Mỹ: Ứng phó công nghệ AI; Châu Á chỉ là hàng rào lưới; Trump tranh thủ tranh cử; Dòng chảy thương mại tái định hình; Trừng phạt Iran

AI ĐE DỌA VIỆC LÀM, MỸ LOAY HOAY TÌM CÁCH ỨNG PHÓ

Nhiều chuyên gia trên toàn cầu đang lo ngại AI có thể thay thế phần lớn công việc của con người trong vài năm tới, khiến hàng triệu người mất việc.

Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu đang đồng loạt đưa ra cảnh báo sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tác động sâu sắc đến thị trường lao động.

Cụ thể, những đột phá mới AI có thể thay thế phần lớn công việc của con người trong vài năm tới, khiến hàng triệu người có thể mất việc. Đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo sự phát triển của AI có thể ảnh hưởng đến khoảng 40% việc làm trên toàn thế giới, đồng thời cho rằng xu hướng này có thể sẽ "khoét sâu" thêm sự chênh lệch giàu nghèo.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về tác động của AI đối với thị trường lao động và sinh kế của người Mỹ, chính quyền thành phố Stockton, Mỹ - đã khởi xướng chương trình thí điểm nhằm cung cấp nguồn thu nhập được đảm bảo cho một số người dân.

Cụ thể, trong 2 năm qua, 125 cư dân có thu nhập thấp được chọn ngẫu nhiên tại đây, đã được cung cấp mỗi tháng 500 USD (tức gần 13 triệu đồng) mà không kèm theo bất cứ điều kiện ràng buộc nào.

Kết quả ban đầu cho thấy, những người nhận được tiền đã cải thiện đáng kể triển vọng việc làm và sự ổn định tài chính, đồng thời duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn.

Ngoài ra, hàng chục thành phố trên khắp nước Mỹ cũng đã bắt đầu thử nghiệm các chương trình thu nhập được đảm bảo trong những năm gần đây, hầu hết đều được tài trợ bởi các tổ chức phi lợi nhuận.

NƯỚC MỸ DƯỚI THỜI BIDEN CHỈ XEM CHÂU Á NHƯ HÀNG RÀO ‘LƯỚI’

Trong nhiều thập niên, chính sách của Mỹ ở châu Á dựa vào cái được gọi một cách không chính thức là hệ thống “trục và nan hoa” của các liên minh song phương. Nhưng gần đây, các quan chức Mỹ đã sử dụng một cách so sánh khác để mô tả tầm nhìn của họ đối với khu vực: một hàng rào lưới.

Nghe có vẻ chỉ là một sự điều chỉnh mang tính ẩn dụ, nhưng các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng nó có thể có ý nghĩa lớn khi họ cố gắng tạo ra một kế hoạch lâu dài để ứng phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Theo khuôn khổ cũ, Hoa Kỳ, siêu cường quân sự toàn cầu, đóng vai trò là trung tâm và các đồng minh châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, đóng vai trò là nan hoa.

Các nan hoa không liên kết với nhau. Nhưng động lực đó đang thay đổi, khi một số đồng minh và đối tác lớn của Hoa Kỳ liên kết lại xung quanh cái mà họ gọi là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Những gì các quan chức Mỹ hình dung không phải là một liên minh hiệp ước đa phương như NATO. Các nhà phân tích từ lâu đã cho rằng một khuôn khổ an ninh như vậy là không thể ở châu Á, do các lợi ích cạnh tranh và sự thù địch lịch sử sâu sắc, ngay cả giữa các đồng minh của Mỹ.

Thay vào đó, mục tiêu là giúp tạo ra ngày càng nhiều các mối liên kết củng cố lẫn nhau giữa các quốc gia có cùng quan điểm, cùng nhau tạo thành một hàng rào – hay nói cách khác là một mạng lưới.

Hội nghị thượng đỉnh ba bên

Chiến lược mạng lưới đã được thể hiện vào tuần trước, khi ông Biden tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên.

Cuộc gặp gỡ có giá trị biểu tượng quan trọng. Một tuyên bố chung bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về thái độ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Trung Quốc đang cố gắng đẩy mạnh các yêu sách lãnh thổ của mình đè bẹp các yêu sách lãnh thổ của Nhật Bản và Philippines.

Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng cam kết hỗ trợ thêm cho các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Philippines và tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng các cuộc tập trận chung trong khu vực với sự tham gia của ngày càng nhiều đối tác trong những năm gần đây.

Tại cuộc gặp riêng giữa ông Biden và ông Kishida, Mỹ và Nhật đã công bố hàng chục thỏa thuận song phương liên quan đến hợp tác quốc phòng, bao gồm kế hoạch cho phép các lực lượng Mỹ và Nhật Bản hợp tác chặt chẽ hơn trong một cuộc xung đột tiềm ẩn.

Theo một quan chức chính quyền Hoa Kỳ, người đã nói chuyện với các phóng viên trong cuộc họp báo, các cuộc gặp này là bằng chứng cho thấy kế hoạch châu Á của ông Biden đang có hiệu quả.

“Lý thuyết của (Biden) là nếu Hoa Kỳ tái đầu tư vào các liên minh và quan hệ đối tác của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… thì những đồng minh và đối tác đó sẽ sát cánh cùng nhau theo những cách giúp chúng tôi được trang bị tốt hơn nhiều để hoàn thành các mục tiêu của mình,” quan chức Hoa Kỳ nói.

Quan chức này nói thêm, không nơi nào lý thuyết này được chứng minh tốt hơn so với liên minh giữa Mỹ và Nhật, nơi ông Kishida “tiến lên và bước vào thế giới nhiều hơn bất kỳ ai thực sự có thể tưởng tượng”.

Nhật đóng vai trò chủ chốt

Khi Nhật Bản nới lỏng các biện pháp kiềm chế theo chủ nghĩa chủ hòa của họ, quốc gia này đã trở thành một nước đóng vai trò quan trọng trong an ninh khu vực. Nhật Bản đã tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, chuyển sang mua phi đạn có thể tấn công các quốc gia khác và ban hành những thay đổi về mặt pháp lý cho phép nước này xuất khẩu vũ khí dễ dàng hơn.

Nhật Bản hiện tham gia sâu vào nhiều diễn đàn do Mỹ dẫn đầu, bao gồm Đối thoại An ninh Bốn bên, một liên minh không chính thức bao gồm Australia và Ấn Độ, và Nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến, ngày càng tập trung vào Trung Quốc.

Tuần trước, Anh, Mỹ và Australia tuyên bố đang xem xét hợp tác với Nhật Bản thông qua hiệp ước an ninh AUKUS. NATO, liên minh quân sự châu Âu, cũng đã mở rộng hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Ông Daniel Russel, phó chủ tịch tổ chức Asia Society và là cựu quan chức hàng đầu về châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nói: “Nhật Bản ngày nay không còn là quốc gia nhút nhát và hướng nội, trông cậy vào chủ nghĩa hòa bình và sức mạnh của Mỹ để bảo vệ nước này khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài”.

Một trong những bước phát triển quan trọng nhất trong khu vực là việc cải thiện mối quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc, vốn đã căng thẳng từ lâu vì các vấn đề liên quan đến việc Nhật Bản chiếm đóng thuộc địa Hàn Quốc. Dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, hiện nay hai nước thường xuyên tham gia các cuộc tập trận với Mỹ. Năm ngoái, ba nước đã công bố một hệ thống mới để chia sẻ dữ liệu cảnh báo phi đạn của Triều Tiên trong thời gian thực.

Có hiệu quả không?

Rất ít nhà quan sát phủ nhận rằng những thay đổi lớn đang diễn ra khi các nước phản ứng trước một Trung Quốc hùng mạnh hơn. Nhưng sự thay đổi chiến lược hướng tới Hoa Kỳ còn lâu mới được nhất trí.

Ông Van Jackson, giảng viên tại Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand, nói: “Hầu hết các chính phủ trong khu vực đều đang phòng ngừa rủi ro, thừa nhận thực tế rằng Trung Quốc là đối tượng lâu dài và trung tâm của nền kinh tế chính trị châu Á”.

Theo một cuộc khảo sát được Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore công bố trong tháng này, nhận thức của các nước Đông Nam Á về Hoa Kỳ đã trở nên tồi tệ hơn trong năm qua.

Cuộc khảo sát Tình hình Đông Nam Á hàng năm đều đặt ra những câu hỏi tương tự cho một nhóm chuyên gia và quan chức chính phủ.

Hơn một nửa, 51% số người được hỏi ở Đông Nam Á cho biết họ sẽ đứng về phía Trung Quốc thay vì Mỹ nếu buộc phải lựa chọn. Đây là lần đầu tiên cuộc khảo sát cho thấy sự ưa thích dành cho Trung Quốc.

Theo cuộc thăm dò, một trong những phàn nàn chính là sự hoài nghi về sự tham gia kinh tế của Hoa Kỳ. Sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào năm 2017, nhiều người ở châu Á đã đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ có cam kết tự do thương mại như trước đây hay không.

Các quan chức của ông Biden không đồng ý về quan điểm đó, coi Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay IPEF, như một đối trọng với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Nhưng IPEF khác với các hiệp định thương mại tự do truyền thống ở chỗ nó không mang lại khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn hoặc giảm thuế quan - những lĩnh vực không còn được coi là an toàn trong bối cảnh chính trị nội bộ của Hoa Kỳ. Bất chấp điều đó, ông Trump đã thề sẽ dẹp IPEF nếu đánh bại ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.

Theo ý kiến của ông Philip Turner, nguyên là một nhà ngoại giao New Zealand, IPEF dường như đã thất bại phần lớn.

Ông Turner, người gần đây nhất giữ chức đại sứ New Zealand tại Hàn Quốc, cho biết: “Nhiều nước châu Á và các nước trong khu vực như Australia và New Zealand đã chỉ ra rằng việc Mỹ không cam kết về mặt kinh tế với khu vực sẽ làm suy yếu các tuyên bố của nước này đối với vai trò lãnh đạo khu vực”.

Ông Turner nói thêm, mặc dù khu vực đang ngày càng lo ngại về sự trỗi dậy và thái độ của Trung Quốc, nhưng rất ít quốc gia châu Á ủng hộ các nỗ lực ngăn chặn sự tăng trưởng của Trung Quốc.

Ông nói: “Họ muốn Hoa Kỳ bước xuống từ việc ép buộc kinh tế cao độ chống lại Trung Quốc và tìm cách hòa hợp với nhau mà không xảy ra xung đột”.

RA TÒA XÉT XỬ, TRUMP VẪN TRANH THỦ VẬN ĐỘNG TRANH CỬ

Từ phòng xử án ở New York, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ghé thăm một cửa hàng ở thành phố này để "tranh thủ" vận động tranh cử trong khi đang bị xét xử hình sự.

Ông Trump ngày 16/4 đã ghé thăm cửa hàng tiện lợi Sanaa ở quận Manhattan, New York. Các trợ lý của ông cho biết, cựu Tổng thống chọn cửa hàng này vì đây là địa điểm xảy ra vụ tấn công bạo lực nhằm vào một nhân viên hồi năm 2022. Công tố viên quận, người hiện phụ trách truy tố ông, khi đó đã bị công chúng chỉ trích vì cách xử lý vụ việc.

Chuyến thăm này là lần xuất hiện đầu tiên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump kể từ khi phiên tòa xét xử hình sự ông bắt đầu hôm 15/4 và dự kiến kéo dài tới tháng 5.

Các công tố viên cáo buộc ông Trump làm giả hồ sơ để che đậy khoản chi 130.000 USD cho ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels vào cuối chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Khoản tiền này được cho là nhằm mua chuộc sự im lặng về mối quan hệ bí mật mà cô khẳng định đã có với ông Trump, điều mà cựu Tổng thống phủ nhận.

Ông Trump sẽ bị giới hạn trong phòng xử án trong hầu hết các ngày, bao gồm cả việc di chuyển và khả năng vận động tranh cử, gây quỹ, thực hiện các kêu gọi. Ông Trump rất bức xúc vì phiên tòa cản trở ông thực hiện hoạt động tranh cử tổng thống và đã đề xuất lùi ngày xét xử nhưng không được chấp thuận.

Các trợ lý của ông Trump đã lên kế hoạch cho các cuộc vận động và sự kiện chính trị khác vào các ngày thứ Tư và cuối tuần. Các kế hoạch cũng bao gồm việc Trump có thể xuất hiện nhiều hơn tại địa phương sau khi phiên tòa tạm nghỉ mỗi ngày.

Trong khi đó, đối thủ chính của ông là đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tích cực tiến hành các cuộc vận động cử tri và đã vừa thực hiện vận động tranh cử ở Pennsylvania, một bang chiến trường vào ngày 16/4.

Ông Trump và ông Biden dự kiến sẽ đối đầu trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, phiên tòa của ông Trump ở New York, vốn đánh dấu lần đầu tiên một cựu tổng thống Mỹ bị xét xử hình sự, có thể ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc tranh cử này của ông.

LIÊN MINH MỸ - ANH “RA ĐÒN” VỚI KIM LOẠI NGA, TRUNG QUỐC ĐÓN NHẬN: DÒNG CHẢY THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU TÁI ĐỊNH HÌNH

Các lệnh trừng phạt của Mỹ và Anh đối với kim loại của Nga sẽ củng cố vị thế của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh trở thành người mua cuối cùng của Moscow đối với các mặt hàng quan trọng.

Hãng tin Bloomberg ngày 15/4 đưa tin, lệnh cấm mới đây của Sàn giao dịch Kim loại London (LME) đối với nhôm, đồng và niken mới sản xuất của Nga có thể sẽ khiến nhập khẩu của Trung Quốc tăng cao hơn nữa.

Động thái này cũng khiến Sàn giao dịch Tương lai Thượng Hải (SHFE) trở thành sàn giao dịch hàng hóa lớn duy nhất trên thế giới chấp nhận vận chuyển ba kim loại này của Nga, nâng cao vai trò của SHFE như một địa điểm định giá các nguyên liệu quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Wang Rong - nhà phân tích cấp cao của công ty môi giới Guotai Junan có trụ sở tại Thượng Hải - cho biết: "Tính thanh khoản của kim loại Nga tại thị trường châu Âu và Mỹ có thể tiếp tục giảm và dòng chảy thương mại toàn cầu cũng sẽ được định hình lại".

Theo Bloomberg, các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngành năng lượng Nga sau khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng nổ đã có tác động đáng kể đến thói quen mua hàng của Trung Quốc.

Nga đã vượt qua Ả Rập Saudi để trở thành nguồn nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Trung Quốc vào năm ngoái. Nga hiện cũng đứng thứ 2 về than và có khả năng trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho Bắc Kinh trong năm nay.

Ngay cả khi không có lệnh trừng phạt chính thức, nhập khẩu nhôm Nga của Trung Quốc vẫn đạt mức kỷ lục. Công ty nhôm khổng lồ United Co. Rusal International PJSC của Nga đã tạo ra 23% doanh thu từ Trung Quốc vào năm ngoái, so với chỉ 8% vào năm 2022. Rusal cũng đã mua 30% cổ phần trong một nhà máy luyện nhôm của Trung Quốc để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu chính trong bối cảnh gián đoạn do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra.

Theo đại diện công ty Guotai Junan, các biện pháp trừng phạt mới sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa hoạt động xuất khẩu kim loại của Nga sang các nước ngoài khu vực quyền hạn của Mỹ và Anh, đặc biệt là Trung Quốc.

Nguồn cung bổ sung cũng sẽ khuyến khích xuất khẩu kim loại được sản xuất tại Trung Quốc do có nhiều nguồn nguyên liệu hơn trong biên giới nước này. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất đồng và nhôm tinh chế lớn nhất thế giới, và là nhà sản xuất niken hàng đầu thông qua hoạt động đầu tư tại Indonesia, nhà môi giới Wang cho biết.

Bỏ qua đồng đô la Mỹ

Theo Bloomberg, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã lợi dụng liên minh chiến lược của Bắc Kinh với Moscow để có được chiết khấu khi mua các nguyên liệu thô quan trọng, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và bỏ qua đồng đô la - loại tiền tệ thường được dùng để thanh toán trong giao dịch quốc tế.

Điều đó đã giúp Trung Quốc - nước mua hàng hóa lớn nhất thế giới – tránh được tác động lạm phát của cuộc chiến ở Ukraine, cũng như thúc đẩy mong muốn của Bắc Kinh nhằm vô hiệu hóa đồng bạc xanh với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, ngày càng có nhiều lô hàng từ Nga xuất hiện vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang quá trì trệ đã gây ra những vấn đề riêng. Các nhà giao dịch kim loại Trung Quốc đã gặp khó khăn vào năm ngoái do nhu cầu yếu và những dấu hiệu phục hồi trên thị trường đối với các mặt hàng như đồng mới chỉ xuất hiện gần đây.

Triển vọng nguồn cung bổ sung của Nga hướng tới Trung Quốc đã làm gia tăng chênh lệch giữa hai sàn giao dịch ở London và Thượng Hải trong phiên giao dịch kim loại sớm vào ngày 15/4. Trong khi giá nhôm trên LME tăng vọt tới 9,4%; thì phản ứng tại SHFE lại trầm lắng hơn, với mức tăng giá được giới hạn ở mức 2,9% so với mức đóng cửa ngày 12/4.

Theo Bloomberg, Trung Quốc từ lâu đã tìm kiếm sức mạnh định giá lớn hơn đối với hàng hóa toàn cầu do nước này phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Tại SHFE, các hoạt động giao dịch sẽ diễn ra rất phức tạp do các lệnh trừng phạt mới, sẽ cho phép kim loại cũ của Nga tiếp tục được chuyển đến LME - sàn giao dịch tiêu chuẩn của thế giới, cũng như tới Sàn giao dịch Hàng hóa Chicago (CME) - sàn giao dịch hàng đầu ở Mỹ.

MỸ LÊN KẾ HOẠCH TRỪNG PHẠT IRAN

Thứ Ba, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, Mỹ có ý định áp đặt lệnh trừng phạt mới lên Iran trong những ngày tới.

Trong một cuộc họp báo bên lề cuộc gặp giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới tại Washington, bà Yellen đã phát biểu: “Về các lệnh trừng phạt, tôi tin rằng chúng tôi sẽ áp đặt những lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran trong những ngày tới”.

“Chúng tôi không đưa ra thông tin trước về các biện pháp trừng phạt của mình. Tuy nhiên trong những thảo luận mà tôi đã tham gia, mọi lựa chọn nhắm gián đoạn việc Iran đầu tư tài chính cho khủng bố đều tiếp tục có vẻ khả thi”.

Bà cho biết, Bộ Tài chính Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ đã từng có những bước hạn chế hành vi “phi ổn định hóa” của Iran thông qua gây ảnh hưởng lên khả năng xuất khẩu dầu của nước này. “Iran rõ ràng đang tiếp tục xuất khẩu dầu. Chúng tôi vẫn còn nhiều quyết định có thể đưa ra. Tôi không muốn bình luận sớm về các hoạt động trừng phạt, nhưng tất nhiên đây là một phương diện mà chúng tôi có thể tận dụng”.

Một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, bộ này đang cố gắng kêu gọi sự ủng hộ từ Trung Quốc và các nước đối tác trong nhóm G7 cũng như các nhà cung cấp lớn trên thế giới nhằm bào mòn khả năng xuất khẩu dầu và các thiết bị vi điện tử sử dụng trong các máy bay không người lái – những loại vũ khí đã được sử dụng trong cuộc tấn công nhằm vào Israel và đã được xuất khẩu tới Nga – của Iran.

Quan chức này cho biết, giá dầu tăng vọt phần lớn bắt nguồn từ lo ngại về địa chính trị, không phải do lệnh trừng phạt của Mỹ và nhận định những lệnh trừng phạt trước đây không hề dẫn tới tăng giá dầu.

“Chúng tôi sẽ thảo luận với các nhà cung cấp dầu lớn trên thế giới. Trong đó bao gồm các nước G7; bao gồm Trung Quốc. Tất cả các quốc gia này sẽ có vai trò cần đảm nhiệm nhằm giới hạn khả năng mua hàng hóa nhằm sản xuất vũ khí của Iran”, bà Yellen cho biết.

Trong một bài phát biểu, bà Yellen cho biết, vụ tấn công nhằm vào Israel trong cuối tuần vừa rồi và hoạt động hỗ trợ tài chính cho các tổ chức dân quân tại Gaza, Lebanon, Yemen và Iraq của Iran là mối đe dọa cho nền ổn định của Trung Đông, có thể gây ra ảnh hưởng lan tỏa lên các nền kinh tế khác.

Mỹ đã thường tận dụng trừng phạt kinh tế nhằm cô lập Iran và gián đoạn khả năng đầu tư cho các tổ chức ủy quyền của quốc gia này cũng như ủng hộ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Bộ Tài chính Mỹ đã có hoạt động trừng phạt nhằm vào hơn 500 cá nhân và tổ chức có liên quan tới hoạt động khủng bố hoặc tài trợ khủng bố của chính quyền Iran và các phe ủy quyền kể từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden vào tháng 1/2021.

Những hoạt động này cũng đã nhằm vào chương trình sản xuất tên lửa và máy bay không người lái của Iran, và hoạt động đầu tư cho tổ chức Hamas tại Gaza, Houthi tại Yemen, Hezbollah tại Lebanon và các tổ chức dân quân Iraq khác.

“Từ vụ tấn công trong cuối tuần vừa rồi cho tới những vụ tấn công của Houthi trên Biển Đỏ, các hành động của Iran đe dọa nền ổn định của khu vực và có thể gây ra ảnh hưởng lan tỏa lên nền kinh tế thế giới”.

Trong ngày thứ Bảy, Iran đã phóng hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào Israel, vụ tấn công trực diện đầu tiên nhằm vào quốc gia này của Iran, nhằm đáp trả một vụ không kích bị tình nghi đã được thực hiện bởi Israel nhằm vào khu đại sứ quán của Iran tại Damascus vào ngày 11/4 khiến ba chỉ huy quân sự cấp cao của Iran thiệt mạng.

Quân đội Israel cho biết đã bắn hạ gần như toàn bộ máy bay không người lái và tên lửa, và vụ tấn công đã không gây ra thương vong. Tuy nhiên, vụ việc này đã đẩy cao lo ngại về khả năng nổ ra chiến tranh diện rộng giữa hai kỳ phùng địch thủ này.

Tại Gaza, hơn 33.000 người Palestine đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào Hamas, một chiến dịch nhằm đáp trả việc Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10/2023 khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ 253 người làm con tin.

Yellen cho biết, Washington đang tiếp tục sử dụng các biện pháp kinh tế để đặt áp lực lên Hamas, nhưng khẳng định Bộ Tài chính Mỹ đã nhấn mạnh những lệnh trừng phạt không được ngăn cản hoạt động cứu trợ.

Bà đã kêu gọi đưa ra hành động khẩn cấp để chấm dứt thương vong trong nhóm người Palestine tại khu nội phận này và cho biết toàn bộ dân số với hơn 2 triệu người tại Gaza đang đối mặt với thiếu lương thực trầm trọng, phần lớn dân số đã bị ép buộc sơ tán.

“Mỗi người trong chúng ta có mặt tại những cuộc họp này đều có trách nhiệm làm hết mức có thể để chấm dứt tình hình này”, bà Yellen cho biết.

Yellen cho biết, Washington cũng đang sử dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào các vụ việc bạo lực từ phía người định cư cực đoan tại Bờ Tây và tiếp tục làm việc để đảm bảo khu vực này có hệ thống ngân hàng hoàn chỉnh cũng như ủng hộ chương trình của IMF tại Jordan và Ai Cập.

Nguồn: VTV; VOA; Dân Trí; Soha; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang