Người Việt hải ngoại: Hoảng loạn vì động đất ở Nhật; Chào Tân niên ở Malaysia; Mẫu nhí gây sốt ở TQ; Lan tỏa tiếng Việt ở Mỹ

Người Việt kể nỗi hoảng loạn giữa động đất ở Nhật

(Ảnh minh họa).

Cảnh báo trên điện thoại reo inh ỏi khiến Đức Phú choàng tỉnh, cũng là lúc anh nhận ra tòa nhà mình đang ở rung lắc dữ dội.

Sau ca làm ngày đầu năm mới, Đức Phú, tu nghiệp sinh nhà hàng ở thành phố Kanazawa, tỉnh Ishikawa, miền trung Nhật Bản, trở về căn hộ trên tầng 7 để ngủ bù. Khoảng hơn 16h ngày 1/1, Phú tỉnh dậy vì cảm nhận thấy rung chấn nhẹ, nhưng thấy điện thoại chưa phát tín hiệu cảnh báo nên tiếp tục giấc ngủ.

Một lúc sau, đợt rung chấn thứ hai xuất hiện, cũng là trận mạnh nhất trong số khoảng 155 trận động đất tấn công miền tây Nhật Bản trong ngày đầu tiên của năm 2024. Lúc này, điện thoại của Phú reo inh ỏi, phát cảnh báo khẩn về động đất cường độ tới 7,6 độ.

"Tòa nhà tôi ở rung lắc mạnh khiến tôi kinh hồn bạt vía. Tiếng chuông cảnh báo càng khiến bản thân thêm hoảng loạn, chỉ biết bám chặt vào tường, niệm Phật", Phú kể lại với VnExpress.

Rung chấn tạm dứt, Phú lao khỏi nhà, nhưng thang máy đã dừng hoạt động, buộc anh phải chạy theo thang thoát hiểm từ tầng 7 xuống đất.

Phú chạy ra đường và thấy nhiều người cũng tập trung bên ngoài trong cơn hoảng loạn, bởi các trận rung chấn liên tiếp diễn ra, cách nhau 20-30 phút. Khi mặt đất ngừng "nhảy múa", Phú liều lên nhà, lấy các giấy tờ quan trọng, đồ thiết yếu nhét vào cặp rồi lại lao ra đường.

Tại Houdatsu Shimizu, tỉnh Ishikawa, rung chấn lớn xảy ra khi Trần Thị Trang, 34 tuổi, đang đi siêu thị. Cảm nhận thấy mặt đất chao đảo, Trang vô cùng hoảng loạn, nghĩ rằng "mình chết chắc". Vài giây sau, chị định thần được và lao về phía bãi đỗ xe, nơi chồng và con nhỏ đang chờ. Đoạn đường từ cửa siêu thị ra bãi xe chỉ vài chục mét, nhưng rất khó đi bởi mặt đất liên tục rung chuyển.

"Tôi vừa chạy vừa nghe tiếng la hét bên tai, nhiều người xung quanh ngã dúi dụi, không thể đứng vững. Xe cộ đang đậu thì nghiêng ngả như muốn lộn nhào", chị nhớ lại. "Đến nơi, tôi cũng không thể lên xe ngay được, phải vịn chặt vào tay nắm cửa cho bớt chao đảo. Khi vào xe với chồng con, toàn thân tôi run rẩy vì sợ".

Sau loạt rung chấn mạnh, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) phát cảnh báo sóng thần ở Ishikawa và 4 tỉnh lân cận. Gia đình chị Trang lập tức lái xe về nhà.

Các đài truyền hình nước này lập tức chuyển sang chương trình đặc biệt. Dọc đường, hai vợ chồng nhận cảnh báo liên tục và thấy nhiều người chạy ôtô theo chiều ngược lại để tới nơi lánh nạn, song họ vẫn quyết định về nhà thu thập một số đồ thiết yếu.

Khu lánh nạn ở địa phương là một trường học, nhưng gần biển nên không thể tránh được sóng thần. Gia đình Trang cùng nhiều người địa phương phải di chuyển lên vùng cao hơn.

Trong khi đó, Đức Phú ở Kanazawa liên lạc với công ty, cùng các đồng nghiệp đi lánh nạn. Họ đổ về các siêu thị tiện lợi và thấy rất đông người địa phương đã xếp hàng.

"6 năm tại Nhật và chưa từng gặp cảnh này, nên tôi đi theo người Nhật, nghĩ rằng họ biết phải làm gì", Phú kể. Anh sau đó cùng đồng nghiệp đến trú tại nhà riêng của giám đốc công ty cách chỗ ở 7 km. Công việc tại nhà hàng phải tạm gác, bởi bát đĩa cũng đã rơi vỡ hết.

Giới chức Nhật Bản hôm nay xác nhận ít nhất 48 người thiệt mạng trong trận động đất, con số thương vong có thể tiếp tục tăng. Các cảnh báo sóng thần đã được dỡ bỏ, nhưng vẫn có ít nhất 6 rung chấn mạnh được ghi nhận trong sáng nay.

JIMA cảnh báo có thể có nhiều trận động đất mới trong tuần này, đặc biệt là 2-3 ngày tới. Tỉnh Ishikawa hiếm khi xảy ra động đất, thậm chí nhiều người cao tuổi sống tại đây cho hay chưa từng thấy rung lắc mạnh mức độ này. "Ngay cả giám đốc cũng hoang mang, chỉ nói sẽ phải tùy cơ ứng biến", Phú nói.

Gia đình chị Trang về đến nhà lúc khoảng 20h và đã chuẩn bị nhu yếu phẩm đầy đủ, sẵn sàng lên xe di tản bất cứ khi nào có cảnh báo.

"Gia đình tôi có xe, còn các bạn thực tập sinh, du học sinh không có phương tiện sẽ gặp nhiều khó khăn hơn", chị Trang, phiên dịch viên kiêm quản trị viên của nhóm người Việt ở vùng Hokuru gồm ba tỉnh Ishikawa, Toyama, Fukui, nói, thêm rằng địa phương có khoảng 200 người Việt.

Hoàng Quân, thực tập sinh tại Wajima, thành phố ghi nhận nhiều thiệt hại ở tỉnh Ishikawa, may mắn thoát nạn khi trước đó di chuyển về Hakusan đón năm mới cùng bạn bè.

Rung chấn xảy ra khi nhóm bạn đang ăn tất niên, khiến nồi lẩu bị đổ. Quân sau đó nhận được điện thoại từ công ty, thông báo nhà ở Wajima đã bị sập.

"Tôi phải ở lại nhà bạn, cũng không dám về lại địa phương, công việc tạm dừng. Mọi thứ hiện rất mông lung, chỉ mong sắp tới không còn rung chấn", anh nói.

ẤM ÁP "CHƯƠNG TRÌNH CHÀO TÂN NIÊN 2024" CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI MALAYSIA

Bí thư thứ 2 của Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia cho biết công tác người Việt tại Malaysia luôn được Đại sứ quán ưu tiên với mục tiêu đưa Đại sứ quán trở thành ngôi nhà thân thương, đầm ấm của bà con.

Trao đổi với luật sư về luật hôn nhân gia đình, quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam khi đi làm việc tại nước ngoài là những chủ đề Ban liên lạc Cộng đồng người Việt tại bang Penang của Malaysia lựa chọn làm trọng tâm cho buổi gặp mặt đầu Năm Mới 2024.

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Vũ Thị Thu Hồng, Trưởng ban Liên lạc người Việt tại Penang, cho biết với khoảng hơn 10.000 người Việt đang sống và làm việc; trong đó có đến 3.000 cô dâu Việt, Penang là bang có đông người Việt sống và làm việc nhất Malaysia.

Năm 2023, Ban liên lạc Cộng đồng người Việt tại đây đã giúp đỡ khoảng 20-25 trường hợp khó khăn, thậm chí là bị ngược đãi, hành hạ và bị lừa đảo. Do vậy, trong khuôn khổ của “Chương trình chào Tân niên 2024,” Ban liên lạc đã mời luật sư Tharumarajah phổ biến về luật hôn nhân gia đình của Malaysia, quyền lợi của những cô dâu Việt và những rủi ro khi không đăng ký kết hôn.

Chung vui với Cộng đồng người Việt tại Penang, ông Nguyễn Bá Tân, Bí thư thứ hai, phụ trách cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, đánh giá cao “Chương trình chào Tân niên 2024” của Ban liên lạc, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của bà con; đồng thời nhấn mạnh Cộng đồng người Việt tại nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Công tác người Việt tại Malaysia luôn được Đại sứ quán ưu tiên với mục tiêu đưa Đại sứ quán trở thành ngôi nhà thân thương, đầm ấm của bà con.

Trong khuôn khổ chương trình, bà Thái Thị Hương, đại diện cho Ban Quản lý lao động và Chuyên gia tại Malaysia, cũng trao đổi với cộng đồng về quyền và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc tại Malaysia cũng như những điều luật mới nhất của nước sở tại về bảo hiểm y tế, bảo hiểm đền bù khi gặp tai nạn và tử vong…

Theo bà, việc nắm được những thông tin này khi lao động tại nước ngoài, người Việt sẽ tránh được những rủi ro không đáng có, vững vàng tâm lý, hăng say lao động, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

“Chương trình chào Tân niên 2024” của Ban liên lạc Cộng đồng người Việt tại Penang đón khoảng 300 người tham dự, trong đó có nhiều người Malaysia lấy vợ người Việt và gia đình của họ. Cùng nhau thưởng thức ẩm thực Việt, làn điệu Việt, ngắm nhìn những tà áo dài truyền thống được của các người mẫu Việt ở mọi lứa tuổi trình diễn…cộng đồng người Việt tại Penang đã rất hân hoan, phấn khởi cùng nhau đón Xuân sang./.

Mẫu nhí 6 tuổi người Việt gây sốt làng thời trang Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Danh tính mẫu nhí gây sốt tại sàn diễn thời trang lớn nhất nhì Trung Quốc đã được cư dân mạng truy tìm.

Vài năm trở lại đây, bên cạnh những cái tên đình đám, sở hữu kinh nghiệm dày dặn trên các sàn diễn thời trang, làng mẫu nhí nước nhà cũng có những bước phát triển vượt bậc.

Không chỉ trong nước, những mẫu nhí còn có cơ hội sải bước trên các sàn diễn thời trang quốc tế. Điển hình như mới đây nhất, một mẫu nhí 6 tuổi đã bất ngờ gây sốt đất nước tỷ dân khi xuất hiện tại một sàn diễn thời trang lớn nhất nhì Trung Quốc.

Cụ thể, mẫu nhí khiến người Việt "nở mài nở mặt" chính là Vũ Trần Diễm My. Theo đó, khi đến với sàn diễn thời trang Gz International Fashion Festival tại Trung Quốc, tưởng chừng sẽ là áp lực lớn dành cho cô bé Diễm My. Thế nhưng trái lại, sự tự tin, thần thái, và vẻ đẹp đậm chất Á Đông của Vũ Trần Diễm My cùng những bước catwalk bài bản giúp Diễm My hoà đồng với các anh chị người mẫu đến từ khắp nơi trên thế giới rất nhanh, nhận được vô số tràng vỗ tay từ khán giả khi trình diễn.

Nét xinh xắn, trong trẻo của Diễm My và thần thái tự tin khi trình diễn trang phục Gucci trên sân khấu quốc tế của cô bé là điểm sáng của chương trình. Đây không chỉ là cơ hội để thế hệ mẫu nhí Việt thể hiện tài năng đến gần hơn với công chúng quốc tế mà chính mỗi cá nhân các mẫu nhí đã trở thành một đại sứ quảng bá văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế.

Được biết, dù chỉ mới 6 tuổi, thế nhưng Vũ Trần Diễm My đã có một bề dày các show trình diễn chuyên nghiệp như: Việt Nam Kids Fashion week, Sắc Màu Di Sản, An show'23, Fashion show 2023, Việt Nam Đa Sắc, Cố đô hoa lư Ninh Bình, Ký hoạ quê hương...

Gz International Fashion Festival từ lâu đã nổi tiếng trong giới thời trang là một trong những tuần lễ thời trang lớn của Trung Quốc, quy tụ những nhãn hàng thời trang tên tuổi hàng đầu như: Gucci, BBr, Fendi, Dior,… và các thương hiệu cao cấp thiết kế của Trung Quốc.

Người phụ nữ Việt ra sức lan tỏa tiếng mẹ đẻ trên đất Mỹ

Bạn bè của chị Alina nhận xét tiếng Việt rất khó phát âm. Để nói được tiếng Việt, họ phải mất nhiều thời gian cho việc học. Thế nên, chị Alina thường thay đổi không khí bằng cách nói về văn hóa của người Việt nhiều hơn.

Dùng tiếng Việt trong gia đình

Chị Alina Mai (30 tuổi, tiểu bang Delaware, Mỹ) có 3 con, gồm: Abigail (5 tuổi), Vera (3 tuổi), August (1 tuổi). Chồng chị là anh Alex Đỗ (46 tuổi), Việt kiều sống ở Mỹ gần 30 năm.

Dù định cư ở Mỹ khá lâu, nhưng anh Alex đọc và phát âm tiếng Việt vẫn chuẩn. Tuy nhiên, anh viết tiếng Việt còn mắc nhiều lỗi chính tả.

Chị Alina kể, lúc mới hẹn hò, chị và anh Alex thường nhắn tin với nhau. Chị lại dành phần lớn thời gian chỉnh sửa lỗi chính tả trong tin nhắn của người yêu.

Đến khi kết hôn, vợ chồng chị thống nhất nói chuyện với nhau hoàn toàn bằng tiếng Việt. Đồng thời, cả hai xác định cho các con tiếp xúc, học tiếng Việt trước.

Hai vợ chồng không cho các con đi học mầm non ở Mỹ quá sớm. Hai người thay nhau chăm con ở nhà và ưu tiên dạy tiếng Việt cho các bé.

Chị Alina cố gắng dạy con gọi “mẹ” bằng tiếng Việt nhưng có vẻ từ đó hơi khó đối với một đứa trẻ mới tập nói. Những từ tiếng Việt đầu tiên mà các con của chị bập bẹ là “ăn” và “đi”.

Đến khi bé đầu được 5 tuổi, chị Alina mới cho con học mẫu giáo và tiếp xúc với tiếng Anh.

Chị Alina cho biết: “Trẻ con học tiếng rất nhanh. Bé đầu nhà tôi nói tiếng Việt hoàn toàn đến khi 5 tuổi. Thế nhưng, chỉ hơn 1 tháng đến trường, bé bắt đầu chuyển qua sử dụng tiếng Anh để giao tiếp ngay cả lúc ở nhà.

Cả 3 bé nhà tôi đều mắc bệnh chậm nói và bối rối giữa 2 ngôn ngữ Anh và Việt. Bác sĩ đề nghị chúng tôi mời người về dạy nói cho các con.

Chương trình hỗ trợ cho các bé chậm nói ở Mỹ hoàn toàn miễn phí nhưng chúng tôi từ chối, chọn cách tự mình dạy con và ưu tiên dạy tiếng Việt trước.

Vợ chồng tôi kiên định như thế là bởi khi lớn hơn, các con sẽ bị cuốn vào guồng quay học tập. Môi trường học tập và cuộc sống ở Mỹ sẽ thu hẹp cơ hội tiếp xúc tiếng Việt của các con”.

Chị Alina và anh Alex luôn tâm niệm phải cố gắng dạy con đọc, viết tiếng Việt thật tốt. Nỗ lực đó hướng đến mong muốn các con giữ mối quan hệ với đại gia đình ở Việt Nam, không đánh mất cội nguồn.

“Tôi định hướng cho các con nhận biết được quê hương của mình ở đâu. Tôi hy vọng khi các con trưởng thành, nếu có đạt được bất cứ thành tựu nào thì cũng cảm thấy tự hào và hướng về Việt Nam”, chị Alina tâm sự.

Lan tỏa văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế

Không chỉ duy trì thói quen sử dụng tiếng Việt trong gia đình, chị Alina còn lan tỏa nét đẹp của tiếng mẹ đẻ đến bạn bè quốc tế.

Hiện tại, chị Alina đang học đại học tại Mỹ. Trong giờ giải lao ở trường, chị thường dạy các bạn cùng lớp học tiếng Việt.

“Dù tốt nghiệp đại học ở Việt Nam nhưng sang Mỹ, tôi tiếp tục học đại học cùng các em nhỏ tuổi hơn.

Lớp học có đến gần 90% các bạn nhỏ hơn tôi khoảng từ 10 - 13 tuổi. Vì thế, tôi cũng cố gắng trẻ hóa để bắt nhịp, hòa đồng với các bạn. Việc dạy tiếng Việt là cách tôi tiếp cận và kết bạn với các em”, chị Alina kể.

Chị Aline vừa dạy các bạn trẻ những từ giao tiếp cơ bản vừa chia sẻ một số câu danh ngôn, châm ngôn ngắn bằng tiếng Việt mà chị tâm đắc.

Sau khi nói bằng tiếng Việt, chị dịch các câu này sang tiếng Anh và nhận được sự trầm trồ của các bạn.

“Người Việt Nam có rất nhiều câu nói hay, sâu sắc và ý nghĩa mà không phải nước nào cũng có”, cô gái quê Thanh Hóa, tự hào chia sẻ.

Bạn bè của chị Alina nhận xét tiếng Việt rất khó phát âm. Để nói được tiếng Việt, họ phải mất nhiều thời gian cho việc học. Thế nên, chị Alina thường thay đổi không khí bằng cách nói về văn hóa của người Việt nhiều hơn.

Qua chia sẻ của cô dâu Việt trên đất Mỹ, người nước ngoài rất ngưỡng mộ và muốn học hỏi ở người Việt Nam nhiều hơn.

Ngoài tiếng Việt và văn hóa, chị Alina còn mang rất nhiều món ăn Việt như: xôi, chè, bánh chưng, bánh mì… lên trường mời bạn bè thưởng thức. Mọi người rất thích và ăn hết sạch đồ ăn mà chị mang đến.

Chị Alina cho rằng, việc làm của mình chỉ góp một phần nhỏ lan tỏa ngôn ngữ, văn hóa và ẩm thực của người Việt ở xứ sở cờ hoa. Chị thực hiện những hoạt động đó với niềm tự hào và sự biết ơn quê hương.

Nguồn: Vnexpress; Quê Hương Online; Sao Star; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang