Người Việt hải ngoại: Quảng bá văn hóa ở Anh; Góc khuất đời nghệ sĩ ở Mỹ; Ngày Việt Võ đạo tại Thụy Sĩ

QUẢNG BÁ VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT VIỆT NAM TỚI BẠN BÈ ANH VÀ QUỐC TẾ

Với sự dàn dựng sáng tạo, công phu, kết hợp công nghệ ánh sáng và âm thanh hiện đại, các tiết mục trong đêm nhạc “Gửi một lá thư tình” nhận được sự khen ngợi, cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

Tối 17/3 (giờ địa phương), đêm nhạc “Gửi một lá thư tình” đã diễn ra tại Nhà hát Greenwood, Đại học King’s College London, với sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, các tổ chức, hội đoàn người Việt tại Anh, cùng đông đảo sinh viên Việt Nam, Anh và quốc tế.

Sự kiện do Hội sinh viên Việt Nam tại Anh (SVUK) và cộng đồng chuyên viên Việt Nam tại Anh (VietPro) tổ chức nhằm giới thiệu những tài năng nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt yêu nghệ thuật tại Anh, đồng thời quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tới bạn bè Anh và quốc tế.

Với 6 chủ đề gồm Tình yêu, Biết ơn, Gắn kết, Tổ ấm, Tha thứ và Gia đình, đêm nhạc gồm 20 tiết mục phong phú, đặc sắc, từ biểu diễn đàn piano, violin, cello, guitar, đàn tranh đến các màn hát, nhảy, múa, trình diễn áo dài… do các sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học Anh và người Việt sinh sống, làm việc tại Anh trình diễn.

Với sự dàn dựng sáng tạo, công phu, kết hợp công nghệ ánh sáng và âm thanh hiện đại, các tiết mục nhận được sự khen ngợi, cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

Chương trình là sự hợp tác đầu tiên giữa SVUK và VietPro, nhằm tạo một sân chơi, tôn vinh và quảng bá những tài năng nghệ thuật, một lĩnh vực quan trọng ngoài học vấn và thể thao trong cuộc sống du học tại Anh. Sự kiện cũng tạo sự gắn kết cộng đồng người Việt tại Anh, đồng thời lan tỏa giá trị, nét đẹp văn hóa Việt Nam tới bạn bè Anh và quốc tế, với sự tham gia biểu diễn của các sinh viên nước ngoài trong chương trình.

Tham dự sự kiện, bà Đào Thị Hồng - Bí thư thứ nhất phụ trách giáo dục, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, đánh giá cao nỗ lực của SVUK và VietPro trong việc tổ chức một sự kiện có ý nghĩa như đêm nhạc "Gửi một lá thư tình," giúp gắn kết cộng đồng người Việt tại Anh đồng thời quảng bá tài năng nghệ thuật Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Bà Hồng bày tỏ vui mừng về sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Anh, trong đó có SVUK, khẳng định Đại sứ quán Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ các hội đoàn người Việt tại Anh nhằm xây dựng cộng đồng người Việt ngày một lớn mạnh.

SVUK đại diện cho hơn 14.000 sinh viên Việt Nam đang sống và làm việc tại Anh, là nhịp cầu kết nối 46 Hội Sinh viên Việt Nam (Vietsoc) từ các trường đại học, cao đẳng trên toàn Vương quốc Anh.

Thành lập năm 2010, VietPro nhằm kết nối mạng lưới quan hệ và cơ hội nghề nghiệp đồng thời hỗ trợ chuyên viên và sinh viên Việt Nam xây dựng kỹ năng mềm, hòa nhập vào môi trường làm việc tại Anh và Việt Nam.

Từ khi thành lập, VietPro tổ chức nhiều sự kiện chuyên nghiệp như Prospect, SkillQuest, VietPro Christmas Dinner… tạo nền tảng cho việc xây dựng mạng lưới quan hệ học tập và làm việc cho cộng đồng chuyên viên, sinh viên Việt Nam tại Anh./.

TRANG TRẦN GẤP CHĂN, LÀM LAO CÔNG KIẾM 20 ĐÔ/NGÀY VÀ NHỮNG GÓC KHUẤT TRONG ĐỜI SỐNG NGHỆ SĨ VIỆT Ở MỸ

Những ngày qua, câu chuyện Trang Khàn sang Mỹ gấp khăn, làm lao công, bị đuổi việc… được dư luận quan tâm. Thực tế, cựu mẫu không phải là người đầu tiên hé lộ những góc khuất cuộc sống của nghệ sĩ Việt Nam tại xứ sở cờ hoa.

"Bằng cấp không có, được 20 đồng/ngày là may rồi"

Tháng 12/2023, Trang Trần đưa con gái Kiến Lửa sang Mỹ đoàn tụ cùng chồng. Thời gian này, cô thường xuyên chia sẻ về cuộc sống mới, những khó khăn khi đặt chân tới một đất nước xa lạ. Những clip chia sẻ công việc làm lao công, quét dọn, gấp khăn kiếm 20 đô/ngày của cựu người mẫu thu hút đông đảo khán giả theo dõi.

"Bằng cấp không có, người ta trả lương 20 đồng (20 đô - PV) là may rồi", cựu người mẫu trải lòng.

Theo Trang Trần, cô không muốn ở nhà chồng nuôi. Cựu người mẫu cho biết giai đoạn này khó tìm việc làm phù hợp bởi không có bằng cấp. Vì muốn tìm hiểu về nghề nail nên cô xin làm lao công cho tiệm nail ở gần nhà để tiện quan sát. Với Trang Trần, niềm vui là được đi làm, được là chính mình.

"Con người phải làm việc cho giải toả năng lượng. Khi các anh lấy vợ, các anh cưng vợ như cưng trứng thì chồng em cũng cưng em vậy. Tại sao chồng em không cho em mua cái tủ đông, chồng em không cho em buôn bán online bên này vì chồng em không muốn em vất vả. Tuy nhiên em thấy con người phải lao động, phải làm việc…", Trang Trần bộc bạch.

Cô cũng khẳng định cuộc sống của nhiều nghệ sĩ hải ngoại mà khán giả thấy "chỉ là đoạn vui thôi, đoạn thật thì không nhìn thấy đâu".

Những góc khuất của nghệ sĩ Việt Nam tại Mỹ

Nhiều nghệ sĩ cũng từng thừa nhận câu chuyện phải "trầy trật" khi từ bỏ ánh hào quang để sang Mỹ tìm kiếm cơ hội.

Phùng Ngọc Huy sang Mỹ định cư khi sự nghiệp đang phát triển, dần có tên tuổi trong lòng khán giả. Tuy nhiên, thời gian đầu ở xứ cờ hoa, anh phải đi bán mỹ phẩm để mưu sinh. Vì không biết chạy xe nên anh đi xe đạp, khoảng 15-20 phút từ nhà thuê đến chỗ làm. Vào mùa Đông, thời tiết rất lạnh, cứ chạy 5 phút nam ca sĩ lại dừng lại, chà 2 tay vào nhau cho ấm. Nỗi nhớ quê nhà, nhớ sân khấu, đồng nghiệp luôn day dứt trong anh.

Đức Tiến là nghệ sĩ đa tài của showbiz Việt. Anh lấy vợ người Mỹ gốc Việt và sang Mỹ định cư. Chia sẻ với truyền thông trước đó, cựu siêu mẫu nói anh từng phải sống trong khu nhà di động dành cho người nghèo, làm công việc như chuyển hàng về Việt Nam bán, dẫn chương trình... để kiếm tiền.

Trước khi có công ty chuyên về mỹ phẩm, cựu người mẫu Ngọc Quyên phải bán hàng ở siêu thị để kiếm sống. Sau ly hôn, để có tiền nuôi con và lập nghiệp, cô ăn bánh mì các bữa trong ngày bởi "ăn thế mới giàu được".

Không riêng Phùng Ngọc Huy, Đức Tiến, Ngọc Quyên, mà thực tế nhiều nghệ sĩ Việt khi sang Mỹ cũng đi làm thêm những công việc như bưng bê quán ăn, livestream bán hàng... để mưu sinh nơi xứ người.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà NSƯT Quốc Thảo từng nói: "10 nghệ sĩ Việt Nam ở Mỹ thì có 9 người rưỡi muốn về". Theo ông, khi ở đây, nghệ sĩ thiếu cơ hội để làm việc một cách chuyên nghiệp. Ông chia sẻ, ca sĩ hay diễn viên lâu lâu mới có show. Những chương trình lớn thì 3, 4 tháng mới có, hoạ may có những show cuối tuần ở sòng bài, nhà hát..., mang tính chất chia sẻ với nhau nhiều hơn là làm việc chuyên nghiệp.

Thực tế, cuộc sống của nhiều nghệ sĩ Việt ở nước ngoài không hề dễ dàng, cũng chẳng hào nhoáng, "hái ra tiền" như dân tình vẫn nghĩ. Họ cũng phải bươn chải, làm nhiều công việc tay chân khác nhau để mưu sinh, bám trụ với lựa chọn của mình mong tới lúc "đổi đời".

Hiện tại, những chia sẻ của Trang Trần vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Có người cho rằng cựu người mẫu đang "nói quá lên". Đúng sai chỉ người trong cuộc mới rõ, nhưng có một điều Trang Trần nói đúng. Đó là: "Tại sao lại thấy công việc lao động tay chân là xấu hổ? Chỉ có người lười lao động mới đáng xấu hổ".

NGÀY HỘI CỦA VIỆT VÕ ĐẠO TẠI THỤY SĨ

Đã trở thành sự kiện hàng năm, thầy trò môn Việt Võ Đạo tại Thụy Sĩ cuối tuần qua đã tập hợp đông đủ tại thành phố Geneva để tranh tài, cũng như giao lưu tăng cường tình đoàn kết và kết nối.

Với phần thi gồm các nội dung cho người lớn và trẻ nhỏ, hàng trăm người, cả kiều bào và những môn sinh quốc tế, háo hức tham gia tranh tài từ sáng trong trung tâm thể thao Central Spotif ở phường Vernier.

Đáng chú ý nhất trong phần thi cho các môn sinh nhỏ tuổi là trò Fightball. Đây là phần thi yêu cầu người tham gia phải có phản xạ tốt, có kỹ năng bảo vệ mục tiêu, nhưng thay vì đấu đối kháng, các em tập trung dán quả bóng lên phần người đối phương.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Geneva, bà Đinh Thanh Vân, thành viên môn Việt Võ Đạo tại Thụy Sĩ, cho biết: "Trò này cũng giống đấu đối kháng nhưng đây là bước đầu tiên trong quá trình rèn luyện cho các em, để chúng tập làm quen với việc né đòn, rèn luyện khả năng tập trung, kiên nhẫn và biết chớp cơ hội trong những khoảnh khắc dù là nhỏ nhất".

Cũng trong ngày hội Việt Võ Đạo 2024, thầy Võ Kim Ấn thông báo quá trình phát triển của bộ môn, cũng như mục tiêu cho năm mới. Theo đó, các phòng tập ở 4 điểm trường tại Geneva luôn chào đón các môn sinh muốn theo học ở mọi lứa tuổi.

Thầy Võ Kim Ấn cho biết thêm: "Đây là một hoạt động thể dục thể thao, được chính quyền sở tại tạo điều kiện, cũng như nhận được sự quan tâm của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva. Võ là đam mê và là hành trình dài để mọi người tại Thụy Sĩ hiểu hơn về các nội dung của Việt Võ Đạo. Ban đầu, chúng tôi mở lớp cũng không có nhiều học sinh đăng ký theo học, nhưng với quyết tâm giữ vững bản sắc văn hóa và tinh thần của người Việt, các lớp học hiện nay thu hút được nhiều em tham gia. Bên cạnh đó, các lớp cho người lớn cũng là một điểm sáng, đặc biệt là khi chúng tôi cũng còn những chương trình giao lưu với các môn phái võ Việt Nam khác ở các nước láng giềng"./.

Nguồn: Thời Đại; VTV4; Phụ nx & Pháp luật; Thể thao & Văn hóa

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang