Mỹ: Kinh tế hạ nhiệt; 'Yếu tố X' tác động bầu cử; Thêm bước lùi cho Trump; Đa dạng nguồn khoáng sản; Kêu gọi bầu cử mới ở Israel

KINH TẾ MỸ CÓ DẤU HIỆU HẠ NHIỆT

Doanh số bán lẻ của Mỹ phục hồi ít hơn dự kiến trong tháng Hai. Điều này cho thấy chi tiêu tiêu dùng chậm lại trong quý I/2023 giữa bối cảnh lạm phát gia tăng và chi phí vay vẫn cao.

Các dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế chậm lại khó có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất trước tháng Sáu khi các số liệu khác ngày 14/3 cho thấy giá sản xuất tháng trước tăng cao hơn dự kiến. Một báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá sản xuất đã tăng 0,6% trong tháng Hai sau khi tăng 0,3% trong tháng Một.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ đã tăng 0,6% trong tháng trước, nhờ doanh thu tại các đại lý xe và phụ tùng tăng 1,6%. Doanh thu trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống đã tăng 0,4% trong tháng Hai sau khi giảm 1% trong tháng Một. Các nhà kinh tế coi việc đi ăn hàng là một chỉ số quan trọng về tài chính hộ gia đình. Các hộ gia đình ngày càng tập trung vào những nhu cầu thiết yếu và cắt giảm chi tiêu tùy ý.

Số liệu về lượng tồn kho kinh doanh không thay đổi đáng kể trong tháng Một đã khiến Fed chi nhánh Atlanta hạ ước tính tăng trưởng GDP quý I xuống từ 2,5% xuống 2,3%. Trong quý IV/2023, kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,2% nhờ chi tiêu của người tiêu dùng.

Fed đã tăng lãi suất chính sách lên 5,25 - 5,5% và dự kiến sẽ bắt đầu giảm chi phí đi vay vào tháng Sáu.

Stephen Juneau, nhà kinh tế tại tổ chức tài chính Bank of America Securities, cho rằng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm vào tháng Sáu. Tuy nhiên dữ liệu lạm phát sắp tới cần cải thiện nhiều hơn để Fed có đủ niềm tin để bắt đầu hạ lãi suất.

NHỮNG "YẾU TỐ X" CÓ THỂ TÁC ĐỘNG CUỘC TÁI ĐẤU BIDEN - TRUMP

Giới phân tích cho rằng, có một số yếu tố X có thể giúp xác định ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc tái đấu dự kiến giữa ông Trump và ông Biden vào tháng 11 tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đã giành đủ số đại biểu trong vòng sơ bộ để có thể trở thành đại diện hai đảng của họ ra tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Dù cả ông Biden và ông Trump vẫn chưa chính thức được chọn là ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ và Cộng hòa cho đến ngày bỏ phiếu tại các đại hội toàn quốc của hai đảng này vào mùa hè tới, nhưng mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc tái đấu được xem là đầy "duyên nợ" này.

Và theo các chuyên gia, có một số yếu tố X mang tầm ảnh hưởng then chốt trong việc xác định ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Cử tri không phải da trắng

Đảng Dân chủ hiện đã mất chỗ đứng trước cử tri da màu và gốc Tây Ban Nha, đặc biệt là nam giới. Nhiều cuộc thăm dò cho thấy, ông Trump nhận được sự ủng hộ của người da màu nhiều gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba lần so với con số ông nhận được vào năm 2016.

Nếu điều đó thực sự xảy ra, cùng với sự thay đổi rõ ràng về phía cánh hữu của người gốc Tây Ban Nha trong các cuộc bầu cử gần đây, nó sẽ gây cản trở đáng kể con đường tiếp tục ở lại Nhà Trắng của ông Biden.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là liệu cử tri da màu hay gốc Tây Ban Nha có ủng hộ ông Trump hay không mà là liệu họ có ý định bỏ phiếu hay không. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp ngay trong đảng Dân chủ có thể là "kẻ thù" tồi tệ nhất của Tổng thống Biden.

Ký ức của người Mỹ

Liên tục trong những tuần gần đây, các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ người Mỹ tán thành nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump cao hơn bao giờ hết.

Việc hình ảnh các cựu tổng thống được cải thiện là điều bình thường khi họ mãn nhiệm. Nhưng đó thường là do ký ức mờ dần và mọi người lãng quên những gì họ không thích. Nhưng với ông Trump thì khác.

Và giờ đây, các đảng viên Dân chủ dường như muốn làm mọi thứ trong khả năng để nhắc nhở người Mỹ lý do tại sao họ không thích ông Trump ngay từ đầu, với sự hỗ trợ tiềm tàng từ các vụ kiện nhắm vào vị cựu Tổng thống của đảng Cộng hòa này.

Tuổi tác

Nhà Trắng và đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông Biden cho rằng, vấn đề tuổi tác chỉ là màn dàn dựng của truyền thông, nhưng thực sự đây là điều mà cử tri đã rất quan tâm từ lâu.

Hồi năm 2020, có tới 1/4 cử tri của Tổng thống Biden nói rằng ông đã quá lớn tuổi để có thể nắm quyền hiệu quả và 19% nói rằng điều đó có nghĩa là ông "không đủ khả năng đảm đương công việc tổng thống".

Vấn đề nhập cư

Những lo ngại về nhập cư đã trở thành vấn đề hàng đầu trong chiến dịch bầu cử năm nay. Đây rõ ràng cũng là trách nhiệm chính sách lớn nhất của Tổng thống Biden.

Nhưng ông Biden đang đối mặt quá nhiều thách thức khi đảng Cộng hòa hồi tháng trước đã bác bỏ một thỏa thuận an ninh biên giới lưỡng đảng chính phủ Mỹ đưa ra, vốn có thể giúp củng cố đáng kể biên giới.

Trong khi các cuộc thăm dò sớm cho thấy người Mỹ không thực sự cần thông qua một thỏa thuận như vậy, cuộc thăm dò của báo Wall Street Journal vào tuần trước cho thấy, tỷ lệ người Mỹ ủng hộ nó là 34-59%.

Người Mỹ vẫn phản đối mạnh mẽ Tổng thống Biden về vấn đề nhập cư, với tỷ lệ khoảng 70%. Và các cuộc thăm dò cho thấy các cử tri vẫn có nhiều khả năng đổ lỗi rằng, thực tế tình hình biên giới hỗn loạn là do chính phủ ông Biden đảo ngược các lệnh điều hành nhập cư có từ thời ông Trump hơn là do việc đảng Cộng hòa bác bỏ thỏa thuận an ninh biên giới lưỡng đảng.

Nhưng đó thực sự là một tỷ lệ khá gần. Do người Mỹ cực kỳ ủng hộ đảng Cộng hòa trong vấn đề này, ông Biden có thể hình dung được rằng lợi thế đó sẽ bị mất đi nếu ông nỗ lực thúc đẩy vấn đề này trong thời gian tới.

MỸ: THẨM PHÁN BÁC YÊU CẦU CỦA ÔNG TRUMP TRONG VỤ CẤT GIỮ TRÁI PHÉP TÀI LIỆU MẬT

Theo các luật sư, ông Trump không thừa nhận tội danh và muốn bác bỏ vụ án với lý do số tài liệu này mang tính chất "cá nhân," không phải tài sản nhà nước, do đó ông có quyền tự do sử dụng.

Ngày 14/3, Thẩm phán liên bang Aileen Cannon ở bang Florida đã bác bỏ yêu cầu của cựu Tổng thống Donald Trump đề nghị hủy vụ án hình sự, liên quan tới cáo buộc ông đã giữ trái phép các tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng vào năm 2021.

Phán quyết được đưa ra chỉ vài giờ sau phiên tòa, nơi các luật sư của ông Trump lập luận rằng các cáo buộc trong vụ án mang tính chất mơ hồ và không chính đáng.

Theo các luật sư, ông Trump không thừa nhận tội danh và muốn bác bỏ vụ án với lý do số tài liệu này mang tính chất "cá nhân," không phải tài sản nhà nước, do đó ông có quyền tự do sử dụng các tài liệu đó theo ý muốn.

Thẩm phán Cannon cho rằng việc hủy bỏ cáo buộc là không có cơ sở. Theo bà, các câu hỏi từ luật sư của ông Trump "cần được xem xét nghiêm túc" nhưng chưa nên được quyết định vào thời điểm này.

Đây cũng là phiên tòa thứ hai trong tháng liên quan đến vụ án tài liệu mật ở Florida.

Hiện tại vẫn chưa rõ thời điểm chính thức bắt đầu vụ xét xử, song công tố viên đặc biệt Jack Smith - người phụ trách vụ án - đã đề nghị có thể bắt đầu phiên xét xử vào tháng 7/2024.

Về phần mình, ông Trump đề xuất hoãn xét xử sang tháng 8, tuy nhiên các luật sư của ông cũng hy vọng có thể trì hoãn việc này cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.

Vụ án tài liệu mật là một trong 4 vụ án hình sự mà cựu Tổng thống Mỹ phải đối mặt trong lúc tranh cử vào Nhà Trắng.

Phiên tòa xét xử ông Trump trong vụ án thứ tư ở bang New York, liên quan đến việc trả tiền để bịt miệng một ngôi sao khiêu dâm, dự kiến bắt đầu vào ngày 25/3, tuy nhiên cũng có khả năng bị trì hoãn./.

MỸ DỰA VÀO CHÂU PHI ĐỂ ĐA DẠNG HÓA NGUỒN CUNG KHOÁNG SẢN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 14/3, Thứ trưởng Tài chính Wally Adeyemo cho biết Mỹ đang dựa vào châu Phi để đa dạng hóa nguồn cung ứng kim loại và khoáng sản trong sản xuất pin.

Hậu quả do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến chính phủ các nước phương Tây phải nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Theo ông Adeyemo, Mỹ không muốn phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ quốc gia hay công ty nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các khoáng sản quan trọng.

Mặc dù Chính phủ Mỹ đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm khuyến khích tăng cường sản xuất các khoáng sản chiến lược và quan trọng trong nước, song ông Adeyemo thừa nhận rằng các nguồn tài nguyên ở nước ngoài cũng rất quan trọng. Ông nêu rõ: “Châu Phi sẽ đóng một vai trò to lớn. Ở đó có rất nhiều khoáng sản quan trọng".

Tại châu Phi, Trung Quốc có nhiều dự án khai thác khoáng sản lớn, bao gồm các dự án khai thác đồng và cobalt ở CHDC Congo và Zambia, cũng như dự án khai thác lithium ở Zimbabwe, nơi các công ty khai thác khoáng sản được nước này hỗ trợ các khoản đầu tư lớn cùng với các cơ sở hạ tầng đi kèm.

Theo ông Adeyemo, Mỹ đang hợp tác với Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) để thu hẹp khoảng cách về những cơ sở hạ tầng đó. Washington hiện đang khuyến khích các ngành sản xuất của Mỹ thúc đẩy nhu cầu về những khoáng sản trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về thị trường cho các công ty khai thác.

Trong diễn biến khác, cùng ngày, Tổng thống CHDC Congo Félix Tshisekedi đã chứng kiến việc ký kết một bản sửa đổi Hợp đồng khai thác mỏ giữa quốc gia Trung Phi này và Trung Quốc có thời hạn 17 năm và trị giá 7 tỷ USD.

Vào tháng 4/2008, Tổng thống CHDC Congo khi đó là Joseph Kabila đã đàm phán một hợp đồng theo hình thức trao đổi các loại khoáng sản cobalt và đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng với một tập đoàn Trung Quốc, với số tiền 9 tỷ USD.

Tuy nhiên sau đó, dưới áp lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hợp đồng đã được giới hạn ở mức 6 tỷ USD do lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ khiến nước chủ nhà mắc nợ quá mức nếu số lượng quặng không được khai thác đúng tiến độ. Từ đó đến nay, phía Trung Quốc đã giải ngân được khoảng 2,74 tỷ USD, chủ yếu dưới hình thức đầu tư.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng CHDC Congo Alexis Gisaro đảm bảo rằng với thỏa thuận mới này, số tiền tài trợ cho cơ sở hạ tầng sẽ tăng từ 3 lên 7 tỷ USD trong 17 năm tới. Các điều khoản mới có trong thỏa thuận sẽ cho phép phía CHDC Congo mỗi năm có số tiền tối thiểu 324 triệu USD dành cho cơ sở hạ tầng, chủ yếu là xây dựng các tuyến đường quốc lộ.

Là một quốc gia rộng lớn ở Trung Phi với diện tích 2,3 triệu km2, tuy nhiên CHDC Congo có rất ít đường trải nhựa. Quốc gia nhiều khoáng sản này hiện là nhà sản xuất cobalt hàng đầu thế giới và là nhà sản xuất đồng hàng đầu châu Phi.

LÃNH ĐẠO THƯỢNG VIỆN MỸ KÊU GỌI BẦU CỬ MỚI Ở ISRAEL, NÓI ÔNG NETANYAHU LÀ TRỞ NGẠI CHO HÒA BÌNH

Lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện Mỹ Chuck Schumer hôm 14/3 kêu gọi Israel tổ chức các cuộc bầu cử mới, nói rằng ông nghĩ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã “lầm đường” và là trở ngại cho hòa bình trong khu vực giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng ở Gaza.

Ông Schumer, nhà lãnh đạo đa số thượng viện gốc Do Thái đầu tiên và là quan chức Do Thái cấp cao nhất ở Hoa Kỳ, đã chỉ trích mạnh mẽ ông Netanyahu trong bài phát biểu dài 40 phút vào sáng ngày 14/3 tại Thượng viện. Ông nói rằng thủ tướng Israel đã tự đặt mình vào một liên minh gồm những kẻ cực đoan cực hữu và “kết quả là, ông ấy quá sẵn lòng chấp nhận thiệt hại về dân sự ở Gaza, và điều này đang đẩy sự ủng hộ trên toàn thế giới dành cho Israel xuống mức thấp lịch sử”.

“Israel không thể tồn tại nếu trở thành kẻ bị ruồng bỏ”, ông Schumer nói.

Ông Schumer đưa ra cảnh báo khi ngày càng nhiều đảng viên Đảng Dân chủ phản đối Israel trong khi Tổng thống Joe Biden gia tăng áp lực công chúng lên chính phủ của ông Netanyahu, cảnh báo rằng thủ tướng Israel cần chú ý hơn đến số thường dân thiệt mạng ở Gaza trong các cuộc tấn công của Israel ở khu vực này.

Trong tháng này, Hoa Kỳ đã bắt đầu thả hàng viện trợ nhân đạo thiết yếu và tuyên bố sẽ thiết lập một bến tàu tạm thời để nhận thêm viện trợ vào Gaza bằng đường biển.

Ông Schumer cho đến nay đã định vị mình là một đồng minh mạnh mẽ của chính phủ Israel. Ông đến thăm đất nước này chỉ vài ngày sau cuộc tấn công tàn bạo ngày 7/10 của Hamas và có một bài phát biểu dài ở Thượng viện Mỹ vào tháng 12, trong đó ông chỉ trích “chủ nghĩa bài Do Thái trắng trợn và lan rộng như vậy, mà chúng tôi chưa từng thấy qua nhiều thế hệ ở đất nước này”.

Nhưng tại Thượng viện hôm 14/3, ông Schumer nói rằng “người dân Israel hiện đang bị bóp nghẹt bởi một tầm nhìn cai trị đã bị mắc kẹt trong quá khứ”.

Ông Schumer nói rằng ông Netanyahu, người từ lâu đã phản đối việc thành lập một nhà nước Palestine, là một trong những trở ngại cản trở giải pháp hai nhà nước mà Hoa Kỳ thúc đẩy. Ông Schumer nói ông Netanyahu “đã lầm đường lạc lối khi cho phép sự sống còn chính trị của mình được ưu tiên hơn những lợi ích tốt nhất của Israel”.

Ông Schumer cũng đổ lỗi cho những người Israel cánh hữu, Hamas và Tổng thống chính quyền Palestine Mahmoud Abbas. Cho đến khi tất cả họ bị loại bỏ, ông nói, “sẽ không bao giờ có hòa bình ở Israel, Gaza và Bờ Tây”.

Ông Schumer nói rằng Hoa Kỳ không thể quyết định kết quả của một cuộc bầu cử ở Israel, nhưng “một cuộc bầu cử mới là cách duy nhất cho phép một quá trình ra quyết định lành mạnh và cởi mở về tương lai của Israel, vào thời điểm mà rất nhiều người Israel đã mất niềm tin của họ vào tầm nhìn và định hướng của chính phủ của họ”.

Ông Netanyahu lâu nay có mối quan hệ nồng ấm hơn với các đảng viên Cộng hòa ở Hoa Kỳ, đáng chú ý nhất là bài phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội năm 2015 theo lời mời của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa nhằm cố gắng phá hủy các cuộc đàm phán hạt nhân của cựu Tổng thống Barack Obama với Iran. Động thái này đã khiến các quan chức chính quyền Obama tức giận, khi họ coi đây là một kết cục không thể chịu đựng được xung quanh quyền lực tổng thống của ông Obama và sự can thiệp sâu sắc đến mức không thể chấp nhận được vào nền chính trị và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Ngay trong tuần này, ông Netanyahu đã được mời đến nói chuyện với các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại một buổi họp mặt của đảng. Nhưng đại sứ Israel Michael Herzog đã thay thế ông do vấn đề về lịch trình vào phút cuối, theo một người am tường về cuộc họp kín cho biết.

Không rõ lời kêu gọi trực tiếp bất thường của ông Schumer sẽ được đón nhận như thế nào ở Israel, nơi cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 10/2026. Nhiều người Israel cho rằng ông Netanyahu phải chịu trách nhiệm về việc đã không ngăn chặn được cuộc đột kích xuyên biên giới ngày 7/10 của Hamas, khiến 1.200 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, và kết quả là sự nổi tiếng của ông dường như đã bị ảnh hưởng.

Những người biểu tình ở Israel kêu gọi bầu cử sớm đã cáo buộc rằng ông Netanyahu đang đưa ra các quyết định dựa trên việc giữ nguyên liên minh cánh hữu của ông thay vì lợi ích của Israel tại thời điểm chiến tranh. Và họ nói rằng ông đang gây nguy hiểm cho liên minh chiến lược của Israel với Hoa Kỳ bằng cách từ chối các đề xuất của Hoa Kỳ về tầm nhìn thời hậu chiến cho Gaza nhằm xoa dịu các thành viên cực hữu trong chính phủ của ông.

Các ưu tiên của Hoa Kỳ trong khu vực ngày càng bị cản trở bởi các thành viên cực hữu trong nội các của ông, những người có cùng quan điểm với ông Netanyahu đối với việc thành lập một nhà nước Palestine và các mục tiêu khác mà các chính quyền kế nhiệm của Hoa Kỳ coi là cần thiết để giải quyết các cuộc xung đột Palestine-Israel trong lâu dài.

Trong một đoạn nói chuyện hậu trường bị nghe thấy với các nhà lập pháp sau bài phát biểu Thông điệp Liên bang, ông Biden đã hứa với ông Netanyahu về khoảnh khắc “đến với Chúa Giêsu”.

Phó Tổng thống Kamala Harris, ông Schumer và các nhà lập pháp khác vào tuần trước tại Washington đã gặp ông Benny Gantz, một thành viên Nội các Chiến tranh của Israel và là một đối thủ có tiếng tăm hơn của ông Netanyahu. Chuyến thăm này của ông Gantz đã khiến thủ tướng Israel lên tiếng chỉ trích.

Ông Gantz gia nhập chính phủ của ông Netanyahu trong Nội các Chiến tranh ngay sau các cuộc tấn công của Hamas. Nhưng ông Gantz dự kiến sẽ rời chính phủ một khi giao tranh ác liệt nhất lắng xuống, báo hiệu thời kỳ đại đoàn kết dân tộc đã kết thúc. Việc quay trở lại các cuộc biểu tình rầm rộ có thể làm tăng áp lực lên liên minh không được lòng dân của ông Netanyahu trong việc tổ chức bầu cử sớm.

Ông Schumer nói rằng với tư cách là quan chức dân cử Do Thái cấp cao nhất ở Hoa Kỳ, ông cảm thấy có nghĩa vụ phải lên tiếng. Ông cho biết họ của ông bắt nguồn từ từ Shomer trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “người giám hộ”.

Ông Schumer nói rằng nếu Israel thắt chặt quyền kiểm soát đối với Gaza và Bờ Tây và tạo ra một “nhà nước duy nhất trên thực tế”, thì sẽ không có kỳ vọng hợp lý rằng Hamas và các đồng minh của họ sẽ hạ vũ khí.

“Nó có thể có nghĩa là chiến tranh liên miên”, ông nói.

“Là một nền dân chủ, Israel có quyền lựa chọn các nhà lãnh đạo của riêng mình và để cho nó xảy ra tự nhiên”, ông Schumer nói. “Nhưng điều quan trọng là người Israel được quyền lựa chọn”.

Nguồn: Báo Tin Tức; Dân Trí; VietnamPlus; Bnews; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang