Mỹ: Thêm vụ xả súng; Sự thật về Tesla; Thách thức chờ Biden; Cuộc đua vương quyền; 'Hé lộ' trật tự thế giới mới

CALIFORNIA: BẢY NGƯỜI CHẾT Ở VỤ XẢ SÚNG THỨ HAI TRONG VÒNG BA NGÀY

(Ảnh minh hoạ).

Một tay súng đã bắn chết bảy người trước khi bị bắt ở California hôm 23/1, chỉ hai ngày sau vụ xả súng cướp đi sinh mạng của 11 người tại một câu lạc bộ khiêu vũ.

Các cuộc tấn công mới nhất xảy ra tại hai địa điểm riêng biệt ở thành phố ven biển Half Moon Bay, khoảng 50 km về phía nam San Francisco.

Kẻ tấn công được xác định là Zhao Chunli, 67 tuổi, cư dân địa phương.

Vụ việc xảy ra khi tiểu bang California còn đang thương tiếc những nạn nhân đa phần là người gốc Á trong dịp Tết Nguyên đán ở Monterey Park.

Hôm 23/1, các máy quay đã ghi lại hình ảnh nghi phạm khi người này tự thú tại Văn phòng Cảnh sát trưởng Hạt San Mateo khoảng hai giờ sau vụ tấn công.

Bốn nạn nhân đầu tiên được phát hiện tại một trang trại trồng nấm vào khoảng 14:22 giờ địa phương, trong khi ba người còn lại sau đó được tìm thấy tại một công ty vận tải gần đó.

Các nhà chức trách hiện chưa đưa ra động cơ của vụ tấn công này.

Cảnh sát trưởng quận San Mateo, Christina Corpus cho biết trong một cuộc họp báo rằng nghi phạm đã bị bắt sau khi tự lái xe đến đồn cảnh sát địa phương vào khoảng 16:40.

Trên người nghi phạm có một khẩu súng lục bán tự động có thể đã được sử dụng trong vụ tấn công và hiện đang "hợp tác" với cảnh sát, bà Corpus nói thêm.

Bà Corpus cũng cho biết nạn nhân thứ tám đang được điều trị tại bệnh viện và đang trong tình trạng nguy kịch.

"Kiểu xả súng này thật khủng khiếp. Đó là thảm kịch mà chúng ta đã nghe nói đến quá thường xuyên, nhưng hôm nay nó đã xảy ra ở đây, tại Hạt San Mateo.”

Trong một cuộc họp báo, cảnh sát trưởng cũng xác nhận rằng các nhân chứng bao gồm những đứa trẻ mới được nghỉ học và sống ở vùng nông thôn.

"Để trẻ em chứng kiến điều này thật không thể nói thành lời được", bà nói.

Thống đốc bang California Gavin Newsom viết trên Twitter rằng ông "đang ở bệnh viện gặp gỡ các nạn nhân của một vụ xả súng hàng loạt thì tôi bị kéo đi để thông báo về một vụ xả súng khác.

"Lần này là ở Half Moon Bay. Bi kịch nối tiếp bi kịch."

Debbie Ruddock, thành viên Hội đồng Half Moon Bay, nói với NBC rằng các nạn nhân là nông dân Trung Quốc.

Dave Pine, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Hạt San Mateo nói với hãng thông tấn AP rằng các vụ tấn công được thực hiện bởi một "công nhân bất mãn".

"Chúng tôi đau lòng trước thảm kịch ngày hôm nay ở Half Moon Bay," ông Pine nói trong một tuyên bố.

"Tai họa bạo lực súng đạn đã ập đến đây một cách đáng buồn. Chúng ta thậm chí còn không có thời gian để đau buồn cho những người đã mất trong vụ xả súng khủng khiếp ở Monterey Park. Bạo lực súng đạn phải bị chấm dứt."

(Nguồn: BBC)

SỰ THẬT VỀ TESLA: CHỈ LÀ MỘT HÃNG SẢN XUẤT Ô TÔ 'TẦM THƯỜNG' DÙ TỪNG CÓ ĐỊNH GIÁ HƠN 1,2 NGHÌN TỶ ĐÔ?

Không còn giống 1 trong những gã khổng lồ công nghệ vốn phát triển nhanh chóng, Tesla giờ đây giống một công ty sản xuất ô tô bình thường hơn.

Chỉ là một nhà sản xuất ô tô không có gì đặc biệt

1 năm trước, Tesla vẫn là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện với định giá hơn 1,2 nghìn tỷ USD. Không còn giống 1 trong những gã khổng lồ công nghệ vốn phát triển nhanh chóng - cách mà công ty được nhà đầu tư đánh giá cao, Tesla giờ đây giống một công ty sản xuất ô tô bình thường hơn.

Các đối thủ cạnh tranh đã chiếm thêm thị phần bằng những mẫu xe mới mà ở một số khu vực đã vượt trội so với Tesla. Lần gần đây nhất Tesla ra mắt mẫu xe chở khách mới là gần 3 năm trước, một khoảng cách khá xa so với tiêu chuẩn của Detroit. Điều này cho phép người mua cân nhắc thêm nhiều lựa chọn, ở đúng thời điểm mà 1 số người đã chán thương hiệu Tesla, một phần là do việc Musk tiếp quản Twitter.

Tesla từng tự hào về nhu cầu cực kỳ lớn tưởng như vô tận với các sản phẩm của mình. Song, giờ đây, họ đã sử dụng chiến thuật mà các nhà sản xuất ô tô khác từng làm. Trong những tuần cuối cùng của năm 2022, Tesla đã hạ giá xe tới 7.500 USD tại Mỹ để thu hút người mua nhưng vẫn không đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm. Sau đó, hãng lại giảm giá gần 20% cho toàn bộ xe.

Lo ngại rằng Musk đã bị phân tâm với Twitter trong bối cảnh nhiều vấn đề xuất hiện ở Tesla, nhiều cổ đông của công ty đã nổi giận. Trong 1 năm tồi tệ với TTCK, giá cổ phiếu hãng xe điện giảm khoảng 70% so với mức đỉnh, xoá sạch khoảng 850 tỷ USD vốn hoá. Riêng Musk cũng mất hơn 200 tỷ USD. Nếu cổ phiếu Tesla tiếp tục lao dốc, thì tiềm lực tài chính của đế chế kinh doanh mà Musk sở hữu cũng bị ảnh hưởng.

Một trong những đám mây đen nhất đang hiện ra ở Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới và là động lực cho phần lớn đà tăng trưởng của Tesla trong 3 năm qua. Nguồn tin thân cận cho biết, vào cuối năm 2022, công ty đã thu hẹp quy mô của 1 số kế hoạch mua pin cho năm 2023 khi nhu cầu tại quốc gia tỷ dân sụt giảm.

Tesla hạ giá 2 mẫu xe phổ biến nhất ở Trung Quốc đến khoảng 13%, sau khi doanh số bán xe do hãng sản xuất tại Thượng Hải sụt giảm trong tháng 12. Thị phần của Tesla trên thị trường xe điện của Trung Quốc đã giảm vào năm ngoái, khi BYD vươn lên dẫn đầu. Nhà máy của Tesla ở Thượng Hải là nhá máy lớn nhất của công ty tính theo sản lượng, chiếm hơn 1 nửa số xe điện mà Tesla đã giao vào năm ngoái.

Andy An - CEO điều hành thương hiệu xe điện Zeekr của Zhejiang Geely, cho hay: "Tesla đã hiểu sai về điều mà người tiêu dùng Trung Quốc muốn." Thiết kế nội thất của Tesla không đem lại trải nghiệm cao cấp mà người mua Trung Quốc đang tìm kiếm.

Zeekr là thương hiệu xe điện cao cấp có mẫu 001 cạnh tranh với Model của Tesla. Hãng đã giao gần 72.000 xe vào năm ngoái, tăng từ khoảng 6.000 xe vào năm 2021 - năm mà mẫu xe này vừa ra mắt. Tesla giao 1,3 triệu xe trên toàn thế giới vào năm 2022.

Musk lập luận rằng lãi suất cao hơn đang gây tổn hại đến nhu cầu với cả ô tô và cổ phiếu Tesla. Ông chia sẻ mình vẫn chú ý đến Tesla và chỉ ra các nguyên tắc cơ bản dài hạn của công ty vẫn "cực kỳ vững chắc". Ông cho biết lợi thế chiến lược của Tesla là công nghệ hỗ trợ người lái hiện đại.

Tesla đang thụt lùi?

Trong khi đó, các đối thủ của Tesla đã "vay mượn" rất nhiều từ chiến lược của Tesla khi họ tăng cường sản xuất xe điện. Họ thu hút sự chú ý của người mua bằng các mẫu xe mới, nắm quyền kiểm soát hiệu quả hơn với chuỗi cung ứng của mình và đầu tư mạnh vào các dịch vụ kỹ thuật số.

Ford đã "tấn công" vào thị trường xe điện với mẫu xe Mustang. Ford cũng ưu tiên tung ra phiên bản chạy điện của chiếc xe F-150 được nhiều người biết đến vào năm ngoái, điều này mang lại lợi thế hơn với họ so với Tesla trên thị trường xe bán tải chạy điện. Musk đã nói về xe bán tải trong nhiều năm, nhưng mẫu Cybertruck dự kiến sớm nhất là cuối năm nay mới được ra mắt. Tân binh Rivian cũng "vượt mặt" Tesla với dòng xe bán tải R1T.

Giống nhiều nhà sản xuất ô tô khác, Ford đã tìm cách chiêu mộ nhân tài từ Tesla. Alan Clarke, người làm việc ở Tesla hơn 10 năm, đã chuyển sang Ford vào đầu năm 2022 để thiết kế các bộ phận trong mẫu xe điện sắp ra mắt của công ty.

Vào tháng 12, khi Tesla đang hạ giá xe thì Ford không ngần ngại tăng giá xe bán tải điện F-150 Lightning lần thứ 3 trong năm 2022. Giá khởi điểm cho đơn đặt hàng mới hiện cao hơn 40% so với mức ban đầu.

Tháng trước, trong cuộc khảo sát của J.D. Power, 37% người tham gia cho biết họ sẽ cân nhắc khả năng mua xe điện của Ford, 39% người sẽ mua Tesla và 44% mua Chevrolet. Theo đó, General Motors là thương hiệu đang được người mua cân nhắc nhiều nhất.

Dodge của Stellantis gần đây đã tiết lộ về nguyên mẫu của phiên bản chạy điện của xe chạy xăng Charger - dự kiến sẽ ngừng sản xuất vào cuối năm nay. Dự kiến, mẫu xe này sẽ được bán vào năm 2024.

Tại Mỹ, thị phần của Tesla trên thị trường xe điện đã giảm xuống còn khoảng 65% vào năm 2022 từ mức khoảng 72% của năm trước, theo ước tính từ hãng nghiên cứu thị trường Motor Intelligence. Ford chiếm vị trí thứ 2 với 7,6%.

Ngoài ra, Hyundai và Kia cũng có những mẫu xe điện mới nhận được nhiều đánh giá tích cực. 2 hãng nắm giữ tổng cộng 7,1% thị phần trên thị trường xe điện của Mỹ.

Các startup xe điện trước đây từng được coi là "nhái Tesla" đã vượt mặt hãng ở 1 số lĩnh vực. Lucid - do 1 cựu giám đốc của Tesla điều hành, ra mắt 1 chiếc sedan hạng sang có thể đi được 830 km sau 1 lần sạc. Trong khi đó, mẫu sedan tương tự của Tesla là Model có thể di chuyển hơn 650 km.

Trước đây, những mẫu xe điện ban đầu kém nổi trội như Nissan Leaf và Chevrolet Bolt được ra mắt để thu hút sự chú ý của những người nhạy cảm với vấn đề môi trường. Còn Musk đã lựa chọn sản xuất những chiếc xe sang trọng, chạy bằng pin và tung ra các mẫu xe giá phải chăng và có sức hấp dẫn lớn hơn.

Khi cả ngành ô tô bắt đầu "đuổi theo" Tesla, với việc lên kế hoạch cho những mẫu xe mới, thì Musk lại hướng sự tập trung đến nơi khác. Tesla đã mua 1,5 tỷ USD Bitcoin. Và thay vì tiết lộ về một chiếc ô tô mới, Musk lại hứa hẹn sẽ chế tạo một robot hình người có tên là Optimus.

Tesla đã mất nhiều năm để phát triển một chiếc xe đầu kéo chạy điện. Chiếc xe đầu tiên được giao vào tháng 12 và tương đối thích hợp với thị trường vận tải đường dài.

Trong khi đó, các đối thủ đã tung ra các dịch vụ mới, còn những mẫu xe của Tesla có thể đang dần lỗi thời. Công ty đã nhiều lần trì hoãn việc ra mắt Cybertruck dù mẫu này sẽ đưa số xe chở khách của Tesla lên 5.

Theo Musk, mục tiêu của Tesla là không phải trở thành một công ty ô tô mà sứ mệnh dài hạn của họ là "thúc đẩy sự ra đời của năng lượng bền vững."

Người mua, cổ đông chán nản

Các cổ đông của Tesla đang rất thất vọng về việc Musk tập trung quá nhiều vào Twitter. Trong khi đó, hình ảnh của Tesla đã bị ảnh hưởng khi phong cách lãnh đạo của Musk được thể hiện rõ trong thương vụ tiếp quản Twitter, khiến 1 số người né tránh chọn mua xe Tesla.

Bradley Friesen, ở Vancouver, Canada, đã đặt cọc mua một chiếc Cybertruck vào tháng 12/2019, 2 tuần sau khi Tesla cho ra mắt chiếc bán tải này. 3 năm sau, khi Cybertruck vẫn chưa ra mắt và những bình luận của Musk về Twitter đã khiến Friesen khó chịu. Ông đã thay đổi quyết định và mua chiếc bán tải R1T của Rivian.

Khi Galen Mittermann bắt đầu mua xe điện vào cuối năm 2019, anh đã cân nhắc về Model 3 của Tesla. 2 năm sau đó, số xe điện mà anh có thể lựa chọn đã tăng gấp đôi. Bỏ qua kiểu dáng hiện đại của Tesla, anh đã lựa chọn chiếc Mustang Mach-E của Ford với giá 63.000 USD. Đây là mẫu mà Ford ra mắt để cạnh tranh với Model Y của Tesla vào cuối năm 2020.

Các nhà đầu tư đã rất hào hứng. Cuối năm 2021, cổ phiếu Tesla giao dịch ở mức cao ấn tượng, với P/E 120 và sau đó giảm xuống còn khoảng 24.

Thành công sau những nỗ lực của Tesla đã "châm ngòi" cho một cuộc chuyển đổi lớn nhất ngành sản xuất ô tô của Mỹ kể từ đầu thế kỷ 20, khi dây chuyền lắp ráp chuyển động của Henry Ford mở ra kỷ nguyên sản xuất ô tô hàng loạt. Tính đến năm ngoái, các công ty ô tô và nhà cung cấp của họ đã cam kết chi hơn 525 tỷ USD trên toàn cầu cho đến năm 2026 để chuyển đổi sang xe điện, theo công ty tư vấn AlixPartners.

Trong phần lớn thời gian đại dịch diễn ra, nhu cầu với Tesla luôn tăng cao. Khách hàng phải chờ hàng tháng để mua xe và chủ xe Tesla có thể bán lại với giá cao hơn hàng nghìn USD so với ban đầu.

Theo đó, Tesla đã sản xuất càng nhiều mẫu hiện có càng tốt, thay vì đa dạng hoá các sản phẩm của mình. Vụ đặt cược này đã khiến Phố Wall lo ngại và đặt ra thách thức cho niềm tin lâu nay của ngành là các nhà sản xuất ô tô cần cung cấp nhiều mẫu xe để thu hút người mua.

Hiện tại, Tesla không đạt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2022, với tăng trưởng số xe giao hàng năm đã giảm xuống 40% từ mức 87% vào năm 2021. Công ty cho biết những thay đổi trong cách thức sản xuất và phân phối ô tô đã khiến họ còn nhiều xe tồn kho.

Theo Marc Winterhoff, đối tác tại hãng tư vấn Roland Berger, người đã tư vấn cho 1 số đối thủ của Tesla tại Mỹ, việc Tesla "vấp ngã" đã kéo dài thời gian cho các đối thủ mới nổi của họ.

Trong khi đó, Tesla đã nỗ lực để mở rộng. Musk cho biết, họ sắp chọn được địa điểm đặt nhà máy mới. Nguồn tin thân cận cho biết, Tom Zhu - giám đốc điều hành lâu năm ở Trung Quốc, đã đến Mỹ để tối ưu hoá hoạt động sản xuất trong nước.

Tesla vẫn có những lợi thế riêng

Việc Tesla vẫn dẫn đầu ngành xe điện toàn cầu và là công ty ô tô có giá trị nhất thế giới là điều không cần bàn cãi, ngay cả sau khi cổ phiếu lao dốc. Công ty của Musk sở hữu một chuỗi cung ứng xe điện hoàn chỉnh, dẫn đầu trong nhiều năm về quy mô sản xuất và một mạng lưới độc quyền, có quy mô lớn.

Tính đến cuối năm 2022, Tesla đã có 1,8 triệu ô tô xuất xưởng mỗi năm. Các dự báo của công ty cho thấy có thể phải đến giữa thập kỷ này, GM và Ford mới vượt qua được tốc độ sản xuất xe điện đó.

Tesla vẫn có lãi ở thời điểm mà các đối thủ của họ đang thua lỗ với mỗi chiếc xe điện mà họ bán ra. Dữ liệu của FactSet cho thấy, tỷ suất lợi nhuận hoạt động của Tesla đạt 17% trong quý III, còn GM là 8,1% và Ford là 1,5%, trong khi Rivian và Lucid vẫn chưa có lãi.

Theo Andy An, dù có lợi thế nhưng Tesla không còn là chuẩn mực của ngành như trước đây. Ông nói: "Tesla rất tốt. Nhưng những công ty khác cũng đang thể hiện thế mạnh của mình."

(Nguồn: Soha)

TỔNG THỐNG MỸ JOE BIDEN ĐỐI MẶT LOẠT THÁCH THỨC LỚN TRONG NĂM 2023

(Ảnh minh hoạ).

Tổng thống Joe Biden đối mặt với những thách thức liên quan đến quyền kiểm soát Hạ viện và xung đột Nga - Ukraina trong năm 2023.

Xung đột Nga - Ukraina

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden Mỹ là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraina, cung cấp vũ khí để Ukraina tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên triển vọng hoà bình vẫn u ám khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo cuộc chiến có thể kéo dài.

Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định mục tiêu của Mỹ là giúp Ukraina đẩy lùi quân đội Nga khỏi vùng lãnh thổ mà Mátxcơva đã kiểm soát kể từ tháng 2.2022, ngoại trừ bán đảo Crimea. Trong khi đó, Ukraina tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh giành lại Crimea.

Bên cạnh đó, ông Biden cũng phải tìm cách duy trì liên minh Mỹ và các đồng minh Châu Âu nhằm tăng áp lực với Nga. Phía Châu Âu vẫn thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình với Ukraina, song giá khí đốt, lương thực tăng vọt và nguy cơ suy thoái kinh tế tiếp tục diễn ra trong năm 2023 có thể khiến lãnh đạo các nước phải cân nhắc.

Giải quyết thương mại Mỹ - Trung

Cuộc đối đầu chất bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm trong năm 2022. Những biện pháp hạn chế xuất khẩu từ Mỹ có khả năng cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong giai đoạn cạnh tranh công nghệ tiên tiến.

Tuy các biện pháp của Mỹ có hiệu quả song chỉ ở mức ngắn hạn. Trong khi đó câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là liệu Trung Quốc sẽ trả đũa bằng cách nào và đồng minh của Mỹ sẽ có hành động ra sao.

Bắc Kinh đã đệ đơn khiếu nại việc hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong khi đó, hai quốc gia quan trọng đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu là Hà Lan và Nhật Bản đã đàm phán với chính quyền ông Biden.

Những nỗ lực của Mỹ nhằm tách khỏi ngành công nghệ Trung Quốc đã khiến quan hệ hai cường quốc trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đã cấm nhập khẩu thiết bị viễn thông từ Huawei. Đồng thời, các nhà lập pháp và quan chức an ninh cũng kêu gọi cấm TikTok - ứng dụng có hơn 100 triệu người dùng tại Mỹ.

Kiểm soát vũ khí toàn cầu

Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm các loại vũ khí khiến những nỗ lực của ông Biden trong các cuộc đàm phán hạt nhân rơi vào bế tắc.

Tính đến cuối năm 2022, Triều Tiên đã thực hiện 63 vụ thử tên lửa, trong khi kỷ lục những năm trước chỉ dừng ở mức 25. Đó chính là lý do hàng đầu khiến quan chức Mỹ và Hàn Quốc lo ngại vụ thử hạt nhân lần thứ bảy của Bình Nhưỡng diễn ra vào năm 2023.

Trong khi đó, nhiều khả năng hiệp ước hạt nhân cuối cùng giữa Mỹ và Nga đối mặt tương lai không chắc chắn.

Ngoài ra, các nhà đàm phán Mỹ và Iran đều thừa nhận cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân đã không đạt được sự nhất trí của cả 2 bên. Rob Malley - đặc phái viên của ông Biden về vấn đề Iran - cho biết vấn đề càng trở nên tiêu cực khi Iran sắp có đủ nguyên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân, đồng thời cáo buộc Tehran phá hỏng các thỏa thuận.

Kiểm soát quyền lực trong nước

Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện là thách thức lớn đối với ông Biden. Hạ nghị sĩ Michael McCaul - ứng cử viên tiếp quản Ủy ban Đối ngoại Hạ viện - đã soạn thảo một báo cáo chỉ ra chính quyền ông Biden không lập kế hoạch chi tiết cho cuộc rút quân khỏi Afghanistan. Vị chính trị gia này cũng đổ lỗi cho ông Biden trong vấn đề bỏ rơi các binh sĩ Afghanistan từng hợp tác với Mỹ sau khi Taliban tiến vào Kabul.

(Nguồn: Lao Động)

CUỘC ĐUA VƯƠNG QUYỀN TRONG THẾ CUỘC TOÀN CẦU

Không phải là cuộc đối đầu ý thức hệ nhưng những mâu thuẫn và tranh chấp mang dáng dấp của Chiến tranh lạnh lại đang tái hiện giữa những cường quốc từng hợp tác và phối hợp cùng nhau xử lý các thách thức thời toàn cầu hóa.

Toan tính đằng sau những liên minh

Tháng 12-2021, dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Hội nghị thượng đỉnh thế giới về dân chủ diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Sự kiện được cho là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông Joe Biden đánh dấu sự trở lại của Mỹ sau 4 năm xa cách thế giới trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump. Dưới khẩu hiệu “Vì dân chủ”, hơn 100 khách mời được Washington chọn lựa cẩn thận đã cùng với ông Joe Biden bàn thảo về việc thúc đẩy dân chủ trên thế giới.

Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh dân chủ không đơn thuần chỉ bàn về giá trị dân chủ mà có tham vọng lớn hơn về địa chính trị. Về thực chất, nó phản ánh quan điểm chủ đạo của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong nỗ lực tập hợp một liên minh toàn cầu các nền dân chủ (theo tiêu chí của Mỹ) để chống lại “sự trỗi dậy của Trung Quốc và các hành động khẳng định sức mạnh của Nga”.

Theo thời gian, mục tiêu này từng bước được định hình rõ nét hơn. Chỉ tính riêng trong tháng 10-2022, Mỹ liên tiếp đưa ra các cảnh báo nhằm vào Trung Quốc và Nga. Đầu tiên là hôm 7-10, Mỹ ban hành các hạn chế ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến và những thiết bị được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn, đồng thời yêu cầu các đồng minh của Mỹ cũng phải tuân thủ luật chơi. Tiếp đó, trong Báo cáo Chiến lược an ninh quốc gia năm 2022 công bố ngày 12-10, Mỹ kết luận Nga và Trung Quốc là hai đối thủ, trong đó đối thủ trước mắt là Nga và đối thủ lâu dài là Trung Quốc. Báo cáo khẳng định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế và đang gia tăng sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, công nghệ để thúc đẩy mục tiêu đó”, đặt ra “thách thức địa chính trị lớn nhất đối với Mỹ”.

Không một lời tuyên bố nhưng trên thực tế, thế giới lại bị chia tách làm đôi, không phải theo ý thức hệ như dưới thời Chiến tranh lạnh mà theo các giá trị “dân chủ” và “phi dân chủ” dưới góc nhìn của Mỹ. Vẫn như trước đây, thế cuộc toàn cầu là cuộc cạnh tranh quyết liệt để giành vị trí siêu cường số 1. Trong cuộc đua vương quyền này, Mỹ tìm cách duy trì sự thống trị bằng cách chinh phục các đối thủ cạnh tranh, trước hết là Trung Quốc.

Với sự thay đổi về định vị và chiến lược của Washington, Mỹ và Trung Quốc bước vào cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện, phủ rộng khắp các lĩnh vực, từ kinh tế thông qua chiến tranh thương mại, quân sự đến các lĩnh vực khác như công nghệ, mô hình quản trị, mô hình phát triển, xây dựng giá trị mang tính phổ quát của nhân loại mang “thương hiệu” của mỗi bên. Cạnh tranh diễn ra ở cả cấp độ toàn cầu và khu vực, không chỉ thể hiện tập trung ở khu vực cận biên của nước đối phương như trước mà đã mở ra liên khu vực như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; không chỉ ở trên trời, dưới đất như truyền thống, mà mở ra không gian rộng lớn hơn, đa dạng, phức tạp hơn như trên biển, dưới đáy đại dương, không gian vũ trụ; không chỉ ở không gian thực mà còn trên không gian mạng...

Điểm đáng chú ý trong cuộc cạnh tranh này là thay vì tiếp tục cổ xúy chủ nghĩa biệt lập với quan điểm “nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm Donald Trump, ông Joe Biden chuyển sang khẩu hiệu “nước Mỹ đã trở lại”, tìm cách làm ấm lại mối quan hệ đồng minh với các đối tác ở châu Âu và châu Á. Đối với Tổng thống Joe Biden, mạng lưới liên minh và đối tác rộng lớn là “tài sản chiến lược quan trọng nhất” của Mỹ trong cuộc cạnh tranh ngày càng căng thẳng với các đối thủ lớn. Đó là sự thay đổi lớn so với ông Donald Trump-người tiền nhiệm vốn coi hầu hết đồng minh của Mỹ là “những kẻ ăn bám”. Bên cạnh đó, Washington cố gắng vận động các quốc gia coi cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung là “cuộc đấu tranh giữa dân chủ và chuyên quyền”. Từ đó đẩy nhanh sự định hình của những liên minh mới, thiết lập các cơ chế mới và tạo ra các nền tảng mới để Mỹ có thể thúc đẩy hợp tác và phối hợp nhằm đối đầu, ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc.

“Trận đại chiến” công nghệ

Trước hết là trong lĩnh vực an ninh, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng dưới thời ông Donald Trump tiếp tục được đẩy mạnh. Nổi lên là nỗ lực của Mỹ nhằm tái hồi sinh nhóm “Bộ tứ” gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Diễn đàn còn đang trong giai đoạn manh nha này được Washington thúc đẩy với mục tiêu giúp triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, làm đối trọng với sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc. Washington không muốn chậm chân bởi sáng kiến “Vành đai và con đường” đang được Trung Quốc tích cực triển khai nhằm tạo ra “con đường tơ lụa thời hiện đại”. Trong tương lai, con đường đó vươn tới đâu, tầm vóc và ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ lan tỏa tới đó. Tiếp đó, phá bỏ tiền lệ đã tồn tại hơn nửa thế kỷ, Mỹ quyết định chia sẻ công nghệ động cơ hạt nhân cho Australia theo thỏa thuận an ninh 3 bên gồm Mỹ, Anh, Australia. Cú bắt tay trị giá hàng chục tỷ USD này mở đường cho việc chế tạo 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, động thái được dư luận đánh giá là nhằm lôi kéo Canberra về phía đối đầu với Bắc Kinh.

Trên mặt trận kinh tế, Washington triển khai định hình lại các liên minh và mạng lưới đối tác cùng một lúc theo 3 hướng: Thúc đẩy Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ (TTC)-Liên minh châu Âu (EU) ở hướng Đại Tây Dương, đưa ra Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" (IPEF) ở hướng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đề xuất quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng kinh tế châu Mỹ (APEP) ở hướng Tây bán cầu. Mục tiêu cơ bản của chính quyền Tổng thống Joe Biden là xây dựng một chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp và hệ thống chuỗi giá trị toàn cầu mới, tạo một cục diện “3 mảng lớn” trên thế giới nhằm loại trừ Trung Quốc, thiết lập vị trí trung tâm của Mỹ.

Trong lĩnh vực thương mại, dưới khẩu hiệu “Nếu chúng ta (Mỹ) không tiến lên, họ (Trung Quốc) sẽ ăn mất bữa trưa của chúng ta”, chính quyền của ông Joe Biden tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Nhà Trắng tuyên bố chưa dỡ bỏ các hạn chế thương mại với Trung Quốc vốn được áp đặt dưới thời của ông Donald Trump cho tới khi Washington tiến hành “đánh giá và tham vấn kỹ lưỡng” với các đồng minh. Như vậy, Mỹ tiếp tục duy trì mức thuế cao đánh vào cả trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời, Bắc Kinh phải tiếp tục thực hiện cam kết mua thêm hàng trăm tỷ USD hàng hóa của Mỹ nêu trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký đầu năm 2020.

Nhưng để hạ gục đối thủ, đòn đánh quyết định mà Washington hy vọng là cuộc chiến tranh công nghệ quy mô lớn được Mỹ phát động với một loạt biện pháp kiềm chế, ngăn chặn. “Cuộc chiến” công nghệ này đang làm tái hiện kịch bản “Chiến tranh giữa các vì sao”, một trong những yếu tố từng khiến Liên Xô suy yếu rồi sụp đổ. Theo đó, Mỹ chú trọng đến việc hạn chế dòng chảy công nghệ vào Trung Quốc, tập trung đầu tư vào các công nghệ mới nổi trong thị trường nội địa Mỹ. Cùng với đó, Mỹ đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào “danh sách đen”. Các công ty này muốn mua công nghệ và linh kiện của Mỹ phải được sự chấp thuận của chính quyền Mỹ. Chẳng hạn, các nhà cung cấp trên khắp thế giới sẽ phải dừng bán hàng cho tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc nếu sản phẩm của họ chứa công nghệ Mỹ. Nếu muốn tiếp tục làm ăn với Huawei, các nhà cung cấp này cần phải có giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của điện toán đám mây, máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo, xe điện tự lái cũng như sự phát triển của vũ khí cao cấp và công nghiệp hàng không vũ trụ của Trung Quốc.

Trong “trận đại chiến” công nghệ này, những con chip với công nghệ chế tạo chính xác ở mức chỉ vài nm (1nm = 1 phần tỷ m) được đẩy lên tuyến đầu. Để phong tỏa công nghệ sản xuất chip cao cấp của Trung Quốc, Washington gây áp lực buộc Công ty ASML của Hà Lan không được bán các máy in thạch bản (quang khắc) độc quyền cho Trung Quốc. Tiếp đó, chính quyền của ông Joe Biden thông qua Luật Chip. Theo đó, các nhà sản xuất Mỹ được chính phủ trợ cấp không được phép đầu tư vào sản xuất chip cao hơn 28nm ở Trung Quốc trong vòng 10 năm. Cuối cùng, tận dụng ưu thế công nghệ của mình, Mỹ gây sức ép với Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc thành lập “liên minh chip 4 bên”, được mô tả đóng vai trò như “chuỗi đảo đầu tiên” phong tỏa về công nghệ nhằm loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung đang diễn ra gay gắt. Nó cho thấy thế giới đang trong quá trình hình thành cấu trúc trật tự mới. Trật tự này không còn là đơn cực nhưng vẫn chưa phải đa cực. Sức mạnh của Mỹ trong tương quan so sánh với phần còn lại của thế giới không còn cho phép Mỹ có khả năng áp đặt thế giới theo ý chí của riêng mình, nhưng sự ra đời và tồn tại của các trung tâm quyền lực khác như: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, EU... vẫn chưa đủ khả năng định hình trật tự đa cực. Trước mắt, trạng thái “nhất siêu, đa cường” vẫn tiếp tục chi phối thế giới trong thời gian dài.

(Nguồn: CAND)

"HÉ LỘ" TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI

(Ảnh minh hoạ).

Trong trật tự thế giới mới, sân khấu và dàn diễn viên không khác bản chất, nhưng nhân vật chính của vở kịch địa chính trị toàn cầu sắp đổi vai.

Trung Quốc đã và đang cùng một số đồng minh tiến hành nhiều hoạt động chiến lược, kể cả trong lĩnh vực dầu mỏ nhằm tìm cách làm giảm vị thế của Mỹ để lập lại trật tự thế giới.

Dấu mốc 120 năm

Với tốc độ phát triển kinh tế thần tốc hơn 3 thập kỷ qua, Trung Quốc đang có cơ hội vượt Mỹ trở thành cường quốc số 1 thế giới vào thời điểm nào đó sau năm 2030. Trên thực tế, Bắc Kinh đã tập dượt, tự thử thách chính mình trong nhiều sự kiện cụ thể.

Còn nhớ hồi tháng 3/2021, Mỹ và Trung Quốc tổ chức hội đàm ở Alaska. Tờ People’s Daily đã ghép bức hình minh họa so sánh cuộc gặp gỡ này với buổi lễ ký kết Hiệp ước Tân Sửu vào năm 1901. Thời điểm đó, Triều đình nhà Thanh bất đắc dĩ thừa nhận sự có mặt của “bát quốc liên minh” trên lãnh thổ của mình.

Đúng 120 năm sau tại Alaska, những đại diện Trung Quốc gồm Ủy viên Quốc vụ Viện Dương Khiết Trì cùng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đối đáp không e ngại với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan.

Trong lịch sử ngoại giao Mỹ - Trung, chưa khi nào Bắc Kinh tự tin đến như vậy. Cuộc gặp dự kiến giành 2 phút mở đầu cho mỗi bên. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ nói tới 10 phút về Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan; lập tức ông Dương Khiêt Trì đáp trả tới 20 phút.

Người Trung Quốc không chấp nhận bang giao với Mỹ ở thế “cửa dưới” và họ yêu cầu được đối xử như một cường quốc thực sự. Cuối cùng, đôi bên ra về mà không nhượng bộ nhau bất cứ chi tiết kỹ thuật nào. Đây được xem là khoảnh khắc đánh dấu sự trỗi dậy sau 120 năm “dấu mình chờ thời”.

Cuộc khẩu chiến vô tiền khoáng hậu này lại diễn ra đúng dịp kỷ niệm tròn 1 thế kỷ ra đời Đảng cộng sản Trung Quốc (1921 - 2021). Truyền thông nhà nước Trung Quốc coi đây như là “vĩ thanh” với thế giới, để chứng minh rằng: họ có quyền và lực để duy trì và phát triển các giá trị riêng biệt.

Khổ luyện để thành tài

Hai thập niên đầu của thế kỷ 21, chúng ta đã chứng kiến 2 lần Trung Quốc hé lộ tham vọng phá vỡ trật tự thế giới. Lần thứ nhất diễn ra sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, các ngân hàng Trung Quốc tung hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ cho vay, tái thiết tận trung tâm tài chính, kinh tế của phương Tây.

Lần thứ hai từ năm 2017, thời điểm ông Tập Cận Bình triệu tập cuộc họp ở Bắc Kinh gồm đại diện 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, chính thức công bố dự án cơ sở hạ tầng liên lục địa “Một vành đai, Một con đường” với khoản giải ngân ban đầu 124 tỷ USD.

Hai bước tiến này khiến phương Tây choáng ngợp. Khi cơ chế phản ứng của Mỹ và Châu Âu gióng hồi chuông cảnh báo thì chân rết Trung Quốc đã cắm chặt ở Trung Á, Nam Á, Trung Đông, châu Phi, Nam Âu, Nam Thái Bình Dương. Điều đáng nói là không một ai biết chính xác hiện nay Trung Quốc có bao nhiêu đồng minh, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện. Bởi vì, Trung Quốc thường nhắm đến các nước nghèo, kém phát triển với đa phần thỏa thuận bí mật, cùng một công thức “cho vay - bao thầu - đổi tài nguyên”. Dòng tiền của Trung Quốc chuyên chở cả nhân lực, thiết bị, công nghệ, văn hóa, tín ngưỡng…

Năm 2021, Trung Quốc tiếp tục thử thách chính mình bằng chính sách “zero COVID”, họ tỏ ra thân thiết với WHO và trúng thầu hàng loạt hợp đồng cung ứng vaccine, thiết bị y tế. “Cánh tay” vững chãi của Trung Quốc đã vươn ra từ châu Á, góp phần giải cứu thế giới, xử lý vấn đề toàn cầu mà trước đây người Mỹ vô đối.

Trung Quốc tận dụng rất tốt khủng hoảng địa chính trị Đông Âu để xen vào giữa quan hệ Mỹ - OPEC; Mỹ- Nga. Bắc Kinh lúc này đang chủ trì “bàn dài” giúp Nga - Iran - Trung Đông - Trung Á liên kết thành một khối. Nếu Mỹ không tìm cách đối trọng, vị thế của nước này sẽ có nguy cơ suy giảm trên “bàn cờ” thế giới.

(Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

(Xem thêm:

=> Mỹ: Hậu đại dịch; Vụ xả súng gây rung chuyển; Đồng USD 'bẫy' NĐT; Thêm tài liệu mật của Biden; 'Hết' dư địa cấm vận Nga ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang