Người Việt hải ngoại: Lao động ở Nhật hậu động đất; Lập tổ chức hỗ trợ thích nghi cuộc sống Nhật; 1 người kêu cứu ở Myanmar

Lao động Việt sau động đất ở Nhật: Gói mì tôm, chai nước đong tình người

Giữa cảnh khó khăn, Quỳnh (quê Bắc Giang) làm việc tại tỉnh Ishikawa (Nhật Bản) cảm nhận được sự sẻ chia ấm áp dù chỉ là chai nước, gói mì tôm… nhận được từ những người đồng hương.

10 ngày tại nơi lánh nạn

Nguyễn Thị Quỳnh (21 tuổi, Yên Dũng, Bắc Giang) hiện ở vùng tránh nạn tại thị trấn Houdatsushimizu, thành phố Hakui, tỉnh Ishikawa cùng với 16 lao động Việt cùng công ty. Khu tránh nạn này hiện có có 27 lao động Việt Nam ở tạm.

Nhắc lại trận động đất kinh hoàng khiến đường sá, nhà cửa đổ ngổn ngang, kèm theo cảnh báo sóng thần, Quỳnh vẫn chưa hết bàng hoàng. Thời điểm đó, cô gái Việt nghĩ rằng "mình chết chắc".

"Ban đầu tôi chỉ thấy rung lắc nhẹ, sau đó vài phút thì động đất mạnh ập tới. Đồ đạc trong xưởng nơi chúng tôi làm bay tứ tung, mái nhà cũng sập xuống. Trong lúc hỗn loạn, tôi và 15 lao động Việt Nam được đồng nghiệp người Nhật hô hoán, kéo xuống trốn dưới gầm bàn. Lúc đó, chị em đồng hương chỉ biết ôm nhau khóc.

Khi mặt đất bớt rung lắc, các đồng nghiệp người Nhật hướng dẫn chúng tôi chạy ra khỏi nhà xưởng. Ít phút sau lại nhận tin cảnh báo sóng thần, mọi người lo lắng vô cùng, nghĩ kiểu này chắc chết, rất may sau đó sóng thần không tìm đến", Quỳnh nhớ lại.

Khi trận động đất qua đi, Quỳnh và 15 lao động Việt Nam khác được đưa đến một trường học - nơi có vị trí cao, cách tâm chấn 2km để lánh nạn. Tối cùng ngày, họ được đưa về kí túc xá của công ty.

"Đối mặt động đất nơi xứ người, tất cả lao động Việt chạy đến ôm lấy nhau. Lúc hoảng loạn ai cũng khóc, sau đó mới bình tĩnh, động viên nhau. Những ngày sống chung ở ký túc xá, ai có đồ ăn gì đều mang đến góp để sử dụng, nấu ăn chung.

Khó khăn nhất lúc bấy giờ là thiếu nước. Chúng tôi chỉ đủ nước ăn uống, 3-4 ngày không có nước để tắm. Hằng ngày, cả 19 lao động Việt Nam cùng nhau đi bộ lên núi cách chỗ ở khoảng 1km để lấy nước suối về dùng. Mấy ngày trời mưa tuyết, đi lại vất vả, chị em chỉ biết động viên nhau cùng vượt qua khó khăn", Quỳnh kể.

Trong những ngày thiếu thốn, những lao động xa xứ như Quỳnh may mắn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của công ty. Đặc biệt, 10 ngày sống tại nơi lánh nạn, cô và mọi người được tình nguyện viên Việt Nam giúp đỡ nhiệt tình.

"Khi đồ ăn dự trữ hết, chúng tôi được công ty và các anh chị tình nguyện viên Việt Nam mang đồ ăn, nước uống tới hỗ trợ. Chứng kiến đoàn cứu trợ người Việt Nam tại Nhật không ngại đường sá xa xôi, nguy hiểm để liên lạc, tìm kiếm từng lao động, tới tận nơi phát thực phẩm, chúng tôi rất cảm kích", Quỳnh xúc động kể.

Tại nơi lánh nạn, Quỳnh chưa biết khi nào được quay về chỗ ở và trở lại làm việc nhưng cũng an tâm hơn nhiều vì sự quan tâm của mọi người dành cho mình.

"Tôi rất biết ơn anh chị đồng hương, những người sang Nhật trước chúng tôi đã giúp đỡ, đùm bọc lao động Việt trong lúc khó khăn", Quỳnh nói.

Lao động Việt không rời bỏ công ty lúc khó khăn

Bình an sau trận động đất kinh hoàng ngày đầu năm mới, Phạm Thị Gấm (21 tuổi, quê Đồng Tháp) chưa từng nghĩ khi vừa đặt chân tới Nhật chưa đầy 2 tháng và mới đi làm được 8 ngày, cô lại rơi vào hoàn cảnh như hiện tại.

"Tôi vừa sang Nhật được 2 tháng, chưa biết động đất thế nào. Đến khi mọi thứ rung lắc mạnh, tôi chỉ biết khóc và la hét. Mọi thứ đổ sập, ai cũng hoảng loạn, tôi nghĩ mình đã chết ở đó cho tới khi người quản lý cầm tay chúng tôi chạy ra ngoài.

Hiện tại, tôi vẫn giấu gia đình chuyện kinh hoàng này vì sợ bố mẹ ở Việt Nam lo lắng, chỉ biết giấu được lúc nào hay lúc đó, nếu họ biết chắc chắn sẽ "bắt" con gái về nước", Gấm chia sẻ.

Mấy ngày qua, cô gái Việt mất ngủ vì lo sợ mất việc, không kiếm được tiền gửi về nhà. May mắn thay, trong lúc khó khăn cô nhận được sự hỗ trợ, đùm bọc của những người đồng hương và chủ doanh nghiệp.

"Từ hôm xảy ra động đất đến nay, sợ nhân viên gặp chuyện, ngày nào ông chủ cũng nhắn tin, gọi điện hỏi thăm mọi người. Công ty còn cử người ship gạo, đồ ăn, nước uống đến nơi chúng tôi. Tối hôm xảy ra động đất, ông chủ còn quay lại nhà xưởng để tìm điện thoại cho chúng tôi.

Còn anh chị đồng hương, gần 20 ngày qua liên tục hỏi thăm chúng tôi, chỗ nào thiếu thốn gì họ mang vào tận nơi. 10 ngày không có nước giặt quần áo, ai không còn đồ để mặc cũng được các "tiền bối" giúp đỡ.

Ở nơi đất khách quê người, nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người như vậy, chúng tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều", Gấm chia sẻ.

Sau khi đã an toàn, Gấm và nhiều lao động khác đều mong sớm được quay trở lại làm việc. Cô cho biết, ít ngày tới công ty sẽ có thông báo chính thức về khả năng phục hồi và tương lai của lao động.

"Chúng tôi may mắn gặp được nghiệp đoàn, công ty tốt. Do đó, tất cả nhân viên công ty đều cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ tới. Tôi và mọi người vẫn chờ đợi tới khi có thông báo chính thức từ công ty sau đó mới tính chuyện đi hay ở", Gấm chia sẻ.

Nỗ lực tìm việc cho lao động bị mất việc

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đại diện Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản cho biết sau động đất, cộng đồng người Việt ở nước bạn đã chung tay hướng về vùng tâm chấn, nơi có thực tập sinh, lao động đang bị ảnh hưởng.

Những ngày này, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đang nỗ lực kết nối các đầu mối tổ chức các đội nhóm thiện nguyện với nhiệm vụ cụ thể để công tác cứu trợ kịp thời, hiệu quả sau động đất.

Cơ quan đại diện người Việt Nam tại Nhật Bản đang khẩn trương làm việc với các nghiệp đoàn, đơn vị sử dụng lao động để kết nối việc làm, chuyển việc cho thực tập sinh tại các vùng bị ảnh hưởng, giúp lao động sớm ổn định cuộc sống.

Hiện tại, các nghiệp đoàn tại Nhật Bản đang yêu cầu doanh nghiệp tại khu vực chịu ảnh hưởng báo cáo về khả năng phục hồi hoạt động sau động đất. Dự kiến, sau khi xác nhận khả năng phục hồi của doanh nghiệp, các nghiệp đoàn sẽ căn cứ để sắp xếp công việc phù hợp.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng đề nghị hiệp hội thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản (OTIT) đẩy nhanh quy trình thực hiện các biện pháp hỗ trợ lao động nước ngoài tại Nhật Bản, trong đó có lao động Việt Nam.

Người Việt lập tổ chức hỗ trợ kiều bào thích nghi cuộc sống Nhật

Nhớ thời hòa nhập không tốt hồi mới sang Nhật, Văn Phi thành lập hiệp hội người Việt, hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống trong thời gian đầu.

"Nhiều người Việt ở tỉnh Gunma xa lạ với tiếng Nhật, cũng khó thích nghi với cuộc sống ở nước này bởi không biết về văn hóa, quy tắc và cách ứng xử của người bản địa", tờ Mainichi ngày 20/1 dẫn lời giới thiệu của Bùi Văn Phi, 33 tuổi, chủ tịch Hội Người Việt tại Gunnma, trên trang web của hội.

Lời giới thiệu được dịch ra tiếng Anh, tiếng Nhật Bản và tiếng Trung Quốc. Trả lời tờ báo, anh Phi kể từng gặp nhiều khó khăn khi lần đầu đặt chân đến nước này năm 2011, với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật tại thành phố Isesaki, sau khi phải trả một khoản phí lớn cho công ty phái cử.

"Tôi không hiểu tiếng Nhật, không hòa nhập được với lối sống của người Nhật và gặp nhiều khó khăn trong công việc, thậm chí từng nghĩ đến mình nên biến mất", Phi nói bằng tiếng Nhật lưu loát.

Sau thời gian bị sốc, Phi quyết tâm học tiếng Nhật và tham gia các sự kiện văn hóa địa phương. Anh có thêm những người bạn bản địa, giúp vơi bớt lo âu trong cuộc sống thường ngày.

Sau ba năm, Phi về nước làm phiên dịch cho một công ty phái cử đưa thực tập sinh sang Nhật Bản. Nhưng không thể quên được cuộc sống ở Gunma, anh trở lại Nhật, lần này trên tư cách du học sinh.

Hiện Phi đã kết hôn với vợ người Nhật Bản và điều hành một doanh nghiệp dịch vụ sửa chữa, mua bán, cứu hộ ôtô trên khắp vùng Gunma - Kanto.

Anh Phi còn tình nguyện hỗ trợ phiên dịch và ấp ủ ý định thành lập hội, giúp đỡ kiều bào bỡ ngỡ, song nhận ra không thể làm điều đó một mình.

Anh tìm gặp một số người Nhật Bản có thể giúp đỡ, một trong đó là Shohei Sato, 37 tuổi, thành viên Hội đồng thành phố Maebashi. Sato có kinh nghiệp hỗ trợ các nước đang phát triển với tư cách là tình nguyện viên Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Phi thành lập Hội Người Việt Nam tại Maebashi, thủ phủ Gunma vào tháng 8/2023, Sato là phó chủ tịch. Hội nhằm cung cấp thông tin xác tín ở Nhật Bản bằng tiếng Việt, làm cấu nối giữa cộng đồng Việt kiều với các tổ chức, giới chức.

Kể từ khi thành lập, hội đã hợp tác với các cơ quan chính phủ, cảnh sát tỉnh để tổ chức nhiều sự kiện, trong đó có diễn tập phòng chống thiên tai, nâng cao nhận thức an toàn giao thông cho cộng đồng người Việt. Tháng 10/2023, nhiều thành viên hội thực hiện hoạt động tình nguyện xóa những hình vẽ graffiti trên các trụ cầu ở Isesaki.

"Tất cả chúng tôi đều rất vui khi đóng góp cho xã hội, rất hạnh phúc khi trở thành một phần của cộng đồng", anh Phi nói.

Một người đàn ông Việt Nam nói anh bị giam giữ trong hang ổ lừa đảo cùng với 'hàng ngàn' người

Myanmar đã trở thành điểm nóng của nạn buôn người kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021.

Trong vòng 6 tháng kể từ khi Nguyễn bị lừa bán qua biên giới Thái Lan và bị đưa vào một khu chuyên thực hiện các hoạt động lừa đảo (scam) ở Myanmar, anh đã gửi đi vô vàn tin nhắn để phục vụ công việc mà anh bị cưỡng ép làm. Cuối cùng, cho đến một đêm khi những kẻ canh giữ không để ý, anh đã vội vàng soạn thảo một email nhưng điều đặc biệt là, email này không được gửi tới một nạn nhân tiềm năng nào đó, mà là một phóng viên.

"Chúng tôi không ổn, chúng tôi cần giúp đỡ, xin hãy giúp chúng tôi thoát khỏi nơi tồi tệ này!” – Nguyễn viết bằng vốn tiếng Anh ít ỏi của mình cho Ban tiếng Miến Điện - Đài Á Châu Tự Do. Bức thư tố cáo việc một số khu tội phạm ở miền đông Myanmar sử dụng lao động bị buôn bán để lừa tiền nạn nhân trên khắp châu Á.

Trong một cuộc phỏng vấn sau đó với Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do, anh Nguyễn cho biết anh là một trong hàng ngàn người đang bị giam giữ tại một khu liên hợp có tên là KK Park, ở bang Kayin - một dự án phát triển nhà của Trung Quốc nay đã trở thành một trung tâm nổi tiếng với các hoạt động lừa đảo. Vào tháng 10/2023, các nhà chức trách đã giải cứu 200 người khỏi KK Park, trong đó có ít nhất 61 công dân Việt Nam nhưng anh Nguyễn không nằm trong số những người may mắn ít ỏi này. Trong hàng ngàn người còn lại, những lao động nổi loạn/gây chuyện đã bị đánh đập, bỏ đói và cả chích điện – anh Nguyễn cho biết.

Vì vẫn bị giam giữ trong tòa nhà và để tránh cho anh không bị trả thù, những chi tiết về những trải nghiệm cũng như tên thật của anh Nguyễn đang được giữ kín. Tuy nhiên, anh đã chia sẻ thông tin về vị trí (nơi ở và làm việc) của anh hiện nay, các bức ảnh khu nhà và tên của 07 nạn nhân bị lừa đảo (scam victims). Trong các cuộc phỏng vấn riêng biệt với RFA, hai trong số những nạn nhân này đã chứng thực việc họ bị lừa tiền.

Nơi trú ẩn của tội phạm

Mặc dù không thể xác minh mọi yếu tố của câu chuyện này nhưng Đài Á Châu Tự Do trước đây đã từng có bài biết về một số hoạt động lừa đảo bất hợp pháp xuất hiện ở khu vực gần như không được quản lý của Myanmar, có chung biên giới với Thái Lan.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, trong khu vực Đông Nam Á, hàng trăm ngàn người đã bị lừa bán vào các trung tâm lừa đảo - nơi họ thường xuyên bị đánh đập và giam giữ. Ước tính có khoảng 120.000 người đang bị giam giữ chỉ riêng ở Myanmar - nơi tình trạng này đã được cho thấy là đặc biệt khó giải quyết.

Cuộc đảo chính năm 2021 lật đổ chính phủ được người dân Myanmar bầu chọn và yêu mến của phe quân sự đã gây ra tình trạng bất ổn rộng khắp ở Myanmar. Sự hỗn loạn này đã tạo cơ hội cho các tổ chức tội phạm xây dựng hang ổ, cũng giống như các biện pháp hạn chế thời COVID-19 của các nước trong khu vực đã khiến nhiều nhóm tội phạm chuyển hoạt động của họ từ tổ chức các hoạt động cờ bạc/gaming trực tiếp sang lừa đảo trên mạng.

Hàng ngàn nạn nhân ở bang Shan thuộc miền bắc Myanmar đã được giải cứu trong những tháng gần đây trong một chiến dịch do chính phủ Trung Quốc hỗ trợ.

Nhưng ở các bang không giáp biên giới với Trung Quốc, các hoạt động bất hợp pháp vẫn tiếp tục diễn ra mà gần như không phải đối diện với các biện pháp trấn áp, trừng phạt nào. Chính phủ các nước trong khu vực dường như thường không thể hoặc không sẵn lòng giải cứu công dân của mình bị mắc kẹt.

Nạn nhân thường phải cố gắng tự giúp mình bằng cách cầu xin giúp đỡ khẩn cấp từ người thân, văn phòng đại sứ quán và các cơ quan báo chí qua điện thoại di động hoặc máy tính mà họ được dùng để thực hiện các vụ lừa đảo.

“Mổ lợn”

Nguyễn đã gửi một hình ảnh vệ tinh đồng thời ghim đánh dấu địa điểm cơ sở nơi anh ta đang bị giam giữ cũng như một loạt các bức ảnh cho thấy một mạng lưới các khu nhà ở giống như ký túc xá, với quần áo được phơi ở phía lan can bên ngoài.

Anh cho biết các hoạt động tội phạm được điều hành bởi một công ty cũng được gọi là KK Park, sở hữu bởi một chủ người Trung Quốc và quản lý bởi một phụ nữ người Việt. Công ty này được hỗ trợ bởi một chi nhánh của Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một nhóm người dân tộc Karin đã chiến đấu chống lại quân đội Myanmar trong một chiến dịch nổi dậy kéo dài.

Một phát ngôn viên của KNU đã không hồi đáp điện thoại yêu cầu bình luận của phóng viên Đài Á Châu Tự Do. Các báo cáo khác cho thấy KK Park nằm trong khu vực quản lý của chính quyền quân sựLực lượng Biên phòng Karen.

Nguyễn cho biết anh và những người bị giam giữ khác phải thực hiện một trò lừa đảo được gọi là “mổ lợn”. Theo đó, họ bị ép giả vờ là đại diện của công ty Honda Việt Nam, nhắn tin cho các nạn nhân tiềm năng và thuyết phục họ gửi tiền mua phụ tùng ô tô hoặc các sản phẩm ô tô khác để bán lại và hưởng mức hoa hồng cao.

RFA đã liên hệ với Honda Việt Nam để hỏi xem các giám đốc điều hành của họ đã từng nghe nói về hình thức lừa đảo này hay chưa nhưng không nhận được phản hồi vào thời điểm bài báo này được đăng tải.

Sau khi nhận được hoa hồng thành công cho các phụ tùng nhỏ, các nạn nhân được khuyến khích chuyển tiền để mua các thiết bị đắt tiền hơn và rồi nhận được thông báo rằng tài khoản của họ đang bị đóng. Một phụ nữ mà Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do liên lạc qua Facebook cho biết: Cô đã bị lừa hơn 28.000 đô la Mỹ.

Lời mời làm việc giả

Giống như nhiều scammers (kẻ lừa đảo) bị buôn bán khác, anh Nguyễn cho biết anh đã nghĩ rằng mình đang nhận một việc làm có lương tốt ở Thái Lan. Người ta hứa hẹn trả lương anh với mức cao gấp đôi mức lương trước kia của anh. Thêm vào đó, anh đã mất việc nhiều tháng trước khi nhận lời mời hấp dẫn này.

Nhưng sau khi đến Thái Lan, Nguyễn đã bị đưa qua biên giới đến Myanmar. Anh bị tịch thu hộ chiếu đồng thời bị buộc phải ký hợp đồng một năm và phải thực hiện các định mức do công ty đặt ra.

Mỗi người bị giam giữ phải lừa được ít nhất 280.000 đô la/ tháng. Những người lao động không đạt được mức doanh số này sẽ không được ăn và bị đánh đập – anh nói.

Nguyễn cho biết anh đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar nhưng được trả lời rằng họ không thể giúp đỡ vì khu vực này không do quân đội Myanmar kiểm soát. Đài Á Châu Tự Do cũng đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam ở Myanmar và giới chức tại Việt Nam nhưng không nhận được phản hồi.

Nguyễn cho biết những kẻ bắt giữ nói với anh rằng họ sẽ thả anh nếu anh có thể trả khoảng 9.500 đô la Mỹ, một món tiền mà cả anh và gia đình đều không hy vọng vay mượn hay quyên góp được – anh nói.

"Tôi muốn đưa ra lời cảnh báo để không còn người Việt nào bị lừa và đưa đến đây như tôi” – anh Nguyễn nói với Đài Á Châu Tự Do.

"Tôi hy vọng rằng Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar hợp tác để đập tan các băng nhóm như KK Park để tôi và những người Việt Nam khác có thể trở về nhà an toàn."

Nguồn: Dân Trí; Vnexpress; RFA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang