Người Việt hải ngoại: Phát triển trẻ em ở Pháp; Hỗ trợ ở Thung lũng Silicon; Buôn lậu cần sa ở Nhật; Tiếp sức học sinh ở Campuchia

GS LÊ KIM NGỌC - NGƯỜI GÓP PHẦN VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ EM VIỆT KHÓ KHĂN Ở PHÁP

GS Lê Kim Ngọc và chồng - GS. Trần Thanh Vân là những người có nhiều cống hiến vì sự phát triển của những trẻ em người Việt có hoàn cảnh khó khăn tại Pháp.

Trong hai ngày 30 và 31/3, hàng trăm người Việt có tầm ảnh hưởng khắp thế giới sẽ quy tụ tại Pháp cùng bàn về vấn đề “Việt Nam - Vươn mình trong biến động”.

Bậc thầy của các nhà nghiên cứu về thực vật học

Trong số này có nhiều nhà hoạt động xã hội tiêu biểu trên khắp thế giới, đáng chú ý là GS. Lê Kim Ngọc, bà và chồng mình là GS. Trần Thanh Vân đã có đóng góp vì sự phát triển của những trẻ em người Việt có hoàn cảnh khó khăn tại Pháp.

Được biết đến là "bậc thầy của các nhà nghiên cứu về thực vật học", Giáo sư Lê Kim Ngọc đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong giới khoa học quốc tế. Những nghiên cứu của GS Lê Kim Ngọc, đặc biệt là khái niệm "lát mỏng tế bào" và công trình về quá trình nở hoa của thực vật, đã mở ra những cánh cửa mới cho ngành sinh học thực vật. Từ đó, tạo tiền đề cho những phát triển vượt bậc trong công nghệ sinh học.

GS. Lê Kim Ngọc không chỉ là một nhà khoa học xuất sắc mà còn là một nhà hoạt động xã hội đầy tâm huyết, trở thành guồn cảm hứng cho nhiều thế hệ tiếp theo trong việc cống hiến và phát triển. Cùng với chồng là GS. Trần Thanh Vân, GS. Lê Kim Ngọc đã không ngừng nỗ lực vì sự nghiệp giáo dục và bảo trợ trẻ em Việt Nam mồ côi và khuyết tật.

Hai vợ chồng GS. Lê Kim Ngọc đã đặt nền móng cho sự ra đời của Hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam tại Pháp. Những dự án như Làng trẻ em SOS và các trung tâm bảo trợ trẻ em ở Việt Nam là minh chứng cho tình yêu thương và sự quan tâm mà hai Giáo sư dành cho xã hội. Những nỗ lực này không chỉ mang lại hy vọng và hỗ trợ thiết thực cho hàng ngàn trẻ em mà còn là nguồn cảm hứng cho cộng đồng trong và ngoài nước.

Được trao tặng danh hiệu cao quý, Huân chương Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội Tinh và Huân chương Hữu nghị, chính là sự công nhận cho những đóng góp to lớn của Giáo sư Lê Kim Ngọc trong khoa học và những hoạt động vì cộng đồng.

Người bạn Pháp chân chính

Bên cạnh đó, diễn đàn VGLF 2024 còn có sự góp mặt của những nhà hoạt động xã hội có tầm ảnh hưởng đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội, đem lại cuộc sống ngày càng hạnh phúc, tươi đẹp hơn.

Trong số này, không thể không nhắc đến Thầy Pháp Hữu. Thầy Pháp Hữu được biết đến như một nhà hoạt động xã hội tích cực. Hiện thầy đang là trụ trì cộng đồng Tăng sĩ tại Làng Mai (trung tâm tu tập do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh thành lập ở Tây Nam nước Pháp).

Sinh ra ở Việt Nam, Thầy di cư sang Canada khi còn nhỏ và ở tuổi 13, khi vừa mới vào tu viện để trở thành tu sĩ, Thầy bắt đầu tu tập với Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Pháp danh Chân Pháp Hữu nghĩa là “Người bạn Pháp chân chính” của Thầy cũng được Thiền sư Thích Nhất Hạnh đặt. Trong hơn mười năm, Thầy đã đồng hành cùng Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong các chuyến giảng dạy quốc tế với tư cách là thị giả và trợ lý của Thiền sư.

Ngày nay, Làng Mai dưới sự lãnh đạo của thầy Pháp Hữu, thường xuyên tổ chức các khóa tu, hội thảo và các sự kiện với mục tiêu nâng cao ý thức sống chánh niệm, yêu thương, chăm sóc môi trường cũng như thúc đẩy hòa bình, hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng, tôn giáo.

Thầy cam kết xây dựng cộng đồng và tiếp nối di sản của Thiền sư, mang những lời dạy về sống chánh niệm, tỉnh thức đến mọi tầng lớp xã hội. Thầy Pháp Hữu là một tấm gương sáng trong việc thúc đẩy hòa bình và hiểu biết lẫn nhau qua lăng kính giáo lý Phật giáo, qua đó góp phần tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.

Những người trẻ có ảnh hưởng

Anh Hoàng Hoa Trung, người sáng lập dự án "Nuôi Em" - hành trình của sự quan tâm và tử tế, cũng là một trong những nhân vật nổi bật trong hoạt động xã hội tham dự sự kiện VGLF 2024 lần này.

“Thiện nguyện là một phần cuộc sống. Giúp đỡ được những trẻ em nghèo nơi vùng cao biên giới có quần áo ấm mặc, có sách vở, trường đẹp để học tập thực sự là điều hạnh phúc nhất. Công tác thiện nguyện nhiều khi rất khó khăn, vất vả nhưng với Trung và các bạn, điều đó cũng cho mình nhận lại được niềm vui khi sống có ích”, Hoàng Hoa Trung, người sáng lập dự án "Nuôi Em" chia sẻ. Anh đã trở thành gương mặt trẻ tiêu biểu nhờ vào những nỗ lực không ngừng nghỉ hướng tới trẻ em dân tộc thiểu số khó khăn.

Cụ thể, bằng hình thức kết nối các nhà hảo tâm, từ 2014 đến nay, hệ sinh thái Nuôi Em đã nuôi cơm trưa hơn 95,000 học sinh dân tộc thiểu số tại Việt Nam, Campuchia, Kenya. Đồng thời, dự án "Ánh sáng núi rừng" - Sức mạnh 2000 (từ 2012 đến nay) của anh đã xây dựng hơn 500 công trình giáo dục - nhà trường, cầu đi học, nhà hạnh phúc cho học sinh dân tộc thiểu số mồ côi, khu nội trú và học bổng cho các em tới năm 18 tuổi.

Bằng những cống hiến không ngừng nghỉ, anh đã được vinh danh với rất nhiều giải thưởng như Forbes 30Under30 Việt Nam (2020), Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (2019) (Bằng khen Thủ tướng Chính phủ), Giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2017, Top 10 Nhân vật truyền cảm hứng Wechoice Awards, Giải thưởng NUÔI EM: Dự án xã hội tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương - Hội liên hiệp các tổ chức Unesco Việt Nam và Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ trao tặng 8/2023, Giải thưởng Thanh niên Tình nguyện ASEAN Plus 2022.

Với thành tích ấn tượng, Hoàng Hoa Trung không chỉ là minh chứng cho tấm lòng vàng mà còn là nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều thế hệ trẻ.

Ngoài ra, sự kiện VGLF 2024 còn có sự có mặt của Thanh Vũ - người truyền cảm hứng “Không gì là không thể”. Ngày 28/08/2022, cộng đồng chạy bộ và ba môn phối hợp Việt Nam đã vỡ òa hạnh phúc khi nữ vận động viên Thanh Vũ cán đích đầu tiên và vô địch cuộc thi ba môn phối hợp khắc nghiệt nhất thế giới mang tên The Deca Ultra Triathlon diễn ra tại Thụy Sĩ. Với thành tích xuất sắc, Thanh Vũ cũng là nữ vận động viên châu Á đầu tiên vô địch giải thi này.

Trước đó, cô từng gây tiếng vang khi chinh phục nhiều giải đấu trong nước và quốc tế, đặc biệt phải kể đến thành tích người châu Á đầu tiên chạy bộ 1.000 km qua 4 sa mạc khắc nghiệt bậc nhất thế giới; hoàn thành các giải chạy siêu bền đa chặng trên cả 7 lục địa: châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Australia, châu Phi và châu Nam Cực.

Đến với các cuộc đua không phải để hành xác hay làm đau bản thân như nhiều người vẫn nghi hoặc, mà Thanh Vũ tham gia là để tìm hiểu xem mình làm được điều gì, vượt qua khó khăn, thử thách nào.

Từ đó, Thanh muốn truyền tải thông điệp "Không gì là không thể", để mỗi bạn trẻ có đủ can đảm để bước tới và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Từ câu chuyện của mình, Thanh Vũ cũng đã truyền được cảm hứng cho các bạn trẻ Việt Nam dám ước mơ, dám thực hiện, bay cao, bay xa để trở thành niềm tự hào của gia đình, của đất nước.

Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024" là nơi tụ hội của những cá nhân xuất sắc, những tâm hồn đẹp đang không ngừng cống hiến cho xã hội. Sự góp mặt của những nhà hoạt động xã hội không chỉ là dịp để ghi nhận những thành tựu của họ mà còn là cơ hội để truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần tích cực đến cộng đồng, khích lệ mọi người tham gia vào các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho Việt Nam và cả thế giới.

CÔ GÁI GÓP SỨC GIÚP NGƯỜI VIỆT CHINH PHỤC THUNG LŨNG SILICON

Từng được cộng đồng người Việt tại Mỹ giúp đỡ khi "chinh phục" một tập đoàn công nghệ toàn cầu, Ionah Hằng Nguyễn "trả ơn" bằng cách hỗ trợ những đồng hương tỏa sáng ở Thung lũng Silicon.

"Tôi nhận thấy cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ làm trong nhóm ngành kinh doanh ở lĩnh vực công nghệ có kiến thức và rất chăm chỉ, cầu tiến nhưng có thể thiếu một số kỹ năng và đôi khi là mạng lưới quan hệ để bước chân và tỏa sáng trong những công ty công nghệ lớn. Đó là một điều đáng tiếc và đó cũng là một trong những lý do mà Viet Spark ra đời", chị Ionah Hằng Nguyễn, một doanh nhân người Việt sống tại Mỹ, chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Viet Spark là một tổ chức phi chính phủ do chị Ionah Hằng Nguyễn sáng lập ra với mục tiêu là giúp đỡ, hỗ trợ cho cộng đồng người Việt trong ngành kinh doanh có thể bước chân vào cũng như phát triển trong cách doanh nghiệp công nghệ lớn tại Mỹ.

Ra đời cách đây 4 năm, Viet Spark đã giúp đỡ hàng trăm người Việt đầu quân cho các công ty lớn ở Mỹ, trong đó có những "ông lớn" tại Thung lũng Silicon, khu vực ở phía bắc bang California được xem là trung tâm công nghệ hàng đầu nước Mỹ và thế giới.

Viet Spark cũng đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện Tech Summit, được xem là một trong những sự kiện công nghệ lớn nhất của người Việt tại Mỹ.

Với Ionah Hằng Nguyễn, cựu quản lý sản phẩm cấp cao tại tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Amazon, Viet Spark là ước mơ có thể tạo ra một cộng đồng người Việt trong lĩnh vực công nghệ đoàn kết, cùng hỗ trợ lẫn nhau tiến về phía trước.

Giúp người Việt chinh phục Thung lũng Silicon

Vì sao chị lại quyết định thành lập Viet Spark?

- Đó là một câu chuyện dài. Năm 2018, tôi được nhận vào chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của một đại học top đầu tại Mỹ. Tôi bắt đầu hành trình Mỹ tiến sau khi có một sự nghiệp tương đối ổn định ở Việt Nam với vị trí Trưởng nhóm trải nghiệm sản phẩm tại một công ty công nghệ khởi nghiệp nổi tiếng.

Bước chân sang Mỹ, tôi gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với rào cản ngôn ngữ, văn hóa và môi trường MBA có rất nhiều những người giỏi và sáng giá xung quanh mình. Áp lực thế hệ từng khiến tôi rất căng thẳng, tự ti.

Sau đó, tôi quyết định bước khỏi vùng an toàn và tham gia các hội nhóm của người Việt tại Mỹ, kết nối với cộng đồng MBA của người Việt tại Mỹ.

Tại đây, các chuyên gia người Việt là những người rất thành công, có vị trí cao tại các công ty lớn đã tư vấn cho tôi về các kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, đồng thời tôi cũng có được cơ hội được kết nối với các nhà tuyển dụng.

Nhờ sự giúp đỡ của mọi người và nỗ lực của bản thân, tôi đã có được công việc tại Amazon, một tập đoàn công nghệ nổi tiếng thế giới.

Tôi cảm thấy rất biết ơn vì sự giúp đỡ của những người đồng hương xa xứ và nhận thấy tầm quan trọng của một hệ thống hỗ trợ để vượt qua được rào cản và thách thức trong một môi trường mới.

Tôi thấy cảm kích khi nhận thấy mỗi khi tôi cần sự hỗ trợ, cộng đồng người Việt lại chìa tay ra để giúp đỡ tận tình. Và tôi muốn tạo ra những giá trị tương tự cho những người đồng hương khác như một cách để "trả ơn".

Bắt đầu từ việc tổ chức các hoạt động chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm cho cộng đồng MBA của người Việt, tôi cùng các cộng sự đã tạo ra một môi trường thân thiện để giúp những người có cùng chí hướng kết nối, để học tập, trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau trở nên tốt đẹp hơn.

Đó chính là tiền đề để tôi sáng lập ra Viet Spark vào năm 2020.

Viet Spark đã giúp đỡ cộng đồng người Việt như thế nào trong hành trình chinh phục giấc mơ vào làm việc cho các "ông lớn" công nghệ tại Mỹ?

- Công nghệ là một trong những ngành thu hút nhân tài hàng đầu ở Mỹ. Nhiều người trong cộng đồng người Việt ở Mỹ có mong muốn kiếm được việc làm trong ngành này.

Tại Viet Spark, chúng tôi tổ chức chương trình thường niên "Break Into Tech". Đây là chương trình cố vấn trực tuyến, toàn diện, hoàn toàn phi lợi nhuận, kéo dài trong 3 tháng nhằm giúp người Việt có thể kiếm được công việc trong ngành công nghệ Mỹ.

Trong hơn 3 năm tổ chức, Viet Spark đã kết nối khoảng 180 người được cố vấn với 40 chuyên gia thành công trong nhiều lĩnh vực kinh doanh và công nghệ khác nhau.

Chương trình Break Into Tech 2023 bắt đầu từ cuối năm ngoái đã sắp khép lại, giúp kết nối thêm 40 người tham gia với 10 chuyên gia.

Trong vòng 6 tháng kể từ khi tham gia chương trình, hơn 85% người được cố vấn của Viet Spark cho biết đã nhận được lời mời thực tập/ làm việc toàn thời gian tại nhiều công ty công nghệ lớn như Amazon, Apple, Meta, Paypal, Dell, IBM...

Chương trình thường có các hoạt động như cố vấn cách làm hồ sơ xin việc, rèn luyện kỹ năng phỏng vấn, kết nối người xin việc với nhà tuyển dụng. Chúng tôi rất vui mừng khi chương trình đã đạt được những thành tựu lớn chỉ sau vài năm hoạt động.

Viet Spark đã tạo một sân chơi bổ ích, hiệu quả cho những người Việt làm việc trong nhóm ngành kinh doanh (như marketing, nhân sự, tài chính) tại các doanh nghiệp công nghệ.

Tôi nhận thấy, nhiều doanh nghiệp Mỹ đánh giá rất cao ứng viên Việt Nam có thế mạnh trong các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) nhưng chưa coi nhóm ngành kinh doanh là thế mạnh của người Việt. Vì vậy, trong nhóm ngành này, người Việt thường có ít lợi thế cạnh tranh hơn và không có nhiều người lên được vị trí cao trong các công ty công nghệ lớn.

Chúng tôi muốn thay đổi quan điểm nói trên và muốn người Việt không chỉ vào được các công ty công nghệ mà còn tỏa sáng tại đó. Nhiều người tham gia chương trình của Viet Spark đã có vị trí cao trong các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon và đó là động lực cho chúng tôi tiến bước.

Tới năm 2022, chúng tôi quyết định tổ chức chuỗi sự kiện Tech Summit. Đây là sự kiện nhằm đem đến cho các bạn sinh viên và những người đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ những thông tin, xu hướng mới nhất.

Trong sự kiện năm 2023 tổ chức tại Thung lũng Silicon, chúng tôi có 300 người tham gia. Tại đây, chúng tôi tổ chức các chuyến tham quan thực tế tới trung tâm công nghệ của thế giới, thăm trụ sở của Microsoft và Google, tổ chức các hội thảo về công nghệ, các sự kiện nhằm tăng cường kết nối, tinh thần đoàn kết của người Việt.

Chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco và các đối tác của chương trình, 15 diễn giả khách mời đến từ các tập đoàn công nghệ lớn và công ty khởi nghiệp nổi tiếng đã giúp sự kiện rất thành công, tạo tiếng vang lớn và mang lại hiệu quả thực sự cho người tham gia.

Điều gì khiến chị hạnh phúc nhất khi điều hành Viet Spark?

- Trong hành trình này, chúng tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cả những người tham gia và chuyên gia. Khi còn ở Việt Nam, tôi từng làm đồng chủ tịch của USGuide, tổ chức phi lợi nhuận có sứ mệnh giúp đỡ người Việt trong mục tiêu học tập tại Mỹ.

Khi đó, tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc tạo ra được một cộng đồng đoàn kết, cùng hướng tới một mục tiêu lớn và tới khi lập ra Viet Spark, tôi cũng giữ tôn chỉ này.

Tôi có quan điểm rằng đây là việc làm tình nguyện, giúp đỡ cho cộng đồng, chứ không phải vì lợi ích của riêng cá nhân mình. Tôi đã giữ cho mình suy nghĩ này khi đi phát triển mạng lưới chuyên gia hỗ trợ cho cả USGuilde và Viet Spark.

Tôi nhận ra rằng, khi mình thể hiện sự chân thành và mong muốn mang lại lợi ích cho người khác, mình có thể truyền tải năng lượng tích cực này cho những người xung quanh. Các chuyên gia tham gia hỗ trợ USGuilde và Viet Spark là những người Việt thành công và rất bận rộn nhưng khi tôi ngỏ lời mời họ chia sẻ, họ đều sẵn sàng giúp đỡ phi lợi nhuận.

Tôi cảm thấy biết ơn vì tinh thần của hỗ trợ của người Việt đã giúp chúng tôi vượt qua những thách thức trong những ngày đầu thành lập và vận hành một tổ chức phi chính phủ.

Suy nghĩ lớn, ước mơ lớn

Viet Spark đang nhận được những sự đánh giá, ủng hộ và phát triển tích cực ở Mỹ. Chị có định hướng nào cho tương lai của tổ chức?

- Tham vọng của tôi với sự phát triển của Viet Spark chưa dừng lại. Tôi muốn tập hợp một cộng đồng người Việt làm trong nhóm ngành kinh doanh tại lĩnh vực công nghệ đông đảo hơn nữa, vì điều đó có thể tạo ra sức mạnh, cũng như nhiều cơ hội hơn nữa để người Việt có thể giúp đỡ nhau trên con đường hướng tới thành công.

Thứ nhất, chúng tôi có kế hoạch có thể sẽ mở thêm các chi nhánh của Viet Spark tại các quốc gia khác trên thế giới. Đây là một định hướng đầy tham vọng nhưng chúng tôi tin là khả thi vì tôi hiểu tinh thần hỗ trợ và giúp đỡ đồng hương nhiệt tình của người Việt. Khi mỗi cá nhân trở nên tốt hơn, cả cộng đồng sẽ mạnh mẽ hơn.

Thứ 2, chúng tôi muốn kết nối một cách sâu sắc hơn giữa doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam và chuyên gia Việt tại Mỹ. Cách tiếp cận của Viet Spark từ trước tới nay là kết nối giữa người Việt và chuyên gia Việt tại Mỹ.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy nhiều công ty công nghệ và khởi nghiệp ở Việt Nam muốn hợp tác với các chuyên gia Việt tại Mỹ. Chúng tôi muốn bắc nhịp cầu cho những sự hợp tác này và kỳ vọng kế hoạch sẽ thành công để giúp các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể phát triển hơn nữa trong tương lai.

Thứ 3, chúng tôi cũng muốn tạo ra mạng lưới kết nối và các mối quan hệ để giúp đỡ cho người Việt có thể khởi nghiệp thành công tại Mỹ.

Trong 4 năm qua, chúng tôi đã giúp nhiều người Việt có các công việc tại doanh nghiệp công nghệ lớn. Nhưng tôi biết nhiều người Việt có tham vọng khởi nghiệp tại Mỹ và Viet Spark mong muốn có thể giúp đỡ họ đạt được những thành tựu trong tương lai.

Chị cho rằng, thách thức lớn nhất của cộng đồng người Việt khi làm việc ở môi trường công nghệ tại Mỹ là gì? Họ cần làm gì để vượt qua thách thức đó?

- Một điều mà chúng tôi luôn ấp ủ và mong muốn giúp đỡ mọi người trong các buổi cố vấn là cách "suy nghĩ lớn và ước mơ lớn". Tôi biết rất nhiều bạn trẻ người Việt có kỹ năng và chuyên môn rất tốt, nhưng họ đôi khi có những nỗi sợ vô hình trong đầu và tự ti.

Tôi cho rằng, điều này có thể kéo lùi họ lại phía sau, khiến họ mất đi những cơ hội để đạt được những mục tiêu lớn hơn trong đời. Nếu mọi người nghĩ lớn hơn và dám làm những điều có sức ảnh hưởng cao hơn, tôi tin họ có thể thành công hơn nữa trong tương lai.

Ngoài ra, với những người trẻ sang Mỹ để học tập và lập nghiệp, họ đều phải đối mặt với những rào cản về văn hóa, thiếu đi các mạng lưới quan hệ để tạo ra cơ hội phát triển.

Nhiều người trẻ đã có ước mơ đặt chân vào làm việc ở các công ty công nghệ hàng đầu thế giới tại Mỹ. Nếu có một lời khuyên, chị sẽ khuyên họ chuẩn bị những kỹ năng gì?

- Theo tôi, nếu các bạn trẻ muốn vào được các doanh nghiệp công nghệ lớn, họ cần những kỹ năng như xây dựng mối quan hệ, chuẩn bị các kỹ năng mềm.

Một kỹ năng mà tôi muốn nhắc là kỹ năng kể chuyện, và thuyết phục người khác, giao tiếp ngoài khả năng chuyên môn. Để vào được những công ty, bạn phải chứng minh được cho nhà tuyển dụng thấy mình phù hợp với doanh nghiệp và mang lại giá trị cho họ.

Với tôi, chuyên môn công việc là điều kiện cần, còn kỹ năng mềm là điều kiện đủ. Một ứng viên cần phải có đầy đủ những kỹ năng này và thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được điều đó, để thuyết phục họ lựa chọn mình cho vị trí công việc.

Ngoài ra, tôi nhận thấy người Mỹ rất tự tin và họ có xu hướng muốn tìm những ứng viên tự tin để làm việc và hợp tác. Người Việt có đức tính khiêm tốn nhưng tôi cho rằng chúng ta cũng cần thể hiện sự tự tin ra bên ngoài. Nếu chúng ta thực sự giỏi, chúng ta không nên giấu kín hoặc e dè mà phải cho nhà tuyển dụng thấy được điều đó.

Ngoài ra, tôi cho rằng, không phải ai cũng hoàn hảo. Nhưng chúng ta nên tập trung vào việc phát huy các điểm mạnh, thay vì chỉ hướng sự chú ý và lo lắng vào điểm yếu của bản thân. Nếu chúng ta thực sự phát triển các điểm mạnh một cách hiệu quả, điều đó sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh với các ứng viên khác.

Lên kế hoạch cho cuộc đời

Được biết, chị đã bắt đầu khởi nghiệp trong thời gian qua? Vậy đây có phải là cách mà chị ước mơ lớn?

- Tôi đã sáng lập một công ty ở Mỹ về board game (một hình thức trò chơi giúp người chơi phát triển tư duy, kỹ năng suy luận, giao tiếp và phán đoán - PV). Tôi đang trong những bước đầu của công việc gọi vốn đầu tư từ cộng đồng (crowd funding) qua các nền tảng lớn như Kickstarter, Indiegogo.

Tôi cũng đã về Việt Nam để tìm đối tác sản xuất cho các sản phẩm này. Nhưng tôi chưa dừng lại ở đây.

Mong muốn của tôi trong tương lai là tạo ra một nền tảng gây quỹ từ cộng đồng nhằm giúp mọi người có thể tung ra các sản phẩm mà họ phát triển lên để kêu gọi vốn đầu tư.

Tôi đã gặp gỡ với nhiều người trẻ Việt Nam có các ý tưởng về board game và muốn hiện thực hóa ý tưởng cũng như bán các sản phẩm này tại Mỹ. Tôi kỳ vọng mình có thể tạo ra một nền tảng trung gian để giúp các đối tác của mình tiếp cận với thị trường quốc tế.

Tôi hiểu đây sẽ là một chặng đường dài và tôi sẽ phải đối mặt với những khó khăn phía trước nhưng tôi muốn đặt niềm tin vào ước mơ lớn của bản thân.

Với kinh nghiệm từ bản thân, chị có lời khuyên gì cho giới trẻ để có thể đạt được các mục tiêu trong cuộc sống?

- Tôi cho rằng mỗi người sẽ có cách riêng để phát triển bản thân, sẽ không có một công thức chung cho tất cả nhưng tôi muốn nêu ra cách mà tôi lên kế hoạch cho cuộc đời mình.

Thứ nhất, tôi cho rằng, cần phải biến công việc trở thành niềm vui. Tôi có xu hướng tìm ra niềm đam mê trong một lĩnh vực cụ thể trong công việc để thực hiện. Khi còn đi làm, tôi thường trình bày và đề đạt với cấp trên về điều mà mình muốn làm và tự tin làm tốt để công việc trở thành một phần của cuộc sống.

Thứ 2, tôi là người làm rất nhiều việc từ khi còn là sinh viên và sau này khi đi làm. Quan điểm của tôi là khi đã làm một việc, chúng ta luôn phải nỗ lực hết mình. Có thể tôi sẽ không đủ thời gian để làm tốt mọi công việc, vì vậy tôi thường đặt ra ưu tiên.

Tại từng thời điểm trong cuộc đời, tôi sẽ ưu tiên thời gian và nguồn lực để thực hiện một mục tiêu nhất định. Tôi gọi đó là lập ra kế hoạch cho cuộc đời mình, chi tiết tới từng tháng, thậm chí từng tuần. Tôi thường đặt ra mục tiêu cho từng khoảng thời gian trong cuộc đời và sẽ nỗ lực đạt được mục tiêu đó.

Xin cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn!

2 NGƯỜI VIỆT Ở NHẬT BỊ BẮT VÌ BUÔN LẬU CẦN SA TỪ THÁI LAN

Mới đây cảnh sát Nhật Bản thông báo đã bắt giữ 2 người đàn ông quốc tịch Việt Nam là Nguyễn Ngọc Khánh (28 tuổi) và Nguyễn Văn Dương (32) tuổi vì nghi ngờ vi phạm Đạo luật kiểm soát cần sa. Hai người này hiện đang thất nghiệp và không có địa chỉ cụ thể.

Theo cảnh sát vào tháng 1 năm nay cả hai bị nghi ngờ thông đồng với những người khác để buôn lậu khoảng 7kg cần sa khô từ Thái Lan vào Nhật Bản. Số cần sa này có giá trị trên thị trường khoảng 34,7 triệu yên (5,7 tỉ đồng).

Vụ việc được phát hiện tại sân bay quốc tế Chubu khi các nhân viên hải quan tìm thấy thư từ Thái Lan có dòng chữ như “Jasmine” được viết trên túi. Hiện chưa rõ hai người có thừa nhận tội danh hay không. Tuy nhiên cảnh sát tin rằng hai người này đã quyết định buôn lậu sau khi nghe người chỉ dẫn nói rằng họ sẽ nhận được tổng số tiền thưởng là 50.000 yên (8 triệu đồng).

Cảnh sát Nhật Bản đang nghi ngờ 2 người này là thành viên của một nhóm buôn lậu và đang điều tra xem còn có người nào khác liên quan hay không.

SINH VIÊN VIỆT NAM TIẾP SỨC CÁC EM HỌC SINH KHÓ KHĂN TẠI CAMPUCHIA

Mỗi phần quà bao gồm đồ dùng học tập, bánh kẹo cùng học bổng trị giá 50 USD, qua đó góp phần động viên tinh thần của các em, vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập, cuộc sống.

Sáng 27/3, tại Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer-Việt Nam Tân Tiến ở thủ đô Phnom Penh, với sự tham gia của đại diện Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia, các mạnh thường quân và các doanh nghiệp đồng hành, Đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Campuchia và Đoàn lưu học sinh Quân sự Việt Nam trường Đại học Tổng hợp Quốc phòng Campuchia đã tổ chức chương trình trao tặng quà và học bổng cho học sinh gốc Việt hiếu học có hoàn cảnh khó khăn.

Mỗi phần quà bao gồm đồ dùng học tập, bánh kẹo cùng học bổng trị giá 50 USD, qua đó góp phần động viên tinh thần của các em, vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập, cuộc sống.

Tại buổi lễ, đại diện hai Đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Campuchia đã trao tặng quà, học bổng cho 12 em học sinh gốc Việt có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích tốt, vươn lên trong học tập tại Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer-Việt Nam Tân Tiến ở thủ đô Phnom Penh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Sim Chy, Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia, bày tỏ vui mừng và gửi lời cảm ơn tới Đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Campuchia và Đoàn lưu học sinh Quân sự Việt Nam trường Đại học Tổng hợp Quốc phòng Campuchia đã tổ chức chương trình thiện nguyện có ý nghĩa cho các em học sinh gốc Việt có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer-Việt Nam Tân Tiến.

Ông nhấn mạnh đây sẽ là ký ức khắc sâu vào tuổi thơ của các em về nghĩa cử cao đẹp, là hành trang giúp các em bước vào đời, cổ vũ các em cố gắng học tập, rèn luyện trở thành người tốt, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia cũng kêu gọi hai đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Campuchia tiếp tục tổ chức thêm nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa khác, qua đó nêu cao tấm gương của thế hệ thanh niên với tinh thần sẵn sàng hành động, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên."

Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Trưởng Đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Minh Hoàn cho biết hưởng ứng Tháng Thanh niên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng như để nâng cao tình đoàn kết giữa các đoàn viên và cộng đồng người Việt, Đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Campuchia phối hợp với Đoàn lưu học sinh Quân sự Việt Nam trường Đại học Tổng hợp Quốc phòng Campuchia đã tổ chức giải bóng đá nhằm gây quỹ thiện nguyện.

Từ sự kiện thể thao thiện nguyện này, Ban tổ chức sử dụng nguồn kinh phí huy động từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và đội bóng tham dự giải, cùng chung tay, giúp sức gây quỹ “Thanh niên Việt Nam," trao những suất học bổng, phần quà cho các em học sinh gốc Việt có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên trong học tập. Qua đó, phát huy truyền thống tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam, đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế về hình ảnh thanh niên Việt Nam xung kích, không ngại gian khó, luôn sẵn sàng chung tay giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, cũng như góp phần giúp cộng đồng gắn kết hơn.

Chương trình trao học bổng là một phần trong các hoạt động chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024) của Đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Vương quốc Campuchia và Đoàn lưu học sinh Quân sự Việt Nam trường Đại học Tổng hợp Quốc phòng Campuchia, hòa chung không khí tưng bừng, sôi nổi của thanh niên Việt Nam trong những ngày qua, trong Tháng Thanh niên năm 2024.

Trước đó, ngày 24/3, Đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Campuchia và Đoàn lưu học sinh Quân sự Việt Nam tại Campuchia đã tổ chức giải bóng đá gây quỹ thiện nguyện với các trận đấu sôi động trên cụm sân bóng Lux98, ở phường Chbar Ampov, khu vực có nhiều người gốc Việt sinh sống ở quận Chbar Ampov, thủ đô Phnom Penh. 8 đội bóng tham dự giải đã đóng góp kinh phí tổ chức và tài trợ giải đấu, cùng xây dựng quỹ thiện nguyện “Thanh niên Việt Nam."

Quỹ thiện nguyện “Thanh niên Việt Nam” là quỹ từ thiện do Đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Campuchia và Đoàn lưu học sinh Quân sự Việt Nam tại Campuchia thành lập với mục đích hỗ trợ các em học sinh gốc Việt có hoàn cảnh khó khăn, động viên các em cố gắng vươn lên trong học tập trên Đất nước Chùa Tháp./.

Nguồn: CafeBiz; Dân Trí; LocoBee; VietnamPlus

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang