Người Việt hải ngoại: Tết sớm ở Ấn; Trường nước ngoài dạy tiếng Việt; Đi chợ nhân sâm ở Hàn; Nhiếp ảnh gia Hứa Như Xuân

TẾT ĐẾN SỚM VỚI CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM Ở ẤN ĐỘ

(Ảnh minh hoạ).

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 7/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức chương trình Tết Cộng đồng năm Quý Mão 2023 – Xuân Quê hương tại trụ sở Đại sứ quán ở thủ đô New Delhi. Hàng trăm người Việt, bao gồm các cán bộ, đại diện doanh nghiệp, sinh viên, tăng, ni … đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ấn Độ đã tham gia buổi gặp mặt ý nghĩa này.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải đã gửi lời chúc Tết tới toàn thể bà con và chúc bà con một Năm Mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.

Nhìn lại một năm đã qua, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nổi bật của Việt Nam cũng như những thành tích mà tập thể Đại sứ quán đạt được góp phần thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó nổi bật là các hoạt động cấp cao: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (tháng 4/2022); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên thăm Ấn Độ (tháng 6/2022); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm Ấn Độ (tháng 6/2022); Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh thăm Việt Nam (lần lượt vào tháng 4 và tháng 6/2022); tổ chức thành công chuỗi Ngày Việt Nam tại Ấn Độ (tháng 12/2022), giúp cộng đồng quốc tế và Ấn Độ hiểu hơn về một Việt Nam đổi mới thành công mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải hoan nghênh những đóng góp và ghi nhận vai trò tích cực của cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ, bày tỏ mong muốn cộng đồng tiếp tục đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống và công việc.

Tại sự kiện, các khách quý được tận hưởng không gian Tết với đào phai, mai vàng, đèn lồng; thưởng thức hương vị Tết với các món ăn cổ truyền, tham gia các trò chơi mang lại tiếng cười sảng khoái, khiến không khí giá lạnh dưới 10 độ C ở New Delhi trở nên ấm áp. Bà con cộng đồng cùng các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đã tích cực hưởng ứng chương trình và đóng góp nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Việt.

Sự kiện Tết Cộng đồng năm Quý Mão 2023 - Xuân Quê Hương đã diễn ra trong bầu không khí vui tươi, sôi động, đầm ấm, đậm đà bản sắc dân tộc Việt và làm sâu sắc thêm tình yêu dành cho đất nước của những người con xa xứ.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

KHI TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI DẠY TIẾNG VIỆT

Dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ, đã trở thành phong trào ngày càng sôi động.

Riêng tại Mỹ có khoảng 200 trung tâm, cơ sở dạy tiếng Việt trong khi số lớp học tiếng Việt tại Thái Lan là 39 lớp. Số trung tâm dạy tiếng Việt ở Campuchia và Lào lần lượt là 33 và 13 - theo thống kê của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào cuối năm 2022.

Trang Spartan Newsroom, do Trường Báo chí thuộc Trường ĐH bang Michigan (MSU - Mỹ) điều hành, nhận định chương trình tiếng Việt tại Trường Ngôn ngữ cộng đồng (CLS) của MSU gây được tiếng vang.

Tiếng Việt là một trong 8 khóa học ngôn ngữ được cung cấp thông qua CLS. Trong số những người theo học có Peter Truong, người Mỹ gốc Việt và hiện là sinh viên năm nhất của MSU.

Peter Truong lớn lên trong gia đình có cha mẹ đến từ Việt Nam, anh nói được tiếng Việt nhưng không biết đọc, viết. Do đó, anh từng đăng ký học các khóa tiếng Việt thông qua CLS vào mùa thu năm 2020 (từ tháng 9 đến 12) và mùa xuân năm 2021 (từ tháng 3 đến 5).

Cũng là sinh viên MSU, Elijah Savoie học tiếng Việt để... nói chuyện dễ hơn với cha mẹ của bạn gái, vốn là người gốc Việt. Cá nhân Savoie cảm thấy khó bắt kịp khi hầu hết các bạn cùng lớp là người Việt, từng nói tiếng Việt khi còn nhỏ. Tuy nhiên, anh chàng vẫn kiên trì theo học chương trình này, bao gồm các khóa học trực tuyến về học nói, nghe, viết và đọc.

Các lớp học tiếng Việt tại Trường ĐH Brown (bang Rhode Island) và Trường ĐH Princeton (bang New Jersey) cũng thu hút nhiều sinh viên người Mỹ gốc Việt, với các lớp học trình độ sơ cấp và trung cấp được dạy qua Zoom.

Theo The Daily Princetonian (tờ báo của Trường ĐH Princeton) và The Brown Daily Herald (tờ báo của Trường ĐH Brown), việc mở lớp tiếng Việt này dựa theo đề nghị của sinh viên từ năm 2019. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 khiến lớp học bị gián đoạn, mãi đến năm 2022 mới được tổ chức.

Phần lớn sinh viên theo học muốn hiểu hơn về văn hóa, ngôn ngữ gốc gác của mình. Do đó, ngoài dạy ngữ pháp, từ vựng cơ bản cho người mới bắt đầu và đọc, viết cho khóa trung cấp, sinh viên được hỗ trợ để giao tiếp tốt trong các tình huống thực tế. Nhiều diễn giả gốc Việt được mời đến lớp để sinh viên có cơ hội trò chuyện. Những giảng viên có kinh nghiệm dạy tiếng Việt và nhiệt tình được mời tham gia nhằm giúp người mới bắt đầu học.

Quay trở lại khu vực gần Việt Nam, tháng 9-2022, Trường ĐH Hoàng gia Phnom Penh ở Campuchia thành lập Khoa Việt Nam học. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng quyết định này sẽ khuyến khích người dân Campuchia hướng quan tâm tới Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân Campuchia sống ở các tỉnh biên giới, thúc đẩy thương mại và tạo cơ hội việc làm.

Tại Thái Lan, theo TTXVN, ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), đã kiến nghị Trường ĐH Hoàng gia Rajabaht mở thêm khóa giảng dạy tiếng Việt bên cạnh các môn chuyên ngành nhằm thu hút con em người Việt.

(Nguồn: Người Lao Động)

MẸ VIỆT Ở HÀN QUỐC KỂ CHUYỆN ĐI CHỢ NHÂN SÂM LỚN NHẤT XỨ SỞ KIM CHI, HÀNG BÀY LA LIỆT NHƯ KHOAI LANG NHIỀU ĐẾN CHOÁNG NGỢP

(Ảnh minh hoạ).

Chợ sâm quốc tế Geumsan nằm ở tỉnh Chungnam. Đây được xem là chợ sâm lớn và nổi tiếng nhất Hàn Quốc.

Từ lâu, Hàn Quốc đã nổi tiếng với nhiều loại sâm và dược liệu nhằm giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường thể lực và cả chữa bệnh. Nhiều du khách đến xứ sở kim chi thường mua sâm về làm quà biếu người thân, bạn bè. Vậy nếu đến Hàn Quốc du lịch thì du khách nên mua sâm ở đâu để đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý?

Chị Hương Trần, một phụ nữ Việt sống ở Hàn Quốc, đã có những chia sẻ thú vị về một khu chợ bán sâm nổi tiếng và lớn nhất Hàn Quốc. Đây được coi là đầu mối cung cấp sâm cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

Trong đoạn video đăng tải hồi tháng 12 trên kênh YouTube Hương Trần TV, chị Hương đã cho mọi người được "mở rộng tầm mắt" về khu chợ bán sâm nổi tiếng này.

Chị Hương cho biết: "Chợ sâm quốc tế Geumsan (금산) nằm ở tỉnh Chungnam. Đây được xem là chợ sâm lớn và nổi tiếng nhất Hàn Quốc. Geumsan là vùng trồng nhiều sâm và là nơi sâm có chất lượng tốt nhất ở xứ sở kim chi. Các loại sâm được bán đi các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam mình, đều có nguồn gốc từ chợ này. Hôm nay mình đã di chuyển quãng đường hơn 170 km đến đây để mua sâm. Cuối tuần mình sẽ về thăm Việt Nam nên mình muốn mua sâm làm quà cho mọi người".

"Nhân sâm là loại thuốc bổ có tác dụng bồi bổ cơ thể rất tốt nên được rất nhiều người yêu thích và sử dụng. Ở Hàn Quốc có nhiều chợ sâm nhưng Geumsan là vùng trồng và bán sâm nổi tiếng nhất. Vào tháng 10 hàng năm thường có lễ hội sâm được tổ chức và thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Sâm ở đây có nhiều loại với nhiều giá khác nhau cho người mua thoải mái lựa chọn", chị nói thêm.

Được biết, chợ Geumsan chỉ bán củ sâm tươi, không bán các sản phẩm liên quan đến sâm như sâm khô, sâm cô đặc hay hồng sâm (nhân sâm tươi được sấy khô theo quy trình công nghệ hiện đại).

"Chị bạn mình nói đùa bảo sâm ở đây bán như khoai ấy. Tha hồ lựa chọn. Mùi sâm thơm nức mũi", chị Hương nói.

Chị Hương cũng được người bán cho biết sâm đất đỏ thì đắt hơn sâm trắng. Ở chợ này, sâm không bán theo cân. Giá cả cũng được ghi sẵn trên từng loại, mỗi cửa hàng ra giá khác nhau. Những củ sâm to, đẹp màu hơi đỏ sẽ đắt hơn loại sâm nhỏ, xấu. Tất nhiên, mọi loại hàng đều có thể mặc cả được.

Chị nói: "Ở đây người ta không bán theo kg mà theo một đơn vị đo lường riêng của Hàn Quốc (근 - giống như từ 'cân' theo cách gọi của người Việt). Tuy nhiên, cách tính cũng khác nhau tùy theo mặt hàng. Ví dụ ở đây, 1 đơn vị ấy là 750 gram nhưng ở chợ hải sản, nó lại tương đương 400 gram. Vậy nên, trước khi mua bạn cần hỏi kỹ trước để tránh hiểu nhầm.

Ở khu nhà mình hoặc nhiều nơi khác cũng trồng được sâm nhưng sâm ở chợ Geumsan vẫn có chất lượng tốt nhất. Vậy nên, các loại sâm dùng để làm mỹ phẩm hoặc thuốc thì đều xuất phát từ vùng đất Geumsan này. Hôm nay mình đi vào thứ 6 nhưng nếu đến vào thứ 7, chợ còn tấp nập hơn".

Trên trang du lịch This Is Korea Tours, chợ Geumsan cũng được giới thiệu là thị trường nhân sâm lớn nhất ở Hàn Quốc, nắm giữ 80% thị phần nhân sâm của quốc gia này.

Cùng với ngành công nghiệp nhân sâm khổng lồ, Geumsan cũng đang nổi lên như thị trường thuốc thảo dược lớn nhất Hàn Quốc.

Sản phẩm ở đây rẻ hơn 20-50% so với nơi khác. Thương lái thường đến họp chợ vào các ngày mùng 2, 7, 12, 17, 22 và 27 hàng tháng, bắt đầu từ 2 giờ sáng.

(Nguồn: Kenh14)

NHIẾP ẢNH GIA GỐC VIỆT HỨA NHƯ XUÂN: TIẾP NỐI NGUỒN CỘI BẰNG NHỮNG BỨC ẢNH CŨ CỦA GIA ĐÌNH

Nữ nhiếp ảnh gia tài năng Hứa Như Xuân đã tạo nên một tác phẩm bằng những chất liệu quá khứ với mong muốn kết nối nguồn cội của gia đình.

Từ một tài năng từng hợp tác với nhiều đơn vị quốc tế uy tín như Maison Margiela, Dior, Kenzo hay tạp chí Time, Financial Times, nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Việt Hứa Như Xuân đã xây dựng cho mình một buổi triển lãm riêng với tên gọi "Hug of a swan" (tạm dịch là "Cái ôm của thiên nga") tại bảo tàng Huis Marseille, Amsterdam, Hà Lan.

Để nói về sự nghiệp của nhiếp ảnh gia này, không thể nào bỏ qua dự án cá nhân "Tropism: Consequences of a Displaced Memory", được phát hành vào tháng 9/2022.

Đó là bộ sưu tập những bức ảnh về gia đình của chính cô sau khi được xử lý kỹ thuật số: Những người họ hàng không rõ khuôn mặt, những hình bóng mờ nhạt, tất cả đã làm nổi bật sự vô hình trong quá khứ và sự huyễn hoặc của những điều xưa cũ - như tạp chí i-D mô tả.

Quan trọng hơn, thông điệp xuyên suốt của tác giả là một bài ca vinh danh sức mạnh phụ nữ Á Đông.

Dưới đây là bài phỏng vấn của i-D với Hứa Như Xuân.

Hãy chia sẻ về con đường trở thành một nhiếp ảnh gia của bạn?

Bố mẹ tôi đều là người Việt Nam. Tôi sinh ra và học tập tại Pháp nhưng lại cảm thấy quen thuộc hơn với London (Anh), nơi tôi chuyển đến sống vào năm 2012. Theo thời gian, tôi nhận ra rằng không phải cứ gắn bó lâu dài với một nơi mới là tốt và việc phát triển ở những nơi khác nhau sẽ mang lại nhiều thứ hơn.

Tôi lớn lên ở vùng ngoại ô và là người châu Á duy nhất trong trường cấp hai. Khi bạn muốn hoà nhập nhưng lại bị người khác nói là khác biệt, bạn thường từ chối bản chất của mình. Và cách để hòa nhập ở đây là xem mình như một người da trắng.

Ở Pháp, mọi người thường dạy rằng bạn hãy quên đi nơi bạn đến. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng cảm thấy như mình lớn lên ở London, bởi vì nơi này đã cho tôi rất nhiều điều. Ở đây, tôi phát hiện ra ý nghĩa thực sự của một cộng đồng là đoàn kết: làm việc với một nhóm sẽ tốt hơn là làm một mình.

Tôi đã học nhiếp ảnh ở trường 2 năm để có một nền tảng kỹ thuật. Thực tế, tôi muốn thực hành ngay lập tức và tạo ra điều gì đó với bộ óc sáng tạo thật khác biệt, và tôi muốn chứng minh với bố mẹ mình có thể kiếm tiền từ việc đó. Tôi tự nhủ bản thân sẽ trở thành một nhiếp ảnh gia ở tuổi 25.

Và ngay trước sinh nhật lần thứ 25 của mình, tôi đã có được công việc đầu tiên: Chụp bộ sưu tập cho một thương hiệu. Đó là công việc rất nhỏ, nhưng tôi vô cùng hạnh phúc vì điều đó có nghĩa là tôi đã chứng minh mình làm được.

Có một số tham chiếu văn hoá đáng chú ý trong tác phẩm của bạn, làm thế nào mà những thứ đó định hình suy nghĩ của bạn?

Tôi bắt đầu dự án cá nhân của mình, "Tropism: Consequences of a Displaced Memory", dựa trên những bức ảnh của gia đình. Bộ sưu tập này được đặt theo tên cuốn sách "Tropisms" của Nathalie Sarraute, trong đó, bà ấy đã nghiên cứu về ý thức nội tâm và cách nó gợi nhớ những khoảnh khắc trong quá khứ.

Còn ở hiện tại, tôi đang đọc một cuốn sách khác của tác giả Việt Nam với nội dung về chủ nghĩa nữ quyền. Trong chương cuối cùng với tên gọi "Những câu chuyện của bà", tác giả đã nói về mối quan hệ giữa những người phụ nữ và ngôn từ.

Bà tôi qua đời chỉ một ngày sau cuộc triển lãm của tôi và tôi đã nghĩ về những câu chuyện đời của bà mà tôi chưa từng được nghe, tôi lớn lên trong ngôi nhà không có những lời kể như thế.

Ngoài việc tìm kiếm những câu chuyện trong gia đình, bạn còn quan tâm đến những điều gì khác?

Gia đình tôi ở nhiều nơi khác nhau và tôi bắt đầu từ cha mẹ mình. Khi đó là năm 2016, lần đầu tiên tôi về Việt Nam sau khi trưởng thành. Ngay khi đến nơi, tôi đã nhận thấy một mối liên kết khó giải thích: Mùi hương trong không khí, hơi nóng khi bước xuống máy bay. Khi qua cổng an ninh, nhân viên đã đọc tên tôi một cách chính xác, điều đó có ý nghĩa lớn.

Vì sợ hãi rằng câu chuyện về gia đình sẽ biến mất, nên tôi muốn kết nối mọi thứ với nhau, từ những thành viên trong gia đình đến các thế hệ tương lai. Tôi đã có suy nghĩ rằng: biết đâu đây sẽ là chất liệu cho sản phẩm trong tương lai. Nhưng sau tất cả, tôi biết mình cần phải làm như vậy, nghiên cứu về sự dịch chuyển của ký ức. Đó là cách mà dự án ra đời.

Làm thế nào mà bạn tìm ra phương hướng thẩm mỹ cho nghiên cứu của mình?

Làm mọi thứ một cách hoàn hảo, đó là tư tưởng của gia đình tôi. Bố mẹ luôn thúc giục con cần phải cố gắng hết sức và trở thành người giỏi nhất. Điều đó tạo cảm giác như thể tất cả những gì bạn làm vẫn chưa đủ. Bởi vì họ đã cho tôi mọi thứ, nên tôi cần đền đáp bằng những điểm số tốt nhưng sự thật là tôi không thông minh như họ mong muốn.

Tôi luôn thích việc nghiên cứu và khai thác thông tin từ mọi người. Vì thế, đối với tôi, mỗi dự án thời trang là một cơ hội để học hỏi điều gì đó. Tôi sẽ chọn một chủ đề, sau đó đọc sách, báo, nghiên cứu hình ảnh trên các thư viện hoặc các bộ phim nhưng lại ít khi tham khảo từ các tạp chí thời trang khác.

Bạn có thể nói về việc mở rộng những thành phần nhiếp ảnh cho công việc trưng bày của mình không?

Tôi thích có sự trao đổi, chia sẻ và truyền tải những câu chuyện. Mỗi phòng trong tổng số 4 phòng trưng bày đều được phát một bản nhạc. Những bài hát ban đầu sẽ được thể hiện bằng ngôn ngữ gốc nhưng sau đó lại hát bằng lời Việt. Tôi thấy nó thú vị, theo một cách tích cực. Bạn có thể nghe bản nhạc này và tự cô lập mình trong thế giới riêng, ngăn cách bản thân bằng một chiếc tai nghe.

Có điều gì đặc biệt được tạo ra cho lần triển lãm này?

Mọi thứ đều nằm trong khoảng thời gian từ 2016 đến nay, mỗi phòng đều có bầu không khí riêng với màu xanh ngọc bích và xanh da trời. Một căn phòng về tình mẫu tử và sinh nhật, liên quan đến các ngày lễ kỷ niệm. Căn phòng thứ hai có tên Temple Room, mang phong cách nghệ thuật Baroque (một phong cách nghệ thuật bắt nguồn từ Phục Hưng Ý vào khoảng năm 1600 tại Rome, sau đó lan ra khắp châu Âu và cả những thuộc địa ở Tân thế giới cho tới cuối thế kỷ 18).

Bạn có cảm thấy những sự thay đổi lớn trong thể hiện văn hoá (gần đây) không, hay đó chỉ là sự thay đổi mờ nhạt?

Gần đây tôi đã xem bộ phim "Everything Everywhere All at Once" (Cuộc chiến đa vũ trụ). Thật tuyệt vời khi nhìn thấy nhiều gương mặt châu Á xuất hiện hơn. Tôi có một kỷ niệm khi đi xem phim "Mộc Lan" ở rạp, đó là lần duy nhất tôi nhìn thấy nhân vật châu Á xuất hiện trong một bộ phim hoạt hình. Tôi rất vui vì ngày nay, tất cả trẻ em đều có thể nhìn thấy những người giống như chúng trong một bộ phim.

Lý do khiến tôi rời Paris là vì cảm thấy mình bị đánh giá thấp. Khi còn bé, tôi thường phải giữ im lặng trước nhiều việc nhưng tôi đang cố gắng có được sự tự tin để lên tiếng. Và tôi sẽ lên tiếng bằng tác phẩm của mình.

(Nguồn: Afamily)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Đón Tết ở Úc; Vui Tết cộng đồng ở Campuchia; Giải bóng đá ở Nga; Vụ 39 tử thi ở Anh ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang