Người Việt hải ngoại: Lễ hội các dân tộc; 'Ngôi nhà chung' ở Boston; Ke Huy Quan phát biểu ở Nhà Trắng; Nâng vị thế nước mắm

ĐẶC SẮC VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM Ở LỄ HỘI CÁC DÂN TỘC TẠI ITALY

(Ảnh minh họa).

Trong khu vực trưng bày của Việt Nam, những chiếc nón lá với nhiều kích cỡ, được tỉ mỉ sắp xếp, trang trí nổi bật khiến các khách tham quan đặc biệt chú ý.

Lễ hội các Dân tộc- sự kiện thường niên do quận Borgomanero thuộc vùng Piemonte của Italy bảo trợ, tổ chức vào trung tuần tháng 5 hàng năm, là nơi hội tụ và giao lưu sôi nổi giữa các cộng đồng dân cư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại lễ hội năm nay, cộng đồng người Việt tại Italy đã mang đến những nét tiêu biểu của văn hóa dân tộc, qua đó giới thiệu hình ảnh tươi đẹp và bình yên của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Trong khu vực trưng bày của Việt Nam, những chiếc nón lá với nhiều kích cỡ, được tỉ mỉ sắp xếp, trang trí nổi bật khiến các khách tham quan đặc biệt chú ý. Cùng với đó, không gian giới thiệu Thư pháp Việt cũng là nơi thu hút rất nhiều bạn trẻ từ các nước đến tìm hiểu, trải nghiệm loại hình nghệ thuật mới lạ này.

Đông đảo những người tham gia lễ hội cũng đặc biệt ấn tượng và nhiệt tình cổ vũ những màn trình diễn thời trang áo dài, múa lân, múa nón, cùng với các tiết mục biểu diễn võ thuật.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Nguyễn Hoàng Mỹ, Việt kiều định cư ở Piemonte hơn 25 năm và nhiều lần tham gia lễ hội này, chia sẻ: “Ban đầu chỉ có hai mẹ con mình với một người bạn, rồi mọi người đến tham gia rất đông, trong đó có một gia đình múa võ và múa lân từ thành phố Milan. Khi các bạn đến mặc áo dài thì tất cả những người tham gia ai cũng nói ‘Ôi mấy cô gái Việt Nam mặc áo dài rất dễ thương’. Sau đó, các bạn tập trung múa mà đa số các bạn ở Rome, Milan. Một số bạn ở xa thì đến nhà mình để tập trước, tổ chức nấu ăn như làm chả giò, bánh bao để quảng bá văn hóa Việt Nam trên đất nước Italy và được các bạn cổ vũ nồng nhiệt. Một chút nữa đây, mình sẽ đi diễu hành cầm cờ Việt Nam. Mình rất tự hào là người Việt Nam. Mình muốn cho Italy và tất cả các nước bạn biết về con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam".

Sau khi cùng vợ biểu diễn màn công phá gạch bằng tay không, anh Zucca Ricardo, võ sư Thanh Long Võ Đạo, môn phái cổ truyền Việt Nam được truyền bá, mở rộng tại Italy, chia sẻ: “Tôi thường xuyên tập luyện và dạy võ thuật Việt Nam tại Italy. Mối lương duyên của tôi với đất nước Việt Nam bắt đầu từ năm 2003 với chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam để tìm hiểu về võ thuật truyền thống. Tại đó, tôi quen biết vợ tôi và chúng tôi kết hôn vào năm 2013. Hôm nay, tôi cùng gia đình muốn giới thiệu những giá trị văn hóa võ thuật Việt Nam và đóng góp một phần ý nghĩa trong ngày hội này của các dân tộc”.​

Đánh giá và ghi nhận những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt tại Italy, ông Sergio Vercelli, Trưởng Ban tổ chức sự kiện cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng về sự tham gia của cộng người Việt trong lễ hội lần này. Trong đó, với sự kết nối rộng rãi với nhiều người Việt Nam tại Italy, chị Nguyễn Hoàng Mỹ và những người bạn đã mang đến cho chúng tôi cơ hội khám phá nhiều điều mới mẻ về văn hóa và truyền thống của các bạn. Họ chính là những nhịp cầu thúc đẩy hòa bình, yêu thương và sự gặp gỡ. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn đóng góp và những tiết mục đặc sắc mà các bạn đã cống hiến".

Sau chương trình nghệ thuật đặc trưng của từng dân tộc, lễ hội lần này được khép lại với cuộc diễu hành và hát múa tập thể hướng đến quảng trường trung tâm Borgomanero. Hòa bình, hữu nghị và cùng nhau phát triển trong sự đa dạng là thông điệp mạnh mẽ mà Ban tổ chức và mỗi thành viên các cộng đồng dân tộc đều muốn nỗ lực xây đắp, không chỉ ở Borgomarero mà cho tất cả các quốc gia, khu vực trên thế giới./.

(Nguồn: Quê Hương Online)

Người gốc Việt tự hào về 'ngôi nhà chung' ở Boston

Khu Little Saigon ở Boston được coi là ngôi nhà chung cho cộng đồng gốc Việt tại Massachusetts, với nhiều cơ sở ẩm thực, văn hóa đậm chất Việt Nam.

Boston, thủ phủ bang Massachusetts, có cộng đồng 9.000 người Mỹ gốc Việt sinh sống, lớn nhất toàn bang. Đa số người gốc Việt ở Boston sinh sống tại khu phố Field's Corner dọc Đại lộ Dorchester.

Năm 2021, chính quyền bang Massachusetts chính thức công nhận Field's Corner là Quận Văn hóa Little Saigon, hoàn thành mục tiêu được cộng đồng gốc Việt ở đây theo đuổi từ năm 2014.

"Khu phố có rất nhiều hộ gia đình Việt Nam và nhà hàng Việt. Đây không chỉ là một cộng đồng, mà là ngôi nhà chung lớn", Kevin Tran, liên lạc viên văn hóa Việt Nam của Boston, bày tỏ niềm tự hào trong phóng sự được CBS News đăng ngày 4/5.

Khu phố này dày đặc các doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam, có các trường ngoại ngữ, song ngữ, trung tâm cộng đồng, trung tâm Phật giáo, văn phòng luật, thẩm mỹ viện do người gốc Việt vận hành.

Tam Le, thành viên hội đồng sáng lập Quận Văn hóa Little Saigon ở Boston, mở một quán cà phê trên con phố, ngay phía sau nhà hàng Phở Hòa của bố mẹ.

"Dù quá trình công nhận Quận Văn hóa Little Saigon chỉ mất vài năm, những công trình của người Việt ở đây đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ qua. Không có chúng, Quận Văn hóa sẽ không tồn tại", Le nói.

Hội đồng Văn hóa Massachusetts bắt đầu ý tưởng thành lập các quận văn hóa vào năm 2011, theo quyết định được ký dưới thời thống đốc Deval Patrick. Hiện có 51 quận văn hóa trên khắp bang, 5 trong số đó ở Boston, gồm Little Saigon, Latin Quarter, Fenway, Roxbury và Boston Literary.

Các cuộc thảo luận về đề xuất biến khu Field's Corner thành Quận Văn hóa Little Saigon bắt đầu từ tháng 3/2014. Bốn năm sau, Tổ chức Mạng lưới Người Mỹ gốc Việt (NOVA) ở Boston trở thành bên đàm phán chính cho đề xuất này.

NOVA đã tổ chức loạt cuộc họp cộng đồng để thu thập ý kiến của người gốc Việt sinh sống tại Boston. Tháng 9/2019, hội đồng thành phố bỏ phiếu tán thành ý tưởng lập Quận Văn hóa Little Saigon. Tuy nhiên, quy trình sau đó bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.

"Đại dịch là khoảng thời gian khó khăn đối với tất cả mọi người. Công việc kinh doanh đi xuống, có nhiều thứ cần thích nghi, nhưng thành phố đã tạo những điều kiện cần thiết để chúng tôi tiếp tục phát triển", Le nói, đề cập đến các gói hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, quyền mở rộng hoạt động ăn uống ngoài trời, cho phép bán đồ ăn mang về.

Sau khi Quận Văn hóa Little Saigon được công nhận năm 2021, anh Le cho biết khu phố chứng kiến "sự chuyển mình mạnh mẽ, thu hút rất nhiều doanh nghiệp mới của người gốc Việt".

Quận Văn hóa Little Saigon ở Boston hiện có hơn 200 hộ kinh doanh, dịch vụ và nhà hàng. Little Saigon cũng được nhiều tờ báo địa phương ca ngợi vì văn hóa ẩm thực đa dạng, từ phở, bánh mì cho đến các món giải khát như chè Việt Nam.

Việc được công nhận là quận văn hóa không chỉ giúp các khu dân cư nâng vị thế, mà còn thu hút các quỹ tài trợ của chính phủ Mỹ để cải thiện mỹ quan và phục vụ những chương trình cộng đồng.

Quận Văn hóa Little Saigon đã nhận khoảng 75.000 USD từ Quỹ Nghệ thuật Quốc gia Mỹ. Annie Le, chủ tịch Little Saigon, cho biết khoản hỗ trợ này giúp bù đắp khoản khuyến học và giúp thành lập ban quản lý mới của khu phố, hướng đến "một tầm nhìn rộng hơn" cho một thập kỷ tới.

"Chúng tôi hiện tập trung kết nối mọi người, giúp các nghệ sĩ cũng như chủ doanh nghiệp phát triển", bà nói.

Michael Bobbit, giám đốc điều hành Hội đồng Văn hóa Massachusetts, cho biết khu phố "trong tình trạng tốt". "Nhừng gì được xây dựng ở đây trong vài thập kỷ qua thực sự phi thường. Đây là một cách thúc đẩy kinh tế, du lịch, cũng như củng cố bản sắc Việt Nam hiệu quả".

Vivian Veth, người Việt di cư tới Boston năm 1984, cho hay khi mới đặt chân đến đây, bà phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó có nạn kỳ thị với người châu Á. Đó là lý do bà và nhiều người gốc Việt khác tập trung ở phố Field's Corner để kiếm sống và giúp đỡ lẫn nhau.

"Chúng tôi muốn sát cánh và nương tựa vào nhau, bởi nhiều người trong cộng đồng khi đó không nói được tiếng Anh", Veth cho hay. Bà đã mở My Sister's Sandwich Café, nhà hàng nổi tiếng ở Boston với món bánh mì Việt Nam.

Bà làm bánh mì theo công thức riêng, coi đây như một biểu tượng truyền thống để kết nối cộng đồng. "Tôi rất vui khi mọi người tìm đến và thưởng thức nó", bà nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Diễn viên đoạt giải Oscar Ke Huy Quan có bài phát biểu cảm động tại Nhà Trắng

(Ảnh minh họa).

Diễn viên người Mỹ gốc Việt và Hoa mới đoạt giải Oscar, Ke Huy Quan, vừa được mời tới Nhà Trắng và có bài phát biểu cảm động tại đây khi Tổng thống thống Biden tổ chức buổi chiếu bộ phim sắp ra mắt của Disney+ “American Born Chinese” để vinh danh Tháng Di sản của người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương.

“Tôi đứng trước các bạn đêm nay với sự khiêm tốn và lòng biết ơn sâu sắc. Tôi không xem nhẹ giây phút này, bởi tôi biết tòa nhà này là tượng đài của một đất nước đã mở rộng vòng tay đối với tôi một thời”, ông Quan nói trong bài phát biểu sau khi được Tổng thống Biden chào đón và giới thiệu.

Ông Quan đã kể lại hành trình tị nạn như một “thuyền nhân” từ Việt Nam sang Mỹ khi mới 8 tuổi.

“Người ta gọi tôi là thuyền nhân. Và tôi không thể biết rằng, chỉ vài năm sau, tôi đã trở thành một diễn viên. Và thậm chí gần đây hơn, và tôi vẫn không thể tin được, là tôi đã trở thành một diễn viên đoạt giải Oscar”.

Diễn viên Ke Huy Quan được ghi nhận đã “làm nên lịch sử” khi trở thành diễn viên gốc Việt đầu tiên đươc trao giải Oscar vào ngày 12/3 cho hạng mục “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” cho vai diễn trong bộ phim hài kịch “Everything Everywhere All at Once”.

Chính giải thưởng danh giá này đã mang đến cho ông cơ hội được mời tới Nhà Trắng, nơi ông được chào đón và phát biểu bên cạnh vị tổng thống của đất nước mà ông vô cùng yêu mến.

“Mặc dù tôi đã nhận được rất nhiều phước lành trong những tháng gần đây, nhưng ngày tôi đặt chân đến Mỹ là một trong những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi vì đó là ngày tôi đoàn tụ với gia đình và nước Mỹ trở thành quê hương của tôi”, ông Quan nói tiếp.

Sau khi vượt biên, ngôi sao của bộ phim Goonies (1985) đã ở trại tị nạn Hong Kong một năm trước khi đến Hoa Kỳ nhờ Chương trình Tiếp nhận Người tị nạn năm 1979.

Vài năm sau, ông đi ủng hộ anh trai mình tại buổi thử vai cho phim Raiders of the Lost Ark (1981) và tại đây, đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg đã nhìn thấy khả năng đặc biệt ở Quan và giao cho anh vai diễn này.

“Khi tôi bước vào Nhà Trắng qua lối vào phía Đông, và khi tôi đang bước lên những bậc thang với dàn nhạc đang chơi bản nhạc tuyệt vời này, tôi không thể cầm được nước mắt. Bởi vì tôi đang nói với chính mình, ‘Tôi đang đến Nhà Trắng’. ‘Tôi đang đến Nhà Trắng’. Tôi chưa bao giờ đến đây. Còn giờ thì, đây là con đường đến Nhà Trắng”, ông Quan cảm động nói và đề cập đến quãng thời gian “khóc rất nhiều” kể từ khi nhận giải Oscar, trước khi giới thiệu Tổng thống Biden lên phát biểu với sự hân hạnh mà ông nói “tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có cơ hội này”.

(Nguồn: VOA)

Người nâng vị thế nước mắm Việt bên kia bờ đại dương

Từ tình yêu những món ăn của mẹ và hương vị nước mắm quê hương, ông Cường Phạm (65 tuổi, Mỹ) đã không quản ngại gian lao đưa nước mắm Phú Quốc vượt hơn 40.000 km số sang Mỹ, nâng tầm nước mắm Việt thành thương hiệu thực phẩm cao cấp được thế giới tin dùng.

Đưa nước mắm vượt đại dương cho vơi nỗi nhớ quê

Năm 2005, lần đầu tiên, ông Cường Phạm, sinh năm 1958, đến thăm Phú Quốc. Hương vị đặc biệt của nước mắm truyền thống nơi này khiến ông nhận ra: đây là điều thiếu sót của ông trong nỗ lực kế thừa các công thức nấu ăn của mẹ bao năm qua.

Ông Cường từ Việt Nam sang Mỹ định cư từ những năm đôi mươi. Mười năm sau đó, khi cuộc sống ổn định, ông mới bảo lãnh mẹ và người thân sang đoàn tụ cùng mình. Mẹ ông là giáo viên tiểu học ở Sài Gòn, cũng là người rất thích nấu ăn và đã được đào tạo như một đầu bếp của Pháp. Sau chuyến đi, quà ông mang về Mỹ tặng mẹ là chai nước mắm Phú Quốc. Mẹ ông rưng rưng xúc động khi thấy lại hương vị quê hương và nhớ những người thân trong ký ức.

Trở về Mỹ, ông Cường vẫn tiếp tục với công việc tại công ty Apple với vai trò là kỹ sư công nghệ thông tin mà ông đã gắn bó hơn 20 năm. Song song đó, ông bắt đầu công việc đầu tư sản xuất nước mắm cùng với một cặp vợ chồng làm nước mắm thủ công Phú Quốc.

Sau 3 năm dày công chuẩn bị, thử nghiệm để tìm ra công thức sản xuất nước mắm với chất lượng và hương vị ưng ý nhất. Ông Cường đã vận chuyển nước mắm Red Boat do công ty ông sản xuất từ Phú Quốc về Mỹ bằng thuyền và đóng chai tại Hayward, California, Mỹ. Sau đó, ông lái xe vòng quanh nước Mỹ để tiếp thị sản phẩm, các đầu bếp nhanh chóng bị thu phục, nhưng các nhà bán lẻ không quan tâm.

Không thể phân phối, ông Cường đã tự mình bán hàng trực tuyến. Ngày nào may mắn mới được 10 đơn đặt hàng.

Hương vị quê hương trong nỗi nhớ mẹ

Năm 2011, bước ngoặt đến với công ty ông khi nhà báo ẩm thực Florence Fabricant viết một bài báo ngắn về nước mắm Red Boat trên tờ The New York Times. Sau bài báo này, các nhà phân phối trước đó từ chối ông đã bắt đầu tự tìm đến liên hệ với ông.

Một năm sau đó, ông nghỉ việc ở Apple chuyên tâm vào việc sản xuất, kinh doanh nước mắm. Đến nay, nước mắm Red Boat nhận được 400 đơn đặt hàng một ngày. Công ty ông sản xuất khoảng 500.000 lít mỗi năm. Các con ông cũng tham gia cùng ông điều hành công ty; Tracy, con gái lớn, phụ trách tài chính và bán hàng, Kevin phụ trách sản xuất; Tiffany, người con trẻ nhất phụ trách quản lý tiếp thị và an toàn thực phẩm.

Ông Cường Phạm cho biết những điều ông học từ 20 năm làm việc ở Apple đã góp phần vào thành công trong việc sản xuất và kinh doanh nước mắm của ông. Đó là: sản phẩm phải có chất lượng cao và phải có sự khác biệt. Điều đó thể hiện ở việc ông thuê đội ngũ đánh bắt cá, việc làm nước mắm được thực hiện ngay ở trên táu với cá tươi trên thuyền với muối biển. Ông dùng thùng gỗ để ủ cá, và điều chỉnh nhiệt độ phù hợp… theo phương pháp thủ công truyền thống. Nước mắm Red Boat của ông được bán trên thị trường với giá khoảng 7 USD một chai gấp đôi giá của các đối thủ cạnh tranh sản xuất hàng loạt, chứa nhiều chất phụ gia.

Nhớ ơn người mẹ đã gieo nhớ thương hương vị nước mắm quê hương và là nguồn cảm hứng giúp ông thành công với thương hiệu nước mắm Red Boat. Ông chủ biên phối hợp với hai tác giả khác thực hiện quyển sách nấu ăn cùng với nước mắm Red Boat để tôn vinh mẹ. Quyển sách The Red Boat Fish Sauce Cook Book xuất bản trong thời điểm dịch Covid 19, có 50 công thức do mẹ ông ghi chép từ Việt Nam mang sang Mỹ.

(Nguồn: Thời Đại)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang