Gen Z TQ đổ xô tích trữ vàng; DN Nga phát đạt; Israel sắp tấn công Rafah; Bất ổn ở Haiti; Nga tập kích Odessa

GEN Z TRUNG QUỐC ĐỔ XÔ TÍCH TRỮ VÀNG

Giới trẻ Trung Quốc gần đây có trào lưu trích trữ hạt vàng, loại vàng được tạo hình nhỏ như hạt đậu, trong bối cảnh giảm phát, chứng khoán biến động, lãi suất ngân hàng thấp.

Trong bối cảnh giảm phát tồi tệ nhất 15 năm qua, thị trường chứng khoán biến động, lãi suất ngân hàng thấp, Tina Hong, 18 tuổi, một tân sinh viên ngành khoa học máy tính ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, quyết định tích trữ hạt đậu vàng.

"Về cơ bản, mua vàng không bao giờ lỗ", Hong giải thích.

Cô bắt đầu tích trữ hạt vàng từ tháng 1, thời điểm giá vàng còn thấp, khoảng 600 tệ/gram (83 USD). Cô cho biết sẽ tiếp tục mua vàng chừng nào giá vàng trong nước còn thấp hơn giá thế giới.

Với trọng lượng chỉ 1 gram, hạt vàng (có thể được thiết kế đơn giản như hạt đậu hoặc tạo hình cá) đang được coi là loại hình đầu tư an toàn nhất đối với giới trẻ Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Đây là một phần trong xu hướng tích trữ vàng từ vàng miếng đến vàng trang sức nói chung ở đại lục.

Do vậy, hạt đậu vàng đựng trong các lọ thủy tinh đang trở thành mặt hàng bán chạy nhất trong các cửa hàng trang sức Trung Quốc.

Theo khảo sát về xu hướng tiêu dùng do Công ty vàng Chow Tai Fook thực hiện, Gen Z hiện nằm trong số những người tiêu dùng phụ kiện vàng hàng đầu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sức hấp dẫn của vàng xuất hiện khi người dân quay trở lại mua sắm giữa bối cảnh tăng trưởng đáng thất vọng trong nhiều tháng qua. Sự thiếu niềm tin vào các khoản đầu tư truyền thống đã thúc đẩy cơn sốt vàng mới ở Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến đà sụt giảm sau khi mở cửa trở lại sau đại dịch.

Tầng lớp trung lưu chịu ảnh hưởng tiêu cực từ suy thoái thị trường bất động sản trong khi ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất cơ bản 4 lần kể từ tháng 12/2021.

Nikos Kavalis, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Metals Focus có trụ sở tại London, cho biết những người trẻ tuổi đang bỏ qua "tiêu dùng thú vị" và thay vào đó mua "đồ trang sức kiểu tài sản" như đậu vàng để vừa đáp ứng nhu cầu làm đẹp vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng sẽ không có ý nghĩa gì khi đầu tư vào đậu vàng hoặc các mặt hàng vàng khác vì giá của chúng thường cao hơn giá giao ngay từ 10% đến 30%.

Bất chấp điều đó, "cơn sốt" vàng ở giới trẻ Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Trên Weibo, bài viết "Tại sao người trẻ đổ xô mua vàng" đã nhận được 91 triệu lượt truy cập. Một cuộc thảo luận sôi nổi về giá trị lâu dài của vàng đang áp đảo trên mạng xã hội Weibo.

Theo báo cáo năm 2021 của Hội đồng Vàng Thế giới, 3/4 người tiêu dùng vàng hiện nay ước tính ở độ tuổi từ 25 đến 35 và nhiều người tin rằng đầu tư vào vàng có rủi ro thấp.

Niềm tin đó càng được củng cố khi giá vàng đạt nhiều mức cao lịch sử kể từ tháng 12. Trong tháng này, giá vàng thế giới lần đầu vượt ngưỡng 2.100 USD/ounce.

Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, doanh số bán vàng, bạc và trang sức ở nước này đạt mức cao nhất trong 6 năm vào tháng 12, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường vàng hiện là một trong những thị trường tiêu dùng phát triển nhanh nhất ở đại lục.

Mua hạt vàng làm quà tặng và đầu tư đã đạt kỷ lục ở Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán. Thậm chí các ngân hàng cũng bán hạt vàng.

LỆNH TRỪNG PHẠT MẤT TÁC DỤNG, DOANH NGHIỆP NGA NGÀY CÀNG PHÁT ĐẠT KHI THƯƠNG MẠI VỚI TRUNG QUỐC BÙNG NỔ

Khi Bắc Kinh mua dầu của Nga với giá rẻ hơn so với giá của các nhà sản xuất khác, tổng thương mại Nga - Trung đã tăng 64% lên 240 tỷ USD trong hai năm qua.

Reuters ngày 13/3 đưa tin, hoạt động kinh doanh tại công ty hậu cần Logistics Eurasia - có trụ sở gần sông Amur gần biên giới giữa Nga và Trung Quốc - đang diễn ra tốt đẹp. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, mọi chuyện thậm chí còn tốt hơn, doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi sau hai năm hoạt động.

Logistics Eurasia là một trong nhiều doanh nghiệp Nga được hưởng lợi từ sự gia tăng mạnh mẽ trong thương mại với Trung Quốc, kể từ khi các công ty phương Tây rời bỏ thị trường Nga sau chiến sự Ukraine và Nga hứng chịu các lệnh trừng phạt.

Bắc Kinh mua dầu Nga, Moscow mua ô tô và máy móc Trung Quốc

Theo Reuters, thành công của Logistics Eurasia là một ví dụ nêu bật mối quan hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ của Moscow với Bắc Kinh, vốn đang mua thêm dầu của Nga - huyết mạch của nền kinh tế Nga - và cung cấp hàng hóa cho nước này, đặc biệt là ô tô và máy móc.

Dữ liệu thương mại của Trung Quốc năm 2023 cho thấy, xuất khẩu ô tô từ Trung Quốc sang Nga cao hơn gần 7 lần so với năm 2022, với giá trị xuất khẩu tăng gần 10 tỷ USD.

Khi Bắc Kinh mua dầu của Nga với giá rẻ hơn so với giá của các nhà sản xuất khác, tổng thương mại Nga - Trung đã tăng 64% lên 240 tỷ USD trong hai năm qua.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong tuần này rằng: "Đây là sự phát triển hợp tác kinh tế và thương mại có hệ thống, cùng có lợi. Hi vọng đây chưa phải là đỉnh cao và chúng ta sẽ tiếp tục phát triển."

Việc Trung Quốc sẵn sàng hợp tác kinh doanh với Nga, bất chấp cuộc chiến ở Ukraine, đã tạo điều kiện kinh tế cho Tổng thống Vladimir Putin khi ông tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa trong cuộc tổng tuyển cử vào cuối tuần này.

Zach Meyers - trợ lý giám đốc của Trung tâm tư vấn Cải cách Châu Âu - cho biết: "Sự gia tăng thương mại Nga - Trung thể hiện một điều đơn giản rằng các biện pháp trừng phạt đang mất tác dụng theo thời gian, vì các nước không hưởng ứng [lệnh trừng phạt] tận dụng các cơ hội kinh tế còn lại khi các công ty phương Tây rút lui."

Reuters đưa tin, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc là những đối tượng được hưởng lợi đặc biệt từ cuộc di cư của các công ty phương Tây khỏi Nga, khiến nhiều nhà sản xuất ô tô phương Tây nhanh chóng bán tài sản và nhà máy với giá rẻ.

Thị phần của ô tô Trung Quốc trên thị trường Nga đã tăng từ mức dưới 10% lên hơn 50% trong hai năm kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột. Các đại lý tại Nga từng bán các mẫu xe Volkswagen, Renault và Stellantis nay đã chuyển hướng sang các thương hiệu Trung Quốc, bao gồm Geely và Chery.

Vladislav Vershinin - người đứng đầu bộ phận bán hàng tại đại lý Changan ở Mytishchi, ngay ngoại ô Moscow - cho biết: "Không có lựa chọn nào khác. [Kinh doanh] đã mang lại lợi nhuận… người Trung Quốc đang thích nghi rất nhanh."

"Thái độ của người mua [đối với hàng Trung Quốc] chắc chắn đang thay đổi. Mọi người nhìn những thương hiệu này một cách khác biệt và mọi người tin tưởng chúng", Vershinin nói.

Theo đơn vị phân tích Autostat, doanh số bán xe Changan ở Nga đã tăng từ mức 2.550 chiếc vào năm 2022 lên gần 47.800 chiếc vào năm 2023. Dữ liệu cho thấy, đây là thương hiệu ô tô bán chạy thứ năm vào năm ngoái ở Nga; và vào tháng 2/2024, 8 trong số 10 thương hiệu ô tô bán chạy nhất ở Nga là thương hiệu Trung Quốc.

Quan hệ đối tác "không giới hạn"

Meyers thuộc Trung tâm Tư vấn Cải cách Châu Âu cho biết, việc mở rộng quan hệ thương mại Trung - Nga cũng mang lại rủi ro cho cả hai bên.

Ông nói: "Có một rủi ro đáng kể đối với Nga… nước hiện đang phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc phụ thuộc vào họ."

"Đối với Trung Quốc, phương Tây vẫn là đối tác thương mại lớn hơn nhiều so với Nga, và Trung Quốc sẽ mất rất nhiều thứ nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây bắt đầu tác động lên một số lượng đáng kể các công ty Trung Quốc", Meyers nói.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov đã hạ thấp rủi ro. "Không, chúng tôi không thấy mối đe dọa kinh tế và chính trị trong vấn đề này... cả Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đều đặt mục tiêu thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế vượt 200 tỷ USD ngay cả trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Peskov nói.

Hiện tại, các công ty Trung Quốc đã giúp thị trường ô tô Nga phục hồi sau đợt suy thoái nghiêm trọng vào năm 2022, khi chỉ có 626.276 xe du lịch được bán ra. Doanh số bán hàng vào năm 2023 là 1,06 triệu chiếc, vẫn thấp hơn mức 1,52 triệu chiếc trước xung đột vào năm 2021.

Đại lý xe hơi Vershinin cho biết: "Triển vọng về các thương hiệu châu Âu vẫn còn mờ mịt, nhưng hoạt động kinh doanh phải tồn tại và nó sẽ sống nhờ các thương hiệu Trung Quốc."

Nikita Minenkov - chủ sở hữu công ty hậu cần Logistics Eurasia - cho biết, doanh thu đã tăng gấp đôi vào năm 2022.

Ông nói với Reuters rằng: "Vào đầu năm 2023, nhu cầu tăng đáng kinh ngạc, khi mọi thứ đều được mua hết. Đây là hiệu ứng hoảng loạn khi mọi người lo sợ rằng Trung Quốc có thể đột ngột đóng cửa."

Công ty Eurasia Logistics của ông chuyên nhập khẩu hàng hóa, chủ yếu là thiết bị công nghiệp và xây dựng, cũng như các dịch vụ hậu cần.

Theo hồ sơ công ty Eurasia Logistics do SPARK Interfax cung cấp, doanh thu đã tăng 290% lên 970 triệu rúp (10,7 triệu USD) vào năm 2022. Vẫn chưa có dữ liệu cho năm 2023.

Reuters đưa tin, Moscow mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các mối liên kết chặt chẽ hơn với Bắc Kinh như một phần của mối quan hệ đối tác "không giới hạn".

Nga có kế hoạch nâng công suất đường sắt đưa hàng hóa đến Viễn Đông bằng cách tăng chi tiêu lên mức 366 tỷ rúp (4,03 tỷ USD) trong năm nay, tăng khoảng 40% so với năm 2023.

Công suất trên các tuyến đường sắt như Baikal–Amur Mainline và Trans-Siberian dự kiến sẽ đạt 210 triệu tấn/năm vào năm 2030 từ mức 173 triệu tấn vào năm 2023.

Theo Reuters, động thái này của Nga chủ yếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại với Trung Quốc và các nước châu Á khác, chủ yếu là than, dầu và các khoáng sản khác.

Yevgeny Gudkov - người đứng đầu bộ phận bán hàng của KST, một nhà nhập khẩu máy đào và xe nâng từ Trung Quốc có trụ sở tại Moscow - cho biết, nguồn cung từ Trung Quốc hầu như không xuất hiện hai năm trước.

"Chúng tôi từng kinh doanh phụ tùng thay thế", ông nói. Nhưng công ty đã chuyển hướng khi thị trường châu Âu đóng cửa với Nga và nhu cầu về thiết bị từ Trung Quốc tăng vọt.

"Cầu tạo ra cung. Chúng tôi không tạo ra thị trường, thị trường tạo ra [chúng tôi]", Gudkov nói.

ISRAEL CHUẨN BỊ TẤN CÔNG RAFAH, NHƯNG VẪN GIỮ HY VỌNG VỀ LỆNH NGỪNG BẮN

Israel ngày 15/3 chấp thuận một cuộc tấn công tiềm tàng vào thành phố Rafah của Gaza, nhưng cũng đồng thời duy trì hy vọng về ngừng bắn với kế hoạch cử thêm một phái đoàn nữa đến Qatar để đàm phán về một thỏa thuận con tin khả dĩ với tổ chức hiếu chiến Hồi giáo Hamas.

Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông đã đồng ý kế hoạch tấn công thành phố Rafah ở rìa phía nam của vùng đất tan hoang của người Palestine, nơi hơn phân nửa trong số 2,3 triệu cư dân đang trú ẩn sau 5 tháng chiến tranh.

Các đồng minh toàn cầu và các nhà chỉ trích đều kêu gọi ông Netanyahu ngừng tấn công Rafah vì lo ngại thương vong hàng loạt cho dân thường. Nhưng Israel cho biết đây là một trong những thành trì cuối cùng của Hamas mà họ đã cam kết loại bỏ và người dân sẽ được di tản.

Văn phòng của ông Netanyahu cho biết thêm trong tuyên bố ngắn gọn về kế hoạch tấn công Rafah: “IDF (Lực lượng Phòng vệ Israel) đang chuẩn bị hoạt động và di tản người dân”.

Không có khung thời gian nào được đưa ra và không có bằng chứng ngay lập tức về việc chuẩn bị thêm trên thực địa.

Các nhà đàm phán đã thất bại trong tuần này trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn kịp thời cho tháng thiêng liêng Ramadan của người Hồi giáo. Nhưng các nhà hòa giải của Washington và Ả Rập vẫn quyết tâm đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công vào Rafah và cung cấp lương thực để ngăn chặn nạn đói.

Tuyên bố của Israel cho biết đòi hỏi thả con tin của Hamas vẫn không thực tế, nhưng một phái đoàn của Israel vẫn sẽ tới Doha sau khi nội các an ninh thảo luận về lập trường của họ.

Quan chức cấp cao của Hamas, Sami Abu Zuhri, nói với Reuters: “Netanyahu đang dùng mánh khoé và chơi trò chơi thời gian để thực hiện nhiều tội ác diệt chủng hơn. Ông ta không quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận”.

Israel đã bác bỏ các tuyên bố về tội diệt chủng, nói rằng nước này hoàn toàn tập trung vào việc tiêu diệt tất cả các chiến binh Hamas.

Đề nghị của Hamas

Hơn hai tuần sau khi nhận được đề nghị ngừng bắn mà Israel chấp thuận, Hamas hôm 14/3 đã đưa ra cho các nhà hòa giải phản hồi chính thức đầu tiên sau hơn một tháng. Đề nghị được Reuters xem xét ngày 15/3 nói hàng chục con tin Israel sẽ được trả tự do để đổi lấy hàng trăm người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel trong thời gian ngừng bắn kéo dài nhiều tuần vốn sẽ cho phép viện trợ vào Gaza.

Hamas cũng kêu gọi các cuộc đàm phán trong giai đoạn sau để chấm dứt chiến tranh, được coi là không thể chấp nhận được đối với Israel khi nước này nói họ sẽ chỉ đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời.

Mặc dù Israel không chấp nhận, nhưng mô tả của họ về các điều khoản là “vẫn phi thực tế” nhẹ nhàng hơn đáng kể so với ngôn ngữ mà họ sử dụng về lời đề nghị trước đó của Hamas vào tháng trước, mà ông Netanyahu gọi là “ảo tưởng”.

Được phỏng vấn trên kênh N12 News của Israel ngày 15/3, thành viên nội các an ninh và Bộ trưởng Thống nhất Quốc gia Chili Tropper cho biết vẫn còn những khoảng cách lớn trong lập trường của Israel và Hamas.

Ông nói: “Chúng ta phải thành thật với công chúng rằng nếu chúng ta đạt được một thỏa thuận đưa công dân của chúng ta về nhà thì điều đó sẽ phải trả giá và một cái giá nặng nề”.

“Sẽ không phải trả bất cứ giá nào, nhưng chúng ta cũng không nên lừa dối. Để mang những người này trở lại, những người mà chúng ta đã không bảo vệ được vào ngày 7/10/2023, chúng ta sẽ phải trả giá. Cái giá đó sẽ là bao nhiêu? Tôi sẽ để việc đó cho những phiên họp kín.”

Cuộc chiến bắt đầu bằng một cuộc tấn công của các chiến binh Hồi giáo Hamas từ Gaza vào miền nam Israel, khiến 1.200 người thiệt mạng và 253 người bị bắt làm con tin vào ngày 7/10/2023, theo thống kê của Israel. Kể từ đó, một cuộc tấn công của Israel đã giết chết hơn 31.000 người và khiến gần như toàn bộ người dân Gaza phải rời bỏ nhà cửa.

Tàu cứu trợ đầu tiên

Trong khi đó, con tàu đầu tiên chở viện trợ bằng đường biển, Open Arms, đã đến ngoài khơi Gaza.

Israel cho biết 130 pallet đựng thiết bị nhân đạo và 115 tấn thực phẩm, nước uống đã được chuyển xuống xe tải của tổ chức từ thiện World Central Kitchen (WCK) để phân phối sau khi kiểm tra an ninh.

Nếu tuyến đường biển mới thành công, nó có thể giúp giảm bớt nạn đói ở Gaza, nơi hàng trăm nghìn người phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng và các bệnh viện ở khu vực phía bắc bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã báo cáo có trẻ em chết vì đói.

Tuy nhiên, các cơ quan viện trợ đã nhiều lần nói rằng kế hoạch vận chuyển viện trợ bằng đường hàng không và đường biển sẽ không đủ nếu hầu hết việc tiếp cận bằng đường bộ đều bị hạn chế.

Liên hiệp quốc cho biết 1/4 người dân Gaza đang đứng trước nạn đói.

Israel, quốc gia đã phong tỏa tất cả các tuyến đường bộ vào Gaza ngoại trừ hai cửa khẩu ở rìa phía nam lãnh thổ, phủ nhận trách nhiệm gây ra nạn đói và nói rằng các cơ quan viện trợ nên làm tốt hơn.

Việc phân phối nguồn viện trợ hạn chế được gửi đến rất hỗn loạn và thường xuyên mang tính bạo lực.

Trong một trong những sự cố tồi tệ nhất được báo cáo, cơ quan y tế Gaza cho biết ít nhất 21 người đã thiệt mạng và 150 người bị thương khi xếp hàng nhận viện trợ gần Thành phố Gaza vào tối 14/3, đổ lỗi cho lực lượng Israel đã bắn vào đám đông.

Israel phủ nhận trách nhiệm của quân đội và cho biết các chiến binh Hamas đã nổ súng. Reuters không thể xác nhận độc lập hai tuyên bố này.

Căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Washington và Israel về cuộc chiến mà các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho rằng đang được tiến hành mà không quan tâm nhiều đến dân thường.

Lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện Hoa Kỳ Chuck Schumer, quan chức dân cử Do Thái cấp cao nhất ở Hoa Kỳ và là lãnh đạo của Đảng Dân chủ, hôm 14/3 đã kêu gọi người Israel thay thế ông Netanyahu, người có những chính sách cứng rắn mà ông cho rằng đang phá hoại vị thế quốc tế của Israel.

Tổng thống Joe Biden ngày 15/3 nhận xét ông Schumer đã có “một bài phát biểu hay” và mối quan ngại của ông đã được nhiều người Mỹ chia sẻ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với các phóng viên ở Áo rằng Hoa Kỳ cần xem một kế hoạch rõ ràng và khả thi từ Israel dành cho Rafah, bao gồm cả việc đưa dân thường ra khỏi nơi nguy hiểm.

BẤT ỔN Ở HAITI: NGUỒN CƠN VÀ NGUY CƠ

Bất ổn chính trị, tranh giành quyền lực giữa các băng đảng cùng các vụ đảo chính và nghèo đói triền miên là những gì mà người dân Haiti tiếp tục phải đối mặt...

Haiti hay trước đó là Saint Domingue được biết đến sau khi nhà thám hiểm Christopher Columbus (1451-1506) đặt chân lên vùng đất ngày nay gọi là Hispaniola, hòn đảo lớn thứ 22 thế giới và thứ hai khu vực Caribbean ngày 5/12/1492. Kể từ đó, vùng đất giàu tài nguyên này luôn là thuộc địa hoặc chịu chi phối của các thế lực bên ngoài, bắt đầu là Tây Ban Nha đến Pháp rồi Mỹ...

Giành được độc lập từ Pháp vào năm 1804 rồi lập nên thể chế cộng hòa đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh và Caribbean, nhưng Haiti vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với GDP bình quân đầu người năm 2023 theo ước tính của Ngân hàng thế giới chỉ vào khoảng 1.800 USD. Với diện tích 27.650km2 và dân số gần 12 triệu người, Haiti được Liên hợp quốc xếp thứ 163 trên 191 quốc gia về chỉ số phát triển con người vào năm 2022.

Đảo chính triền miên

Năm 1915, Mỹ bắt đầu đưa quân đến đồn trú tại Haiti với lý do hỗ trợ nước này ổn định tình hình sau vụ Tổng thống Jean Vilbrun Guillaume Sam bị ám sát. Sau đó, Mỹ rút quân năm 1943 nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát tài chính và ảnh hưởng chính trị tại đây trong nhiều thập kỷ tiếp theo.

Năm 1957, ông Francoise Duvalier, với chủ trương dân túy và dân tộc chủ nghĩa, đắc cử Tổng thống với sự hậu thuẫn của Mỹ. Tuy nhiên, khi lên nắm quyền và đặc biệt, sau vụ ngăn chặn thành công cuộc đảo chính quân sự năm 1958, chế độ Francoise Duvalier nhanh chóng trở nên chuyên quyền. Tổng thống Duvalier giải tán các đảng phái đối lập, sửa đổi Hiến pháp để giữ ghế trọn đời. Khi ông qua đời vào năm 1967, con trai ông là Jean Claude Duvalier lên thay nhưng sự đàn áp vẫn gia tăng khiến hàng ngàn người Haiti phải vượt biển tìm đường tới Mỹ, nhiều người bỏ mạng trên đường đi.

Đến 1986, cánh quân sự đầy thế lực ở Haiti lật đổ Jean Claude Duvalier, buộc ông phải lưu vong ở Pháp. Phía quân đội đưa Trung tướng Henri Namphy lên thay. Hai năm sau, Tướng Prosper Avril lại đảo chính hạ bệ Henri Namphy và lên nắm quyền. Dưới áp lực quốc tế và sự phản đối của dân chúng, Tướng Avril đã phải từ chức năm 1990, chấp nhận tổ chức tổng tuyển cử. Trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên này, cựu linh mục Jean-Bertrand Aristide, một nhà đấu tranh cánh tả cho người nghèo đã giành chiến thắng. Thế nhưng, Tổng thống Aristide lại bị phế truất trong một cuộc đảo chính khác chỉ một năm sau.

Trước tình trạng các phe phái nổi lên tranh giành quyền lực, với danh nghĩa gìn giữ hòa bình và “duy trì dân chủ", năm 1994 Mỹ đưa quân trở lại Haiti và đưa Aristide trở lại nắm quyền. Nhưng bất chấp sự hậu thuẫn của Mỹ, đầu năm 2004, một lần nữa Tổng thống Aristide bị quân đội lật đổ, buộc phải chạy khỏi đất nước. Haiti lại rơi vào vòng xoáy bạo lực, cùng với dịch tả bùng phát và trận động đất thảm khốc năm 2010 khiến gần 300 nghìn người thiệt mạng, càng khiến cho các vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế của đất nước này chìm sâu vào khủng hoảng.

Trong bối cảnh đó, với sự hỗ trợ quốc tế, ông Michel Martelly được bầu làm Tổng thống vào năm 2011. Nhưng chính phủ của ông Martelly lại phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối và yêu cầu Tổng thống từ chức. Đến năm 2016, ông Jovenel Moise vốn là một nhà xuất khẩu chuối đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Thế nhưng, ông Jovenel Moise lại bị ám sát ngay tại nhà riêng vào ngày 7/7/2021.

Cho đến nay, Haiti vẫn chưa tổ chức tổng tuyển cử và hiện Thủ tướng Ariel Henry là Tổng thống tạm quyền. Tuy nhiên, nhiều người dân Haiti lại xem ông là một gương mặt tiếp nối của hệ thống cũ và gây áp lực đòi ông từ chức. Chính Thủ tướng Ariel Henry đã bị ám sát hụt trong lễ kỷ niệm Quốc khánh Haiti ngày 1/1/2022.

Theo thỏa thuận giữa các bên sau vụ ám sát ông Moise, Haiti sẽ tổ chức bầu cử và Thủ tướng Henry phải chuyển giao quyền lực cho người được bầu trước ngày 7/2/2024. Tuy nhiên, ông Henry đã hoãn vô thời hạn với lý do trận động đất nghiêm trọng hồi tháng 8/2021 và ảnh hưởng ngày càng tăng của các băng nhóm tội phạm. Tại Thượng đỉnh Cộng đồng Caribbean (CARICOM) ở Guyana ngày 28/2, Thủ tướng Henry cam kết tổ chức tổng tuyển cử trước ngày 31/8/2025.

Mảnh đất của băng nhóm

Sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise, hơn 200 băng nhóm bắt đầu tràn vào Port-au-Prince. Trong số đó, có những băng khét tiếng như 400 Mawozo do Mawozo cầm đầu, nhóm G-9 do cựu cảnh sát Jimmy “Bar Grill” Chérizier làm thủ lĩnh và nhóm G-Pep do Gabriel Jean chỉ huy… Mỗi nhóm đều có vài nghìn tay súng và sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại như của quân đội chính quy.

Mới đây, vào đêm 3/3, các băng nhóm tấn công nhà tù quốc gia Haiti làm hàng chục người thiệt mạng và giải thoát gần 4.000 tội phạm đang bị giam giữ. Cuộc tấn công và giải cứu tù nhân là một cú sốc cho người dân Haiti và các nước khu vực. Thủ tướng Ariel Henry đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi không thể trở về nước sau khi đến Kenya gặp các lãnh đạo CARICOM kêu gọi hỗ trợ.

Theo một báo cáo của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc, giữa khoảng trống quyền lực, các băng nhóm ở Haiti có thể tự do hành động mà không sợ bị luật pháp trừng trị. Những kẻ cầm đầu đang gia tăng quyền kiểm soát các khu dân cư trước khi cuộc bầu cử tổng thống được ấn định vào năm tới, ép người dân bỏ phiếu cho ứng viên của họ.

Trong khi đó, lực lượng cảnh sát Haiti tuy có sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (MINUSTAH) nhưng đã không thể triệt phá các băng nhóm cho dù họ được tài trợ hàng chục triệu USD từ cộng đồng quốc tế. Theo Latin America Today, sau vụ Tổng thống Moise bị ám sát, cảnh sát Haiti đã bắt giữ hơn 40 nghi phạm nhưng không ai trong số đó bị đưa ra xét xử. Hồi tháng 5/2023, Giám đốc Cảnh sát quốc gia Haiti thừa nhận, hơn 1.000 sĩ quan đã bỏ việc vì đời sống bấp bênh.

Thực trạng báo động

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, trong năm 2023 các băng nhóm đã kiểm soát khoảng 80% diện tích thủ đô Haiti, gây ra 83% số vụ giết người với hàng trăm nạn nhân, thực hiện gần 300 vụ bắt cóc trẻ vị thành niên và phụ nữ… Bạo lực gia tăng khiến khoảng 128.000 người phải rời bỏ nhà cửa từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, chỉ riêng ở thủ đô Port-au-Prince đã có nửa triệu trẻ em không thể đến trường, 1.700 trường học phải đóng cửa, trong đó có hơn 500 trường biến thành nơi đóng quân của các băng nhóm. Không ít học sinh bị ép gia nhập các băng nhóm tội phạm dù có người chỉ mới 13 tuổi.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khoảng 5,2 triệu người, gần một nửa dân số Haiti đang phải sống phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo, trong đó có gần 3 triệu trẻ vị thành niên đang bị suy dinh dưỡng. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết, khoảng 100.000 người Haiti không được hỗ trợ lương thực trong nửa cuối năm 2023 do thiếu kinh phí. Người đứng đầu Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), bà Amy Pope nhấn mạnh, người dân Haiti “không có nơi nào để đi" và cho biết, khoảng 362.000 người, trong đó hơn một nửa là trẻ em hiện đang phải tìm nơi trú ẩn. Con số này đã tăng 15% kể từ đầu năm nay.

Hiện tại, Haiti đã cạn kiệt về lương thực, thực phẩm và xăng dầu bởi cảng chính ở thủ đô đã bị các băng nhóm phong tỏa. Thủ tướng Ariel Henry đang nỗ lực kêu gọi quốc tế đưa quân vào giúp giải tỏa cảng này. Tuy nhiên, người dân nước này lại hoài nghi về nỗ lực của chính phủ và cộng đồng quốc tế, bởi những chuyện xảy ra trong quá khứ đã chứng minh rằng, các lực lượng nước ngoài “mang lại nhiều vấn đề hơn là giải pháp”.

Phản ứng quốc tế

Rối loạn chính trị như một căn bệnh mãn tính tại Haiti và vụ tấn công vào nhà tù quốc gia mới đây khiến quốc tế lo lắng. Nhiều cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đã phải đóng cửa, sơ tán công dân như Mỹ, Pháp, Canada, Tây Ban Nha, Đức, EU... Nhiều chuyến bay cũng bị hủy bay tới Haiti hoặc đến thủ đô Port-au-Prince, bao gồm các hãng hàng không chủ chốt của khu vực như American Airlines, JetBlue và Spirit Airlines..

Trước nguy cơ bạo động, lật đổ chính phủ, ngày 4/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi quốc tế đẩy nhanh hỗ trợ, cung cấp tài chính cho sứ mệnh an ninh đa quốc gia do Liên hợp quốc bảo trợ tại Haiti. Cùng ngày, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) ra tuyên bố về tình hình an ninh, kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực hợp tác để khôi phục lại trật tự tại Haiti.

Ngày 11/3, CARICOM đã triệu tập khẩn cuộc họp khẩn tại Jamaica, mời đại diện Mỹ, Pháp, Canada và Liên hợp quốc tới dự để tìm giải pháp. Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố bổ sung 100 triệu USD tài trợ triển khai lực lượng đa quốc gia tới Haiti và 33 triệu USD viện trợ nhân đạo. Mỹ đồng thời đưa ra đề xuất được các lãnh đạo Caribbean và các bên liên quan nhất trí nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chính trị và “các bước cụ thể” để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Cùng ngày, Thủ tướng Ariel Henry tuyên bố qua video (do bị mắc kẹt ở Puerto Rico không thể về nước sau khi đến Kenya từ cuối tháng 2 để thúc đẩy sứ mệnh an ninh do Liên hợp quốc hậu thuẫn) đã chấp nhận từ chức. Ông Henry phát biểu: “Chính phủ mà tôi đang lãnh đạo sẽ từ chức ngay sau khi thành lập hội đồng chuyển tiếp” và “yêu cầu tất cả người dân Haiti bình tĩnh, làm mọi thứ có thể để hòa bình và ổn định trở lại nhanh nhất có thể”.

Việc các lãnh đạo CARICOM thống nhất được giải pháp chuyển đổi chính trị và Thủ tướng Henry chấp nhận từ chức, cùng với nỗ lực của cộng đồng quốc tế được kỳ vọng mở đường cho tiến trình hòa bình, mang lại ổn định cho đất nước và người dân Haiti vốn đang phải vật lộn với bạo lực và đói nghèo.

NGA LẦN ĐẦU TẬP KÍCH KÉP Ở ODESSA, 20 NGƯỜI CHẾT

Quân đội Nga phóng hai tên lửa cách quãng trong đòn tập kích kép đầu tiên ở Odessa, khiến ít nhất 20 người chết, trong đó có nhiều nhân viên cứu hộ.

Quan chức Ukraine cho biết tên lửa đầu tiên rơi xuống một công trình dân sự ở Odessa, phía nam nước này, vào sáng 15/3, khiến 6 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Khi nhận được tin báo, các nhân viên cứu hộ đổ tới hiện trường, nhưng họ trở thành nạn nhân của đòn tập kích kép, khi quả tên lửa thứ hai rơi xuống. Ít nhất 20 người thiệt mạng, trong đó có 8 nhân viên cứu hộ, và 70 người bị thương trong vụ tấn công.

"Đây là lần đầu tiên Odessa bị tập kích kép", Maryna Averina, phát ngôn viên cơ quan phụ trách các vấn đề khẩn cấp của Ukraine ở Odessa, nói.

Nhân chứng Maria Slisovska, 50 tuổi, sống gần nơi xảy ra vụ tập kích, cho biết trong đòn tấn công đầu tiên, cửa sổ nhà bà vẫn nguyên vẹn, nhưng khoảng 5 phút sau đó, khi xảy ra vụ tấn công thứ hai, trần nhà bị hư hại, trần thạch cao trong bếp sập xuống.

"Tạ ơn Chúa, mẹ tôi khi ấy không ở trong bếp", Slisovska kể lại.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi vụ tập kích kép nhằm vào Odessa là "hành động hèn nhát", thêm rằng lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm người sống sót dưới đống đổ nát.

"Lực lượng phòng vệ sẽ làm mọi thứ để Nga cảm nhận được cách chúng ta phản ứng chính đáng", ông Zelensky nói.

Đòn tập kích được tiến hành trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ trả đũa và "trừng phạt" Ukraine vì đã tấn công nhiều khu vực tại Nga để gây gián đoạn cuộc bầu cử tổng thống.

Các nhóm dân quân thân Ukraine gồm Quân đoàn Tự do Nga (FRL), Quân đoàn Tình nguyện Nga (RVC) và Tiểu đoàn Siberia những ngày qua nhiều lần vượt biên giới, tiến vào tỉnh Kursk, Belgorod của Nga dưới sự yểm trợ của xe tăng thiết giáp. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã ngăn chặn, đẩy lùi và gây thiệt hại nặng với các nhóm vũ trang thân Ukraine này.

Tuần trước, Ukraine cáo buộc Nga tập kích tên lửa vào Odessa khi phái đoàn Hy Lạp đang thăm cảng cùng Tổng thống Zelensky, khiến 5 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev sau đó cho biết Moskva không chủ đích tập kích đoàn xe của Tổng thống Ukraine, vì nếu đã lên kế hoạch thì không bao giờ bắn trượt.

Odessa là cảng quan trọng trong xuất khẩu ngũ cốc ở Ukraine và cũng là căn cứ chính của hải quân nước này trước khi nổ ra xung đột hồi tháng 2/2022. Một chỉ huy hải quân Ukraine cho hay Nga đã phóng hơn 880 máy bay không người lái (UAV) tấn công và hơn 170 tên lửa vào cơ sở hạ tầng cảng khu vực Odessa kể từ tháng 7/2023, sau khi Moskva rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hợp Quốc làm trung gian.

Nguồn: Dân Trí; Soha; VOA; Báo Quốc Tế; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang