Người Việt hải ngoại: Em bé bị tông tử vong ở Nhật; Ngày 8/3 ở Phái bộ UNISFA; Cô gái kiếm triệu đô ở Mỹ; Được cấp nước lại ở Nhật

EM BÉ NGƯỜI VIỆT Ở NHẬT BẢN BỊ XE TÔNG TỬ VONG LÚC 5H30' SÁNG, BỐ NGÃ GỤC KHI THẤY CON TẠI HIỆN TRƯỜNG THƯƠNG TÂM

Khi được phát hiện, đầu em bé đang chảy nhiều máu. Nạn nhân là người Việt, hiện đang sống cùng bố mẹ ở Nhật Bản.

Hãng tin tức NHK News (Nhật Bản) ngày 8/3 đưa tin, sáng sớm cùng ngày, một bé trai hơn 1 tuổi được phát hiện nằm bất tỉnh trên một đường quốc lộ ở thành phố Higashimatsuyama, tỉnh Saitama. Cậu bé tử vong trên đường đi cấp cứu ở bệnh viện. Hiện cảnh sát đang điều tra vụ việc theo hướng một vụ tông xe rồi bỏ chạy dựa trên tình huống tại hiện trường.

Cụ thể, khoảng 5h30' sáng ngày 8/3, một bé trai hơn 1 tuổi, có quốc tịch Việt Nam được phát hiện nằm trên quốc lộ ở Sunada-cho, thành phố Higashimatsuyama, đầu chảy nhiều máu. Cậu bé sống cùng bố mẹ ở ngôi nhà gần hiện trường xảy ra vụ tai nạn. Cậu bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bất tỉnh nhưng sau đó được xác nhận đã tử vong.

Hiện trường là một con đường thẳng, tầm nhìn tốt, mỗi chiều hai làn xe, cách ga Higashimatsuyama trên tuyến Tobu Tojo khoảng 1,5 km về phía Đông Bắc. Theo thông tin cảnh sát cung cấp, cậu bé bị ngã gục ở làn đường gần vỉa hè, và có vài mảnh vụn nhựa nằm rải rác trên đường.

Lúc đó trời có mưa nhẹ nhưng không có tuyết rơi. Dựa trên tình hình tại hiện trường, cảnh sát đang điều tra vụ việc theo hướng vụ va chạm rồi bỏ chạy, cậu bé lao ra đường và bị ô tô tông phải.

Người lái xe chứng kiến cậu bé ngã gục cho biết: "Có một chiếc ô tô phía trước, tôi đạp phanh và đột nhiên có cảm giác như đang tránh thứ gì đó". Tại hiện trường, cha mẹ của cậu bé cho biết con họ đã biến mất khỏi nhà lúc trời rạng sáng.

Một người phụ nữ khoảng 50 tuổi sống cùng khu dân cư cho biết: "Tôi thức dậy vào khoảng 4 giờ sáng khi nghe thấy tiếng trẻ khóc. Khi mở cửa sổ, tôi nghe âm thanh rõ hơn. Khoảng 5h30' sáng, một người đàn ông đến gặp tôi và hỏi: 'Bà có thấy con tôi không?'. Một lúc sau, đột nhiên tôi nghe thấy một tiếng hét và người cha gục xuống trong nước mắt".

Theo điều tra viên, nam tài xế xe tải được cho là đã tông vào cậu bé đã bỏ chạy khỏi hiện trường rồi tự trình báo sự việc với cảnh sát. Cậu bé có thể đã rời nhà một mình vào lúc nửa đêm và bị ô tô tông phải.

Một cụ bà 80 tuổi cho biết bà từng nhìn thấy nạn nhân: "Có lần tôi nhìn thấy cậu bé đi bộ cùng mẹ qua bãi đậu xe của một khu chung cư. Thằng bé đã biết đi và đi rất nhanh. Thằng bé là một đứa trẻ dễ thương".

GIAO LƯU NHÂN NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ TẠI PHÁI BỘ UNISFA

Ngày 7/3, Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei đã tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu với các cơ quan, đơn vị đang làm việc tại Phái bộ và đại diện phụ nữ địa phương nhân Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3.

Tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Việt Hưng, Chỉ huy trưởng Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại Phái bộ UNISFA, Đội trưởng Đội Công binh Việt Nam, đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể chị em phụ nữ đang sinh sống, làm việc tại Abyei.

Tại đây, các nữ quân nhân của Việt Nam đã trao đổi với đại diện phụ nữ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Phái bộ UNISFA các phương án để hỗ trợ về y tế và giáo dục cho phụ nữ địa phương.

Bà Aluel Achuel Kiir, Bộ trưởng Bộ Phúc lợi xã hội, đại diện cho phụ nữ địa phương đã gửi lời cảm ơn đến những quân nhân Việt Nam đã hỗ trợ cho người dân bản địa đặc biệt là phụ nữ và trẻ em thông qua các hoạt động như khám chữa bệnh miễn phí, hướng dẫn trồng nông nghiệp, cung cấp nước sạch, sửa chữa, xây mới các phòng học, chiếu phim hoạt hình cho trẻ em, tặng thực phẩm và các loại văn phòng phẩm ….

Các hành động trên đã góp phần không nhỏ nâng cao đời sống của người dân nơi đây. Trong thời gian tới bà hy vọng các nữ quân nhân Việt Nam và nữ các quân nhân đang công tác tại Phái bộ sẽ tiếp tục đồng hành, giúp đỡ người dân địa phương.

Kết thức buổi gặp mặt, Chi hội Phụ nữ Đội Công binh Việt Nam đã tặng áo phông in quốc kỳ Việt Nam, bình giữ nhiệt và các phần quà khác cho toàn thể đại diện phụ nữ của Phái bộ, địa phương.

Trưa cùng ngày, Chi hội Phụ nữ Đội Công binh Việt Nam đã tổ chức thăm, tặng quà cho các sản phụ tại Bệnh viện Abyei.

Hầu hết trẻ em tại Abyei đều gặp tình trạng thiếu dinh dưỡng do hệ thống y tế kém phát triển, môi trường khắc nghiệt và điều kiện sinh sống vô cùng khó khăn.

Do đó, việc tặng sữa non cho các sản phụ phần nào sẽ giúp các trẻ sơ sinh được tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, kháng viêm và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Lãnh đạo Bệnh viện Abyei rất vui mừng khi Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã hỗ trợ sửa chữa đường vào bệnh viện, tặng thuốc kháng sinh và đặc biệt là tặng sữa non cho các sản phụ, đồng thời gửi lời chúc tốt đẹp đến phụ nữ Việt Nam nói chung và các nữ quân nhân của Việt Nam đang công tác tại Abyei nói riêng nhân Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3.

Chiều ngày 8/3, Đội Công binh Việt Nam cũng tổ chức gặp mặt, tặng quà chúc mừng các nữ quân nhân Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNISFA.

CÔ GÁI GỐC VIỆT TẠI MỸ KIẾM ĐƯỢC TRIỆU USD NHỜ Ý TƯỞNG KINH DOANH ĐỘC LẠ

Jenny Nguyễn đã thành công trên đất Mỹ, kiếm được hơn 1 triệu USD trong 8 tháng nhờ ý tưởng kinh doanh độc đáo, chỉ tập trung vào nữ giới.

Trước năm 2022, The Sports Bra của Jenny Nguyễn, một quán bar - thể thao bình thường, không có gì đặc sắc và khác biệt so với những quán khác cùng loại hình kinh doanh, gặp không ít khó khăn. Đứng trước nguy cơ phải đóng cửa quán bar, Jenny Nguyễn nghĩ rằng cần phải làm gì đó để thay đổi tình hình.

Nhận thức được rằng, so với các quán bar - thể thao khác, quán của cô không có lợi thế, vì vậy muốn nhận được sự chú ý cần phải có điều gì đó khác biệt.

Sau một thời gian dài “lê la” tại các quán bar - thể thao khác, Jenny Nguyễn nhận thấy không có quán nào chiếu các môn thể thao, các trận đấu do vận động viên nữ chơi. Điều này đã đưa cô đến ý tưởng kinh doanh chưa ở đâu có, đó là cải tạo The Sports Bra thành không gian ưu tiên cho nữ giới. Tức là tại quán bar của cô, trên TV chỉ chiếu các trận đấu do các vận động viên và cầu thủ nữ tham gia.

Khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng này, có nhiều người ngăn cản Jenny Nguyễn, cho rằng làm như vậy không những có nguy cơ không thu hút được khách nữ, mà còn có thể mất lượng khách nam.

Tuy nhiên, phương châm của cô là “bạn có thể thất bại và học hỏi từ những thất bại đó, nhưng nếu không làm, chắc chắc bạn sẽ không thành công”.

Cô đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch, đầu tư hết số tiền tiết kiệm cũng như đi vay mượn để cải tạo quán bar và quảng cáo.

Ban đầu, để khách biết đến mình, Jenny Nguyễn đầu tư rất nhiều cho việc quảng cáo, từ phát tờ rơi, mạng xã hội đến trên phương tiện truyền thông. Để thu hút khách, cô đưa ra những món quà hấp dẫn và giá trị cho khách đến trải nghiệm. Chính điều này đã làm cho mọi người tò mò và tìm đến The Sports Bra.

Dần dần, không những Jenny Nguyễn thu hút được lượng lớn khách nữ, mà không ít khách nam cũng tìm đến quán. Họ cho rằng The Sports Bra có dịch vụ tốt, không gian quán bar ấn tượng, giá cả phù hợp. Những môn thể thao dành cho nữ mà quán bar hướng đến thực chất là những trận đấu của các vận động viên nữ và nam giới cũng có thể xem được.

Quán bar của Jenny Nguyễn dần có nguồn khách ổn định và ngày càng tăng. Tính từ tháng 6/2023 đến đầu tháng 3/2024, quán đạt được doanh thu hơn 1 triệu USD.

Nhờ sự kiên trì, nỗ lực, dám nghĩ dám làm, cô gái nhỏ này đã đạt được thành công ngoài sự kỳ vọng của chính bản thân mình.

HƠN 2 THÁNG SAU ĐỘNG ĐẤT, NGƯỜI VIỆT Ở NHẬT VỠ ÒA SUNG SƯỚNG ĐƯỢC CẤP NƯỚC LẠI

Hơn 2 tháng, chỗ chị Hiền sống đã được cấp nước trở lại. Chị vỡ òa sung sướng, cảm giác sảng khoái không gì có thể diễn tả được.

Không còn xếp hàng chờ tới lượt tắm

Khu vực Noto thuộc tỉnh Ishikawa đã ghi nhận 21 chấn động liên tiếp với cường độ từ 4 độ Richter trở lên trong vòng 90 phút. Trong đó, trận động đất mạnh nhất có cường độ 7,6 độ Richter, xảy ra lúc 16 giờ 10 ngày 1.1 (giờ địa phương). Cuộc sống của nhiều người Việt cũng bị ảnh hưởng bởi trận động đất này.

Sau hơn 2 tháng kể từ lúc xảy ra động đất, nhiều nơi ở tỉnh Ishikawa (Nhật Bản) mới có nước trở lại. Người Việt không còn vất vả xếp hàng đi tắm sau giờ làm như trước. Khoảnh khắc chủ nhà báo có nước trở lại, nhiều người sung sướng vì thoát khỏi cảnh đi tắm nhờ giữa trời rét buốt.

Chị Phan Thị Hiền (29 tuổi, quê Hải Dương) hiện đang sống và làm việc ở TP.Wajima (tỉnh Ishikawa). Chị cho biết, sau trận động đất không lâu, nhà chị được cấp điện trở lại nhưng nước mới chỉ có 4 ngày nay. Trước đó, quân đội đóng quân đã chuẩn bị nước cho người dân sử dụng. Mọi người sẽ đến xếp hàng lấy số thứ tự chờ đến lượt để tắm.

"Tôi tích trữ quần áo một tuần sẽ giặt một lần và cũng lấy số thứ tự xếp hàng chờ đến lượt giặt. Tôi đi bộ hơn 1 km để lấy nước sinh hoạt, rửa chén… còn chỗ tắm gần nhà hơn, chỉ phải đi bộ một đoạn", chị nhớ lại.

Người phụ nữ cho rằng, việc không có nước sẵn trong phòng để sử dụng rất bất tiện vì vừa mất thời gian vừa không được dùng thoải mái. May mắn, ông chủ nơi chị làm việc chở những can nước to để mọi người cùng sử dụng. Vì chị ở cùng với 3 người khác nên lượng nước sử dụng mỗi ngày khá lớn. Quân đội cũng khuyến cáo người dân không nên lấy nước sinh hoạt để uống.

"Nghĩ đến cảnh cảnh đi tắm ở chỗ công cộng, nước phải dùng rất tiết kiệm tôi thấy không thoải mái. Giờ có nước trở lại, tôi không phải sống cực khổ như vậy nữa. Giá tiền nước cũng không thay đổi vì đã tính luôn vào tiền nhà, tiền điện nước lúc nhận lương", chị Hiền nói.

"Lúc chưa có nước, nước uống đóng chai từ nguồn cứu trợ hết nên tôi và mấy người cùng phòng bỏ tiền ra mua nước ngoài siêu thị về uống. Trước đây, nếu có nước sẵn trong phòng sẽ lấy để đun sôi lên uống, lúc không có phải chấp nhận tốn tiền đi mua nước", chị Hiền cho hay.

Căn phòng để mọi người đến tắm có diện tích khá bé. Việc xếp hàng cũng mất nhiều thời gian vì lượng người đông. 4 giờ chiều, sau khi tan làm, chị tất tả lấy quần áo đến chỗ tắm vì phòng đó sẽ đóng cửa trước 8 giờ tối.

"Có khi tôi chờ từ 4 rưỡi chiều đến hơn 6 rưỡi mới đến lượt tắm, chờ theo số thứ tự, không ai được nhảy cóc. Sau khi đi làm rất mệt, tôi chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi nhưng vẫn phải mất chờ đến lượt tắm", người phụ nữ chia sẻ và hy vọng chuyện này sẽ không bao giờ gặp lại.

Mong cuộc sống ổn định

Ngay sau khi có nước, chị đã gọi điện về báo cho gia đình, người thân ở Việt Nam để họ không còn lo lắng. Tháng 10.2023, chị Hiền khăn gói sang Nhật làm việc với hy vọng có thu nhập ổn, cuộc sống khấm khá. Trừ một tháng ở nghiệp đoàn học tập, chị Hiền mới chính thức đi làm được khoảng một tháng thì động đất xảy ra. Từ đó đến nay, chị buộc phải nghỉ ở nhà và mới đi làm trở lại cách đây không lâu.

"Ở nhà nếu vay tiền đi xuất khẩu lao động sẽ rất sốt ruột vì tôi xác định sang Nhật kiếm chút vốn về quê làm ăn. Mọi người ở quê cũng mừng khi thấy cuộc sống ổn định dần trở lại", người phụ nữ bày tỏ.

Chị Hiền là một trong số ít người Việt từng mắc kẹt sau trận động đất và được mọi người giúp đỡ.

"Giờ nguy hiểm đã qua nhưng nghĩ lại khoảng thời gian đó tôi không khỏi rùng mình. Còn sống đã là một niềm may mắn nên ngay cả lúc thiếu nước trầm trọng, tôi cũng không dám than vãn nhiều", chị Hiền cho biết.

Anh Nguyễn Văn Dũng (26 tuổi, ở TP.Nanao, thuộc tỉnh Ishikawa) cho hay, chính quyền khắc phục từng vùng đến khi có nước trở lại cho người dân. Vì vậy, những vùng xa hơn có nước trước những khu vực trung tâm. Nhiều nơi dự tính đến hết tháng 4 mới khắc phục toàn bộ.

"Không có nước, nhiều người buộc phải đến nơi công cộng để tắm và lấy về sinh hoạt. Nếu những người có điều kiện hơn còn đi tắm dịch vụ giống các khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Họ có ô tô nên di chuyển cũng thuận lợi, quần áo có thể giặt ở tiệm. Tôi may mắn hơn nhiều người vì cả chỗ ở và chỗ làm có nước trở lại sau trận động đất không lâu", anh cho biết.

Nguồn: Kenh14; Báo Quốc Tế; Vietnamnet; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang