Người Việt hải ngoại: Diễn đàn VGLF 2024 ở Pháp; Nữ quyền trên bàn tiệc kiểu Mỹ; Cuộc đua ở Santa Clara; Lừa đảo qua d払い

DIỄN ĐÀN NGƯỜI VIỆT CÓ TẦM ẢNH HƯỞNG 2024 SẮP DIỄN RA TẠI PHÁP

Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 30 - 31/3 tới tại thủ đô Paris (Pháp). Các chủ đề của Diễn đàn sẽ tập trung vào các câu chuyện cụ thể, mang tính thời sự, thể hiện những mối quan tâm của đất nước trong bối cảnh thế giới hiện thực.

Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 (Vietnam Global Leaders Forum 2024 - VGLF 2024) với chủ đề “Việt Nam - Vươn mình trong biến động” sẽ diễn ra trong hai ngày 30 - 31/3 tới tại thủ đô Paris (Pháp).

Đây là lần thứ hai sự kiện được tổ chức theo sáng kiến của Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), với mong muốn tạo lập mạng lưới những người Việt và gốc Việt thành đạt, có tầm ảnh hưởng trên khắp toàn cầu, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó tập hợp nguồn lực và mang lại những hành động thiết thực cho đất nước.

Ông Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn quy tụ những người Việt Nam thành công, có vị trí công tác tốt, có sự ảnh hưởng và có mong muốn đóng góp nhiệt huyết cho Việt Nam”.

Với những cái nhìn đa chiều, những hành động ngắn và dài hạn, thông qua những dự án cụ thể, tất cả sẽ cùng hiện thực hóa việc đánh thức tiềm lực quốc gia, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ kinh tế, địa chính trị thế giới.

Được tổ chức lần đầu tiên vào mùa Xuân 2019, Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng lần thứ nhất (VGLF 2019) đã diễn ra thành công vang dội với chủ đề “Nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam”.

Sự kiện đã hoàn thành sứ mệnh là đặt nền móng cho quá trình quy tụ tinh hoa và nguồn lực của người Việt trên toàn cầu, cùng hành động vì sự phát triển của thương hiệu Việt Nam.

VGLF 2019 đã thu hút sự tham gia của hơn 200 khách mời danh dự, hơn 20 phái đoàn Việt Nam và quốc tế, đánh dấu sự ra đời của mạng lưới người Việt có tầm ảnh hưởng (Vietnam Global Leaders Networks - VGLN), mang lại những chiến lược và đề xuất ở cấp độ quốc gia cho sự phát triển mang thương hiệu giá trị Việt Nam ra trường quốc tế.

Tiếp nối thành công này, VGLF 2024 dự kiến chào đón 100 người Việt và gốc Việt xuất sắc đến từ hơn 20 quốc gia, có tầm ảnh hưởng toàn cầu trong tất cả các lĩnh vực.

Họ là những người con đất Việt xuất sắc, là chủ nhân các giải thưởng danh giá quốc tế, những thành tích nổi trội làm rạng danh Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều công trình thành tựu đáng khâm phục; các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn tầm cỡ quốc tế; các văn nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội và không ngừng đóng góp cho sự phát triển và tên tuổi của Việt Nam trên trường quốc tế.

Diễn đàn cũng sẽ vinh dự được đón tiếp đại diện của chính phủ, các cơ quan, tổ chức, truyền thông trong nước và quốc tế.

Theo chia sẻ từ đại diện AVSE Global, đơn vị tổ chức VGLF 2024, hành trình mang tên “Việt Nam - Vươn mình trong biến động” sẽ là cơ hội để những người Việt có tầm ảnh hưởng cùng nhau thực hiện sứ mệnh của những người thay đổi cuộc chơi (game changers) cho đất nước, mang đến những ảnh hưởng tích cực cho Việt Nam.

Các chủ đề của VGLF 2024 sẽ tập trung vào các câu chuyện cụ thể, mang tính thời sự, thể hiện những mối quan tâm của đất nước trong bối cảnh thế giới hiện thực.

Với chủ đề “Việt nam - Vươn mình trong biến động”, Diễn đàn nhằm trả lời 3 câu hỏi lớn: Làm sao để kết nối nguồn lực đa dạng và mạnh mẽ của người Việt trên toàn cầu, đồng thời thúc đẩy tiềm lực và sự phát triển từ trong và ngoài nước? Làm sao để nâng tầm vị thế Việt Nam so với thế giới thông qua những định hướng đúng đắn được tiếp thu và gắn kết từ những cái nhìn đa chiều từ trong nước và quốc tế? Làm thế nào để sử dụng những chìa khóa của những thành công đã được đúc kết hoặc tiên phong để đưa Việt Nam bứt phá?

VGLF 2024 cũng sẽ là nơi hợp tác và kết nối giữa những tinh hoa, tài năng và tinh thần dân tộc, từ đó lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ tới những người con Việt Nam, những ai theo dõi hành trình này, và cùng khơi dậy sự đồng lòng gắn kết vì một Việt Nam vươn mình trong biến động.

AVSE Global hy vọng với sứ mệnh và tầm nhìn của chương trình năm nay, thành công của Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 sẽ là bước bản lề trong chiến lược quốc gia dài hạn nhằm thu hút và kết nối nhân tài người Việt và người nước ngoài trên khắp thế giới, đưa Việt Nam vững bước trên con đường phát triển nền kinh tế tri thức, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

NỮ QUYỀN VIỆT TRÊN BÀN TIỆC KIỂU MỸ

Cô gái cầm đũa ngồi bên chiếc bàn bày đồ ăn kiểu Mỹ - một sắp đặt ẩn dụ cho sự va quệt văn hóa Đông Tây là cách mà Juliet - ca sĩ, nhạc sĩ trẻ người Việt (hiện sống tại New York, Mỹ) đưa ra danh tính đậm đặc sắc thái nữ quyền của mình, ở nơi cô đang tích cực hội nhập nhưng vẫn nhất quyết bảo toàn bản sắc Việt.

Juliet (tên thật là Diễm Quỳnh) bắt đầu viết bài hát đầu tiên của mình năm 14 tuổi (2014). Năm 15 tuổi, cô gái sinh năm 2000 này rời Hà Nội đến Mỹ, nơi cô tận mắt chứng kiến hấp lực của văn hóa phương Tây và cái gọi là "giấc mơ Mỹ" trong tâm trí những người trẻ lãng mạn.

Vừa theo học ngành thiết kế đồ họa tại Savannah College of Art and Design, cô vừa say mê sáng tác nhạc và nhanh chóng điểm mặt tại các tụ điểm biểu diễn nhỏ của New York cùng cộng đồng Indie của mình và trên kênh nghe nhạc trực tuyến Spotify với hơn 30.000 người nghe hàng tháng cho các bản phát hành trong năm 2023.

Cùng năm, đĩa đơn Good Luck in Chicago đã đưa cô lên trang bìa danh sách phát Fresh Finds Vietnam của Spotify và một vị trí trong Equal Global cùng cơ hội hợp tác với thương hiệu thời trang nổi tiếng Brandy Melville...

Là một "con mọt sách", Juliet thường lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học hay hội họa nổi tiếng, từ đó rút ra những tứ truyện đan xen với trải nghiệm của chính cô, làm mờ đi ranh giới giữa hiện thực và hư cấu. American Child, chẳng hạn, chính là được gợi hứng từ cuốn The Great Gatsby của F Scott Fitzgerald, nói về sự vỡ mộng với giấc mơ Mỹ thể hiện trong văn hóa hẹn hò hiện đại: nó quá nhanh, quá nhiều và vô nghĩa.

Để nhấn mạnh thông điệp, Juliet sử dụng một chiếc gối ôm được hóa trang thành người bạn đời vô cảm. Một bàn ăn bày đầy đồ ăn Mỹ như một phép ẩn dụ cho xã hội Mỹ, và cô gái cầm đũa để biểu thị bản sắc châu Á của cô ấy, sự khác biệt và vị trí khó xử của cô ấy trong xã hội này.

Cô gái Việt “đòi lại” những căn phòng thuộc địa

Được ảnh hưởng từ các nhạc sĩ tự sự như Billy Joel và Taylor Swift, cô tìm cách trình bày quan điểm của mình về thế giới thông qua những chi tiết nhỏ trong cuộc sống: cách chúng ta đi bộ về nhà, những lời nói dối chúng ta nói, những thói quen chúng ta bám vào, sự nhầm lẫn mà chúng ta có thể mắc phải...

Là một nhà thiết kế hình ảnh, Juliet thường đồng thời là giám đốc sáng tạo trong các video âm nhạc của mình. Tác phẩm mới nhất của cô, I know it all là một video hoạt hình bằng tay bao gồm hơn 200 khuôn hình Juliet tự vẽ trong vòng 2 tuần.

I know it all mô tả sự kết thúc của một mối quan hệ tồi tệ, nơi nhiều phụ nữ bị mắc kẹt và không dễ gì rời bỏ vì bị đè nặng bởi những tư tưởng gia trưởng về vai trò người phụ nữ, nghĩa vụ và sự hy sinh, cũng như mặc cảm của một người phụ nữ bị bỏ rơi. Juliet viết với niềm hy vọng rằng một ngày nào đó, các nhân vật trong câu chuyện của cô sẽ có đủ can đảm và cơ hội để ra đi.

Last Time in New York được gợi hứng từ những bức tranh nổi tiếng của Henri Matisse, mô tả những người phụ nữ xinh đẹp bên trong những căn phòng đẹp, thực chất là những gái mại dâm đến từ các thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi. Là một nghệ sĩ đến từ một đất nước cũng từng là thuộc địa của Pháp, Juliet bắt đầu hành trình "đòi lại" những căn phòng này.

Video tập trung vào thiết kế nội thất của Matisse, nhưng được Juliet lấp đầy bằng những vật dụng vốn từng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người Việt: bức tường vẽ bậy, cuốn lịch, Tạp chí Văn Nghệ, chiếc ti vi những năm 1980...

Mới nhất, vào ngày 14.3 tới, Juliet sẽ cho ra mắt đĩa đơn Any other way. Video sẽ đưa ra một cảnh tượng vừa thân quen vừa xa lạ: một cô gái bày hàng ăn Việt - ghế nhựa, mâm nhôm - để ăn cơm Tây giữa ga tàu điện ngầm ở New York. Một ẩn dụ nhằm giúp khán giả thấu hiểu cảm giác lạc lõng của nhiều người Việt xa xứ, muốn hòa nhập với xã hội Mỹ nhưng luôn tìm kiếm những thứ chỉ có ở quê nhà.

"Tôi thích lồng ghép các cốt truyện vào các bài hát của mình: mỗi bài hát tự nó là một cuốn tiểu thuyết nhỏ, với các nhân vật, bối cảnh, cao trào, và những bài học kinh nghiệm. Nhưng sách vở chỉ là một phần nhỏ tạo nên cảm hứng âm nhạc của tôi ngày nay. Gần đây, tôi hay viết về nước Mỹ và về bản thân mình.

Tôi đến Mỹ năm 15 tuổi. Không có cú sốc văn hóa nào nhưng có rất nhiều điều phải học. Năm đó là năm 2016, các bạn cùng trường của tôi đang thảo luận về cuộc bầu cử tổng thống. Đây là bài học đầu tiên của tôi về cách đọc suy nghĩ của người Mỹ. Người Mỹ nhìn nhận phái nữ thế nào? Người Mỹ nhìn nhận phụ nữ châu Á ra sao?

Họ nghĩ tôi có vai trò gì trong xã hội của họ?... Trong âm nhạc của mình, tôi nói về việc coi sự vô cảm là lẽ thường tình (Nice kiss), đầu tư tình cảm vào một ai đó rất hời hợt với mình (American child), vỡ mộng khi nhận ra mình không hề quan trọng trong mắt người khác (Last time in New York). Trong khi những điều này được viết từ quan điểm lãng mạn, nó là phép ẩn dụ về những người phụ nữ châu Á đầu tư phần đời còn lại của mình vào một thế giới phương Tây ít nhiều coi nhẹ sức lao động của người phụ nữ châu Á.

Tôi tin rằng bản sắc phụ nữ Việt Nam không nên bị ràng buộc bởi bất kỳ giới hạn nào, nhất là giới hạn trong nhận thức văn hóa của phương Tây. Định nghĩa về nữ tính là do mỗi người phụ nữ tự quyết định. Tôi tin rằng sự đa dạng và tự do biểu đạt là cách chúng ta sẽ thoát khỏi định kiến giới".

PHỤ NỮ MỸ GỐC VIỆT DẪN ĐẦU CUỘC ĐUA LỊCH SỬ VÀO VỊ TRÍ GIÁM SÁT VIÊN QUẬN SANTA CLARA

Trong cuộc đua giành chức giám sát viên Quận Santa Clara, hai phụ nữ Mỹ gốc Việt đang dẫn đầu cho chiếc ghế mở. Nếu thắng, họ sẽ là người Mỹ gốc Việt đầu tiên phục vụ trong Ban Giám sát thành phố.

Madison Nguyễn và Betty Dương đang đánh dấu một cuộc đua lịch sử cho cộng đồng người Việt khi họ chạy đua cho chiếc ghế giám sát ở California. Cuộc đua nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của người Mỹ gốc Việt trong chính trị địa phương, trong bố cảnh quận Santa Clara có cộng đồng người Việt lớn thứ hai trên thế giới.

Tính đến ngày 5/3, Nguyễn được cho là dẫn đầu với 31,4% phiếu bầu, trong khi Dương theo sát ở vị trí thứ hai với 28,8%. Kết quả ban đầu cũng cho thấy Corina Herrera-Loera đứng thứ ba với 23,6%, tiếp theo là Nelson McElmurry với 10,6% và Jennifer Celaya với 5,4%. Tỷ lệ cử tri đi bầu là khoảng 17,8%, với kỳ vọng đạt 35% đến 45% trong cuộc bầu cử sơ bộ này.

Madison Nguyễn từng là phó thị trưởng San Jose và là thành viên người Mỹ gốc Việt đầu tiên của Hội đồng Thành phố San Jose. Nguyễn hiện là phó chủ tịch điều hành của công ty tiếp thị AsianNet Media, cũng đã từng giữ các vị trí điều hành tại tổ chức phi lợi nhuận Hunger at Home và Phòng Thương mại San Jose.

Nguyễn nói với tờ San José Spotlight rằng: “Bất kể kết quả thế nào, nhóm của chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ. Nền tảng của chúng tôi xoay quanh trách nhiệm giải trình thực sự đã gây được tiếng vang với cử tri và tôi hy vọng điều đó sẽ thể hiện qua kết quả".

Trong khi đó, Betty Dương, chánh văn phòng của Giám sát viên Cindy Chavez, nhấn mạnh cam kết của cô ấy đối với vai trò lãnh đạo cơ sở và phục vụ cộng đồng sâu rộng. Đóng vai trò chủ chốt trong việc lãnh đạo dự án Trung tâm Dịch vụ Người Mỹ gốc Việt và là cố vấn đặc biệt cho Dự án Quyền của Người lao động Người Mỹ gốc Việt tại Cơ quan Hỗ trợ Pháp lý tại Nơi làm việc, Dương cũng từng là nhân viên thông tin công cộng của Trung tâm Điều hành Khẩn cấp Quận Santa Clara trong đại dịch COVID-19 và góp phần thành lập dự án dịch vụ tiếp cận ngôn ngữ đầu tiên của quận. Dương nói với San José Spotlight: “Tôi coi đêm nay là một chiến thắng".

THÊM 2 NGƯỜI VIỆT BỊ BẮT VÌ LỪA ĐẢO QUA D払い

2 người Việt Nam đã bị bắt vì thực hiện các khoản thanh toán giả nhiều lần bằng cách sử dụng “d払い”. Cảnh sát nghi ngờ thiệt hại họ gây ra có thể lên đến 600.000 yên (khoảng 100 triệu đồng). Cảnh sát bắt 2 người này vì tình nghi họ lừa đảo tiền mặt của người dân bằng cách thanh toán không dùng tiền mặt trên điện thoại có nguồn gốc bất minh.

Các nghi phạm bị bắt giữ là 2 công dân Việt Nam có tên là Đặng Văn Đoàn (?) (27 tuổi) và Lê Đức Long (?) (29 tuổi).

Nghi phạm Đoàn và Long liên tục thực hiện các khoản thanh toán giả bằng chức năng thanh toán không dùng tiền mặt “d払い”trên điện thoại lấy được bất hợp pháp tại cửa hàng thực phẩm Việt Nam nơi nghi phạm Long làm việc. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, những người này thu về khoản tiền khoảng 600.000 yên, sau đó chuyển sang tiền mặt.

Theo cảnh sát, Đoàn đã sử dụng mạng xã hội để hướng dẫn Long phạm tội.

Hiện tại, cả 2 người vẫn giữ im lặng trước cuộc điều tra của cảnh sát. Năm ngoái, Đoàn đã bị bắt và bị buộc tội lừa đảo tiền mặt bằng phương pháp tương tự. Cảnh sát cũng đang điều tra vụ án này vì nghi ngờ rằng Đoàn có thể có liên quan với tư cách là người chủ mưu và hướng dẫn người khác phạm tội.

Nguồn: Quê Hương Online; Thanh Niên; Dân Trí; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang