Người Việt hải ngoại: Truyện Kiều vang lên ở Đức; Giải bóng đá tại Nga; Quảng bá văn hóa ở Moscow; Cô gái đấu tranh dân quyền

Truyện Kiều của Nguyễn Du vang lên giữa lòng thành phố cổ ở Đức

(Ảnh minh họa).

Buổi đọc truyện được thực hiện với chất giọng truyền cảm của nữ ca sỹ, kiêm phát thanh viên nổi tiếng Christiane Voigt trên nền nhạc 'Tổ khúc Kiều' đã được khán giả nhiệt liệt đón nhận.

Tối 1/4 tại Cung Văn hóa ở thành phố cổ kính Dresden, Đức, đã diễn ra buổi đọc Truyện Kiều bằng tiếng Đức trên nền nhạc "Tổ khúc Kiều" của Giáo sư, nhạc sỹ Đặng Ngọc Long.

Sự kiện văn hóa độc đáo này thu hút sự tham dự của trên 100 người, với đa số là bạn bè Đức và quốc tế.

Buổi đọc truyện và biểu diễn "Tổ khúc Kiều" được hiệp hội "Die Märchen 1001" (Truyện cổ tích 1001) của thành phố Dresden bảo trợ và tổ chức nhằm tôn vinh tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, góp phần quảng bá và phát triển văn hóa Việt Nam tại Đức.

Trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, đại diện ban tổ chức đã tóm lược về Truyện Kiều, tác phẩm vốn đã được chuyển sang hơn 20 ngôn ngữ khác.

Tác phẩm được giới thiệu là văn học sử thi kinh điển của nền văn học Việt Nam, mở ra cho người nghe một thế giới văn hóa mới mẻ với những âm vần và hình ảnh thi ca bất ngờ, trong khi "cha đẻ" của tác phẩm là đại thi hào Nguyễn Du - người đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Danh nhân Văn hóa Thế giới năm 2013.

Bản dịch sang tiếng Đức "Das Mädchen Kiều" được vợ chồng cố nhà thơ, nhà báo người Đức Irene và Franz Faber mất 7 năm liên tục học tiếng Việt, tìm hiểu, tra cứu các ý thơ để hoàn thành tác phẩm này.

Theo ban tổ chức, bản dịch tiếng Đức đã nổi tiếng từ lâu ở Đức, do vậy ban tổ chức muốn mở rộng giới thiệu tác phẩm này cho công chúng Đức. Đặc biệt, ý tưởng này đã "cập bến" khi gặp "Tổ khúc Kiều" - tác phẩm gồm 7 chương được Giáo sư Đặng Ngọc Long sáng tác riêng cho mô hình các buổi đọc Truyện Kiều, một ý tưởng được đánh giá là rất độc đáo.

Do vậy, ban tổ chức đã quyết định tổ chức buổi đọc Truyện Kiều ở Dresden, nơi có nhiều người Việt sinh sống và làm việc, nhằm mang đến cho bạn bè Đức và quốc tế cũng như cộng đồng người Việt hiểu thêm về văn học và văn hóa Việt Nam, góp phần quảng bá, phát triển và thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Đức.

Buổi đọc truyện được thực hiện với chất giọng truyền cảm của nữ ca sỹ, kiêm phát thanh viên nổi tiếng Christiane Voigt trên nền nhạc "Tổ khúc Kiều" đã được khán giả nhiệt liệt đón nhận với nhiều cung bậc cảm xúc.

Nhiều khán giả Đức cũng đánh giá cao tác phẩm "Tổ khúc Kiều" từ sự độc đáo của ý tưởng biên soạn cũng như sự hòa quyện của âm nhạc vào tiếng thơ của Truyện Kiều. Một số khán giả người Việt bày tỏ tự hào khi được nghe lời thơ, tiếng đàn của Truyện Kiều và "Tổ khúc Kiều" hòa quyện, vang lên ở một nơi xa lạ, cách nơi tác phẩm gốc Truyện Kiều ra đời nửa vòng Trái Đất.

Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Đức, Giáo sư Đặng Ngọc Long cho biết do tác phẩm “Tổ khúc Kiều” gắn liền với Truyện Kiều, hơn nữa tác phẩm âm nhạc này đã được đánh giá cao trong thời gian vừa qua và đã được chọn làm bài thi bắt buộc cho Cuộc thi Guitar quốc tế năm 2020 tại Berlin, nên ban tổ chức đã liên hệ để trực tiếp mời ông tham gia trình diễn trong buổi đọc truyện, nhằm góp phần thêm sinh động và ý nghĩa cho buổi đọc truyện.

Nhạc sỹ Đặng Ngọc Long cho biết, tuy đây không phải là lần đầu biểu diễn "Tổ khúc Kiều," song lần trình diễn này mang lại cho ông những cảm xúc khó tả khi được biểu diễn tác phẩm giữa lòng thành phố cổ kính Dresden, nơi được ví như "viên ngọc" của kiến trúc châu Âu bên dòng Elbe.

Ngay khi những âm thanh "Tổ khúc Kiều" đầu tiên vang lên từ tiếng đàn mộc, cả hội trường đã lặng đi để "uống" từng nốt nhạc và lời thơ, với hơi thở hòa quyện trong số phận nàng Kiều.

Tác phẩm Truyện Kiều bản tiếng Đức được vợ chồng cố nhà thơ, nhà báo người Đức Irene và Franz Faber chuyển ngữ từ cuốn truyện mà cụ Faber được Bác Hồ tặng khi ông sang thăm Việt Nam. Ý thức được giá trị cuốn sách, vợ chồng nhà thơ Faber đã nung nấu ý định dịch cuốn sách sang tiếng Đức để phổ biến sự tinh tuý của tác phẩm cho nhân dân Đức và thế giới.

Bản dịch tiếng Đức đã được xuất bản lần đầu tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1964, hơn một năm trước dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, và tái bản một lần năm 1980.

(Nguồn: VTV4)

Khai mạc giải bóng đá “Tài chính - kinh tế 2023” của sinh viên Việt Nam tại Nga

Ngày 2/4, tại thủ đô Moscow, Hội du học sinh Việt Nam tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga và Đại học Kinh tế Nga mang tên Plekhanov đã phối hợp tổ chức giải bóng đá “Tài chính - kinh tế 2023”.

Giải bóng đá “Tài chính - kinh tế 2023” của sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga là hoạt động nhằm kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023), 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) và 137 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2023).

Tới dự lễ khai mạc giải bóng đá “Tài chính - kinh tế 2023” có sự hiện diện của Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Việt Nam tại Nga Ngô Bá Hoàng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt tại Nga Trần Phú Thuận, cùng đông đảo các bạn sinh viên Việt Nam đến từ các trường đại học tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga.

Lễ khai mạc diễn ra trang trọng với nghi thức chào cờ và diễu hành của các đội bóng. Phát biểu tại lễ khai mạc, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Việt Nam tại Nga Ngô Bá Hoàng Hải ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ban tổ chức trong việc tổ chức giải bóng đá “Tài chính - kinh tế năm 2023”, nhằm hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Ông Ngô Bá Hoàng Hải khẳng định, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga luôn ủng hộ các hoạt động thể dục thể thao nói chung và bóng đá nói riêng của sinh viên Việt Nam. Ông Hải nhấn mạnh, giải bóng đá năm nay tiếp tục chứng minh rằng sinh viên Việt Nam tại Nga không chỉ học tập xuất sắc, mà còn luôn năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động thể thao, văn hóa.

Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt tại Nga Trần Phú Thuận, đồng thời là cố vấn giải bóng đá “Tài chính - kinh tế năm 2023” khẳng định, giải đấu nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các bạn đoàn viên, thanh niên, sinh viên Việt Nam, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh để phát triển phong trào thể dục thể thao nói chung, cũng như bóng đá nói riêng. Ông Thuận nhấn mạnh rằng, giải bóng đá ngày càng thu hút đông đảo các cổ động viên cho thấy giải đấu là sự kiện rất được mong đợi của sinh viên Việt Nam tại Moscow, Liên bang Nga.

Về phần mình, Trưởng ban tổ chức giải Nguyễn Ngọc Thạch khẳng định, bóng đá luôn là sân chơi hấp dẫn, sôi động, thu hút đông đảo sự tham gia của sinh viên Việt Nam tại Nga. Ban tổ chức hy vọng giải đấu sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào luyện tập thể dục thể thao, thi đua rèn luyện sức khỏe trong cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Nga.

Tham dự giải, bạn Hứa Thành Long, sinh viên Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga khẳng định rất vui khi được tham gia giải bóng đá này, cho rằng đây là một sân chơi rất bổ ích cho các bạn đoàn viên, thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nga và mong muốn có nhiều giải đấu hơn nữa để được giao lưu, học hỏi.

Giải bóng đá “Tài chính - kinh tế 2023” diễn ra trong 3 ngày 2, 8 và 9/4 với sự tham gia của 12 đội bóng đá nam, 6 đội bóng đá nữ đến từ các trường đại học ở thủ đô Moscow, Liên bang Nga. Trước và sau lễ khai mạc đã diễn ra các trận đấu bóng đá hấp dẫn, sôi nổi, với nhiều pha bóng đẹp, những bàn thắng hay, thu hút đông đảo khán giả cổ vũ, tạo nên ngày hội bóng đá của cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Moscow, Liên bang Nga./.

(Nguồn: VOV)

Tinh hoa văn hoá Việt Nam gây ấn tượng tại thủ đô Moscow

(Ảnh minh họa).

Từ 20/3 – 2/4, Ban Cán sự Đoàn tại Liên bang Nga tổ chức triển lãm văn hoá “Tinh hoa văn hoá dân tộc” tại Học viện Hành chính công và Kinh tế Quốc dân trực thuộc Chính phủ Nga (RANEPA).

Sự kiện được tổ chức chào mừng Tháng Thanh niên 2023, kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2023) và hưởng ứng chương trình “Tinh hoa Việt Nam” của Trung ương Đoàn phát động.

Sự kiện đã thu hút gần 2.500 lượt tham quan đến từ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, cộng đồng người Việt Nam, sinh viên Việt Nam và quốc tế đang học tập tại các cơ sở giáo dục tại Moscow, giảng viên tiếng Việt, sinh viên học tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam…

Triển lãm giới thiệu tới khách tham quan một bức tranh tổng quát về đất nước, văn hoá, con người Việt Nam thông qua những bức ảnh đặc sắc về thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống, như hoa sen lụa do nghệ nhân Nguyễn Mai Hạnh - “Nữ hoàng hoa lụa đất Hà Thành” - thực hiện, chiếu cói làng nghề Nga Sơn (Thanh Hoá), ấm chén Bát Tràng, (Hà Nội), thổ cẩm Tây Bắc, chén gáo sơn mài mĩ nghệ dừa Bến Tre, guốc mộc Phú Văn (Bình Dương), trống Đọi Tam (Hà Nam).

Không chỉ tìm hiểu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sinh viên quốc tế còn được trải nghiệm nhiều hoạt động dân gian như in tranh Đông Hồ, đan quạt nan, xin chữ thư pháp. Đây là lần đầu trải nghiệm in tranh Đông Hồ được giới thiệu tại sự kiện do sinh viên Việt Nam tại Nga tổ chức.

Bạn Lê Huỳnh Đức, nghiên cứu sinh năm 2 tại RANEPA, Phó Ban tổ chức cho biết: “Năm 2022, Ban cán sự Đoàn tại Nga đã tham gia cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài” do Bộ Tư pháp và Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp tổ chức.

Ban Cán sự Đoàn đã sử dụng tiền thưởng từ cuộc thi để mua hai ván khắc in tranh Đông Hồ (tranh “Bà Triệu cưỡi voi” và “Phú quý”).

Chia sẻ về lý do lựa chọn hai bức tranh Đông Hồ, Huỳnh Đức cho biết, Bà Triệu là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm.

Bức tranh "Phú quý" thường được người chơi tranh lựa chọn để chơi trong dịp Tết cổ truyền, mong muốn cho con cái được hiển vinh và thành đạt trong cuộc sống.

Bên cạnh in tranh Đông Hồ, đan quạt nan Chàng Sơn cũng là một trải nghiệm thú vị. 250 chiếc quạt đã được đan chỉ trong ngày 25/3. Nan tre mỏng và mềm, nhưng khi được đan vào nhau sẽ tạo ra một chiếc quạt rất chắc chắn. Hình ảnh này mang tới bài học về sức mạnh đoàn kết.

Bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Nga phụ trách về giáo dục, cũng nhận xét: “Triển lãm 'Tinh hoa văn hoá dân tộc' là hoạt động rất ý nghĩa, nhằm quảng bá đất nước, lịch sử, văn hoá và con người Việt Nam, giúp cho các bạn nước ngoài hiểu rõ hơn về đất nước của chúng ta, đồng thời gây dựng niềm tự hào dân tộc, quê hương trong các du học sinh Việt Nam đang học tập tại Nga”.

Bạn Yohanna, du học sinh Philippines hiện đang theo học tại Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) bày tỏ sự hào hứng với không gian Việt Nam, đặc biệt là trà Việt Nam.

Dù đã thưởng thức trà của nhiều nước, nhưng Yohanna không khỏi ngạc nhiên khi lần đầu được thử trà Việt Nam và cho biết: “Trà Việt Nam mang hương vị đậm đà. Trà có vị chát khi mới uống, về sau cảm thấy hậu vị ngọt, dư vị trà thơm”.

Sinh viên Philippines mong muốn một lần tới Việt Nam để trải nghiệm thêm nhiều hoạt động văn hoá và ngắm nhìn nhiều cảnh đẹp ở Việt Nam.

Triển lãm cũng mang tới cho bà Larisa Dmitrievna Taradina, Giám đốc Vụ Phát triển quốc tế của Học viện RANEPA, nhiều trải nghiệm.

Đây là lần đầu giảng viên Nga được giới thiệu về văn học hiện đại Việt Nam, về cuốn sách Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu của tác giả Rosie Nguyễn, được in tranh Đông Hồ, đan quạt nan, tìm hiểu về cách pha tra Việt Nam và thưởng thức bánh bao.

Giảng viên Nga cũng đặc biệt ấn tượng tiết mục múa Ngàn năm thư pháp do sinh viên Việt Nam biểu diện. Động tác chấm mực, vẽ nét chữ thư pháp thể hiện bằng ngôn ngữ múa uyển chuyển, đem lại cảm giác mới lạ cho khán giả.

Là người đồng hành, hỗ trợ sinh viên Việt Nam trong quá trình chuẩn bị tổ chức triển lãm, bà Larisa Dmitrievna Taradina đánh giá cao sự sáng tạo, trách nhiệm, linh hoạt, đoàn kết của sinh viên Việt Nam.

Với sức trẻ và sự sáng tạo, sinh viên Việt Nam tại Nga đã giới thiệu “tinh hoa văn hóa dân tộc” của mảnh đất hình chữ S cũng như hơi thở mới của văn hóa hiện đại đã và đang làm nên hình ảnh một Việt Nam hội nhập và phát triển.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

Cô gái đấu tranh cho nạn nhân bị xâm hại tình dục

Bước ra khỏi bóng đen xâm hại tình dục, Amanda Nguyen đã trở thành một trong những biểu tượng của cuộc đấu tranh dân quyền trên toàn cầu.

Năm 2013, khi Amanda Nguyen (gốc Việt) đang là sinh viên năm cuối tại Đại học Harvard (Mỹ), cô đã bị cưỡng hiếp trong ký túc xá. Người phụ nữ gốc Việt vẫn nhớ rõ cô đã cảm thấy bất công như thế nào sau khi phát hiện ra rằng bộ dụng cụ chuyên dùng để thu thập bằng chứng tấn công tình dục (rape kit) có thể bị tiêu hủy chỉ sau 6 tháng.

Cảm giác đó cùng với sang chấn tâm lý trong thời gian tố tụng đã thôi thúc cô thành lập Rise, tổ chức phi lợi nhuận về dân quyền đến nay đã vận động giúp thông qua hơn 65 luật tại Mỹ. Trong đó, "Luật về Quyền của những người sống sót sau khi bị xâm hại tình dục" (một luật cấp liên bang) yêu cầu "rape kit" phải được bảo quản trong tối đa 20 năm, cũng như đảm bảo việc kiểm tra y tế cùng các quyền khác cho nạn nhân.

CEO của Rise cũng tạo ra một sự kiện trình diễn thời trang thường niên có sự góp mặt của các nạn nhân và người ủng hộ họ. Đó là nỗ lực tấn công thẳng vào câu hỏi mà những phụ nữ bị xâm hại tình dục thường xuyên phải đối mặt: "Bạn mặc gì khi chuyện đó xảy ra?".

Và vào năm 2022, sau 6 năm vận động hành lang của Amanda Nguyen và Rise, LHQ đã thông qua nghị quyết đầu tiên trên toàn thế giới công nhận nhu cầu của những người sống sót sau khi bị xâm hại tình dục là quyền con người trong thời bình.

"Mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, dù hùng mạnh đến đâu, đều có một phiếu bầu, và đó là đấu trường mà chúng tôi đã chiến đấu… Có một số nước đã cố gắng cản trở nỗ lực này, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì", cô gái sinh năm 1991 nói với tạp chí Elle của Mỹ trong cuộc phỏng vấn được đăng tải hôm 28.3.

"Ai cũng có thể thay đổi thế giới"

Amanda Nguyen chia sẻ rằng động lực để cô đấu tranh không phải là nỗi giận dữ mà là niềm hy vọng. Một trong những thông điệp mà cô muốn lan tỏa là bất cứ ai cũng đều có thể thay đổi thế giới, cho dù họ đang thực sự cảm thấy lạc lõng.

"Bạn hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt trên thế giới. Bất kể bạn là ai, bạn ở đâu, bạn có nguồn lực gì, bạn đều có thể bắt đầu từ con số 0 trong ngân hàng. Và bạn hoàn toàn có thể viết ra những luật này. Bạn có thể tự viết chúng mà không cần phải là một luật sư", Elle dẫn lời cô.

Cô cũng tiết lộ rằng cô đã tạm gác lại giấc mơ trở thành phi hành gia để xây dựng và phát triển Rise. Song hiện tại cô vẫn đang theo đuổi nghiên cứu liên quan khoa học vũ trụ. Nghiên cứu của cô tập trung vào việc xử lý vấn đề chu kỳ kinh nguyệt trong thiết kế trang phục chuyên dụng cho phi hành gia.

"Hơn 90% những người đã bay vào vũ trụ là đàn ông. Một vài năm trước, kinh nguyệt là lý do được sử dụng để không cho phụ nữ trở thành phi hành gia", cô cho biết. Dù vậy, cô nói nghiên cứu này không chỉ là câu chuyện liên quan đến phụ nữ, mà còn là vấn đề làm sao để cầm máu và làm lành vết thương trong không gian.

Những thành tựu khác

Amanda Nguyen từng được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm 2019, theo thông tin trên website của cô. Cô cũng từng được vinh danh trong các danh sách bao gồm "30 Under 30" (30 nhân vật xuất chúng dưới 30 tuổi) của tạp chí Forbes tại Mỹ năm 2017, "100 Phụ nữ" của BBC năm 2021, "Phụ nữ của năm" của tạp chí TIME năm 2022.

Bộ phim đầu tay của cô trong vai trò đạo diễn Everything I Ever Wanted To Tell My Daughter About Men (Tất cả những điều tôi từng muốn nói với con gái tôi về đàn ông) đã đoạt giải phim hay nhất tại Liên hoan phim Độc lập Cannes năm 2022. Cô cũng từng làm việc tại Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang