Người Việt hải ngoại: Mang Tết đến Úc; Lưu giữ tiếng Việt ở xa; Ca sĩ đắt show nhất hải ngoại; 1 người tử vong ở nước ngoài

"Xuân Quê hương 2024" mang nét đẹp văn hóa Tết Việt đến với Australia

"Xuân Quê hương" diễn ra ngày 2/3 không chỉ là nơi lan tỏa sự ấm áp dành cho cộng đồng người Việt khi Tết đến, Xuân về mà còn mang lại trải nghiệm văn hóa mới lạ cho bạn bè quốc tế tại Australia.

Ngày 2/3, tại thành phố Palmerston, Vùng lãnh thổ Bắc Australia, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth phối hợp với Hội Gia đình Việt Nam-Australia (AVFA) và đoàn nghệ sỹ, nghệ nhân đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức sự kiện văn hóa “Xuân Quê hương 2024” để quảng bá nét đẹp truyền thống trong văn hóa đón Tết của người Việt.

Sự kiện có sự tham dự của ông Hugh Heggie, Thống đốc Vùng lãnh thổ Bắc Australia; bà Eva Lawler, Thủ hiến Vùng lãnh thổ Bắc Australia; ông Dheran Young, Quyền Chủ tịch Thượng viện Bắc Australia; bà Ngaree Ah Kit, Bộ trưởng phụ trách Đa Văn hóa; ông Joel Bowden, Bộ trưởng phụ trách Giáo dục Quốc tế; bà Marie-Clare Boothby, Đồng Bộ trưởng Du lịch; bà Jo Hersey, Đồng Bộ trưởng Nghệ thuật, Văn hóa và Di sản; ông Kon Vatskalis, Thị trưởng thành phố Darwin; cùng sự có mặt của đông đảo bà con người Việt và bạn bè Bắc Australia.

Đây là lần đầu tiên “Xuân Quê hương” được tổ chức với quy mô lớn tại Bắc Australia với sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân đến từ Việt Nam.

Sự kiện không chỉ là điểm hẹn, nơi lan tỏa sự ấm áp dành cho cộng đồng người Việt khi Tết đến, Xuân về, mà thông qua các hoạt động, trò chơi dân gian, giúp mang lại trải nghiệm văn hóa mới lạ cho bạn bè quốc tế Vùng lãnh thổ Bắc Australia; qua đó thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và đặc biệt là để thế hệ trẻ người Việt sinh ra tại Australia không quên giá trị cội nguồn.

Nhóm nghệ sỹ, nghệ nhân đến từ Thành phố Hồ Chí Minh do Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm dẫn đầu đã giới thiệu nghệ thuật trà đạo, các trò chơi dân gian, nghệ thuật thư pháp, các loại bánh truyền thống và trình diễn các bộ sưu tập áo dài - trang phục truyền thống của Việt Nam để giới thiệu tới người dân địa phương.

Các nghệ sỹ, nghệ nhân như Thạc sỹ-nhà thiết kế Sỹ Hoàng, nghệ nhân thư pháp Thanh Sơn, Ngọc Mỹ; Nghệ nhân kẹo tạo hình Thanh Thiện, bằng tài năng và sự nhiệt huyết của mình đã thành công truyền tải “hồn Việt” qua từng sản phẩm trình diễn.

Ngoài ra, sự kiện còn có sự đồng hành tài trợ của Hãng Hàng không Vietjet, Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Bắc Australia (NT-VBC) do ông Nguyễn Ngọc Mỹ làm Chủ tịch và sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con, đặc biệt là Hội Nông gia Việt Nam tại Bắc Australia do ông David Dinh làm Chủ tịch.

Với mong muốn mang đến cho bà con xa quê hương không khí ngày Tết Cổ truyền, chương trình “Xuân Quê hương 2024” được tổ chức trong không gian truyền thống, tái hiện không khí đón Tết ba miền, giới thiệu văn hóa trà Việt ngày Xuân; văn hoá “lì xì;” thư pháp Việt; trình diễn áo dài dân tộc.

Chương trình nghệ thuật do Tổng đạo diễn Thảo Nguyên của Công ty Sự kiện cảm xúc TripleE. biên tập dàn dựng, gồm các tiết mục ca nhạc, hội chợ tết, múa lân, các trò chơi dân gian… tái hiện những nghi lễ truyền thống ngày Tết, góp phần quảng bá văn hóa Việt.

Đây là món quà mừng Xuân 2024 hấp dẫn và đầy ý nghĩa dành tặng đồng bào Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Vùng lãnh thổ Bắc Australia.

Trong không khí đầm ấm, tươi vui và đậm chất truyền thống, phát biểu tại buổi lễ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Tây Australia và Vùng lãnh thổ Bắc Australia, bà Nguyễn Thanh Hà đã thông tin về những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong năm 2023, điểm lại những nét chính trong quan hệ Việt Nam-Australia nói chung và với Vùng lãnh thổ Bắc Australia nói riêng.

Về cộng đồng người Việt Nam tại Bắc Australia, bà Nguyễn Thanh Hà cho biết cộng đồng tuy nhỏ, chỉ có hơn 2.500 người nhưng đã có những đóng góp nổi bật vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, được chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao; đồng thời giữ vai trò là cầu nối, tích cực gắn kết Bắc Australia và Việt Nam.

Bà Nguyễn Thanh Hà bày tỏ mong muốn chính quyền Bắc Australia tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa; và thông qua văn hóa, mở ra cánh cửa thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai bên.

Nhân dịp này, Tổng Lãnh sự đã tặng quà tri ân những cá nhân có đóng góp tích cực trong việc phát triển quan hệ Việt Nam-Australia.

Sự kiện “Xuân Quê hương” cũng là dịp để thế hệ trẻ người Việt và bạn bè quốc tế tại Vùng lãnh thổ Bắc Australia hiểu sâu sắc thêm về văn hóa Việt Nam.

Những phong tục, tập quán trong ngày lễ cổ truyền của người Việt được tái hiện sinh động, giúp người tham dự được trải nghiệm và cảm nhận phần nào không khí Tết quê nhà. Sự kiện không chỉ có ý nghĩa góp phần “giữ lửa” Tết cổ truyền dân tộc, mà còn truyền đi thông điệp về sự hiếu khách của người Việt, và lời chúc bình an đến bạn bè quốc tế, gắn kết thêm tình hữu nghị Việt-Australia.

Trước đó, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Australia, vào tháng 12/2023, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Tây Australia và Vùng lãnh thổ Bắc Australia cũng đã mời Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm, người có kinh nghiệm hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế, tham dự và trình diễn nghệ thuật trà đạo tại Tây Australia.

Lưu giữ tiếng Việt ở xa

Sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, gia đình tôi đón người thân là Việt kiều về thăm nhà thường xuyên hơn. Ngoài những lần gia đình họ hàng gặp gỡ, vui chơi thông thường, gần đây, có điểm mới là những anh chị có con, cháu tuổi nhi đồng còn nhờ tìm mua sách dạy tiếng Việt để mang về dạy cho các cháu nội, ngoại.

Chị họ tôi, Kim Nga, ở khu Aurota thuộc thành phố Little Elm, bang Texas (Mỹ) than thở, các cháu của chị ngày càng ít chịu nói tiếng Việt. Một phần cha mẹ chúng quá bận rộn, ít có thời gian trò chuyện với con ở nhà. Tiếc hơn nữa là nhiều cha mẹ trẻ đã không tập cho trẻ nói tiếng Việt từ nhỏ.

Chị Nga kể, trong ngôi nhà vẫn còn ba thế hệ sống chung hiếm hoi trong cộng đồng người Việt ở khu này, thứ tiếng Việt bọn trẻ hay được nghe là tiếng mẹ chúng bắt chúng học bài, giục ăn nhanh, không chơi game… Và chúng cũng chỉ chịu nói tiếng Việt mỗi khi đòi ăn món này, món nọ.

Chị Nga cho biết để khuyến khích con trẻ, nhiều gia đình dịp cuối tuần bày biện nấu món Việt, dụ bọn trẻ chọn món, rồi vờ hỏi thật nhiều để chúng nói tiếng Việt. Hoặc đưa ra nhà hàng Việt cho các bé tự đọc menu và tự gọi món bằng tiếng Việt. Từng chút một, họ hy vọng thông qua việc miêu tả món ăn, gợi nhớ thành phần món ăn, tên gọi… ít nhiều gì cũng sẽ giúp bọn trẻ tăng vốn từ vựng lên. Vào ngày nghỉ, nhiều phụ huynh cũng mở các chương trình gameshow của Việt Nam cho con nghe, bày trò vui có thưởng…

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Mỹ hiện có gần 200 cơ sở, trung tâm dạy tiếng Việt, tập trung nhiều ở các bang đông người Việt sinh sống như California, Texas, Washington... nhưng chủ yếu vẫn trông chờ vào đội ngũ giáo viên tình nguyện, phần lớn theo mô hình nhỏ lẻ, tự phát. Họ tự mày mò tìm mua những cuốn sách dạy tiếng Việt, những cuốn sách về văn hóa, lịch sử Việt Nam, tham khảo thêm các hình ảnh, video trên mạng để soạn giáo án của riêng mình.

Thực tế, tại một số chùa và nhà thờ có cộng đồng người Việt sinh sống đều có những lớp dạy thêm tiếng Việt vào cuối tuần do những người lớn tuổi đã về hưu đứng ra tổ chức. Nhưng theo anh Thuyên Nguyễn, bác sĩ đang sinh sống ở khu Renwick, thành phố Houston, bang Texas, hình thức này cũng dần kém hiệu quả. Việc đưa đón các con đến lớp học tiếng Việt cũng không phải dễ đối với những bậc cha mẹ đang đi làm.

Đại dịch Covid-19 cùng với sự phát triển của công nghệ đã tạo cơ hội xuất hiện nhiều nhóm nhận dạy tiếng Việt trực tuyến qua nền tảng Zoom. Bên cạnh đó, một số phương tiện trực tuyến, như kênh YouTube dạy tiếng Việt lớp 1 của Đài Truyền hình VTV, app Monkey Junior… được nhiều phụ huynh tín nhiệm.

Trở lại với câu chuyện của chị Nga. Theo sự giới thiệu của nhiều người bạn trong nước và hải ngoại, chị đã tìm mua bộ “Chào tiếng Việt” - bộ sách dạy tiếng Việt cho trẻ em kiều bào vừa giành giải A quốc gia 2023 của cô Thụy Anh, bộ sách “Tiếng Việt vui”, bộ Tiếng Việt trình độ A, B, C của Đoàn Thiện Thuật, Tiếng Việt cơ sở của Nguyễn Việt Hương… cho đến bộ Lịch sử Việt Nam bằng tranh màu, tiếng Việt và cả tiếng Anh. Chị còn nhờ mua truyện tranh hoàn toàn bằng tiếng Việt, ca dao tiếng Việt có hình… để về bên ấy mỗi ngày ông bà “dụ” cháu vừa xem hình vừa học.

Dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ đang được quan tâm và đẩy mạnh. Ngoài việc học ngữ pháp, từ vựng cơ bản cho người mới bắt đầu đọc, viết… các em còn được hỗ trợ để giao tiếp tốt trong các tình huống thực tế. Một số trường đại học danh giá ở Mỹ như Đại học Yale, Đại học Brown, Đại học Princeton, Đại học North Carolina, Đại học Houston, Đại học California, Đại học Washington… cũng đã dạy tiếng Việt cho sinh viên theo chương trình lấy tín chỉ mặc dù các khóa học còn tương đối ít.

Đối với con trẻ bậc mẫu giáo và tiểu học, tiếng Việt đã được dạy chính thức trong chương trình tại một số trường tiểu học, đầu tiên là ở bang California. Mặc dù số học sinh theo học chưa nhiều, nhưng đây là dấu hiệu tốt khi tiếng Việt được xem là ngoại ngữ chính thức trong hệ thống giáo dục công lập ở Mỹ.

Ca sĩ đắt show bậc nhất hải ngoại: "Tôi qua Mỹ với hai bàn tay trắng nên không sợ mất mát gì"

"Mai Thiên Vân là một trong những ca sĩ tôi thấy show đều nhất, lúc nào cũng trong tình trạng đi show" - Thúy Nga chia sẻ.

Mới đây, tại chương trình Nhà có khách, danh hài Thúy Nga đã hé lộ về ca sĩ Mai Thiên Vân. Cô nói: "Tôi thấy Mai Thiên Vân dạo này đi show nhiều quá, đi khắp các nước. Mai Thiên Vân là một trong những ca sĩ tôi thấy show đều nhất, lúc nào cũng trong tình trạng đi show.

Dòng nhạc của Mai Thiên Vân rất được lòng khán giả. Các khán giả lớn tuổi rất thích nghe Mai Thiên Vân hát".

Mai Thiên Vân cũng chia sẻ về cuộc sống hiện tại: "Cuộc sống hiện tại của tôi rất êm đềm và bận rộn. Tôi không hiểu sao nhưng các cô chú lớn tuổi rất trung thành, yêu ai là yêu hoài. Miễn là ca sĩ không phạm phải scandal dữ dội, không làm gì vi phạm đạo đức thì sẽ được khán giả yêu thương.

Sau khi sinh con, tôi chỉ có khó khăn là phải giữ dáng thôi, đi hát trở lại suôn sẻ, không có gì khó khăn. Ai sinh xong cơ thể cũng to ra một chút".

Tiếp đó, Mai Thiên Vân tâm sự về sự nghiệp của cô: "Ở Việt Nam, tôi đi hát từ rất sớm. Khi còn nhỏ tôi đã hát trong ca đoàn nhà thờ, rồi đi học thì hát cho trường lớp.

Nói chung là tôi có năng khiếu và bộc lộ từ nhỏ. Nếu thời đó có mạng xã hội mạnh như bây giờ thì tôi nổi tiếng từ nhỏ luôn.

Tôi là người khá nhút nhát, nếu thấy bên ngoài có gì phức tạp là tôi né tránh. Lúc đó, tôi chọn không nổi tiếng để được bình yên, chấp nhận một cuộc sống bình thường, không vì danh vọng mà đánh đổi con người mình.

Bây giờ tôi đã trưởng thành, ra ngoài tiếp xúc nhiều rồi nên không thể nhút nhát như xưa được, đó là cái thuận theo tự nhiên thôi.

Lúc mới qua Mỹ, đi hát gặp khán giả tôi run lắm. Tôi không biết khán giả đón nhận mình ra sao. Tới khi được khán giả đón nhận, tôi như được đứa trẻ được hòa mình vào không khí chung, được thương yêu nên tung tăng vui vẻ nên rất hồn nhiên, thích thú, muốn được tâm sự thật nhiều với khán giả như người nhà của mình".

Về cuộc sống khi mới qua Mỹ, Mai Thiên Vân chia sẻ: "Tôi khác mọi người, không gặp quá nhiều khó khăn khi sang Mỹ. Tôi đi Mỹ với hai bàn tay trắng nên trong tâm lý không mất mát gì, được phát triển thì tốt còn không thì thôi. Tôi không biết sợ, đầu óc vô tư lắm.

Qua Mỹ gặp được những người tốt, tôi yên tâm hơn. Chỉ cần có chỗ ăn chỗ ở là tôi thấy yên tâm rồi, không lo lắng gì nữa. Tôi yên tâm đi hát.

Lúc tôi mới qua Mỹ, khán giả chưa biết đến tôi. Tới 8, 9 tháng sau, khi tôi vào trung tâm Thúy Nga và phát hành băng đĩa thì khán giả biết tới tôi nhiều hơn.

Tôi nhớ, sau khi cuốn băng đầu tiên tôi hát cho Thúy Nga Paris By Night được phát hành vài tháng thì người ta gọi điện cho tôi book show.

Một nhà tài trợ bên Houston coi tôi hát trên Thúy Nga thì rất thương và thích tiếng hát của tôi. Họ nói với nhà thờ phải book tôi về hát còn họ sẽ tài trợ cát xê. Tôi nghe xong mà hết hồn".

Một người dân ở Đắk Lắk tử vong ở nước ngoài

Bất ngờ nhận được thông báo con gái tử vong ở nước ngoài, một gia đình ở tỉnh Đắk Lắk bàng hoàng, đau xót và không biết vì sao dẫn đến sự việc đau lòng này.

Sáng 3/3, ông Lê Minh Hòa, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) xác nhận, một người dân trên địa bàn vừa tử vong ở nước ngoài.

Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến, nạn nhân là chị Đ.T.T.Th. (SN 1991, trú tại xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar).

Ông Lê Minh Hòa cho hay, hiện chưa rõ nguyên nhân khiến chị Th. tử vong. Sau khi nắm được thông tin, chính quyền địa phương đã phối hợp hoàn tất các thủ tục và trích một phần kinh phí từ quỹ vì người nghèo để hỗ trợ gia đình nạn nhân. Đồng thời, các mạnh thường quân và người dân cũng chung tay đóng góp để hỗ trợ kinh phí cho gia đình sang nước ngoài đưa thi thể nạn nhân về.

Sau nhiều ngày nhận tin dữ, ông Đào Ngọc Q. (SN 1955, bố của chị Th.) vẫn không dám tin vào sự thật đau lòng xảy ra với con gái của mình. Với gia đình ông, những ngày này dài vô tận.Mọi người đứng ngồi không yên, chỉ mong sớm đưa được chị Th. trở về với gia đình, người thân, làng xóm.

“Th. là con thứ tư trong gia đình có 7 anh chị em. Ngay từ nhỏ, cháu là đứa học giỏi nhất nhà, luôn sống hiền hòa, biết quan tâm đến bố mẹ, gia đình, người thân nên ai cũng yêu thương, quý mến. Cháu Th. cũng là đứa con mà tôi đặt nhiều kỳ vọng nhất. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Th. xin gia đình đi tu ở một ngôi chùa tại một tỉnh phía Nam. Trong thời gian đi tu, thỉnh thoảng, cháu vẫn về thăm bố mẹ, người thân. Đến cuối năm 2023, cháu đã xin nhà chùa ra ngoài để chữa trị bệnh”, ông Q. tâm sự.

Với khuôn mặt bơ phờ, hốc hác, bà Hà Thị T. (SN 1960, mẹ của chị Th.) không giấu được nỗi đau thương. Bà T. kể: “Vào đầu tháng 12/2023 (âm lịch), Th. bắt xe khách về Đắk Lắk để làm căn cước công dân. Ngay chiều hôm làm căn cước xong, cháu lên xe khách xuống Sài Gòn để tiếp tục chữa bệnh. Khoảng 2-3 hôm sau, Th. vẫn gọi điện thoại về hỏi thăm bố mẹ. Nghe con cười nói vui vẻ qua điện thoại, tôi rất mừng và cảm thấy an tâm. Không lâu sau, gia đình liên tục gọi điện thoại cho cháu Th. thì nghe đổ chuông nhưng không ai bắt máy, nhắn tin nhưng không thấy trả lời. Rồi sau đó, gia đình mất liên lạc hoàn toàn với Th.”.

Lặng đi trong giây lát, bà T. tiếp lời, cho đến cách đây 4 ngày, cán bộ công an bất ngờ đến nhà bà và hỏi thăm thông tin về tên, tuổi của chị Th. “Sau khi hỏi tên, tuổi, cán bộ công an có đưa hình ảnh cho gia đình tôi nhận diện cháu Th. trên điện thoại. Tuy nhiên, do khuôn mặt của người trong điện thoại sưng to nên gia đình tôi cho rằng đó không phải là Th.. Đến khi họ đưa hình ảnh chụp thông tin và ảnh trên chứng minh nhân dân của Th. thì chúng tôi mới nhận ra con gái của mình. Lúc này, cơ quan công an thông báo, Th. đã tử vong ở nước ngoài. Tin dữ ập đến như sét đánh ngang tai khiến mọi người trong gia đình suy sụp hoàn toàn và không hiểu vì sao lại xảy ra sự việc đau lòng với con gái tôi như thế”, bà T. nói trong nước mắt.

Nén lại nỗi đau thương, ông Q. cho hay: “Gia đình tôi rất cảm động và biết ơn bởi sau khi xảy ra sự việc, không chỉ cơ quan chức năng từ cấp xã đến cấp tỉnh, mà người dân và các mạnh thường quân đã nhiệt tình hỗ trợ về mọi mặt để gia đình có điều kiện sang biên giới đưa con gái trở về. Dự kiến, chiều tối 3/3, gia đình tôi sẽ lên đường để đưa Th. về”.

Cũng trong sáng 3/3, một lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi nắm được thông tin, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng phối hợp, liên hệ với các cơ quan chức năng để hỗ trợ gia đình đưa thi thể nạn nhân Th. về nước.

Nguồn: VietnamPlus; Sài Gòn Giải Phóng; Soha; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang