Người Việt hải ngoại: Quảng bá văn hóa ở Washington; Tết ở California; Tiếng Việt 'chắp cánh' tại Áo; Trồng 'vàng xanh' ở Phi

Quảng bá văn hóa Việt Nam giữa thủ đô Mỹ

Bà Erin Phương Steinhauer, nhà đồng sáng lập Tổ chức Vietnam Society, tin rằng văn hóa - nghệ thuật là cầu nối hướng tới quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn giữa Việt Nam và Mỹ.

Ấn tượng về hiệu ứng của lễ hội hoa anh đào hằng năm tại thủ đô Washington D.C của Mỹ với hàng ngàn cây anh đào do Nhật Bản trao tặng từ năm 1912, nữ doanh nhân gốc Việt Erin Phương Steinhauer quyết định phải làm gì đó để bắc cầu văn hóa giữa Việt Nam và quê hương thứ 2 của mình.

"Hoa anh đào, thiền, phim hoạt hình tràn ngập những khu vực Đồi Capitol vào mỗi dịp xuân về và các lễ hội luôn đông nghẹt. Khi nhìn thấy châu Á ở đất nước này, chúng ta thường thấy Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Đó là những nền văn hóa lớn, nhưng nền văn hóa của Việt Nam cũng lớn như thế", bà chia sẻ về nguồn cảm hứng khiến bà cùng chồng là ông Peter Steinhauer thành lập Tổ chức Vietnam Society.

Thay đổi góc nhìn

Tại Washington D.C, Vietnam Society năm 2023 tổ chức thành công sự kiện Vietnam Week (Tuần Việt Nam) lần thứ 2, sau khi sự kiện năm 2022 gây tiếng vang lớn trong cộng đồng người Việt cũng như các cộng đồng khác tại Mỹ.

Sự kiện lần 2, diễn ra vào cuối tháng 9, cũng nhằm tôn vinh văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam với các hoạt động chiếu phim, thảo luận về sách, giới thiệu ẩm thực Việt và các hoạt động khác. Phân nửa chợ Đông tại Đồi Capitol được dùng làm nơi giới thiệu về ẩm thực Việt. Vietnam Week lần 2 diễn ra vào mùa thu và Vietnam Society còn mang đến không khí tết Trung thu Việt Nam với nhiều hoạt động như rước đèn ông sao, đèn cá chép và thưởng thức bánh trung thu.

Theo đầu bếp Kevin Tien tại nhà hàng Việt Moon Rabbit ở Washington D.C, nhiều người Mỹ khi nói về Việt Nam thì một trong những điều đầu tiên họ nghĩ đến là chiến tranh. Chính vì thế, những sự kiện trên là cơ hội để thay đổi góc nhìn của người Mỹ về Việt Nam.

Giới thiệu văn hóa

Trên tinh thần đó, đầu bếp Tien và bà Phương nằm trong số nhiều người gốc Việt muốn mọi người có cái nhìn thêm về Việt Nam, thông qua văn hóa. Tại nhà hàng Moon Rabbit, anh Tien giới thiệu các món cơm lá dứa, cà phê Việt, cách mà bà của mình làm món cá kho tộ. Đó là những gì anh muốn gửi gắm, để những người ở Mỹ hiểu hơn về quê hương anh. Tương tự, bà Phương cũng muốn người Mỹ hiểu nhiều hơn về nền văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam, chứ không đơn thuần là những ấn tượng về chiếc nón lá, ruộng đồng và hậu quả chiến tranh.

Bà Phương là hậu duệ của danh nhân Phạm Phú Thứ, vị quan triều Nguyễn có nhiều đóng góp trong quá trình khai hoang và đặc biệt là bang giao với phương Tây vào thế kỷ 19. Bà cho biết kim chỉ nam của Vietnam Society, thành lập hồi đầu năm 2021, là tăng cường hiểu biết văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ.

"Chúng tôi tin tưởng rằng nỗ lực này sẽ nâng cao hơn nữa hiểu biết về Việt Nam của những người Mỹ, thay đổi tư duy Việt Nam chỉ nhắc tới cuộc chiến tranh, sang Việt Nam như một đất nước có bề dày 4.000 năm lịch sử. Những điều chúng tôi làm cũng sẽ giúp hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống trên đất nước Mỹ có cơ hội kết nối và gắn bó với di sản và cội nguồn văn hóa của mình", theo các nhà sáng lập tổ chức.

Cụ thể, Vietnam Society tập trung quảng bá về những truyền thống đã được hình thành từ nhiều thế kỷ của Việt Nam cũng như giới thiệu hình ảnh của một Việt Nam tươi mới và đầy màu sắc, tập trung vào các lĩnh vực nghệ thuật, phim ảnh, văn học và ẩm thực. "Chúng tôi kết nối các cộng đồng thông qua việc tụ hội những người chia sẻ sự trân trọng đối với Việt Nam để cùng thưởng lãm những truyền thống lâu đời và phương hướng nghệ thuật đương đại của đất nước. Chúng tôi cũng kết nối các cộng đồng đam mê nghệ thuật với nhau và với các khán giả quốc tế", theo Vietnam Society.

Tết ở California: văn hóa truyền thống và thể thao

Không khí Tết Nguyên đán ở California vừa ấm cúng, quen thuộc với bánh chưng, bánh tét, lại vừa mới lạ với bóng đá kiểu Mỹ. Mời bạn đọc cùng thưởng thức một chút không khí Tết ta ở xứ cờ hoa.

Tết Giáp Thìn năm nay, theo dương lịch, nhằm ngày thứ Bảy 10/2. Cuối tuần qua có những sinh hoạt văn hóa châu Á tại các thành phố San Francisco, San Jose, Oakland ở miền bắc California, là những nơi có đông người Việt sinh sống. Sau mưa giông kéo dài đã có nắng lên nên từ đêm giao thừa và trong hai ngày đầu năm nhộn nhịp với sinh hoạt đón Tết.

Tối giao thừa, thiện nam tín nữ đến chùa khấn Phật, hái lộc đầu năm, xin xăm trong tiếng pháo nổ rền vang đón mừng năm mới. Nhiều nhà thờ cũng có thánh lễ để kính nhớ tổ tiên. Tôi dự lễ giao thừa mang nhiều sắc thái Á Đông tại nguyện đường trường thần học Dòng Tên tại Berkeley với một trăm khách, nhiều sinh viên người Hoa, Hàn và Việt có văn hóa truyền thống đón mừng Tết Âm lịch nên có nghi thức dâng hương, hoa trái để tưởng nhớ tổ tiên và các lời cầu nguyện bằng tiếng Anh, Hoa, Pháp, Hàn, Tây Ban Nha, Swahili và Việt. Nhà thờ gần nơi gia đình tôi sinh sống, cộng đoàn Việt Nam cũng có lễ đón giao thừa, hái lộc và đốt pháo.

Tối mùng Một, anh em trong nhà sum họp. Theo truyền thống, trước bữa ăn u tôi xướng kinh cho con cháu chắt cùng dâng lời cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà và những người thân đã khuất.

Sang ngày Chủ nhật, mùng Hai Tết, mọi người tụ họp xem qua màn hình ti vi trận Super Bowl tranh cúp vô địch bóng cà-na giữa đội San Francisco 49ers và đội Kansas City Chiefs tại sân vận động Allegiant ở thủ đô cờ bạc Las Vegas. Đúng lúc khai mạc trận đấu, chúng tôi đốt một tràng pháo đón Tết và reo mừng ủng hộ đội nhà 49ers.

Nếu sống ở vùng Vịnh San Francisco, hôm nay bạn sẽ thấy nhiều gia đình gốc Á họp mặt ăn Tết cùng sinh hoạt thể thao. Đón tết mà sao lại có thể thao trong đó? Có lẽ đây là nét giao duyên tình cờ, nhưng mang nhiều ý nghĩa giao lưu giữa văn hóa thể thao Mỹ và truyền thống đón tết của cộng đồng người gốc Hoa, gốc Việt hay gốc Hàn.

Super Bowl có từ năm 1967, là trận chung kết hằng năm của môn bóng cà-na. Với 32 đội banh trên toàn quốc, bắt đầu với vòng loại theo vùng miền diễn ra vào tháng Chín, kéo dài cho đến cuối tháng Giêng hay đầu tháng Hai là Super Bowl, thường trùng vào thời điểm Tết Âm lịch. Đã có nhiều năm tết về đúng vào Chủ nhật Super Bowl nên nhiều gia đình vừa họp mặt ăn tết vừa xem đấu bóng cà-na trực tiếp trên truyền hình.

Năm nay Super Bowl lần thứ 58 là cuộc thi đấu giữa SF 49ers và KC Chiefs, đương kim vô địch, vào chiều mùng Hai Tết. Vùng Vịnh San Francisco vắng xe ngoài đường, còn trong nhà và quán bia rượu lại sôi động lên vì bốn năm trước hai đội cũng đã vào chung kết và KC thắng SF 31-20. Thị trường đánh cá thể thao hơn 20 tỉ đôla tiên đoán đội 49ers năm nay sẽ thua.

Ba môn thể thao mang tính đại chúng ở Hoa Kỳ là bóng chày, bóng rổ và bóng cà-na. Trận Super Bowl mỗi năm được đông người chú ý nhất, theo ước tính năm nay có 126 triệu người Mỹ xem trực tiếp trên truyền hình và một nửa số đó tham gia đánh cá ít nhiều.

Anh em trong gia đình và bạn đến chơi có người đặt cược KC Chiefs, có người mong SF 49ers thắng, trong đó có tôi. Trò chơi đỏ đen với thể thao còn có cá cược mà nhiều người có thể tham gia là chơi ô, ai trúng hai số cuối điểm mỗi đội sau khi hết từng hiệp đấu sẽ thắng. Tùy theo ít nhiều, một ô có giá vài đôla. Những năm trước anh em định giá 2 đô 50 xu mỗi ô, tổng cộng tiền góp vào là 250 đôla. Năm nay, kinh tế đang phát triển, lạm phát xuống nên tăng lên 5 đô một ô. Ai trúng hiệp nhất, hiệp nhì hay hiệp ba thì được 100 đô. Còn lại 200 đô cho hiệp cuối cùng khi có kết quả thắng thua.

Đội 49ers đã 5 lần đạt chức vô địch. Tôi còn nhớ lần đầu khi đội nhà thắng Super Bowl 1982 với cầu thủ nổi tiếng Joe Montana làm cả ký túc xá reo mừng. Lúc đó thành phố Oakland bên cạnh có đội Raiders cũng làm mưa gió trên sân vận động, nhưng tôi vẫn thích đội San Francisco hơn. Có thể nói vùng Vịnh San Francisco là thủ đô thể thao của Hoa Kỳ vì có các đội tuyển bóng cà-na, bóng rổ và bóng chày.

Đến Mỹ năm 1975, sau bảy năm tôi mới hiểu được luật chơi và sự hấp dẫn từng phút, từng giây của bóng cà-na (người Mỹ gọi là “football”), mà có người gọi là bóng bầu dục hay bóng chổng mông vì 11 cầu thủ trên sân khi dàn binh là trong thế đứng chổng môn. So với bóng đá mà người Mỹ gọi là “soccer”, banh cà-na có nhịp độ chơi trên sân chậm hơn nhiều, nhưng bạo lực hơn, dễ gây thương tích trên thân và đầu.

Lễ Thanksgiving đầu tiên, đến nhà một người trong xứ đạo ăn tiệc, tiếng Anh còn lõm bõm nên nghe hỏi ở quê nhà Việt Nam có “football” không, tôi hiểu đó là bóng đá nên trả lời “yes” mà chưa biết gì về môn thể thao truyền thống này của nước Mỹ. Sáng đi học ESL ngang qua sân vận động trường cấp ba thấy mấy học sinh đội nón bảo hiểm cứ chạy rồi húc đầu, cố xô đẩy những tấm ván do hai bạn cầm mà không biết các em đang tập cái gì.

Hè 1983, tôi rời nước Mỹ qua châu Phi dạy học và có mang theo một áo sơ mi in hình biểu tượng 49ers màu đỏ. Trong những lúc trò chuyện, trao đổi văn hóa với học sinh, kể chuyện cách chơi bóng cà-na, mà tiếng Mỹ gọi là football, đồng tự với tiếng Pháp nhưng môn thể thao này hoàn toàn khác với sự hiểu biết của các em. Football trong tiếng Pháp là bóng đá, với FIFA World Cup diễn ra mỗi bốn năm mà hầu như cả thế giới đều biết đến. Còn ở Mỹ, football chỉ là môn thi đấu nội địa, dù có chơi ở Canada, Anh, Brazil và Nhật nhưng không được biết đến nhiều. Tôi miêu tả cầu thủ đội nón bảo hiểm, ôm banh chạy chứ không đá, rồi húc nhau như chọi trâu, đè nhau như chơi đô vật hay ném banh cho đồng đội bắt làm các em ôm bụng cười, nói football gì mà không dùng cẳng, chỉ dùng tay hay dùng đầu. Vì thế các em gọi đó là “football americain” để phân biệt với môn bóng đá trên sân cỏ.

Đến nay danh từ “football” đối với một số sinh viên trong lớp xác suất thống kê của tôi vẫn mang ý nghĩa là môn bóng đá, như tôi đã hiểu khi vừa đặt chân đến Mỹ. Cuối tháng trước, khi vào học kỳ mùa xuân, bài tập đầu tiên của lớp là một bản khảo sát ý kiến với nhiều câu hỏi, có câu: “Which one is your favorite football team?” – Đội banh cà-na nào bạn yêu thích nhất? – thì đa số trả lời 49ers, cũng có em chọn Broncos, Patriots, Raiders hay Cowboys mà trong đội có Đạt Nguyễn là cầu thủ trong nhiều năm. Ngạc nhiên khi thấy có em chọn Argentina, Morocco hay Cameroon là những đội tuyển gây tiếng vang trong World Cup gần đây và rồi tôi hiểu ra có thể các em mới đến Mỹ. Lớp chỉ học qua mạng, không biết mặt sinh viên nhưng qua câu trả lời tôi đoán các em chưa biết nếp sống Mỹ, chưa quen sinh hoạt vùng Vịnh San Francisco, nên hiểu từ “football”, là môn bóng đá, như tôi đã hiểu cách đây gần nửa thế kỷ khi cũng vừa đến Mỹ định cư.

Trận Super Bowl lần thứ 58 vào chiều Chủ nhật 11/2 đã diễn ra sôi nổi với SF 49ers dẫn điểm 10-3 khi hết hiệp hai và bước qua phần trình diễn âm nhạc mà nhiều người chờ đợi thưởng thức với Usher, Ludacris, Dupri, Jon.

Báo chí trong nước năm ngoái đưa tin ca sĩ Tuấn Hưng được mời biểu diễn trong Super Bowl. Rồi đầu năm lại có tin ba bốn nhóm nghệ sĩ Việt được mời biểu diễn trong Super Bowl Tailgate mà làm như sân khấu vĩ đại cho hàng trăm triệu khán giả thưởng thức. Tôi biết là kiểu đưa tin nổ như pháo đùng của báo Việt Nam, vì những màn trình diễn tại Super Bowl toàn là những siêu sao Mỹ, từ Timberlake, Lady Gaga, J. Lo. cho đến Beyonce, Rihanna, Emiem thì ca sĩ Việt Nam là ai mà có chỗ đứng trên sân khấu đó.

Qua hai hiệp sau cùng, đội nhà chơi kém đi nhưng cũng giữ huề 19-19 cho đến hết hiệp thứ tư. Đấu thêm giờ, theo qui luật trong vòng 15 phút nếu đội nào đem bóng vào được vùng chiến thắng – touchdown – trước thì đương nhiên thắng. SF 49ers đá vào được thêm 3 điểm, nhưng rồi KC Chiefs đem được bóng vào vùng thắng điểm, đưa tỉ số lên 25-22 để giữ chức vô địch hai năm liên tiếp.

Thế là hết Tết và mùa banh cà-na sôi động nhất nước Mỹ cũng chấm dứt. Sau mấy tiếng đồng hồ xem thể thao và ăn nhậu, với người Mỹ là bia Bud cùng BBQ; với người Việt là bánh chưng, bánh tét, dưa món, củ kiệu, bê thui, tiết canh, lòng dồi và uống rượu đón tết.

Sau ăn nhậu, vui chơi xem thể thao ai cũng mong ngày hôm sau không phải đi làm. Nhiều người Mỹ đã lên tiếng đề nghị lập pháp Hoa Kỳ chọn ngày thứ Hai sau trận Super Bowl là ngày lễ nghỉ trong năm. Nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Đội Chiefs chiến thắng, tên tuổi của cầu thủ Travis Kelce lại nổi lên không chỉ vì là cầu thủ tuyệt vời mà còn vì anh có cô ca sĩ tình nhân Taylor Swift với 14 giải âm nhạc Grammy vừa bay về sau sô diễn ở Tokyo để kịp dự khán trận chung kết, ủng hộ cho KC Chiefs. Họ là đôi tình nhân hạnh phúc nhất trong ngày diễn hành chiến thắng ở Kansas City, Missouri.

Tết qua rồi. Ngày Tình nhân sắp đến. Chúc bạn đọc tràn ngập yêu thương.

Tiếng Việt ‘chắp cánh’ tại Áo

Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt đã nhận được sự ủng hộ và đồng lòng của đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài. Nỗ lực tổ chức lớp học tiếng Việt, hay xây dựng tủ sách Việt đưa vào thư viện nước sở tại chính là cách mà cộng đồng người Việt ở Áo hưởng ứng mạnh mẽ tinh thần ấy.

Tháng 12/2023, những cuốn sách tiếng Việt xinh xắn đã được đưa lên kệ sách ở Thư viện Kinderbücherei der Weltsprachen (Thư viện sách thiếu nhi dành cho sách ngôn ngữ trên toàn thế giới) tại quận 14 của thủ đô Vienna.

Ý tưởng này đến từ những phụ nữ Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Áo. Thành công bước đầu của họ có sự ủng hộ lớn từ Đại sứ quán Việt Nam cùng bà con trong cộng đồng…

Đưa sách tiếng Việt vào thư viện Áo

Đã thành truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc luôn được cộng đồng người Việt ở Áo lưu giữ, bên cạnh việc hội nhập tốt vào xã hội, tạo ra các giá trị đóng góp vào nền kinh tế và làm giàu thêm cuộc sống văn hóa của quốc gia này.

Những năm qua, Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt tại đây đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hoá truyền thống, gìn giữ tiếng Việt, nhằm giáo dục thế hệ trẻ người Việt ở Áo hướng về nguồn cội.

Chia sẻ với TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên khẳng định việc ra đời Ngày Tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, bởi tiếng Việt là phương tiện gắn kết với người Việt ở mọi quan hệ, vùng miền, giữa thế hệ trước với thế hệ sau…

Tuy nhiên, cũng theo Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, việc dạy tiếng Việt đang gặp ở thách thức lớn ở Áo, đặc biệt đối với các thế hệ người Việt thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên tại đây. Đại sứ quán luôn nhận thức một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác cộng đồng là vận động bà con quan tâm đến việc học tiếng Việt, cũng như làm sao thuyết phục bà con hiểu rõ được tầm quan trọng ấy.

Đại sứ chia sẻ: “Bà con rất yêu nước và luôn trăn trở với việc gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ sau. Có những bố mẹ rất cố gắng để các con đến nhà nhau cùng nói tiếng Việt. Tuy nhiên, cũng có những gia đình chưa làm được điều này”.

Nắm bắt được thực trạng ấy, Đại sứ quán cố gắng liên kết với các hội đồng hương, hội thanh niên, sinh viên… và đặc biệt là Hội Phụ nữ Việt Nam tại Áo. Bởi các chị chính là những người gần gũi nhất trong việc nuôi dạy con, gìn giữ các giá trị truyền thống, trong đó có tiếng Việt.

Như vậy, dự án đã có được thành công bước đầu. Hội Phụ nữ Việt Nam tại Áo mong muốn trong thời gian tới, sách tiếng Việt sẽ có mặt ở nhiều thư viện tại các quận khác, đặc biệt là Thư viện quốc gia Áo.

Theo các chị, làm được điều này không dễ, đòi hỏi nỗ lực và phối hợp từ nhiều bên liên quan. Về Đại sứ quán Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho biết luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng có thể, bởi đây là mô hình tốt, nên được nhân rộng cho cộng đồng người Việt ở các nước khác.

Một phần trong cuộc sống hằng ngày

Song song với việc theo đuổi dự án về tủ sách Việt, các chị em phụ nữ ở Áo vẫn đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các lớp giảng dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng.

Chị Ngô Bích Thủy - Hội trưởng Hội Phụ nữ Việt Nam tại Áo, cho biết trước khi dịch Covid-19 xảy ra, Hội đã tổ chức lớp giảng dạy tiếng Việt ở khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam. Lớp học chỉ duy trì một tuần một buổi nhưng rất chất lượng, con gái chị Thuỷ sau khi tham gia đã rất tự tin giao tiếp tiếng Việt khi trở về Việt Nam.

Tuy nhiên, lớp học bị gián đoạn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thời gian sau đó, việc học khó duy trì do các khó khăn về tài chính, giáo viên và điều kiện đưa đón của các bậc phụ huynh.

Vào tháng 9/2023, thông qua sự giới thiệu Đại sứ quán Việt Nam, Hội đã kết nối được với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tiến hành chương trình dạy và học tiếng Việt cho các cháu đang sinh sống tại nước ngoài, giáo viên và giáo trình chuẩn của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cùng với việc tuyên truyền bà con tiếp cận chương trình online hoàn toàn miễn phí này, các chị nhận thấy vẫn cần có lớp học trực tiếp để việc học tiếng Việt của các cháu đạt hiệu quả tốt hơn.

Chị Thủy bày tỏ niềm vui: “Chúng tôi đã tìm được các giáo viên tốt và Hội sẽ sử dụng nguồn quỹ của mình để chi trả kinh phí giảng dạy, Đại sứ quán hỗ trợ về phòng học và sách vở. Hội dự kiến sẽ khai trương lớp học tiếng Việt vào tháng Ba tới, dành cho các cháu trong độ tuổi dưới 15”.

Bên cạnh lớp học tiếng Việt, Hội lên lịch nhiều hoạt động trong năm 2024 nhằm gìn giữ và quảng bá văn hoá truyền thống như biểu diễn văn nghệ tại Tết cộng đồng, tổ chức gói bánh chưng cho các cháu vào dịp Rằm tháng Giêng, giới thiệu quảng bá ẩm thực Việt Nam cùng 25 nước tại Áo...

Đặc biệt, Hội vẫn duy trì, tổ chức đọc sách cho các cháu định kỳ hằng tháng ở trong phòng (vào mùa Đông) hoặc ngoài trời (kết hợp đi picnic vào cuối tuần), hoạt động giao lưu ẩm thực truyền thống và trò chơi dân gian cho các con vào Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6…

Có thể thấy ở những phụ nữ Việt Nam tại Áo một sự tận tâm và kiên nhẫn trong việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ và văn hoá Việt Nam ở xứ người.

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, chị Thủy cho biết: “Lúc con gái vào lớp Một, cháu không chịu học tiếng Việt, nhất định chỉ nói tiếng Đức. Nhưng khi đưa con đến lớp học tiếng Việt thì dần dần cháu đã thích thú. Để việc thực hành hiệu quả, khi về nhà con phải nói tiếng Việt.

Tôi có tham gia một nhóm gồm 10 gia đình người Việt và có một nguyên tắc khi các con gặp nhau là trao đổi bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, tôi cho cháu xem các chương trình truyền hình Việt Nam. Kết quả là giờ cháu nói tiếng Việt rất tốt”.

Chưa có được thành công như chị Thủy, chị Nhung – Phó Chủ tịch Hội, mong mỏi trong thời gian tới con mình sẽ nói ngôn ngữ mẹ đẻ được tốt hơn: “Dù bố là người nước ngoài nhưng cháu vẫn có 50% dòng máu Việt Nam, hằng ngày vẫn dùng nước mắm, không có nước mắm không chịu ăn cơm”.

Lấy chồng người Áo, chị Hải cho biết học tiếng Việt là một vấn đề nan giải trong gia đình chị trong suốt nhiều năm qua.

Chị bộc bạch: “Tôi hiểu các con đang ở giai đoạn khó khăn với suy nghĩ “mình là ai, là người Áo hay người Việt?”. Vì vậy, việc cho con tham gia lớp học tiếng Việt là rất cần thiết, cùng sự trao đổi thường xuyên ở nhà sẽ giúp các con tôi có môi trường tốt để thực hành tiếng mẹ đẻ, cũng như hiểu về nguồn cội”.

Tiến sĩ Việt trồng 'vàng xanh' ở châu Phi

Đàn hương được ví như 'vàng xanh' đến từ quê hương Ấn Độ. Loại cây này đã được nhân giống và phát triển tốt tại Việt Nam và bắt đầu trồng tại các nước châu Phi bởi một chuyên gia người Việt.

Tiến sĩ Việt phủ xanh những cánh rừng ở châu Phi

TS. Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm, được biết đến như là người đầu tiên đưa cây đàn hương từ Ấn Độ về Việt Nam.

Năm 2014, Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm lần đầu tiên nhân giống thành công loại cây này. Năm 2018, ông Thoại trở thành tiến sĩ người Việt đầu tiên đảm nhiệm công việc chuyên gia cao cấp, hỗ trợ kỹ thuật cho hơn 2.000ha đàn hương tại hai quốc gia châu Phi là Kenya và Uganda.

Chia sẻ với PV.VietNamNet, TS. Vũ Văn Thoại cho biết, sau khi thành công nhân giống cây đàn hương vào năm 2014, từ năm 2018, ông đưa hạt giống sang châu Phi để ươm. Năm 2019 là thời điểm ông hỗ trợ người dân châu Phi trồng cây con trên diện tích lớn.

Kể từ đó đến nay, ông Thoại liên tục đi và về giữa Việt Nam và châu Phi với vai trò là chuyên gia cao cấp.

“Từ việc hướng dẫn người châu Phi làm bầu đất để ươm giống, thời gian đầu, mỗi người chỉ làm được từ 270-300 bầu/ngày. Nhưng khi tôi sang hướng dẫn cách thức thì năng suất lao động tăng lên 600-620 bầu/ngày”, ông Thoại nói.

Kenya và Uganda là hai quốc gia nghèo ở châu Phi, có nhiều cánh rừng bị tàn phá đến mức kiệt quệ. Việc giúp họ tạo ra những cánh rừng mới khiến TS. Thoại cảm thấy vui và tự hào vì đã làm được một việc có ý nghĩa cho mảnh đất này.

“Tôi cảm thấy tự hào khi mình là người Việt Nam trực tiếp đóng góp cho châu Phi những cánh rừng xanh mát. Thông qua đó, hàng nghìn người châu Phi cũng biết đến đất nước và con người Việt Nam. Mình cố gắng khẳng định vị thế của người Việt với tư cách là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó tại lục địa này. Rồi người ta sẽ nhìn nhận người Việt ở nước ngoài là những chuyên gia, chứ không phải là những lao động chân tay”, ông nói.

Theo ông, điều quan trọng hơn cả là thay đổi tư duy cho người dân nơi đây, rằng họ cần phải trồng rừng để có sinh kế lâu dài; để ngăn chặn hạn hán, lũ lụt.

Để có được sinh kế lâu dài, không gì phù hợp hơn là chọn những giống cây có giá trị cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân bản địa.

“Mình phải bắt tay vào làm thôi. Nếu ai cũng tặc lưỡi tự nhủ 'mình không làm sẽ có người khác làm', như thế biết bao giờ mới phủ xanh được những cánh rừng đã bị tàn phá”, TS. Thoại nói về việc tạo ra những cánh rừng đàn hương ở châu Phi cũng như tại Việt Nam.

Ngoài Kenya và Uganda, dự kiến sắp tới sẽ có thêm dự án trồng cây đàn hương tại Tazania với quy mô lên đến 50.000ha. Hiện dự án trong quá trình thương thảo về việc chuyển giao kỹ thuật và nhân giống giữa chủ đầu tư và Tập đoàn Đàn hương Việt Nam (thuộc Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm).

TS. Thoại cũng đang trực tiếp tư vấn cho một tập đoàn trong nước đầu tư dự án trồng từ 4.000-5.000 ha đàn hương tại Việt Nam.

Đánh đổi cơ nghiệp của gia đình, tạo nên sản nghiệp cho nông dân

Trong 7 năm tu nghiệp, nghiên cứu sinh tại Ấn Độ, TS. Thoại dành nhiều thời gian đi đến các cánh rừng đàn hương của Ấn Độ và từ đó hình thành ý tưởng đưa giống cây quý hiếm này về Việt Nam.

Tuy nhiên, để toàn tâm toàn ý cho cây đàn hương, TS. Thoại đứng trước lựa chọn khó khăn, đó là từ bỏ chức danh hiệu trưởng tại một trường cao đẳng nghề ở Hà Nội, mang cả sản nghiệp của gia đình để phục vụ cho việc nghiên cứu nhân giống cây đàn hương.

Biết đến đàn hương là một cơ duyên, mang được về Việt Nam là cả một sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc. Nhưng nhân giống thuần chủng và chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân là một thành công bước đầu.

Sau khi chính thức được Bộ NN-PTNT công nhận là cây lâm nghiệp vào năm 2018, Viện Nghiên cứu Cây đàn hương và Thực vật quý hiếm (được thành lập năm 2014) đã đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vùng trồng đàn hương trên cả nước.

Đây cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất được Bộ NN-PTNT giao nghiên cứu đề tài cấp bộ giai đoạn 2021-2025 về nhân giống và chế biến sản phẩm từ cây đàn hương.

Loài cây này có thể trồng xen canh nên người trồng vẫn có thể có nguồn thu từ các loài xen canh. Sau 3 năm có thể cho thu hoạch lá và hạt dùng làm trà.

Phải mất hơn 10 năm mới có thể khai thác lõi, nhưng ngay từ những năm đầu, đàn hương đã cho khai thác lá và hạt. Bên cạnh đó, cây đàn hương luôn phải trồng xen với cây ký chủ, thời gian chờ đợi để thu hoạch đàn hương cũng là lúc người trồng có được nguồn thu từ cây ký chủ.

“Tập đoàn Đàn hương Việt Nam hỗ trợ thu mua các sản phẩm từ lá, hạt, gỗ để chế biến sâu các sản phẩm như nhang đàn hương, vòng đeo tay từ gỗ đàn hương, xà bông đàn hương, tinh dầu đàn hương,... Chúng tôi đang hướng sản phẩm đến 3 lĩnh vực chính gồm sức khoẻ, làm đẹp và tâm linh”, TS. Thoại nói.

Đến nay, Viện đã mở rộng quy mô trồng đàn hương khoảng 9.000ha đàn hương tại hơn 50 tỉnh, thành phố, trong đó bao gồm cả việc liên kết chuyển giao cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người nông dân.

Sau 10 năm chính thức nhân giống thành công ở Việt Nam, đàn hương đã hình thành lõi và cho thấy khả quan khi mỗi cây cho khoảng 10kg lõi gỗ. Dự kiến từ năm thứ 14 trở đi là có thể khai thác gỗ.

Tập đoàn Đàn hương Việt Nam đã phát triển được một số sản phẩm từ hạt và lá và hạt đàn hương như trà đàn hương, hương (nhang) đàn hương, tinh dầu đàn hương.

Tuy nhiên, điều khiến TS. Vũ Văn Thoại trăn trở là diện tích cây đàn hương tự phát do người dân tự thu hoạch hạt để nhân giống ồ ạt, điều này không đảm bảo về chất lượng lõi đàn hương sau này.

Để có được hạt giống là cả một quy trình khắt khe, từ việc chọn ra những cây trội trong hàng nghìn cây cho hạt. Sau đó, còn phải khảo nghiệm ở thế hệ cây tiếp theo, nếu vẫn mang được nét đặc trưng của cây bố mẹ mới được chọn làm cây cho hạt giống.

“Mất khoảng 10-12 năm mới có thể chọn được cây bố mẹ. Từ năm thứ 8, cây bắt đầu hình thành lõi là có thể khoan thăm dò để chọn cây trội. Từ đó lấy hạt của cây đó để ươm, nếu cây vẫn phát triển tốt như cây bố mẹ thì mới chọn được. Nếu không kỹ lưỡng trong khâu chọn giống, sau 7-8 năm trồng cây có thể rơi vào cảnh trắng tay vì cây không cho lõi, thậm chí có thể mang mầm bệnh và chết yểu từ trước đó. Như vậy vô tình phá vỡ hệ sinh thái cây đàn hương mà chúng tôi bao năm gây dựng”, TS. Thoại nói.

Gỗ đàn hương được dùng cho việc sản xuất đồ mỹ nghệ, dùng trong đông y, nhưng chủ yếu là được chiết xuất để lấy tinh dầu.

Tại Ấn Độ, giá mỗi kg gỗ đàn hương là 450USD. Tuy nhiên, TS. Thoại cho rằng không thể nhìn vào mức giá đó để “tính cua trong lỗ”, cũng đừng vội tính toán mỗi ha cho bao nhiêu kg lõi rồi vội nhân với con số 450 USD kia, bởi để có được gỗ thu hoạch thì phải trải qua rất nhiều công đoạn và chi phí.

Tuy nhiên, TS. Thoại khẳng định một cách khiêm tốn, lợi nhuận thu về cao gấp hàng chục lần so với trồng cây keo.

“Tôi tính mỗi ha đàn hương sau 12 năm sẽ cho khoảng 8,1 tỷ đồng, với giá lõi đàn hương chỉ 25 USD/kg. Tôi đưa ra con số này là bởi đã loại trừ hết các yếu tố rủi ro. Tôi không muốn khuếch trương lên“, ông chia sẻ.

Nguồn: Thanh Niên; BBC; Báo Quốc Tế; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang