Người Việt hải ngoại: Giúp nhau trong hoạn nạn; Mang tết đến Hong Kong; Jetstar Úc xin lỗi cộng đồng; Lan tỏa văn hóa tại Nhật

Người Việt trong vùng động đất ở Nhật Bản giúp nhau trong hoạn nạn

(Ảnh minh họa).

Người Việt sống ở vùng động đất của Nhật Bản đã tự tổ chức với nhau thành những đoàn đi cứu trợ các nạn nhân, trong đó có nạn nhân người Việt, trên tinh thần tự nguyện xuất phát từ ‘cái tâm của con người’, một tình nguyện viên cứu trợ nói với VOA.

Hàng ngàn nạn nhân đã mất nhà cửa trong trận động đất mạnh 7,6 độ richter ở miền tây Nhật Bản vào ngày đầu năm 2024. Hiện họ vẫn đang sống trong mệt mỏi và bất trắc hơn một tuần sau trận động đất, mà theo Kyodo News, đã khiến ít nhất 200 người thiệt mạng và hơn 100 người mất tích.

Nhà chức trách địa phương đã cảnh báo về nguy cơ lở đất, cộng với tuyết rơi dày trên khắp bán đảo Noto thuộc tỉnh Ishikawa, tâm chấn trận động đất, khiến tình hình thêm trầm trọng.

Nỗ lực cứu hộ của chính quyền Nhật đã huy động hàng ngàn binh sỹ, lính cứu hỏa và cảnh sát. Họ đang tiếp tục đào bới các tòa nhà bị sập với hy vọng tìm thấy người sống sót.

Tự tổ chức cứu trợ

Sau khi trận động đất xảy ra, vì đang trong kỳ nghỉ năm mới, anh Hứa Minh Đạt, vốn sống ở Nhật đã gần 10 năm và làm công việc thi công các hạng mục phòng chống thiên tai cho nhà dân, đã lên đường đến bán đảo Noto để cứu trợ các nạn nhân.

Anh cho biết gia đình anh sống ở tỉnh Toyama kế bên vùng tâm chấn nên không bị ảnh hưởng nhiều, gia đình và tài sản của anh ‘không sao’.

“Tôi sống cách tâm chấn tầm 40-50 km gì đấy mà lắc khủng khiếp luôn. Tôi chưa gặp trường hợp nào nó lắc như thế luôn”, anh mô tả với VOA.

Anh Đạt cho biết anh lên đường vào vùng thảm họa ngay ngày đầu tiên sau khi trận động đất xảy ra ‘trên tinh thần tình nguyện’, không chỉ giúp đỡ cho đồng hương người Việt mà còn người Nhật và những người nước ngoài khác cư trú trong khu vực bị ảnh hưởng.

“Ban đầu người Việt mình ở loanh quanh các khu vực gần đấy sẽ tự tạo nhóm để đi tìm giúp đỡ người Việt khác đang ở trong khu vực đấy về đồ ăn thức uống. Sau đấy Đại sứ quán sẽ hỗ trợ thêm và đem đồ ăn thức uống xuống”, anh Đạt cho biết.

Theo lời anh kể, các nạn nhân hiện đang cần nhất lương thực, nước uống, nhiên liệu, chăn mền, thuốc men vì toàn bộ khu vực đã bị ‘cắt toàn bộ điện nước’.

Trước mỗi buổi đi cứu trợ, nhóm của anh sẽ họp lại để phân công khu vực phụ trách, sau đó chia ra từng nhóm nhỏ, chuyển hàng cứu trợ lên xe đi đến các khu vực đã được phân công để phân phát, anh Đạt nói.

Hàng cứu trợ được quyên góp từ cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên nước Nhật cũng như được Đại sứ quán Việt Nam gửi xuống. Ở những nơi đường sá bị nứt toác, xe cứu trợ không vào được, các tình nguyện viên sẽ phải tự khuân vác vào, cũng theo lời kể của anh.

Anh Đạt cho hay những người Việt khi gặp được đoàn cứu trợ họ ‘rất mừng giống như kiểu được sống thêm một lần nữa’, còn những người Nhật được giúp đỡ đều ‘cảm ơn rối rít’.

Theo lời anh, đến nay không có người Việt nào thiệt mạng hay bị thương trong trận động đất và hầu hết các nạn nhân bị mất nhà cửa đã chuyển đến nơi trú ẩn an toàn.

Báo cáo của chính quyền tỉnh Ishikawa được Báo Tin Tức của TTXVN trích dẫn hôm 6/1 cho biết hiện chưa có thiệt hại về người trong cộng đồng người Việt Nam tại đây. Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Nguyễn Hồng Sơn, nói với tờ báo này rằng có hơn 5.000 người Việt sinh sống ở tỉnh Ishikawa, trong đó có khoảng 600 người đang làm việc tại các công ty/nhà máy thuộc khu vực bán đảo Noto.

‘Tinh thần vững vàng’

Về tinh thần của người Nhật trước thảm họa, anh Đạt nói ‘vẫn rất vững vàng, không rối loạn’. Tuy nhiên do khu vực này trước giờ không có trận động đất nào mạnh như thế nên ‘có những người trẻ vẫn có cảm giác sợ’. “Nhưng hiện tại mọi người đã lấy lại tinh thần và cuộc sống đã trở lại bình thường rồi”, anh cho biết.

“Tất cả mọi đồ ăn thức uống sẽ được chia đều cho tất cả mọi người và không có tình trạng xô đẩy. Ngay cả người Việt cũng vậy”.

Mô tả những gì anh chứng kiến ở vùng tâm chấn, anh Đạt cho hay ‘đường sá thì nứt toác, nhà cửa nào mới xây thì vẫn còn chắc chắn chứ nhà cửa tầm mấy chục năm đều bị xiêu vẹo’.

Nhóm cứu trợ của anh Đạt mà anh gọi là ‘đội tiên phong’ có khoảng từ 80 đến 90 người Việt sống xung quanh gần vùng động đất, trong đó có từ sinh viên, thực tập sinh, lao động xuất khẩu, kỹ sư, người định cư…, anh nói. Sau khi động đất xảy ra, nhóm của anh đã đi cứu hộ được một tuần lễ và hiện giờ đã rời khỏi khu vực để nhường chỗ cho quân đội vào sửa chữa đường sá.

“Lực lượng quân đội, cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy của nước Nhật dường như đã dồn hết vào vùng động đất”, vẫn lời anh.

Khi được hỏi tại sao bỏ lại gia đình, công việc để đi giúp đỡ các nạn nhân động đất, anh Đạt bày tỏ rằng điều này ‘xuất phát cái tâm của con người’. Anh nói rằng tất cả tình nguyện viên đều sử dụng xe cá nhân của mình hay xe công ty chỗ mình làm để chuyển hàng cứu trợ.

Theo anh Đạt, trong đoàn cứu trợ có đại diện của Đại sứ quán Việt Nam đi cùng và trong những ngày đầu, Đại sứ quán có liên hệ với chính quyền sở tại để họ tạo điều kiện tối đa cho đoàn cứu trợ. Ngoài ra, Đại sứ quán còn cung cấp nhiên liệu cho các xe đi cứu trợ.

Phóng viên TTXVN tại Tokyo cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản hôm 6/1 đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các hội đoàn người Việt thảo luận công tác phối hợp để hỗ trợ cho những người Việt đang bị ảnh hưởng của động đất ở đây.

Sau những thiếu thốn lúc đầu, hiện giờ các nạn nhân vùng động đất ‘đã đủ lương thực, nhu yếu phẩm cho hai tuần lễ’ và hàng viện trợ của chính phủ cũng đã bắt đầu đổ vào ồ ạt, theo lời tình nguyện viên này.

“Đa phần các nạn nhân người Việt đã chuyển vào ở trong khu lánh nạn nên đã an toàn rồi”, anh cho hay.

Tuy nhiên, vùng tâm chấn ‘vẫn còn rất nguy hiểm’, anh nói thêm. Ở đó, các cửa hàng vẫn chưa hoạt động lại được và hàng cứu trợ phải được chính phủ chuyển vào bằng máy bay.

Khi được hỏi về tinh thần ứng phó thiên tai của người Nhật, anh Đạt nói: “Nhật là đất nước hay có động đất, sóng thần nên công việc phòng chống thiên tai của họ được thực hiện rất tốt, rất bài bản và chuyên nghiệp”.

“Người Nhật đã quen với động đất rồi nên tinh thần họ rất mạnh mẽ”, anh nói thêm. “Lúc nào họ cũng trữ thực phẩm khô và thiết bị y tế cá nhân trong nhà để phòng khi cần tới”.

MANG KHÔNG KHÍ TẾT ĐẾN CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI HONG KONG VÀ MACAU

Tết cộng đồng là một trong những hoạt động quan trọng với mong muốn đón bà con về nhà, sum họp, ôn chuyện quê, chuyện cũ, nói chuyện mới, gặp gỡ đồng hương, bạn bè trong không khí Xuân.

Trong không khí ấm áp của những ngày Tết đến Xuân về, tối 10/1, tại Grand Plaza thuộc Khu hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Macau đã tổ chức Tết Cộng đồng chào Xuân Giáp Thìn 2024 nhằm cùng khơi dậy tinh thần Việt, lan tỏa không khí Xuân tới tất cả bà con.

Buổi lễ có sự tham dự của gần 500 khách mời gồm toàn thể cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Hong Kong cùng đông đảo bà con Việt kiều, người Việt đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hong Kong và đại diện của Hiệp hội Người Việt Nam ở nước ngoài tại Macau.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong Phạm Bình Đàm cho biết Tết cộng đồng của những người xa quê luôn là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Tổng lãnh sự quán với mong muốn đón bà con về nhà, sum họp, ôn chuyện quê, chuyện cũ, nói chuyện mới, gặp gỡ đồng hương, bạn bè trong không khí Xuân. Với ý nghĩa ấy, Tết cộng đồng do Tổng lãnh sự quán tổ chức vừa hội tụ vừa lan tỏa tinh thần, tình cảm của những người con đất Việt.

Tổng lãnh sự Phạm Bình Đàm cho biết sau rất nhiều nỗ lực và cố gắng, Hiệp hội người Việt Nam tại Hong Kong đã được thành lập.

Trước đó, tháng 10/2023, Tổng lãnh sự quán đã vận động thành công chính quyền Hong Kong gỡ bỏ hạn chế thị thực, mở đường cho phát triển những nhóm cộng đồng mới.

Tết Cộng đồng năm 2023, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hong Kong đã ra đời, vừa tập hợp sinh viên hiện có, vừa đón làn sóng sinh viên mới. Hiện phần lớn các trường đại học ở Hong Kong đều đưa Việt Nam vào diện ưu tiên tuyển sinh.

Hai trường hàng đầu của Hong Kong là Đại học Hong Kong (HKU) và Đại học Trung Văn Hong Kong (CUHK) đã lập riêng chương trình học bổng cho Việt Nam với số lượng kỷ lục là hơn 120 học bổng.

Việc ra mắt Hiệp hội người Việt Nam ở Hong Kong được xem là bước phát triển mới, trang mới, trong công tác cộng đồng của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong.

Phát biểu nhân dịp hiệp hội ra mắt cộng đồng, luật sư Doãn Quỳnh Linh - Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam ở Hong Kong, cho biết hiệp hội được thành lập nhằm kết nối, đoàn kết và phát triển vì một Cộng đồng người Việt Nam thống nhất, ngày càng tốt đẹp hơn.

Trong thời gian qua, hiệp hội cũng đã tích cực tham gia và hỗ trợ các hoạt động do Tổng lãnh sự quán và các Chi hội trực thuộc tổ chức, như Giải bóng đá giao lưu cộng đồng người Việt Nam ở Hong Kong, hỗ trợ tổ chức sự kiện Lễ kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh Việt Nam, tham gia sự kiện “Giao lưu văn hóa các dân tộc châu Á" tại Hong Kong năm 2023, ủng hộ hơn 120 triệu đồng cho các nạn nhân của vụ cháy chung cư mini tại Thanh Xuân.

Bên cạnh đó, những sinh viên đang sinh sống và học tập tại Hong Kong cũng đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Cộng đồng người Việt Nam tại đây. Nhân dịp này, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hong Kong đã ra mắt Ban Điều hành nhiệm kỳ mới.

Nhân dịp Tết Cộng đồng Chào Xuân Giáp Thìn 2024, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong đã trao giấy khen cho đại diện Việt kiều, cũng như những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hong Kong có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương đất nước.

Thay mặt Cộng đồng người Việt Nam tại Macau, ông Dương Trung Đức - Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam ở nước ngoài tại Macau, hy vọng trong thời gian tới hiệp hội người Việt Nam ở hai đặc khu hành chính Hong Kong và Macau sẽ thường xuyên trao đổi cập nhật thông tin, tăng cường giao lưu văn hóa, thể thao, nghệ thuật để tạo sợi dây gắn kết hơn nữa giữa hai hiệp hội.

Chương trình Chào Xuân Giáp Thìn 2024 không chỉ là dịp để Cộng đồng người Việt tại Hong Kong và Macau được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, mà còn là một món quà đáp ứng tâm tư nguyện vọng của người Việt tại hai đặc khu hành chính này.

Jetstar Úc xin lỗi cộng đồng người Việt vì trò đùa chia rẽ sắc tộc

(Ảnh minh họa).

Hãng hàng không giá rẻ Jestar của Úc hôm 12/1 đã xin lỗi sau khi một trò đùa vô duyên về đồng tiền Việt Nam được đăng lên trang Facebook của hãng, theo báo Úc Bandt.com.au.

Trước đó, trang fanpage của Jetstar Úc trên Facebook đã post một bài có ý chế giễu đùa cợt với giá trị của tiền đồng Việt Nam.

Bài đăng viết: “Xin lỗi nhưng tiền Việt Nam được gọi là Dong thì khách quan là buồn cười” (câu này của hãng muốn hướng người ta đến hàm nghĩa thô tục của từ “dong” trong tiếng lóng Anh ngữ).

Sau đó, hãng còn nhấn mạnh hàm ý châm chọc khi trả lời bài đăng này rằng: “Và một triệu đồng là 65 đô la và về cơ bản tôi có 65 đô la nghĩa là tôi là triệu phú”.

Trước hành động đùa cợt lố bịch này, có hàng ngàn người Việt và cả người Úc đã vào trang fanpage của Jestar thả phẫn nộ và thực hiện khiếu nại chính thức với hãng này.

Các bình luận dưới bài đăng bày tỏ sự bàng hoàng và tức giận trước nỗ lực hài kịch của hãng hàng không.

Sau đó, trang fanpage đã xóa bài post này nhưng không có một hành động xin lỗi chính thức nào với cộng đồng người Việt.

Công đồng người Việt tại Úc đã kêu gọi tẩy chay hãng Jetstar với trò đùa này. Nhiều người cho rằng tiền tệ là bộ mặt của một quốc gia mà mang ra đùa cợt để tăng tương tác là không thể chấp nhận được. Cho thấy bộ phận marketing của hãng Jetstar có khuynh hướng cổ súy cho kỳ thị dân tộc, là điều không được chấp nhận ở một nước đa sắc tộc như Úc.

Chị Sammy Nguyễn ở Melbourne bức xúc cho biết: "Tôi vô cùng thất vọng trước hành động này của hãng. Đó là sự thiếu tôn trọng và thiếu tế nhị đối với người Việt Nam trên toàn thế giới. Việt Nam luôn là người ủng hộ trung thành góp phần vào thành công của hãng thông qua các chuyến bay. Hãy xem lại hệ thống của hãng, quy trách nhiệm cho những người chịu trách nhiệm cung cấp chương trình đào tạo phù hợp để tránh các sự cố truyền thông như vậy trong tương lai".

Trong một bài đăng trên LinkedIn, tài khoản Huy Nguyễn nói rằng đó là một sự miêu tả hạ thấp và coi thường nền văn hóa và nền kinh tế của một quốc gia. Anh viết: “Việc tầm thường hóa tiền tệ của chúng ta, cùng với thái độ coi thường giá trị của nó, phản ánh sự vô cảm về văn hóa sâu sắc mà tôi cảm thấy vô cùng lo ngại”.

Trước phản ứng gay gắt của cộng đồng, Jestar đã đưa ra lời xin lỗi cá nhân tới nhiều người theo dõi trên Facebook của mình.

“Chúng tôi đồng ý rằng bài đăng không phù hợp và kết quả là nó đã bị xóa. Chúng tôi thực sự xin lỗi vì bất kỳ hành vi phạm tội nào đã gây ra”, người phát ngôn của Jestar viết.

“Hãy yên tâm rằng sự việc này không hề liên quan đến quốc tịch hay chủng tộc Việt Nam. Tôi có sự đảm bảo tuyệt đối rằng Jestar sẽ không dung thứ cho sự phân biệt đối xử về sắc tộc, chủng tộc hoặc bất kỳ lý do trái pháp luật nào khác”.

9X lan tỏa văn hóa Việt tại Nhật Bản, khiến người già bản địa bất ngờ

Tham gia lớp học của cô Trà, nhiều người già Nhật Bản không chỉ yêu thích văn hóa Việt mà còn bất ngờ khi biết Việt Nam không còn chiến tranh, đang phát triển nhanh chóng.

Lan tỏa văn hóa Việt

Nguyễn Thị Trà (quê Nghệ An) hiện là điều phối viên quan hệ quốc tế đầu tiên tại thành phố Funabashi, tỉnh Chiba, Nhật Bản. Cô gái sinh năm 1998 mới đảm nhận công việc này từ ngày 24/8/2022.

Thế nhưng, trong sự kiện kỷ niệm 50 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, Trà đã được Chính phủ Nhật Bản vinh danh là một trong 40 gương mặt trẻ tiêu biểu, thế hệ đại diện dẫn dắt tương lai Nhật - Việt.

Vinh dự này đến từ các nỗ lực giới thiệu văn hóa trong vai trò cầu nối Việt – Nhật của cô gái vốn yêu đất nước mặt trời mọc từ khi học phổ thông. Những năm học cấp 3, Trà đặc biệt yêu thích Anime (phim hoạt hình-PV) Nhật Bản.

Nhờ xem Anime, Trà có những ấn tượng đầu tiên về ngôn ngữ, văn hóa, con người Nhật Bản. Cô quyết định học tiếng Nhật với ước mong đến quốc gia này trải nghiệm.

Năm 2018, Trà lần đầu tiên chạm vào ước mơ của mình. Năm đó, cô gái trẻ giành giải đặc biệt của một cuộc thi có kèm phần thưởng là chuyến du lịch kết hợp tham gia giao lưu văn hóa tại Nhật Bản.

Sau đó không lâu, Trà tiếp tục tham gia chương trình du học trao đổi ngắn hạn tại trường đại học Hitotsubashi ở Tokyo. Mỗi lần đến Nhật Bản, Trà đều có những ấn tượng, kỷ niệm khó quên.

Trà kể: “Lần đầu tiên đến Nhật, tôi và chị bạn lên nhầm tàu điện nên đến một nhà ga xa lạ lúc 0h. Không tìm được đường về khách sạn, tôi đến nhờ một phụ nữ và được cô ấy dẫn đến gặp nhân viên nhà ga.

Khi nhân viên nhà ga thông báo tàu về khách sạn nơi chúng tôi đang ở đã chạy chuyến cuối trong ngày, cô ấy dẫn 2 chị em tôi về nhà. Sau đó, cô dùng xe ô tô của mình đưa chúng tôi về khách sạn.

Trong quá trình du học, tôi cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ những người xa lạ như thế. Những điều ấy khiến tôi cảm nhận được sự ấm áp, thân thiện của người Nhật và thêm yêu mến đất nước này”.

Đó cũng là lý do Trà mong muốn được đến đất nước mặt trời mọc để trải nghiệm nhiều hơn. Khi biết Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tuyển dụng điều phối viên quan hệ quốc tế, Trà mạnh dạn nộp hồ sơ.

Tháng 6/2022, Trà nhận được thông báo trúng tuyển. Hai tháng sau, cô tạm biệt gia đình, lên đường sang Nhật nhận nhiệm vụ. Tháng 8 cùng năm, Trà trở thành điều phối viên quan hệ quốc tế đầu tiên tại Funabashi.

Tại Funabashi, nhiệm vụ chính của Trà là trở thành cầu nối Việt – Nhật, tham gia các hoạt động liên quan đến quá trình thúc đẩy giao lưu văn hóa quốc tế tại thành phố. Trà lên ý tưởng, lập kế hoạch và tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản.

Những người hâm mộ bất ngờ

Cô gái trẻ tổ chức các lớp học nấu ăn hương vị Việt Nam, trải nghiệm học hát tiếng Việt, trải nghiệm Tết phong cách Việt... Trong lớp học trải nghiệm tiếng Việt, Trà hướng dẫn người Nhật giới thiệu bản thân và học một số từ vựng hữu dụng khi đi du lịch Việt Nam.

Cô gái không đủ thời gian tổ chức các lớp dạy tiếng Việt quy mô. Thế nhưng, các buổi trải nghiệm tiếng Việt cũng khiến người bản địa thích thú. Ban đầu, các học viên của Trà nhận thấy tiếng Việt rất khó phát âm vì có đến 6 thanh điệu.

Tuy nhiên sau đó, họ nhận ra rằng nhờ các thanh điệu này mà tiếng Việt có sự trầm bổng. Từ đó, người Nhật lý giải được nguyên nhân vì sao người Việt đang nói chuyện bình thường nhưng vẫn có sự trầm bổng như đang hát.

Ngoài ra, buổi trải nghiệm cũng giúp học viên người Nhật nhận ra tiếng Việt có một loại kính ngữ rất đơn giản. Đó là chữ “ạ”. Họ tỏ ra ấn tượng với loại kính ngữ này. Bởi chỉ cần gắn từ “ạ” vào cuối câu, người nói đã thể hiện được sự kính trọng lúc giao tiếp.

Tại thành phố Funabashi, một trong những nhiệm vụ chính của Trà là tổ chức các buổi diễn thuyết, dạy về văn hóa Việt Nam cho người cao tuổi.

Trong các buổi diễn thuyết kéo dài từ 1-2 giờ đồng hồ này, Trà cố gắng quảng bá, giới thiệu phong cảnh, sự phát triển của Việt Nam và các nét văn hóa thú vị của quê hương mình. Hoạt động này thực sự đem đến những thông tin bất ngờ, hấp dẫn cho người tham gia.

Trà chia sẻ: “Đến bây giờ, nhiều người cao tuổi tại Nhật Bản vẫn nghĩ rằng Việt Nam còn đang trong thời chiến. Có người lại nghĩ Việt Nam còn nghèo nàn do hậu quả chiến tranh…

Sau khi tham gia buổi học, xem những video về đất nước, con người Việt Nam… họ đều rất bất ngờ.

Họ trầm trồ trước vẻ đẹp thiên nhiên, thán phục trước sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Thậm chí có những ông bà nói rằng mình rất hâm mộ Việt Nam vì đã đánh thắng các cường quốc trong chiến tranh và xây dựng đất nước từ vô vàn khó khăn”.

Với mong muốn người dân Nhật Bản, Việt Nam hiểu nhau hơn, Trà cũng nỗ lực giới thiệu sự khác nhau trong văn hóa sinh hoạt của hai nước. Trà thông tin việc ở Việt Nam đi xe đạp chở thêm người ngồi phía sau là bình thường, dù ở Nhật đó là hành vi vi phạm luật giao thông.

Thông qua những buổi dạy này, Trà giúp người dân Nhật Bản hiểu rằng khi người Việt có những hành động như trên, thì đó là do sự khác nhau trong văn hóa sinh hoạt của 2 đất nước chứ không phải là một hành động cố tình vi phạm.

Trà tâm sự: “Tất cả công việc của tôi đều nhằm mục đích quảng bá hình ảnh Việt Nam, kết nối người dân hai nước xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn.

Với tư cách là một trong những cầu nối Việt – Nhật, tôi hy vọng mối quan hệ của 2 nước ngày càng bền chặt, phát triển. Ấn tượng của người dân 2 nước về nhau luôn là những hình ảnh tốt đẹp nhất.

Tôi cũng hy vọng trong tương lai, Việt Nam và Nhật Bản sẽ có ngày càng nhiều thành phố kết nghĩa, nhiều dự án chung, nhiều hợp tác và cùng phát triển hơn nữa”.

Nguồn: VOA; Quê Hương Online; Sài Gòn Giải Phóng; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang