Người Việt hải ngoại: DHS đón Tết sớm; Thất vọng với Tết ở Úc; Lập hội tri thức ở Đan Mạch; Hành trình sơ tán tại Ukraine

DU HỌC SINH VIỆT RỘN RÀNG ĐÓN TẾT SỚM

(Ảnh minh hoạ).

Vì vẫn trong nhịp học, làm việc bình thường, các hoạt động đón Tết cổ truyền của du học sinh Việt trên thế giới diễn ra đồng loạt cuối tuần qua, rộn ràng sau ba năm im ắng vì dịch Covid-19.

Thời điểm cuối tháng 12/2022, Minh Châu, 25 tuổi, hiện là sinh viên năm cuối Đại học Meikai, Nhật Bản vừa tham gia các buổi tìm hiểu doanh nghiệp, đi thực tập và chuẩn bị cho luận văn tốt nghiệp. Có những hôm, Minh Châu họp với các thành viên Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật khi đang ở trên tàu, để chuẩn bị cho sự kiện "Tết VYSA 2023".

Công việc làm thêm của Minh Châu là hỗ trợ khách Việt Nam nhập cảnh ở khu vực kiểm dịch tại sân bay Narita, khá xa so với địa điểm tổ chức sự kiện ở Tokyo. Do đó, để cùng các bạn chuẩn bị cho hoạt động này, em phải sắp xếp thời gian hoặc xin nghỉ.

Với ý tưởng về không khí Tết xưa ở nhà, Châu và các thành viên dựng một gian hàng tạp hóa, nơi bán các loại bánh kẹo trong ký ức của du học sinh. "Người tham dự cũng được thưởng thức các món ăn Tết của Việt Nam như bánh chưng, chả giò, nộm rế", Châu chia sẻ. Nhiều du học sinh khác ở Nhật đã dành toàn bộ những ngày nghỉ trong kì nghỉ đầu năm tại Nhật để chuẩn bị cho sự kiện.

Anh Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, cho hay "Tết VYSA 2023" diễn ra sau ba năm hoạt động này bị hoãn vì đại dịch Covid-19, nên tất cả đều mong muốn có một sự kiện hoành tráng để đánh dấu sự phát triển của hội, góp phần lan toả văn hoá Việt đến bạn bè quốc tế. Từ tháng 7/2022, hội đã huy động hơn 60 bạn tham gia ban tổ chức, liên kết với 12 tổ chức, hàng chục công ty để cùng phối hợp tổ chức sự kiện Tết lần này.

Đình Nam nói đã nhìn thấy không khí phấn khởi, nhộn nhịp ngay từ khâu chuẩn bị. Với con số dự kiến ban đầu chỉ khoảng 250-300 người, sự kiện diễn ra chiều ngày 14/1 đã thu hút gần 500 người tham dự. Tất cả đều diện áo dài truyền thống. Phần bốc thăm trúng thưởng cuối chương trình tạo bất ngờ cho nhiều người vì dù ngẫu nhiên nhưng người trúng thưởng đa phần đến từ Nga, Bangladesh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Phần văn nghệ có cả tiết mục biểu diễn nhạc cụ của Việt Nam của các khách Nhật Bản.

"Nhiều người nước ngoài đã hứng thú và tham gia sự kiện. Một điều thực sự vui và đáng quý", anh Đình Nam nói.

Còn với Minh Châu, đó là một ngày "mệt bở hơi tai" nhưng "cười tươi rộn ràng". Sự kiện đã mang lại không khí Tết xưa của tất cả vùng miền của Việt Nam, qua các tiểu cảnh, trò chơi, văn nghệ, ẩm thực.

Theo thống kê của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến đầu 2020, Việt Nam có khoảng 190.000 người đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài. Dịp Tết Nguyên Đán của Việt Nam diễn ra khi các nước sở tại vẫn trong nhịp học tập, làm việc bình thường. Vì thế, các hoạt động đón Tết của du học sinh phần lớn diễn ra vào cuối tuần.

Tại Anh, Hội Trí thức Việt Nam tại Vương quốc Anh và Ireland (VIS UK & Ireland) và Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Oxford (VoX) đã tổ chức Tiệc đón Tết tại Wadham College, Oxford, ngày 14/1.

Các vị khách dự tiệc mừng Tết tại nhà ăn của Đại học Wadham, thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam. Những người tham dự rút thăm phong bì màu đỏ, tượng trưng cho tục lì xì trước khi ra về.

Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Vương Quốc Anh và Ireland, cho biết các thành viên của Hội cũng được nghe những chia sẻ thú vị của hai giáo sư Oxford tại buổi tiệc này. Giáo sư Andrew Farmery kể về việc nhóm của ông thiết kế và sản xuất máy thở trong vòng ba tuần như thế nào khi Chính phủ Anh kêu gọi hỗ trợ chống Covid thời kỳ đầu; Giáo sư Sir. Peter Horby nói về những kỷ niệm hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.

"Buổi tiệc mừng Tết thật vui trong khung cảnh hiếm có, đó là sự kết hợp rất khác lạ nhưng tuyệt vời giữa không gian cổ kính nước Anh, tại một phòng ăn nổi tiếng của Đại học Oxford với cành đào, cây quất, cành mai và bánh chưng mang không khí Tết Việt truyền thống", Giáo sư Huấn chia sẻ.

Tại thành phố New York, Mỹ, sự kiện Tết cộng đồng – Quý Mão 2023 cũng diễn ra tại The Sanctuary Roosevetl Island vào chiều ngày 14/1. Chương trình được tổ chức chính bởi Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và Hội Sinh viên Việt Nam - New York.

Lê Minh Anh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại New York, cho biết bất chấp thời tiết lạnh và tuyết rơi, hơn 100 sinh viên và kiều bào Việt Nam đã đến tham dự, nhiều người đến từ bờ Đông nước Mỹ.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đã chúc Tết các du học sinh. Các món ăn truyền thống ngày Tết như bún măng, giò, chả, nem Hà Nội hấp dẫn không chỉ sinh viên Việt Nam mà cả bạn bè nước ngoài. "Tại New York, Hội hoạt động khá nhiều nên gặp gỡ nhau thường xuyên, nhưng Tết mới là dịp chúng mình có cơ hội gặp gỡ những người bạn cũ đến thăm từ các bang khác", Minh Anh chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại New York, vì tất cả người tham dự cùng trong hoàn cảnh ăn Tết xa xứ, nên bên cạnh tình bạn còn có tình đồng bào. "Tất cả đều như gia đình của nhau, Tết là dịp ý nghĩa và ấm áp, giúp cộng đồng du học sinh Việt tại New York đỡ cô đơn đi ít nhiều", chị nói.

(Nguồn: Vnexpress)

NGƯỜI GỐC VIỆT Ở AUSTRALIA THẤT VỌNG VÌ MÈO VẮNG MẶT DỊP TẾT

Các địa điểm nổi bật và lễ hội đón Tết Nguyên đán ở thành phố Sydney chỉ đề cập đến con thỏ và không đề cập đến con mèo.

Khi hàng chục nghìn người chuẩn bị chào đón năm Quý Mão tại các lễ hội Tết Nguyên đán trên khắp Australia, một con vật khác đã chiếm vị trí trung tâm: con thỏ thay cho con mèo.

Kim Vo, một tình nguyện viên của Viet Culture Quintessence Group ở Bankstown, phía tây nam Sydney, cho biết: “Năm Mão luôn là một năm tốt lành. Con mèo là loài vật thân thiện với gia đình, hữu ích trong việc bắt chuột bởi chuột có hại cho cây trồng nông nghiệp trên ruộng lúa".

Mèo "tàng hình" ở một số khu vực của Sydney

Các địa điểm nổi bật và hội đồng thành phố Sydney chỉ đề cập đến con thỏ và không đề cập đến con mèo trong các lễ đón Tết Nguyên đán.

Ông Ngô Thắng, cựu Ủy viên Hội đồng thành phố Fairfield và là cây viết về ẩm thực, cho biết ở Sydney giống như "năm con mèo mất tích".

Ông nói với người dẫn chương trình ABC Radio Sydney Simon Marnie: "Điều đó có nghĩa là cộng đồng người Việt vô hình và chúng tôi thực sự cảm thấy tổn thương".

Theo điều tra dân số mới nhất, 258.000 cư dân Australia sinh ra ở Việt Nam, trong khi 334.785 người có nguồn gốc Việt Nam. Chỉ riêng ở Greater Sydney, 93.778 cư dân sinh ra ở Việt Nam và có tổng cộng 117.000 người nói tiếng Việt tại nhà ở tiểu bang New South Wales.

Sự kiện đón năm mới ở Sydney lần đầu tiên được tổ chức tại Haymarket vào năm 1996. Sau nhiều năm vận động hành lang, sự kiện được đổi tên thành Lễ hội Tết Nguyên đán của Sydney, để đa dạng các nền văn hóa và cộng đồng hơn.

Ông Ngô cũng cho thấy các chương trình khuyến mãi của Star Casino không đề cập đến năm Mão, mặc dù thường xuyên chạy dịch vụ xe buýt miễn phí đến Cabramatta, nơi có 1/3 cư dân là người gốc Việt.

Lễ đón Tết Nguyên đán trọn vẹn

Các hội đồng ở phía tây nam Sydney có đông người Việt sinh sống đã sử dụng hình minh họa của cả thỏ và mèo để quảng cáo cho lễ hội của họ.

Lễ hội Tết Nguyên đán của Bankstown sẽ bao gồm một con mèo bơm hơi khổng lồ và nhiều màn trình diễn của cộng đồng người Việt, trong khi Hội đồng Thành phố Fairfield có hoạt động gặp gỡ Hello Kitty như một phần của lễ đón năm mới vào ngày 4/2.

Kim Vo giúp tổ chức một gian hàng văn hóa tại sự kiện Bankstown để chào mừng năm mới với một mâm ngũ quả truyền thống, tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn dâng lên tổ tiên.

Thị trưởng Khal Asfour cho biết hội đồng bao gồm tất cả các nền văn hóa sống ở thành phố Canterbury - Bankstown. “Hầu hết lễ hội Âm lịch đều tập trung vào năm con thỏ, nhưng chúng tôi có một cộng đồng người Việt lớn ở đây", ông Khal nói.

Ông Ngô Thắng đồng thời kêu gọi các hội đồng và thương hiệu tổ chức Tết Nguyên đán sử dụng thêm hình ảnh con mèo. Thành phố Sydney và Star Casino đã được tiếp cận thông tin và sớm đưa ra phản hồi.

(Nguồn: Zing News)

THÀNH LẬP HỘI CHUYÊN GIA, TRÍ THỨC VIỆT NAM TẠI ĐAN MẠCH

(Ảnh minh hoạ).

Hội được thành lập nhằm tập hợp, đoàn kết và kết nối các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học Việt Nam cũng như sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt đang công tác và học tập tại Đan Mạch.

Ngày 15/1, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch.

Tham dự sự kiện có Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lương Thanh Nghị; ông Phan Kế Đạt, kiều bào Đan Mạch, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tiến sỹ Lê Quý Vang, Chuyên gia cao cấp về Khoa học dữ liệu, Đại học Aalborg (Đan Mạch), Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Hội người Việt tại châu Âu; cùng đại diện cộng đồng sinh viên, nghiên cứu sinh và các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam đang học tập và làm việc tại Đan Mạch.

Sau một thời gian dài chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, Đại hội đã tiến hành họp thông qua Điều lệ Hội Chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch, thống nhất mục tiêu, tôn chỉ, lĩnh vực hoạt động, phạm vi, nguyên tắc và cơ cấu tổ chức của hội cũng như tiến hành bầu, kiện toàn nhân sự Ban Chấp hành khóa 1 của hội.

Hội Chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch được thành lập nhằm tập hợp, đoàn kết và kết nối các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học Việt Nam cũng như sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt đang công tác và học tập tại các viện, cơ quan nghiên cứu, các trường đại học của Đan Mạch; giúp các chuyên gia, trí thức hỗ trợ lẫn nhau trong nghiên cứu, công việc và cuộc sống; phát huy khả năng, trí tuệ của từng cá nhân cũng như của tập thể chuyên gia, trí thức người Việt tại Đan Mạch; góp phần xây dựng quê hương, đất nước, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động của hội còn hướng tới việc tăng cường hợp tác về khoa học-công nghệ giữa Việt Nam và Đan Mạch, góp phần củng cố và thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước.

Tại đại hội, các đại biểu đã tiến hành bầu ra Ban Chấp hành khóa 1 của hội. Tiến sỹ Lê Quý Vang đã được đại hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch. Đại hội cũng đã bầu ra các Phó Chủ tịch hội và các ban chuyên môn của. Các hoạt động của hội sẽ được hỗ trợ bởi Ban cố vấn gồm các cá nhân có chuyên môn hàng đầu và uy tín cao trong cộng đồng như Giáo sư Đặng Dương Bằng (Đại học Kỹ thuật Đan Mạch); ông Phan Kế Đạt, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Mariam Trinh…

Chúc mừng sự ra đời của Hội Chuyên gia, trí thức người Việt Nam tại Đan Mạch và các cá nhân được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành của hội, Đại sứ Lương Thanh Nghị nhấn mạnh cộng đồng chuyên gia, trí thức, nhà khoa học Việt Nam đang học tập và làm việc tại nước ngoài, trong đó có cộng đồng chuyên gia, trí thức người Việt tại Đan Mạch, là một nguồn lực to lớn, là tài sản quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đại sứ khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để các chuyên gia, trí thức người Việt có thể yên tâm đóng góp cho sự phát triển của đất nước dù ở bất kể cương vị, môi trường công tác nào.

Đại sứ Lương Thanh Nghị biểu dương và đánh giá cao sự đóng góp của đội ngũ chuyên gia và các nhà khoa học Việt Nam tại Đan Mạch đối với đất nước thời gian qua, nhất là những đóng góp vô cùng thiết thực và kịp thời trong giai đoạn cả nước tập trung ứng phó với đại dịch COVID-19.

Đại sứ bày tỏ tin tưởng Hội Chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch sẽ ngày càng lớn mạnh, quy tụ và đoàn kết được đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt đã, đang và sẽ họp tập, làm việc tại Đan Mạch trong thời gian tới. Đại sứ nhấn mạnh hội cần phải tập trung trí tuệ để xây dựng kế hoạch hoạt động bài bản, lâu dài, cụ thể và thiết thực, tránh hình thức.

Theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, các hoạt động của hội không chỉ hướng tới đề ra được những sáng kiến, giải pháp có tính thực tiễn và ứng dụng cao đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai mà trước mắt phải trở thành ngôi nhà thứ hai của đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt tại Đan Mạch, xây dựng được cộng đồng chuyên gia, trí thức đoàn kết, tương thân, tương ái hỗ trợ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống, có giá trị lan tỏa và đóng góp cho các hoạt động cộng đồng nói chung của kiều bào Việt Nam tại Đan Mạch.

Đại sứ khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, phát huy tối đa tài năng, trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt tại Đan Mạch đối với sự phát triển của Việt Nam và thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Đan Mạch.

Thay mặt cho Hội Chuyên gia, trí thức người Việt tại Đan Mạch, Tiến sỹ Lê Quý Vang, Chủ tịch hội, đã trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch đối với việc thành lập và các tổ chức các hoạt động của hội trong thời gian tới cũng như những lời chia sẻ, động viên của Đại sứ Lương Thanh Nghị và sự hỗ trợ của Ban Cố vấn. Ông cam kết hội sẽ có những hoạt động thật sự thiết thực, cụ thể, hoạt động bài bản và lâu bền, đóng góp cho sự phát triển của đất nước cũng như quan hệ Việt Nam-Đan Mạch.

(Nguồn: VTV4)

NGƯỜI VIỆT TẠI UKRAINE KỂ VỀ HÀNH TRÌNH SƠ TÁN GIAN NAN KHI CHIẾN SỰ BÙNG PHÁT

Hành trình sơ tán khỏi các vùng chiến sự của Ukraine rất gian nan, vất vả. Nhưng chính trong hoàn cảnh hoạn nạn đó, người Việt Nam tại Ukraine đã phát huy truyền thống đoàn kết, lá lành đùm lá rách, luôn tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

“Chúng tôi ra đi với hai bàn tay trắng”

Gần 30 năm gắn bó với con người và đất nước Ukraine, ông Nguyễn Văn Loan, Chủ tịch hội cựu chiến binh Việt Nam tại Ukraine cho biết, quốc gia này giống như là mảnh đất quê hương thứ hai của ông. Ông Loan cũng như nhiều bà con Việt kiều khác từng làm ăn, buôn bán và xây dựng được cơ ngơi cũng như có cuộc sống đủ đầy ở Ukraine. Tuy nhiên, từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, họ phải đi lánh nạn, chấp nhận mất trắng.

Ông Loan chia sẻ, trước xung đột, cộng đồng người Việt ở Ukraine có hơn 7.000 người. Bà con sang đó hầu hết từ thời hợp tác lao động và từng có cuộc sống rất yên bình. Khi chiến sự nổ ra, cả người Ukraine và người Việt tại Ukraine đều phải chịu hậu quả và phải di tản sang châu Âu. Hầu hết bà con người Việt đều đi sơ tán, chỉ còn khoảng 100 người ở lại.

Ông Loan cho biết: “Khi đi lánh nạn chúng tôi bỏ lại hết nhà cửa, ruộng vườn, hàng hóa và ra đi với 2 bàn tay trắng để đảm bảo an toàn, thậm chí vali cũng không dám cầm theo vì chúng tôi phải chen chúc nhau trên những chiếc xe hay những chiếc phà, tàu chật hẹp. Đường đi di tản từ các tỉnh phía Đông, từ Kiev lên biên giới qua hàng chục trạm kiểm soát của an ninh, lực lượng biên phòng, quân đội. Đến cửa khẩu biên giới, chúng tôi phải xếp hàng dài 2,3 ngày dưới trời gió rét mới qua được”.

Hành trình sơ tán rất gian truân, vất vả. Nhưng chính trong hoàn cảnh hoạn nạn đó, người Việt Nam tại Ukraine đã phát huy truyền thống đoàn kết, lá lành đùm lá rách, luôn tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Không chỉ chia sẻ đồ ăn thức uống, xe cộ, nhường nhịn nhau chỗ ngồi, mọi người cũng chia sẻ thông tin về việc đi tuyến đường nào an toàn hơn và ít nguy hiểm hơn.

Hơn nữa, nhờ sự giúp đỡ, chỉ đạo từ các cơ quan chức năng liên quan ở trong nước, từ đại sứ quán, các hội đoàn nên người Việt được di tản rất nhanh chóng và an toàn. Gần như tất cả đại sứ quán Việt Nam ở châu Âu đều tham gia hỗ trợ bà con từ việc đưa ra biên giới, đến ổn định nơi ăn chốn ở, cung cấp lương thực, thực phẩm. Chính vì vậy, gần 7.000 bà con người Việt sơ tán sang các nước châu Âu rất an toàn và không ai bị thiệt mạng. Đây có thể nói là một thành công lớn.

Theo ông Loan, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và chỉ đạo rất sát sườn, có nhiều chỉ thị sớm để bảo vệ công dân và hỗ trợ bà con di tản: “Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cũng như các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở châu Âu đã tổ chức đón kiều bào kịp thời. Các hội đoàn cũng như những tổ chức đồng hương người Việt, bà con người Việt ở châu Âu với tấm lòng vàng đã hỗ trợ và bao bọc chúng tôi khi di tản từ Ukraine”.

Tình cảnh khó khăn của những người lựa chọn ở lại

Theo ông Loan, sau khi chiến sự nổ ra một vài tháng, rất nhiều người Việt từ châu Âu, thậm chí là đã về Việt Nam nhưng vẫn quay trở lại Ukraine vì cuộc sống và vì kế sinh nhai, con số này ước tính lên đến 400 người. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại có tổng cộng 500 người Việt đang sinh sống tại Ukraine. Một số người quay lại để giải quyết những công việc còn dở dang. Một số người khác thì cố gắng bám trụ bất chất giao tranh tiếp tục xảy ra. Đa số kiều bào Việt Nam sinh sống tại Odessa, còn một số ít sống ở Kharkov hoặc Kiev.

Ông Loan cho biết, cách đây 1,5 tháng, ông đã quay lại Ukraine sau khi nhận được giấy tờ tị nạn tại Đức. Về tình hình hiện tại của những bà con lựa chọn ở lại, ông Nguyễn Văn Loan nói, trong bối cảnh giao tranh ác liệt, khi các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng ngày càng gia tăng, bà con thiếu thốn đủ bề, từ điện, nước, Internet. Đặc biệt trong mùa Đông, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Theo ông Loan, ngoại trừ những điểm nóng xung đột, còn lại ở những khu vực khác, người dân không quá lo ngại mối đe dọa từ bom đạn. Nhưng vấn đề nhức nhối là làm sao để có thể bám trụ trong mùa Đông khắc nghiệt khi những nhu cầu thiết yếu không được đáp ứng. Tại Odessa, có những nơi mất điện đến 2,3 ngày. Nhiều người phải thắp nến, đốt củi sưởi ấm.

Câu hỏi lớn nhất hiện nay là những người Việt lựa chọn ở lại Ukraine sẽ làm gì để sinh sống? Trong bối cảnh giao tranh diễn ra ác liệt, các nhà máy, xí nghiệp gần như đóng cửa. Lương của những người lao động, đặc biệt là những đối tượng hưu trí, hầu như không đủ để mua lương thực, thực phẩm, trả tiền thuê nhà...

“Đa số người Việt tại Ukraine đều sinh sống nhờ làm ăn buôn bán, nhưng khi đem hàng hóa ra chợ thì không có người mua do ảnh hưởng của xung đột khiến cuộc sống của nhiều người dân Ukraine trở nên nghèo túng. Thậm chí nếu hòa bình lặp lại thì kinh tế Ukraine phải mất thời gian dài mới có thể khôi phục được. Có thể nói rằng triển vọng cho nền kinh tế Ukraine rất ảm đạm và chưa thấy tương lai”, ông Loan nói.

Mong muốn được nhận sự hỗ trợ nhiều hơn

Ông Nguyễn Văn Loan nhấn mạnh, với tình cảnh khó khăn hiện nay cộng đồng người Việt tại Ukraine rất mong được sự hỗ trợ nhiều hơn từ các đại sứ quán và các cơ quan liên quan trong nước.

Ông Loan cho biết thêm, không chỉ người Việt lựa chọn bám trụ tại Ukraine mà những người Việt di tản sang châu Âu cũng gặp rất nhiều khó khăn vì đa số đều sang với hai bàn tay trắng và nhiều người quá độ tuổi lao động. Do đó việc kiếm công ăn việc làm và hòa nhập cộng đồng rất khó khăn. “Việc thích nghi với cuộc sống mới có lẽ phải mất thời gian dài. Những người trẻ tuổi thì có khả năng hòa nhập và sinh sống ở nước sở tại cao hơn là những người đã lớn tuổi”.

Theo ông Loan, mỗi nước châu Âu đều có những chính sách hỗ trợ khác nhau dành cho người tị nạn. Tại một số nước như Đức, có sự hỗ trợ hoàn toàn cho những người không có công ăn việc làm, nhưng tại Ba Lan, chính quyền chủ yếu chỉ hỗ trợ cho trẻ em. Vì thế đến nay nhiều người Việt vẫn đang bơ vơ chưa thể tìm công ăn việc làm. Ông Loan nhấn mạnh, bà con Việt kiều rất mong các đại sứ quán và hội đoàn hỗ trợ về mặt pháp lý, giấy tờ cũng như đào tạo tiếng để tìm công ăn việc làm, ổn định cuộc sống tại nước sở tại.

(Nguồn: VOV)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Tết ấm áp ở Đức; Đón xuân ở Hàn; Gắn bó ở Belarus; Tỷ phú Mai Vũ Minh; Nhà hàng bị phạt ở Đài Loan ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang