Hỗ trợ trẻ hòa nhập ở Nhật; Hình bóng quê nhà ở Úc; Cháy nhà 6 người chết ở Mỹ; Mang hoa sen đến Mỹ

Trường mẫu giáo tại Nhật Bản nỗ lực hỗ trợ trẻ em Việt Nam hòa nhập

Hiệu trưởng trường Ikunokomorebi Hoikuen chú trọng việc dạy tiếng Nhật trong chương trình giảng dạy mầm non của trường để giúp học sinh sẵn sàng vào tiểu học.

Một trường mẫu giáo ở thành phố Osaka của Nhật Bản, nơi được biết đến với sự đa dạng sắc tộc, đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp dành cho cư dân nước ngoài để giải quyết những thách thức về việc đa dạng nhân khẩu học hiện nay.

Tại quận Ikuno, thành phố Osaka, nơi có khoảng 20% cư dân không phải là người Nhật, khoảng một nửa số trẻ mẫu giáo tại trường Ikunokomorebi Hoikuen là công dân Việt Nam hoặc có gốc Việt Nam.

Hầu hết các em đến Nhật Bản cùng cha mẹ là người nhập cư và gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Nhật.

Đây là lý do tại sao hiệu trưởng Keiko Tsujimoto, 72 tuổi, chú trọng việc dạy tiếng Nhật trong chương trình giảng dạy mầm non của trường để giúp học sinh sẵn sàng vào tiểu học.

Tuy nhiên, bà vẫn lo ngại nếu không có sự giúp sức của chính phủ để hỗ trợ những trẻ em Việt Nam như những em bé đang học tại trường Ikunokomorebi Hoikuen, các em có thể bị bỏ lại phía sau.

Hiệu trưởng Tsujimoto cho biết: “Nếu tiếp tục theo cách hiện nay cho đến bậc tiểu học, các em sẽ không thể thích nghi và sẽ nghỉ học.”

Sáng thứ Hai hàng tuần, có một khoảng thời gian học tiếng Nhật kéo dài 30 phút dành cho trẻ mẫu giáo gặp khó khăn trong việc giao tiếp.

Khoảng 10 bé tham gia mỗi tuần, thực hành ngữ âm cơ bản.

Phòng thay đồ nữ với dãy bàn ghế là lớp học tạm cho chương trình bắt đầu từ mùa Xuân năm 2023.

Các em bé sử dụng đồ dùng hướng dẫn học như thẻ tranh viết tay có chữ tiếng Việt để giúp các em.

Vào một ngày, bữa trưa ở trường là phở, một món ăn nổi tiếng của Việt Nam.

Lớp học dành cho trẻ 5 tuổi thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, trong đó có Nhật Bản, Việt Nam và Trung Quốc, ngồi vào bàn ăn và nói chuyện sôi nổi bằng phương ngữ Kansai.

Khoảng 3 năm trước, số lượng trẻ em gốc Việt theo học tại trường Ikunokomorebi Hoikuen tăng đột biến.

Trong số 98 trẻ mẫu giáo tại trường, gần một nửa là trẻ Việt Nam, ngoài ra còn có trẻ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Vì cha mẹ nói chuyện với các em bằng tiếng mẹ đẻ nên khả năng hiểu tiếng Nhật của trẻ có xu hướng chậm hơn. Đây là một thách thức đặc biệt mà trẻ 5 và 6 tuổi sắp bước vào lớp 1 phải đối mặt.

Hiệu trưởng Tsujimoto cho biết nhiều trẻ gặp khó khăn trong việc theo kịp ngay từ ngày đầu tiên đến trường tiểu học Nhật Bản và hình thành mặc cảm trong học tập, dẫn đến hành vi không phù hợp.

Mùa Xuân năm 2023, nhà trẻ đã thuê em Trịnh Thị Huyền Trang, 23 tuổi, cựu học viên Việt Nam, tốt nghiệp trường dạy tiếng Nhật trực thuộc trường mầm non, làm trợ lý chăm sóc trẻ.

Ngoài việc chăm sóc trẻ và thông dịch ngôn ngữ, Huyền Trang còn là cầu nối giữa phụ huynh và các cô giáo trong nhà trẻ, cung cấp cho phụ huynh thông tin về sự tiến bộ của con em họ và những vấn đề cần thiết liên quan khác.

Tại quận Ikuno, cùng với cộng đồng người Hàn Quốc lâu đời, số lượng người Indonesia, Myanmar, Nepal và những người khác đã tăng lên đáng kể.

Hiệu trưởng Tsujimoto tin rằng việc Nhật Bản có trách nhiệm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các cộng đồng nước ngoài đang phát triển là điều tự nhiên khi họ cung cấp lực lượng lao động rất cần thiết để giúp nước này vượt qua tình trạng thiếu lao động không thể tránh khỏi hiện nay.

Bà nói: “Ngày nay, cuộc sống của người dân Nhật Bản sẽ không thể tồn tại nếu không có lao động nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và các ngành công nghiệp khác. Chúng tôi hy vọng rằng xã hội sẽ chấp nhận người nước ngoài và con cái của họ là thường trú nhân, đồng thời chính phủ và chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ họ.”

Quận Ikuno có nhiều nhà máy và nhà kho nhỏ, với giá thuê và chi phí sinh hoạt tương đối phải chăng nên thu hút nhiều người Việt và các nước khác đến đây.

Ngoài ra, tại đây còn có trường dạy tiếng Nhật dành cho sinh viên nước ngoài.

Hình bóng quê nhà qua Tết Việt ở Úc

Có thể nhận ra rằng trong trái tim người Việt xa quê luôn có hình bóng quê nhà; họ luôn tự hào với nguồn cội của mình.

Dù ở bất kỳ nơi đâu, đối với người Việt, Tết luôn là dịp đặc biệt, mang ý nghĩa đoàn viên, nhớ về nguồn cội.

Những ngày này tại Úc, kiều bào vẫn đi làm việc, buôn bán như những ngày bình thường, thời tiết ở thời điểm này là mùa hè. Thế nhưng, không khí đón Tết Giáp Thìn vẫn rất rộn ràng, vui tươi, mang đầy màu sắc truyền thống.

Úc là nơi có cộng đồng người Việt lớn, khoảng hơn 300.000 người và hàng chục ngàn sinh viên đang theo học, tập trung nhiều nhất tại 2 thành phố Sydney (bang New South Wales) và Melbourne (bang Victoria).

Tại Melbourne, bất chấp thời tiết thay đổi liên tục, có ngày lên đến 38 độ, có ngày chỉ 17-18 độ, cũng có khi nhiệt độ buổi trưa và chiều cách biệt nhau 20 độ, không khí Tết Việt và những hoạt động mừng Tết của cộng đồng người Việt vẫn diễn ra sôi nổi.

Không khí rộn ràng của ngày Tết len lỏi vào những cửa hàng tại các khu chợ người Việt. Điển hình tại Springvale, khu vực có số lượng người Việt sinh sống đông ở bang Victoria, nhiều cửa hàng trang trí Tết bằng đèn lồng đỏ, những gói quà được gói trong giấy bóng kính, buộc nơ cầu kỳ, gắn dòng chữ “Chúc mừng năm mới” đỏ rực. Bánh chưng, bánh tét, giò chả, củ kiệu, dưa món, hạt dưa, bánh mứt… đều được dán dòng chữ Tết. Cũng có gian hàng bán hoa chưng Tết, nhiều nhất là cúc vạn thọ.

Những gian hàng Tết luôn tấp nập người Việt vào mua. Tại chợ Springvale, ngày 24-25 Âm lịch (ngày cuối tuần) vừa qua đã tổ chức hội chợ cho cộng đồng người Việt mua sắm.

Được biết, hội chợ Tết được tổ chức luân phiên qua nhiều khu chợ người Việt ở Melbourne, như Saint Albans, Sunshine, Footscray, Richmond, Springvale, kéo dài khoảng 1 tháng trước Tết.

Tại hội chợ, ngoài các gian hàng bày bán băng đĩa, hoa Tết, các vật dụng gia đình, còn có khu ẩm thực với những món ăn đặc trưng của 3 miền, khu vui chơi với những trò chơi dân gian Việt Nam như đu quay, lô tô… Đặc biệt là màn múa lân đặc sắc luôn được người Việt và người dân địa phương ở đây náo nức đón chờ. Tất cả đã tạo nên không khí rộn ràng chào đón Tết Nguyên đán.

Ở Sydney, chợ Cabramatta phục vụ người Việt cùng các sắc dân khác với đủ các món ăn hương vị đặc trưng quê nhà như phở, bún bò, cơm gà, mì quảng, bánh mì, bánh đa…

Các gian hàng Tết đầy ắp nem rán, giò lụa, hạt dưa, hạt hướng dương, bao lì xì, trái cây các loại để bày mâm ngũ quả, bánh mứt, câu đối, đèn lồng.

Lạc vào khu chợ này, người ta có cảm giác như đang ở Việt Nam vì nhiều biển hiệu mang tên Việt Nam, như Cơm gà bà Nga Hội An, quán cơm Thanh Bình, phở Sài Gòn, bánh mì Việt Hoa… Đặc biệt, đi mỗi bước đều nghe thấy tiếng Việt. Dường như người Việt đến đây để thưởng thức hương vị Tết, gặp đồng hương hỏi thăm, chúc tụng nhau vào dịp năm mới.

Ngoài việc đi chợ và chuẩn bị đón Tết, người Việt ở Úc còn tham gia các hoạt động như: Đi lễ chùa để cầu bình an, thưởng thức cơm chay, đốt pháo, xem biểu diễn múa lân…

Trang phục phổ biến nhất của các bé gái và phụ nữ Việt là chiếc áo dài truyền thống. Chụp hình cùng gia đình trong chiếc áo dài truyền thống, bên cạnh những tiểu cảnh được tạo dựng mang dáng dấp làng quê Việt Nam đã giúp cho sự gắn kết với nguồn cội của những người con xa xứ thêm bền chặt, làm vơi bớt nỗi nhớ xa quê.

Mùng 1, mùng 2 Tết trùng vào hai ngày nghỉ cuối tuần, ngoài đi chúc Tết người thân, người Việt đi viếng chùa, cầu chúc một năm an lành. Rất nhiều kiều bào diện áo dài truyền thống để đi chùa.

"Những ngày này, dù có nhiều hoạt động được tổ chức để những người con xa xứ được tề tựu bên nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện về quê nhà, những buồn vui trong năm qua nhưng thật sự tôi vẫn rất nhớ không khí Tết ở Việt Nam. Những ngày cận Tết, nhà nhà tất bật dọn dẹp, trang hoàng; ngoài đường người người hối hả mua sắm; rồi đường hoa, chợ hoa; cúng đưa ông Táo, tất niên... Nhớ thời khắc thiêng liêng của đêm giao thừa, mọi người quây quần bên mâm cúng ông bà, đi lễ chùa, hái lộc mừng năm mới. Xa quê, những hồi ức đó trở thành nỗi nhớ khắc khoải trong tôi. Phải nói là rất thèm Tết Việt”- chị Lina Lam (Noble Park, Melbourne) chia sẻ.

Với sinh viên Tăng Hoàng Tố Thư (du học sinh Úc), đây là cái tết đầu tiên xa nhà nên em đã khá hụt hẫng khi phải ăn Tết nơi đất khách vì bận lịch học.

"Đêm giao thừa ở Sydney, nhìn xuống đường phố thưa thớt người qua lại dưới đêm mưa, em chỉ ước có thể được bay về Việt Nam ngay để chúc mừng năm mới với ông bà, cha mẹ, được xem bắn pháo hoa qua khung cửa sổ chung cư của gia đình, được đi chùa xin lộc vào đêm giao thừa… Tết này phải chúc Tết người thân qua màn hình điện thoại, em mới thấm thía không gì hạnh phúc bằng Tết đoàn viên”- Tố Thư tâm sự.

Có thể nhận ra người Việt xa quê dù làm gì, ở đâu thì trong tim họ luôn có hình bóng quê nhà.

"Càng sống xa quê hương lâu năm, người Việt càng ý thức phải gìn giữ phong tục tập quán Việt Nam, từ trang phục, đến tiếng mẹ đẻ. Thế hệ trước nhắc nhở thế hệ sau để dù có ở đâu, dù cách xa quê hương vạn dặm, người Việt vẫn luôn tự hào với nguồn cội của mình”- anh Terry Nguyen (Melbourne) nói.

Cháy nhà sau vụ nổ súng, gia đình họ Le 6 người thiệt mạng tại Mỹ

Đài ABC ngày 11.2 đưa tin thi thể của 6 thành viên trong gia đình của một người đàn ông gốc Việt đã được tìm thấy sau vụ cháy nhà tại hạt Delaware (bang Pennsylvania, Mỹ).

Chưởng lý hạt Delaware Jack Stollsteimer cho biết ngọn lửa bốc lên dữ dội tại ngôi nhà của các nạn nhân, trong khi lực lượng chức năng đến nơi phải đối diện với các phát súng từ ngôi nhà. Sự việc khiến 2 sĩ quan trúng đạn nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Việc khám nghiệm pháp y đang diễn ra, trong khi ông Stollsteimer cho rằng trong số đó có nghi phạm Canh Le. Điều tra sơ bộ cho thấy các nạn nhân bị sát hại bằng súng trường, trước khi ngôi nhà bị phóng hỏa trong sự việc xảy ra hôm 7.2, theo ông Stollsteimer.

Cơ quan chức năng cho hay có 3 người lớn và 3 trẻ em sống tại ngôi nhà trên và họ đều hiện diện trong thời gian xảy ra sự việc. Trong cuộc họp báo, ông Stollsteimer cho biết 6 người đều là người thân của ông Canh Le.

Gia đình bà Britni McLaughlin-Le xác nhận rằng người phụ nữ 37 tuổi này cùng người chồng họ Le (40 tuổi) và 3 con của họ đã không còn liên lạc được sau vụ cháy. Gia đình này cho biết cặp đôi trên đã sống hạnh phúc trong 17 năm, yêu thương nhau và tận tụy chăm sóc 3 con cũng như các thành viên đại gia đình và bạn bè của họ.

Ba đứa con của họ là Natalya (17 tuổi), Nakayla (13 tuổi) và Xavier (10 tuổi). Một người thân của bà McLaughlin-Le cho biết 3 đứa trẻ đều học giỏi và chơi thể thao giỏi. Cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc.

Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

“Hoa sen là biểu tượng cho vẻ đẹp thuần khiết trong văn hóa Á Đông. Lā SEN hay “Là Sen” được xây dựng và phát triển dựa trên nét văn hóa truyền thống ấy”, chị Nguyễn Thị Kim Loan mở đầu cuộc trò chuyện về hành trình khởi nghiệp trên đất Mỹ.

Đến Mỹ khởi nghiệp để chinh phục thế giới

Trong khi nhiều Việt kiều về nước khởi nghiệp thì chị Nguyễn Thị Kim Loan (Maya Loan Nguyễn) lại chọn hướng ngược lại, sang Mỹ để khởi nghiệp và bước đầu thành công với thương hiệu Lā SEN.

Giải thích về chọn Mỹ là nơi khởi nghiệp, chị Loan cho biết: "Trước đây, tôi làm việc trong lĩnh vực kinh doanh. Con đường mới mà tôi chọn là tạo ra các sản phẩm 'clean beauty - làm đẹp sạch'. Đây cũng là hướng đi mới trên thế giới nhưng ngay tại Mỹ hiện cũng chỉ có khoảng 1% mỹ phẩm đi theo hướng này. Tôi chọn lộ trình khó nhất nên cần tìm một môi trường phù hợp. Chinh phục được thị trường Mỹ, sẽ có khả năng chinh phục được cả thế giới".

Chị Loan sinh ra tại Quy Nhơn (Bình Định), vào TP.HCM học đại học rồi du học Mỹ để lấy bằng thạc sĩ kinh tế. Trở về Việt Nam, chị từng làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia như: Unilver Vietnam, Kantar Media Research, WPP/GroupM Việt Nam… Sau một thời gian, chị lập công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và du lịch. Đam mê công việc, chị đã từng làm việc đến kiệt sức và mắc hàng loạt bệnh, đặc biệt nhất dị ứng da…, có lúc cơ thể chỉ còn 37 kg; không ăn uống gì được và phải liên tục tiêm canxi trực tiếp vào cơ thể.

"Nhiều khi ra đường, chỉ cần tiếp xúc với bụi bẩn, cơ thể tôi dị ứng cả tuần không hết. Vì thế trong suốt 2 năm liền không dám ra đường, không làm việc được và chỉ lo trị bệnh. Tôi đã chạy chữa theo Tây y khắp ở khắp các nước như Singapore, Nhật Bản nhưng không hết. Quá tuyệt vọng, tôi đã thử nghiệm các phương pháp Đông y từ thuốc men, tới tập luyện, ăn uống. Nhờ vậy mà sức khỏe của tôi tốt dần lên", chị nhớ lại.

Chị Loan kể, khi chị đang dần khỏe lại thì chồng chị lại phát hiện bị ung thư da, thể hiếm. Vậy là hai người cùng nhau tiếp tục vượt qua bệnh tật bằng các phương pháp Đông y. Sau khi sức khỏe cả hai dần ổn định, chị dần trở lại với công việc. Phải ra đường và có nhu cầu sử dụng các sản phẩm làm đẹp nhưng các sản phẩm có mặt trên thị trường đều không phù hợp với làn da quá nhạy cảm của chị. Đó là lúc chị nghĩ đến việc phải tạo ra một sản phẩm thực sự an toàn và phù hợp với bản thân cũng như những người có hoàn cảnh tương tự. Sau một thời gian dài nghiên cứu, chị quyết định chọn con đường khó nhất là "clean beauty" và tìm kiếm môi trường phù hợp cho hành trình khởi nghiệp của mình, nước Mỹ.

Giúp mỗi người phụ nữ rạng ngời như sen

Năm 2018 tại Mỹ, chị Loan thành lập Lā SEN Beauty (Los Angeles/Beverly Hills) và bắt tay vào các công trình nghiên cứu. Đến năm 2021, sản phẩm lần đầu tiên tung ra thị trường.

"Đầu tiên là nghiên cứu sách vở chuyên ngành; mua và dùng thử tất cả các sản phẩm có trên thị trường. Sau đó liên hệ với các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm. Có một số người phải mất 1 - 2 năm để trình bày ý tưởng và thuyết phục họ. Cuối cùng tôi cũng lập được nhóm chuyên gia gồm các nhà khoa học của Mỹ và Hàn Quốc, 2 quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Trong thời gian đó, tôi cũng tìm kiếm các chuyên gia trong lĩnh vực sáng tạo, truyền thông, thiết kế bao bì để đưa sản phẩm đến với công chúng"- chị nhớ lại.

Khởi nghiệp đúng lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, phần lớn các hoạt động đều trực tuyến. Bên cạnh đó, việc ‘bị nhốt’ ở nhà kéo dài cũng khiến các chuyên gia bị căng thẳng nên mất nhiều thời gian hơn bình thường. Đó là những khó khăn phát sinh bên cạnh các trở ngại mà những người khởi nghiệp đều phải vượt qua. Xác định tâm thế như vậy, chị quyết tâm theo đuổi dự án của mình.

Sản phẩm đầu tiên của Lā SEN là mặt nạ dưỡng da. Sản phẩm là sự kết hợp của các dược liệu quý trong y học cổ truyền phương Đông như: cám gạo, tinh dầu dừa, nhụy hoa nghệ tây, ngải cứu, đậu xanh, trà xanh, cam thảo, hoa mẫu đơn, rau má… và đặc biệt là hoa sen.

"Hoa sen là quốc hoa của Việt Nam và cũng là một loại dược liệu quý được sử dụng phổ biến trong cung đình ngày xưa ở nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hoa sen rất đặc biệt, dù mọc lên từ bùn lầy nhưng các thành phần từ củ, thân, hoa, hạt, tim sen đều có dược tính tốt, đặc biệt là an thần, giảm stress. Tôi làm ra sản phẩm này, với mong muốn giúp chị em làm đẹp không chỉ về mặt thể chất bằng cách không can thiệp. Và quan trọng hơn là đẹp theo cách tự nhiên, phù hợp với lứa tuổi của mình. Qua đó sẽ giúp mỗi người phụ nữ tỏa sáng theo cách riêng của mình", Maya Loan tự tin và cho biết, định vị sản phẩm mình ở hàng thứ hai sau khoảng 2 - 3 sản phẩm cao cấp nhất thế giới hiện nay.

"Vì sao tôi lại tự tin với sản phẩm của mình như vậy? Vì tiêu chuẩn sạch mà Lā SEN xây dựng còn khắt khe hơn tiêu chuẩn của FDA (Mỹ) và GMP Cosmetics của (EU) ở chỗ nguyên liệu và thành phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu: chất lượng cao, sạch, không biến đổi gen, không gluten, không hóa chất và các chất có thể gây kích ứng da, thuần chay, khai thác theo hướng bảo tồn. Ngay cả bao bì sản phẩm cũng là loại có thể tái chế hoặc tái sử dụng nhiều lần, và bảo vệ được dược tính của các hoạt chất… "Tôi muốn làm ra một sản phẩm tốt nhất có thể để trong 5 - 10 năm tới Lā SEN Beauty là trở thành thương hiệu cung cấp các giải pháp về làm đẹp, dưỡng da, điều trị lão hoá hiệu quả nhất, an toàn và sạch nhất trên thế giới", Maya Loan nhấn mạnh.

Nguồn: VTV4; Người Lao Động; Thanh Niên; Báo Gia Lai

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang