Người Việt hải ngoại: 'Sống chung với núi lửa' ở Iceland; Sinh viên tăng cường đoàn kết ở Thái Lan; Lễ hội Áo dài ở Fukuoka

Người Việt kể chuyện 'sống chung với núi lửa' tại Iceland

(Ảnh minh họa).

Sau 8 năm sinh sống tại Iceland, chị Nguyễn Phúc không còn hoảng sợ như lần đầu tiên cảm nhận rung chấn khi núi lửa phun trào.

Ngày 14/1, hai vụ phun trào núi lửa diễn ra tại bán đảo Reykjanes ở Iceland khiến dung nham tràn vào thị trấn Grindavik vùng tây nam, thiêu rụi một số nhà cửa. Đây là vụ phun trào thứ hai trên bán đảo trong chưa đầy một tháng, và là vụ thứ 5 kể từ năm 2021, sau 800 năm núi lửa ngủ yên.

Tổng thống Iceland Gudni Johannesson kêu gọi người dân giữ vững hy vọng, vượt qua khó khăn, khi dung nham tràn vào Grindavik, nơi người dân "đã xây dựng cuộc sống, làm nghề đánh cá và các công việc khác, tạo nên cộng đồng hòa hợp".

Nguyễn Phúc, người Việt Nam sinh sống tại thị trấn Njardvik, cách nơi núi lửa phun trào khoảng 15 km, cho hay đây là lần đầu tiên dung nham tràn vào khu dân sinh ở Iceland, gây thiệt hại hạ tầng lớn trong hàng chục năm qua.

"Mọi người đều đang hướng về Grindavik, ai cũng như chùng xuống, tiếc nuối với những người mất tổ ấm lâu năm vì dung nham núi lửa", chị Phúc nói với VnExpress.

Cộng đồng người Việt ở Iceland đã hưởng ứng mạnh mẽ khi chính quyền, các tổ chức thiện nguyện kêu gọi quyên góp hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng ở Grindavik thông qua Hội Chữ thập Đỏ.

"Người Iceland quá hiểu nỗi đau mất nhà do dung nham trong lịch sử, nên mỗi khi có núi lửa phun trào, các vùng lân cận lập tức tương trợ, kể cả các đảo xa ngoài khơi", Eric Phạm, 40 tuổi, hướng dẫn viên du lịch người Việt ở Iceland, nói.

Nằm giữa mảng kiến tạo Á - Âu và Bắc Mỹ, hai trong số những mảng kiến tạo lớn nhất hành tinh di chuyển ngược hướng nhau, Iceland là điểm nóng về hoạt động địa chấn và núi lửa. Mỗi năm nước này hứng chịu tới 26.000 trận động đất lớn nhỏ.

Khi mới đến Iceland năm 2015, chị Phúc đã rất hoảng sợ trong lần đầu trải nghiệm rung chấn do động đất. Nhưng 8 năm sau, chị coi động đất là chuyện thường nhật, bởi hiện tượng này xảy ra quá thường xuyên, trong khi Iceland phát triển hệ thống cảnh báo thiên tai tiên tiến, giúp người dân có các biện pháp đảm bảo an toàn.

Jon Orva, chuyên viên quản lý rủi ro tại cơ quan bảo hiểm thiên tai Iceland, cho hay nhà cửa tại nước này phải được xây dựng theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thiết kế, vật liệu và có thể chống chịu được rung chấn dưới 6 độ. Các thông tin về công trình đều được công khai ở từng địa phương, giúp công tác quản lý trở nên minh bạch.

Giới chức và giới khoa học nước này cũng theo dõi sát sao các hoạt động địa chấn và núi lửa. Iceland là quốc gia có nhiều núi lửa đang hoạt động nhất châu Âu, với tổng cộng 33 điểm được theo dõi. Đây cũng là lý do ngành địa chất ở Iceland phát triển rất mạnh.

"Chúng tôi được cảnh báo sớm về các hoạt động địa chấn dù rất nhỏ. Phòng chống núi lửa, động đất cũng được giảng dạy kỹ trong chương trình giáo dục", Nguyễn Thị Thái Hà, giáo viên toán tại thủ đô Reykjavik, nói, chỉ ra mật độ dân thưa thớt, ý thức tuân thủ và tinh thần tương trợ của cộng đồng cũng đóng vai trò lớn.

Trên thực tế, người dân thị trấn Grindavik đã được cảnh báo về hoạt động địa chấn và núi lửa trong khu vực từ nhiều tháng trước. Khi núi lửa phun trào, toàn bộ người dân đã được sơ tán trong đêm, nên không ghi nhận bất cứ thiệt hại nào về người.

Giới chức trước đó đã đắp tường bao bằng đất đá bên ngoài thị trấn Grindavik để chặn dòng dung nham. Bờ bao này đã phát huy tác dụng trong vụ phun trào đầu tiên đầu tiên xảy ra lúc 8h ngày 14/1, khi một vết nứt xuất hiện trên mặt đất ở bên ngoài thị trấn. Dung nham trào lên chảy về phía thị trấn, nhưng bị bức tường chắn chặn lại.

Đến tối hôm đó, vết nứt thứ hai dài khoảng 100 mét xuất hiện ngay rìa thị trấn, khiến tường bao vô tác dụng. Dung nham tràn vào Grindavik, nhấn chìm nhiều ngôi nhà.

Cộng đồng người Việt tại Iceland cho hay khả năng quản lý, cảnh báo thiên tai của giới chức sở tại giúp họ yên tâm "sống chung với núi lửa" và cuộc sống không bị xáo trộn quá nhiều trong đợt phun trào gần nhất.

"May mắn là đợt phun trào lần này không tạo tro bụi, nên không ảnh hưởng đến các chuyến bay", hướng dẫn viên du lịch Eric Phạm nói. "Thậm chí du khách còn rất vui khi được chiêm ngưỡng núi lửa từ trên cao khi đi máy bay".

Những chuyến thưởng ngoạn mỗi khi dung nham phun trào đã trở thành thói quen của nhiều gia đình Iceland. "Mỗi khi núi lửa phun trào, hầu hết người Iceland đều ngóng chờ đến tận nơi xem", nhiếp ảnh gia địa phương Ragnar Sigurdsson nói.

Giới chức sẽ kiểm tra, đo lường khí độc trong khu vực núi lửa phun trào, rồi báo cho người dân nếu an toàn. Họ cũng chăng dây leo núi, thiết lập bãi đậu xe, nhà vệ sinh dã chiến, đội cứu hộ túc trực bên ngoài để tạo điều kiện cho người dân tới chiêm ngưỡng núi lửa.

"Tất cả đều quy hoạch rất tốt và miễn phí, chỉ phải trả tiền đậu xe", Eric Phạm nhận xét. Trong 10 năm sống tại Iceland, Eric Phạm có 5 dịp ngắm núi lửa phun trào, trong đó có một lần thưởng ngoạn bằng trực thăng.

"Giống một cuộc leo núi, dã ngoại, mọi người mang xúc xích, pizza đến nướng, nhưng vẫn cần giữ khoảng cách vì dung nham rất nóng", anh nói.

Sau nhiều năm không dám đi vì sợ hãi, chị Hà lần đầu cùng bạn bè tới ngắm núi lửa phun trào hồi tháng 8/2022. Đến nơi, chị bất ngờ khi thấy dòng người rồng rắn vượt địa hình hiểm trở để chiêm ngưỡng dòng dung nham. "Lúc này, tôi mới cảm thấy thực sự may mắn khi một lần trong đời được chứng kiến tận mắt sự sục sôi của núi lửa", giáo viên gốc Việt 32 tuổi nói.

Tăng cường sự đoàn kết của cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Thái Lan

Hội Sinh viên Việt Nam tại Thái Lan đã tổ chức hoạt động giao lưu nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam cũng như đón Xuân Giáp Thìn 2024.

Sự kiện được tổ chức tại Đại học Chulalongkorn, có sự tham gia của đông đảo bạn trẻ đang học tập, nghiên cứu tại các trường đại học trên toàn Thái Lan, cũng như các đại diện Hội Người Việt Nam tại Bangkok và vùng phụ cận, Hội doanh nhân Việt Nam tại Bangkok.

Thay mặt Ban chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam tại Thái Lan, Chủ tịch Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết Hội Sinh viên Việt Nam tại Thái Lan là đại diện duy nhất của sinh viên được sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và là một trong những đơn vị ngoài nước trực thuộc Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.

Trải qua 6 năm hình thành và phát triển, dù còn gặp nhiều khó khăn song hội vẫn luôn nỗ lực hết mình để phấn đấu trở thành một trong những tổ chức hội vững mạnh, rộng khắp cho toàn thể sinh viên đang học tập tại "đất nước Chùa Vàng."

Một số điểm chính trong công tác hội và phong trào sinh viên 3 tháng vừa qua là việc đã hoàn thành văn kiện Đại hội Sinh viên Việt Nam tại Thái Lan và đã được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam công nhận Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới khóa 3 vào tháng 9/2023.

Hội cũng đã hoàn thành biểu mẫu đăng ký hội viên của Hội Sinh viên Việt Nam tại Thái Lan, tạo tiền đề kết nối nhiều hơn với lưu học sinh đang học tập tại đây, qua đó góp phần phát triển cơ sở hội ngày càng vững mạnh.

Tháng 12/2023, hội cũng rất vinh dự tham gia lễ đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và có bài phát biểu về chính sách tại Đại học Chulalongkorn.

Về các hoạt động của hội thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Thi Ngọc Diệp cho biết ngoài việc thúc đẩy phong trào “Sinh viên 5 tốt” (bao gồm Học tập tốt, Đạo đức tốt, Tình nguyện tốt, Hội nhập tốt và Thể lực tốt), hội đang xây dựng các mục tiêu cụ thể và đa dạng về nhu cầu của cộng đồng du học sinh tại Thái Lan; nỗ lực liên kết, xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp để có thêm nguồn tài trợ thực hiện các hoạt động như tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho các bạn học sinh có nguyện vọng học tập tại Thái Lan.

Hội cũng tổ chức đi thiện nguyện giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Thái Lan cũng như các chuyến “về nguồn” - tới thăm các khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan - nhằm bồi đắp lý tưởng cách mạng, tình yêu quê hương đất nước và bày tỏ tấm lòng đối với Bác Hồ kính yêu; cùng nhiều hoạt động khác.

Việc đẩy mạnh quan hệ giao lưu với Hội Sinh viên Việt Nam tại các nước với Hội Sinh viên các tỉnh ở Việt Nam cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của hội.

Hiện tại, Hội đã thiết lập quan hệ với Hội Sinh viên tỉnh Đồng Nai, góp phần trao đổi học hỏi kinh nghiệm về công tác hội và phong trào sinh viên.

Với những mục tiêu trong thời gian tới, Hội Sinh viên Viêt Nam tại Thái Lan sẽ cố gắng phấn đấu hơn nữa để góp phần đưa công tác hội và phong trào sinh viên tại Thái Lan ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Đến tham dự chung vui với các sinh viên, Giảng viên Đại học Chulalongkorn Đỗ Thúy Hà cho rằng đây là một sự kiện rất bổ ích đối với cộng đồng học sinh sinh viên đang sinh sống và học tập xa nhà.

Hội như một mái ấm kết nối mọi người và để các bạn biết rằng mình không đơn độc. Nếu có cần sự giúp đỡ về học tập hay khó khăn trong cuộc sống thì vẫn luôn có bạn bè sát cánh cùng với mình.

Trong khi đó, thay mặt Hội Người Việt Nam tại Bangkok và vùng phụ cận, Chủ tịch Đỗ Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước sự phát triển lớn mạnh của cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Thái Lan và chúc các em đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình học tập tại nước bạn, để sau này có thể đóng góp tích cực cho gia đình, xã hội và quê hương, đất nước.

Cũng tại sự kiện, các bạn sinh viên từ nhiều trường đại học Thái Lan như Đại học Chulalongkorn, Đại học Mahidol, Viện công nghệ King Mongkut Ladkrabang (KMITL), Đại học Kasem Bundit, Đại học Phòng thương mại Thái Lan (UTCC), Đại học Bangkok, Đại học Assumption Thái Lan (ABAC)… đã tham gia buổi talk show, lắng nghe chia sẻ từ các giảng viên và chuyên gia về kinh nghiệm học tiếng Thái để hội nhập nhanh hơn với đời sống ở nước sở tại, cũng như cách thức để vượt qua cú sốc văn hóa đối với du học sinh.

Sự kiện giao lưu cũng thêm phần sinh động, vui vẻ đúng chất sinh viên với các trò chơi tập thể cùng tiết mục văn nghệ do chính các sinh viên biểu diễn.

Lần đầu tiên tổ chức lễ hội Áo dài Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản)

(Ảnh minh họa).

Tại “Lễ hội Áo dài Việt Nam tại Fukuoka”, bạn bè quốc tế được chiêm ngưỡng hơn 160 bộ áo dài của 4 nhà thiết kế với màn trình diễn đặc biệt của dàn người mẫu Việt.

Ngày 19-1, Hội người Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản) cho biết, từ ngày 18 đến 21-1, tại thành phố Fukuoka, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Hội người Việt Nam tại Fukuoka, Hiệp hội doanh nghiệp xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam tại Kyushu đã lần đầu tiên tổ chức “Lễ hội Áo dài Việt Nam tại Fukuoka”.

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Vũ Chi Mai, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka nhấn mạnh, Tuần lễ áo dài Việt Nam tại Fukuoka được tổ chức nhằm quảng bá văn hóa áo dài Việt Nam, đồng thời quảng bá cho du lịch Fukuoka và Kyushu.

“Mỗi chiếc áo dài là một tác phẩm nghệ thuật, các nhà thiết đã gửi gắm tình cảm và tâm huyết của các nhà thiết kế vào từng họa tiết, màu sắc. Mỗi bộ sưu tập là một câu chuyện ý nghĩa và lan tỏa giá trị văn hóa Việt ra thế giới và sự giao thoa văn hóa Việt Nam Nhật Bản”, bà Vũ Chi Mai nhấn mạnh.

Bà Omagari Akie, Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka, đánh giá cao và bày tỏ sự trân trọng về những nỗ lực của ban tổ chức sự kiện này. “Hôm nay tôi cũng mặc áo dài. Đây là cơ hội quý giá để người dân trong tỉnh và du khách tìm hiểu về vẻ đẹp và giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng nhiều người sẽ thích thú với sự kiện lần này và nó sẽ trở thành cơ hội để họ quan tâm đến văn hóa truyền thống của Việt Nam” – Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka chia sẻ.

Ông Inoue Hirotaka, Phó Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt Nam tại tỉnh Fukuoka cho biết, năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 10 năm kể từ khi Hội đồng nhân dân tỉnh Fukuoka ký thỏa thuận thúc đẩy giao lưu hữu nghị với UBND thành phố Hà Nội vào tháng 4-2014. Nhân dịp này, ngày 22-1, chính quyền tỉnh Fukuoka sẽ tổ chức chuyến thăm, làm việc với thành phố Hà Nội.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai địa phương và hai nước, tập trung vào Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam tại tỉnh Fukuoka, để mở rộng hơn nữa giao lưu giữa hai nước. Chúng tôi hy vọng các bạn tiếp tục hỗ trợ, hợp tác trong việc thúc đẩy giao lưu hữu nghị".

Trong khuôn khổ Tuần lễ áo dài Việt Nam tại Fukuoka, bà con cộng đồng người Việt Nam tại khu vực Kyushu và bạn bè quốc tế sẽ được chiêm ngưỡng hơn 10 bộ sưu tập của các nhà thiết kế Ngọc Hân (Hoa hậu Việt Nam năm 2010), Cao Minh Tiến, Chế Quyết Tiến và Trần Thiện Khánh.

Tham gia trình diễn các bộ áo dài có Á hậu hòa bình 2022 Mai Ngô, Á hậu hòa bình 2023 Hồng Hạnh, các siêu mẫu Ngọc Ánh, Kim Phương, Tường Vân.... cùng các nghệ sĩ, người mẫu đến từ cộng đồng người Việt Nam tại khu vực Kyushu.

Nguồn: Vnexpress; Báo Quốc Tế; Hà Nội Mới

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang