Người Việt hải ngoại: Nàng hậu bị nghi là 'tiểu tam'; Miệt mài quảng bá văn hóa; Trang Khàn ở Mỹ; Phổ biến võ cổ truyền ở Romania

Nàng hậu gốc Việt vướng nghi vấn là 'tiểu tam' khiến cặp sao đình đám Thái Lan ly hôn, công ty quản lý phản hồi thế nào?

Đại diện của Jolie Nguyễn thừa nhận người đẹp có quen biết DJ PK.

Jolie Nguyễn từng được khán giả biết đến khi đăng quang Hoa hậu Thế giới người Việt tại Úc năm 2015. Không chỉ vậy, người đẹp còn thu hút nhiều sự quan tâm với cuộc sống giàu sang, xa hoa và là tiểu thư trong "Hội con nhà giàu Việt Nam".

Mới đây nhất, truyền thông Thái Lan xôn xao nghi vấn vợ chồng Yoghurt Nattasha và DJ PK ly dị do có người thứ 3. Cùng thời điểm này, cư dân mạng phát hiện DJ PK "thả tim" tích cực nhiều hình ảnh của Jolie Nguyễn. Do đó, người đẹp bất ngờ bị réo tên là "người thứ 3" làm tan vỡ cuộc hôn nhân đẹp này.

Sáng ngày 4/3, tờ Sanook đưa tin, công ty quản lý của Jolie Nguyễn lên tiếng phản hồi thông tin trên. Cụ thể, phía đại diện Jolie Nguyễn cho biết: “Mới đây, công ty và Jolie Nguyễn đọc tin về việc chia tay của Yoghurt Nattasha và chồng cô, DJ PK. Họ đã xác nhận ly dị. Chính Jolie Nguyễn cũng rất buồn khi nghe được thông tin này.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được thông tin trên các trang báo trực tuyến mang tính phỉ báng và sai sự thật về Jolie Nguyễn. Công ty khẳng định thông tin trên các trang trên là xúc phạm và vu khống, lan truyền thông tin sai sự thật về Hoa hậu Jolie Nguyễn. Về mặt cá nhân, Hoa hậu Jolie Nguyễn cũng cam kết không liên quan gì đến nguyên nhân ly dị giữa Yoghurt Nattasha và chồng, DJ PK”.

Đại diện của Jolie Nguyễn đồng thời khẳng định: “Jolie Nguyễn và DJ PK chỉ là bạn bè, biết nhau qua các sự kiện công việc. Hoa hậu Jolie Nguyễn và công ty sẽ có hành động pháp lý mạnh mẽ để xử lý việc đưa ra thông tin sai sự thật về Jolie”.

Yoghurt Nattasha và DJ PK tổ chức lễ cưới vào ngày 2/2/2020, họ có 8 năm bên nhau trước khi quyết định về chung nhà. Vừa qua, trên một talkshow, cặp đôi bất ngờ xác nhận chia tay trong êm đẹp. DJ PK nghẹn ngào gửi lời xin lỗi đến Yoghurt và gia đình cô vì đã không thực hiện được lời hứa trong ngày cưới. Nữ diễn viên thừa nhận bản thân đã mắc nhiều sai lầm, nhưng hiện tại mọi chuyện đã kết thúc. Yoghurt Nattasha mong người cũ sẽ có một cuộc sống mới tốt hơn và tương lai vẫn có thể làm bạn, làm đồng nghiệp với nhau.

Về phía Jolie Nguyễn, cô từng thi đỗ vào Đại học Macquarie - top 5 ngôi trường danh tiếng nhất tại Úc, bắt đầu kiếm tiền và tự lập từ năm 15 tuổi. Cô có thể tự sắm cho mình toàn bộ hàng hiệu mà chưa bao giờ nhìn giá tiền. Khi 20 tuổi, cô sở hữu hơn 100 đôi giày, vài chục chiếc túi đủ các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Những năm ở Việt Nam, Jolie Nguyễn hoạt động với tư cách người mẫu. Cô từng sải bước trên nhiều sàn diễn và nhiều lần đứng vị trí vedette. Cô được cho là có quan hệ thân tình với nhiều nhà thiết kế, các chuyên gia, người mẫu đồng nghiệp. Jolie Nguyễn cũng thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện giải trí.

Vào tháng 7/2020, cô bị dân mạng "réo tên" khi vướng vào ồn ào đời tư. Sau đó, Jolie Nguyễn sang Úc để sinh sống và có cuộc sống khá kín tiếng. Jolie Nguyễn vừa cập nhật sẽ trở lại làng giải trí sau biến cố, mở rộng thị trường hoạt động ở Thái Lan và Hong Kong (Trung Quốc).

Người miệt mài quảng bá vẻ đẹp Việt Nam tới bạn bè quốc tế

"Mỗi bạn trẻ Việt Nam hãy coi mình là một đại sứ văn hóa của dân tộc, và hãy đừng ngại chia sẻ, nói lên, lan tỏa những hình ảnh đẹp đẽ của đất nước tới bạn bè năm châu", nhạc sĩ Thu Trang nhắn gửi.

Nhạc sĩ Hoàng Thu Trang được biết tới với các sáng tác dành cho thiếu nhi, sau khi cô tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tình yêu với nghệ thuật vẫn luôn cháy bỏng trong Thu Trang dù cô rẽ ngành sang ngành truyền thông, giành học bổng Erasmus Mundus rồi sau đó sinh sống ở Pháp. Nỗi nhớ nghề và cuộc sống mới tại thành phố nơi đất khách đã thôi thúc Trang tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật để giới thiệu những nét đẹp về âm nhạc cũng như văn hóa Việt Nam đến bạn bè Pháp và quốc tế.

Trong 10 năm qua, Trang cùng các cộng sự đã miệt mài thực hiện nhiều chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua các hoạt động giáo dục nghệ thuật, hướng đến các đối tượng là trẻ em Việt Nam, người Pháp yêu mến văn hóa Việt tại Pháp.

Hành trình 10 năm quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp

Xin chào Thu Trang. Bạn đã có nhiều hoạt động để quảng bá văn hóa Việt Nam tới công chúng Pháp. Trang vui lòng có thể kể tên một số hoạt động tiêu biểu trong những năm qua?

- Em bắt đầu "sự nghiệp" giới thiệu văn hóa Việt Nam ở Pháp từ năm 2014, tức là cách đây 10 năm, bằng việc thành lập một nhóm nhạc tên là Music Rendez-Vous, gồm các sinh viên Việt Nam có chút khả năng về ca hát, chơi nhạc cụ, nhảy múa… Chúng em tự tổ chức các buổi hòa nhạc và mời các khán giả Pháp lẫn Việt Nam tới nghe các tác phẩm Việt Nam và cả quốc tế. Việc đó đầu tiên là để thỏa mãn đam mê âm nhạc của bản thân, sau là mong muốn giới thiệu âm nhạc Việt Nam mà đa phần là các ca khúc mới mẻ, hiện đại tới bạn bè Pháp. Các sinh viên ngày ấy giờ đã có gia đình, công việc. Nhiều bạn về Việt Nam và cũng có những bạn định cư tại Pháp.

Cho đến bây giờ sau 10 năm, nhóm tại Pháp vẫn chơi nhạc với nhau hàng năm ít nhất một lần. Vào dịp Lễ hội Âm nhạc Pháp, các bạn sẽ bay từ khắp nơi tới thành phố Nantes (nơi em sống) và chúng em chơi nhạc ở ngay quảng trường trung tâm thành phố. Em tự hào rằng cho đến bây giờ chúng em là một trong những nhóm nhạc Việt Nam nghiệp dư hiếm hoi chơi trong Lễ hội Âm nhạc Pháp, ròng rã từ năm 2018 đến nay.

Các hoạt động trở nên chuyên nghiệp và sâu sắc hơn kể từ năm 2018 khi em và một người bạn thân quyết định cùng nhau thành lập Art Space, một tổ chức phi lợi nhuận và hướng vào việc quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè Pháp và quốc tế, cũng như xúc tiến các dự án cộng đồng liên quan đến giao thoa văn hóa, giáo dục và nghệ thuật.

Từ đó cho đến nay, chúng em đã đạt được nhiều thành quả đáng nhớ, ví dụ như trở thành đối tác của Hội đồng thành phố Saint Herblain trong các dự án về văn hóa, được mời đến dạy văn hóa Việt Nam cho hơn 10 trường học trong vùng, tổ chức nhiều dự án cộng đồng mang tính quốc tế và có đội ngũ thành viên, tình nguyện viên ở nhiều nước trên thế giới. Trong 6 năm qua, riêng khía cạnh tới dạy văn hóa Việt cho các trường, chúng em đã giúp hàng nghìn học sinh Pháp biết đến Việt Nam và yêu mến Việt Nam hơn. Với em, đó là động lực để em tiếp tục duy trì công việc thật ra rất vất vả này. Đó cũng là điều mà em tự hào nhất.

Động lực nào để Trang muốn thực hiện các hoạt động đó?

- Ban đầu, em mong muốn được thỏa mãn đam mê chơi nhạc cũng như hướng dẫn các sinh viên đứng trên sân khấu, chia sẻ về âm nhạc Việt Nam với những bài hát mới mẻ mà vẫn rất hay. Nhưng từ khi con em bắt đầu đi học, em đã suy nghĩ rất nhiều để tìm cách cho con gắn bó hơn với tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, để con luôn yêu quê hương, nguồn cội. Đó là lý do tại sao chúng em thành lập Art Space, một nơi để tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa Việt cũng như kết nối Việt Nam với các nền văn hóa khác.

Em muốn các con và của bạn bè em, hay các bạn nhỏ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nói chung có dịp tham gia các hoạt động, sự kiện liên quan đến Việt Nam, để văn hóa Việt sẽ luôn tồn tại trong tim, trong tâm trí và luôn gần gũi với các con.

Các chương trình do Trang tổ chức được khán giả đón nhận ra sao? Giới chức địa phương, công chúng Pháp phản hồi như thế nào về các hoạt động của dự án?

- Từ nhiều năm nay, em luôn hướng tới giới thiệu về văn hóa Việt Nam một cách đẹp đẽ, nhiều màu sắc và trẻ trung nhất tới công chúng Pháp, nên đa số người tới dự các sự kiện của chúng em là người Pháp. Năm 2020, chúng em đã làm một sự kiện lớn mang tên "Tinh hoa Việt Nam" bao gồm một hội chợ Xuân và một buổi trình diễn nghệ thuật với khoảng 50 nghệ sĩ không chuyên từ 5 tới 60 tuổi, đến từ khắp nơi tại Pháp. Sự kiện thu hút khoảng 1.500 người tới tham gia trong một ngày, trong đó 90% là người Pháp. Các bạn Pháp đều chia sẻ rất ấn tượng với những màu sắc rực rỡ, trẻ trung của văn hóa Việt Nam mà dự án mang tới; nó khác biệt và độc đáo, khác với những gì họ đã tiếp xúc trước đây và họ rất thích.

Từ thời gian đầu khi chúng em gõ cửa từng trường học, từng bộ phận của Ủy ban nhân dân thành phố để giới thiệu về dự án của mình, đến nay mọi nỗ lực đều đã được đền đáp. Nhiều trường học, tổ chức, thậm chí ở nhiều thành phố và cả ở nước ngoài đã biết đến chúng em. Mỗi năm, chúng em nhận được nhiều lời mời tới nói chuyện hay thực hiện các chương trình về văn hóa Việt và chia sẻ cả về tình đoàn kết quốc tế để truyền cảm hứng cho học sinh Pháp. Dự án được chào đón, em nghĩ một phần vì văn hóa Việt rất đẹp và nhiều màu sắc. Chúng em luôn mang đến một hình ảnh Việt Nam trẻ trung, năng động của những người trẻ. Các chương trình kể những chuyện mang màu sắc của sự tích cực, vui tươi và của tương lai. Nhóm cũng đầu tư rất nhiều về học cụ, trang phục, bài giảng.

Được biết, các dự án như vậy không phải dễ thực hiện, đòi hỏi nhiều công sức chuẩn bị và sự tham gia của nhiều người. Làm thế nào để em kết nối đông đảo người Việt tại Pháp nói riêng và ở khắp nơi trên thế giới để tổ chức và thu hút mọi người tham gia các chương trình?

- Lúc mới thành lập Art Space, chúng em chỉ có 2 người. Sau 6 năm, chúng em đã có cả trăm thành viên và nhiều tình nguyện viên ở khoảng 14 quốc gia trên thế giới và kết nối thông qua các dự án quốc tế, đa văn hóa mà chúng em triển khai.

Trong quá trình hoạt động, chúng em thực hiện nhiều hoạt động cộng đồng phi lợi nhuận, đa số theo hướng chúng em dành thời gian để hướng dẫn các bạn nhỏ, sau đó đến lượt các bạn ấy sẽ quay lại cống hiến cho cộng đồng, bằng cách này hay cách khác. Những hoạt động như vậy tuy rất mất công, mất sức nhưng bù lại nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng. Chính vì vậy, chúng em đã thành công trong việc kết nối nhiều bạn trẻ và các tình nguyện viên ở Pháp và thế giới, để cùng nhau chia sẻ và lan tỏa các dự án ý nghĩa.

Trang nhận được sự ủng hộ như thế nào từ chính quyền sở tại, giới chức, người dân Pháp cho các hoạt động như vậy?

- Art Space cũng là đối tác của Bộ phận Quan hệ Quốc tế của thành phố Saint Herblain, vùng Loire Atlantique (Pháp). Chúng em đã nhiều năm tham gia vào Chương trình quốc gia mang tên "Festival des Solidarités" (Ngày hội đoàn kết) hay "Cultures des Autres" (Các nền văn hóa khác), trong đó chủ yếu giới thiệu cho công chúng Pháp sự độc đáo của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, qua đó truyền cảm hứng về tình đoàn kết quốc tế và tôn trọng sự khác biệt.

Bên cạnh đó, các dự án mà Art Space tổ chức, dù đi đến đâu cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các thị trưởng, phó thị trưởng, các nhà báo… Họ hỗ trợ các phòng tập đa chức năng để thực hiện các dự án nghệ thuật, giới thiệu với các trung tâm triển lãm hay các phòng biểu diễn để tổ chức sự kiện. Các cán bộ của Ủy ban nhân dân thành phố Saint Herblain hay các thành phố khác mà dự án từng làm việc như Nantes, Kervignac, Lorient, Larmor-Plage đều tới tham gia và ủng hộ cho các hoạt động của nhóm.

Em có thể không phải là người đầu tiên quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp nhưng gây ấn tượng mạnh. Trang nghĩ vì sao mình lại thành công hơn những người khác?

- Em không nghĩ mình thành công hơn những người khác khi nói đến quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp nói chung, bởi tất cả những ai lựa chọn dành thời gian, công sức, thậm chí cả tài chính để làm việc này, đều là người tử tế và thật sự yêu Việt Nam. Cả em và họ đều thành công trong việc tự sắp xếp được thời gian biểu của bản thân để cân bằng được giữa công việc, gia đình và hoạt động xã hội.

Trong quá trình làm việc, có những hiệp hội hay các gia đình người Pháp đã đồng hành cùng dự án trong rất nhiều năm, như những người bạn thân thiết và luôn ủng hộ nhau. Có thể chúng em được biết đến nhiều hơn một chút là vì đối tượng mà nhóm em làm việc đa số là trẻ em, học sinh, sinh viên.

Việc dạy văn hóa Việt ở các trường học giúp nhiều trẻ em Pháp biết đến Việt Nam, rồi sau đó các em kể với bố mẹ, ông bà, anh chị. Văn hóa Việt Nam đã lan tỏa một cách đáng yêu như vậy ở nơi em sống và rồi lan tỏa ra nhiều đất nước, nhiều vùng miền khác. Cũng qua đó, em đã có được những người bạn tốt, những người đồng hành ăn ý và có sự "điên" giống nhau, đam mê làm công việc này.

Trang gặp khó khăn và thuận lợi gì khi tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa?

- Khó khăn lớn nhất là thời gian khi em phải cân bằng giữa công việc cá nhân, gia đình và xã hội. Điều thuận lợi là em có thêm nhiều bạn bè, mối quan hệ và cả những kinh nghiệm quý giá, nhiều khi giúp đỡ em rất nhiều trong công việc.

Câu hỏi này có thể hơi riêng tư một chút, em lấy nguồn kinh phí ở đâu để tổ chức các chương trình như vậy?

- Khi lựa chọn công việc này, mà phần nhiều là vì đam mê, em đã lựa chọn những công việc mang nhiều tính sáng tạo và cho mình sự chủ động về thời gian, để từ đó có thể dành thời gian nhiều hơn cho những gì mình theo đuổi. Trên quá trình này, em gặp được những người bạn đồng hành rất tuyệt vời. Họ cũng có công việc riêng để độc lập tài chính, nhưng cũng đều mong muốn cống hiến cho công việc cộng đồng, nhất là để duy trì sợi dây văn hóa Việt cho con cái, gia đình của họ.

Có những người bạn hỗ trợ em thời gian của họ, có người hỗ trợ công sức, có người mang tới những mối quan hệ, có nhiều phụ huynh của các bạn nhỏ làm việc với em là nhà tài trợ cho dự án, bằng cách này hay cách khác.

Truyền cảm hứng cho thế hệ thứ hai

- Là mẹ của 2 con đang độ tuổi đi học và biết chơi thành thạo các nhạc cụ. Trang làm thế nào để đưa 2 con vào cùng tham gia chương trình? Em có giới thiệu văn hóa Việt Nam cho chính các ngôi trường mà con mình đang học hay không?

Một trong những trường học đầu tiên mà chúng em tới giới thiệu về văn hóa Việt là trường của con em và trường của con các bạn bè, thành viên của Art Space.

Em thành lập Art Space lúc hai con trai là Pip, 7 tuổi và Sam, 3 tuổi. Trong 6 năm qua, 2 bạn nhỏ đều cùng em trên mọi chặng đường, từ những buổi tập nhạc để biểu diễn hay sau này là các sự kiện lớn hơn, vượt ra khỏi ngoài phạm vi của một hiệp hội đơn lẻ mà mang tầm cỡ thành phố, quốc gia hay thậm chí quốc tế.

Thực ra từ năm 2021 đến nay, người "dạy" chính về văn hóa Việt Nam ở các trường học là con trai em, Kevin (Pip, sinh năm 2011). Khi còn nhỏ, bạn theo mẹ đi dạy, giúp mẹ chuẩn bị đồ đạc, trang phục, phụ kiện để giảng bài, như một "trợ lý mini". Trong khi, giờ đây, chính em trở thành trợ lý của con. Kevin là người dạy chính cho học sinh, còn em giúp con chuẩn bị tài liệu, học cụ. Em thấy rất hạnh phúc vì sự chuyển giao đó, vì em cảm nhận được sự trách nhiệm, tình yêu với Việt Nam và lòng tự hào dân tộc bên trong bạn ấy.

Đó không phải là kết quả tức thời, mà là của cả một quá trình, khi bạn ấy được sống và thấm mình trong không gian văn hóa Việt mà em và bạn bè đã và đang cố gắng xây dựng. Em thấy không chỉ Kevin, mà cả Hugo, Arthur - con bạn bè em - và nhiều bạn nhỏ gốc Việt khác từng tham gia dự án cùng em đều rất hào hứng, tự nguyện và tràn đầy trách nhiệm khi được mời tham gia chia sẻ về văn hóa Việt Nam cho các bạn học sinh Pháp. Em nghĩ mọi tình yêu đều cần có thời gian vun đắp, ngay cả tình yêu quê hương cũng vậy. Đó chính là lý do tại sao 6 năm qua và em nghĩ cả nhiều năm nữa, em vẫn sẽ cố gắng hết sức để đi trên con đường này.

- Hai con em sinh ra và lớn lên ở Pháp. Các bạn có biết nói tiếng Việt không?

Trong gia đình em, các con và cả bố mẹ đều không được phép nói tiếng Pháp khi về nhà, ai nói thì sẽ bị phạt 5 euro. Chính vì thế, từ nhỏ 2 bạn nhà em đều nói chuyện với bố mẹ và với nhau bằng tiếng Việt, một chút khác biệt với nhiều gia đình khác khi con cái có thể nói tiếng Việt với bố mẹ nhưng lại nói tiếng Pháp với anh chị em mình.

Gia đình em cũng nấu các món ăn Việt Nam, kỷ niệm các ngày lễ tết của người Việt, ông bà cũng cố gắng sang thăm thường xuyên nên về cơ bản, hai con của em đều gắn bó với Việt Nam và văn hóa Việt. Bạn bé cũng theo học nhiều lớp học online với thầy cô giáo và bạn bè ở Việt Nam, nói tiếng Việt hoàn toàn, ví dụ như lớp học lập trình hay học về Địa lý văn hóa Việt Nam (lớp này con em học gần 2 năm trong thời gian Covid-19. Hiện cô giáo bận quá nên không thu xếp được nữa. Bé rất buồn vì bạn ấy thực sự thích học môn này).

- Thông qua các hoạt động văn hóa, Trang có kinh nghiệm hay bài học gì muốn chia sẻ?

Với em, duy trì ngôn ngữ/tiếng mẹ đẻ thật sự rất quan trọng bởi có ngôn ngữ thì mới có văn hóa. Việc hiểu biết và cảm nhận sâu sắc một nền văn hóa nào đó sẽ dễ dàng, gần gũi và tự nguyện hơn rất nhiều nếu có ngôn ngữ làm cầu nối. Tuy nhiên, tình yêu với quê hương đất nước cũng có thể được xây đắp, vun trồng và nuôi dưỡng từ những điều nhỏ nhất nhưng cần kiên trì với thời gian và cần được trao cơ hội để được nói ra, được thể hiện, chia sẻ.

Từ nhiều năm nay, em có cơ hội làm việc với các bạn nhỏ đến từ nhiều nước trên thế giới, có những bạn sinh ra và lớn lên ở nước ngoài như con em. Em đưa các bạn ấy tham gia các dự án giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè Pháp và thế giới, hướng dẫn và huấn luyện để chính các bạn ấy có thể tự tin đứng lớp hay tham gia vào công việc giới thiệu văn hóa Việt ở trường học Pháp cùng em và con.

Sau khi hoàn thành, các bạn ấy đều chia sẻ rằng cảm thấy lòng tự hào dân tộc sâu sắc và cũng rất hạnh phúc khi giới thiệu về quê hương, cội nguồn.

- Là một người Việt đi ra thế giới, Trang có thông điệp nào gửi tới mọi người, nhất là các bạn trẻ?

Em nghĩ mỗi bạn trẻ Việt Nam hãy coi mình là một đại sứ văn hóa của dân tộc, và hãy đừng ngại chia sẻ, nói lên, lan tỏa những hình ảnh đẹp đẽ của đất nước tới bạn bè năm châu. Vì trong hành trình ấy, bên cạnh học được rất nhiều kĩ năng hữu ích, các bạn cũng sẽ cảm nhận được tình yêu và sự hạnh phúc vì mình luôn có một quê hương tươi đẹp để hướng về.

Trang Khàn ở Mỹ: "Vợ chồng ngủ riêng, bằng cấp không có, người ta trả cho 20 đô một ngày là may rồi"

"Vợ chồng tôi ngủ riêng, chỉ cuối tuần ngủ với nhau thôi vì tôi còn bận công việc buôn bán bên Việt Nam" – Trang Khàn chia sẻ.

Mới đây, kênh Youtube của cựu người mẫu Trang Trần (Trang Khàn) đã livestream về cuộc sống của cô tại Mỹ, trong đó là cảnh cô đang ngồi gấp từng chiếc khăn để làm việc kiếm tiền công từng ngày.

Cô tâm sự về thu nhập của mình ở Mỹ hiện tại: "Tôi kiếm được 20 đô một ngày. Nhiều người cứ tưởng tôi kiếm 20 đô một giờ nhưng là một ngày. Bằng cấp không có, người ta trả cho 20 đô một ngày là may rồi.

Nhiều người vào bình luận rằng người ta lấy chồng sống sang chảnh, ai như Trang Trần đi làm công. Kể cả các bà có chồng nuôi, không phải làm gì cũng vẫn phải làm việc, không làm dần bị đụt đi đấy.

Là con người thì phải làm việc cho giải tỏa năng lượng. Chồng tôi cũng cưng chiều tôi. Chồng tôi không cho tôi buôn bán online bên này vì không muốn tôi vất vả. Tôi muốn làm gà ủ muối để bán lắm nhưng chồng tôi không cho, bảo làm mấy cái đó vất vả lắm, bù đầu. Nhưng tôi thấy, con người phải lao động, làm việc.

Bản thân tôi sang Mỹ không biết đường xá, tiếng tăm thì tôi phải làm việc để còn được giao tiếp, nói tiếng người, không thể ngồi không trong nhà được.

Đừng tưởng cuộc sống của ai cũng màu hồng. Ai cũng có mảng tối nhưng quan trọng người ta có công khai cho mọi người thấy hay không thôi.

Ví dụ như tôi, đi tới đầy nhà đẹp như cung điện. Chẳng lẽ tôi lại lôi máy ra chụp 100 góc trong nhà người ta rồi khoe lên như đúng rồi. Tôi không quen sống như vậy, khổ lắm. Sống là phải vui.

Tôi đảm bảo, kể cả mấy ca sĩ hải ngoại bên Mỹ này, những gì mọi người nhìn thấy chỉ là đoạn vui, đoạn thật không ai thấy đâu.

Ai ở bên Mỹ này cũng phải làm việc bục mặt ra, kể cả ngôi sao, trừ ngôi sao kiểu Paris Hilton thôi. Và chuyện làm việc này việc kia là bình thường, trừ phi bị liệt. Tại sao lại thấy việc lao động chân tay là đáng xấu hổ?

Tôi đi làm hay ở nhà vẫn có tiền. Tiền tôi cho thuê nhà bên Việt Nam gửi sang đây đủ để tôi ăn tiêu thoải mái, nhưng ở nhà không làm gì sẽ buồn người.

Xa quê hương thì ai cũng buồn. Tôi buồn vì xa bạn bè. Với người quen làm việc như tôi mà ngồi không trong nhà kiểu gì cũng stress. Khi còn sức lao động thì cứ làm việc. Ngoài kiếm tiền, làm việc còn để chúng ta thấy mình có giá trị trong cuộc đời này, không làm sẽ thấy mình không còn giá trị gì, gánh nặng cho người khác.

Vợ chồng tôi ngủ riêng, chỉ cuối tuần ngủ với nhau thôi vì tôi còn bận công việc buôn bán bên Việt Nam. Tôi vẫn đang điều hành công việc kinh doanh ở Việt Nam nên trái múi giờ".

Phổ biến văn hóa Việt qua võ cổ truyền Việt Nam ở Romania

Ngày 02/3/2024, Đại sứ Đỗ Đức Thành đã tham dự Giải Quán khí đạo (Kwan Ki do) cúp Mùa Xuân khu vực Đông và Nam Romania được Liên đoàn Võ thuật Romania tổ chức hằng năm, với hơn 300 vận động viên thanh thiếu niên đến từ các câu lạc bộ Quán khí đạo tại Romania, đặc biệt có sự tham gia của một số trẻ em bị tự kỷ.

Tổng thư ký hiệp hội võ thuật cổ truyền Romania cho biết hiện nay số người học tại các trung tâm ở Romania là hơn 2.000 người, đứng thứ hai sau môn karate. Các võ sư, trọng tài tự hào vì được góp phần phổ biến tinh thần thượng võ, tính tổ chức kỷ luật, sự tôn trọng, sẻ chia... và các giá trị của văn hóa Việt thông qua môn võ này. Ngoài ra, các lớp học dành cho trẻ bị tự kỷ đã chú trọng dạy các học viên về ý thức kỷ luật, kiểm soát hành vi, khí lực.

“Hiệp hội Quán khí đạo quốc tế” được võ sư Phạm Xuân Tòng thành lập tại Pháp, hiện có mặt ở 24 quốc gia trên thế giới ở 4 châu lục, phát triển nhất ở châu Phi và châu Âu. Từ năm 1990, Quán khí đạo trở thành thành viên của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam. Theo Tổng đoàn quốc tế Quán khí đạo, một trong những hoạt động thường xuyên của Tổng đoàn là phổ biến văn hóa Việt Nam. Từ những khóa huấn luyện, cho đến những diễn dàn hay các khóa tập huấn cho các huấn luyện viên, trọng tài, võ sư, thi lên đai, kể cả các danh từ võ thuật, số đếm… đều được dùng bằng ngôn ngữ Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Đại sứ Đỗ Đức Thành bày tỏ vui mừng khi chứng kiến môn võ Quán khí đạo ngày càng được phổ biến rộng rãi cho thanh thiếu niên tại nhiều thành phố của Romania; qua đó thu hút được đông đảo học viên, giúp rèn luyện tính kỷ luật, sự khoan dung, sẻ chia, rèn luyện sức khỏe... Việc phổ biến môn võ này cũng bày tỏ tình yêu mến đối với nét đẹp văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam của các học viên, họ chính là những cá nhân góp phần vun đắp xây dựng cầu nối hữu nghị giữa hai nước.

Nhân dịp này, Đại sứ Đỗ Đức Thành cũng bày tỏ mong muốn Liên đoàn Võ thuật Romania tiếp tục ủng hộ việc phát triển môn học này tại Romania cho thế hệ trẻ đặc biệt là những lớp học dành cho trẻ em bị tự kỷ.

Nguồn: 2Sao; Dân Trí; Soha; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang