Mỹ: Khủng hoảng giá nhà; Lập mạng lưới gián điệp; Phụ thuộc uranium Nga; Cạn vũ khí; Cảnh báo 'lằn ranh đỏ' với Israel

KHỦNG HOẢNG GIÁ NHÀ PHỦ BÓNG BẦU CỬ MỸ

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng, giá nhà ngày càng cao là vấn đề đau đầu cho cả ông Biden và ứng viên tiềm năng đảng Cộng hòa Donald Trump.

Chỉ số Giá nhà Quốc gia do S&P tính toán tại Mỹ vào tháng 12/2023 đã tăng 5,5% so với cùng kỳ và tăng 5% so với tháng 11. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/2022. Brian Luke, Trưởng bộ phận hàng hóa, tài sản thực và kỹ thuật số tại S&P Dow Jones Indices, cho biết giá nhà ở Mỹ phải đối mặt với những trở ngại đáng kể trong quý IV/2023.

"Mức tăng giá nhà cả năm 2023 khả năng đã vượt qua mức tăng trung bình trong vòng 35 năm qua", ông nhận định.

Mỹ đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả nhà ở. Gốc rễ của vấn đề là không xây đủ nhà khi dân số ngày càng tăng. Theo AP, thiếu nguồn cung đã đánh vào giấc mơ sở hữu nhà của người Mỹ, làm giảm cam kết của Tổng thống Joe Biden rằng kinh tế Mỹ đang mạnh mẽ. Đồng thời, cũng bộc lộ rằng thời kỳ Donald Trump cũng đã phớt lờ khủng hoảng thế nào.

Theo một phân tích của Đại học Harvard, thiếu nhà đã khiến giá bán tăng cao, người thuê cũng phải chi một khoản thu nhập quá lớn cho chỗ ở. Cùng với đó, lãi vay thế chấp trung bình đã tăng hơn gấp đôi.

Cục Điều tra Dân số Mỹ cho biết rằng tỷ lệ sở hữu nhà giảm nhẹ vào cuối năm ngoái dù nền kinh tế mạnh mẽ. Nếu chi phí chỗ ở không leo thang, lạm phát - vấn đề kinh tế làm ông Biden đau đầu nhất - có thể vẫn ổn định ở mức 1,8%. Còn thực tế, nó đang quanh 3,2%.

Shaun Donovan, cựu thư ký Phát triển Nhà ở và Đô thị dưới thời Obama nói đã làm công việc nhà ở được 30 năm. "Thách thức về khả năng chi trả nhà ở là điều tồi tệ nhất mà tôi từng thấy trong sự nghiệp của mình", ông nói.

Donovan cho rằng giá nhà hiện là thách thức ngày càng mang tính lưỡng đảng. Trên đường chạy đua giành quyền kiểm soát Nhà Trắng vào tháng 11 tới, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều không thoát khỏi áp lực ngành bất động sản.

Giá nhà vốn đắt đỏ ở các khu vực do đảng Dân chủ kiểm soát như New York và San Francisco. Tuy nhiên, giờ các bang thuộc đảng Cộng hòa như Boise, Idaho, cũng vật lộn với giá nhà tăng cao. "Đây là vấn đề hàng đầu ở mọi nơi. Nó đang thay đổi nền chính trị theo cách khá khác những gì tôi từng thấy", ông nhận định.

Mark Zandi, Kinh tế trưởng tại Moody's Analytics cho rằng kết quả cuộc bầu cử tháng 11 có thể phụ thuộc vào xu hướng lãi vay thế chấp mua nhà. Hiện lãi vay trung bình khoảng 6,74%. Theo Zandi, nếu lãi họ giảm xuống gần 6%, tỷ lệ chiến thắng của Biden sẽ tăng lên. Còn nếu tăng đến 8% có thể giúp Trump có ưu thế.

Chuyên gia của Moody's Analytics cho rằng, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả nhà ở hiện nay, lãi suất cao hơn sẽ khiến việc sở hữu ngôi nhà hoàn toàn nằm ngoài tầm với của hầu hết người mua nhà lần đầu.

"Vì quyền sở hữu nhà là một phần quan trọng trong giấc mơ của người Mỹ nên nếu nó không thể đạt được thì điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của cử tri về nền kinh tế", Kinh tế trưởng Zandi nói.

Theo công ty thế chấp Freddie Mac, những năm 2018-2020 của nhiệm kỳ tổng thống Trump, tình trạng thiếu nhà ở của đất nước đã tăng 52%, lên 3,8 triệu căn. Đến thời Biden, tổng thống cũng thừa nhận nhiều người đang cảm thấy khó khăn sở hữu nhà trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hồi đầu tháng này và trong đề xuất ngân sách của ông được công bố đầu tuần.

Ông muốn chi tiền xây dựng 2 triệu căn nhà, cũng như đề xuất một ưu đãi thuế lên tới 10.000 USD cho mỗi người mua nhà. "Điểm mấu chốt là chúng ta phải xây dựng thêm. Đó là cách giảm chi phí", ông Biden nói hôm trong bài phát biểu hôm thứ hai (11/3).

Giá nhà tăng nhanh vốn là vấn đề nhức nhối dưới thời Trump. Khi làm tổng thống, ông kêu gọi hạn chế xây dựng ở vùng ngoại ô. Ông tuyên bố trong cuộc bầu cử năm 2020 rằng các chính sách của Biden nhằm thúc đẩy xây dựng và khả năng chi trả sẽ "phá hủy khu vực lân cận của bạn".

Giải pháp xây thêm nhà sẽ phải mất nhiều năm mới đạt được và đòi hỏi các quy định mới của các bang và thành phố. Chính quyền đang cố gắng khuyến khích những thay đổi về quy hoạch, nhưng những lựa chọn chính nằm ngoài tầm kiểm soát của Nhà Trắng.

Daryl Fairweather, Kinh tế trưởng tại công ty môi giới Redfin, cho biết ngay cả khi thu nhập tăng, nền kinh tế tốt lên và lạm phát giảm xuống, người dân vẫn không thể mua nhà. "Đó giống như vấn đề bóc búa nhất với Biden vì không phải mình ông ấy có thể giải quyết", bà nói.

Dù đã có thỏa thuận lưỡng đảng về việc cần thêm nhà, vẫn chưa có một kế hoạch quan trọng nào được Hạ viện và Thượng viện thông qua. Ông Biden đã đề xuất hỗ trợ nhà ở trong suốt thời gian ở Nhà Trắng nhưng chưa bao giờ đạt được.

"Nếu Quốc hội thông qua một số khoản đầu tư mà tổng thống đã kêu gọi từ khi bắt đầu nắm quyền và thực hiện từ ba năm trước, chúng ta đã có những căn hộ giá cả phải chăng bổ sung vào thị trường bây giờ", Daniel Hornung, Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, nhận định.

SPACEX CỦA ELON MUSK ĐANG XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI VỆ TINH GIÁN ĐIỆP CHO TÌNH BÁO MỸ

SpaceX đang xây dựng một mạng lưới hàng trăm vệ tinh do thám theo một hợp đồng mật với cơ quan tình báo Mỹ, 5 nguồn tin quen thuộc với chương trình này cho biết, điều này thể hiện mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa công ty vũ trụ của nhà doanh nghiệp tỷ phú Elon Musk và các cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Các nguồn tin cho biết mạng này đang được đơn vị kinh doanh Starshield của SpaceX xây dựng theo hợp đồng trị giá 1,8 tỷ đôla được ký vào năm 2021 với Cục Trinh sát Quốc gia (NRO), một cơ quan tình báo quản lý các vệ tinh gián điệp.

Các kế hoạch này cho thấy mức độ tham gia của SpaceX vào các dự án tình báo và quân sự của Hoa Kỳ, đồng thời cho thấy Lầu Năm Góc đầu tư sâu hơn của vào các hệ thống vệ tinh bay ở tầm thấp của trái đất để hỗ trợ cho các lực lượng trên mặt đất.

Các nguồn tin cho biết nếu thành công, chương trình này sẽ nâng cao đáng kể khả năng của chính phủ và quân đội Mỹ trong việc nhanh chóng phát hiện các mục tiêu tiềm tàng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.

Các nguồn tin nói rằng hợp đồng này báo hiệu sự tin tưởng ngày càng tăng của cộng đồng tình báo đối với một công ty có chủ sở hữu đã từng xung đột với chính quyền Biden và gây ra tranh cãi về việc sử dụng kết nối vệ tinh Starlink trong cuộc chiến Ukraine.

Wall Street Journal hồi tháng 2 đưa tin về một hợp đồng Starshield tuyệt mật trị giá 1,8 tỷ đôla với một cơ quan tình báo không xác định mà không nêu chi tiết mục đích của chương trình.

Reuters lần đầu tiên loan tin SpaceX dành được hợp đồng xây dựng một hệ thống gián điệp rất mạnh mới với hàng trăm vệ tinh có khả năng chụp ảnh trái đất, có thể hoạt động như một bầy đàn ở quỹ đạo thấp và cơ quan gián điệp mà công ty của ông Musk đang hợp tác là Cục Trinh sát Quốc gia (NRO).

Reuters không thể xác định khi nào mạng lưới vệ tinh mới sẽ hoạt động và không thể xác định những công ty nào khác tham gia chương trình với các hợp đồng riêng của họ.

SpaceX, nhà khai thác vệ tinh lớn nhất thế giới, không trả lời một số yêu cầu bình luận về hợp đồng, vai trò của họ trong hợp đồng và thông tin chi tiết về các vụ phóng vệ tinh. Lầu Năm Góc đã chuyển yêu cầu bình luận tới NRO và SpaceX.

Trong một tuyên bố, NRO thừa nhận sứ mệnh phát triển một hệ thống vệ tinh tinh vi và quan hệ đối tác với các cơ quan chính phủ, công ty, tổ chức nghiên cứu và quốc gia khác, nhưng từ chối bình luận về phát hiện của Reuters về mức độ tham gia của SpaceX vào nỗ lực này.

Người phát ngôn cho biết: “Cục Trinh sát Quốc gia đang phát triển hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát trên không gian có khả năng, đa dạng và linh hoạt nhất mà thế giới từng thấy”.

Các nguồn tin cho biết, các vệ tinh có thể theo dõi các mục tiêu trên mặt đất và chia sẻ dữ liệu đó với các quan chức quân sự và tình báo Hoa Kỳ. Về nguyên tắc, điều đó sẽ cho phép chính phủ Hoa Kỳ nhanh chóng ghi lại hình ảnh liên tục về các hoạt động trên mặt đất ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, hỗ trợ các hoạt động tình báo và quân sự.

Ba nguồn tin cho biết khoảng một chục nguyên mẫu đã được phóng lên không gian kể từ năm 2020, cùng với các vệ tinh khác bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX.

Cơ sở dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ về các vật thể trên quỹ đạo cho thấy một số sứ mệnh của SpaceX đã triển khai các vệ tinh mà cả công ty này lẫn chính phủ đều chưa từng thừa nhận. Hai nguồn tin đã xác nhận đó là nguyên mẫu của mạng Starshield.

Tất cả các nguồn tin đếu yêu cầu giấu tên vì họ không được phép thảo luận về chương trình của chính phủ Hoa Kỳ.

Lầu Năm Góc, vốn là một khách hàng lớn của SpaceX, sử dụng tên lửa Falcon 9 để phóng các thiết bị quân sự lên vũ trụ. Một trong những nguồn tin cho biết vệ tinh nguyên mẫu đầu tiên của Starshield được phóng vào năm 2020 là một phần của một hợp đồng riêng trị giá khoảng 200 triệu đôla đã giúp SpaceX giành được hợp đồng 1,8 tỷ đôla sau đó.

Mạng Starshield tách biệt với Starlink, nhóm băng thông rộng thương mại đang phát triển của SpaceX có khoảng 5.500 vệ tinh trong không gian để cung cấp Internet gần như toàn cầu cho người tiêu dùng, công ty và cơ quan chính phủ.

Chương trình bí mật chòm vệ tinh gián điệp là một trong những khả năng được chính phủ Hoa Kỳ muốn có nhất trong không gian vì nó được thiết kế để cung cấp phạm vi bao phủ liên tục, rộng khắp và nhanh chóng nhất của các hoạt động trên trái đất.

“Không ai có thể che giấu gì được”, một trong những nguồn tin nói về khả năng tiềm tàng của hệ thống khi mô tả phạm vi tiếp cận của mạng.

Ông Elson Musk, cũng là người sáng lập và giám đốc điều hành của hãng xe điện Tesla và chủ sở hữu của công ty truyền thông xã hội X, đã thúc đẩy sự đổi mới trong không gian nhưng cũng gây ra sự thất vọng đối với một số quan chức trong chính quyền Biden về việc kiểm soát Starlink ở Ukraine, nơi quân đội Kyiv sử dụng nó để liên lạc trong cuộc chiến với Nga. Quyền kiểm soát và sử dụng Starlink trong vùng chiến sự thuộc về ông Musk chứ không phải quân đội Hoa Kỳ đã tạo ra căng thẳng giữa ông và chính phủ Hoa Kỳ.

Mạng lưới Starshield này là một phần của việc tăng cường cạnh tranh giữa Mỹ và các đối thủ để trở thành cường quốc quân sự thống trị trong không gian, một phần bằng cách mở rộng các hệ thống vệ tinh do thám thay cho các tàu vũ trụ cồng kềnh, đắt tiền ở quỹ đạo cao hơn. Thay vào đó, một mạng lưới rộng lớn, có quỹ đạo thấp có thể cung cấp hình ảnh Trái đất nhanh hơn và gần như liên tục.

Trung Quốc cũng có kế hoạch bắt đầu xây dựng các chòm vệ tinh của riêng mình và Lầu Năm Góc đã cảnh báo về các mối đe dọa vũ khí không gian từ Nga, vốn có khả năng vô hiệu hóa toàn bộ mạng lưới vệ tinh.

Starshield nhằm mục đích được xây dựng kiên cố hơn trước các cuộc tấn công từ các lực lượng không gian phức tạp.

Mạng lưới này cũng nhằm mục đích mở rộng đáng kể khả năng viễn thám của chính phủ Hoa Kỳ và sẽ bao gồm các vệ tinh lớn có cảm biến hình ảnh, cũng như một số lượng lớn hơn các vệ tinh chuyển tiếp truyền dữ liệu hình ảnh và các thông tin liên lạc khác trên mạng bằng cách sử dụng tia laser giữa các vệ tinh, hai trong số các nguồn tin cho biết.

NRO bao gồm nhân viên của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ và CIA và cung cấp hình ảnh vệ tinh mật cho Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo khác.

Ba nguồn tin cho biết các vệ tinh do thám sẽ chứa các cảm biến do một công ty khác cung cấp.

MỸ PHỤ THUỘC VÀO URANIUM NGA NHƯ THẾ NÀO?

Sau từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, Mỹ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, nhưng vẫn tiếp tục nhập khẩu uranium được làm giàu (enriched uranium) từ nước này...

Trong bối cảnh Nga là nhà cung cấp nước ngoài lớn nhất của Mỹ về uranium được làm giàu, Hạ viện Mỹ năm ngoái đã thông qua một dự luật cấm nhập khẩu mặt hàng này từ Nga. Tuy nhiên, dự luật này cần được Thượng viện thông qua trước khi có hiệu lực.

Đồ thị thông tin dưới đây cho thấy sự phụ thuộc của Mỹ vào uranium từ Nga, dựa trên dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Theo đó, năm 2022, Nga cung cấp gần 25% uranium được làm giàu dùng trong các lò phản ứng hạt nhân thương mại ở Mỹ (hơn 90 lò). Phần lớn lượng còn lại đến từ các quốc gia châu Âu. Một phần cũng đến từ một liên doanh Anh-Hà Lan-Đức có tên là Urenco hoạt động tại Mỹ.

Trên thế giới, nhiều quốc gia phụ thuộc vào uranium được làm giàu của Nga cho hơn 50% nhu cầu sử dụng trong nước, bao gồm một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một số nước đồng minh của Ukraine.

Chỉ riêng năm 2023, ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ chi hơn 800 triệu USD để mua uranium được làm giàu từ Rosatom, tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước của Nga và các công ty con.

Đáng chú ý, điện hạt nhân chiếm 19% tổng lượng điện tiêu thụ ở Mỹ. Nước này bắt đầu phụ thuộc vào uranium từ Nga để sản xuất điện hạt nhân vào những năm 1990. Đó là thời điểm Mỹ tăng nhập khẩu uranium Nga thay vì đẩy mạnh làm giàu uranium trong nước.

Nằm trong dự luật cấm nhập khẩu uranium Nga, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến chi 2,2 tỷ USD để mở rộng các cơ sở làm giàu uranium trong nước.

BLOOMBERG: MỸ CẠN VŨ KHÍ SAU 2 NĂM VIỆN TRỢ UKRAINE

Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề xuất Quốc hội phân bổ ít nhất 6,5 tỉ USD để bổ sung kho vũ khí vốn đã cạn kiệt sau 2 năm liên tục viện trợ Ukraine - hãng tin Bloomberg mới đây cho biết.

Trong đề xuất được đệ trình vào tháng trước, Lầu Năm Góc lưu ý Quốc hội rằng ngân sách để bổ sung vũ khí là ưu tiên hàng đầu.

Danh sách mua sắm được cho là bao gồm nhiều loại vũ khí, đạn dược và các thành phần quan trọng để sản xuất đạn pháo 155 mm, tên lửa chống radar HARM, tên lửa đánh chặn Patriot, tên lửa GMLRS và TOW chống tăng.

Trong khi Lầu Năm Góc ước tính chi phí để giải quyết vấn đề cấp bách nêu trên là 6,5 tỉ USD, nhiều hãng tin Mỹ khẳng định hồi đầu tuần rằng con số này ít nhất là 10 tỉ USD.

Nếu lượng khí tài thiếu hụt không được bù đắp, "lỗ hổng hiện thời" sẽ gây căng thẳng cho quân đội Mỹ - một nguồn tin nói với Politico.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, Mỹ - tính đến cuối năm ngoái - đã cung cấp hơn 75 tỉ USD tiền mặt và thiết bị cho Kiev, vượt xa các nước phương Tây.

Nhà Trắng đang đề nghị hơn 60 tỉ USD hỗ trợ bổ sung cho Ukraine. Tuy nhiên, Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát liên tục ngăn cản những lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden về việc giải ngân số tiền này.

Tổng thống Biden cho rằng sự chậm trễ trong khâu viện trợ là nguyên nhân khiến Kiev thất thế trong quãng thời gian gần đây.

Nhà Trắng hôm 12-3 công bố gói viện trợ khẩn cấp trị giá 300 triệu USD cho Ukraine, được trích từ "khoản tiết kiệm chi phí ngoài dự kiến" có được nhờ các hợp đồng của Lầu Năm Góc.

MỸ CẢNH BÁO “LẰN RANH ĐỎ” KHI ISRAEL PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TẤN CÔNG RAFAH

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 15/3 đã phê duyệt kế hoạch tấn công thành phố Rafah, miền Nam Gaza. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, kế hoạch này sẽ là một “lằn ranh đỏ” nếu được thực hiện mà không có đủ biện pháp phòng ngừa để bảo vệ dân thường.

Rafah là nơi nương náu của hơn 1,4 triệu người Palestine, trong đó phần lớn là những người chạy trốn xung đột ở phía Bắc Gaza.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric hôm qua đã cảnh báo hậu quả của một cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Rafah sẽ là “thảm hoạ” đối với người dân Gaza.

“Tôi nghĩ hậu quả của một chiến dịch trên bộ ở Rafah trong hoàn cảnh hiện tại sẽ là thảm họa đối với người dân Gaza, cũng như đối với người Palestine. Đây sẽ là một thảm hoạ về nhân đạo. Chúng tôi rất hy vọng rằng tất cả những điều này có thể tránh được. Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và chúng tôi tiếp tục hy vọng rằng các bên sẽ tìm ra cách để ngừng bắn và đảm bảo khả năng tiếp cận nhân đạo lớn hơn, đảm bảo giải phóng tất cả con tin và mở ra một con đường để tiến lên cho cả người Israel và người Palestine”, ông Stephane Dujarric nhấn mạnh.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, việc tấn công Rafah sẽ là “một lằn ranh đỏ” nếu được thực hiện mà không có đủ biện pháp phòng ngừa để bảo vệ dân thường.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: “Tổng thống Joe Biden đã nói rất rõ ràng rằng với số lượng lớn dân thường ở Rafah, khoảng 1,4 triệu người, trong đó nhiều người đã phải di dời khỏi các khu vực khác của Gaza, chúng ta phải thấy một kế hoạch rõ ràng và khả thi. Đó không chỉ là để đưa dân thường thoát khỏi nguy hiểm, mà còn đảm bảo rằng một khi thoát khỏi nguy hiểm, họ phải được chăm sóc thích hợp từ nơi ở, thức ăn, thuốc men đến quần áo. Và chúng tôi chưa thấy một kế hoạch như vậy”.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, Israel đang tìm cách gây áp lực đàm phán lên Hamas trong bối cảnh các cuộc thảo luận tại Qatar và Ai Cập đang lâm vào bế tắc.

Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã mô tả đề xuất mới nhất của Hamas là phi thực tế, song cho biết một phái đoàn Israel sẽ đến Qatar để thảo luận về lập trường của Israel đối với một thoả thuận tiền năng.

Trong một diễn biến liên quan, chuyến hàng viện trợ đầu tiên qua hành lang hàng hải mới từ Cộng hoà Síp hôm qua đã bắt đầu tháo dỡ hàng thực phẩm tại một cầu cảng tạm thời ngoài khơi bờ biển Gaza. Trong bối cảnh, việc tiếp cận nhân đạo vào Gaza qua Jordan, Israel và Ai Cập đều bị hạn chế, quốc tế đang nỗ lực đa dạng hoá các tuyến cung cấp viện trợ.

Tuy nhiên, theo Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo, việc thả hàng viện trợ từ trên không và vận chuyển hàng cứu trợ bằng đường biển không thay thế được việc vận chuyển hàng cứu trợ bằng đường bộ.

Theo Cơ quan y tế Gaza, tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng sau hơn 5 tháng xung đột và bị phong toả đã khiến 27 người tử vong vì suy dinh dưỡng và mất nước, hầu hết là trẻ em.

Nguồn: Vnexpress; VOA; VnEconomy; Soha; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang