Người Việt hải ngoại: Tiếp tục hỗ trợ ở Nhật; Chịu cái lạnh tê tái ở TQ; Cầu nối cộng đồng ở Hong Kong; Xây chùa ở Malaysia

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT BẢN HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN CHỊU ẢNH HƯỞNG ĐỘNG ĐẤT

(Ảnh minh họa).

Toàn bộ số hàng cứu trợ lần này, gồm 1.000 thùng nước khoáng, 500 hộp cồn rửa tay sát trùng và 1.000 túi vệ sinh, đến từ sự đóng góp của các tổ chức doanh nghiệp và các hội người Việt tại Nhật Bản.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 15/1, Đoàn công tác của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, đại diện các hội đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã trao hàng nghìn phần nhu yếu phẩm thiết yếu cho chính quyền thành phố Higashiosaka để chuyển đến người dân bị ảnh hưởng động đất ở tỉnh Ishikawa.

Chuyến hàng cứu trợ lần này gồm 1.000 thùng nước khoáng, 500 hộp cồn rửa tay sát trùng và 1.000 túi vệ sinh.

Toàn bộ số hàng ủng hộ trên đến từ sự đóng góp của các tổ chức doanh nghiệp và các hội người Việt tại Nhật Bản.

Tiếp nhận các nhu yếu phẩm, Thị trưởng thành phố Higashiosaka đánh giá cao sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản dành cho tỉnh Ishikawa, đồng thời khẳng định sẽ chuyển số hàng hóa này đến những vùng khó khăn nhất.

Do các tuyến đường tới các điểm cần cứu trợ nằm sâu trong vùng tâm chấn vẫn chưa được khắc phục nên Ban Vận động Hàng cứu trợ của Cộng đồng người Việt đã liên hệ và phối hợp với thành phố Higashiosaka để gửi hàng cứu trợ đợt 2.

Thành phố Higashiosaka là nơi tiếp nhận, vận chuyển hàng cứu trợ đến tỉnh Ishikawa.

Trước đó, ngày 6/1, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Hội người Việt vùng Kansai cùng nhiều hội đoàn khác đã huy động được 600 suất quà nhu yếu phẩm và trực tiếp chuyển đến công dân Việt Nam, cũng như người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở tỉnh Ishikawa.

Tỉnh Ishikawa - nơi có khoảng hơn 5.000 người Việt đang sinh sống, vừa hứng chịu trận động đất lớn gây sóng thần ngày 1/1.

Ngay sau khi động đất xảy ra, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka đã hướng dẫn các hội đoàn, doanh nghiệp người Việt tại khu vực thành lập Ban vận động quyên góp, hỗ trợ các nạn nhân và nhanh chóng thực hiện kế hoạch cứu trợ, thể hiện sự đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Cầu nối gắn kết người Việt Nam tại Hong Kong (Trung Quốc)

Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Việt Nam gần gũi về mặt địa lý và tương đồng về mặt văn hóa.

Những năm đầu thế kỷ 20, chính quyền Hong Kong đã đặt tên một số con đường theo tên các thành phố nổi tiếng ở châu Á, trong đó có các thành phố của Việt Nam là Hải Phòng, Hà Nội và Sài Gòn. Người Việt Nam đã đến Hong Kong từ lâu và có nhiều người thành công trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động kinh doanh. Trong số họ cũng có những doanh nhân quay trở lại quê hương đầu tư các dự án lớn. Ngoài ra, tại Hong Kong hiện đã có các thế hệ người Việt Nam thứ hai và thứ ba.

Trên đường phố Hong Kong có thể bắt gặp nhiều nhà hàng của người Việt. Họ kinh doanh rất tốt, buôn bán sầm uất vì Hong Kong là vùng đất du lịch. Các nhà hàng Việt Nam với các món nổi tiếng như nem, phở, bánh mì… rất được người dân Hong Kong ưa chuộng, đồng thời trở thành một kênh quảng bá văn hóa ẩm thực hiệu quả, góp phần lan tỏa "hương sắc" Việt Nam.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều trí thức Việt Nam từ các nước khác đến đặc khu này sinh sống và làm việc, cũng như một số sinh viên, nghiên cứu sinh ở lại tiếp tục khai thác tiềm năng của thị trường lao động này sau khi tốt nghiệp. Điều này đã trở thành nhân tố quan trọng giúp cộng đồng người Việt Nam tại Hong Kong dần lớn mạnh, đa dạng, tạo dựng hình ảnh một cộng đồng Việt Nam đoàn kết, thân thiện, năng động, trí tuệ và sáng tạo.

Bên cạnh đó, sau một thời gian dài tích cực vận động bằng nhiều kênh và nhiều cấp độ khác nhau, vào tháng 10/2023 vừa qua, chính quyền Hong Kong đã dỡ bỏ hạn chế trong việc cấp thị thực làm việc cho người Việt Nam có tay nghề cao. Đây không chỉ là một trong những thành tựu và điểm sáng nổi bật của công tác ngoại giao trong năm 2023, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để ngày càng có nhiều trí thức, doanh nhân và học sinh của Việt Nam đến Hong Kong sinh sống, làm việc, học tập và nghiên cứu. Đây sẽ là những cầu nối góp phần thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa và giáo dục giữa Việt Nam với Hong Kong nói riêng và giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung.

Với việc cộng đồng người Việt Nam ngày càng tăng, việc thành lập Hiệp hội người Việt Nam tại Hong Kong để kết nối các nhóm, cùng bảo vệ lợi ích, bảo tồn văn hóa, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau, đóng góp và hướng về quê hương, đất nước là vấn đề cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Hiệp hội sẽ đại diện cho tất cả các nhóm tạo ra những hình ảnh mới và tích cực về con người, văn hóa, bản sắc Việt Nam, hình thành cộng đồng chia sẻ, đoàn kết, gắn bó với nhau và hướng về tương lai.

Trong sự kiện Tết Cộng đồng năm 2024, mọi người vui mừng và phấn khởi hơn khi nghe thông báo Hiệp hội người Việt Nam tại Hong Kong chính thức ra mắt cộng đồng.

Trong bài phát biểu chúc mừng bà con nhân dịp Xuân mới Giáp Thìn 2024, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong và Macau Phạm Bình Đàm vui mừng thông báo, dưới sự tích cực hỗ trợ và thúc đẩy của Tổng Lãnh sự quán, Hiệp hội người Việt Nam tại Hong Kong đã được thành lập và đi vào hoạt động với vai trò cầu nối để tăng cường đoàn kết, sẻ chia và tương trợ lẫn nhau giữa những người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại đặc khu hành chính này.

Tổng Lãnh sự Phạm Bình Đàm nhấn mạnh, hiệp hội sẽ giúp quy tụ các tầng lớp và thế hệ người Việt Nam tại Hong Kong thành một khối vững mạnh, hướng về quê hương đất nước bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả. Đây là hạt nhân để thúc đẩy hình thành cộng đồng trí thức, cộng đồng doanh nhân… Việt Nam ở Hong Kong trong thời gian tới để lan tỏa những giá trị cốt lõi của Việt Nam.

Nhân dịp này, Ban Chấp hành Hiệp hội do Luật sư Doãn Quỳnh Linh làm Chủ tịch đã chính thức ra mặt cộng đồng bà con người Việt Nam tại Hong Kong. Tính đến cuối tháng 12/2023, hiệp hội đã kết nạp được hơn 60 hội viên phổ thông, đồng thời phối hợp với Tổng Lãnh sự và Hội sinh viên Việt Nam tại Hong Kong tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để tăng cường gắn kết cộng đồng, hướng về quê hương đất nước như Giải bóng đá cộng đồng người Việt Nam tại Hong Kong, Ngày hội sinh viên Việt Nam tại Hong Kong, quyên góp ủng hộ các nạn nhân vụ cháy chung cư tại Thanh Xuân, Hà Nội…

Đánh giá cao sự kiện này, Phó Giáo sư Nguyễn Tuấn Anh hiện đang công tác tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST), Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội người Việt Nam tại Hong Kong, nhấn mạnh việc thành lập hiệp hội vào thời điểm hiện nay là rất phù hợp vì số lượng người Việt Nam tại đặc khu hành chính này đang tăng mạnh trong những năm vừa qua, nhất là sinh viên Việt Nam sang học tập tại các trường đại học của Hong Kong. Sự ra đời của Hiệp hội không chỉ giúp mọi người có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động gắn kết cộng đồng, mà còn là địa chỉ tin cậy để mọi người tìm đến mỗi khi gặp khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bạn Nguyễn Đắc Hiếu - Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hong Kong, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội người Việt Nam tại Hong Kong cho rằng, hiệp hội chính là nhịp cầu kết nối giữa những người mang dòng máu Việt đang có mặt tại Hong Kong, cho dù họ thuộc các tầng lớp, thế hệ và thậm chí mang quốc tịch khác nhau. Đây không chỉ là mẫu số chung cho sự đoàn kết hướng về quê hương đất nước, mà còn là hình ảnh của con người, văn hóa và tri thức Việt. Thông qua đó, chúng ta có thể gửi đến người dân sở tại cũng như bạn bè quốc tế thông điệp về một đất nước Việt Nam chân thành, hài hòa và tươi đẹp.

Trong một vài năm trở lại đây, cộng đồng người Việt Nam tại Hong Kong đã có sự lớn mạnh hơn về cả số lượng và chất lượng. Với những thế mạnh sẵn có về giáo dục cũng như những thay đổi về chính sách thu hút nhân tài, Hong Kong đã chào đón hàng trăm sinh viên tài năng, chất lượng cao của Việt Nam đến học tập và nghiên cứu tại các trường đại học. Từ đó đã giúp cho cộng người Việt tại đây có thêm một nguồn lực trẻ, năng động và đầy tài năng. Bên cạnh cộng đồng người Việt đã sinh sống và làm ăn tại Hong Kong từ trước đến nay và cộng đồng sinh viên chất lượng cao, Hiệp hội người Việt tại Hong Kong cũng đã kết nối thêm kiều bào Việt Nam có những quốc tịch khác nhau nhưng đang sinh sống và làm việc tại Hong Kong. Những hoạt động của hiệp hội được xem là những hoạt động biểu trưng cho đất nước Việt Nam, góp phần xây dựng một hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, năng động trong mắt những người bạn Hong Kong.

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Hong Kong có khoảng trên 7.000 người thuộc các thế hệ và tầng lớp khác nhau, trong đó nhiều người đã thành công trên một số lĩnh vực, trở thành hạt nhân tiêu biểu để thúc đẩy kết nối và tăng cường hợp tác giữa hai bên. Trong thời gian tới, cộng đồng trí thức, cộng đồng doanh nhân sẽ dần hình thành. Hy vọng trong thời gian tới, cộng đồng người Việt Nam tại Hong Kong sẽ để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Hong Kong, phát huy vai trò cầu nối, tương tác hiệu quả giữa Việt Nam và Hong Kong.

Khách Việt chịu cái lạnh tê tái -30 độ C để hất nước sôi nóng lên trời

(Ảnh minh họa).

Nhớ lại ngày đầu mới sang Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc), Hiền Mai vốn quen ở xứ nhiệt đới nên bị sốc bởi nhiệt độ mùa đông có thể hạ xuống -20 độ C đến -30 độ C. Nếu không cẩn thận, cô rất dễ bị bỏng lạnh.

Cô gái Việt mê tuyết trắng

Hiền Mai, cô gái đến từ Hà Nội, cho biết, vì quá mê tuyết trắng nên cô muốn trải nghiệm ở Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang, nơi được mệnh danh là "thành phố băng tuyết" ở Trung Quốc.

Do ảnh hưởng vì dịch bệnh nên tới tháng 10/2022, Mai mới chính thức đặt chân đến Cáp Nhĩ Tân, tiếp tục hành trình theo học đại học ở đây.

Nhớ lại ngày đầu mới sang, vốn quen sống ở xứ nhiệt đới nên Mai gặp phải không ít cú sốc. Vào mùa đông, nhiệt độ ở đây có thể hạ xuống -20 độ C, thậm chí -30 độ C. Khi ra đường, nếu không giữ ấm cẩn thận, cô gái rất dễ bị cảm hoặc bỏng lạnh.

Ngoài ra, vấn đề ăn uống cũng là một trở ngại không nhỏ. Người dân địa phương có thói quen ăn rất nhiều dầu mỡ và hơi cay so với khẩu vị của người Việt. Bởi vậy, Mai phải mất một khoảng thời gian để thích nghi.

Sau hơn một năm sinh sống và học tập, Mai cảm nhận đây là thành phố rất đáng trải nghiệm. Dù không phồn hoa náo nhiệt như Bắc Kinh, Thượng Hải, hay cổ kính hoa lệ như chốn Giang Nam, nhưng Cáp Nhĩ Tân có sự giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Nét kiến trúc vừa có sự cổ điển Á Đông nhưng vẫn mang vẻ hiện đại tráng lệ của châu Âu.

Đặc biệt, Mai nhận thấy nhịp sống của thành phố chậm rãi còn con người lại có tính cách cởi mở, phóng khoáng. Họ nhiệt tình hỗ trợ nếu du khách cần giúp đỡ.

Sở dĩ Cáp Nhĩ Tân được gọi là "thành phố băng tuyết" bởi mùa đông kéo dài cùng nhiệt độ xuống rất thấp. Từ cuối tháng 10 hàng năm, tuyết đã phủ trắng nhiều vùng. Bởi vậy, thành phố du lịch này cũng mang tới cho du khách nhiều trải nghiệm rất đa dạng liên quan tới tuyết.

Nổi tiếng nhất phải kể tới lễ hội băng đăng lớn nhất thế giới thường tổ chức vào đầu tháng 12. Đây là lễ hội thường niên, đón lượng khách quốc tế rất lớn từ nhiều nơi đổ về. Nhờ lợi thế đang học tập và sinh sống ở đây, cô gái Việt Nam không thể bỏ lỡ cơ hội tham dự.

Với Mai, đây là ngày hội hoành tráng nhất của thành phố. Trước khi mùa lễ hội diễn ra, các công trình kiến trúc khổng lồ được tạo ra bằng những khối băng cắt trên sông Tùng Hoa, lần lượt xuất hiện. Bên cạnh đó còn nhiều trò thú vị khác như trượt băng, trượt tuyết, ngồi xe kéo trên sông băng...

Vào mùa đông, sông Tùng Hoa trở thành điểm vui chơi của người dân và du khách tứ phương. Khi mặt sông đóng băng, mọi người sẽ ra chụp hình với những khối băng trong suốt khổng lồ, ánh lên màu xanh lấp lánh. Hoạt động hất nước sôi lên trời cũng là trải nghiệm được nhiều người thích thú.

Ăn lẩu nóng ở nhà hàng băng tuyết, hất nước sôi giữa trời -30 độ C

Khi bắt đầu mùa đông, nhân lúc khách du lịch chưa đến quá nhiều, Mai tranh thủ tới thăm Làng Tuyết, nơi cô cho rằng đây là địa điểm nhất định phải đến khi tới Cáp Nhĩ Tân. Xuất phát từ trung tâm thành phố, cô di chuyển bằng xe khách mất khoảng 5 tiếng mới tới nơi.

Sự háo hức của Mai hoàn toàn xứng đáng khi ngôi làng hiện ra đẹp lung linh đúng như những gì cô từng nhìn thấy trên báo chí hay các phương tiện truyền thông.

Đặc biệt khi đêm xuống, Làng Tuyết huyền ảo như chốn cổ tích bởi được thắp sáng bởi những ngọn đèn lồng xanh đỏ mang không khí đặc trưng lễ hội cuối năm và nét văn hóa của người dân sống ở khu vực Đông Bắc.

Tới đây, du khách có thể trải nghiệm ăn lẩu trong nhà hàng xây hoàn toàn bằng băng tuyết. Đó là món lẩu cay đặc trưng của người Trung Quốc với mức giá khoảng 600.000 đồng/khách.

Mai còn trải nghiệm ngồi xe do đàn tuần lộc kéo vào rừng ngắm tuyết. Theo cô, trải nghiệm này rất đáng giá vì không phải ở đâu cũng có với chi phí khoảng 150.000 đồng/người.

Giữa cái lạnh ngoài trời hạ xuống -30 độ C, cô gái Việt cầm bình đựng nước sôi nóng hổi hất thẳng lên trời. Khi gặp lạnh, những hạt nước nóng bỏng đóng băng trong tích tắc, tạo thành hình vòng cung tuyệt đẹp giữa không trung. Để trải nghiệm dịch vụ này, du khách tốn khoảng 60.000 đồng - 100.000 đồng/lượt.

Được biết, hắt nước sôi nóng để chứng kiến cảnh nước đóng băng ngay lập tức là "đặc quyền" chỉ có tại những nơi siêu lạnh trên thế giới. Người dân ở thành phố Mohe thuộc tỉnh Hắc Long Giang hay một số vùng đất thuộc Nga cũng phục vụ dịch vụ này để du khách trải nghiệm.

Theo kinh nghiệm của Mai, thời điểm đẹp nhất để tới Làng Tuyết vào khoảng cuối tháng 12 hàng năm. Lúc này tuyết rơi khá nhiều và những điểm du lịch trong làng đều hoàn thiện để đón khách. Du khách có thể kết hợp tới trải nghiệm rồi ở lại đón Giáng Sinh và chờ năm mới.

Do nhiệt độ hạ sâu nên du khách cần chuẩn bị kỹ trang phục gồm quần áo giữ nhiệt, mũ lông, găng tay, áo lông vũ. Nếu có điều kiện, du khách có thể đến nơi rồi mua sắm các bộ đồ phù hợp với nhiệt độ và đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, sạc dự phòng là món vật rất cần thiết mang theo bên mình bởi thời tiết lạnh khiến điện thoại nhanh hết pin, dễ sập nguồn.

Sống ở Cáp Nhĩ Tân hơn một năm và tới thăm nhiều điểm du lịch nhưng Mai chưa từng gặp phải hiện tượng "chặt chém" du khách. Cô nhận thấy các dịch vụ ở đây làm rất tốt, đúng danh xưng của một thành phố du lịch.

Du khách Việt cho rằng để làm được điều này, chính quyền địa phương có sự quản lý rất nghiêm ngặt, đồng thời các hộ kinh doanh phải thực hiện nghiêm túc.

Hướng đến xây dựng một ngôi chùa của người Việt ở Malaysia

Với sự hỗ trợ của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia (VMBIZ) đã tổ chức lễ cúng tiến chuông đồng cho Chùa Ti-Ratana Heights ở thủ đô Kuala Lumpur.

Chuông đồng cao 2,3m, nặng 1,5 tấn được đúc tại Mỹ Đức (Hà Nội) và có giá trị 400.000 Ringgit (tương đương 2 tỷ đồng).

Tham dự buổi lễ, đại diện cho Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia có Tham tán Nguyễn Thanh Bằng, Bí thư thứ nhất Nguyễn Bá Tân. Về phía VMBIZ có Chủ tịch Ngô Sỹ Tuyên cùng nhiều đại diện của cộng đồng Việt Nam cũng như các tăng ni, phật tử gần xa.

Phát biểu tại buổi lễ, trụ trì Chùa Ti-Ratana Heights - sư thầy K.Sri Dhammaratana Nayaka Maha Thera, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo tại Malaysia, bày tỏ vui mừng khi tiếp nhận chiếc chuông đồng, đặt nền tảng ban đầu để cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia chung tay và cùng xây dựng một ngôi chùa tại đây.

Theo sư thầy, với khoảng 10.000 người Việt đang sống và làm việc tại Kuala Lumpur, Chùa Ti-Ratana chắc chắn sẽ trở thành ngôi nhà thứ hai của người Việt - nơi chia sẻ những vui, buồn và hạnh phúc của những người con phải sống và làm việc xa nhà, đồng thời là nơi truyền đạt về Phật pháp cho thế hệ tương lai.

Đại diện cho BAOOV, Tổng thư ký Peter Hồng cho biết, đây là chiếc chuông thứ 92 với sự góp sức của Hiệp hội được đặt tại 92 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chuông đồng là một trong những pháp bảo không thể thiếu tại các chùa ở Việt Nam.

Được biết, vào mỗi cuối tuần, có khoảng 50-70 phật tử Việt Nam thường hay lui tới Chùa Ti-Ratana để nghe giảng giải về Phật pháp và mong có được một địa điểm tôn giáo cho người Việt tại Malaysia.

Bày tỏ BAOOV muốn được góp một phần công sức của mình để biến ước nguyện của phật tử thành hiện thực, ông Peter Hồng đồng thời hy vọng trong 2-3 năm tới, ước mơ của người Việt tại Malaysia sẽ được thực hiện.

Chuông đồng được thiết kế 4 mặt, tương trưng cho 4 hướng Đông-Tây-Nam-Bắc với hình trống đồng, bản đồ Việt Nam, hình tượng ngôi chùa và danh sách các nhà hảo tâm.

Trong Phật giáo, tiếng chuông mang nhiều ý nghĩa khác nhau, làm thức tỉnh, sớm giác ngộ, thôi thúc những điều tốt đẹp trong mỗi con người, hướng đến cái thiện. Hơn thế nữa, tiếng chuông chùa còn làm tăng thêm sự uy nghi, linh thiêng của nhà Phật.

Ở nơi đất khách, ngôi chùa tâm linh của nước nhà thực sự cần thiết đối với những người con xa xứ. Với họ, mái chùa quê hương không chỉ đơn thuần là nơi cử hành nghi lễ tôn giáo, mà còn là nơi bảo bọc, sưởi ấm trái tim.

Nguồn: Quê Hương Online; Báo Tin Tức; Dân Trí; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang