hút xuống phía dưới. Hiện tượng này kéo dài trong khoảng 10-20 giây. Khoang hành khách lúc đó hết sức náo loạn nhưng mọi người đều cố gắng bám chặt tại ghế ngồi. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi không thể kiểm soát mọi việc", anh Cường Trần tường thuật giây phút sinh tử.

Hành khách này cho biết lúc bấy giờ anh chỉ biết ngồi yên, nhìn chằm chằm về phía lỗ thủng trên máy bay và mong phần thân sẽ không bị hỏng thêm. Khoảnh khắc đó là đáng sợ nhất.

Ngay sau khi phát hiện sự cố, phi công lập tức điều khiển phương tiện hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Portland và tiến hành cấp cứu những hành khách bị nạn. Cho đến nay, thể trạng của anh Cường dần hồi phục nhưng vẫn còn vết sẹo lớn trên chân.

Sau sự cố, anh Cường Trần trở thành 1 trong 7 hành khách đã quyết định khởi kiện nhà sản xuất máy bay Boeing, nhà cung cấp linh kiện Spirit AeroSystems và hãng bay Alaska Airlines lên toà án bang Washington, Mỹ. Tuy nhiên, vị luật sự phụ trách vụ kiện nhận định rằng quá trình này sẽ phải mất vài năm.

Đặc biệt, trong phát ngôn mới nhất về vụ việc máy bay Boeing 737 Max-9 rơi cửa trên không, Alaska Airlines và Boeing bất ngờ lập luận rằng họ không chịu trách nhiệm về lỗi của máy bay.

Boeing tuyên bố rằng máy bay không được bảo trì hoặc sử dụng đúng cách bởi các cá nhân và hoặc tổ chức nhất định chứ không phải do nhà sản xuất máy bay. Về phần mình, Alaska Airlines cho biết thiệt hại và thương tích cá nhân gây ra cho hành khách trên chuyến bay là do các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Ngay sau sự cố, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã đình chỉ hoạt động 171 máy bay thuộc dòng 737 Max. Cho đến nay, hoạt động sản xuất dòng phương tiên này của Boeing vẫn bị cấm.

MALAYSIA BẮT GIỮ 23 NGƯ DÂN VIỆT ĐÁNH BẮT TRÁI PHÉP VỚI LƯỢNG HẢI SẢN TRỊ GIÁ 630.000 USD

Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA) ở bang miền bắc Kelantan bắt giữ 23 ngư dân Việt Nam hôm 16/3 vì họ xâm phạm hải phận Malaysia, hãng thông tấn Bernama và các báo mạng Malay Mail, the Sun đưa tin hôm 19/3.

Tin cho hay một tàu chấp pháp của Malaysia tuần tra vùng biên giới trên biển giữa nước này và Việt Nam đã phát hiện 2 tàu cá đáng ngờ và bắt giữ chúng vào trưa ngày 16/3 ở cửa sông Tok Bali, tạm giữ các ngư dân và lượng hải sản bị đánh bắt trái phép có giá trị khoảng 3 triệu Ringgit (630.000 đô la Mỹ).

Bernama, Malay Mail và the Sun dẫn lời Đại úy Erwan Shah Soahdi, Giám đốc MMEA tại bang Kelantan, nói rằng 2 tàu cá Việt Nam lúc đầu tìm cách bỏ chạy về phía biên giới biển khi sĩ quan của MMEA ra lệnh họ dừng lại.

“Tàu của cơ quan hàng hải chúng tôi đã chặn đường những tàu cá đó, các nhân viên đã xông lên tàu, ép họ dừng lại”, viên giám đốc nói tại trụ sở cấp bang của MMEA ở Kelantan.

Vẫn ông Erwan Shah cho hay tàu thứ nhất có 18 người và tàu thứ hai có 5 người, bao gồm cả 2 tài công, họ trong độ tuổi từ 16 đến 55.

Sau khi khám xét, nhà chức trách Malaysia khẳng định cả 2 tàu cá đều của Việt Nam, Bernama, Malay Mail và the Sun tường thuật. 2 tàu này bị kéo về hải cảng Kelantan vào tối khuya hôm 17/3 và giao cho các sĩ quan điều tra.

Theo ông Erwan Shah, ngoài 2 con tàu, các tang vật bị thu giữ gồm khoảng 1 tấn hải sản, thiết bị đánh cá, định vị và liên lạc, cùng với 2.500 lít diesel.

Viên giám đốc cơ quan thực thi hàng hải cấp bang của Malaysia được Bernama, Malay Mail và the Sun trích lời nói rằng 2 con tàu, 2 tài công và các thuyền viên sẽ bị điều tra về các hành vi đánh bắt không có giấy phép, không thông báo với nhà chức trách về tên nước, cờ, hải hành và điểm đến của tàu khi vào vùng đánh bắt của Malaysia, cũng như không có giấy tờ tùy thân để xuất nhập cảnh.

Chỉ 2 ngày trước vụ bắt giữ kể trên, MMEA ở bang Kuantan hôm 14/3 truy đuổi trong hơn 1 tiếng và bắt giữ 6 ngư dân Việt đã xâm nhập và đánh bắt trái phép, với lượng hải sản trị giá 1,7 triệu Ringgit (360.000 đô la)

Trong một diễn biến liên quan, hôm 15/3, một tòa án tại thành phố Kuching của Malaysia tuyên phạt tiền và tù giam đối với 11 người Việt đã bị bắt hôm 4/2 vì đánh bắt trái phép.

Cụ thể, tài công Phạm Thục Sinh, 55 tuổi, bị phạt 1 triệu Ringgit (hơn 210.000 đô la) và 6 tháng tù, 10 thuyền viên mỗi người 200.000 Ringgit (hơn 42.000 đô la) và 3 tháng tù.

VOA không tìm được con số thống kê đầy đủ về bao nhiêu tàu cá và ngư dân Việt Nam đi đánh bắt trái phép ở vùng biển của các nước lân cận như Philippines, Malaysia, Indonesia… nhưng các bản tin trên báo chí của khu vực trong những năm qua cho thấy đó là con số đáng kể.

Theo một bài đăng hồi tháng 7/2023 trên scspi.org, một trang phân tích về Biển Đông, chỉ riêng năm 2022, Malaysia bắt giữ ít nhất 28 tàu cá và hơn 300 thuyền viên Việt Nam. Trong cùng năm, Indonesia bắt giữ ít nhất 11 tàu cá và 128 thuyền viên Việt Nam.

Nguồn: Vnexpress; VietnamPlus; Kenh14; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang