Mỹ: Dân khổ vì chính phủ; Nỗi ám ảnh kinh niên; McCarthy nguy cơ mất chức; Mike Pence tranh cử; Thỏa thuận với Đài Loan

Dân Mỹ chịu gánh nặng lớn khi chính phủ nghiện đi vay: Một đứa trẻ vừa ra đời đã phải gánh khoản nợ gần 80.000 USD

(Ảnh minh họa).

Mọi thứ sẽ còn tệ hơn nhiều nếu tình hình không thay đổi trong 30 năm nữa, khi nợ công của Mỹ được dự báo sẽ tăng lên gần gấp đôi so với GDP và tạo ra áp lực tiềm ẩn với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo số liệu của chính phủ, nợ công của Mỹ hiện đạt khoảng 31,46 nghìn tỷ USD. Song, con số này thực sự có ý nghĩa gì và dân Mỹ đang nợ ai số tiền đó?

Đây không phải là một điều gì mới mẻ, nước Mỹ đã “ôm” nợ từ rất lâu. Cũng giống như những khoản vay thẻ tín dụng của mỗi cá nhân, nợ công cũng tăng lên khi chính phủ không thể thanh toán hết nợ cho các chương trình chi tiêu trong hàng thập kỷ, với những lĩnh vực như Medicaid, y tế, quân đội, hỗ trợ thực phẩm và 1.000 khoản khác.

Để hiểu một cách đơn giản hơn, nếu chia trung bình cho mỗi người dân Mỹ, thì không kể già, trẻ, gái, trai, ai cũng gánh một khoản nợ trung bình là 94.000 USD. Theo số liệu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, năm 2023, một đứa trẻ Mỹ sinh ra đã phải “ôm” khoản nợ 78.089 USD, ước tính đến tuổi 18 sẽ nợ 143.813 USD và con số này được dự đoán sẽ tăng lên 226.263 USD khi ở tuổi 30.

Quay trở lại năm 2000, nợ công tương đương với 36% tổng thu nhập, hàng hoá và mọi thứ mà nền kinh tế Mỹ sản xuất trong năm đó. Tuy nhiên, cho đến nay, con số này đã tăng vọt và nợ công của Mỹ đang bằng 98% GDP. Mọi thứ sẽ còn tệ hơn nhiều nếu tình hình không thay đổi trong 30 năm nữa, khi nợ công được dự báo sẽ tăng lên gần gấp đôi so với GDP và tạo ra áp lực tiềm ẩn với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo giới chuyên gia, việc chính phủ Mỹ liên tục đi vay sẽ tạo gánh nặng ngày càng lớn đến thế hệ sau. Nguyên nhân là bởi chi phí lãi vay mới là điều mà nhiều người chú ý ở khoản nợ. Ví dụ, đến khoảng 2050, khoảng 50% doanh thu của chính phủ liên bang sẽ được dùng chỉ để trả tiền lãi.

Điều này có nghĩa là, đến năm 2053, khi những những em bé hiện tại sẽ ở độ tuổi 30, chi phí lãi vay cho khoản nợ công sẽ là khoản chi lớn nhất đối với chính phủ liên bang Mỹ. Và 50% khoản thuế mà những người này sẽ được dùng để thanh toán các khoản lãi đó.

Rõ ràng rằng, việc phải trả lãi quá nhiều sẽ hạn chế các khoản chi tiêu của chính phủ cho mọi thứ, từ dịch vụ y tế, quân đội, giáo dục hay môi trường, ngay cả các khoản trợ cấp an sinh xã hội cũng sẽ bị cắt giảm đáng kể.

Chính phủ Mỹ nỗ lực giảm thiểu những khoản nợ bằng cách phát hành những tài sản như chứng khoán và trả lãi cho những bên nắm giữ. Chỉ riêng năm ngoái, chính phủ nước này đã trả 476 tỷ USD tiền lãi, tương đương gần 2% GDP.

Và bởi vậy, rất nhiều người dân của nước Mỹ đang là chủ nợ của chính đất nước họ đang sinh sống. Khoảng 60% trái phiếu Mỹ thì được sở hữu bởi nhà đầu tư đại chúng, như những người ở Nhật Bản, Trung Quốc hay Anh. Theo Pew Research Center, 20% trái phiếu được Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ nắm giữ.

Gần đây, trong bối chính phủ Mỹ đối diện nguy cơ vỡ nợ, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thoả thuận về việc kiểm soát ngân sách, nâng trần nợ công để ngăn chặn thảm hoạ này. Với việc chi tiêu chính phủ trong năm tài chính 2024 phải được giữ nguyên và tăng 1% trong năm kế tiếp, 2 bên đã đồng ý tăng trần nợ trong 2 năm.

Theo các thành viên viên đảng Cộng hoà, việc chính phủ Mỹ cắt giảm chi tiêu là điều cần thiết để hạn chế nợ công tăng thêm. Đảng này muốn đưa ra thêm quy định về việc làm, khuyến khích người trưởng thành lao động để kiếm nhiều tiền hơn, tự đóng thuế và không còn phụ thuộc vào nguồn trợ cấp, theo đó tỷ lệ lao động và thu nhập cũng được cải thiện.

(Nguồn: CafeF)

Nỗi ám ảnh kinh niên

Với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống, sáng 1/6 (giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận về trần nợ công, qua đó "tháo ngòi nổ" cho "quả bom" vỡ nợ ám ảnh nước Mỹ thời gian qua.

Vượt "ải" Hạ viện, việc xem xét văn kiện tại Thượng viện chỉ còn là khâu mang tính thủ tục và sau đó sẽ được Tổng thống Joe Biden ký ban hành trước ngày 5/6 - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn kiện ngân sách để thanh toán các nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, không vì thế mà nỗi lo đã qua đi.

Thỏa thuận lưỡng đảng sẽ đình chỉ áp dụng mức trần nợ công 31.400 tỷ USD đến tháng 1/2025, qua đó "bật đèn xanh" cho Bộ Tài chính Mỹ vay thêm tiền để thanh toán các hóa đơn của quốc gia trong khoảng thời gian trên. Hai bên nhất trí giới hạn chi tiêu ngân sách năm tài chính 2024 và 2025, theo đó trong năm tài chính 2024 cấp 886 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi, ở mức 704 tỷ USD. Trong tài khóa 2025, chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng sẽ tăng 1%. Ngoài ra, hai bên nhất trí thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng; đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.

Với thời hạn thực hiện thỏa thuận kéo dài đến tháng 1/2025, vấn đề trần nợ công sẽ không gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Tuy nhiên, thỏa thuận đình chỉ trần nợ công cũng khơi mào cho một cuộc chiến tiềm tàng tiếp theo về gánh nặng nợ của quốc gia khi thời điểm thỏa thuận kết thúc.

Tổng thống Biden thừa nhận hai bên đều phải có sự nhượng bộ nhất định để tránh kịch bản chính phủ vỡ nợ. Nhà Trắng đã đồng ý giới hạn chi tiêu và cắt giảm một số chương trình của chính phủ trong khi đảng Cộng hòa chấp nhận giảm bớt yêu cầu đối với một số lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn có không ít nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn cho rằng thỏa thuận không cắt giảm chi tiêu đủ để bù đắp cho thâm hụt ngân sách trong tương lai, trong khi một số nghị sĩ Dân chủ lo lắng những thay đổi sẽ khiến hoạt động của nhiều chương trình bị giới hạn. Nhà Trắng ước tính rằng thỏa thuận này sẽ giảm chi tiêu của chính phủ ít nhất 1.000 tỷ USD. Giới đầu tư lo ngại những cắt giảm chi tiêu sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Chuyên gia Bob Stark, người đứng đầu nhóm chiến lược thị trường toàn cầu thuộc Công ty quản lý tài chính Kyriba, cho biết mặc dù thỏa thuận về trần nợ của Nhà Trắng là một tin tốt lành, nhưng đây chỉ là bước đầu tiên để cứu chính phủ khỏi bờ vực mất thanh khoản. Ông cho rằng Chính phủ Mỹ vẫn gặp khó khăn về dòng tiền. Các nhà đầu tư vẫn thận trọng về việc giới hạn chi tiêu được đề xuất sẽ tác động đến các ngành cụ thể cũng như toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, theo ông Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại LPL Financial, trong số các lĩnh vực thị trường được hưởng lợi từ thỏa thuận này có cổ phiếu quốc phòng cũng như các lĩnh vực theo chu kỳ của thị trường và cổ phiếu năng lượng. Ông hy vọng thỏa thuận sẽ giúp củng cố thị trường trên quy mô rộng lớn hơn chứ không chỉ một số hãng công nghệ lớn.

Ngoài ra, tình trạng "bên miệng hố chiến tranh" ở Washington cũng có thể khiến các cơ quan xếp hạng hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ. Một số cơ quan xếp hạng đã đưa Mỹ vào diện xem xét khả năng bị hạ cấp. S&P Global Ratings đã tước bỏ xếp hạng hàng đầu của Mỹ do tranh cãi về trần nợ công hồi năm 2011, chỉ vài ngày sau khi đạt được một thỏa thuận vào phút chót. Việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm ảnh hưởng tới sàn chứng khoán Mỹ. Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của OANDA ở New York, thừa nhận nền kinh tế Mỹ vẫn đang đối mặt với rủi ro bị hạ cấp tín nhiệm.

Các nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị cho sự biến động tiềm tàng của trái phiếu chính phủ Mỹ vì Bộ Tài chính dự kiến sẽ nhanh chóng lấp đầy các kho bạc rỗng bằng việc phát hành trái phiếu sau khi thỏa thuận được thông qua. Việc phát hành này có khả năng hút hàng trăm tỷ USD tiền mặt khỏi thị trường. Damien Boey, chiến lược gia về kinh tế vĩ mô tại BarrenJoey ở Sydney, Australia, dự đoán thế giới có thể chứng kiến sự gia tăng tình trạng biến động lãi suất và điều này sẽ khiến các cổ phiếu ngân hàng bị chững lại. Theo chuyên gia kinh tế Thierry Wizman của Macquarie, thỏa thuận này đã giải tỏa sức ép cho thị trường trái phiếu, nhưng không khắc phục được vấn đề là lãi suất trái phiếu chính phủ ngày càng tăng do thị trường dự báo lượng lớn trái phiếu kho bạc sẽ được phát hành trong vài tuần tới, khi Bộ Tài chính cần lấp đầy ngân sách.

Hiện tại thỏa thuận lưỡng đảng về trần nợ công có thể hạ nhiệt khủng hoảng trong một thời gian, nhưng rõ ràng sự bất đồng giữa đảng Cộng hòa với đảng Dân chủ cho thấy thực chất đây có thể chỉ là chiến thuật "câu giờ" của cả hai bên để tạm nghỉ trước khi cuộc chiến này có thể bùng nổ trở lại vào năm 2025. Kể từ năm 1960 tới nay, Quốc hội Mỹ đã gần 80 lần nâng trần nợ, song có vẻ biện pháp này không nhằm mục đích giải quyết các vấn đề tài chính của Mỹ về lâu dài. Nỗi ám ảnh về trần nợ công sẽ còn đeo bám nền kinh tế Mỹ như trước nay vẫn vậy chừng nào các nghị sĩ vẫn coi đây là công cụ mặc cả những lợi ích chính trị hơn là kinh tế.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trần nợ, ông McCarthy có nguy cơ mất chức

(Ảnh minh họa).

Dự luật trần nợ của Mỹ đã được Hạ viện thông qua hôm 31/5 với sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng, nhưng vấp phải sự phản đối của gần 1/3 đảng viên Cộng hòa.

Các nhà lập pháp Mỹ đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn vụ vỡ nợ đầu tiên trước ngày 5/6, ngày mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo Mỹ sẽ không thể thanh toán các khoản nợ của quốc gia.

Dù phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ cả hai phe cực hữu và cực tả, dự luật này cuối cùng cũng đã được Hạ viện thông qua với sự ủng hộ đáng kể của lưỡng đảng dù tỉ số chênh lệch lớn.

Tổng số phiếu bầu cuối cùng là 314 – 117, trong đó đảng Cộng hòa có 149 phiếu thuận, 71 phiếu chống và đảng Dân chủ có 165 phiếu thuận, 46 phiếu chống.

Giờ đây, Thượng viện sẽ chuyển dự luật này tới bàn của Tổng thống Joe Biden. “Thỏa thuận này là tin tốt cho người dân và nền kinh tế Mỹ. Tôi kêu gọi Thượng viện thông qua nó càng nhanh càng tốt để tôi có thể ký thành luật”, ông Biden nói sau cuộc bỏ phiếu.

Dự luật này sẽ tạm thời loại bỏ trần nợ của chính phủ liên bang đến hết ngày 1/1/2025. Nó cũng sẽ hạn chế một số chi tiêu của chính phủ trong 2 năm tới, đẩy nhanh quy trình cấp phép cho một số dự án năng lượng, thu hồi các quỹ Covid-19 chưa sử dụng và mở rộng yêu cầu đối những người nhận hỗ trợ lương thực.

Bằng cách giành chiến thắng với việc dự luật được thông qua, ông McCarthy đã hạ thấp những lo ngại về sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa tại Hạ viện và ăn mừng những nhượng bộ chính sách mà ông đã đạt được trong các cuộc đàm phán với ông Biden.

Ông McCarthy đã thuyết phục được hơn 2/3 thành viên trong đảng của mình, nhưng cuối cùng số đảng viên Dân chủ ủng hộ dự luật này vẫn nhiều hơn số đảng viên Cộng hòa. Theo Bloomberg, các nhà phê bình bảo thủ sẽ sử dụng vấn đề này để tranh luận rằng Chủ tịch Hạ viện đã có một thỏa thuận tồi.

Do đó, khoảnh khắc vinh quang nhất của ông McCarthy với tư cách là Chủ tịch Hạ viện cũng là khoảnh khắc khó khăn nhất đối với ông.

Ngay cả sau khi ông đã thành công buộc ông Biden phải đồng ý nhượng bộ, ông vẫn sẽ phải đối mặt với sự tức giận của các nhà lập pháp cánh hữu vì không thể giành được việc cắt giảm chi tiêu sâu hơn và hạn chế đối với các chương trình xã hội. Những người này thậm chí còn đang đang cân nhắc xem có nên thay thế vị trí của ông tại Hạ viện hay không.

Mối nguy hiểm mà ông McCarthy đang đối mặt là kết quả của những nhượng bộ mà ông đã phải đưa ra để trở thành Chủ tịch Hạ viện, bao gồm cả thỏa thuận rằng bất kỳ thành viên nào của Quốc hội cũng có thể đưa ra kiến nghị khiến ông rời khỏi chiếc ghế của mình. Với thỏa thuận này, ông McCarthy có thể bị loại bất cứ lúc nào chỉ với một cuộc bỏ phiếu.

Vào sáng 30/5, hạ nghị sĩ Dan Bishop từ Bắc Carolina cho biết, ông đang cân nhắc có nên đưa ra kiến nghị để bãi nhiệm ông McCarthy hay không. Tuy nhiên, ý kiến của ông Bishop không nhận được sự ủng hộ của các đảng viên bảo thủ khác.

Nữ nghị sĩ Lauren Boebert từ Colorado thậm chí còn bảo vệ ông McCarthy, nói rằng những thiếu sót trong thỏa thuận không phải là lỗi của ông ấy. Đến cuối ngày, ông Bishop đã từ bỏ ý tưởng này và từ chối thảo luận về nó khi ra về sau cuộc họp kín của đảng Cộng hòa

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Cựu Phó Tổng thống Mike Pence sắp khởi động chiến dịch tranh cử 2024

Cựu Phó Tổng thống Đảng Cộng hòa Mike Pence, người đã khiến ông Donald Trump phẫn nộ vì từ chối ủng hộ nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020, sẽ bước vào cuộc đua tranh cử tổng thống năm 2024 vào ngày 7 tháng 6, hai nguồn thạo tin nói với Reuters.

Các nguồn tin cho biết ông Pence sẽ khởi động chiến dịch tranh cử bằng một đoạn video và một bài phát biểu tại Iowa.

Là một người bảo thủ xã hội trung thành, người luôn sát cánh bên ông Trump trong suốt thời gian ông nắm quyền, ông Pence ngày càng xa cách với cựu tổng thống Đảng Cộng hòa kể từ thất bại của ông Trump trong cuộc bầu cử, nói rằng việc ông Trump khuyến khích những kẻ bạo loạn tấn công Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 đã khiến ông cảm thấy khó chịu, làm cho ông và gia đình gặp nguy hiểm.

Ông Trump đang dẫn đầu trong cuộc thăm dò dư luận bên phía Đảng Cộng hòa hiện có hơn sáu ứng cử viên được tuyên bố.

Ông Pence đã tiếp tục ủng hộ nhiều chính sách của ông Trump, đồng thời thể hiện mình là một người thay thế bình tĩnh và hướng đến sự đồng thuận. Ông cũng đã kêu gọi trực tiếp hơn đến cộng đồng Tin lành Phúc âm, ông đã dành thời gian đáng kể trong những tháng gần đây để đi thăm các nhà thờ lớn trên khắp đất nước.

Ông Pence - cựu thống đốc bang Indiana và từng là lãnh đạo đảng tại Hạ viện Hoa Kỳ - cũng sẽ kiểm tra sự khát khao của cử tri đối với một thành viên ôn hòa hay cấp tiến Cộng hòa trong một đảng mà cử tri ngày càng nghiêng về người ngoài cuộc.

(Nguồn: VOA)

Mỹ và Đài Loan ký thỏa thuận đầu tiên trong khuôn khổ thương mại mới

(Ảnh minh họa).

Đài Loan và Mỹ đã ký thỏa thuận đầu tiên trong khuôn khổ đối thoại thương mại mới hôm thứ Năm, tăng cường quan hệ giữa hai nước vào thời điểm căng thẳng tăng cao với Trung Quốc liên quan đến hòn đảo theo thể chế dân chủ này, theo Reuters.

Đài Loan và Mỹ bắt đầu cuộc đối thoại trong khuôn khổ có tên Sáng kiến Mỹ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21 (U.S.-Taiwan Initiative on 21st Century Trade) diễn ra tháng Tám năm ngoái, sau khi Washington đưa Đài Loan ra khỏi các sáng kiến thương mại xuyên châu Á có tên Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Economic Framework) lớn hơn của mình.

Văn phòng Đàm phán Thương mại Đài Loan cho hay thỏa thuận đầu tiên trong khuôn khổ này sẽ được ký kết tại Washington vào sáng thứ Năm 01/06, theo giờ Hoa Kỳ, nhưng không đưa thêm chi tiết.

Văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho hay Phó Đại diện Thương mại Mỹ Sarah Bianchi sẽ tham dự sự kiện này, nhưng không nêu thêm chi tiết.

Tháng trước, hai bên đã đạt được thỏa thuận trong phần đầu tiên của sáng kiến thương mại, bao gồm các thủ tục về hải quan và biên giới, cách thức quản lý, và doanh nghiệp nhỏ.

Sau khi thỏa thuận đầu tiên được ký kết, các cuộc đàm phán khác sẽ tiếp tục về các lĩnh vực thương mại phức tạp hơn bao gồm nông nghiệp, thương mại số, tiêu chuẩn lao động và môi trường, doanh nghiệp do nhà nước quản lý, và cách thức thực hành và chính sách phi thị trường, USTR trước đó cho hay.

Thỏa thuận không kỳ vọng sẽ thay thế thuế hàng hóa, nhưng những người ủng hộ nói rằng sẽ củng cố mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Đài Loan, mở cửa Đài Loan cho nhiều cơ hội xuất khẩu hơn từ Mỹ, và giúp Đài Loan tăng cường khả năng chống lại các áp lực kinh tế từ Trung Quốc.

Bắc Kinh phản đối cuộc đối thoại, giống như nước này từng làm với mọi hình thức quan hệ ngoại giao cấp cao giữa Đài Loan với Mỹ. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ.

Đài Loan cật lực phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc - khiến Bắc Kinh tìm mọi cách gây áp lực lên Đài Bắc thông qua các hoạt động quân sự bao gồm tập trận chiến tranh quanh hòn đảo.

(Nguồn: BBC)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang