Người Việt hải ngoại: Quảng bá văn hóa ở Nga; Nguồn lực tri thức kiều bào; Cô giáo dạy tiếng Anh ở Nam Úc

Quảng bá văn hóa Việt Nam ở xứ sở Bạch Dương

(Ảnh minh họa).

Được thành lập ngày 30/4/2021 nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, phòng trưng bày “Việt Nam-Đất nước-Con người” tại thành phố Ekaterinburg (tỉnh Sverdlovsk, Nga) không chỉ là nơi lưu giữ và quảng bá hình ảnh thu nhỏ về đất nước Việt Nam tươi đẹp, mà còn có ý nghĩa văn hóa vô cùng to lớn. Điều này được ông Lê Thành Độ, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Sverdlovsk chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga.

Phóng viên: Xin chào ông Lê Thành Độ! Được biết, tại thành phố Ekaterinburg có gần 1.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập. Cộng đồng người Việt Nam tại đây đã chung sức, đồng lòng thành lập phòng trưng bày “Việt Nam-Đất nước-Con người” tại không gian văn hóa thuộc tổ hợp Trung tâm thương mại Hà Nội. Xin ông cho biết mục đích và bối cảnh thành lập phòng trưng bày này như thế nào?

Ông Lê Thành Độ: Ekaterinburg là thành phố lớn nằm ở miền trung nước Nga, thuộc khu vực phía Đông của dãy núi Ural hùng vĩ, nơi có đường biên giới phân chia châu Âu và châu Á. Cộng đồng người Việt Nam tại đây hình thành khá muộn, vào khoảng năm 1993 vì trước đó, Ekaterinburg là thành phố quân sự nên cấm người nước ngoài.

Sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng và sưu tầm tài liệu, hiện vật, không chỉ ở trong nước mà còn từ chính những cựu chiến binh Nga từng công tác ở Việt Nam, chúng tôi đã quyết định thành lập phòng trưng bày “Việt Nam-Đất nước-Con người”. Thời điểm thành lập, nước Nga nói riêng và thế giới nói chung đang đối mặt với đại dịch Covid-19.

Mục đích của chúng tôi nhằm quảng bá, giới thiệu lịch sử, văn hóa, đất nước con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế; gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam tới các bạn trẻ, các em thiếu niên, nhi đồng người Việt sinh ra và lớn tại thành phố Ekaterinburg.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng, đây cũng là một kênh quảng bá hiệu quả tiềm năng du lịch Việt Nam tới bạn bè quốc tế tại Nga, cụ thể những người Nga sinh sống tại thành phố Ekaterinburg, điều đó góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Phóng viên: Xin ông giới thiệu một cách tổng quan về bố cục của phòng trưng bày và cho biết đâu là điểm nhấn của phòng trưng bày?

Ông Lê Thành Độ: Phòng trưng bày được bố cục đơn giản nhưng hết sức trang trọng. Ở chính giữa là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số hình ảnh khi Bác đến công tác tại Liên Xô (trước đây).

Đi vào từ bên phải là những bức tranh, ảnh, hiện vật, mảnh vỡ máy bay do chính cựu chiến binh Nga thu thập trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, những hình ảnh về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Tiếp theo, bên trái là hình ảnh về các danh lam thắng cảnh của Việt Nam, di sản trống đồng Đông Sơn, các hoạt động của cộng đồng và Hội người Việt Nam tại tỉnh Sverdlovsk...

Điều đặc biệt là trong phòng trưng bày chúng tôi có lưu giữ hai bộ phim ngắn về chuyến công tác của Bác Hồ tới Liên Xô, trong đó có những hình ảnh Bác Hồ đến thăm tỉnh Sverdlovsk.

Phóng viên: Được biết, tại Ekaterinburg có nhiều cựu binh từng công tác tại Việt Nam trong những năm chiến tranh. Thời bình, họ trở về quê hương vẫn lưu giữ bên mình những kỷ vật về Việt Nam. Khi thành lập phòng trưng bày những người lính này đã “quyên góp” những đồ vật mà họ luôn trân trọng, cất giữ qua nhiều năm. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Lê Thành Độ: Chúng tôi luôn trân trọng tình cảm chân thành của các cựu chiến binh Nga đối với nhân dân Việt Nam. Họ đã sát cánh cùng nhân dân ta trong những năm tháng gian khổ, khó khăn. Tiếc rằng, những người bạn Nga trân quý này của chúng tôi mỗi năm một ít đi.

Mỗi lần khi đến thăm phòng trưng bày, nhìn vào góc kỷ vật trưng bày do chính mình trao tặng, các cựu binh Nga không khỏi bồi hồi, xúc động, tiếc thương những người đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh và bày tỏ niềm vui, tự hào khi ngay chính trên mảnh đất quê hương mình giờ đây có không gian văn hóa về đất nước nơi mình từng công tác trong những năm tuổi trẻ.

Phóng viên: Xin ông chia sẻ những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Ekaterinburg trong việc giữ gìn và quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam thời gian qua?

Ông Lê Thành Độ: Thời gian qua, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Ekaterinburg đã phối hợp với các Hội, Đoàn người Việt Nam tại thành phố này tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hết sức ý nghĩa.

Ngày 1/6/2020, lớp học tiếng Việt mang tên “Quê hương”, dành cho đối tượng là con em người Việt đang sinh sống và làm việc tại thành phố Ekaterinburg, đã chính thức khai giảng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát nên lớp học tạm thời đóng cửa.

Ngày 10/3/2022, tổ chức chương trình tri ân các chiến sĩ tình nguyện quốc tế giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Hằng năm vào tháng 9 tại Ekaterinburg diễn ra Ngày hội các dân tộc vùng Ural. Tổng lãnh quán Việt Nam, Hội người Việt Nam và đông đảo bà con cộng đồng tích cực tham gia sự kiện này. Điều này thể hiện trách nhiệm của người Việt Nam, luôn đoàn kết, hội nhập và góp phần vì sự phát triển chung của Liên bang Nga.

Trong khuôn khổ sự kiện, có các món ăn truyền thống của người Việt, những tiết mục văn hóa, văn nghệ và triển lãm ảnh đặc sắc nhằm quảng bá về đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè Nga và quốc tế, tạo ấn tượng đẹp về cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại khu vực sở tại.

Trong số cựu binh từng công tác tại Việt Nam có những người hoàn cảnh gia đình tương đối khó khăn. Biết được điều này, Hội người Việt Nam tại Sverdlovsk đã kêu gọi cộng đồng quyên góp ủng hộ. Chúng tôi rất vui vì hành động này nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình từ bà con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, cộng đồng người Việt Nam tại Ekaterinburg đều tổ chức chương trình Xuân Quê hương với kỳ vọng mang hương vị, tinh thần Tết cổ truyền dân tộc đến từng gia đình, làm ấm lòng những người con xa xứ.

Những hoạt động này của người Việt Nam tại mảnh đất miền trung nước Nga đã góp phần gìn giữ và quảng bá nền văn hóa Việt Nam với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, đồng thời lan tỏa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Trí thức kiều bào - Nguồn lực quý của đất nước (Kỳ cuối): Quê hương vẫy gọi, ở đâu cũng cống hiến

Mỗi người Việt Nam ở nước ngoài đều có cách thể hiện tình yêu đất nước khác nhau, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cá nhân.

Sandy Hòa Đặng - một chuyên gia gốc Việt tại Mỹ, chia sẻ với Báo TG&VN rằng bà đã gặp nhiều kiều bào lâu năm có chung trăn trở “làm thế nào để cống hiến cho quê hương, đất nước?”. Niềm mong mỏi ấy đôi lúc bị rơi vào bế tắc nhưng lại được nhân lên khi quê hương vẫy gọi…

Đây cũng là suy nghĩ của nhiều người Việt ở các nước khi nói chuyện với chúng tôi về câu chuyện “chảy máu chất xám”, hay thu hút nguồn lực trí thức kiều bào phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Đối với họ, dù ở lại hay về nước cũng không quan trọng bằng một tấm lòng thực sự hướng về quê hương...

Niềm tin “chất xám” quay về

Nhiều năm nay, tên tuổi Giáo sư người Pháp gốc Việt Trần Thanh Vân gắn liền với các hoạt động gây tiếng vang ở Việt Nam.Trong gần 30 năm, Hội Gặp gỡ Việt Nam do ông sáng lập đã tổ chức nhiều chuỗi hội nghị khoa học quốc tế làm cầu nối giao lưu khoa học giữa cộng đồng khoa học học Việt Nam và quốc tế, cũng như tổ chức thành công nhiều hoạt động như: Trường hè Vật lý, Hội thảo Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ, Hội thảo Khoa học vì hòa bình IPU, trao học bổng Odon Valllet cho học sinh, sinh viên Việt Nam…

Trong đó, Trung tâm ICISE là tâm huyết của vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc cùng các nhà khoa học có uy tín trên thế giới, đang là cầu nối đưa các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam. Qua 10 năm hoạt động, trung tâm này đã đón khoảng 8.600 nhà khoa học ở 35 quốc gia, trong đó có 18 giáo sư đoạt giải Nobel; tổ chức 150 sự kiện, bao gồm 80 hội thảo quốc tế...

Dù tuổi đã cao, nhưng Giáo sư Trần Thanh Vân luôn mang tinh thần của nhà khoa học giàu nhiệt huyết và hy vọng đất nước ngày càng đi lên, trong đó có phát triển về khoa học. Đặc biệt, ông luôn giữ vững niềm tin vào đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài với những người rất thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và mong muốn được trở về đóng góp cho đất nước.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ cũng nổi tiếng trong giới khoa học ở nước ngoài với 280 bằng sáng chế ở Mỹ, Canada và nhiều nước trên thế giới. Ấy vậy, sau hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, ông quyết định trở về Việt Nam đầu tư, xây dựng nhà máy công nghệ cao tại Trà Vinh, tạo việc làm cho lao động địa phương, đóng góp cho y tế, giáo dục...

Ông cho rằng, người Việt Nam ở nước ngoài khi về Việt Nam đầu tư, trước hết đừng nghĩ mình là Việt kiều. Ông bộc bạch: “Khi nghĩ mình là người Việt thì mọi thứ trở nên đơn giản lắm, mình sẽ sử dụng điều kiện, tiêu chuẩn của Việt Nam để sống và làm việc thì mọi thứ trở nên rất phù hợp. Kế nữa, người Việt Nam rất thông minh, nhưng còn thiếucác điều kiện để phát huy sáng tạo. Bởi vậy, chúng ta về Việt Nam đầu tư tạo môi trường, điều kiện tốt để giúp người Việt Nam thỏa sức phát huy”.

Với doanh nhân Võ Thành Đăng, thời điểm du học ở Australia và New Zealand, anh thấy rất nhiều cơ hội ở nước ngoài. Khi nhập quốc tịch Singapore vào năm 2007, anh cũng không nghĩ mình sẽ trở về Việt Nam kinh doanh. Thế nhưng, với những chuyển biến tích cực sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, suy nghĩ của anh đã thay đổi và nhìn thấy đây là cơ hội cho những người sống ở nước ngoài có thể trở về phát triển sự nghiệp ở quê hương.

Không chỉ vì ý thức tìm về nguồn cội, những cơ hội mới ở Việt Nam góp phần thôi thúc TS. Hà Hoàng Thi - một bác sĩ y khoa, nhà sinh học phân từ, từng công tác tại Đại học Y khoa Harvard quyết định trở về nước. TS. Hoàng Hà Thi hiện là Giám đốc Học viện Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI Academy) tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Tại đây, anh cùng các cộng sự góp phần nâng cao năng lực khởi nghiệp cho các nhà lãnh đạo trẻ ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có các bạn trẻ năng động của Việt Nam.

Hơn nữa, lựa chọn về quê hương cũng là điều kiện để anh thực hiện những dự án đã nhen nhóm từ những năm trước như “Việt Nam quê hương tôi” - một dự án thiện nguyện hỗ trợ học sinh sinh viên nghèo đi học, hay dự án hợp tác với Viện nghiên cứu hệ gene tại Hà Nội để lập bản đồ các biến thể bệnh di truyền hiếm gặp ở các dân tộc thiểu số vùng cao Việt Nam.

Nhiều con đường để trở về

Có một thực tế là nhiều trí thức kiều bào đã và đang lựa chọn con đường về nước để thực hiện công việc nghiên cứu, phát triển sự nghiệp và cống hiến trí tuệ. Tuy nhiên, yêu nước không có nghĩa là cứ phải về nước để làm việc.

PGS. TS Vũ Minh Khương - giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) chính là một mẫu hình trí thức trong thời kỳ đổi mới, luôn khát khao được thử sức, góp phần xây dựng đất nước, luôn nuôi dưỡng trong tâm trí ước nguyện “góp phần làm người Việt có thể ngẩng

cao đầu”... Khi trở thành một trong 15 thành viên đóng góp tích cực của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhiệm kỳ 2016-2021 cho đến nay, ông Vũ Minh Khương luôn là người đóng góp tích cực trên nhiều diễn đàn, hội thảo trong và ngoài nước về chủ đề phát triển đất nước.

Học tập và làm việc tại Đức, TS. BS. Tạ Thị Minh Tâm tại Đại học Y Charité Berlin luôn thường trực ước mơ được đem những kiến thức tiên tiến về để phát triển lĩnh vực y tế tại Việt Nam.

Từ năm 2017, chị kết nối Đại học Y Charité Berlin và Đại học Y Hà Nội, được chính phủ Đức tài trợ trong Chương trình toàn cầu hợp tác bệnh viện, cũng như nhận được tài trợ của Tổ chức trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) để xây dựng chương trình hợp tác giữa hai trường.

Mục tiêu hàng đầu của chương trình hợp tác đó là phát triển nguồn nhân lực như giảng dạy cho sinh viên, học viên sau đại học, đào tạo bác sĩ chuyên khoa và đào tạo tiến sĩ, tăng cường nghiên cứu khoa học và góp phần hiện đại hóa ngành tâm thần tại Việt Nam.

Khi mở Công ty đào tạo Smart Learn Solutions, TS. Ngô Tuyết Mai – giảng viên tại Australia muốn cung cấp các giải pháp học tập thông minh cho các giáo viên và phụ huynh Việt Nam và tạo những chuyển biến, truyền năng lượng tích cực, giúp họ được tiếp cận với phương pháp giảng dạy mới, hiện đại của quốc tế.

Đặc biệt, trong suốt 30 năm qua, TS. Võ Tá Hân – Việt kiều tại Mỹ đã cùng cộng sự mang nhiều container sách quý về khoa học, kỹ thuật tặng các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu của đất nước.

Theo ông, tất cả kiến thức của nhân loại đều nằm trong sách vở và do đó không có gì hiệu quả hơn để giúp đất nước là chuyển kiến thức về Việt Nam, có thể giúp cho đất nước chóng giàu mạnh. Ngoài việc mang sách về nước, ông còn “chuyển giao tri thức” cho Việt Nam bằng Quỹ học bổng Võ Tá Hân, nhằm giúp đỡ những học sinh nghèo hiếu học tại các vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam.

Như vậy, “mỗi người Việt Nam ở nước ngoài đều có cách thể hiện tình yêu đất nước khác nhau, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cá nhân”. Lời chia sẻ này của TS. Cao Thế Anh, Phó Chủ tịch Công nghệ, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ở châu Âu, đã nói thay mong mỏi của mỗi trí thức kiều bào mang trong mình dòng máu Việt.

Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định việc xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững.

Nghị quyết đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước với những cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận.

Sự ra đời của Nghị quyết 45-NQ/TW cùng với Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” đã được Chính phủ ký Quyết định số 1334/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 phê duyệt, đã thể hiện sự quyết tâm cao của của Đảng, Nhà nước, của toàn hệ thống chính trị và xã hội trong việc huy động nguồn lực trí thức kiều bào tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn mới, gắn với mục tiêu phát triển của Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.

Cô giáo Việt là người châu Á duy nhất dạy sư phạm tiếng Anh ở Nam Úc: Dạy học là khoa học, nghệ thuật và nghiên cứu

(Ảnh minh họa).

Hành trình trở thành giảng viên dạy tiếng Anh tại nước ngoài của cô Mai bắt đầu từ những bài học bố dạy.

Bận rộn với công việc giảng dạy, chỉnh sửa và nhận xét luận văn tiến sĩ cho nhiều nghiên cứu sinh, hiếm lắm tôi mới tìm được một lịch trống để ngồi lại trò chuyện với Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai (Hà Nội, SN 1973) - giảng viên cao cấp của Trường Đại học Flinders (Nam Úc). Là một người Việt Nam - làm giảng viên đào tạo giáo viên tiếng Anh ở quốc gia sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ mẹ đẻ… một chuỗi mệnh đề đối nghịch khiến Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai trở nên vô cùng đặc biệt.

Trò chuyện với cô Mai thông qua màn hình máy tính vì khoảng cách địa lý quá lớn: một người ở Việt Nam và một người ở Úc, nhưng vẫn không thể nào ngăn cản được những lời chia sẻ đầy hào hứng của Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai về “chuyện học”, “sự học” ngoại ngữ.

Đam mê với tiếng Anh từ những bài học của cha

Dạy tiếng Anh, thậm chí là dạy tiếng Anh ở nước ngoài, song trên thực tế cô Mai không được tiếp xúc với tiếng Anh từ quá sớm, cũng chưa từng đi du học trước đó. Cô Mai không xuất phát điểm là một người học tiếng Anh, ở thời điểm đi học và bắt đầu được tiếp xúc với ngoại ngữ thứ 2, nữ tiến sĩ theo học tiếng Nga. Tuy nhiên, thấy được tiềm năng phát triển của ngôn ngữ này, nên từ khi 8 tuổi cô Mai đã được bố dạy những bài đơn giản nhất về tiếng Anh.

“Bố tôi là một người rất có tầm nhìn. Ông luôn cho rằng tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ của toàn cầu và điều đó thật đúng khi đối chiếu ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, thời buổi đó chưa có điều kiện học ngoại ngữ tốt như bây giờ, nên bố đã tự dạy con gái học tiếng Anh. Nhưng khả năng tiếng Anh của bố tôi không quá tốt vì xuất phát điểm ông là giáo viên dạy Toán. Nhưng bố vẫn đầu tư, mua sách vở, băng đĩa về tiếng Anh để cho tôi xem”.

Đến thời điểm hiện tại, cô Mai vẫn nhớ như in chương trình Follow Me! - một series về tiếng Anh do Bayerischer Rundfunk và BBC sản xuất vào cuối những năm 70 mà cô Mai thường được bố đưa đi xem từ thời còn tấm bé . Đều tăm tắp, cứ đến tối thứ 2 và tối thứ 4 là cô Mai lại được bố lóc cóc chở bằng xe đạp đến một trung tâm tiếng Anh ở ngay trung tâm Hà Nội, rồi mua vé để con gái được xem từng tập Follow Me! . Trong chương trình, người ta dạy về những bài học “vỡ lòng” ngoại ngữ ABC rất đơn giản, rồi thỉnh thoảng lại chiếu về các danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại Anh như thành phố London, tháp đồng hồ Big Ben… Tình yêu với tiếng Anh nảy nở trong cô Mai từ những chuyến xe bố chở lên phố như thế.

Và sau khi thi đỗ vào lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cô Mai mới bắt đầu hành trình học tiếng Anh một cách bài bản nhất. Sau đó, cô trúng tuyển vào trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (hiện là trường Đại học Hà Nội) khoa Ngôn ngữ Anh. Sau 5 năm học cử nhân tại đây, cô được trường giữ lại làm giảng viên tại đây ngót nghét gần 20 năm.

Từng bị nhầm là sinh viên khi giảng dạy ở nước ngoài

Có một công việc khá tốt, nhưng cô Mai mong mỏi bản thân cần có gì đột phá hơn. Vậy nên, cô đã quyết đăng ký xin học bổng Chính phủ Úc để theo học Thạc sĩ chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh (TESOL) tại trường Đại học Sydney, rồi sau đó làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ giáo dục và sau Tiến sỹ (Postdoc) tại Đại học New South Wales (Úc). Trong quá trình học tập tại đây, cô Mai đã xác định mục tiêu của mình là tìm kiếm cơ hội để trở thành giảng viên tại Úc và trường Đại học Flinders là nơi cô muốn hướng đến.

Cũng giống như việc học ngoại ngữ, mong muốn trở thành giảng viên đại học tại Úc của cô Mai lại bắt đầu bằng những ước mơ bởi cô tin “nơi nào có mong muốn thì nơi đó có được con đường”. Từ những mong muốn từ sâu bên trong, cô Mai đã nỗ lực không ngừng nghỉ để trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, những trải nghiệm cần thiết và sự không ngừng học hỏi từ những giảng viên, giáo sư giỏi tại các trường Đại học của Úc.

“Không phải mỗi Việt Nam là đất nước chuộng bằng cấp đâu mà các nước phát triển họ cũng cần những tấm bằng ít nhất để chứng minh bạn đã học về ngành đó. Không ai tuyển một giảng viên đại học vào chỉ vì thấy giảng viên đó… hay lắm. Mà điều đầu tiên bạn phải có bằng cấp mà nhà tuyển dụng muốn.

Tôi nhớ trong bản mô tả công việc vị trí giảng viên đại học tại trường Đại học Flinders có đến 20 - 30 đầu mục mà mình phải đáp ứng với vị trí công việc đấy. Nếu mình để lỡ bất kỳ yêu cầu nào sẽ thiếu đi tính cạnh tranh so với những ứng viên khác ngay từ vòng hồ sơ”, cô Mai tâm sự.

Sự chuẩn bị kỹ càng về mặt chuyên môn lẫn hiểu biết về vị trí ứng tuyển và sự tự tin đã giúp cô Mai vượt trội trong buổi phỏng vấn lựa chọn giảng viên chính thức tại Khoa Xã hội, Nghệ thuật và Nhân văn, ngành Sư phạm tiếng Anh của trường Đại học Flinders.

“Khi biết tin mình đã chính thức trở thành giảng viên tại trường Đại học Flinders, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì công việc ước mơ và mong muốn của bản thân bao lâu nay đã thành hiện thực. Hơn nữa, tôi nghĩ mình cũng khá may mắn.”.

Tham gia giảng dạy những lớp học đầu tiên, mọi người không biết cô Mai là ai cả, thậm chí có sinh viên gặp ở hành lang còn nói: “Bạn là sinh viên của lớp này à?”, “Bạn đến từ đâu vậy?”. Khi thấy cô Mai bước vào lớp với vai trò là giảng viên, cả lớp đều ồ lên khi thấy một cô giáo da vàng đến Úc giảng dạy ngành Sư phạm tiếng Anh.

Vui vẻ không lâu, sự lo lắng lại hiện diện bên trong cô. Những tháng đầu tiên với vị trí giảng dạy, cô Mai vất vả sáng tối để chuẩn bị giáo án, bài vở cho thật trau chuốt. Chưa hết, trong một khoảng thời gian dài cô Mai vừa đi giảng dạy, vừa đi dự giờ các giáo sư, đồng nghiệp khác để xem học hỏi kinh nghiệm cách họ dạy.

“Tôi luôn cố gắng học hỏi, liên tục đổi mới bài giảng, đồng thời không chờ tới hết môn mới xin phản hồi từ phía sinh viên. Tôi làm điều đó rất thường xuyên trong một học kỳ, thậm chí thành thói quen sau mỗi tiết học để có những điều chỉnh kịp thời. Nếu có chỗ nào các bạn chưa hiểu rõ, thì đó là trách nhiệm của cô. Các bạn hãy cho cô biết ngay trên lớp để cô tìm cách giảng lại một cách tường minh hơn”.

Từ “khác biệt” ở bản thân, cô coi đó là điều “đặc biệt” để gần gũi, hiểu và truyền cảm hứng cho các sinh viên của mình.

Học ngoại ngữ không phải chỉ cần năng khiếu

Chia sẻ về “bí quyết” học ngoại ngữ, cô Mai tâm sự khi học ngôn ngữ thì năng khiếu không chưa đủ, mà bạn cần có sự chăm chỉ, nỗ lực không ngừng nghỉ. Học ngoại ngữ để phát triển năng lực ngoại ngữ thực thụ là một quá trình rất phức tạp và bao gồm rất nhiều thứ trong đó bao gồm ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm, nghe, nói, đọc, viết, văn hóa, và tư duy bằng ngoại ngữ đó… Và việc học ngoại ngữ bài bản và hiệu quả cần có yếu tố thời gian, chứ không phải ngày một ngày hai có thể thuần thục được.

“Văn hóa” - một yếu tố quan trọng khi học ngoại ngữ mà nhiều người hay bỏ qua. Chẳng hạn khi gặp nhau, người Việt chúng ta thường nói: “Bạn đi đâu đấy?”, “Bạn dạo này thế nào?” . Nhưng người Úc khi gặp nhau họ lại nói: “Good day” (nghĩa: Xin chào, hay chúc bạn một ngày tốt lành), chứ không phải cứ “How are you?” - “I’m fine, thank you, and you”.

“Khi bước chân sang thành phố Sydney để học Thạc sĩ, khi mọi người nói chuyện xung quanh, tôi nghe câu được câu không. Tôi nhớ nhất kỷ niệm khi mới sang Úc, họ cứ nói ‘Good day’. Lúc đầu tôi không hiểu, thậm chí thấy hơi xa lạ vì hôm đấy rõ ràng trời mưa rất to mà ai gặp nhau cũng nói ‘good day’. Nhưng sau nhiều lần va vấp, tôi hiểu rằng ‘good day’ chính là ‘hello’. Đây chính là yếu tố văn hóa, mà chúng ta thường bỏ qua trong các giờ học ngoại ngữ”.

Từ ví dụ đó của bản thân, cô Mai nhấn mạnh việc học ngoại ngữ không hề dễ dàng. Nếu chúng ta học ngoại ngữ chỉ để biết thì ở một khía cạnh nào đấy không quá khó, nhưng để hiểu một ngoại ngữ rõ tường tận như chân tơ kẽ tóc, hiểu để sử dụng nó một cách thuần thục trong giao tiếp hàng ngày và trong môi trường học thuật thì lại cần rất nhiều thời gian để ngấm, để thấm. Để làm được điều đó, theo cô Mai, người học cần có sự nỗ lực cùng với một “cách tiếp cận ngôn ngữ có nguyên tắc”.

“Đừng nghĩ việc học ngoại ngữ do có năng khiếu, mà thay vào đó hãy nghĩ đến việc bạn có được dạy và học ngôn ngữ theo các nguyên tắc khoa học hay không, nếu bạn không được dạy theo các nguyên tắc khoa học thì việc học của bạn sẽ khó có hiệu quả và mất nhiều thời gian”, cô Mai kết luận.

“Nguyên tắc” ở đây có rất nhiều, cách đây vài thập kỷ người ta đã nghiên cứu và phát hiện ra một chuỗi hàng trăm nguyên tắc học và dạy ngoại ngữ. Tuy nhiên, vì số lượng quá lớn như vậy rất khó để giáo viên có thể ghi nhớ và thuần thục được. Vậy nên mới đây, giáo sư Brown ở Mỹ đã thu hẹp lại thành bộ 12 nguyên tắc giảng dạy ngoại ngữ gồm 3 nhóm. Nhóm 1: Nguyên tắc về tư duy; Nhóm 2: Nguyên tắc về cảm xúc; Nhóm 3: Nguyên tắc về ngôn ngữ.

Trong đó, một nhóm nguyên tắc mà người Việt thường phạm phải nhất là nguyên tắc về ngôn ngữ. Tức là, nhiều gia đình Việt cho con đi học ngoại ngữ từ khi con chưa thạo tiếng mẹ đẻ, trong tiếng Anh hiện tượng này gọi là “native language effect” (sự ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ với việc học ngoại ngữ). Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tiếng mẹ đẻ có ảnh hưởng tích cực hoặc chưa tích cực tới việc học ngoại ngữ của con trẻ.

Chẳng hạn, khi bạn là người Pháp mà chuyển qua học tiếng Anh thì sẽ rất dễ dàng vì chúng có nhiều ảnh hưởng tích cực lẫn nhau. Hay khi bạn học tốt tiếng Trung, thì “quay xe” sang học sang tiếng Nhật, tiếng Hàn lại đơn giản hơn so với những người có tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ bắt đầu theo học về các ngôn ngữ tượng hình. Đây được gọi là những tác động tích cực vì ngôn ngữ mẹ đẻ với ngôn ngữ bạn học có nhiều điểm giống.

Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp ngôn ngữ mẹ đẻ khác biệt so với ngôn ngữ mà bạn học. Ví dụ cùng câu “Tôi ăn cơm”, trong tiếng Việt động từ “ăn” được đặt giữa chủ ngữ và vị ngữ. Trong khi đó trong tiếng Nhật lại đặt động từ “ăn” ở cuối câu. Tóm lại, nếu cho đi học ngoại ngữ quá sớm, từ khi con chưa kịp vững tiếng mẹ đẻ đã phải nhồi nhét thêm một đống kiến thức của thứ tiếng mới, đứng từ góc độ của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, đây là “vi phạm rất nghiêm trọng và nó có thể để lại hệ lụy rất lớn cho con”.

“Cá nhân tôi khi sống ở môi trường tiếng Anh thật nhưng luôn nhắc các bố mẹ Việt rằng đừng lo lắng tiếng Anh của con mà tập trung vào tiếng Việt. Đặc biệt là khi bạn ở Việt Nam thì việc học tiếng Việt càng tốt. Khi tiếng Việt của con mà tốt, khi chuyển sang ngôn ngữ thứ 2 cũng sẽ thuận lợi hơn. Nhiều nhà ngôn ngữ gợi ý vững tiếng mẹ đẻ, lớp 2 lớp 3 mới nên quan tâm cho con học ngoại ngữ”.

Đặc biệt, về mặt sư phạm mà nói thì việc dạy các bạn càng nhỏ thì giáo viên càng phải có phương pháp sư phạm, bằng cấp cao: “Mình luôn nói với giáo viên việc dạy là khoa học, dạy là nghệ thuật, dạy là nghiên cứu. Để trở thành giáo viên chuyên nghiệp, thì cần phải có cả ‘khoa học’, ‘nghệ thuật’ và ‘nghiên cứu’”.

Nhìn nhận một cách khách quan, cô Mai nhận thấy nhiều giáo viên Việt Nam khi tham gia giảng dạy ngoại ngữ, thường vi phạm một số nguyên tắc. Chính điều đó khiến cho hành trình học tập và trải nghiệm học tập của học viên khó khăn, gian nan hơn rất nhiều, thậm chí còn mất động lực học tập.

Bạn có ấn tượng với hành trình truyền cảm hứng của cô Mai không? Nếu có, hãy đề cử cho cô và những câu chuyện tương tự tại cổng đề cử của WeChoice Awards 2023 nhé!

Nguồn: Nhân Dân; Báo Quốc Tế; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang