Người Việt hải ngoại: Vụ đưa lậu 7 người vào Anh; 'Cái giá' khi sống ở nơi hẻo lánh; Bánh mì ở Sri Lanka; Bị bắt vì lừa đảo ở Nhật

VỤ ĐƯA LẬU 7 NGƯỜI VIỆT VÀO ANH: NGHI PHẠM KHÔNG NHẬN TỘI, SẼ BỊ XÉT XỬ VÀO THÁNG 8

Anas Al Mustafa, người bị khởi tố về mưu đồ đưa lậu 7 người Việt vào Anh, mới đây tuyên bố không nhận tội và sẽ bị tòa xét xử vào tháng 8, theo tin hôm 18/3 trên các báo Anh Daily Mail, The Standard và Brighton and Hove News.

Bị cáo 42 tuổi này bị nhà chức trách Anh bắt giữ hôm 16/2, cùng ngày xảy ra vụ một số người Việt được cứu tại bến phà Newhaven ở hạt East Sussex, miền nam nước Anh, chỉ cách thủ đô London hơn 50 km.

Như VOA đã đưa tin ở thời điểm đó, 7 người Việt được giấu trong khoang bí mật trên một xe tải van đông lạnh đã phá vách ngăn, đập vào thân xe để kêu cứu vì họ cảm thấy ngạt thở, các nhân viên bến phà nghe thấy và giải thoát cho họ.

Nhiều xe cảnh sát và cứu thương đã nhanh chóng ập đến. Các nhân viên y tế đã cho những nạn nhân thở ô xy trước khi cho toàn bộ số người đó nhập viện, bao gồm 1 người trong trạng thái nguy kịch.

Chiếc xe chở họ đi trên tuyến phà Seven Sisters nối giữa Dieppe thuộc vùng Normandy của Pháp và Newhaven ở Anh.

Al Mustafa, người điều khiển xe, đối mặt với tội danh tiếp tay cho hành vi nhập cảnh trái phép vào Vương quốc Anh.

Ông này đến Tòa hình sự sơ thẩm Lewes hôm 18/3, khi đại diện của tòa hỏi có nhận tội hay không, ông ta trả lời qua một thông dịch viên tiếng A rập: “Không, không có tội. Tôi chẳng biết gì về họ”, Daily Mail, The Standard và Brighton and Hove News tường thuật cùng ngày.

Luật sư biện hộ cho ông này nói với tòa: “Ông ấy không biết chuyện có người ở đằng sau xe vì vậy không biết là ông ấy tiếp tay cho việc di dân lậu nhập cảnh vào Vương quốc Anh”.

Ngay khi Al Mustafa bị bắt, đại diện bên công tố đã nói với tòa khi đó rằng: “Chiếc xe mà bị cáo chịu trách nhiệm đã được lái lên phà và trong khi vẫn ở trên phà, 7 người đã bắt đầu gõ, đập vào chiếc xe”.

Dự kiến Al Mustafa sẽ bị đem ra xét xử tại Tòa hình sự sơ thẩm Lewes vào tháng 8 năm nay, các bản tin của Daily Mail, The Standard và Brighton and Hove News cho hay.

Như tin VOA đã đưa, trong vài năm gần đây một số vụ đưa lậu người Việt vào Anh đã bị đưa ra ánh sáng. Hồi giữa tháng 12/2023, nhà chức trách Anh phát hiện 6 người Việt chen chúc trên nóc buồng lái 1 xe tải cỡ nhỏ đi phà từ Hà Lan đến hạt Essex, Anh.

Liên quan đến vụ này, 2 tháng sau, một tòa án Anh tuyên phạt 1 người Romania 3 năm tù về tội đưa người nhập cảnh trái phép vào Anh.

Trước đó, cuối năm 2019, thế giới rúng động về vụ 39 người Việt thiệt mạng trong thùng xe container, cũng bị vỡ lở ra tại Essex.

Kết quả điều tra cho thấy những người này được đưa lên xe ở phía bắc nước Pháp, sau khi nộp cho những kẻ buôn người 20.000 euro (hơn 23.000 USD) để đi lậu vào Anh. Các nạn nhân tử vong trong container vì thiếu oxy và quá nóng.

Nhiều bị cáo đã nhận án nặng vì vụ này khi tòa án Anh xét xử vào năm 2021, bao gồm 1 người Romania và 1 người Anh nhận án lần lượt là 27 và 20 năm tù, các bị cáo khác, nhất là những tài xế, bị phạt tù 12-20 năm.

THEO CHỒNG MỸ VỀ SỐNG NƠI HẺO LÁNH, VỢ VIỆT TIẾT LỘ "CÁI GIÁ PHẢI TRẢ" KHI TIẾP QUẢN NÔNG TRANG NGÚT NGÀN

Khi cả gia đình Nhân đoàn tụ tại Mỹ, họ sống ở một thành phố. Chưa kịp ổn định, họ lại chuyển về quê Jason - một vùng nông thôn thuộc bang Arkansas.

"Phải lòng" chàng giáo viên tiếng Anh, cô gái Việt rời nhà về sống nơi heo hút

Vợ chồng Nguyễn Hoài Nhân (quê Bà Rịa - Vũng Tàu) và Jason Sciss đã kết hôn được 13 năm, và cô mới sống ở Mỹ được gần 2 năm. Trước khi gặp Jason, người phụ nữ Việt chưa từng nghĩ đến việc yêu đương hẹn hò, chứ đừng nói là lấy chồng Tây.

Nhân kể, thời còn đi học, Nhân học tiếng Anh khá kém, rất sợ tiếng Anh. Khi ghi danh vào một trung tâm ngoại ngữ hồi năm 2010, Nhân chỉ mong cải thiện được trình độ, học đủ để dùng trong công việc. Họ quen nhau khi Jason đến Vũng Tàu dạy học, là giáo viên tiếp quản lớp của Nhân.

Nhân hồi tưởng, khi gặp Jason lần đầu, cô không có ấn tượng gì nhiều, ngoài việc anh có bộ tóc xoăn lùm xùm, râu ria rậm rạp che kín mặt và rất cao. Còn Jason, cuối một buổi học, trước khi vào dạy ca mới, đã níu tay Nhân lại, hỏi cô có muốn đi ăn trưa cùng anh không. Cô đồng ý mà không nghĩ gì nhiều. Sau đó, họ yêu nhau.

Nhân nhớ mãi, hồi định đưa Jason về nhà ra mắt, chị gái của cô “cảnh báo” người lớn có thể không thích ngoại hình xồm xoàm của Jason. Chị gợi ý Nhân bảo bạn trai cạo hết râu tóc để có ấn tượng tốt.

“Lúc đó cũng nghĩ dữ lắm, vì văn hóa của người ta là tôn trọng cá nhân, mình mà ép anh cạo râu, sợ anh lại giận. Mình mới nói bóng gió với anh, rằng yêu nhau mấy tháng rồi mà em chưa thấy được gương mặt anh bao giờ, vì râu tóc che hết trơn.

Nói thế thôi ai ngờ mấy bữa sau anh đi cạo râu, cắt tóc gọn gàng. Tối đó đi học, mình thấy có một ông Tây cứ đứng nhìn mình vẫy vẫy cười cười, mình còn không biết là ai, chỉ cười xã giao đáp lại. Lúc sau ông Tây đó lại gần, lên tiếng thì mình mới biết đó là Jason.

Anh nói anh đã để râu 11 năm một cách rất tự nhiên, không ai thắc mắc và anh cũng không có ý định cạo đi. Nhưng anh đã quyết định cạo đi để mình có thể nhìn ngắm gương mặt anh, sến thấy ớn không? (cười lớn)”, cô kể.

Sau khi kết hôn, họ cùng sống ở Việt Nam một thời gian dài, có hai em bé Lily (12 tuổi) và Violet (9 tuổi). Năm Lily 8 tuổi, cô bé qua Mỹ sống. Còn Nhân và bé Violet tới cuối năm 2022 mới đặt chân tới Mỹ.

Gia đình 4 người khi đó sống và làm việc ở thành phố. Đến tháng 6/2023, cả nhà chuyển về sống cùng bố mẹ Jason tại một nông trang thuộc vủng nông thôn trong bang Arkansas.

"Cái giá phải trả" khi về sống ở vùng nông thôn

Không dễ để Hoài Nhân - một người nước ngoài - có thể hòa nhập, làm quen với cuộc sống tại Mỹ. Việc chuyển về vùng quê sống cũng khiến mẹ hai con gặp thêm thách thức.

Nhân tâm sự, nhiều người trẻ không muốn sống chung với cha mẹ, nhưng gia đình cô rất yêu thích miền quê, thích không khí sum họp ấm cúng. Việc sống cùng bố mẹ chồng cũng khiến Nhân phần nào được bù đắp tình cảm khi phải sống xa quê hương.

Bố mẹ Jason có một nông trang rộng ngút ngàn, vẫn đang canh tác hoa màu. Trong vườn nhà cũng có một số cây ăn trái, cây lâu năm. Tuy nhiên, đất đai quá rộng mà nhân lực mỏng, ông bà khó lòng tận dụng được hết tiềm năng.

Khi về sống chung với bố mẹ, hai vợ chồng Nhân đã cùng nhau cải tạo lại trang viên, tính toán việc quy hoạch các khoảng đất, chỗ nào trồng cây gì, nuôi con gì... Họ trồng được cà chua, khoai tây, ớt chuông và một số loại cây khác. Đất tốt và tự trồng không hóa chất nên chất lượng rau củ rất thơm ngon.

Jason cũng dự định làm chuồng gà để nuôi gà lấy trứng, đào ao nuôi cá... Dự kiến năm sau, khi công việc hòm hòm, gia đình có thể tự cung tự cấp phần lớn đồ ăn hàng ngày. Đó là chưa kể đến mùa, họ có thể được săn nai, bắt tôm cá.

Riêng Nhân đã "xí chỗ" để trồng các loại rau gia vị như lá bạc hà, tía tô,ngò rí, củ sả, ớt... Do miền quê không dễ mua giống, nhiều loại Nhân phải vừa ăn vừa chắt chiu giữ giống.

Cả 6 thành viên trong gia đình lớn của Jason và Nhân đều yêu thích thiên nhiên. Không chỉ người lớn chăm chỉ dọn vườn, cưa cây, hai em bé cũng sẵn sàng phụ việc thiu hoạch hoặc dọn dẹp vào cuối tuần.

Mỗi ngày, Nhân lại cảm thấy mình thêm gắn bó với vùng quê này. Đứng dưới sân nhà, cô cảm nhận rất rõ thiên nhiên bao la, rộng lớn như thế nào. Qua ống kính của Nhân, người ta có thể thấy một góc nước Mỹ thuần khiết, giản dị, thiên nhiên hào phóng.

Sống cùng bố mẹ chồng trong một gia đình đa văn hóa, với Nhân cũng có nhiều điều thú vị. Hai đứa nhỏ rất yêu ông bà nội, đi học về là quấn lấy ông bà. Còn cô tìm cách “hòa tan” bố mẹ chồng người Mỹ bằng các món ăn Việt.

Sau giờ làm việc, đưa đón con, cô đảm nhiệm việc nấu nướng cho cả nhà. Dù Nhân nấu món gì, phở, bánh mì Việt Nam ăn cùng thịt xiên nướng hay cơm cá chiên, canh rau củ, bún nước lèo... thì cả nhà cũng ăn nhiệt tình.

Về việc nuôi dạy con, Nhân tích cực dạy con nói tiếng Việt, viết chữ Việt. Lily sang Mỹ lúc 8 tuổi, còn Violet sang Mỹ cùng lúc với mẹ, khi bé được 7 tuổi, nên cả hai nói tiếng Việt rất sõi.

Để bù đắp việc gia đình sống ở nơi hoàn toàn không có cộng đồng người Việt Nam, ở nhà với con, Nhân chỉ giao tiếp với con bằng tiếng Việt. Ngược lại, hai bé cũng tích cực giúp mẹ nâng trình tiếng Anh.

Hoài Nhân cho rằng, sống ở nông thôn có rất nhiều lợi thế: Đất đai rộng thoáng, không khí trong lành, thực phẩm thiên nhiên cũng dồi dào. Tuyệt vời hơn là "cái giá phải trả" cho cuộc sống này chỉ cần sự chăm chỉ, chân thành.

Điều khiến cô hài lòng nhất là hai em bé được sống trong tình yêu thương chan hòa của ông bà và bố mẹ, đều là những người vui vẻ, tích cực nên lúc nào cũng tràn đầy năng lượng. Đó là những "đặc quyền" mà không phải ai cũng có được.

"Mọi người cứ hỏi sống ở nông thôn thì có buồn chán không. Thường thì sau khi cả nhà ăn tối xong, mình sẽ có khoảng thời gian riêng. Mà bận rộn với việc ổn định cuộc sống mới, mình không có thời gian để buồn luôn.

Bình yên hay buồn chán chỉ là do cách ta sống và cảm nhận. Đủ yêu sẽ thấy bình yên, không mở lòng thì cho dù sống ở nơi đông đúc nhất ta vẫn cảm thấy cô đơn", cô kết luận.

BÁNH MÌ VIỆT 'GÂY THƯƠNG NHỚ' TẠI SRI LANKA

Ngày 15/3, nhà hàng Phở Việt Nam tại Colombo đã giới thiệu món bánh mì tới đông đảo cộng đồng người Việt và người dân Sri Lanka.

Tham gia sự kiện có Đại sứ Hồ Thị Thanh Trúc, thành viên Đại sứ quán, thành viên Ban Liên lạc cộng đồng, cộng đồng người Việt, bạn bè quốc tế và Sri Lanka, cùng một số cơ quan báo chí sở tại.

Với niềm đam mê và mong muốn lan toả, giới thiệu ẩm thực Việt Nam, năm 2014 chị Phùng Huyền Nam đã mở nhà hàng Việt Nam đầu tiên tại Sri Lanka với tên gọi Phở Việt Nam. Sau 10 năm hoạt động, những món ăn nổi tiếng của Việt Nam như phở, nem rán, nem cuốn…trở thành những món ăn quen thuộc, được nhiều người dân bản địa biết đến.

Chia sẻ tại sự kiện, Đại sứ Hồ Thị Thanh Trúc chúc mừng thành công của nhà hàng Phở Việt Nam; ghi nhận những nỗ lực của chị Phùng Huyền Nga nói riêng, và cộng đồng người Việt tại Sri Lanka nói chung trong việc giới thiệu, quảng bá ẩm thực Việt Nam; cho biết dù số lượng còn khiêm tốn nhưng cộng đồng luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2022 vừa qua, chung tay tổ chức thành công nhiều hoạt động ý nghĩa như Vesak 2023, hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3... Tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ, kết nối tích cực của Ban liên lạc cộng đồng, cộng đồng người Việt sẽ ngày càng phát triển, đoàn kết.

Chị Phùng Huyền Nga, chủ nhà hàng Phở Việt Nam tại Colombo cho biết, bánh mì là một trong những món ăn nổi tiếng của Việt Nam, được người dân cũng như du khách quốc tế đến Việt Nam yêu thích. Tuy nhiên, người dân Sri Lanka chưa biết nhiều đến món ăn đường phố nổi tiếng này.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập nhà hàng Phở Việt Nam, chị muốn giới thiệu món bánh mì cũng như góc ẩm thực đường phố Việt Nam với trà chanh, cà phê sữa đá….tại thủ đô Colombo.

Hiện nay ở Sri Lanka có 4 nhà hàng Việt Nam, đây là con số đáng kể so với số lượng cộng đồng ở sở tại và so với các quốc gia ASEAN khác. Phở Việt Nam và các nhà hàng Việt khác đã phối hợp với sứ quán tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu văn hoá ẩm thực thành công như ngày Phở Việt Nam, kỷ niệm 19/5, Quốc khánh 2/9…

Còn đối với nhiều thế hệ người dân Sri Lanka, khi nhắc tới Việt Nam, nhiều người biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với sự hỗ trợ của sứ quán và sự nỗ lực, phối hợp của cộng đồng, văn hoá Việt Nam nói chung, văn hoá ẩm thực Việt Nam nói riêng đã dần được người dân Sri Lanka yêu thích và biết đến nhiều hơn.

NAM NGƯỜI VIỆT 22 TUỔI BỊ BẮT VÌ HÀNH VI DÙNG THẺ NGOẠI KIỀU GIẢ ĐỂ LỪA ĐẢO HƠN 13 TỈ ĐỒNG

Bùi Ngọc Cường (22 tuổi), quốc tịch Việt Nam đã bị bắt giữ vì hành vi lừa đảo bằng cách sử dụng thẻ ngoại kiều giả để nhận điện thoại mới.

Cường bị nghi ngờ là đã cấu kết với với 7 công dân Việt Nam khác đã bị bắt giữ trước đó, vì hành vi xuất trình thẻ cư trú giả để đổi điện thoại tại một cửa hàng điện máy gia dụng ở thành phố Fukuyama, tỉnh Hiroshima vào tháng 6 năm ngoái. Tổng số máy là 9 với tổng số tiền khoảng 1,58 triệu yên (khoảng 260 triệu đồng).

Nghi phạm được cho là đã giữ im lặng trong quá trình điều tra.

8 đối tượng đã bị bắt từ tháng 8 đến tháng 10 năm ngoái liên quan đến vụ việc và Cường được cho là người chỉ đạo, đồng thời việc đổi máy như một phần công việc bán thời gian. Theo cảnh sát, cho đến nay Cường đã bán lại khoảng 650 chiếc điện thoại và giá bán ước tính lên tới 80 triệu yên tương đương hơn 13 tỉ đồng.

Cảnh sát đang điều tra khả năng tội phạm có thể do một nhóm người Việt Nam tổ chức vì có hồ sơ cho thấy Cường cũng đã liên lạc với Việt Nam.

Nguồn: VOA; Kenh14; Báo Quốc Tế; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang