Mỹ: Lạm phát tăng tốc; Airbus thất thế; Trump-Biden sẽ tái đấu; Điều tra trí nhớ của Biden; 'Kẻ thù vô hình' của quân đội

LẠM PHÁT MỸ TIẾP TỤC TĂNG TỐC

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ cao hơn dự báo, khiến nhiều khả năng Fed phải đợi đến giữa năm mới giảm lãi suất.

Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) hôm nay công bố số liệu CPI. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 0,4% so với tháng trước đó và 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chỉ số này đều cao hơn dự báo của giới phân tích và cao hơn tháng 1.

Năng lượng và giá nhà ở tăng lần lượt 2,3% và 0,4%. Đây cũng là hai chỉ số, theo BLS, đóng góp hơn 60% mức tăng CPI tháng 2. Trong khi đó, giá lương thực đứng yên.

Lạm phát cơ bản (không tính giá năng lượng và lương thực) thêm 0,4% so với tháng trước đó và 3,8% so với năm ngoái. Cả hai đều nhỉnh hơn dự báo.

Lạm phát Mỹ đã giảm đáng kể so với đỉnh giữa năm 2022, nhưng tốc độ tăng giá vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Kể từ tháng 3/2022, Fed đã nâng lãi suất tham chiếu thêm 525 điểm cơ bản (5,25%), lên 5,25-5,5%. Nửa năm qua, cơ quan này đã dừng thắt chặt.

Tuy nhiên, kết quả CPI tháng 2 sẽ khiến Fed tiếp tục phải chờ đợi nếu muốn giảm lãi suất. Tuần tới, cơ quan này sẽ có phiên họp chính sách kéo dài hai ngày. Công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch cho thấy nhà đầu tư đang đặt cược khả năng Fed giảm lãi trong tháng 6 là hơn 70%.

Thị trường không có phản ứng mạnh sau tin tức này. Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng nhẹ. Giá vàng - công cụ truyền thống để phòng trừ lạm phát - chưa biến động nhiều.

Vài tuần gần đây, quan chức Fed đều ra tín hiệu việc giảm lãi sẽ diễn ra trong năm nay, nhưng tỏ ý thận trọng về khả năng chấm dứt cuộc chiến chống lạm phát quá sớm. Trong các cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhắc lại các lo ngại này, nhưng khẳng định "không còn cách xa" thời điểm nới lỏng tiền tệ.

VƯỚNG LOẠT SỰ CỐ, ‘BIỂU TƯỢNG CỦA NƯỚC MỸ’ NGÀY CÀNG THẤT THẾ

Loạt sự cố liên tiếp xảy ra khiến nhà sản xuất máy bay hàng đầu nước Mỹ đang ngày càng tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình ở châu Âu, Airbus.

Sau khi giá cổ phiếu giảm 29% từ đầu năm đến nay, định giá thị trường của Boeing hiện ở khoảng cách thấp kỷ lục so với Airbus.

Với mức vốn hóa 112 tỷ USD, công ty Mỹ đang gặp khó khăn này hiện có giá trị thấp hơn 24 tỷ USD so với Airbus, tại thời điểm thị trường đóng cửa vào ngày 12/3.

Khoảng cách này cho thấy vận may dường như là điều quá xa xỉ với Boeing ở thời điểm hiện tại. Một loạt vụ tai nạn và rủi ro trong năm nay đã khiến các hãng hàng không phải suy nghĩ lại về kế hoạch mở rộng của mình.

Vốn hóa Boeing luôn lớn hơn Airbus kể từ khi Airbus lên sàn chứng khoán vào tháng 7/2000. Tuy nhiên, điều đó đã đảo chiều vào giữa năm 2022, sau triển vọng đặc biệt đáng thất vọng từ nhà sản xuất máy bay Mỹ.

Ngày càng nhiều hãng hàng không lựa chọn Airbus thay vì Boeing. Giám đốc điều hành United Airlines Holdings, ông Scott Kirby, mới đây cho biết ông đang tìm kiếm một thỏa thuận với Airbus cho chiếc A321 của họ. Delta Air Lines cũng vừa mua thêm 30 chiếc máy bay này từ Airbus.

Nhà phân tích Kenneth Herbert của RBC Capital Markets cho biết: “Airbus có thể sẵn sàng giành thêm thị phần từ Boeing, đặc biệt nếu họ gây thêm áp lực cho khách hàng của Boeing”.

Số lượng máy bay được giao của Boeing ít hơn nhiều so với Airbus vào tháng trước. Airbus đã bàn giao 27 máy bay cho khách hàng vào tháng 2, trong khi Airbus giao 49 chiếc.

Sự cố nối tiếp sự cố

Kể từ đầu năm tới nay, hàng loạt sự cố xảy ra liên tiếp khiến Boeing đối mặt với khủng hoảng.

Đầu tuần qua, một chiếc 787 Dreamliner bất ngờ lao xuống giữa hành trình, đẩy hàng chục hành khách bay lên đụng trần, bị thương. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến chuyến bay của hãng LATAM từ Úc đến New Zealand bị rơi nghiêm trọng như vậy.

Ủy ban Điều tra tai nạn giao thông (TAIC) của New Zealand ngày 12/3 thông báo cơ quan này đang giữ thiết bị ghi âm buồng lái và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay của chiếc máy bay Boeing 787 để tiến hành điều tra.

Trước đó, một máy bay của United Airlines cất cánh từ San Francisco, Mỹ đã buộc phải chuyển hướng sau khi một bánh rơi từ máy bay, đè bẹp nhiều ô tô ở bãi đậu xe bên dưới.

Ngay những ngày đầu tháng 1, cửa của chiếc Boeing 737 Max thuộc hãng hàng không Alaska Airlines bị nổ tung ngay sau khi cất cánh. Sự cố đó đã buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp. Rất may, tất cả 174 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn đều an toàn.

Một cuộc điều tra sơ bộ của Mỹ cho thấy Boeing có thể đã không lắp các bu lông vào cái gọi là nút chặn cửa vốn được thiết kế để ngăn bộ phận này bay khỏi máy bay.

Sự cố đó đã dẫn đến việc một số máy bay phản lực 737 Max bị đình chỉ hoạt động tạm thời trên nước Mỹ, sau đó là các phiên điều trần quốc hội, sự chậm trễ trong sản xuất và giao hàng, nhiều cuộc điều tra liên bang, bao gồm cả điều tra hình sự.

Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã cho Boeing 90 ngày để đưa ra kế hoạch giải quyết các vấn đề kiểm soát chất lượng và yêu cầu Boeing phải “cam kết cải tiến thực sự và sâu sắc”.

Mới đây, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg từ chối cho biết khi nào FAA có thể cho phép các máy bay tiếp tục hoạt động, nhưng cho biết Boeing phải đảm bảo máy bay của họ "an toàn 100%".

Ở động thái liên quan mới nhất, cơ quan quản lý hàng không của Trung Quốc cũng đã tạm thời dừng vô thời hạn quá trình khởi động lại việc đặt mua và giao hàng máy bay B737 Max cho quốc gia này.

ÔNG TRUMP VÀ ÔNG BIDEN VƯỢT QUA BẦU CỬ SƠ BỘ, HƯỚNG TỚI CUỘC TÁI ĐẤU

Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đã giành đủ suất đại biểu cần có để ra tranh cử tổng thống, theo dự báo của CBS.

Vào thứ Ba (12/3), bốn bang, một lãnh thổ và cộng đồng cử tri Dân chủ ở nước ngoài đã tổ chức bầu cử sơ bộ.

Kết quả từ các cuộc bầu cử sơ bộ trên đã gần như đảm bảo một cuộc đấu tái hiện lại cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Việc đề cử ông Biden và ông Trump sẽ được thực hiện tại các đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa vào mùa hè sắp tới.

Vào tối thứ Ba, vị tổng thống 81 tuổi nói rằng ông "rất vinh dự" khi cử tri ủng hộ ông tái tranh cử “trong thời điểm mối đe dọa mà ông Trump mang đến lớn hơn bao giờ hết”.

Viện dẫn các xu hướng kinh tế tích cực, ông Biden khẳng định rằng Mỹ “đang trên đà hồi phục” nhưng vẫn còn đối mặt với các thách thức cho tương lai của nền dân chủ và thách thức từ những người tìm cách áp đặt hạn chế phá thai và cắt giảm các chương trình xã hội.

“Tôi tin rằng người dân Mỹ sẽ chọn cùng nhau tiến vào tương lai,” ông Biden tuyên bố trong một thông cáo được phát đi từ ban vận động tranh cử.

Vị trí tổng thống đương nhiệm cho ông Biden một lợi thế tự nhiên, giúp ông không phải đối mặt với đối thủ đáng gờm nào để giành lấy vị trí đề cử của Đảng Dân chủ.

Dù vẫn còn đó nỗi lo lắng khôn nguôi rằng tuổi tác sẽ hạn chế năng lực thực hiện các nghĩa vụ tổng thống của ông Biden, nhưng guồng máy của đảng vẫn ủng hộ ông.

Cùng thời gian, cựu Tổng thống 77 tuổi Donald Trump vẫn được cử tri Cộng hòa yêu thích, giúp ông thắng hàng loạt cuộc bầu cử sơ bộ trước các đối thủ có tài lực lớn.

Chiến dịch vận động của ông Trump nhắm tới nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng tập trung vào việc siết chặt luật nhập cư, bao gồm một cam kết “phong tỏa biên giới” và thực hiện trục xuất “với số lượng kỉ lục”.

Ông Trump cũng cam kết sẽ tăng cường chống tội phạm, đẩy mạnh sản xuất năng lượng nội địa, đánh thuế nhập khẩu nước ngoài, chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine và quay lại hướng tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” (“America first”) khi xử lý các vấn đề ngoại giao.

Kết quả của tối thứ Ba không quá bất ngờ vì cả hai người đã luôn thống trị cuộc đua trong nội bộ đảng.

Cả hai sự tái đề cử dường như đã được định sẵn, mặc dù các cuộc khảo sát trước đó cho thấy sự không hài lòng của người dân Mỹ với viễn cảnh tái đấu Trump-Biden vào tháng 11.

Các buộc bầu cử sơ bộ và họp kín để chọn ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ là các cuộc cạnh tranh ở từng bang, trong đó mỗi ứng viên tìm cách giành lấy nhiều nhất có thể số đại biểu của đảng mình.

Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, tuy có những quy định riêng, có quy trình bầu cử sơ bộ về cơ bản là giống nhau.

Ứng cử viên chiến thắng sẽ nhận toàn bộ hoặc một phần tương ứng (với số phiếu giành được) số đại biểu đảng được phân bổ cho từng bang

Một ứng cử viên Đảng Cộng hòa phải giành được ít nhất 1.215 đại biểu, còn một ứng cử viên Dân chủ phải giành được 1.968 đại biểu của đảng trong mùa bầu cư sơ bộ để giành đề cử tranh chức vị trí tổng thống.

Đảng Cộng hòa đã tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ ở Mississippi, Georgia, Washington và một cuộc họp đảng ở Hawaii vào thứ Ba.

Cùng ngày, Đảng Dân chủ đã tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ ở Georgia, Washington, Mississippi, ở quần đảo Bắc Mariana và cho cử tri Dân chủ ở nước ngoài.

Các đối thủ chính của ông Biden và ông Trump đã rút lui trước các cuộc bầu cử sơ bộ hôm qua.

Trước đó, hai ông cũng được dự đoán sẽ chiến thắng.

Cựu Đại sứ Liên Hợp Quốc Nikki Haley, đối thủ cuối cùng còn lại của ông Trump, đã rút lui đầu tháng này sau khi thua liên tiếp ở 14 bang vào ngày Siêu Thứ Ba.

Mặc dù một số bang vẫn chưa tổ chức bầu cử sơ bộ, nhưng với việc ông Trump và ông Biden vượt ngưỡng số đại biểu cần có, cuộc tổng tuyển cử năm 2024 coi như đã chính thức bắt đầu.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/11/2024.

CÔNG TỐ VIÊN BẢO VỆ QUAN ĐIỂM VỀ BẢN PHÚC TRÌNH NÓI TT BIDEN ‘TRÍ NHỚ KÉM’

Công tố viên Hoa Kỳ, người đã gây ra cơn bão chính trị vào tháng trước với một phúc trình nói rằng Tổng thống Joe Biden có “trí nhớ kém”, đã xuất hiện trước ủy ban quốc hội ngày 12/3 để bảo vệ nhận xét của mình.

Công tố viên đặc biệt Robert Hur ra trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện, một trong những cơ quan tiến hành cuộc điều tra luận tội ông Biden, 81 tuổi.

“Đánh giá của tôi trong phúc trình về mức độ tương quan ký ức của Tổng thống là cần thiết, chính xác và công bằng,” ông Hur nói trong lời tuyên bố mở đầu. “Tôi đã không giảm thiểu lời giải thích của mình. Tôi cũng không chê bai Tổng thống một cách không công bằng. Tôi đã giải thích với Bộ trưởng Tư pháp về quyết định của tôi và lý do dẫn đến quyết định đó. Đó là điều tôi buộc phải làm.”

Bản ghi lại cuộc phỏng vấn của ông Hur với ông Biden mà Reuters xem qua, được thực hiện vào tháng 10 năm ngoái khi ông Biden đang vật lộn với hậu quả từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10, cho thấy tổng thống là người đầu tiên nêu vấn đề về trí nhớ của mình.

“Tôi là một thanh niên nên chuyện này không thành vấn đề”, ông Biden, 81 tuổi, nói đùa với ông Hur khi công tố viên cho biết ông sẽ đặt câu hỏi về các sự kiện xảy ra nhiều năm trước đó, bản ghi chép cho thấy.

Ông Hur xuất hiện tại Quốc hội một tuần sau khi ông Biden có bài phát biểu Thông điệp Liên bang nảy lửa báo hiệu sự khởi đầu tích cực cho chiến dịch tái tranh cử của tổng thống Đảng Dân chủ, một cuộc tái đấu với người tiền nhiệm Đảng Cộng hòa Donald Trump.

Bộ Tư pháp nói công việc của ông Hur tại Bộ Tư pháp đã kết thúc vào ngày 11/3.

Phúc trình của ông cho biết ông sẽ không truy tố ông Biden vì giữ lại các tài liệu mật sau khi rời nhiệm sở với tư cách phó tổng thống vào năm 2017, nhưng đã khiến Tòa Bạch Ốc tức giận về phần miêu tả ông Biden.

Phúc trình nói: “Chúng tôi cũng đã cân nhắc rằng, tại phiên tòa, ông Biden có thể sẽ trình diện trước bồi thẩm đoàn, như ông ấy đã làm trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi với ông ấy, trong tư thế một người lớn tuổi hiểu chuyện, lương thiện, có trí nhớ kém”.

Ông Biden, người lớn tuổi nhất giữ chức vụ tổng thống Hoa Kỳ trong lịch sử, đã phản đối việc mô tả đặc điểm này trong các nhận xét trước công chúng, nói rằng trí nhớ của ông vẫn tốt, và Phó Tổng thống Kamala Harris gọi phúc trình này có động cơ chính trị.

Ông Trump, 77 tuổi, đang phải đối mặt với nhiều vụ truy tố hình sự, trong đó có vụ truy tố về việc ông xử lý sai tài liệu mật và sẽ đối đầu với ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.

Ông Trump và các đồng minh đã cáo buộc Bộ Tư pháp áp dụng tiêu chuẩn kép. Các công tố viên nói ông Trump đã tìm cách cản trở việc họ tìm kiếm các tài liệu và không hợp tác với cuộc điều tra về chúng. Ông Hur nói ông Biden nhìn chung hợp tác với cuộc điều tra.

Ông Hur được ông Trump bổ nhiệm làm chưởng lý Hoa Kỳ và được Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland của ông Biden bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt sau khi vụ xử lý tài liệu của ông Biden bị phát hiện.

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã yêu cầu các tài liệu cơ bản liên quan đến cuộc điều tra nhưng cho biết Bộ Tư pháp đã không tuân thủ.

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện cáo buộc rằng ông Biden và gia đình ông đã thu lợi không chính đáng từ các quyết định chính sách mà ông Biden tham gia với tư cách là phó tổng thống vào năm 2009-2017, mặc dù cho đến nay họ vẫn chưa công bố bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ông Biden được hưởng lợi về mặt tài chính. Tòa Bạch Ốc đã phủ nhận hành vi sai trái.

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã mời con trai Hunter Biden của ông Biden đến điều trần công khai vào ngày 20/3, nhưng không rõ liệu ông ấy có tham gia hay không.

"KẺ THÙ VÔ HÌNH" CỦA QUÂN ĐỘI MỸ

Kể từ khi Global Firepower - chuyên trang theo dõi thông tin quân sự của các quốc gia trên thế giới - bắt đầu công bố bảng xếp hạng sức mạnh quân sự vào năm 2005, Mỹ vẫn luôn chiếm giữ vị trí dẫn đầu.

Nhưng trong thời gian gần đây, sự hội tụ của nhiều nguyên nhân đã tạo thành "cơn bão" hoàn hảo, khiến quân đội Mỹ phải đối mặt thách thức lớn trong công tác tuyển tân binh.

"Chúng ta đang phải cạnh tranh tại một trong những môi trường tuyển quân khó khăn nhất mà tôi từng thấy trong hơn 33 năm tại ngũ", Thiếu tướng Johnny Davis, chỉ huy Bộ Tư lệnh Tuyển mộ Lục quân, thừa nhận trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào cuối năm 2023.

Nếu không được khắc phục, khủng hoảng thiếu hụt tân binh về lâu dài có thể buộc quân đội xứ cờ hoa giảm quy mô lực lượng, trong bối cảnh cạnh tranh cường quốc gay gắt hơn bao giờ hết.

Khi mà ngày càng ít công dân Mỹ sẵn sàng hoặc đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, quân đội Mỹ có thể phải phụ thuộc nhiều hơn vào đồng minh và đối tác, những bên không phải luôn chia sẻ lợi ích với Washington.

Những con số đáng báo động

Sau những tranh cãi xung quanh chế độ quân dịch, kể từ năm 1973, Mỹ bắt đầu áp dụng mô hình quân đội hoàn toàn bao gồm quân nhân tự nguyện phục vụ. Vì thế mà việc tuyển tân binh đóng vai trò then chốt giúp bổ sung lực lượng cho quân đội Mỹ.

Nhưng thời gian qua, công tác tuyển tân binh của Mỹ gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021. Năm tài khóa kết thúc tháng 9/2023 đánh dấu kết quả tuyển quân tồi tệ nhất của quân đội Mỹ kể từ năm 1999.

Trong số 5 quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, 3 nhánh "vỡ" chỉ tiêu tuyển binh là Lục quân, Không quân và Hải quân trong năm tài khóa 2023. Thủy quân lục chiến và Lực lượng Không gian hoàn thành mục tiêu nhưng môi trường tuyển quân vẫn rất khó khăn.

Năm qua, Lục quân Mỹ đã có nhiều cách tiếp cận sáng tạo khác nhau để truyền cảm hứng và kêu gọi giới trẻ Mỹ nhập ngũ. Không quân Mỹ cũng nới quy định về hình xăm và tiền sử dùng chất kích thích, trong khi Hải quân đưa ra chính sách khuyến khích tài chính cao kỷ lục.

Nhưng những cố gắng đó rốt cuộc không thành công. Quân đội Mỹ tổng cộng đã tuyển dụng hụt khoảng 41.000 tân binh so với mục tiêu đề ra.

Cụ thể, theo Military, Không quân Mỹ chỉ chiêu mộ được 24.100 phi công tại ngũ trong mục tiêu 26.877 người. Lục quân Mỹ tuyển thiếu khoảng 10.000 người so với mục tiêu 65.000 tân binh, trong khi Hải quân Mỹ thiếu gần 20% so với mục tiêu tuyển mới 37.700 thủy thủ.

Tình trạng khó khăn trên có thể được giải thích một phần là do dư âm của 2 năm Covid-19, khi quan chức tuyển binh không thể đến trường học hay tổ chức sự kiện để tiếp cận ứng viên. Nhưng các chuyên gia cho rằng bên dưới vấn đề bề mặt là những tồn tại tiếp diễn trong thời gian dài.

"Tôi nghĩ đây là năm cuối cùng quân đội có thể lấy lý do không thể tiếp cận học sinh ở các trường trung học và đại học là nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trường tuyển binh tổng thể", bà Katherine Kuzminski, nghiên cứu viên cấp cao chuyên về tuyển dụng quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ Mới, nói với Military trong bài viết tháng 10/2023.

"Tôi nghĩ năm tới sẽ phản ánh những vấn đề dài hạn hơn", bà nói.

Cơn bão hoàn hảo

Đằng sau khủng hoảng tuyển binh của Mỹ là sự hội tụ của nhiều yếu tố tác động qua lại. Về ngắn hạn, nguyên nhân khiến Mỹ hiện khó tuyển tân binh là vì thị trường lao động khu vực tư nhân sôi động, ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington D.C., nói với phóng viên Dân trí.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ thời gian gần đây ở mức thấp (3,7% theo số liệu tháng 1), đồng nghĩa với việc nguồn cung lao động ít hơn. Để thu hút nhân lực, doanh nghiệp tư nhân phải tăng tiền lương và đưa ra các đãi ngộ hấp dẫn, từ đó gây sức ép cạnh tranh cho quan chức tuyển binh.

Ngoài ra, một số yếu tố dài hạn khiến giới trẻ Mỹ không còn mặn mà với lựa chọn nhập ngũ. Một lý do trong đó là việc nước Mỹ hiện không còn tham gia vào các cuộc xung đột trên thế giới.

"Quân đội Mỹ vừa bước ra khỏi 2 thập kỷ chiến tranh, giai đoạn mà nhiều người ý thức rất rõ mình sẽ đóng góp hay sẽ làm gì khi nhập ngũ. Khi các cuộc xung đột chấm dứt, những người muốn đóng góp cho đất nước theo cách ấy không còn quan tâm tới việc nhập ngũ", Tiến sĩ Max Margulies, chuyên gia người Mỹ về chính sách tuyển dụng quân sự, nói với phóng viên Dân trí.

Mức tín nhiệm giảm sút đối với quân đội Mỹ cũng có thể đã đóng góp vào thách thức tuyển quân. Theo khảo sát hàng năm của Viện Tổng thống Ronald Reagan, vào năm 2018, 70% người được hỏi đã bày tỏ tín nhiệm cao với quân đội. Chỉ 5 năm sau, con số này giảm xuống còn 46%.

Nghiêm trọng hơn là vào khoảng 20 năm trước, chỉ hơn 25% thanh niên Mỹ nói rằng họ chưa bao giờ nghĩ tới việc nhập ngũ, theo số liệu từ Bộ Quốc phòng. Nhưng trong những năm gần đây, con số này đã tăng đến hơn một nửa.

"Giới trẻ ngày nay không nói không với những gì quân đội có thể trao cho họ. Họ đơn giản là không biết gì nhiều về quân đội", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách nhân sự Mỹ Ashish Vazirani nói trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện cuối năm 2023.

Ngoài ra, tiêu chuẩn cao mà quân đội Mỹ đặt ra cũng khiến việc tuyển quân gặp khó khăn vì quỹ ứng viên tiềm năng về tổng thể đã suy giảm.

Theo nghiên cứu năm 2020 của Lầu Năm Góc, nếu không được miễn trừ, 77% thanh niên Mỹ (tuổi 17-24) sẽ không đủ điều kiện nhập ngũ vì lý do béo phì, có tiền sử dùng chất kích thích hay có vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần.

Nếu những khó khăn trong việc tuyển quân tiếp tục trong thời gian dài, quân đội Mỹ nhiều khả năng sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh có thể bất lợi cho năng lực sẵn sàng chiến đấu của nước này. Chẳng hạn, Lầu Năm Góc có thể sẽ phải giải tán một số lữ đoàn hoặc đơn vị hỗ trợ khi không đủ nhân lực, theo ông Cancian.

Không thể sửa một sớm một chiều

"Khủng hoảng tuyển quân ắt hẳn không xuất hiện chỉ sau một đêm và không thể được khắc phục sau một đêm", Thiếu tướng Davis nói.

Để ngăn chặn những xu hướng bất lợi cho công tác tuyển binh, Mỹ sẽ phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp theo tầm nhìn cả ngắn hạn và dài hạn, theo chuyên gia. Như về vấn đề tiêu chuẩn nhập ngũ, đây có thể là lúc quân đội cần cập nhật bộ tiêu chí hiện tại cho phù hợp với các nhiệm vụ hiện nay.

"Nhiều tiêu chuẩn hiện nay dựa trên mô hình những năm 1940-1950, khi quân đội Mỹ còn khá nghiêng về việc lấy số lượng làm gốc. Khi công nghệ phát triển hơn và ngày càng ít người đảm nhiệm các công việc "thâm dụng lao động", chúng ta có thể điều chỉnh tiêu chuẩn để không loại những người làm được việc vì những thứ không ảnh hưởng đến khả năng thực hiện công việc của họ", ông Margulies nói.

Trong khi các quân chủng khác còn ngần ngại, Hải quân Mỹ gần đây đã mở cửa với những người không có bằng phổ thông hoặc chứng chỉ GED, theo Navy Times. Điều kiện đi kèm là ứng viên phải đạt trên 50 điểm trong bài kiểm tra năng lực lực lượng vũ trang (AFQT).

Nhưng quân đội Mỹ cũng sẽ rất thận trọng với việc điều chỉnh tiêu chuẩn đầu vào vì những bài học trong quá khứ như Dự án 100.000, ông Cancian chỉ ra. Dự án 100.000 là chương trình gây tranh cãi của Lầu Năm Góc trong thập niên 1960, tuyển mộ những người trước đó không đủ điều kiện về y tế hoặc tâm lý, để lại nhiều hệ lụy cho quân đội.

Một cách làm khác là tăng cường tuyển quân từ những người mong muốn trở thành công dân Mỹ, thông qua việc coi thời gian nhập ngũ là điểm cộng trong đơn xin nhập tịch.

"Xét trên khía cạnh lịch sử, nước Mỹ là quốc gia của người nhập cư. Tôi thấy rất hợp lý khi trao cơ hội cho những người muốn phục vụ nước Mỹ qua quân đội và thưởng cho họ con đường nhập tịch nhanh hơn nếu họ làm tốt", ông Margulies nói.

Quân đội Mỹ cũng sẽ phải chủ động thích ứng với gen Z (sinh năm 1997-2012), thế hệ được cho là ngày càng lựa chọn con đường sự nghiệp phi truyền thống. Để làm điều này, họ sẽ phải tăng cường công tác truyền thông để xây dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi hơn với công chúng.

Mục tiêu ấy trở nên quan trọng khi mà khoảng cách giữa quân đội và người dân Mỹ đã xa cách hơn. Năm 1995, 40% thanh niên Mỹ có bố hoặc mẹ từng tại ngũ, theo Bộ Quốc phòng Mỹ. Tới năm 2022, con số này chỉ còn 12%.

Một số ý kiến thậm chí ví von quân đội Mỹ như "việc kinh doanh gia đình" vì phần lớn tân binh là con cái của các cựu binh. Ví dụ, gần 80% tân binh của Lục quân Mỹ có một thành viên gia đình từng phục vụ, theo số liệu từ quân chủng này.

Tư duy dài hạn

Về dài hạn, quân đội và thậm chí là cả chính phủ Mỹ sẽ phải tăng cường đầu tư vào thế hệ tương lai, Juan Quiroz, một sĩ quan Lục quân, viết trên Foreign Affairs.

Điều này có nghĩa là tập trung vào các chương trình xã hội để cải thiện đời sống nhân dân vì tình trạng đói nghèo làm tăng nguy cơ trẻ em mắc vấn đề sức khỏe (như béo phì) và có hành vi rủi ro, qua đó mở rộng nguồn cung tân binh.

Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng cần nhận thức được bất lợi của họ so với doanh nghiệp tư nhân khi tuyển dụng nhóm có học vấn cao, nhất là trên phương diện thu nhập.

"Thay vì cạnh tranh với các công ty tư nhân để giành lấy nhóm nhỏ người lao động lành nghề, giới hoạch định chính sách cần giúp trang bị cho thêm nhiều thanh niên Mỹ kỹ năng về phát triển phần mềm, khoa học dữ liệu, kỹ thuật dữ liệu, hệ thống vật lý mạng, trí tuệ nhân tạo và học máy", ông Quiroz viết.

Ông Quiroz cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ nên hợp tác với Bộ Giáo dục để xây dựng các chương trình đào tạo những kỹ năng trên ngay tại cấp trung học và phổ thông. Hoặc chí ít là Lầu Năm Góc cũng cần tích hợp các chương trình học ấy tại 160 trường học - với hơn 66.000 học viên - thuộc quyền quản lý của mình.

Gần đây hơn, một số quân chủng Mỹ bắt đầu có biện pháp đối phó khủng hoảng tuyển binh. Chẳng hạn, tháng 10/2023, Lục quân Mỹ tuyên bố động thái cải cách đội ngũ quan chức tuyển quân theo hướng tiệm cận cách làm của doanh nghiệp tư nhân.

Nếu trong quá khứ, 2/3 nhân viên tuyển mộ của Lục quân Mỹ làm việc bán thời gian thì hiện nay, quân chủng này hướng tới xây dựng đội ngũ "chuyên viên thu hút tài năng" toàn thời gian. Cơ quan tuyển binh Lục quân cũng được nâng cấp từ 2 lên 3 sao, nhiệm kỳ lãnh đạo được kéo dài (từ 2 lên 4 năm) để đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động marketing và tuyển binh.

Ngoài ra, xu thế tương lai của quân đội Mỹ sẽ là tận dụng nhiều hơn lực lượng dự bị, nhà thầu quân sự tư nhân, và viên chức dân sự để đảm nhiệm một số công việc như hậu cần, theo ông Cancian, người vững tin rằng quân đội Mỹ sẽ có cách ứng phó.

"Quân đội sẽ thích ứng", ông Cancian khẳng định.

Nguồn: Vnexpress; VietnamFinance; BBC; VOA; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang