Người Việt hải ngoại: Đùm bọc nhau trong thiên tai; Sống trong trường học, chia từng chiếc bánh ở Nhật; Mở chợ Việt ở Bỉ

Người Việt đùm bọc nhau trong thiên tai ở Nhật

(Ảnh minh họa).

Ba ngày sau trận động đất hôm 1-1-2024 tại thành phố Suzu trên bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa (Nhật Bản), đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật đã tới được khu vực tâm chấn để chia sẻ với chính quyền sở tại và thăm hỏi bà con người Việt ở đây.

Tinh thần sẻ chia đồng bào

Lúc này, các con đường đã bị hư hỏng khá nặng nên đoàn không thể tiếp cận khu vực trung tâm nơi xảy ra động đất mạnh 7,6 độ. Chỉ có xe của Cơ quan phòng vệ Nhật Bản và các thiết bị cứu hộ chuyên dụng đang khẩn trương triển khai các công tác cứu hộ cứu nạn và khôi phục hạ tầng tại đây.

Theo chính quyền Ishikawa, trong số khoảng 5.000 người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập tại đây, có khoảng 600 người ở bán đảo Noto - tâm chấn của trận động đất lớn vừa qua. Thống kê đến 15h ngày 4-1 cho thấy đã có 80.906 căn nhà bị hư hại, 12 cơ sở xử lý rác và nước bẩn đã bị phá hỏng mà chưa biết khi nào có thể khôi phục.

Động đất cũng làm hỏng các đường ống dẫn nước nên nhu cầu về nước sạch sinh hoạt đang rất cấp thiết tại các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã nối lại hoạt động và cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết. Số trạm xăng hoạt động ổn định lại cũng đã tăng từ 38 lên 73 trạm.

Các nhóm thiện nguyện người Việt đã mau chóng tổ chức vận chuyển nhu yếu phẩm tới hỗ trợ đồng bào ở vùng tâm chấn. Tại đây, tình nguyện viên người Việt đang thành lập các nhóm phân phát với mỗi nhóm có từ 15 - 20 thành viên. Những nhóm này sẽ tiếp tục làm việc với các nghiệp đoàn để có nơi tập kết hàng hóa cứu trợ ở gần khu vực xảy ra thiên tai, giúp nhu yếu phẩm được phân phát nhanh nhất, hiệu quả nhất đến đồng bào.

Tại tỉnh Niigata, theo báo cáo nhanh, cộng đồng người Việt ở đây tuy không có tổn thất lớn về người nhưng thiệt hại nhiều về tài sản. Một số người bị thương nhẹ song may mắn không đe dọa tính mạng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đại sứ quán Việt Nam và Tổng lãnh sự quán tại Osaka (Nhật Bản), các nhà hảo tâm từ Osaka đã chuẩn bị 600 suất quà, vật dụng cần thiết trong ngày 6-1. Ngoài ra, các tổ chức thiện nguyện vẫn đang tiếp tục kêu gọi đóng góp để chuẩn bị cứu trợ thêm sau các dư chấn.

Đại diện Hội người Việt tại tỉnh Saitama đã ủng hộ 2.000.000 yen (gần 14.000 USD) để khắc phục thiệt hại về trang thiết bị và hạ tầng sinh hoạt sau động đất. Hội phật tử tại Nhật Bản dự kiến sẽ phát tâm ủng hộ cộng đồng người Việt bằng hiện kim thiết thực nhất.

Trong thời gian tới, một ban điều phối thông tin của người Việt cũng sẽ được thành lập để kết nối hỗ trợ, xây dựng bản đồ cộng đồng gặp khó khăn tại tâm chấn, duy trì mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên để tiếp tục giúp đỡ đồng bào.

Hiệu quả từ hệ thống cảnh báo sớm

Trận động đất này có cường độ mạnh thứ hai sau trận động đất - sóng thần năm 2011, nhưng thật may khi số thương vong về người không quá lớn. Điều này một phần nhờ vào hệ thống cảnh báo sớm đã được kích hoạt rất nhanh chóng và kịp thời, cập nhật liên tục theo thời gian thực tới người dân.

Theo thạc sĩ - kỹ sư xây dựng và môi trường Nguyễn Hoài Thanh tại Tokyo (Nhật Bản), chính nhờ có hệ thống cảnh báo sớm động đất từng giây từng phút nên mọi người có thể tránh được thảm họa và hành động ngay lập tức. Ví dụ cảnh báo bằng tin nhắn điện thoại đến trước, khoảng 1-2 phút sau mới có động đất nên người dân có sự chủ động.

Hệ thống cảnh báo sớm động đất sử dụng máy đo địa chấn và máy đo cường độ địa chấn của Cơ quan khí tượng Nhật Bản tại khoảng 690 địa điểm trên toàn quốc. Cùng với đó là mạng lưới quan sát động đất (khoảng 1.000 điểm trên toàn quốc) của Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc gia, Viện Nghiên cứu quốc gia về khoa học Trái đất và phòng chống thiên tai.

Bằng cách sử dụng dữ liệu từ nhiều điểm quan sát, hệ thống có thể nhanh chóng phát hiện khi xảy ra động đất. Ngoài ra, các cơ sở lánh nạn an toàn khi thiên tai xảy ra luôn có ở khắp nơi, tại các cơ quan cộng đồng như trường học, trung tâm y tế... Từ đó giúp việc sơ tán được triển khai nhanh nhất và giúp nhiều người có thể tiếp cận nhất, qua đó giảm thiệt hại về người và tài sản.

Dù giảm được thương vong về người nhưng các doanh nghiệp địa phương vẫn đã bị ảnh hưởng nặng nề về cơ sở vật chất, nhất là các nhà máy sản xuất, chế tạo.

Công ty sản xuất chất bán dẫn Kaga Toshiba Electronics ở thành phố Nomi cho biết đường ống cung cấp, xả thải không khí để đưa vào phòng sạch tuyệt trùng để sản xuất vi mạch của họ đã bị hư hỏng nặng và đang được ưu tiên sửa chữa. Đồng thời họ cũng đang gấp rút kiểm tra, đánh giá lại tình trạng của thiết bị. Việc khôi phục một số quy trình sản xuất đang được tiến hành với mục tiêu đưa nhà máy hoạt động trở lại vào ngày 10-1 tới.

Người Việt sau động đất ở Nhật: Sống trong trường học, chia từng chiếc bánh

Sau trận động đất, nhóm của Phương lánh nạn trong một ngôi trường tiểu học. Nơi đây, có khoảng 700 người dân địa phương đến tá túc.

12 tiếng vừa lái xe vừa run

Bán đảo Noto của tỉnh Ishikawa, Nhật Bản chịu thiệt hại nặng nề sau trận động đất 7,6 độ chiều 1/1.

Ngôi nhà sát biển nơi Thu Phương (25 tuổi, quê Hải Dương) cùng 10 lao động người Việt sinh sống vì thế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Gần một tuần qua, cả nhóm của Phương phải ở tạm trong một ngôi trường tiểu học. Nơi đây còn có khoảng 700 người dân địa phương đến tá túc trong thời gian chờ chính quyền khắc phục hậu quả sau động đất.

Do hệ thống giao thông bị sụt lún, đứt gãy nhiều chỗ nên khu vực nơi Phương sinh sống gần như bị cô lập.

Phương cùng nhiều người không có nước ăn uống, sinh hoạt, điện dùng tiết kiệm qua hệ thống sạc. Hai ngày đầu, các lực lượng cứu hộ gặp khó khi tiếp cận hỗ trợ người dân mắc kẹt.

"Mỗi người không kể người Nhật Bản hay lao động nước ngoài được phát nửa miếng bánh mỳ, một nắm cơm và chút canh. Đó là lương thực cho cả ngày. Chúng tôi biết đó là những nỗ lực tốt nhất có thể của chính quyền địa phương trong điều kiện khó khăn sau động đất nên rất trân trọng.

Chúng tôi cảm thấy rất xúc động và biết ơn khi được chính quyền sở tại quan tâm, hỗ trợ về nơi ở, đồ ăn thức uống trong giai đoạn khó khăn này", Thu Phương nói.

Thu Phương tham gia một hội nhóm tập hợp những người Việt ở tỉnh Ishikawa. Cô gái trẻ liền nghĩ ra cách kêu gọi sự trợ giúp từ những đồng hương.

Cô lập tức nhận được các tin nhắn hỏi han, động viên. Một nhóm thiện nguyện sau đó đã không quản ngại xa xôi tiếp cận được vùng bị cô lập này.

Nhóm thiện nguyện ấy là của Nguyễn Phi Trường (30 tuổi), Phạm Thành Luân (25 tuổi) cùng nhiều đồng hương người Việt khác.

Trường cho biết, vùng anh sinh sống cũng thuộc tỉnh Ishikawa nhưng cách xa Noto vì vậy không chịu nhiều thiệt hại.

Ngay khi biết nhóm của Thu Phương gặp khó khăn tại tâm chấn, thiếu đồ ăn, nước uống, anh cùng một số người bạn đã tập hợp, lên phương án hỗ trợ. Họ mua mỳ tôm, bánh, nước uống.

Quãng đường từ nơi anh sinh sống đến Noto chỉ khoảng 70km, thông thường thời gian di chuyển hơn một tiếng. Tuy nhiên, ngày 4/1, họ phải di chuyển 12 tiếng mới đến được nơi 11 đồng hương người Việt đang lánh nạn.

"Con đường chính dẫn đến Noto bị sụt lún, chúng tôi buộc phải đi đường vòng, xuyên qua rừng, qua núi, các con đường nhỏ hẹp. Nhiều đoạn tưởng đi được nhưng rồi lại phải vòng ngược lại. 12h trưa xuất phát thì đến 12h đêm mới tới nơi", anh Trường kể.

Thành Luân thì cho biết, đường đi khá nguy hiểm. Nhưng nghĩ đến đồng hương của mình đang thiếu đồ ăn nước uống, cả nhóm lại tìm cách.

"Trên đường đi, mạng internet bị ảnh hưởng, nhiều điểm không thể tra cứu bản đồ. Ngoài kết nối với các tài xế, chúng tôi cũng tự dò đường. Mỗi anh em đều ở Nhật Bản 5-6 năm rồi nên cũng biết chút ít về địa hình", Thành Luân kể.

Theo anh Trường, nhiều đoạn đường khiến họ thót tim vì khi đi qua, quay lại đã thấy hiện tượng sụt lún chia cắt con đường làm đôi. Các trận dư chấn thi thoảng lại xuất hiện nên những đoạn đường họ đi qua có thể sụt lở bất cứ lúc nào.

12h đêm, họ mới đến được trường tiểu học. Cả nhóm "vỡ òa" vì vượt qua được những đoạn đường khó khăn, nguy hiểm nhiều lúc tưởng phải quay đầu.

Ám ảnh tiếng hét "sóng thần đến"

Nhiều nhóm người Việt cũng muốn tiếp cận bán đảo Noto. Tuy nhiên, vì giao thông cách trở nên họ không có cách nào khác đem đồ tiếp tế đến. Nhóm của Trường và Luân là nhóm đầu tiên vận chuyển đồ đạc bằng ô tô vào đến tâm chấn.

"Hôm 4/1 có máy bay mang theo cơm và bánh kẹo tiếp cận khu lánh nạn của tôi. Mọi người vì thế có thêm chút nước uống và được ăn 2 nắm cơm/ngày. Đêm 4/1, khi thấy đồng hương không quản nguy hiểm mang đồ tiếp tế đến, chúng tôi xúc động muốn khóc", Đỗ Thu - đồng nghiệp của Thu Phương - chia sẻ.

Thu Phương cũng cho biết, sau khi nhận được đồ tiếp tế, cô giữ lại một phần cho nhóm của mình, phần còn lại, cô chia sẻ cho những người Nhật đang tá túc tại đây.

Nhóm của Phương sau đó còn nhận được nhiều tin nhắn ngỏ ý muốn hỗ trợ của các đồng hương và phía đại điện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Tuy nhiên, họ từ chối vì muốn dành các phần quà cứu trợ cho người khác.

Những lao động xa xứ như Phương hay Thu không chỉ đối mặt với những khó khăn về vấn đề ăn, ở sau động đất. Họ còn luôn canh cánh nỗi lo tai họa thiên nhiên lại ập đến.

Phương kể, chiều 1/1, cô đi dạo dọc đường bờ biển. Khi động đất xảy ra, nền đất rung rầm rầm và đường nứt vỡ dưới chân. Cô chỉ biết bám vào lan can giữ thăng bằng sau đó chạy ngược hướng chim bay để tìm nơi trú ẩn. Nhưng chưa kịp hoàn hồn thì cô nghe một người Nhật hét lên "sóng thần tới".

Phương bủn rủn chân tay, quay lại đã thấy những con sóng vượt vào bờ. Cô co chân chạy nhanh nhất có thể rồi cầu cứu sự trợ giúp của một người đàn ông Nhật Bản. Người này lao về nhà kéo vợ con lên ô tô rồi lái xe lên núi tránh sóng. Phương may mắn được ngồi trên chuyến xe tháo chạy.

Cô gái Việt sau được biết, đó chỉ là những đợt sóng biển cao tới tấp ảnh hưởng do rung chấn. Tuy nhiên, do lo sợ nguy cơ sóng thần nên mọi người đã hô cảnh báo.

Trải qua ám ảnh như "ngày tận thế", Phương vẫn chưa thôi sợ hãi. Công ty chịu thiệt hại nặng nề sau động đất chưa biết khi nào mới khắc phục được.

Vì thế, Phương, Thu và nhiều lao động người Việt khác đang từng ngày mong chờ cuộc sống nơi đây sớm bình yên trở lại để có thể đi làm, kiếm tiền phụ giúp gia đình ở quê hương khi cái Tết đang cận kề.

Người mở chợ Việt ở Bỉ

(Ảnh minh họa).

Đầu năm, người ta bắt đầu lên Chợ Việt vườn Việt bếp Việt ở Bỉ chúc tết và cảm ơn admin (quản trị viên) đã tạo ra nơi “họp chợ buôn chuyện ra tiền ra việc”. Tôi chợt nghĩ, phải là người có kiến thức và cảm hứng về kế toán tài chính mới mở được “chợ”, dựng được vườn ở nơi xa xứ như thế chứ.

Một cái chợ online thôi nhưng quản lý thế nào cho ra được tin hay, việc tốt gắn kết đồng hương? Bà con xa xứ bây giờ tỉnh lắm, đâu ai rảnh mà buôn chuyện linh tinh, dù nó cũng vui. Phải lên hỏi chuyện hòa nhập xã hội bên này ra sao, ai có tài liệu học lái xe cho mượn với, đằng nọ chỗ kia đang cần người làm đấy, tiêu chuẩn xin quốc tịch, học tiếng địa phương kiểu gì cho nhanh, chuyện con cái sau ly hôn làm thế nào... Đấy, chuyện hữu ích ấy người ta mới chịu tương tác.

Hỏi ra thì đúng Lê Thị Mai đang làm kế toán, nhưng việc cô lập ra cái chợ đặc biệt này có ý sâu hơn. Tháng 3-2018, Mai sang Bỉ định cư. Năm đầu rất bức bối vì không thạo tiếng Hà Lan, thông tin nọ thủ tục kia nhiều khi hỏi chồng hoặc gia đình chồng là người bản xứ cũng không biết. Covid-19 bùng phát, Mai phải học online, mò mẫm rồi mới vỡ ra nếu mình có thông tin chuẩn ngay từ đầu đã rút ngắn được quá trình học tiếng và hòa nhập, đã tìm được việc làm nhanh hơn rồi.

Nhiều đồng hương cũng trong tình trạng tương tự. “Tôi lập trang Vườn Việt chợ Việt bếp Việt ở Bỉ khoảng tháng 3-2020 để mọi người có nơi trao đổi, chia sẻ thông tin”, Mai chia sẻ. Giai đoạn đầu, Mai phải dành nhiều thời gian kết nối, tăng tương tác hiệu quả bằng cách trả lời cho người kiều bào, cung cấp nguồn tin chính thống, kết nối người hỏi với người đang nắm thông tin hoặc có kinh nghiệm tốt hơn để trả lời...

Cứ thế, từ khoảng 200 người ban đầu nay đã lên 2.100 thành viên tham gia diễn đàn. Lê Thị Mai hiện là nhân viên kế toán của EuroNav, một trong những công ty vận tải dầu thô lớn nhất của Bỉ. Cô đã có kinh nghiệm kế toán tổng hợp cho các doanh nghiệp lớn và công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng quá trình Mai tìm việc ở Bỉ, thậm chí nỗ lực phấn đấu để được làm đúng chức năng, kinh nghiệm kế toán cũng là tình cảnh loay hoay chung trong những ngày đầu xa xứ của nhiều đồng hương.

Mai kể: “Một nhân viên kế toán bình thường có thể không cần giỏi giao tiếp cả 3 ngôn ngữ. Nhưng tôi từng ở vị trí kế toán tổng hợp rồi, muốn kiếm việc tương đương ở Bỉ đòi hỏi rất cao, cần đáp ứng ba tiêu chuẩn: biết 3 thứ tiếng Anh - Pháp - Hà Lan, có bằng lái xe, có kinh nghiệm hoặc kiến thức kế toán ở Bỉ”. Kế toán có thể dễ tìm việc nhất ở Bỉ, nhưng lại là nghề đặc thù, phải có hiểu biết về luật thuế, quy định hạch toán kế toán của nước sở tại. Cho nên Mai bắt buộc vẫn phải theo khóa đào tạo lại.

“Tôi phải dành năm đầu tiên học tiếng Hà Lan, học và thi bằng lái xe mất nửa năm, nửa năm tiếp theo học hội nhập, học tiếng Hà Lan nâng cao trong trường đại học. Sau đó là một năm rưỡi học nghề đào tạo kế toán tại Trung tâm Đào tạo nghề VDAB. Riêng việc học về thủ tục hành chính đã mất 6 tháng, đều là kiến thức rất thực tế như làm báo giá, viết thư đòi nợ, kỹ năng máy tính chuyên ngành tiếng Hà Lan, nghe và trả lời điện thoại, học viết thư và làm hồ sơ ứng tuyển, cách trả lời phỏng vấn... Xong lý thuyết mới chuyển sang 10 tháng học nghề ở hai doanh nghiệp và được VDAB trả trợ cấp học việc tương đương 60% lương. Cũng mất 3 năm mò mẫm như vậy đấy”, Mai nhớ lại.

Quá trình tìm chỗ làm đúng năng lực của mình vẫn đòi hỏi nhiều nỗ lực nữa, đặc biệt là khả năng giao tiếp. Người nhập cư khi đi làm có quyền được yêu cầu cho theo các khóa logopedie (luyện âm). Và còn xa lắm để vươn tới cái đích một chuyên viên kế toán có kỹ năng giao tiếp hoàn hảo. Mai đang bước vào giai đoạn thứ hai này, gian nan, nhưng ít ra cô đã biết cách đi thế nào cho đúng. Diễn đàn Chợ Việt vườn Việt bếp Việt ở Bỉ sắp tròn 4 năm thành lập. Rồi cũng phải sang giai đoạn hoạt động mới, như tâm sự của chính admin: “Tôi muốn đầu tư vào một diễn đàn chuyên sâu hơn về đời sống pháp luật - văn hóa tại Bỉ để giúp đồng hương cùng hòa nhập, sống tốt hơn trong cộng đồng và hữu ích cho xã hội”.

Nguồn: Tuổi Trẻ; Dân Trí; Sài Gòn Giải Phóng

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang